Tự chủ—Tính thiết yếu làm Đức Giê-hô-va hài lòng
“Khi người em họ gây sự với tôi, tôi liền bóp cổ nó. Tôi muốn giết nó”.—Anh Paul.
“Lúc ở nhà, tôi dễ nổi điên trước một sự khiêu khích nhỏ nhất. Tôi đập phá bàn ghế, đồ chơi của con hay bất cứ thứ gì vớ được”.—Anh Marco.
Có lẽ chúng ta không hành động hung bạo đến mức ấy. Nhưng đôi khi chúng ta mất kiểm soát, chủ yếu là vì bị di truyền tội lỗi từ người đầu tiên là A-đam (Rô 5:12). Như anh Paul và anh Marco, một số người không kiểm soát được tính khí. Số khác có thể gặp thử thách trong việc kiểm soát suy nghĩ. Chẳng hạn, họ cứ bị ám ảnh bởi những điều khiến họ lo sợ và bị các suy nghĩ tiêu cực hành hạ. Số khác nữa có thể thấy khó cưỡng lại ước muốn vô luân, lạm dụng rượu và dùng ma túy.
Những ai không kiềm chế ước muốn, suy nghĩ và hành động thì có thể hủy hoại đời sống họ. Nhưng chúng ta có thể tránh điều đó. Bằng cách nào? Bằng cách vun trồng tính tự chủ. Để giúp chúng ta vun trồng tính tự chủ, hãy xem ba câu hỏi: (1) Tự chủ là gì? (2) Tại sao tự chủ là thiết yếu? (3) Làm sao để vun trồng tính này, là một khía cạnh của bông trái thần khí? (Ga 5:22, 23). Chúng ta cũng sẽ xem điều mà mình có thể làm khi mất tự chủ.
TỰ CHỦ LÀ GÌ?
Một người tự chủ thì không hành động hấp tấp. Thay vì thế, người ấy kiềm chế lời nói và hành động để không làm buồn lòng Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-su cho thấy tự chủ bao hàm điều gì. Kinh Thánh nói: “Khi bị nhục mạ, ngài chẳng nhục mạ lại. Khi chịu đau đớn, ngài chẳng đe dọa, nhưng phó chính mình cho đấng xét xử công chính” (1 Phi 2:23). Khi bị treo trên cây khổ hình, Chúa Giê-su thể hiện tính tự chủ như thế dù bị những kẻ chống đối mỉa mai (Mat 27:39-44). Trước đó, ngài cũng thể hiện tính tự chủ đáng khâm phục khi các nhà lãnh đạo cố gài bẫy ngài trong lời nói (Mat 22:15-22). Chúa Giê-su cũng nêu gương xuất sắc khi những người Do Thái giận dữ ném đá ngài. Thay vì trả đũa họ, ngài “lánh đi và ra khỏi đền thờ”.—Giăng 8:57-59.
Chúng ta có thể bắt chước Chúa Giê-su không? Có, chúng ta có thể bắt chước ngài ở một mức độ nào đó. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đấng Ki-tô đã chịu khổ vì anh em và để lại một gương mẫu, hầu anh em theo sát dấu chân ngài” (1 Phi 2:21). Dù là người bất toàn, chúng ta có thể theo sát gương mẫu của ngài. Tại sao điều này rất quan trọng?
TẠI SAO TỰ CHỦ LÀ THIẾT YẾU?
Để được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta cần vun trồng tính tự chủ. Ngay cả khi đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm, chúng ta vẫn có thể mất đi tình bạn với ngài nếu không kiểm soát lời nói và hành động.
Hãy xem trường hợp của Môi-se, là “người khiêm hòa nhất trong tất cả những người sống trên đất” vào thời ông (Dân 12:3). Sau rất nhiều năm kiên nhẫn lắng nghe dân Y-sơ-ra-ên phàn nàn, Môi-se đã mất tự chủ. Ông tức giận khi họ lại phàn nàn vì thiếu nước uống. Ông gắt gỏng với dân chúng: “Hãy nghe, hỡi những kẻ phản nghịch! Các người đòi chúng tôi khiến nước từ vách đá này chảy ra cho các người sao?”.—Dân 20:2-11.
Môi-se không kiểm soát được chính mình. Ông không quy sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va, đấng làm phép lạ này (Thi 106:32, 33). Hậu quả là ngài không cho ông vào Đất Hứa (Dân 20:12). Từ đó đến khi qua đời, hẳn Môi-se đã hối hận vì mất tự chủ.—Phục 3:23-27.
Bài học là gì? Ngay cả khi đã theo chân lý nhiều năm, chúng ta không bao giờ nên nói những lời thiếu tôn trọng với người khiến mình bực bội hoặc với người cần được khuyên bảo (Ê-phê 4:32; Cô 3:12). Có lẽ khi càng lớn tuổi, chúng ta càng dễ mất kiên nhẫn. Nhưng hãy nhớ đến trường hợp của Môi-se. Chúng ta không bao giờ muốn làm hoen ố danh tiếng của mình chỉ vì nhất thời mất tự chủ. Chúng ta có thể làm gì để vun trồng đức tính thiết yếu này?
LÀM THẾ NÀO ĐỂ VUN TRỒNG TÍNH TỰ CHỦ?
Cầu xin thần khí thánh. Tại sao? Vì tự chủ là một khía cạnh của bông trái thần khí và Đức Giê-hô-va ban thần khí cho những ai cầu xin (Lu 11:13). Qua thần khí, ngài có thể ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết (Phi-líp 4:13). Ngài cũng có thể giúp chúng ta vun trồng các khía cạnh khác của bông trái thần khí, chẳng hạn như yêu thương, là đức tính giúp chúng ta tự chủ.—1 Cô 13:5.
Tránh bất cứ điều gì khiến mình khó tự chủ. Chẳng hạn, chúng ta phải tránh xa những trang web và loại giải trí có nội dung sai trái (Ê-phê 5:3, 4). Thực tế, chúng ta phải tránh bất cứ điều gì có thể cám dỗ mình làm điều xấu (Châm 22:3; 1 Cô 6:12). Chẳng hạn, một người biết mình dễ bị cám dỗ bởi những điều ô uế thì có lẽ nên tránh bất cứ sách báo và phim ảnh lãng mạn nào.
Chúng ta có thể thấy khó áp dụng lời khuyên này. Nhưng nếu chúng ta nỗ lực hết mình, Đức Giê-hô-va sẽ ban sức mạnh cần thiết để chúng ta vun trồng tính tự chủ (2 Phi 1:5-8). Ngài sẽ giúp chúng ta kiểm soát suy nghĩ, lời nói và hành động. Anh Paul và anh Marco, được đề cập ở đầu bài, đã học được cách kiểm soát tính khí hung bạo. Chúng ta cũng hãy xem trường hợp của một anh thường nổi nóng khi lái xe, thậm chí tranh cãi với người khác trên đường. Anh đã làm gì để tự chủ? Anh nói: “Tôi tha thiết cầu nguyện mỗi ngày. Tôi tra xem các bài nói về tính tự chủ và học thuộc các câu Kinh Thánh hữu ích. Dù đã nỗ lực để giữ tự chủ trong nhiều năm nhưng mỗi sáng thức dậy, tôi tự nhủ là mình phải cố giữ bình tĩnh suốt cả ngày. Và tôi rời nhà sớm hơn để không vội vàng”.
NẾU KHÔNG TẬP ĐƯỢC TÍNH TỰ CHỦ
Đôi khi, chúng ta sẽ mất tự chủ. Khi điều đó xảy ra, chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ tới mức không đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Nhưng đây là lúc cần thiết nhất để cầu xin ngài giúp. Vì thế, hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va ngay lập tức. Hãy nài xin ngài tha thứ, tìm kiếm sự giúp đỡ của ngài và quyết tâm không tái phạm (Thi 51:9-11). Đức Giê-hô-va không bao giờ khinh dể lời cầu xin chân thành của chúng ta (Thi 102:17). Sứ đồ Giăng nhắc chúng ta nhớ là huyết của Con Đức Chúa Trời “tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội” (1 Giăng 1:7; 2:1; Thi 86:5). Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va bảo các tôi tớ trên đất phải rộng lòng tha thứ. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc ngài cũng rộng lòng tha thứ cho chúng ta.—Mat 18:21, 22; Cô 3:13.
Đức Giê-hô-va không hài lòng khi Môi-se mất tự chủ ở hoang mạc. Dù vậy, ngài tha thứ cho ông. Và Kinh Thánh nói Môi-se là người có đức tin nổi bật (Phục 34:10; Hê 11:24-28). Đức Giê-hô-va không cho Môi-se vào Đất Hứa, nhưng ngài sẽ chào đón ông vào địa đàng và ban cho ông triển vọng sống mãi mãi. Chúng ta cũng có thể được hưởng triển vọng ấy nếu tiếp tục nỗ lực vun trồng tính tự chủ, một đức tính thật thiết yếu!—1 Cô 9:25.