Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 20

Sách Khải huyền có nghĩa gì đối với các kẻ thù của Đức Chúa Trời?

Sách Khải huyền có nghĩa gì đối với các kẻ thù của Đức Chúa Trời?

“Những lời ấy quy tụ các vua lại một chỗ mà trong tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn”.—KHẢI 16:16.

BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi

GIỚI THIỆU *

1. Sách Khải huyền tiết lộ điều gì về dân Đức Chúa Trời?

 Sách Khải huyền tiết lộ rằng Nước Trời đã được thành lập và Sa-tan đã bị đuổi khỏi trời (Khải 12:1-9). Việc trục xuất này mang lại sự nhẹ nhõm cho các tầng trời, nhưng gây ra nhiều khó khăn cho chúng ta. Tại sao? Vì Sa-tan trút giận lên những người trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va ở trên đất.—Khải 12:12, 15, 17.

2. Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ lòng kiên định?

2 Làm thế nào để giữ lòng kiên định trước những đòn tấn công của Sa-tan? (Khải 13:10). Một điều giúp chúng ta là biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Chẳng hạn, trong sách Khải huyền, sứ đồ Giăng miêu tả về một số ân phước mà chúng ta sắp được hưởng. Một trong những ân phước đó là các kẻ thù của Đức Chúa Trời sẽ bị loại bỏ. Giờ đây, hãy xem sách Khải huyền miêu tả thế nào về các kẻ thù này và điều sẽ xảy đến với chúng.

NHỮNG KẺ THÙ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC MIÊU TẢ “BẰNG CÁC BIỂU TƯỢNG”

3. Một số biểu tượng được miêu tả trong sách Khải huyền là gì?

3 Ngay câu đầu tiên, sách Khải huyền cho biết thông tin trong sách này được truyền tải bằng “các biểu tượng” (Khải 1:1). Những kẻ thù của Đức Chúa Trời được miêu tả theo nghĩa tượng trưng. Chúng ta thấy một số con thú dữ. Chẳng hạn, có “một con thú dữ từ dưới biển lên”. Nó “có mười sừng và bảy đầu” (Khải 13:1). Theo sau nó là “một con thú dữ khác từ dưới đất lên”. Con thú ấy nói như một con rồng và “khiến lửa từ trời giáng xuống đất” (Khải 13:11-13). Rồi chúng ta thấy một con thú khác là “một con thú dữ sắc đỏ”, cưỡi trên lưng nó là một ả kỹ nữ. Ba con thú dữ này tượng trưng cho kẻ thù bấy lâu nay của Đức Giê-hô-va và Nước của ngài. Vì thế, việc nhận diện chúng là điều rất quan trọng.—Khải 17:1, 3.

BỐN CON THÚ KHỔNG LỒ

Chúng “từ biển lên”. (Đa 7:1-8, 15-17) Chúng tượng trưng cho những cường quốc thế giới có ảnh hưởng lớn đến dân Đức Chúa Trời bắt đầu vào thời Đa-ni-ên (Xem đoạn 4, 7)

4, 5. Đa-ni-ên 7:15-17 giúp chúng ta như thế nào để hiểu ý nghĩa của những biểu tượng này?

4 Trước khi có thể biết những kẻ thù này là ai, chúng ta cần hiểu các biểu tượng này có nghĩa gì. Bí quyết để hiểu điều đó là để chính Kinh Thánh giải thích Kinh Thánh. Nhiều biểu tượng trong sách Khải huyền đã được giải thích trong các sách khác của Kinh Thánh. Chẳng hạn, nhà tiên tri Đa-ni-ên có một giấc mơ nói về “bốn con thú khổng lồ từ biển lên” (Đa 7:1-3). Đa-ni-ên ghi lại ý nghĩa của chúng. Những con thú khổng lồ này tượng trưng cho bốn “vua”, hay bốn chính phủ. (Đọc Đa-ni-ên 7:15-17). Sự giải thích rõ ràng đó giúp chúng ta hiểu rằng những con thú được miêu tả trong sách Khải huyền hẳn cũng nói đến các thế lực chính trị.

5 Giờ đây, hãy xem xét một số biểu tượng được miêu tả trong sách Khải huyền. Khi làm thế, chúng ta sẽ thấy Kinh Thánh giúp mình ra sao để hiểu ý nghĩa của những biểu tượng này. Hãy bắt đầu với các con thú dữ. Trước hết, chúng ta sẽ xem chúng tượng trưng cho ai. Rồi hãy xem điều gì xảy ra với những con thú ấy. Cuối cùng, hãy xem những biến cố này có nghĩa gì cho chúng ta.

DANH TÍNH NHỮNG KẺ THÙ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC TIẾT LỘ

CON THÚ DỮ CÓ BẢY ĐẦU

Nó “từ dưới biển lên” và có bảy đầu, mười sừng và mười vương miện. (Khải 13:1-4) Nó tượng trưng cho tất cả các thế lực chính trị nắm quyền trên nhân loại trong suốt lịch sử. Bảy đầu của nó tượng trưng cho bảy cường quốc thế giới có ảnh hưởng lớn đến dân Đức Chúa Trời (Xem đoạn 6-8)

6. Con thú dữ có bảy đầu trong Khải huyền 13:1-4 tượng trưng cho ai?

6 Con thú dữ có bảy đầu tượng trưng cho ai? (Đọc Khải huyền 13:1-4). Chúng ta thấy rằng con thú này trông như con báo, nhưng có chân như chân gấu, miệng như miệng sư tử và có mười sừng. Bốn con thú được nói đến trong sách Đa-ni-ên chương 7 cũng có những đặc điểm này. Nhưng trong sách Khải huyền, những đặc điểm này chỉ thuộc về một con thú, chứ không phải bốn con thú riêng biệt. Con thú dữ ấy không chỉ tượng trưng cho một chính phủ hay cường quốc thế giới. Kinh Thánh nói rằng nó cai trị “trên mọi chi phái, mọi dân, mọi thứ tiếng cùng mọi nước”. Vì thế, nó có nhiều quyền lực hơn bất cứ chính phủ riêng lẻ nào (Khải 13:7). Vậy, con thú dữ này hẳn phải tượng trưng cho tất cả các thế lực chính trị nắm quyền trên nhân loại trong suốt lịch sử. *Truyền 8:9.

7. Mỗi đầu của con thú bảy đầu tượng trưng cho ai?

7 Mỗi đầu của con thú bảy đầu tượng trưng cho ai? Sách Khải huyền chương 17 giúp chúng ta tìm câu trả lời vì chương này miêu tả tượng của con thú được nói nơi Khải huyền chương 13. Khải huyền 17:10 cho biết: “Có bảy vị vua: Năm vua đã đổ, một vua hiện có, còn vua kia chưa đến; nhưng khi vua ấy đến thì phải ở lại một thời gian ngắn”. Trong tất cả các thế lực chính trị mà Sa-tan dùng, có bảy thế lực nổi trội được ví như “đầu”. Các thế lực này là những cường quốc thế giới có ảnh hưởng lớn đến dân Đức Chúa Trời. Đến thời của sứ đồ Giăng thì năm trong bảy thế lực này đã cai trị rồi, đó là Ai Cập, A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi Ba Tư và Hy Lạp. Cường quốc thế giới thứ sáu là La Mã vẫn đang cai trị khi Giăng nhận được sự mạc khải này. Vậy ai sẽ là đầu thứ bảy và là cường quốc thế giới cuối cùng?

8. Đầu thứ bảy của con thú dữ tượng trưng cho ai?

8 Như chúng ta sẽ xem, những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên giúp chúng ta nhận diện đầu thứ bảy và cũng là đầu cuối cùng của con thú dữ. Cường quốc thế giới nào đang cai trị trong thời kỳ cuối cùng này, tức trong “ngày của Chúa”? (Khải 1:10). Đó là cường quốc được hợp thành bởi vương quốc Anh và Hoa Kỳ, nói cách khác là cường quốc Anh Mỹ. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng đó là đầu thứ bảy của con thú dữ nơi Khải huyền 13:1-4.

CON THÚ DỮ CÓ HAI SỪNG NHƯ SỪNG CỦA CỪU CON

Nó “từ dưới đất lên” và “nói như một con rồng”. Nó “khiến lửa từ trời giáng xuống” và thực hiện những dấu lạ với tư cách là “kẻ tiên tri giả”. (Khải 13:11-15; 16:13; 19:20) Là con thú dữ có hai sừng và là kẻ tiên tri giả, cường quốc Anh Mỹ lừa gạt dân cư trên đất và bảo họ “tạc tượng con thú dữ” có bảy đầu và mười sừng (Xem đoạn 9)

9. Con thú dữ “có hai sừng như sừng của cừu con” tượng trưng cho ai?

9 Khải huyền chương 13 cho biết đầu thứ bảy này, tức cường quốc Anh Mỹ, cũng hành động như con thú dữ “có hai sừng như sừng của cừu con nhưng lại bắt đầu nói như một con rồng”. Con thú này “thực hiện những dấu lạ lớn, thậm chí khiến lửa từ trời giáng xuống đất trước mắt người ta” (Khải 13:11-15). Khải huyền chương 16 và 19 gọi con thú dữ này là “kẻ tiên tri giả” (Khải 16:13; 19:20). Đa-ni-ên cho biết điều tương tự, đó là cường quốc Anh Mỹ sẽ “mang đến sự hủy diệt kinh khiếp” (Đa 8:19, 23, 24, chú thích). Điều này đã xảy ra đúng như vậy trong Thế Chiến II. Hai quả bom nguyên tử được thả xuống Nhật Bản chấm dứt cuộc chiến ấy là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà khoa học Anh và Mỹ. Thật vậy, cường quốc Anh Mỹ như thể đã “khiến lửa từ trời giáng xuống đất”.

CON THÚ DỮ SẮC ĐỎ

Cưỡi trên lưng nó là một ả kỹ nữ, Ba-by-lôn Lớn. Nó được gọi là vị vua thứ tám. (Khải 17:3-6, 8, 11) Lúc đầu ả kỹ nữ kiểm soát con thú dữ này, nhưng sau này ả bị nó hủy diệt. Ả tượng trưng cho đế quốc tôn giáo sai lầm trên khắp thế giới. Ngày nay, con thú dữ này tượng trưng cho Liên hợp quốc, là tổ chức đẩy mạnh quyền lợi của hệ thống chính trị trên toàn cầu (Xem đoạn 10, 14-17)

10. “Tượng của con thú dữ” tượng trưng cho ai? (Khải huyền 13:14, 15; 17:3, 8, 11)

10 Kế tiếp chúng ta thấy một con thú dữ khác. Con thú này trông giống con thú dữ có bảy đầu nhưng lại có sắc đỏ. Nó được gọi là “tượng con thú dữ” và được miêu tả là “vị vua thứ tám”. * (Đọc Khải huyền 13:14, 15; 17:3, 8, 11). Kinh Thánh cho biết “vị vua” này sẽ xuất hiện, rồi biến mất và sau đó xuất hiện trở lại. Lời miêu tả này thật phù hợp với Liên hợp quốc, là tổ chức đẩy mạnh quyền lợi của hệ thống chính trị trên khắp thế giới! Lúc đầu tổ chức ấy xuất hiện với tên gọi Hội Quốc Liên. Rồi nó biến mất trong Thế Chiến II và sau đó xuất hiện trở lại với tên gọi Liên hợp quốc.

11. Các con thú dữ sẽ làm gì, và tại sao chúng ta không cần phải sợ chúng?

11 Qua lời tuyên truyền, các con thú dữ, tức các chính phủ, sẽ kích động người ta chống lại Đức Giê-hô-va và dân của ngài. Nói theo nghĩa tượng trưng, họ quy tụ “các vua trên khắp đất” cho cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn, tức “ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng” (Khải 16:13, 14, 16). Nhưng chúng ta không cần phải sợ. Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta là Đức Giê-hô-va sẽ nhanh chóng hành động để giải cứu tất cả những ai ủng hộ sự cai trị của ngài.—Ê-xê 38:21-23.

12. Điều gì sẽ xảy ra cho tất cả các con thú?

12 Điều gì sẽ xảy ra cho tất cả các con thú? Khải huyền 19:20 cho biết: “Con thú dữ bị bắt cùng với kẻ tiên tri giả, là kẻ làm các dấu lạ trước mặt con thú dữ để nhờ đó lừa gạt những người có dấu của con thú dữ và thờ tượng nó. Cả hai còn đang sống thì bị quăng vào hồ lửa có diêm sinh cháy bừng bừng”. Như vậy trong khi còn đang cai trị, những chính phủ này, là kẻ thù của Đức Chúa Trời, sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn.

13. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô đối mặt với thử thách nào từ các chính phủ thế gian?

13 Điều này có nghĩa gì cho chúng ta? Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta cần trung thành với Đức Chúa Trời và Nước của ngài (Giăng 18:36). Để làm thế, chúng ta phải giữ trung lập trong các vấn đề chính trị của thế gian. Việc giữ trung lập như thế có thể là điều vô cùng khó khăn vì các chính phủ thế gian đòi hỏi chúng ta ủng hộ họ, cả trong lời nói lẫn hành động. Những ai thỏa hiệp trước áp lực ấy sẽ nhận dấu của con thú dữ (Khải 13:16, 17). Tuy nhiên, bất cứ ai nhận dấu này sẽ không được Đức Giê-hô-va chấp nhận và không được hưởng sự sống vĩnh cửu (Khải 14:9, 10; 20:4). Vì vậy, dù gặp áp lực nào đi nữa, việc chúng ta giữ trung lập tuyệt đối thật quan trọng biết bao!

KẾT CUỘC NHỤC NHÃ DÀNH CHO ĐẠI KỸ NỮ

14. Như được nói nơi Khải huyền 17:3-5, sứ đồ Giăng thấy điều kinh ngạc nào tiếp theo?

14 Sứ đồ Giăng cho biết ông “vô cùng kinh ngạc” khi thấy một điều khác. Đó là gì? Ông thấy một phụ nữ cưỡi trên lưng một trong những con thú dữ tợn này (Khải 17:1, 2, 6). Ả được miêu tả là “đại kỹ nữ” và được gọi là “Ba-by-lôn Lớn”. Ả phạm tội “gian dâm” với “các vua trên đất”.—Đọc Khải huyền 17:3-5.

15, 16. “Ba-by-lôn Lớn” là ai, và làm thế nào chúng ta biết được điều đó?

15 “Ba-by-lôn Lớn” là ai? Người phụ nữ này không thể tượng trưng cho một tổ chức chính trị vì sách Khải huyền cho biết ả phạm tội gian dâm với giới lãnh đạo chính trị của thế gian (Khải 18:9). Việc ả cưỡi trên lưng con thú dữ cho thấy ả cố kiểm soát những nhà lãnh đạo này. Ngoài ra, ả không thể tượng trưng cho những thành phần thương mại của thế gian Sa-tan. Đó là vì nơi khác trong sách Khải huyền, những thành phần này được gọi là “các nhà buôn trên đất”.—Khải 18:11, 15, 16.

16 Trong Kinh Thánh, từ “kỹ nữ” và những từ tương tự có thể nói đến những người nhận mình thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng lại tham gia một hình thức của việc thờ thần tượng hoặc làm bạn với thế gian theo cách khác (1 Sử 5:25; Gia 4:4; các chú thích). Ngược lại, những ai trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời được gọi là “trinh nữ” hay “trong trắng” (2 Cô 11:2; Khải 14:4). Ba-by-lôn xưa là trung tâm của sự thờ phượng sai lầm. Vì thế, Ba-by-lôn Lớn hẳn phải tượng trưng cho mọi hình thức thờ phượng sai lầm. Thực tế, ả là đế quốc tôn giáo sai lầm trên khắp thế giới.—Khải 17:5, 18; xem bài “Ba-by-lôn Lớn là gì?” trên trang web jw.org.

17. Điều gì sẽ xảy ra cho Ba-by-lôn Lớn?

17 Điều gì sẽ xảy ra cho Ba-by-lôn Lớn? Khải huyền 17:16, 17 cho biết câu trả lời: “Mười cái sừng mà anh thấy cùng con thú dữ sẽ ghét ả kỹ nữ, làm cho ả xơ xác và trần truồng, ăn hết thịt ả rồi thiêu hủy trong lửa. Vì Đức Chúa Trời đã đặt vào lòng chúng ý tưởng để thi hành ý định của ngài”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va sẽ thúc đẩy các nước dùng con thú dữ sắc đỏ, tức Liên hợp quốc, để quay sang tấn công đế quốc tôn giáo sai lầm và hoàn toàn hủy diệt nó.—Khải 18:21-24.

18. Làm thế nào để đảm bảo là chúng ta hoàn toàn không dính líu đến Ba-by-lôn Lớn?

18 Điều này có nghĩa gì cho chúng ta? Chúng ta cần giữ “hình thức thờ phượng thanh sạch và không ô uế theo quan điểm của Đức Chúa Trời” (Gia 1:27). Chúng ta không bao giờ muốn để mình bị ảnh hưởng bởi các dạy dỗ sai lầm, những lễ ngoại giáo, tiêu chuẩn đạo đức dễ dãi và những thực hành ma thuật của Ba-by-lôn Lớn! Ngoài ra, chúng ta muốn tiếp tục kêu gọi người khác ‘ra khỏi Ba-by-lôn Lớn’ để họ có thể tránh dự phần tội lỗi với ả trước mắt Đức Chúa Trời.—Khải 18:4.

SỰ PHÁN XÉT DÀNH CHO KẺ THÙ LỚN NHẤT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

CON RỒNG MÀU ĐỎ NHƯ LỬA

Sa-tan ban quyền hành cho con thú dữ. (Khải 12:3, 9, 13; 13:4; 20:2, 10) Kẻ thù lớn nhất của Đức Giê-hô-va là Sa-tan sẽ bị quăng vào vực sâu trong 1.000 năm. Sau đó, hắn sẽ bị ném vào “hồ lửa và diêm sinh” (Xem đoạn 19, 20)

19. “Con rồng lớn màu đỏ như lửa” là ai?

19 Sách Khải huyền cũng nói đến “một con rồng lớn màu đỏ như lửa” (Khải 12:3). Con rồng này chiến đấu với Chúa Giê-su và các thiên sứ của ngài (Khải 12:7-9). Nó tấn công dân Đức Chúa Trời và ban quyền hành cho các con thú dữ, tức các chính phủ loài người (Khải 12:17; 13:4). Con rồng này là ai? Nó là “con rắn xưa kia, gọi là Ác Quỷ và Sa-tan” (Khải 12:9; 20:2). Hắn là kẻ đứng đằng sau tất cả những kẻ thù khác của Đức Giê-hô-va.

20. Điều gì sẽ xảy ra cho con rồng?

20 Điều gì sẽ xảy ra cho con rồng? Sách Khải huyền 20:1-3 cho biết một thiên sứ sẽ quăng Sa-tan vào vực sâu, là nơi tượng trưng cho tình trạng bị giam cầm. Trong thời gian bị giam cầm, Sa-tan sẽ “không lừa dối các nước được nữa, cho đến khi mãn hạn 1.000 năm”. Cuối cùng, Sa-tan và các quỷ sẽ bị quăng vào “hồ lửa và diêm sinh”, điều này có nghĩa là chúng sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn (Khải 20:10). Hãy tưởng tượng một thế giới không còn Sa-tan và các quỷ. Đó quả là thời kỳ tuyệt vời!

21. Tại sao những gì chúng ta đọc trong sách Khải huyền có thể khiến mình hạnh phúc?

21 Thật khích lệ biết bao khi hiểu được ý nghĩa của các biểu tượng này trong sách Khải huyền! Chúng ta không chỉ nhận diện được các kẻ thù của Đức Giê-hô-va mà còn biết điều gì sẽ xảy ra với chúng. Thật vậy, “hạnh phúc cho những người đọc lớn tiếng và những người nghe lời tiên tri này” (Khải 1:3). Tuy nhiên, sau khi tất cả kẻ thù của Đức Chúa Trời bị hủy diệt, những người trung thành sẽ được hưởng ân phước nào? Chúng ta sẽ thảo luận điều đó trong bài cuối của loạt bài này.

BÀI HÁT 23 Đức Giê-hô-va bắt đầu sự trị vì của ngài

^ đ. 5 Sách Khải huyền dùng biểu tượng để tiết lộ danh tính các kẻ thù của Đức Chúa Trời. Sách Đa-ni-ên giúp chúng ta hiểu những biểu tượng đó có nghĩa gì. Trong bài này, chúng ta sẽ so sánh một số lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên với những lời tiên tri tương tự trong sách Khải huyền. Khi làm thế, chúng ta có thể nhận diện các kẻ thù của Đức Chúa Trời. Sau đó, chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy đến với chúng.

^ đ. 6 Một yếu tố khác cho thấy con thú bảy đầu tượng trưng cho tất cả các thế lực chính trị là nó “có mười sừng”. Số mười thường được dùng trong Kinh Thánh để nói đến sự trọn vẹn.

^ đ. 10 Khác với con thú dữ đầu tiên, tượng của con thú này không có “vương miện” trên các sừng (Khải 13:1). Đó là vì nó “ra từ bảy” vua kia và có được quyền hành nhờ các vua này ban cho.—Xem bài “Con thú sắc đỏ nơi Khải huyền chương 17 là gì?” trên trang web jw.org.