Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 25

“Chính ta sẽ đi kiếm chiên ta”

“Chính ta sẽ đi kiếm chiên ta”

“Chính ta sẽ đi kiếm chiên ta và chăm sóc chúng”.​—Ê-XÊ 34:11.

BÀI HÁT 105 “Đức Chúa Trời là tình yêu thương”

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao Đức Giê-hô-va ví ngài với người mẹ cho con bú?

“Có phụ nữ nào quên con đang tuổi còn bú?”. Đó là câu hỏi mà Đức Giê-hô-va đặt ra vào thời nhà tiên tri Ê-sai. Ngài nói với dân ngài: “Dù họ có quên đi nữa, ta chẳng quên ngươi bao giờ” (Ê-sai 49:15). Đức Chúa Trời thường không ví ngài với một người mẹ. Nhưng trong trường hợp này, ngài đã làm thế. Đức Giê-hô-va dùng mối quan hệ giữa người mẹ và đứa con để cho biết ngài rất đỗi yêu thương tôi tớ ngài. Hầu hết các người mẹ có thể hiểu được điều mà chị Jasmin chia sẻ: “Khi cho con bú, một người mẹ tạo dựng mối quan hệ rất đặc biệt và kéo dài cả cuộc đời”.

2. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi một trong số những người con của ngài bị trôi giạt?

2 Đức Giê-hô-va để ý ngay cả khi một trong số những người con của ngài ngưng kết hợp với hội thánh và không còn rao giảng. Vậy hãy thử nghĩ đến nỗi đau của Đức Giê-hô-va khi thấy hàng ngàn tôi tớ ngài ngưng hoạt động * mỗi năm.

3. Đức Giê-hô-va muốn điều gì?

3 Nhiều anh chị ngưng hoạt động đã quay trở lại hội thánh, là nơi mà họ luôn được chào đón! Đức Giê-hô-va muốn họ trở về và chúng ta cũng vậy (1 Phi 2:25). Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ họ? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết tại sao một số anh chị ngưng tham dự nhóm họp và rao giảng.

TẠI SAO MỘT SỐ ANH CHỊ NGƯNG PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

4. Công việc ngoài đời có thể ảnh hưởng đến một số anh chị như thế nào?

4 Một số anh chị bị cuốn vào công việc ngoài đời. Một anh ở Đông Nam Á tên là Hùng * thừa nhận: “Tôi quá mải miết với việc làm ăn. Tôi thật dại dột khi nghĩ rằng nếu có điều kiện kinh tế tốt hơn thì mình sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Thế là tôi làm thêm giờ. Càng ngày tôi càng bỏ nhóm họp nhiều hơn, rồi cuối cùng tôi ngưng hẳn. Tôi thấy thế gian này được thiết kế để kéo người ta ra xa Đức Chúa Trời từng chút một”.

5. Hàng loạt vấn đề đã ảnh hưởng đến một chị như thế nào?

5 Một số anh chị choáng ngợp trước nhiều vấn đề. Chị Anne đến từ Anh là một người mẹ có năm con. Chị cho biết: “Con út của tôi bị khuyết tật bẩm sinh. Sau đó, con gái tôi bị khai trừ và con trai bị bệnh tâm thần. Tôi nản lòng đến mức bỏ nhóm họp và không rao giảng. Cuối cùng, tôi ngưng hoạt động”. Chúng ta hết sức đồng cảm với chị Anne và gia đình chị cũng như các anh em khác phải đương đầu với những thử thách như thế!

6. Nếu không áp dụng Cô-lô-se 3:13, tại sao một người có thể trôi giạt khỏi dân của Đức Giê-hô-va?

6 Đọc Cô-lô-se 3:13. Một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va cảm thấy bị anh em đồng đạo làm tổn thương. Sứ đồ Phao-lô thừa nhận là đôi khi chúng ta “có lý do để phàn nàn” về một anh hay một chị. Thậm chí có lẽ chúng ta bị đối xử bất công. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ nuôi lòng oán giận. Sự cay đắng có thể dần khiến một người trôi giạt khỏi dân của Đức Giê-hô-va. Hãy xem trường hợp của anh Pablo ở Nam Mỹ. Anh bị vu oan làm điều sai trái và vì thế bị mất đặc ân. Anh phản ứng thế nào? Anh Pablo nói: “Tôi đã rất tức giận và dần dần trôi giạt khỏi hội thánh”.

7. Một người bị lương tâm dằn vặt có thể cảm thấy thế nào?

7 Nếu phạm tội trọng thì một người có thể bị lương tâm dằn vặt, khiến người ấy cảm thấy không xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngay cả khi người ấy ăn năn và được thể hiện lòng thương xót, có thể người ấy vẫn cảm thấy mình không còn đủ tư cách để thuộc về dân của Đức Chúa Trời. Một anh tên là Francisco cảm thấy như thế. Anh chia sẻ: “Tôi bị khiển trách vì phạm tội gian dâm. Lúc đầu, tôi tiếp tục đi nhóm, nhưng rồi tôi nản lòng và cảm thấy không còn xứng đáng để ở trong vòng dân của Đức Giê-hô-va. Tôi bị lương tâm dằn vặt. Tôi cứ đinh ninh là Đức Giê-hô-va không tha thứ cho tôi. Dần dần tôi ngưng kết hợp với hội thánh”. Anh chị cảm thấy thế nào về các anh em gặp những hoàn cảnh như đã thảo luận từ đầu đến giờ? Anh chị có đồng cảm với họ không? Quan trọng hơn, Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về họ?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA YÊU THƯƠNG CHIÊN NGÀI

Một người chăn vào thời Y-sơ-ra-ên quan tâm sâu xa đến một con cừu lạc (Xem đoạn 8, 9) *

8. Đức Giê-hô-va có quên những người đã từng phụng sự ngài không? Hãy giải thích.

8 Đức Giê-hô-va không quên những người tạm thời ngưng kết hợp với dân ngài và những việc họ đã làm để phụng sự ngài (Hê 6:10). Nhà tiên tri Ê-sai ghi lại minh họa sống động để cho thấy Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến dân ngài. Ông viết: “Như người chăn, ngài sẽ chăm sóc bầy mình. Bằng cánh tay, ngài sẽ gom lại cừu con, bồng ẵm vào lòng” (Ê-sai 40:11). Đấng Chăn Giữ Vĩ Đại cảm thấy thế nào khi một trong những con chiên của ngài đi lạc khỏi bầy? Chúa Giê-su tiết lộ cảm xúc của Đức Giê-hô-va khi ngài hỏi các môn đồ: “Anh em nghĩ sao? Nếu một người có 100 con cừu và một con bị lạc, chẳng lẽ người ấy không để 99 con kia ở trên núi rồi đi tìm con bị lạc sao? Tôi chắc chắn với anh em rằng nếu tìm được nó, người ấy sẽ vui mừng vì con cừu đó hơn là 99 con không bị lạc”.—Mat 18:12, 13.

9. Vào thời Kinh Thánh, người chăn tận tụy đối xử với bầy của mình như thế nào? (Xem hình nơi trang bìa).

9 Tại sao thích hợp để ví Đức Giê-hô-va với người chăn? Vì vào thời Kinh Thánh, người chăn tận tụy sẽ chăm sóc bầy một cách chu đáo. Chẳng hạn, Đa-vít chiến đấu với sư tử và gấu để bảo vệ bầy (1 Sa 17:34, 35). Người chăn tận tụy chắc chắn sẽ nhận ra ngay cả khi chỉ có một con cừu bị lạc (Giăng 10:3, 14). Người chăn như thế sẽ để 99 con cừu ở lại an toàn trong chuồng hoặc nhờ người cùng đi chăn chăm sóc chúng và đi tìm con bị lạc. Chúa Giê-su dùng minh họa này để dạy một sự thật quan trọng: “Cha tôi ở trên trời không muốn mất một ai trong số những người hèn mọn ấy”.—Mat 18:14.

Một người chăn vào thời Y-sơ-ra-ên xưa chăm sóc cho con cừu bị lạc (Xem đoạn 9)

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐI TÌM CHIÊN NGÀI

10. Theo Ê-xê-chi-ên 34:11-16, Đức Giê-hô-va hứa làm gì cho chiên bị lạc của ngài?

10 Đức Giê-hô-va yêu thương mỗi chúng ta, kể cả “những người hèn mọn” đi lạc khỏi bầy. Qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, Đức Chúa Trời hứa rằng ngài sẽ đi tìm những con chiên lạc và giúp chiên hồi phục sức khỏe thiêng liêng. Đức Giê-hô-va cho biết những bước cụ thể mà ngài sẽ thực hiện để giúp chiên, và những bước này tương tự như hành động mà người chăn tận tụy vào thời Y-sơ-ra-ên sẽ làm nếu có một con cừu bị lạc. (Đọc Ê-xê-chi-ên 34:11-16). Trước hết, người chăn sẽ đi tìm con cừu bị lạc, điều này có thể đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Rồi khi tìm được con cừu bị lạc, người chăn sẽ mang nó về. Ngoài ra, nếu con cừu bị thương hoặc bị đói thì người chăn sẽ yêu thương chăm sóc con vật yếu ớt ấy, băng bó vết thương, bồng ẵm và cho nó ăn. Các trưởng lão, tức là những người chăn bầy của Đức Chúa Trời, cần thực hiện các bước tương tự để giúp bất cứ ai đi lạc khỏi hội thánh (1 Phi 5:2, 3). Các trưởng lão đi tìm họ, giúp họ trở về với bầy và thể hiện tình yêu thương bằng cách hỗ trợ họ về mặt thiêng liêng. *

11. Một người chăn yêu thương hiểu điều gì?

11 Người chăn yêu thương hiểu rằng cừu có thể bị lạc. Và nếu một con cừu đi xa khỏi bầy thì người chăn không đối xử tàn nhẫn với nó. Hãy xem Đức Chúa Trời nêu gương như thế nào khi giúp một số tôi tớ vào thời Kinh Thánh từng bị lạc lối.

12. Đức Giê-hô-va đối xử như thế nào với Giô-na?

12 Nhà tiên tri Giô-na chạy trốn khi được giao nhiệm vụ. Dù thế, Đức Giê-hô-va không từ bỏ ông. Giống như người chăn yêu thương, Đức Giê-hô-va giải cứu Giô-na và giúp ông có được sức mạnh cần thiết để thi hành nhiệm vụ (Giô-na 2:7; 3:1, 2). Sau đó, Đức Chúa Trời dùng một cây bầu nậm để giúp Giô-na hiểu được giá trị của mỗi mạng sống (Giô-na 4:10, 11). Bài học là gì? Các trưởng lão không nên vội từ bỏ những anh chị ngưng hoạt động. Thay vì thế, họ cố gắng hiểu điều gì khiến một con chiên đi lạc khỏi bầy. Khi con chiên lạc trở về với Đức Giê-hô-va, các trưởng lão tiếp tục thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương với con chiên ấy.

13. Chúng ta học được gì từ phản ứng của Đức Giê-hô-va trước thắc mắc của người viết bài Thi thiên 73?

13 Người viết bài Thi thiên 73 bị nản lòng khi chứng kiến những người gian ác dường như rất hưng thịnh. Ông thắc mắc là liệu việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời có ích gì hay không (Thi 73:12, 13, 16). Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? Ngài không lên án ông. Thật ra, Đức Chúa Trời cho ghi lại lời ông trong Kinh Thánh. Cuối cùng, người viết Thi thiên nhận ra là mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va quý giá hơn bất cứ điều gì khác trong đời sống (Thi 73:23, 24, 26, 28). Bài học là gì? Các trưởng lão không nên xét đoán những người bắt đầu nghi ngờ lợi ích của việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Thay vì chỉ trích họ, các anh cần cố gắng hiểu tại sao họ nói và hành động như thế. Chỉ khi đó các trưởng lão mới có thể dùng Kinh Thánh để khích lệ họ.

14. Tại sao Ê-li-gia cần sự hỗ trợ, và Đức Giê-hô-va đã hỗ trợ ông ra sao?

14 Nhà tiên tri Ê-li-gia chạy trốn khỏi hoàng hậu Giê-xa-bên (1 Vua 19:1-3). Ông nghĩ rằng không còn ai khác làm nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va và công việc mình làm chẳng có giá trị. Ê-li-gia nản lòng đến mức không còn thiết sống (1 Vua 19:4, 10). Thay vì chỉ trích Ê-li-gia, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng ông không đơn độc và có thể tin cậy vào quyền năng của ngài cũng như còn có nhiều việc để ông làm. Ngài tử tế lắng nghe Ê-li-gia bày tỏ những lo lắng và giao cho ông nhiệm vụ mới (1 Vua 19:11-16, 18). Bài học là gì? Tất cả chúng ta, đặc biệt là các trưởng lão, cần đối xử tử tế với chiên của Đức Giê-hô-va. Dù một người nói lời cay đắng hoặc cảm thấy không xứng đáng với lòng thương xót của ngài, nhưng các trưởng lão cần lắng nghe người ấy dốc đổ lòng mình. Sau đó, họ sẽ giúp con chiên lạc tin chắc rằng Đức Giê-hô-va quý trọng người ấy.

CHÚNG TA NÊN CẢM THẤY THẾ NÀO VỀ NHỮNG CON CHIÊN LẠC?

15. Theo Giăng 6:39, Chúa Giê-su có quan điểm nào về chiên của Cha ngài?

15 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cảm thấy thế nào về những con chiên lạc của ngài? Chúa Giê-su nêu gương cho chúng ta. Ngài hiểu rằng mọi con chiên đều quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va. Thế nên, Chúa Giê-su làm tất cả những gì có thể để giúp “những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên” trở về với Cha ngài (Mat 15:24; Lu 19:9, 10). Là người chăn tốt lành, Chúa Giê-su cũng cố gắng hết sức để không đánh mất bất cứ con chiên nào của Đức Giê-hô-va.—Đọc Giăng 6:39.

16, 17. Các trưởng lão nên cảm thấy thế nào về việc giúp những người bị trôi giạt? (Xin xem khung “ Một con chiên lạc có thể cảm thấy thế nào?”).

16 Sứ đồ Phao-lô khuyến giục các trưởng lão thuộc hội thánh ở Ê-phê-sô là hãy noi gương Chúa Giê-su. Ông nói: “Anh em phải... giúp đỡ những người yếu đuối, và anh em phải nhớ lời mà chính Chúa Giê-su đã nói: ‘Cho thì hạnh phúc hơn nhận’” (Công 20:17, 35). Rõ ràng, các trưởng lão ngày nay có trọng trách trong việc giúp đỡ người yếu đuối. Anh Salvador, một trưởng lão ở Tây Ban Nha, cho biết: “Khi nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va rất quan tâm tới những con chiên lạc của ngài, tôi được thúc đẩy để cố gắng hết sức hầu giúp đỡ họ. Là người chăn bầy, tôi tin chắc Đức Giê-hô-va muốn tôi quan tâm chăm sóc họ”.

17 Tất cả những anh chị từng trôi giạt được đề cập trong bài này đều được giúp đỡ để trở về với Đức Giê-hô-va. Ngay lúc này đây, nhiều anh chị đi lạc cũng muốn trở về với ngài. Bài tới sẽ thảo luận kỹ hơn cách chúng ta có thể giúp họ trở về với Đức Giê-hô-va.

BÀI HÁT 139 Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới

^ đ. 5 Tại sao một số anh chị dù đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm nhưng sau đó trôi giạt khỏi hội thánh? Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về họ? Bài này xem xét lời giải đáp cho hai câu hỏi đó. Bài cũng thảo luận những điều chúng ta có thể học được từ cách Đức Giê-hô-va giúp một số tôi tớ vào thời Kinh Thánh từng bị lạc lối.

^ đ. 2 GIẢI NGHĨA: Người công bố ngưng hoạt động là người không nộp báo cáo rao giảng liên tục sáu tháng hoặc hơn. Dù vậy, họ vẫn là anh chị em của chúng ta và chúng ta yêu thương họ.

^ đ. 4 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 10 Bài tới sẽ thảo luận những cách cụ thể mà các trưởng lão có thể làm.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Vì quan tâm đến con cừu bị lạc, một người chăn Y-sơ-ra-ên đi tìm và đưa nó trở về bầy. Ngày nay, những người chăn về mặt thiêng liêng cũng làm thế.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Trong lúc đợi xe buýt rời bến, một chị ngưng hoạt động thấy hai Nhân Chứng đang vui mừng làm chứng nơi công cộng.