Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 19

Chẳng điều gì có thể làm cho người công chính vấp ngã

Chẳng điều gì có thể làm cho người công chính vấp ngã

“Ai yêu luật pháp ngài được bình an tràn đầy; chẳng điều gì có thể làm cho họ vấp ngã”.THI 119:165.

BÀI HÁT 122 Hãy kiên định, không lay chuyển!

GIỚI THIỆU *

1, 2. Một tác giả từng nói gì, và bài này sẽ thảo luận điều gì?

Ngày nay, hàng triệu người nói họ tin nơi Chúa Giê-su nhưng lại không chấp nhận những điều ngài dạy (2 Ti 4:3, 4). Thực tế, một tác giả từng nói: “Nếu có một người giống như Chúa Giê-su sống giữa chúng ta ngày nay nói những điều Chúa Giê-su từng nói,... liệu chúng ta sẽ chối bỏ người ấy như người ta chối bỏ Chúa Giê-su hai ngàn năm trước không?... Nói chung, câu trả lời là có”.

2 Nhiều người vào thế kỷ thứ nhất nghe Chúa Giê-su giảng dạy và chứng kiến ngài làm phép lạ, nhưng họ không chịu đặt đức tin nơi ngài. Tại sao? Trong bài trước, chúng ta đã xem bốn lý do người ta bị vấp ngã bởi điều Chúa Giê-su nói và làm. Hãy cùng xem bốn lý do khác. Chúng ta cũng sẽ xem tại sao người ta ngày nay bác bỏ môn đồ Chúa Giê-su và làm thế nào để tránh bị vấp ngã.

(1) CHÚA GIÊ-SU KHÔNG THIÊN VỊ

Nhiều người bị vấp ngã vì Chúa Giê-su kết hợp với những người bị xem là kẻ tội lỗi. Những điều tương tự có thể khiến nhiều người ngày nay vấp ngã như thế nào? (Xem đoạn 3) *

3. Điều gì khiến một số người bị vấp ngã bởi Chúa Giê-su?

3 Khi sống trên đất, Chúa Giê-su kết hợp với người thuộc mọi tầng lớp. Ngài dùng bữa với người giàu và quyền thế nhưng ngài cũng dành nhiều thời gian cho người nghèo và người bị áp bức. Ngoài ra, ngài tỏ lòng trắc ẩn với người bị xem là “kẻ tội lỗi”. Một số người tự cho mình là công chính bị vấp ngã bởi điều Chúa Giê-su làm. Họ hỏi các môn đồ ngài: “Sao các anh lại ăn uống chung với bọn thu thuế và kẻ tội lỗi?”. Chúa Giê-su đáp lại họ: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ăn năn”.—Lu 5:29-32.

4. Theo nhà tiên tri Ê-sai, lẽ ra người Do Thái phải biết điều gì về Đấng Mê-si?

4 Kinh Thánh nói gì? Rất lâu trước khi Đấng Mê-si đến, nhà tiên tri Ê-sai báo trước ngài sẽ không được thế gian chấp nhận. Lời tiên tri nói: “Người bị khinh thường, thiên hạ xa lánh... Mặt người như thể bị che khuất khỏi chúng con. Người bị khinh thường và chúng con xem người chẳng ra gì” (Ê-sai 53:3). Đấng Mê-si sẽ bị “thiên hạ xa lánh”. Vì thế, lẽ ra những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất phải biết Chúa Giê-su sẽ bị chối bỏ.

5. Nhiều người ngày nay có quan điểm nào về các môn đồ Chúa Giê-su?

5 Chúng ta có thấy vấn đề tương tự ngày nay không? Có. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo sẵn lòng chấp nhận những người nổi trội, giàu có và được thế gian xem là khôn ngoan làm thành viên giáo đoàn của mình, dù những người ấy có đạo đức cũng như lối sống không phù hợp với tiêu chuẩn Đức Chúa Trời. Những nhà lãnh đạo ấy xem thường các tôi tớ thanh sạch về đạo đức và sốt sắng của Đức Giê-hô-va vì họ không nổi trội theo tiêu chuẩn của thế gian. Như Phao-lô nói, Đức Chúa Trời chọn những người “bị xem thường” (1 Cô 1:26-29). Tuy nhiên, đối với Đức Giê-hô-va, tất cả tôi tớ trung thành của ngài đều quý giá.

6. Làm sao để có cùng quan điểm với Chúa Giê-su, như nơi Ma-thi-ơ 11:25, 26?

6 Làm sao để tránh bị vấp ngã? (Đọc Ma-thi-ơ 11:25, 26). Đừng để mình bị ảnh hưởng bởi quan điểm của thế gian về dân Đức Chúa Trời. Hãy nhận biết rằng Đức Giê-hô-va chỉ dùng người khiêm nhường để thi hành ý muốn của ngài (Thi 138:6). Và hãy nghĩ đến biết bao điều ngài thực hiện qua những người mà thế gian xem là thiếu khôn ngoan hoặc không trí thức.

(2) CHÚA GIÊ-SU VẠCH TRẦN SỰ DẠY DỖ SAI LẦM

7. Tại sao Chúa Giê-su gọi người Pha-ri-si là kẻ đạo đức giả, và họ phản ứng thế nào?

7 Chúa Giê-su can đảm lên án các thực hành tôn giáo sai lầm vào thời ngài. Chẳng hạn, ngài vạch trần sự đạo đức giả của người Pha-ri-si, những người quan tâm đến cách thức rửa tay hơn là việc chăm sóc cha mẹ (Mat 15:1-11). Có lẽ các môn đồ Chúa Giê-su ngạc nhiên trước những lời ngài nói. Thực tế, họ hỏi ngài: “Thầy có biết người Pha-ri-si bị xúc phạm khi nghe Thầy nói như thế không?”. Ngài đáp: “Cây nào Cha tôi ở trên trời không trồng thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ. Họ là những kẻ dẫn đường đui mù. Nếu người mù dẫn người mù thì cả hai sẽ ngã xuống hố” (Mat 15:12-14). Chúa Giê-su không để phản ứng tiêu cực của giới lãnh đạo tôn giáo cản trở ngài nói lên sự thật.

8. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy không phải mọi niềm tin tôn giáo đều được Đức Chúa Trời chấp nhận?

8 Chúa Giê-su cũng vạch trần những dạy dỗ sai lầm. Ngài không nói rằng mọi niềm tin tôn giáo đều được Đức Chúa Trời chấp nhận. Thay vì thế, ngài nói nhiều người sẽ đi trên đường thênh thang dẫn đến sự hủy diệt, trong khi chỉ ít người đi trên đường chật dẫn đến sự sống (Mat 7:13, 14). Ngài cho thấy rõ một số người có vẻ như phụng sự Đức Chúa Trời nhưng thực tế thì không. Ngài cảnh báo: “Hãy coi chừng những kẻ tiên tri giả, là những kẻ đội lốt cừu đến với anh em nhưng bên trong là loài lang sói háu mồi. Nhờ trái của họ mà anh em sẽ nhận biết họ”.—Mat 7:15-20.

Nhiều người bị vấp ngã vì Chúa Giê-su lên án niềm tin và thực hành sai lầm. Những điều tương tự có thể khiến nhiều người ngày nay vấp ngã như thế nào? (Xem đoạn 9) *

9. Chúa Giê-su vạch trần một số dạy dỗ sai lầm nào?

9 Kinh Thánh nói gì? Kinh Thánh báo trước rằng ‘lòng sốt sắng dành cho nhà Đức Chúa Trời tiêu nuốt’ Đấng Mê-si (Thi 69:9; Giăng 2:14-17). Lòng sốt sắng ấy thúc đẩy Chúa Giê-su vạch trần niềm tin và thực hành tôn giáo sai lầm. Chẳng hạn, người Pha-ri-si tin rằng con người có linh hồn bất tử; Chúa Giê-su dạy rằng người chết chỉ như đang ngủ (Giăng 11:11). Người Sa-đu-sê phủ nhận sự sống lại; Chúa Giê-su làm bạn ngài là La-xa-rơ sống lại (Giăng 11:43, 44; Công 23:8). Người Pha-ri-si cho rằng mọi việc là do số phận hay thiên định; Chúa Giê-su dạy rằng con người có thể chọn phụng sự Đức Chúa Trời hoặc không.—Mat 11:28.

10. Tại sao nhiều người bị vấp ngã bởi những dạy dỗ của chúng ta?

10 Chúng ta có thấy vấn đề tương tự ngày nay không? Có. Nhiều người bị vấp ngã vì những dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh của chúng ta vạch trần niềm tin tôn giáo sai lầm. Giới lãnh đạo tôn giáo dạy giáo dân rằng Đức Chúa Trời trừng phạt người ác trong địa ngục. Họ dùng giáo lý sai lầm ấy để kiểm soát người ta. Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tình yêu thương, chúng ta vạch trần giáo lý sai lầm ấy. Giới lãnh đạo tôn giáo cũng dạy rằng con người có linh hồn bất tử. Nếu giáo lý này là đúng thì sự sống lại là không cần thiết. Chúng ta cho thấy giáo lý ấy bắt nguồn từ ngoại giáo. Và trái với giáo lý tiền định mà nhiều tôn giáo dạy, chúng ta dạy rằng con người có tự do ý chí và có thể chọn phụng sự Đức Chúa Trời. Giới lãnh đạo tôn giáo phản ứng ra sao? Thường thì họ rất tức tối!

11. Theo lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 8:45-47, Đức Chúa Trời đòi hỏi điều gì nơi dân ngài?

11 Làm sao để tránh bị vấp ngã? Nếu yêu mến chân lý, chúng ta phải tin và vâng theo lời của Đức Chúa Trời. (Đọc Giăng 8:45-47). Khác với Sa-tan Ác Quỷ, chúng ta đứng vững trong chân lý. Chúng ta không bao giờ thỏa hiệp niềm tin của mình (Giăng 8:44). Đức Chúa Trời đòi hỏi dân ngài “ghê tởm điều ác” và “bám lấy điều lành”, như Chúa Giê-su đã làm.—Rô 12:9; Hê 1:9.

(3) CHÚA GIÊ-SU BỊ NGƯỢC ĐÃI

Nhiều người bị vấp ngã vì Chúa Giê-su chết trên cây cột. Những điều tương tự có thể khiến nhiều người ngày nay vấp ngã như thế nào? (Xem đoạn 12) *

12. Tại sao cách Chúa Giê-su chết là cớ gây vấp ngã cho nhiều người Do Thái?

12 Chướng ngại khác khiến người Do Thái vào thời Chúa Giê-su bị vấp ngã là gì? Phao-lô nói: “Chúng ta giảng về Đấng Ki-tô bị xử tử trên cây cột, đối với dân Do Thái thì đó là cớ gây vấp ngã” (1 Cô 1:23). Tại sao cách Chúa Giê-su chết khiến nhiều người Do Thái bị vấp ngã? Vì đối với họ, việc Chúa Giê-su bị chết trên cây cột khiến ngài giống như một tội phạm và kẻ tội lỗi, chứ không phải là Đấng Mê-si.—Phục 21:22, 23.

13. Những người bị vấp ngã không nhận ra điều gì?

13 Những người Do Thái bị vấp ngã không nhận ra rằng Chúa Giê-su vô tội, bị vu oan và bị đối xử bất công. Những người chủ trì cuộc xét xử Chúa Giê-su không màng đến công lý. Tòa Tối Cao Do Thái được triệu tập gấp gáp và quy trình xét xử hoàn toàn trái với thường lệ (Lu 22:54; Giăng 18:24). Thay vì lắng nghe một cách khách quan những cáo buộc và bằng chứng chống lại Chúa Giê-su, chính những người xét xử lại tìm “chứng gian để buộc Chúa Giê-su vào tội chết”. Khi thủ đoạn đó thất bại, thầy tế lễ thượng phẩm cố tìm cách khiến Chúa Giê-su nói gì đó để bắt lỗi trong lời của ngài. Điều này hoàn toàn không phù hợp với tiêu chuẩn pháp lý thời bấy giờ (Mat 26:59; Mác 14:55-64). Sau khi Chúa Giê-su được sống lại, những kẻ xét xử bất chính ấy đã trả nhiều bạc cho các lính La Mã canh mộ Chúa Giê-su để lan truyền câu chuyện bịa đặt về lý do ngôi mộ bị trống rỗng.—Mat 28:11-15.

14. Kinh Thánh báo trước điều gì về cái chết của Đấng Mê-si?

14 Kinh Thánh nói gì? Dù nhiều người Do Thái vào thời Chúa Giê-su không nghĩ rằng Đấng Mê-si sẽ phải chết, nhưng hãy lưu ý điều đã được tiên tri trong Kinh Thánh: “Người đã đổ mạng sống đến chết và bị liệt kê vào hàng tội phạm; người đã mang lấy tội lỗi nhiều người và đã cầu thay cho các tội phạm” (Ê-sai 53:12). Vì thế, người Do Thái không có lý do để vấp ngã khi Chúa Giê-su bị xử tử như một kẻ tội lỗi.

15. Những cáo buộc nào về Nhân Chứng Giê-hô-va khiến một số người bị vấp ngã?

15 Chúng ta có thấy vấn đề tương tự ngày nay không? Chắc chắn có! Chúa Giê-su đã bị buộc tội và bị kết án bất công, và Nhân Chứng Giê-hô-va cũng bị đối xử bất công như thế. Hãy xem một vài ví dụ. Trong thập niên 1930 và 1940 tại Hoa Kỳ, sự tự do thờ phượng của chúng ta nhiều lần bị đưa ra tòa. Một số thẩm phán có thành kiến với chúng ta, và điều này được thấy rất rõ. Tại Quebec thuộc Canada, Giáo hội và chính quyền bắt tay với nhau để chống đối công việc của chúng ta. Nhiều công bố bị bỏ tù chỉ vì nói với người khác về Nước Trời. Vào thời Quốc Xã tại Đức, nhiều anh trẻ trung thành bị xử tử dưới chế độ tàn ác ấy. Trong những năm gần đây, nhiều anh em ở Nga bị kết án và bỏ tù vì thảo luận Kinh Thánh, một hoạt động bị gán là “cực đoan”. Thậm chí Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới trong tiếng Nga bị cấm và bị xem là “tài liệu cực đoan” vì bản dịch này dùng danh Giê-hô-va.

16. Theo 1 Giăng 4:1, tại sao chúng ta không nên để mình bị lừa dối bởi những chuyện bịa đặt về dân Đức Giê-hô-va?

16 Làm sao để tránh bị vấp ngã? Hãy tìm hiểu sự thật. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cảnh báo người nghe rằng họ sẽ bị một số người “vu cho đủ điều ác” (Mat 5:11). Sa-tan là nguồn của những lời nói dối ấy. Hắn gây ảnh hưởng đến những người chống đối để họ lan truyền lời vu khống đầy ác ý về những người yêu mến chân lý (Khải 12:9, 10). Chúng ta phải bác bỏ lời dối trá của người chống đối. Đừng bao giờ để những lời nói dối ấy khiến mình sợ hãi hoặc suy yếu đức tin.—Đọc 1 Giăng 4:1.

(4) CHÚA GIÊ-SU BỊ PHẢN BỘI VÀ BỎ RƠI

Nhiều người bị vấp ngã vì Chúa Giê-su bị Giu-đa phản bội. Những điều tương tự có thể khiến nhiều người ngày nay vấp ngã như thế nào? (Xem đoạn 17, 18) *

17. Những sự kiện xảy ra trước khi Chúa Giê-su chết đã có thể khiến một số người bị vấp ngã như thế nào?

17 Ngay trước khi chịu chết, Chúa Giê-su bị một trong 12 sứ đồ phản bội. Một sứ đồ khác chối bỏ Chúa Giê-su ba lần, và tất cả các sứ đồ đều bỏ ngài vào đêm trước khi ngài chết (Mat 26:14-16, 47, 56, 75). Chúa Giê-su không ngạc nhiên. Thậm chí ngài đã báo trước về điều này (Giăng 6:64; 13:21, 26, 38; 16:32). Khi thấy những điều ấy xảy ra, một số người đã có thể bị vấp ngã và suy nghĩ: “Nếu các sứ đồ của Chúa Giê-su xử sự như thế thì mình không muốn đi theo nhóm ấy!”.

18. Những sự kiện xung quanh cái chết của Chúa Giê-su làm ứng nghiệm các lời tiên tri nào?

18 Kinh Thánh nói gì? Nhiều thế kỷ trước, Đức Giê-hô-va tiết lộ trong Lời ngài rằng Đấng Mê-si sẽ bị phản bội vì 30 miếng bạc (Xa 11:12, 13). Kẻ phản bội sẽ là một trong những người thân cận của Chúa Giê-su (Thi 41:9). Nhà tiên tri Xa-cha-ri cũng viết: “Hãy đánh người chăn bầy, và bầy hãy tan lạc” (Xa 13:7). Thay vì bị vấp ngã bởi những sự kiện ấy, những người có lòng thành sẽ được củng cố đức tin khi thấy các lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su.

19. Những người có lòng thành nhận ra điều gì?

19 Chúng ta có thấy vấn đề tương tự ngày nay không? Có. Trong thời hiện đại, một số Nhân Chứng được nhiều người biết đến đã rời bỏ chân lý, trở thành kẻ bội đạo và cố lôi kéo người khác làm thế. Họ lan truyền những tin tiêu cực, nửa sự thật và lời nói dối trắng trợn về Nhân Chứng Giê-hô-va trên phương tiện truyền thông và Internet. Nhưng những người có lòng thành không bị vấp ngã. Ngược lại, họ nhận ra Kinh Thánh đã báo trước về những điều như thế.—Mat 24:24; 2 Phi 2:18-22.

20. Làm sao để tránh bị vấp ngã bởi những người rời bỏ chân lý? (2 Ti-mô-thê 4:4, 5)

20 Làm sao để tránh bị vấp ngã? Chúng ta cần giữ đức tin mạnh bằng cách đều đặn học hỏi, không ngừng cầu nguyện và tiếp tục bận rộn trong công việc Đức Giê-hô-va giao. (Đọc 2 Ti-mô-thê 4:4, 5). Nếu có đức tin, chúng ta sẽ không hoảng sợ khi nghe những tin tiêu cực (Ê-sai 28:16). Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va, Lời ngài và anh em đồng đạo sẽ giúp chúng ta tránh bị vấp ngã bởi những người rời bỏ chân lý.

21. Dù phần lớn người ta ngày nay bác bỏ thông điệp Kinh Thánh, nhưng chúng ta có thể tin chắc điều gì?

21 Vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người bị vấp ngã và chối bỏ Chúa Giê-su. Nhưng nhiều người khác đã theo ngài, trong số đó có ít nhất một thành viên của Tòa Tối Cao Do Thái và thậm chí là “rất nhiều thầy tế lễ” (Công 6:7; Mat 27:57-60; Mác 15:43). Tương tự ngày nay, hàng triệu người không bị vấp ngã. Tại sao? Vì họ biết và yêu mến những sự thật trong Kinh Thánh. Lời Đức Chúa Trời nói: “Ai yêu luật pháp ngài được bình an tràn đầy; chẳng điều gì có thể làm cho họ vấp ngã”.—Thi 119:165.

BÀI HÁT 124 Luôn trung thành

^ đ. 5 Bài trước đã thảo luận bốn lý do khiến người ta chối bỏ Chúa Giê-su trong quá khứ và tại sao người ta bác bỏ các môn đồ ngài ngày nay. Bài này sẽ xem xét bốn lý do khác. Cũng hãy xem tại sao những ai yêu mến Đức Giê-hô-va không để mình bị vấp ngã.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su dùng bữa với Ma-thi-ơ và người thu thuế.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su vác cây khổ hình.

^ đ. 66 HÌNH ẢNH: Giu-đa phản bội Chúa Giê-su bằng một cái hôn.