Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 22

Hãy tiếp tục bước đi trên “Đường Thánh”

Hãy tiếp tục bước đi trên “Đường Thánh”

“Sẽ có một đường cái tại đấy,… là Đường Thánh”.—Ê-SAI 35:8.

BÀI HÁT 31 Hãy bước đi với Đức Chúa Trời!

GIỚI THIỆU a

1, 2. Những người Do Thái sống ở Ba-by-lôn phải đưa ra quyết định quan trọng nào? (Ê-xơ-ra 1:2-4)

 Chiếu chỉ đã được ban ra! Người Do Thái được phép trở về quê hương là Y-sơ-ra-ên sau 70 năm bị lưu đày ở Ba-by-lôn. (Đọc Ê-xơ-ra 1:2-4). Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể khiến điều đó xảy ra. Tại sao có thể nói thế? Vì Ba-by-lôn thường không phóng thích người bị lưu đày (Ê-sai 14:4, 17). Nhưng Ba-by-lôn bị lật đổ, và nhà cai trị mới đã cho phép người Do Thái rời khỏi xứ. Thế nên mỗi người Do Thái, đặc biệt là chủ gia đình, phải đưa ra quyết định: rời Ba-by-lôn hoặc ở lại đó. Quyết định ấy có lẽ không dễ dàng. Tại sao?

2 Vì lớn tuổi nên nhiều người không thể đi một chuyến hành trình dài và gian nan như vậy. Ngoài ra, đa số người Do Thái được sinh ra ở Ba-by-lôn nên đó là quê hương duy nhất mà họ biết. Đối với họ, Y-sơ-ra-ên là xứ sở của tổ phụ họ. Dường như một số người Do Thái trở nên giàu có ở Ba-by-lôn, nên có lẽ họ thấy khó rời bỏ nơi ở thoải mái hoặc công việc kinh doanh để định cư ở một xứ xa lạ.

3. Ân phước nào đón đợi nhóm người Do Thái trung thành trở về Y-sơ-ra-ên?

3 Đối với những người Do Thái trung thành, lợi ích mà họ nhận được khi trở về Y-sơ-ra-ên vượt xa so với bất cứ sự hy sinh nào. Ân phước lớn nhất liên quan đến sự thờ phượng. Dù trong thành Ba-by-lôn có hơn 50 đền thờ ngoại giáo nhưng không có đền thờ của Đức Giê-hô-va. Không có bàn thờ cho dân Y-sơ-ra-ên dâng vật tế lễ theo quy định của Luật pháp Môi-se, và cũng không có sắp đặt về thầy tế lễ để dâng những vật tế lễ ấy. Ngoài ra, dân Đức Giê-hô-va rất ít so với những người ngoại giáo xung quanh, là những người không màng đến Đức Giê-hô-va hoặc tiêu chuẩn của ngài. Vì thế, hàng ngàn người Do Thái kính sợ Đức Chúa Trời trông mong được trở về quê hương để khôi phục sự thờ phượng thanh sạch.

4. Đức Giê-hô-va hứa sẽ làm gì để giúp những người Do Thái trở về Y-sơ-ra-ên?

4 Chuyến hành trình gian nan từ Ba-by-lôn đến Y-sơ-ra-ên có thể phải mất khoảng bốn tháng, nhưng Đức Giê-hô-va hứa sẽ loại bỏ bất cứ chướng ngại nào ngăn cản dân ngài trở về Y-sơ-ra-ên. Ê-sai viết: “Hãy dọn đường cho Đức Giê-hô-va! Hãy san bằng một đường cái qua sa mạc cho Đức Chúa Trời chúng ta... Đất gồ ghề phải được san phẳng, đất nhấp nhô phải thành đồng bằng” (Ê-sai 40:3, 4). Hãy hình dung một đường cái băng qua sa mạc, một đồng bằng bằng phẳng. Quả là ân phước cho những người đi trên con đường như thế! Đi trên đường được san bằng sẽ dễ cho họ hơn là phải leo núi hoặc xuống thung lũng. Thời gian di chuyển cũng sẽ nhanh hơn.

5. Đường cái theo nghĩa bóng từ Ba-by-lôn đến Y-sơ-ra-ên được đặt tên là gì?

5 Ngày nay, nhiều con đường được đặt tên hoặc được đánh số. Đường cái theo nghĩa bóng mà Ê-sai nói đến cũng có một tên. Kinh Thánh cho biết: “Sẽ có một đường cái tại đấy, phải, một đường gọi là Đường Thánh. Kẻ ô uế sẽ không qua lại trên đó” (Ê-sai 35:8). Lời hứa này có nghĩa gì đối với người Y-sơ-ra-ên thời đó, và có nghĩa gì đối với chúng ta thời nay?

“ĐƯỜNG THÁNH”—THỜI ẤY VÀ BÂY GIỜ

6. Tại sao đường này được gọi là thánh?

6 “Đường Thánh” là một tên rất hay để gọi một con đường. Tại sao đường này được gọi là thánh? Vì “kẻ ô uế” không được đi trên con đường này. Trong dân Y-sơ-ra-ên được khôi phục, không có chỗ cho bất cứ người Do Thái nào phạm tội gian dâm, thờ hình tượng hoặc những tội trọng khác. Nhưng những người trở về từ Ba-by-lôn vẫn phải thay đổi một số điều để làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, vì họ sẽ phải trở nên “một dân thánh” đối với ngài.—Phục 7:6.

7. Một số người Do Thái cần thay đổi điều gì? Hãy nêu ví dụ.

7 Như được nói ở trên, đa số người Do Thái sinh ra ở Ba-by-lôn, và hẳn nhiều người đã quen với lối suy nghĩ cũng như tiêu chuẩn của người Ba-by-lôn. Nhiều thập kỷ sau khi những người Do Thái đầu tiên trở về Y-sơ-ra-ên, Ê-xơ-ra biết được một số người Do Thái đã cưới phụ nữ ngoại giáo (Xuất 34:15, 16; Ê-xơ-ra 9:1, 2). Sau này, quan tổng đốc Nê-hê-mi sửng sốt khi thấy những đứa trẻ sinh ra ở Y-sơ-ra-ên thậm chí không biết ngôn ngữ của người Do Thái (Phục 6:6, 7; Nê 13:23, 24). Làm sao chúng có thể vun trồng tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và thờ phượng ngài nếu không hiểu tiếng Hê-bơ-rơ, là ngôn ngữ chính mà Lời ngài được viết ra? (Ê-xơ-ra 10:3, 44). Vậy những người Do Thái phải thay đổi rất nhiều, nhưng sẽ dễ dàng cho họ hơn để thay đổi nếu sống ở Y-sơ-ra-ên, nơi mà sự thờ phượng thanh sạch dần được khôi phục.—Nê 8:8, 9.

Kể từ năm 1919, hàng triệu người nam, người nữ và trẻ em đã ra khỏi Ba-by-lôn Lớn và bắt đầu đi trên “Đường Thánh” (Xem đoạn 8)

8. Tại sao chúng ta nên quan tâm đến những sự kiện đã xảy ra cách đây rất lâu? (Xem hình nơi trang bìa).

8 Một số người có thể nghĩ: “Những điều vừa nói đến ở trên cũng thú vị, nhưng điều đã xảy ra với người Do Thái cách đây rất lâu có liên quan đến chúng ta ngày nay không?”. Chắc chắn có, vì theo nghĩa nào đó, chúng ta cũng đang đi trên “Đường Thánh”. Dù được xức dầu hay thuộc chiên khác, chúng ta cần tiếp tục bước đi trên “Đường Thánh” vì con đường này giúp chúng ta luôn ở trong địa đàng thiêng liêng và dẫn chúng ta đến những ân phước Nước Trời trong tương lai b (Giăng 10:16). Kể từ năm 1919, hàng triệu người nam, người nữ và trẻ em đã ra khỏi Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo sai lầm, và bắt đầu bước đi trên con đường theo nghĩa bóng ấy. Rất có thể anh chị cũng ở trong số đó. Dù con đường ấy đã được mở cách đây khoảng 100 năm, nhưng việc chuẩn bị con đường ấy đã bắt đầu từ hàng thế kỷ trước.

CHUẨN BỊ ĐƯỜNG

9. Phù hợp với Ê-sai 57:14, công việc chuẩn bị “Đường Thánh” đã được thực hiện theo nghĩa nào?

9 Đối với những người Do Thái rời khỏi Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va đã loại bỏ những chướng ngại ngăn cản họ. (Đọc Ê-sai 57:14). Còn về “Đường Thánh” vào thời hiện đại thì sao? Trong hàng thế kỷ trước năm 1919, Đức Giê-hô-va đã dùng những người kính sợ ngài để giúp dọn đường cho người ta ra khỏi Ba-by-lôn Lớn. (So sánh Ê-sai 40:3). Họ đã làm một công việc cần thiết là chuẩn bị đường theo nghĩa thiêng liêng để sau này những người có lòng ngay thẳng có thể ra khỏi Ba-by-lôn Lớn và bước vào địa đàng thiêng liêng, nơi mà sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục. Việc chuẩn bị đường này bao hàm điều gì? Hãy xem một số việc đã được thực hiện.

Trong hàng thế kỷ, những người kính sợ Đức Chúa Trời đã dọn đường để giúp người ta ra khỏi Ba-by-lôn Lớn (Xem đoạn 10, 11)

10, 11. Làm thế nào việc in ấn và dịch Kinh Thánh góp phần phổ biến sự dạy dỗ trong Kinh Thánh? (Cũng xem hình).

10 In ấn. Từ giữa thế kỷ 15 trở về trước, Kinh Thánh được chép tay. Công việc này mất nhiều thời gian, và những bản chép tay Kinh Thánh rất hiếm và đắt đỏ. Nhưng khi máy in bằng kỹ thuật xếp chữ ra đời thì việc xuất bản và phân phát Kinh Thánh trở nên dễ dàng hơn.

11 Dịch thuật. Trong nhiều thế kỷ, Kinh Thánh chủ yếu có trong tiếng La-tinh, là ngôn ngữ mà chỉ những người trí thức mới có thể hiểu. Tuy nhiên, khi việc in ấn phổ biến hơn thì những người kính sợ Đức Chúa Trời đã đẩy mạnh việc dịch Kinh Thánh sang những ngôn ngữ mà dân thường hiểu được. Nhờ thế, các độc giả Kinh Thánh có thể so sánh những điều hàng giáo phẩm dạy với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh.

Những người kính sợ Đức Chúa Trời đã dọn đường để giúp người ta ra khỏi Ba-by-lôn Lớn (Xem đoạn 12-14) c

12, 13. Hãy nêu ví dụ cho thấy cách những người chân thành tìm hiểu Kinh Thánh vào thế kỷ 19 vạch trần sự dạy dỗ sai lầm.

12 Công cụ giúp học Kinh Thánh. Những người siêng năng tìm hiểu Kinh Thánh đã học được nhiều điều qua những gì họ đọc trong Lời Đức Chúa Trời. Hàng giáo phẩm vô cùng tức giận khi họ chia sẻ những điều ấy với người khác. Chẳng hạn, vào thế kỷ 19, một số người có lòng thành bắt đầu xuất bản những tờ chuyên đề vạch trần sự dạy dỗ sai lầm của khối Ki-tô giáo.

13 Vào khoảng năm 1835, một người kính sợ Đức Chúa Trời tên Henry Grew đã xuất bản tờ chuyên đề nói về tình trạng người chết. Trong đó, ông dùng Kinh Thánh để chứng minh rằng sự sống bất tử là món quà từ Đức Chúa Trời, chứ không phải con người sinh ra đã có như đa số đạo thuộc khối Ki-tô giáo dạy. Vào năm 1837, một mục sư tên George Storrs đã thấy một tờ chuyên đề đó trong khi đi xe lửa. Ông đọc và tin chắc mình đã khám phá ra một sự thật quan trọng. Ông quyết định chia sẻ điều mình học được. Vào năm 1842, ông nói một loạt diễn văn về chủ đề gây sự tò mò: “Một cuộc điều tra—Kẻ ác có bất tử không?”. Những bài viết của ông George Storrs đã ảnh hưởng tích cực đến một chàng trai tên Charles Taze Russell.

14. Anh Russell và các cộng sự nhận được lợi ích nào từ việc chuẩn bị đường theo nghĩa thiêng liêng đã được thực hiện trong quá khứ? (Cũng xem hình).

14 Anh Russell và các cộng sự nhận được lợi ích nào từ công việc chuẩn bị đường theo nghĩa thiêng liêng đã được thực hiện trong quá khứ? Nhờ những công cụ được biên soạn trước thời của họ như các cuốn từ điển, sách liệt kê các từ Kinh Thánh và nhiều bản dịch Kinh Thánh, họ có sẵn tài liệu để tham khảo trong các buổi nghiên cứu. Họ cũng nhận được lợi ích từ việc nghiên cứu Kinh Thánh của ông Henry Grew, ông George Storrs và những người khác. Chính anh Russell và các cộng sự đã góp phần vào công việc chuẩn bị đường theo nghĩa thiêng liêng bằng cách xuất bản rất nhiều sách và tờ chuyên đề nói về các đề tài Kinh Thánh.

15. Năm 1919 có những tiến triển quan trọng nào?

15 Năm 1919, dân Đức Chúa Trời thoát khỏi vòng kìm kẹp của Ba-by-lôn Lớn. Vào năm đó, “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” xuất hiện, vừa đúng lúc để chào đón những người có lòng thành bước vào “Đường Thánh” mới được mở (Mat 24:45-47). Phần nào nhờ những người trung thành đã chuẩn bị đường trong quá khứ, những người bước đi trên con đường ấy có thể hiểu rõ hơn về ý định của Đức Giê-hô-va (Châm 4:18). Và nhờ đó, họ cũng có thể thay đổi để sống phù hợp với tiêu chuẩn của ngài. Đức Giê-hô-va không đòi hỏi dân ngài phải thực hiện mọi thay đổi cùng một lúc. Thay vì thế, ngài tinh luyện dân ngài từng bước. (Xem khung “ Đức Giê-hô-va tinh luyện dân ngài từng bước”). Chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời trong mọi việc mình làm!—Cô 1:10.

“ĐƯỜNG THÁNH” VẪN ĐANG MỞ

16. Kể từ năm 1919, công việc bảo trì nào đã được thực hiện trên “Đường Thánh”? (Ê-sai 48:17; 60:17)

16 Bất cứ con đường nào cũng cần được bảo trì đều đặn. Kể từ năm 1919, “Đường Thánh” vẫn luôn được bảo trì với mục tiêu là giúp thêm nhiều người ra khỏi Ba-by-lôn Lớn. Đầy tớ trung tín và khôn ngoan mới được bổ nhiệm đã bắt tay vào việc. Năm 1921, họ xuất bản một công cụ giúp học Kinh Thánh để người mới có thể tìm hiểu chân lý, đó là sách Đàn cầm của Đức Chúa Trời (The Harp of God). Sách này đã được phát hành tổng cộng gần sáu triệu cuốn trong 36 ngôn ngữ, và có nhiều người đã học chân lý bằng sách này. Gần đây, chúng ta có một ấn phẩm mới và hữu hiệu giúp mình điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh là sách Vui sống mãi mãi!. Trong suốt những ngày sau cùng, Đức Giê-hô-va dùng tổ chức của ngài để đều đặn cung cấp thức ăn thiêng liêng dư dật giúp tất cả chúng ta tiếp tục bước đi trên “Đường Thánh”.—Đọc Ê-sai 48:17; 60:17.

17, 18. “Đường Thánh” dẫn chúng ta đến đâu?

17 Có thể nói khi một người đồng ý học Kinh Thánh, người ấy có cơ hội bước vào “Đường Thánh”. Một số người chỉ đi đoạn ngắn, rồi rời khỏi con đường này. Những người khác thì quyết tâm tiếp tục bước đi trên con đường này cho đến khi tới đích. Đích đến là gì?

18 Đối với những người có hy vọng lên trời thì “Đường Thánh” dẫn họ đến “địa đàng của Đức Chúa Trời” ở trên trời (Khải 2:7). Còn đối với những người có hy vọng sống trên đất thì con đường này dẫn họ đến sự hoàn hảo vào cuối 1.000 năm. Nếu anh chị đang bước đi trên con đường này, đừng nhìn lại phía sau. Và đừng rời khỏi con đường này cho đến khi hoàn tất chuyến hành trình vào thế giới mới. Chúc tất cả mọi người có chuyến đi bình an!

BÀI HÁT 24 Hãy lên núi của Đức Giê-hô-va

a Đức Giê-hô-va gọi con đường theo nghĩa bóng từ Ba-by-lôn đến Y-sơ-ra-ên là “Đường Thánh”. Ngài có làm điều tương tự là mở một con đường cho dân ngài trong thời hiện đại không? Có! Kể từ năm 1919, hàng triệu người đã ra khỏi Ba-by-lôn Lớn và bắt đầu bước đi trên “Đường Thánh”. Tất cả chúng ta cần tiếp tục bước đi trên con đường này cho tới khi đến đích.

c HÌNH ẢNH: Anh Russell và các cộng sự dùng những công cụ giúp học Kinh Thánh đã được biên soạn trước thời của họ.