BÀI HỌC 21
Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện như thế nào?
“Chúng ta biết mình sẽ được những điều ấy, vì đã xin ngài”.—1 GIĂNG 5:15.
BÀI HÁT 41 Xin nghe lời cầu nguyện của con
GIỚI THIỆU a
1, 2. Liên quan đến lời cầu nguyện, có lẽ chúng ta băn khoăn điều gì?
Đã bao giờ anh chị băn khoăn không biết Đức Giê-hô-va có đáp lời cầu nguyện của mình không? Nếu thế, anh chị không phải là người duy nhất. Nhiều anh em có cùng nỗi băn khoăn đó, nhất là khi họ gặp vấn đề khó khăn. Nếu đang đương đầu với một thử thách, có thể chúng ta cũng thấy khó nhận ra cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình.
2 Hãy xem tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của những người thờ phượng ngài (1 Giăng 5:15). Chúng ta cũng xem xét những câu hỏi sau: Tại sao có những lúc dường như Đức Giê-hô-va không đáp lời cầu nguyện của chúng ta? Ngày nay ngài đáp lời cầu nguyện qua những cách nào?
CÓ THỂ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÔNG ĐÁP LỜI THEO CÁCH CHÚNG TA MONG ĐỢI
3. Tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cầu nguyện với ngài?
3 Kinh Thánh đảm bảo là Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta sâu đậm và chúng ta quý báu đối với ngài (Ha-gai 2:7; 1 Giăng 4:10). Vì thế, ngài mời chúng ta cầu nguyện để xin ngài giúp đỡ (1 Phi 5:6, 7). Ngài muốn giúp chúng ta gần gũi với ngài và đối phó thành công với những khó khăn thử thách.
4. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của những người thờ phượng ngài? (Cũng xem hình).
4 Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy nhiều lần Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của những người thờ phượng ngài. Anh chị có nghĩ đến ví dụ nào không? Hãy xem trường hợp của Đa-vít. Trong suốt cuộc đời, ông đối mặt với nhiều kẻ thù nguy hiểm, và ông thường cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ qua lời cầu nguyện. Vào một dịp, ông nài xin: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin nghe lời con nguyện cầu; xin lắng tai nghe tiếng con van nài giúp đỡ. Xin đáp lời con theo đức thành tín và công chính ngài” (Thi 143:1). Đức Giê-hô-va đáp lời khi Đa-vít cầu xin sự giải cứu (1 Sa 19:10, 18-20; 2 Sa 5:17-25). Vì thế, Đa-vít có thể tự tin nói: “Đức Giê-hô-va ở gần hết thảy người kêu cầu ngài”. Chúng ta cũng có thể tin chắc như thế.—Thi 145:18.
5. Vào thời xưa, lời cầu nguyện của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có luôn được đáp lại theo cách họ mong đợi không? Hãy nêu ví dụ. (Cũng xem hình).
5 Có thể Đức Giê-hô-va không đáp lời cầu nguyện của chúng ta theo cách mình mong đợi. Điều này xảy ra trong trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Ông xin Đức Chúa Trời loại bỏ “một cái gai xóc vào thịt”. Vào ba dịp, Phao-lô cầu nguyện cụ thể về vấn đề khó đương đầu này. Đức Giê-hô-va có đáp lại những lời cầu nguyện đó không? Có, nhưng không theo cách mà Phao-lô mong đợi. Thay vì loại bỏ vấn đề, Đức Giê-hô-va ban cho ông sức mạnh cần thiết để tiếp tục trung thành phụng sự ngài.—2 Cô 12:7-10.
6. Tại sao có những lúc dường như Đức Giê-hô-va không đáp lời cầu nguyện của chúng ta?
6 Đôi khi, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không được đáp lại theo cách mình mong đợi. Hãy tin chắc là Đức Giê-hô-va biết chính xác cách tốt nhất để giúp chúng ta, thậm chí ngài “có thể làm nhiều hơn gấp bội mọi điều chúng ta cầu xin hay tưởng tượng” (Ê-phê 3:20). Vì thế, có thể ngài đáp lời cầu nguyện của chúng ta vào thời điểm và theo cách không như mình mong đợi.
7. Tại sao có lẽ chúng ta cần thay đổi điều mình cầu xin? Hãy nêu ví dụ.
7 Có lẽ chúng ta cần thay đổi điều mình cầu xin khi thấy rõ hơn ý muốn của Đức Giê-hô-va. Hãy xem kinh nghiệm của anh Martin Poetzinger. Không lâu sau khi kết hôn, anh bị giam trong một trại tập trung của Quốc Xã. Lúc đầu, anh xin Đức Giê-hô-va giúp anh được trả tự do để anh có thể chăm sóc cho vợ và trở lại với công việc rao giảng. Tuy nhiên, sau hai tuần, anh vẫn không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ Đức Giê-hô-va mở đường để anh ra khỏi trại. Vì thế, anh bắt đầu cầu nguyện: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin cho con biết ngài muốn con làm gì”. Rồi anh nghĩ về điều mà những anh khác trong trại tập trung đang phải đương đầu. Nhiều người trong số họ rất lo lắng cho vợ con. Rồi anh cầu nguyện: “Lạy Đức Giê-hô-va, con cảm tạ ngài về nhiệm sở mới này. Xin giúp con khích lệ và làm vững mạnh anh em”. Đó chính là điều mà anh đã làm trong chín năm ở trong trại.
8. Chúng ta cần nhớ điều quan trọng nào khi cầu nguyện?
8 Chúng ta cần nhớ là Đức Giê-hô-va có một ý định, và ngài sẽ thực hiện theo lịch trình mà ngài đã đặt ra. Ý định đó bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn mọi vấn đề gây ra biết bao đau khổ ngày nay, chẳng hạn như thảm họa thiên nhiên, bệnh tật và cái chết. Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành ý định của ngài qua Nước Trời (Đa 2:44; Khải 21:3, 4). Nhưng từ nay cho đến lúc đó, ngài cho phép Sa-tan cai trị thế gian này b (Giăng 12:31; Khải 12:9). Nếu Đức Giê-hô-va giải quyết các vấn đề của nhân loại ngay bây giờ, thì có vẻ như sự cai trị của Sa-tan thành công phần nào. Vì thế, chúng ta cần đợi Đức Giê-hô-va thực hiện một số lời hứa của ngài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngài không giúp đỡ chúng ta. Hãy xem một số cách mà Đức Giê-hô-va trợ giúp chúng ta.
MỘT SỐ CÁCH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÁP LẠI LỜI CẦU NGUYỆN NGÀY NAY
9. Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta như thế nào khi đứng trước một quyết định? Hãy nêu ví dụ.
9 Ngài ban sự khôn ngoan. Đức Giê-hô-va hứa ban cho chúng ta sự khôn ngoan mà mình cần để đưa ra những quyết định sáng suốt. Chúng ta đặc biệt cần sự khôn ngoan của ngài khi đưa ra những quyết định sẽ ảnh hưởng đến quãng đời còn lại của mình, chẳng hạn tiếp tục sống độc thân hay sẽ kết hôn (Gia 1:5). Hãy xem kinh nghiệm của một chị độc thân tên Maria. c Khi đang vui mừng làm tiên phong đều đều thì chị đã gặp một anh. Chị cho biết: “Càng chơi thân với nhau, chúng tôi càng thích nhau. Tôi biết là mình phải đưa ra quyết định. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều về vấn đề này. Tôi cần sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, nhưng tôi cũng biết là ngài sẽ không quyết định thay cho mình”. Chị cảm thấy Đức Giê-hô-va đã đáp lại khi chị cầu xin sự khôn ngoan. Như thế nào? Khi tra cứu trong ấn phẩm, chị tìm được đúng những bài giúp chị giải đáp các câu hỏi của mình. Chị cũng suy ngẫm về lời khuyên khôn ngoan của mẹ chị, một Nhân Chứng trung thành. Lời khuyên đó đã giúp chị Maria xem xét cảm xúc của mình. Cuối cùng, chị đã có thể đưa ra quyết định khôn ngoan.
10. Theo Phi-líp 4:13, Đức Giê-hô-va sẽ làm gì để giúp những người thờ phượng ngài? Hãy nêu ví dụ. (Cũng xem hình).
10 Ngài ban sức mạnh để chịu đựng. Giống như trong trường hợp của sứ đồ Phao-lô, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chịu đựng thử thách. (Đọc Phi-líp 4:13). Hãy xem ngài đã giúp một anh tên Benjamin như thế nào để chịu đựng hoàn cảnh khó khăn. Phần lớn tuổi trẻ của mình, anh và gia đình sống trong các trại tị nạn ở châu Phi. Anh nói: “Tôi luôn cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, xin ngài ban cho mình sức mạnh để làm điều đẹp lòng ngài. Đức Giê-hô-va đã đáp lại những lời cầu nguyện của tôi bằng cách ban cho tôi sự bình an tâm trí, lòng can đảm để tiếp tục rao giảng và những ấn phẩm giúp tôi giữ vững tình trạng thiêng liêng”. Anh nói tiếp: “Khi đọc những kinh nghiệm của anh em đồng đạo và biết được cách Đức Giê-hô-va đã giúp họ chịu đựng, tôi càng quyết tâm giữ trung thành”.
11, 12. Đức Giê-hô-va có thể dùng gia đình thiêng liêng như thế nào để đáp lời cầu nguyện của chúng ta? (Cũng xem hình).
11 Ngài dùng gia đình thiêng liêng. Vào đêm trước khi hy sinh mạng sống, Chúa Giê-su đã cầu nguyện tha thiết. Ngài nài xin Đức Giê-hô-va không để ngài bị xem là kẻ phạm thượng và bị kết án vì tội đó. Thay vì đáp lại theo cách Chúa Giê-su nài xin, Đức Giê-hô-va đã giúp ngài bằng cách phái một thiên sứ và cũng là anh em của ngài đến làm ngài vững lòng (Lu 22:42, 43). Đức Giê-hô-va cũng có thể giúp chúng ta qua cuộc gọi hoặc cuộc viếng thăm khích lệ của một anh chị nào đó. Tất cả chúng ta đều có thể tìm cơ hội để nói “một lời lành” với anh em đồng đạo.—Châm 12:25.
12 Hãy xem kinh nghiệm của một chị tên Miriam. Vài tuần sau khi người chồng qua đời, chị Miriam ở nhà một mình. Chị cảm thấy đơn độc và buồn nản. Chị khóc nức nở và cần nói chuyện với ai đó. Chị kể: “Tôi không đủ sức để gọi điện cho bất cứ ai nên tôi đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Trong khi tôi vừa khóc vừa cầu nguyện thì chuông điện thoại kêu. Đó là một trưởng lão và là người bạn yêu dấu”. Chị Miriam đã nhận được sự an ủi từ anh trưởng lão ấy và vợ anh. Chị tin chắc là Đức Giê-hô-va thúc đẩy anh trưởng lão ấy gọi điện cho chị.
13. Hãy nêu ví dụ về cách Đức Giê-hô-va có thể dùng người không thờ phượng ngài để đáp lời cầu nguyện của chúng ta.
13 Ngài có thể dùng những người không thờ phượng ngài (Châm 21:1). Đôi khi, Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của dân ngài bằng cách thúc đẩy những người không thờ phượng ngài giúp đỡ họ. Chẳng hạn, ngài đã thúc đẩy vua Ạt-ta-xét-xe chấp thuận lời thỉnh cầu của Nê-hê-mi là được trở về Giê-ru-sa-lem để giúp xây lại thành (Nê 2:3-6). Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng có thể thúc đẩy ngay cả những người không thờ phượng ngài giúp đỡ khi chúng ta cần.
14. Kinh nghiệm của chị Soo Hing khích lệ anh chị như thế nào? (Cũng xem hình).
14 Một chị tên Soo Hing cảm thấy Đức Giê-hô-va đã giúp chị qua một bác sĩ. Con trai của chị bị nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Khi con gặp một tai nạn nghiêm trọng, vợ chồng chị phải nghỉ việc để chăm sóc cho con. Vì thế, họ gặp khó khăn về tài chính. Chị Soo Hing căng thẳng đến mức gần như không thể chịu nổi. Chị đã trút đổ lòng cho Đức Giê-hô-va, xin ngài giúp đỡ. Rồi một bác sĩ đã tìm cách giúp đỡ gia đình chị. Kết quả là họ nhận được sự trợ giúp từ chính phủ và có được một chỗ ở vừa túi tiền. Chị Soo Hing nói: “Chúng tôi đã thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va trong vấn đề này. Ngài quả là ‘Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện’”.—Thi 65:2.
CẦN CÓ ĐỨC TIN ĐỂ NHẬN RA VÀ CHẤP NHẬN CÁCH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÁP LỜI CẦU NGUYỆN
15. Điều gì đã giúp một chị nhận ra Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình?
15 Những lời cầu nguyện của chúng ta thường không được đáp lại một cách kỳ diệu, nhưng Cha trên trời ban đúng điều mình cần để giữ trung thành với ngài. Vì thế, hãy tinh ý nhận ra cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình. Một chị tên Yoko cảm thấy là Đức Giê-hô-va không đáp lời cầu nguyện của chị. Nhưng rồi chị bắt đầu ghi ra những điều mà chị cầu xin. Sau một thời gian, chị xem lại cuốn sổ và nhận ra Đức Giê-hô-va đáp lại phần lớn lời cầu nguyện của chị, ngay cả một số điều mà chị không nhớ là mình cầu xin. Thỉnh thoảng, chúng ta cần ngừng lại và suy ngẫm cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình.—Thi 66:19, 20.
16. Liên quan đến lời cầu nguyện, chúng ta có thể thể hiện đức tin như thế nào? (Hê-bơ-rơ 11:6)
16 Chúng ta thể hiện đức tin không những qua việc cầu nguyện với Đức Giê-hô-va mà còn chấp nhận cách ngài đáp lời cầu nguyện của mình, dù dưới hình thức nào. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:6). Hãy xem kinh nghiệm của anh Mike và vợ là chị Chrissy. Họ có mục tiêu phụng sự tại Bê-tên. Anh Mike kể: “Chúng tôi đã điền đơn nhiều năm và cầu nguyện rất nhiều lần về mục tiêu này nhưng vẫn không được mời”. Vợ chồng anh luôn tin rằng Đức Giê-hô-va biết cách nào là tốt nhất để dùng họ. Họ tiếp tục phụng sự hết khả năng bằng cách làm tiên phong đều đều ở nơi có nhu cầu lớn hơn và tham gia các dự án xây cất thần quyền. Hiện nay, họ đang làm công việc lưu động. Anh Mike cho biết: “Không phải lúc nào Đức Giê-hô-va cũng đáp lời cầu nguyện của chúng tôi theo cách mình mong đợi, nhưng ngài luôn đáp lời, thậm chí theo cách ngoài sức tưởng tượng”.
17, 18. Theo Thi thiên 86:6, 7, chúng ta có thể tin chắc điều gì?
17 Đọc Thi thiên 86:6, 7. Người viết Thi thiên là Đa-vít tin chắc Đức Giê-hô-va nghe và đáp lại những lời cầu nguyện của ông. Anh chị cũng có thể tin chắc như thế. Những ví dụ trong bài này đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để chịu đựng. Ngài có thể dùng gia đình thiêng liêng, hoặc ngay cả những người hiện nay không thờ phượng ngài để giúp chúng ta theo cách nào đó.
18 Không phải lúc nào Đức Giê-hô-va cũng đáp lời cầu nguyện theo cách mình mong đợi, nhưng chúng ta biết ngài sẽ đáp lại. Ngài sẽ ban đúng điều chúng ta cần và vào đúng lúc. Vậy, hãy tiếp tục cầu nguyện với đức tin, tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc anh chị ngay bây giờ và sẽ “thỏa mãn ước muốn của mọi loài sống” trong thế giới mới sắp đến.—Thi 145:16.
BÀI HÁT 46 Cảm tạ Cha Giê-hô-va
a Đức Giê-hô-va đảm bảo ngài sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta nếu những lời ấy phù hợp với ý muốn ngài. Khi đương đầu với thử thách, chúng ta có thể tin chắc là ngài sẽ ban cho mình sự giúp đỡ cần thiết để giữ trung thành với ngài. Hãy xem Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào.
b Để biết tại sao Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan cai trị thế gian, xem bài “Hãy tập trung vào vấn đề trọng yếu” trong Tháp Canh tháng 6 năm 2017.
c Một số tên đã được thay đổi.
d HÌNH ẢNH: Một người mẹ cùng con gái đến tị nạn ở một nước khác. Anh em đồng đạo nồng ấm chào đón họ và giúp đỡ họ một cách thực tế.