BÀI HỌC 24
Anh chị có thể đạt được mục tiêu thiêng liêng
“Chúng ta chớ bỏ cuộc trong việc làm điều lành, vì nếu không thoái chí nản lòng thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt”.—GA 6:9.
BÀI HÁT 84 Phụng sự ở nơi có nhu cầu
GIỚI THIỆU a
1. Nhiều người trong chúng ta rơi vào trường hợp nào?
Đã bao giờ anh chị đặt một mục tiêu thiêng liêng nhưng thấy khó đạt được chưa? b Nếu thế, anh chị không phải là người duy nhất. Chẳng hạn, anh Philip muốn cầu nguyện thường xuyên và có ý nghĩa hơn nhưng anh thấy khó tìm được thời gian để cầu nguyện. Chị Erika có mục tiêu đến các buổi nhóm rao giảng đúng giờ nhưng hầu như buổi nhóm nào chị cũng đến trễ. Anh Tomáš đã thử vài lần để đọc toàn bộ Kinh Thánh. Anh nói: “Đơn giản là tôi thấy việc đọc Kinh Thánh không thú vị. Tôi đã thử ba lần, nhưng mỗi lần tôi chỉ đọc đến sách Lê-vi rồi ngưng”.
2. Tại sao chúng ta không nên nản lòng nếu chưa đạt được một mục tiêu thiêng liêng?
2 Nếu anh chị đã đặt mục tiêu nhưng chưa đạt được, đừng nghĩ mình là người thất bại. Ngay cả việc đạt được một mục tiêu đơn giản cũng thường đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Việc anh chị vẫn muốn đạt được mục tiêu cho thấy anh chị quý trọng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và muốn dâng cho ngài điều tốt nhất. Đức Giê-hô-va rất quý những nỗ lực của anh chị. Dĩ nhiên, ngài không đòi hỏi điều vượt quá khả năng của anh chị (Thi 103:14; Mi 6:8). Vì thế, mục tiêu của anh chị nên hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của mình. Sau khi đặt mục tiêu, anh chị có thể làm gì để đạt được? Hãy xem một số gợi ý.
ĐỘNG LỰC LÀ ĐIỀU THIẾT YẾU
3. Tại sao động lực là điều quan trọng?
3 Động lực đóng vai trò quan trọng để đạt được các mục tiêu thiêng liêng. Người có động lực thì sẽ có ước muốn mạnh mẽ để tiến tới mục tiêu. Chúng ta có thể ví động lực với gió đẩy con thuyền buồm về đích. Nếu gió tiếp tục thổi thì thủy thủ sẽ dễ về đích hơn. Nếu gió mạnh, có lẽ thủy thủ sẽ đến nơi sớm hơn. Tương tự, chúng ta càng có động lực thì khả năng đạt được mục tiêu càng cao. Anh David ở El Salvador nói: “Khi có động lực, chúng ta sẽ nỗ lực nhiều hơn và cố gắng không để bất cứ điều gì ngăn cản mình đạt được mục tiêu”. Vậy anh chị có thể làm gì để có thêm động lực?
4. Chúng ta có thể cầu xin điều gì? (Phi-líp 2:13) (Cũng xem hình).
4 Cầu xin để có thêm động lực. Qua thần khí của ngài, Đức Giê-hô-va có thể thúc đẩy anh chị đạt được mục tiêu. (Đọc Phi-líp 2:13). Đôi khi chúng ta đặt một mục tiêu vì biết mình nên làm thế, và đó là điều tốt. Nhưng có thể chúng ta không thật sự có ước muốn để đạt được mục tiêu ấy. Đó là trường hợp của chị Norina ở Uganda. Dù thiếu động lực vì cảm thấy mình không có khả năng dạy dỗ nhưng chị đặt mục tiêu điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Điều gì đã giúp chị? Chị kể lại: “Tôi bắt đầu cầu nguyện với Đức Giê-hô-va mỗi ngày, xin ngài giúp mình gia tăng ước muốn để điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh. Tôi đã hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách trau dồi kỹ năng dạy dỗ. Sau vài tháng, tôi thấy mình có thêm ước muốn. Trong năm đó, tôi đã bắt đầu hai cuộc học hỏi Kinh Thánh”.
5. Chúng ta nên suy ngẫm về điều gì để có thêm động lực?
5 Suy ngẫm về những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho anh chị (Thi 143:5). Sứ đồ Phao-lô đã suy ngẫm về lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va dành cho ông, và điều này thúc đẩy ông phụng sự ngài hết lòng (1 Cô 15:9, 10; 1 Ti 1:12-14). Tương tự, càng suy ngẫm về những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho mình, anh chị sẽ càng có động lực để đạt được mục tiêu (Thi 116:12). Hãy xem điều đã giúp một chị ở Honduras đạt được mục tiêu làm tiên phong đều đều. Chị cho biết: “Tôi suy ngẫm về việc Đức Giê-hô-va yêu thương mình đến mức nào. Ngài đã kéo tôi đến với dân của ngài. Ngài quan tâm và bảo vệ tôi. Việc suy ngẫm như thế giúp tôi càng yêu thương ngài và có thêm động lực”.
6. Điều gì khác có thể giúp chúng ta có thêm động lực?
6 Tập trung vào những lợi ích của việc đạt được mục tiêu. Hãy để ý điều đã giúp chị Erika, được đề cập ở trên, đạt được mục tiêu đến đúng giờ. Chị cho biết: “Tôi nhận ra là mình đã bỏ lỡ rất nhiều điều vì đến nhóm rao giảng trễ. Nếu đến sớm hơn, tôi có thể chào hỏi anh em và dành thời gian với họ. Tôi cũng có thể nghe được những gợi ý hữu ích giúp mình vui thích và cải thiện thánh chức”. Chị Erika tập trung vào những lợi ích của việc đúng giờ, và chị đã đạt được mục tiêu. Anh chị có thể tập trung vào những lợi ích nào? Nếu mục tiêu của anh chị là cải thiện việc đọc Kinh Thánh hoặc cầu nguyện, hãy nghĩ xem điều đó sẽ thắt chặt tình bạn với Đức Giê-hô-va như thế nào (Thi 145:18, 19). Nếu mục tiêu của anh chị là vun trồng một phẩm chất tin kính, hãy nghĩ xem điều đó sẽ cải thiện mối quan hệ với người khác ra sao (Cô 3:14). Anh chị có thể liệt kê tất cả những lý do mà mình muốn đạt được mục tiêu và thường xuyên xem lại. Anh Tomáš được đề cập ở trên nói: “Càng có nhiều lý do để đạt được mục tiêu, tôi sẽ càng không muốn bỏ cuộc”.
7. Điều gì đã giúp vợ chồng anh Julio đạt được mục tiêu?
7 Dành thời gian với những người khuyến khích anh chị đạt mục tiêu (Châm 13:20). Hãy xem điều gì đã giúp vợ chồng anh Julio đạt được mục tiêu mở rộng thánh chức. Anh nói: “Chúng tôi đã chọn kết hợp với những người bạn ủng hộ mục tiêu của chúng tôi và nói chuyện với họ về mục tiêu đó. Nhiều người trong số họ đã đạt được mục tiêu tương tự nên họ có thể đưa ra gợi ý hữu ích. Những người bạn ấy cũng thường hỏi thăm xem kế hoạch của chúng tôi thế nào rồi, và khích lệ chúng tôi khi cần”.
KHI THIẾU ĐỘNG LỰC
8. Nếu chúng ta nỗ lực đạt được mục tiêu chỉ khi cảm thấy có động lực thì kết quả có thể là gì? (Cũng xem hình).
8 Thực tế là ai trong chúng ta cũng có ngày cảm thấy không có động lực. Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta không thể tiến đến mục tiêu? Không phải thế. Hãy xem một minh họa: Gió có thể là một lực mạnh mẽ đẩy con thuyền về đích. Nhưng gió có lúc yếu, lúc mạnh. Và có những ngày không có chút gió nào. Phải chăng điều này có nghĩa là thuyền không thể tiến về phía trước? Không nhất thiết. Chẳng hạn, một số con thuyền có động cơ, số khác có tay chèo. Thủy thủ có thể dùng những công cụ này để tiến về đích. Động lực của chúng ta có thể được ví như gió. Có ngày thì mạnh, có ngày thì yếu. Và có ngày chúng ta cảm thấy không có động lực để tiến đến mục tiêu. Vậy, nếu chúng ta nỗ lực đạt được mục tiêu chỉ khi cảm thấy có động lực, thì có lẽ sẽ không bao giờ đạt được. Nhưng giống như thủy thủ tìm những cách khác để về đích, chúng ta cũng có thể nỗ lực để tiến đến mục tiêu khi không có động lực. Dù điều này đòi hỏi tính kỷ luật nhưng kết quả sẽ rất đáng công. Trước khi xem xét chúng ta có thể làm gì, hãy thảo luận một câu hỏi được nêu lên.
9. Có sai không nếu tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu ngay cả khi không có động lực làm thế? Hãy giải thích.
9 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta phụng sự ngài với tinh thần vui mừng và sẵn lòng (Thi 100:2; 2 Cô 9:7). Vậy câu hỏi là: Chúng ta có nên tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu nếu cảm thấy không có động lực làm thế không? Hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Ông nói: “Tôi có kỷ luật nghiêm khắc với thân thể và bắt nó phải phục như nô lệ” (1 Cô 9:25-27, chú thích). Phao-lô ép buộc bản thân để làm điều đúng, ngay cả khi ông không có ước muốn làm thế. Đức Giê-hô-va có chấp nhận việc phụng sự của Phao-lô không? Chắc chắn có! Không những vậy, ngài còn ban thưởng cho nỗ lực của ông.—2 Ti 4:7, 8.
10. Việc nỗ lực đạt được mục tiêu ngay cả khi không có động lực mang lại lợi ích nào?
10 Tương tự, Đức Giê-hô-va hài lòng khi thấy chúng ta nỗ lực để đạt được mục tiêu dù không có động lực làm thế. Ngài hài lòng vì biết ngay cả khi chúng ta không yêu thích điều mình đang làm, nhưng chúng ta vẫn làm vì yêu thương ngài. Giống như Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Phao-lô, ngài cũng sẽ ban phước cho nỗ lực của chúng ta (Thi 126:5). Và khi cảm nghiệm được ân phước của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể bắt đầu có động lực. Một chị đến từ Ba Lan tên Lucyna nói: “Có những lúc tôi không muốn đi rao giảng, nhất là khi cảm thấy mệt. Tuy nhiên, niềm vui mà tôi có sau khi tham gia thánh chức là một món quà tuyệt vời”. Vậy, hãy xem chúng ta có thể làm gì khi thiếu động lực.
11. Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta như thế nào để có thêm sự tự chủ?
11 Cầu xin để có tính tự chủ. Tự chủ là khả năng kiểm soát cảm xúc và hành động của bản thân. Từ này thường nói đến việc kiềm chế mình để không làm điều xấu. Tuy nhiên, tính tự chủ cũng cần thiết để thúc đẩy chúng ta làm điều tốt, đặc biệt nếu đó là một việc khó hoặc nếu mình không có động lực. Hãy nhớ rằng tự chủ là một khía cạnh của bông trái thần khí, nên hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh để giúp anh chị vun trồng phẩm chất quan trọng này (Lu 11:13; Ga 5:22, 23). Anh David, được đề cập ở trên, cho biết việc cầu nguyện đã giúp anh ra sao để đạt được mục tiêu học hỏi cá nhân đều đặn hơn. Anh nói: “Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình vun trồng tính tự chủ. Với sự trợ giúp của ngài, tôi đã bắt đầu một chương trình học hỏi hiệu quả và đều đặn”.
12. Nguyên tắc nơi Truyền đạo 11:4 giúp chúng ta thế nào để đạt được mục tiêu thiêng liêng?
12 Đừng đợi đến khi có hoàn cảnh lý tưởng. Trong thế giới này, chúng ta khó mà có hoàn cảnh lý tưởng. Nếu đợi để có hoàn cảnh như thế, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu. (Đọc Truyền đạo 11:4). Anh Dayniel nói: “Không có hoàn cảnh lý tưởng. Chúng ta tạo ra hoàn cảnh tốt nhất khi bắt tay vào việc thay vì ngồi chờ”. Một anh ở Uganda tên Paul đề cập đến lý do khác mà chúng ta không nên trì hoãn: “Khi chúng ta bắt tay vào việc dù gặp khó khăn, Đức Giê-hô-va sẽ có lý do để ban phước cho mình”.—Mal 3:10.
13. Việc bắt đầu với những mục tiêu nhỏ có lợi thế nào?
13 Bắt đầu với những điều nhỏ. Có lẽ chúng ta thiếu động lực vì mục tiêu của mình dường như quá khó để đạt được. Nếu ở trong trường hợp đó, anh chị có thể chia mục tiêu của mình thành những mục tiêu nhỏ hơn không? Nếu mục tiêu của anh chị là vun trồng một phẩm chất, anh chị có thể cố gắng thể hiện phẩm chất đó trong những việc nhỏ không? Nếu mục tiêu ấy là đọc toàn bộ Kinh Thánh, anh chị có thể bắt đầu bằng cách mỗi lần đọc một chút không? Anh Tomáš, được đề cập ở đầu bài, thấy khó đạt mục tiêu là đọc toàn bộ Kinh Thánh trong một năm. Anh nói: “Tôi nhận ra là đối với tôi, việc đọc Kinh Thánh với tốc độ như thế là quá nhanh. Vì thế, tôi đã quyết định thử một lần nữa. Nhưng lần này tôi chỉ đọc vài đoạn mỗi ngày và suy ngẫm về điều mình đọc. Kết quả là tôi bắt đầu thích đọc Kinh Thánh”. Khi thích thú hơn, anh bắt đầu tăng thêm thời gian đọc. Cuối cùng, anh đã đọc toàn bộ Kinh Thánh. c
ĐỪNG NẢN LÒNG NẾU GẶP TRỞ NGẠI
14. Chúng ta có thể có những trở ngại nào?
14 Đáng tiếc là cho dù có động lực hay kỷ luật thế nào đi nữa, có thể chúng ta vẫn có trở ngại. Chẳng hạn, “chuyện bất trắc” có thể lấy đi thời gian chúng ta cần để tiến đến mục tiêu (Truyền 9:11). Hay chúng ta đối mặt với một khó khăn khiến mình nản lòng và không còn sức lực (Châm 24:10). Sự bất toàn có thể khiến chúng ta mắc lỗi lầm nên khó đạt được mục tiêu (Rô 7:23). Hay chỉ đơn giản là chúng ta cảm thấy mệt (Mat 26:43). Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua trở ngại hoặc một ngày đầy áp lực?
15. Có phải việc gặp trở ngại có nghĩa là chúng ta thất bại không? Hãy giải thích. (Thi thiên 145:14)
15 Nhớ rằng việc gặp trở ngại không có nghĩa là anh chị thất bại. Kinh Thánh nói có lẽ chúng ta sẽ gặp vấn đề và khó khăn nhiều lần. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng cho thấy rõ chúng ta có thể đứng dậy, đặc biệt với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi thiên 145:14). Anh Philip, được đề cập ở trên, đo lường sự thành công theo cách sau: “Thành công của tôi không dựa vào số lần mình vấp ngã, nhưng dựa vào số lần mình đứng dậy và bước tiếp”. Anh David được đề cập ở trên nói: “Tôi cố gắng xem trở ngại và những ngày đầy áp lực không phải là rào cản, nhưng là cơ hội để cho Đức Giê-hô-va thấy mình yêu thương ngài đến mức nào”. Thật vậy, khi tiếp tục tiến về phía trước dù gặp trở ngại, anh chị cho Đức Giê-hô-va thấy mình muốn làm ngài hài lòng. Hẳn Đức Giê-hô-va vui mừng biết bao khi thấy anh chị tiếp tục cố gắng đạt được mục tiêu!
16. Trở ngại có thể dạy chúng ta điều gì?
16 Xem trở ngại là kinh nghiệm để học hỏi. Hãy nghĩ xem điều gì đã gây ra trở ngại ấy, và tự hỏi: “Mình có thể thay đổi điều gì đó để trở ngại ấy không lặp lại không?” (Châm 27:12). Nhưng đôi khi trở ngại cho thấy mục tiêu của chúng ta không thực tế như mình nghĩ. Nếu thấy mình ở trong trường hợp đó, hãy xem lại mục tiêu để biết mục tiêu ấy có còn hợp lý với anh chị không. d Đức Giê-hô-va không xem anh chị là người thất bại vì không đạt được mục tiêu ngoài khả năng của mình.—2 Cô 8:12.
17. Tại sao chúng ta nên nghĩ đến những điều mình đã thực hiện được?
17 Nghĩ đến những điều anh chị đã đạt được. Kinh Thánh nói rằng “Đức Chúa Trời chẳng phải là không công chính mà quên công việc [của anh em]” (Hê 6:10). Vì thế, anh chị cũng không nên quên những gì mình đã làm. Hãy suy ngẫm về những điều anh chị đã thực hiện được, chẳng hạn như vun đắp tình bạn với Đức Giê-hô-va, nói với người khác về ngài hoặc báp-têm. Anh chị đã tiến bộ và đạt được những mục tiêu thiêng liêng trong quá khứ, thì anh chị cũng có thể tiến bộ để đạt được mục tiêu hiện tại.—Phi-líp 3:16.
18. Chúng ta nên nhớ làm điều gì khi nỗ lực để đạt được mục tiêu? (Cũng xem hình).
18 Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, anh chị có thể đạt được mục tiêu, giống như thủy thủ vui mừng về đến đích. Nhưng hãy nhớ rằng nhiều thủy thủ cũng tận hưởng chuyến hành trình. Tương tự, khi anh chị tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu thiêng liêng, đừng quên tận hưởng “chuyến hành trình” bằng cách nhận ra Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ và ban phước cho anh chị thế nào trên đường đi (2 Cô 4:7). Nếu không bỏ cuộc, anh chị sẽ nhận được những ân phước còn tuyệt vời hơn thế.—Ga 6:9.
BÀI HÁT 126 Hãy luôn tỉnh thức, đứng vững và mạnh mẽ
a Chúng ta thường được khuyến khích đặt các mục tiêu thiêng liêng. Tuy nhiên, nói sao nếu chúng ta đã đặt một mục tiêu nhưng thấy khó đạt được? Bài này sẽ đưa ra một vài gợi ý có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu.
b GIẢI NGHĨA: Một mục tiêu thiêng liêng là bất cứ điều gì mà chúng ta nỗ lực cải thiện hoặc cố gắng đạt được để phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn và làm ngài vui lòng. Chẳng hạn, có thể anh chị đặt mục tiêu vun trồng một phẩm chất tin kính hoặc cải thiện một khía cạnh trong sự thờ phượng như đọc Kinh Thánh, học hỏi cá nhân hoặc tham gia thánh chức.
c Xem sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền, trg 10, 11, đ. 5.
d Để biết thêm thông tin, xem bài “Đặt mục tiêu hợp lý và giữ niềm vui” trong Tháp Canh ngày 15-7-2008.