BÀI HỌC 20
Hãy cải thiện chất lượng lời cầu nguyện
“Tại trước mặt ngài, hãy trút đổ lòng mình ra”.—THI 62:8.
BÀI HÁT 45 Sự suy ngẫm của lòng con
GIỚI THIỆU a
1. Đức Giê-hô-va mời những người thờ phượng ngài làm gì? (Cũng xem hình).
Chúng ta có thể hướng đến ai khi cần sự an ủi và hướng dẫn? Chúng ta biết câu trả lời cho câu hỏi đó. Chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Ngài mời chúng ta làm thế. Kinh Thánh khuyên chúng ta “không ngừng cầu nguyện”; điều này cho thấy ngài muốn chúng ta cầu nguyện thường xuyên (1 Tê 5:17). Chúng ta có thể thoải mái đến với ngài qua lời cầu nguyện và xin sự hướng dẫn của ngài trong mọi khía cạnh đời sống (Châm 3:5, 6). Là đấng rộng rãi, Đức Giê-hô-va không giới hạn số lần chúng ta có thể cầu nguyện với ngài.
2. Bài này sẽ xem xét điều gì?
2 Chúng ta rất quý trọng món quà cầu nguyện. Tuy nhiên, vì đời sống bận rộn nên có lẽ chúng ta thấy khó dành ra thời gian để cầu nguyện. Có lẽ chúng ta cũng cảm thấy cần cải thiện chất lượng lời cầu nguyện của mình. Mừng thay, chúng ta có thể tìm được nhiều sự khích lệ và hướng dẫn trong Kinh Thánh. Trong bài này, hãy xem gương của Chúa Giê-su giúp chúng ta thế nào trong việc dành ra thời gian để cầu nguyện. Cũng hãy xem năm đề tài quan trọng trong lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta cải thiện chất lượng lời cầu nguyện của mình.
CHÚA GIÊ-SU DÀNH RA THỜI GIAN ĐỂ CẦU NGUYỆN
3. Chúa Giê-su biết điều gì về lời cầu nguyện?
3 Chúa Giê-su biết Đức Giê-hô-va quý trọng lời cầu nguyện của chúng ta. Rất lâu trước khi xuống trái đất, ngài đã thấy Cha đáp lời cầu nguyện của những người nam và nữ trung thành. Chẳng hạn, Chúa Giê-su ở bên cạnh Cha khi Cha ngài đáp lời cầu nguyện chân thành của Ha-na, Đa-vít, Ê-li-gia và nhiều người trung thành khác (1 Sa 1:10, 11, 20; 1 Vua 19:4-6; Thi 32:5). Vì thế, không lạ gì khi Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện thường xuyên và với lòng tin chắc!—Mat 7:7-11.
4. Chúng ta học được gì từ việc cầu nguyện của Chúa Giê-su?
4 Qua những lời cầu nguyện dâng cho Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su nêu gương cho các môn đồ noi theo. Trong suốt thời gian làm thánh chức, ngài thường xuyên cầu nguyện. Chúa Giê-su phải dành ra thời gian để cầu nguyện vì ngài rất bận rộn và thường có nhiều người ở xung quanh (Mác 6:31, 45, 46). Ngài dậy sớm để có thời gian riêng cầu nguyện (Mác 1:35). Vào ít nhất một dịp, ngài cầu nguyện suốt đêm trước khi đưa ra một quyết định quan trọng (Lu 6:12, 13). Ngài cũng cầu nguyện nhiều lần vào đêm trước khi chết, là lúc mà ngài đang tập trung vào việc hoàn thành khía cạnh khó nhất của nhiệm sở trên đất.—Mat 26:39, 42, 44.
5. Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào khi cầu nguyện?
5 Gương của Chúa Giê-su dạy chúng ta là dù bận rộn đến đâu, mình cũng cần dành ra thời gian để cầu nguyện. Giống như Chúa Giê-su, có lẽ chúng ta cần ấn định một thời gian để cầu nguyện, chẳng hạn dậy sớm hoặc thức khuya hơn một chút. Khi làm thế, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình biết ơn món quà đặc biệt này. Một chị tên Lynne nhớ lại chị đã cảm động thế nào khi mới học về đặc ân cầu nguyện. Chị kể: “Việc biết mình có thể nói chuyện với Đức Giê-hô-va bất cứ khi nào đã giúp tôi xem ngài là bạn thân và muốn cải thiện lời cầu nguyện của mình”. Hẳn nhiều người trong chúng ta cũng cảm thấy như thế. Vậy, hãy xem năm đề tài quan trọng mà chúng ta có thể nói đến trong lời cầu nguyện.
NĂM ĐỀ TÀI QUAN TRỌNG ĐỂ CẦU NGUYỆN
6. Theo Khải huyền 4:10, 11, Đức Giê-hô-va xứng đáng nhận được điều gì?
6 Ngợi khen Đức Giê-hô-va. Trong một khải tượng đáng kinh ngạc, sứ đồ Giăng thấy 24 trưởng lão ở trên trời đang thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ ngợi khen ngài và nói rằng ngài xứng đáng nhận “sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng”. (Đọc Khải huyền 4:10, 11). Những thiên sứ trung thành cũng có vô số lý do để ngợi khen và tôn vinh Đức Giê-hô-va. Họ ở trên trời với ngài và biết ngài rất rõ. Họ thấy những đức tính của Đức Giê-hô-va qua những điều ngài làm và được thúc đẩy để ngợi khen ngài.—Gióp 38:4-7.
7. Chúng ta có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va về điều gì?
7 Chúng ta cũng muốn ngợi khen Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện, cho ngài biết mình yêu thích và thán phục điều gì nơi ngài. Khi đọc và học hỏi Kinh Thánh, hãy cố gắng nhận ra những đức tính của Đức Giê-hô-va mà đặc biệt thu hút anh chị (Gióp 37:23; Rô 11:33). Rồi hãy nói với ngài anh chị cảm thấy thế nào về những đức tính này. Chúng ta cũng có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va vì đã trợ giúp cá nhân mình cũng như gia đình thiêng liêng trên toàn cầu. Ngài luôn chăm sóc và bảo vệ chúng ta.—1 Sa 1:27; 2:1, 2.
8. Chúng ta có một số lý do nào để cảm tạ Đức Giê-hô-va? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)
8 Cảm tạ Đức Giê-hô-va. Chúng ta có nhiều lý do để cảm tạ Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Chúng ta có thể cảm tạ ngài về bất cứ điều tốt lành nào mình có; suy cho cùng, mọi món quà tốt lành đều đến từ ngài (Gia 1:17). Chẳng hạn, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn về trái đất tuyệt đẹp và các công trình sáng tạo kỳ diệu của ngài. Chúng ta cũng có thể nói lên lòng biết ơn về sự sống, gia đình, bạn bè và hy vọng trong tương lai. Và chúng ta muốn cảm tạ Đức Giê-hô-va vì cho phép mình có tình bạn quý giá với ngài.
9. Tại sao chúng ta cần vun trồng lòng biết ơn Đức Giê-hô-va?
9 Có lẽ chúng ta cần đặc biệt nỗ lực để nghĩ về những lý do mà cá nhân chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va. Chúng ta sống trong một thế gian vô ơn. Người ta thường chú tâm vào điều họ muốn, thay vì điều họ có thể làm để tỏ lòng biết ơn về những gì mình có. Nếu thái độ đó ảnh hưởng đến chúng ta, thì những lời cầu nguyện của mình có thể trở thành bảng liệt kê các yêu cầu. Để tránh điều đó, chúng ta cần tiếp tục vun trồng và thể hiện lòng biết ơn về mọi điều Đức Giê-hô-va làm cho mình.—Lu 6:45.
10. Lòng biết ơn đã giúp một chị như thế nào để chịu đựng? (Cũng xem hình).
10 Thái độ biết ơn có thể giúp chúng ta chịu đựng khó khăn. Hãy xem kinh nghiệm của chị Kyung-sook trong Tháp Canh ngày 15-1-2015. Chị được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Chị thừa nhận: “Căn bệnh ấy đã ảnh hưởng nặng nề đến tôi. Tôi cảm thấy mình đã mất tất cả và rất sợ hãi”. Điều gì giúp chị đương đầu? Chị cho biết mỗi tối trước khi đi ngủ, chị lên sân thượng và cầu nguyện lớn tiếng về năm điều mà chị biết ơn trong ngày đó. Điều này giúp chị cảm thấy vững tâm và thôi thúc chị nói lên tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va. Chị cảm nghiệm Đức Giê-hô-va nâng đỡ các tôi tớ trung thành như thế nào để đương đầu với khó khăn, và nhận ra rằng chúng ta có nhiều ân phước trong đời sống hơn là thử thách. Giống như chị Kyung-sook, chúng ta có nhiều lý do để cảm tạ Đức Giê-hô-va, ngay cả khi đương đầu với thử thách. Việc bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài trong lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta chịu đựng và giữ niềm vui.
11. Tại sao môn đồ của Chúa Giê-su cần sự dạn dĩ sau khi ngài trở về trời?
11 Xin Đức Giê-hô-va ban sự dạn dĩ trong thánh chức. Ngay trước khi trở về trời, Chúa Giê-su nhắc các môn đồ về nhiệm vụ làm chứng về ngài “tại Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8; Lu 24:46-48). Không lâu sau đó, những nhà lãnh đạo Do Thái đã bắt sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng, rồi đưa ra trước Tòa Tối Cao. Họ cấm những người trung thành này không được rao giảng, thậm chí còn nói lời đe dọa (Công 4:18, 21). Phi-e-rơ và Giăng phản ứng thế nào?
12. Theo Công vụ 4:29, 31, các môn đồ đã làm gì?
12 Trước lời đe dọa của những nhà lãnh đạo Do Thái, Phi-e-rơ và Giăng nói: “Nghe theo các ông thay vì Đức Chúa Trời, điều đó đúng hay không trước mắt ngài thì các ông hãy tự xét lấy. Còn chúng tôi, chúng tôi không thể ngưng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công 4:19, 20). Khi Phi-e-rơ và Giăng được thả ra, các môn đồ đã dâng một lời cầu nguyện cho thấy họ tập trung vào ý muốn của Đức Giê-hô-va. Họ cầu nguyện: “Xin… cho các tôi tớ ngài tiếp tục rao giảng lời ngài với tất cả lòng dạn dĩ”. Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện chân thành ấy.—Đọc Công vụ 4:29, 31.
13. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của anh Jin-hyuk?
13 Chúng ta có thể noi gương các môn đồ ấy bằng cách tiếp tục rao giảng ngay cả khi bị chính quyền cấm đoán. Hãy xem kinh nghiệm của anh Jin-hyuk bị bỏ tù vì lập trường trung lập. Trong tù, anh được giao chăm lo cho một số tù nhân bị biệt giam, nhưng anh không được phép nói chuyện với họ về bất cứ điều gì không liên quan đến nhiệm vụ, kể cả Kinh Thánh. Anh đã cầu xin Đức Chúa Trời ban sự dạn dĩ và khéo léo để nói về chân lý mỗi khi có cơ hội (Công 5:29). Anh cho biết: “Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi bằng cách ban cho tôi lòng can đảm và sự khôn ngoan để bắt đầu nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh kéo dài năm phút ngay tại cửa phòng giam. Rồi ban đêm, tôi viết thư để đưa cho các tù nhân ấy vào hôm sau”. Chúng ta cũng có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình chu toàn thánh chức. Giống như anh Jin-hyuk, chúng ta có thể cầu xin để có sự dạn dĩ và khôn ngoan.
14. Điều gì có thể giúp chúng ta khi đối phó với vấn đề trong đời sống? (Thi thiên 37:3, 5)
14 Xin Đức Giê-hô-va giúp mình đối phó với vấn đề. Nhiều người trong chúng ta đang đương đầu với vấn đề về thể chất hoặc tinh thần, việc mất người thân yêu, sự căng thẳng trong gia đình, sự ngược đãi hoặc vấn đề khác. Những điều như đại dịch và chiến tranh làm cho các vấn đề đó càng khó đương đầu hơn. Hãy trút đổ lòng mình cho Đức Giê-hô-va. Hãy nói với ngài về hoàn cảnh của anh chị giống như anh chị nói với một người bạn thân. Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hành động để giúp anh chị.—Đọc Thi thiên 37:3, 5.
15. Lời cầu nguyện giúp chúng ta như thế nào để “chịu đựng trong lúc hoạn nạn”? Hãy nêu ví dụ.
15 Kiên trì cầu nguyện sẽ giúp chúng ta “chịu đựng trong lúc hoạn nạn” (Rô 12:12). Đức Giê-hô-va biết những điều mà người thờ phượng ngài đang phải trải qua, và ngài “nghe tiếng họ kêu cứu” (Thi 145:18, 19). Một chị tiên phong 29 tuổi tên Kristie đã thấy rõ điều này. Chị bất ngờ gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, khiến chị bị trầm cảm. Về sau, chị được biết mẹ chị bị mắc bệnh hiểm nghèo. Chị Kristie nói: “Tôi đã cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va, xin ngài ban sức mạnh để chịu đựng mỗi ngày. Tôi cố gắng giữ nề nếp thiêng liêng bằng cách tham dự các buổi nhóm họp và học hỏi cá nhân”. Chị nói thêm: “Cầu nguyện đã giúp tôi vượt qua những thời khắc đen tối nhất. Tôi biết Đức Giê-hô-va luôn ở bên, và ý tưởng ấy đã an ủi tôi rất nhiều. Vào lúc đó, dù vấn đề sức khỏe của tôi vẫn còn, nhưng Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi bằng cách ban cho tôi sự bình an nội tâm và lòng yên bình”. Mong sao chúng ta không bao giờ quên rằng “Đức Giê-hô-va biết cách giải cứu người có lòng sùng kính ra khỏi cơn thử thách”.—2 Phi 2:9.
16. Tại sao chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để kháng cự cám dỗ?
16 Xin Đức Giê-hô-va giúp mình kháng cự cám dỗ. Là người bất toàn, chúng ta luôn phải tranh đấu để kháng cự cám dỗ làm điều sai trái. Sa-tan đang ra sức để làm cho cuộc chiến đó khó nhất đối với chúng ta. Một cách hắn cố làm bại hoại suy nghĩ của chúng ta là qua những hình thức giải trí đồi bại. Những loại giải trí như thế có thể lấp đầy tâm trí chúng ta bằng những ý tưởng không thanh sạch, là những ý tưởng sẽ làm cho con người bề trong của mình bị ô uế và có thể dẫn đến việc phạm tội trọng.—Mác 7:21-23; Gia 1:14, 15.
17. Làm thế nào để hành động phù hợp với lời cầu xin kháng cự cám dỗ? (Cũng xem hình).
17 Chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để vượt qua cám dỗ làm điều sai trái. Lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su gồm lời cầu xin sau: “Xin đừng để chúng con sa vào cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi Kẻ Ác” (Mat 6:13). Đức Giê-hô-va muốn giúp chúng ta, nhưng chúng ta phải xin ngài giúp đỡ. Chúng ta cũng cần hành động phù hợp với lời cầu nguyện. Chúng ta có thể làm những điều thực tế để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những suy nghĩ sai trái phổ biến trong thế gian của Sa-tan (Thi 97:10). Chúng ta có thể lấp đầy tâm trí mình bằng những ý tưởng lành mạnh qua việc đọc và học hỏi Kinh Thánh. Tham dự các buổi nhóm họp và tham gia thánh chức cũng bảo vệ suy nghĩ của chúng ta. Đức Giê-hô-va hứa sẽ không để chúng ta bị cám dỗ quá sức mình.—1 Cô 10:12, 13.
18. Liên quan đến lời cầu nguyện, tất cả chúng ta cần làm gì?
18 Mỗi chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn bao giờ hết để giữ trung thành với Đức Giê-hô-va trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này. Hãy dành ra thời gian mỗi ngày để chân thành cầu nguyện. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta ‘trút đổ lòng mình ra trước mặt ngài’ qua lời cầu nguyện (Thi 62:8). Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va và cảm tạ ngài về mọi điều ngài làm. Hãy xin ngài giúp anh chị có sự can đảm trong thánh chức. Cũng hãy nài xin ngài giúp anh chị đương đầu với vấn đề và kháng cự cám dỗ mà mình đang đối mặt. Đừng để bất cứ điều gì hay bất cứ ai cản trở anh chị đều đặn cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Nhưng Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào? Bài kế tiếp sẽ xem xét câu hỏi quan trọng này.
BÀI HÁT 42 Lời cầu nguyện của tôi tớ Đức Chúa Trời
a Chúng ta muốn lời cầu nguyện của mình giống như lá thư chân tình viết cho một người bạn yêu quý. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ để dành ra thời gian cầu nguyện. Và đôi khi cũng khó để biết cầu nguyện về điều gì. Bài này sẽ xem xét cả hai khía cạnh quan trọng đó.