Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 21

Sách Khải huyền có nghĩa gì cho tương lai anh chị?

Sách Khải huyền có nghĩa gì cho tương lai anh chị?

“A-men! Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến”.—KHẢI 22:20.

BÀI HÁT 142 Nắm chặt hy vọng của chúng ta

GIỚI THIỆU *

1. Tất cả mọi người cần đưa ra quyết định quan trọng nào?

 Người ta ngày nay phải đưa ra quyết định quan trọng: Họ sẽ ủng hộ Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị chính đáng của vũ trụ, hay họ sẽ ủng hộ kẻ thù độc ác của ngài là Sa-tan Ác Quỷ? Không ai có thể chọn đứng giữa. Lựa chọn mà họ đưa ra sẽ ảnh hưởng đến tương lai của họ (Mat 25:31-33, 46). Trong “hoạn nạn lớn”, họ sẽ được đánh dấu để được sống sót hay bị hủy diệt.—Khải 7:14; 14:9-11; Ê-xê 9:4, 6.

2. (a) Hê-bơ-rơ 10:35-39 khuyến khích chúng ta làm gì? (b) Sách Khải huyền giúp chúng ta như thế nào?

2 Đọc Hê-bơ-rơ 10:35-39. Nếu đã chọn ủng hộ sự cai trị của Đức Giê-hô-va, anh chị đã quyết định khôn ngoan. Giờ đây, anh chị rất muốn giúp người khác quyết định đúng. Để làm thế, anh chị có thể dùng thông tin trong sách Khải huyền. Sách đáng chú ý này tiết lộ điều sẽ xảy ra với những ai chống lại Đức Giê-hô-va, cũng như nêu bật ân phước dành cho những người trung thành ủng hộ sự cai trị của ngài. Chúng ta nên xem xét những sự thật quan trọng này. Làm thế sẽ củng cố lòng quyết tâm của chúng ta để tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng những gì mình học được để giúp người khác quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va và trung thành với ngài.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét hai câu hỏi: Điều gì đang chờ đón những ai ủng hộ sự cai trị của Đức Chúa Trời? Mặt khác, điều gì sẽ xảy ra cho những ai chọn ủng hộ con thú dữ sắc đỏ được miêu tả trong sách Khải huyền?

ĐIỀU GÌ CHỜ ĐÓN NHỮNG NGƯỜI TRUNG THÀNH?

4. Sứ đồ Giăng thấy nhóm nào ở cùng Chúa Giê-su trên trời?

4 Trong một khải tượng, sứ đồ Giăng thấy hai nhóm ủng hộ sự cai trị của Đức Giê-hô-va và nhận được ân phước là sự sống vĩnh cửu. Nhóm đầu tiên gồm 144.000 người (Khải 7:4). Họ được chọn từ trái đất để cùng với Chúa Giê-su hợp thành một chính phủ, hay một Nước, trên trời. Cùng với ngài, họ sẽ cai trị cả trái đất (Khải 5:9, 10; 14:3, 4). Trong khải tượng, Giăng thấy họ đang đứng cùng với Chúa Giê-su trên núi Si-ôn ở trên trời.—Khải 14:1.

5. Điều gì sắp xảy ra cho những người còn lại thuộc 144.000 người?

5 Qua nhiều thế kỷ, hàng ngàn người được chọn vào nhóm 144.000 người (Lu 12:32; Rô 8:17). Tuy nhiên, Giăng được cho biết chỉ còn số ít người thuộc nhóm ấy sẽ vẫn ở trên đất trong những ngày sau cùng. Trước khi hoạn nạn lớn bùng nổ, “những người còn lại” này sẽ được “đóng dấu” lần cuối cùng cho thấy Đức Giê-hô-va chấp nhận họ (Khải 7:2, 3; 12:17). Rồi tại một thời điểm trong hoạn nạn lớn, họ sẽ được cất lên trời để hợp với số còn lại thuộc 144.000 người, là những người trước đó đã chết trung thành. Trên trời, họ sẽ cùng với Chúa Giê-su cai trị Nước Đức Chúa Trời.—Mat 24:31; Khải 5:9, 10.

6, 7. (a) Giăng thấy nhóm nào tiếp theo, và chúng ta biết gì về họ? (b) Tại sao cả tín đồ được xức dầu còn sót lại và “đám đông lớn” nên quan tâm đến Khải huyền chương 7?

6 Sau khi nhìn thấy nhóm ở trên trời, Giăng thấy “một đám đông lớn”. Khác với nhóm 144.000 người, nhóm này không có con số xác định (Khải 7:9, 10). Chúng ta biết gì về họ? Giăng được cho biết: “Đó là những người vượt qua hoạn nạn lớn, họ đã giặt và tẩy trắng áo mình trong huyết Chiên Con” (Khải 7:14). Sau khi được sống sót qua hoạn nạn lớn, “đám đông lớn” này sẽ sống trên đất và hưởng những ân phước tuyệt diệu.—Thi 37:9-11, 27-29; Châm 2:21, 22; Khải 7:16, 17.

7 Dù được chọn lên trời hay vẫn sẽ sống trên đất, chúng ta có thấy chính mình trong những lời miêu tả nơi Khải huyền chương 7 không? Chúng ta nên thấy mình trong đó. Lúc ấy sẽ là một thời kỳ đầy hào hứng đối với cả hai nhóm tôi tớ Đức Chúa Trời! Chúng ta sẽ vô cùng vui mừng vì đã chọn ủng hộ sự cai trị của Đức Giê-hô-va. Sách Khải huyền còn cho biết điều gì khác về hoạn nạn lớn?—Mat 24:21.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA CHO NHỮNG KẺ CHỐNG ĐỐI ĐỨC CHÚA TRỜI?

8. Hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu như thế nào, và phần lớn người ta sẽ phản ứng ra sao?

8 Như được đề cập trong bài trước, các thành phần chính trị của thế gian sắp tấn công Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm (Khải 17:16, 17). Hành động ấy sẽ đánh dấu sự khởi đầu của hoạn nạn lớn. Liệu điều này sẽ khiến nhiều người quay sang thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Không. Ngược lại, Khải huyền chương 6 cho thấy vào thời điểm đó, những ai không phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ tìm sự che chở nơi các thành phần chính trị và thương mại của thế gian được ví như núi. Vì những người ấy không ủng hộ Nước Đức Chúa Trời nên Đức Giê-hô-va sẽ xem họ là những kẻ chống đối.—Lu 11:23; Khải 6:15-17.

9. Dân Đức Chúa Trời sẽ khác biệt như thế nào trong hoạn nạn lớn, và kết quả là gì?

9 Thật vậy, những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va sẽ hoàn toàn khác biệt trong thời điểm hoạn nạn đầy khó khăn đó. Họ sẽ vẫn là nhóm người duy nhất trên đất phụng sự Đức Giê-hô-va và từ chối ủng hộ “con thú dữ” (Khải 13:14-17). Lập trường kiên định của họ khiến cho những kẻ chống đối Đức Giê-hô-va giận dữ. Kết quả là một liên minh các nước sẽ tấn công dân Đức Chúa Trời trên khắp đất. Kinh Thánh gọi đây là cuộc tấn công của Gót ở xứ Ma-gót.—Ê-xê 38:14-16.

10. Như được nói nơi Khải huyền 19:19-21, Đức Giê-hô-va sẽ phản ứng ra sao trước cuộc tấn công nhắm vào dân ngài?

10 Đức Giê-hô-va sẽ phản ứng ra sao trước cuộc tấn công tàn ác này? Ngài cho biết: “Cơn giận dữ ta sẽ nổi phừng lên” (Ê-xê 38:18, 21-23). Khải huyền chương 19 cho biết điều xảy ra kế tiếp. Đức Giê-hô-va sẽ phái Con ngài bảo vệ dân ngài và đánh bại kẻ thù của họ. Cùng tham gia cuộc chiến này với Chúa Giê-su sẽ là “đạo quân trên trời” gồm các thiên sứ trung thành và 144.000 người (Khải 17:14; 19:11-15). Kết cuộc của trận chiến này là gì? Tất cả những người và tổ chức chống lại Đức Giê-hô-va sẽ bị hủy diệt hoàn toàn!—Đọc Khải huyền 19:19-21.

MỘT LỄ CƯỚI SAU CUỘC CHIẾN

11. Sự kiện đặc biệt nào là cực điểm của sách Khải huyền?

11 Hãy hình dung những người trung thành trên đất sẽ cảm thấy thế nào khi được sống sót sau khi tất cả kẻ thù của Đức Chúa Trời bị hủy diệt! Đó quả là thời kỳ đầy vui mừng! Dù có tiếng reo mừng lớn trên trời khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, nhưng sẽ có một điều khác mang lại niềm vui hơn thế (Khải 19:1-3). Đó là “lễ cưới của Chiên Con”, cực điểm của sách Khải huyền.—Khải 19:6-9.

12. Theo Khải huyền 21:1, 2, lễ cưới của Chiên Con sẽ diễn ra khi nào?

12 Khi nào lễ cưới này diễn ra? Tất cả 144.000 người sẽ ở trên trời ngay trước khi cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ. Dù vậy, đó chưa phải là thời điểm cho lễ cưới của Chiên Con. (Đọc Khải huyền 21:1, 2). Lễ cưới này sẽ diễn ra sau cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn khi tất cả kẻ thù của Đức Chúa Trời bị hủy diệt.—Thi 45:3, 4, 13-17.

13. Lễ cưới của Chiên Con có nghĩa gì cho những ai dự phần?

13 Lễ cưới của Chiên Con có nghĩa gì cho những ai dự phần? Như một lễ cưới kết hợp người nam và người nữ, thì lễ cưới theo nghĩa tượng trưng này kết hợp Vua là Chúa Giê-su Ki-tô với “cô dâu” của ngài là 144.000 người. Sự kiện quan trọng đó khởi sự việc Chúa Giê-su cùng với 144.000 người bắt đầu cai trị trái đất trong 1.000 năm.—Khải 20:6.

MỘT THÀNH VINH HIỂN VÀ TƯƠNG LAI CỦA ANH CHỊ

Khải huyền chương 21 miêu tả về thành tượng trưng là Giê-ru-sa-lem Mới “từ nơi Đức Chúa Trời ở trên trời xuống”. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, thành này sẽ mang đến vô vàn ân phước cho nhân loại biết vâng lời (Xem đoạn 14-16)

14, 15. Khải huyền chương 21 ví 144.000 người với điều gì? (Xem hình nơi trang bìa).

14 Kế tiếp, Khải huyền chương 21 ví 144.000 người với một thành tuyệt đẹp được gọi là “Giê-ru-sa-lem Mới” (Khải 21:2, 9). Thành này có 12 đá nền, trên đó viết “12 tên của 12 sứ đồ của Chiên Con”. Tại sao điều này thu hút sự chú ý của Giăng? Vì ông thấy tên của mình được viết trên một trong những đá nền đó. Quả là đặc ân cao quý!—Khải 21:10-14; Ê-phê 2:20.

15 Thành theo nghĩa tượng trưng này không giống với bất cứ thành nào khác. Nó có hình khối lập phương với kích thước hoàn hảo, có đường chính làm bằng vàng ròng, 12 cổng làm bằng ngọc trai, các bức tường và nền được trang hoàng bằng đá quý (Khải 21:15-21). Nhưng Giăng thấy thiếu điều gì đó. Hãy để ý điều ông nói tiếp theo: “Tôi không thấy đền thờ trong đó, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời Toàn Năng là đền thờ của thành và Chiên Con cũng vậy. Thành ấy không cần mặt trời hay mặt trăng chiếu sáng vì có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời soi sáng, và ngọn đèn của thành là Chiên Con” (Khải 21:22, 23). Những ai hợp thành Giê-ru-sa-lem Mới sẽ được gặp Đức Giê-hô-va trực tiếp. Thế nên, họ không cần một đền thờ nữa (Khải 22:3, 4). Ngoài ra, họ được Chúa Giê-su, đấng đã trở thành thầy tế lễ thượng phẩm trên trời, dẫn đầu trong việc phụng sự Đức Chúa Trời (Hê 7:27). Vì những lý do này, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su được miêu tả là đền thờ trong thành ấy.

Ai sẽ nhận lợi ích từ những sự cung cấp được tượng trưng bởi ‘dòng sông’ và “cây”? (Xem đoạn 16, 17)

16. Ân phước nào đang chờ đón những người sống trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Nước Trời?

16 Thật hào hứng cho những người được xức dầu khi nghĩ về thành này. Nhưng những ai có hy vọng sống trên đất cũng nên quan tâm đến thành ấy. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Nước Trời, Giê-ru-sa-lem Mới sẽ mang lại vô vàn ân phước. Giăng thấy những ân phước này tuôn tràn như một “sông nước sự sống”. Hai bên bờ của dòng sông ấy là “những cây sự sống”, lá của những cây ấy được dùng “để chữa lành các nước” (Khải 22:1, 2). Rồi cả nhân loại sẽ có cơ hội nhận lợi ích từ những sự cung cấp này. Với thời gian, cả nhân loại biết vâng lời sẽ trở nên hoàn hảo. Lúc đó, sẽ không còn bệnh tật, đau đớn hay những giọt lệ đau buồn.—Khải 21:3-5.

17. Theo Khải huyền 20:11-13, ai sẽ nhận được lợi ích trong Triều Đại Một Ngàn Năm?

17 Ai sẽ nhận được lợi ích từ những sự cung cấp tuyệt vời này? Trước tiên, đó là đám đông lớn được sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn và những người có lẽ được sinh ra trong thế giới mới. Nhưng Khải huyền chương 20 cũng hứa rằng người chết sẽ được sống lại. (Đọc Khải huyền 20:11-13). Những người “công chính” trung thành đã qua đời trong quá khứ và những người “không công chính”, là những người chưa có cơ hội học về Đức Giê-hô-va, sẽ được sống lại trên đất (Công 24:15; Giăng 5:28, 29). Phải chăng điều này có nghĩa là tất cả mọi người sẽ được sống lại trong Triều Đại Một Ngàn Năm? Không. Những người cố tình bác bỏ cơ hội phụng sự Đức Giê-hô-va trước khi chết sẽ không được sống lại. Họ đã từng được cho cơ hội nhưng họ cho thấy rằng mình không xứng đáng sống trong địa đàng.—Mat 25:46; 2 Tê 1:9; Khải 17:8; 20:15.

THỬ THÁCH CUỐI CÙNG

18. Những người sống trên đất sẽ ở trong tình trạng nào vào cuối 1.000 năm?

18 Đến cuối 1.000 năm, tất cả những người sống trên đất sẽ đạt đến sự hoàn hảo. Sẽ không còn ai bị ảnh hưởng bởi tội lỗi di truyền từ A-đam (Rô 5:12). Sự rủa sả mà tội lỗi A-đam gây ra sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn. Nhờ thế, những người sống trên đất sẽ được “sống lại” với tư cách là những người hoàn hảo vào cuối 1.000 năm.—Khải 20:5.

19. Tại sao cần có thử thách cuối cùng?

19 Chúng ta biết rằng Chúa Giê-su đã giữ trung thành với Đức Chúa Trời ngay cả khi bị Sa-tan thử thách. Nhưng phải chăng tất cả những người hoàn hảo sẽ sẵn sàng làm thế khi Sa-tan được cho cơ hội thử thách họ không? Mỗi người sẽ có thể trả lời cho chính mình câu hỏi đó khi hắn được thả ra khỏi vực sâu vào cuối 1.000 năm (Khải 20:7). Những ai chứng tỏ lòng trung thành qua thử thách cuối cùng này sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu và được hưởng sự tự do thật (Rô 8:21). Còn những ai phản nghịch Đức Chúa Trời sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn cùng với Sa-tan và các quỷ của hắn.—Khải 20:8-10.

20. Anh chị cảm thấy thế nào về những lời tiên tri đầy thú vị trong sách Khải huyền?

20 Anh chị cảm thấy thế nào khi xem khái quát về sách Khải huyền? Anh chị có hào hứng khi thấy chính mình trong những lời tiên tri đáng kinh ngạc này không? Chẳng phải điều này thôi thúc anh chị mời người khác cùng chúng ta tham gia vào sự thờ phượng thanh sạch hay sao? (Khải 22:17). Sau khi xem xét những biến cố đầy hào hứng trong tương lai, chúng ta được động lòng và muốn nói như sứ đồ Giăng: “A-men! Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến”.—Khải 22:20.

BÀI HÁT 27 Các con của Đức Chúa Trời được tỏ lộ

[Chú thích]

^ đ. 5 Đây là bài cuối trong loạt bài về sách Khải huyền. Trong bài này, chúng ta sẽ học được rằng những người giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va sẽ hưởng một tương lai tươi sáng, còn những ai chống lại sự cai trị của ngài sẽ phải lãnh lấy kết cuộc nhục nhã.