Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 25

Đừng làm vấp ngã “những người hèn mọn đó”

Đừng làm vấp ngã “những người hèn mọn đó”

“Đừng khinh thường ai trong số những người hèn mọn đó”.—MAT 18:10.

BÀI HÁT 113 Sự bình an của dân Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

1. Đức Giê-hô-va đã làm gì cho mỗi chúng ta?

Đức Giê-hô-va đã kéo mỗi chúng ta đến với ngài (Giăng 6:44). Hãy nghĩ xem điều này có nghĩa gì. Khi Đức Giê-hô-va xem xét kỹ hàng tỉ người trên thế giới, ngài thấy một điều đáng quý nơi anh chị, đó là tấm lòng chân thành sẽ yêu mến ngài (1 Sử 28:9). Đức Giê-hô-va biết anh chị, hiểu rõ anh chị và yêu thương anh chị. Thật ấm lòng biết bao!

2. Chúa Giê-su minh họa thế nào về lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va dành cho mỗi con chiên của ngài?

2 Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến anh chị, và ngài cũng quan tâm đến tất cả anh em đồng đạo của anh chị. Để minh họa điều này, Chúa Giê-su ví Đức Giê-hô-va với người chăn. Nếu 1 trong 100 con cừu bị lạc khỏi bầy, người chăn sẽ làm gì? Người ấy sẽ “để 99 con kia ở trên núi rồi đi tìm con bị lạc”. Khi tìm được con cừu, người chăn sẽ không la rầy nó, nhưng sẽ vui mừng. Điểm chính là gì? Mỗi con chiên đều quan trọng với Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nói: “Cha tôi ở trên trời không muốn mất một ai trong số những người hèn mọn ấy”.—Mat 18:12-14.

3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

3 Hẳn chúng ta không bao giờ muốn là nguồn gây nản lòng cho bất cứ anh em nào. Vậy làm sao để tránh làm người khác vấp ngã? Và chúng ta có thể làm gì nếu bị một người làm mình tổn thương? Bài này sẽ trả lời những câu hỏi ấy. Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu thêm về “những người hèn mọn đó” được nói nơi Ma-thi-ơ chương 18.

AI LÀ “NHỮNG NGƯỜI HÈN MỌN ĐÓ”?

4. Ai là “những người hèn mọn đó”?

4 “Những người hèn mọn đó” là môn đồ của Chúa Giê-su. Từ được dịch là “người hèn mọn” cũng có thể được dịch là “con trẻ”. Dù môn đồ của Chúa Giê-su thuộc mọi lứa tuổi nhưng họ “như con trẻ” theo nghĩa là họ sẵn sàng để Chúa Giê-su dạy dỗ (Mat 18:3). Họ đến từ nhiều nền văn hóa và gốc gác, có quan điểm cũng như nhân cách khác nhau, nhưng đều thể hiện đức tin nơi Đấng Ki-tô. Và Đấng Ki-tô yêu thương họ rất nhiều.—Mat 18:6; Giăng 1:12.

5. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi ai đó làm một tôi tớ của ngài bị vấp ngã hoặc tổn thương?

5 Tất cả “những người hèn mọn đó” đều quý giá với Đức Giê-hô-va. Để hiểu được cảm xúc của ngài, hãy nghĩ đến cảm xúc của chúng ta về trẻ em. Chúng rất quý đối với chúng ta. Chúng ta muốn bảo vệ chúng vì chúng yếu ớt, thiếu kinh nghiệm và thiếu sự khôn ngoan của người lớn. Thực tế, dù không muốn thấy bất cứ ai bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần, nhưng chúng ta đặc biệt đau lòng, thậm chí tức giận, khi ai đó làm tổn thương một em nhỏ. Tương tự, Đức Giê-hô-va muốn bảo vệ chúng ta. Ngài đau lòng, thậm chí tức giận, khi ai đó làm một tôi tớ của ngài bị vấp ngã hoặc tổn thương!—Ê-sai 63:9; Mác 9:42.

6. Theo 1 Cô-rinh-tô 1:26-29, thế gian có quan điểm nào về môn đồ của Chúa Giê-su?

6 Môn đồ của Chúa Giê-su giống “những người hèn mọn” theo nghĩa nào khác? Hãy thử nghĩ thế gian xem ai là người quan trọng. Đó là người giàu có, nổi tiếng và có quyền thế. Trái lại, môn đồ của Chúa Giê-su bị xem là “những người hèn mọn”, tầm thường và kém quan trọng. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 1:26-29). Nhưng Đức Giê-hô-va không xem họ như thế.

7. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cảm thấy thế nào về anh em?

7 Đức Giê-hô-va yêu thương mọi tôi tớ ngài, dù họ đã phụng sự ngài nhiều năm hoặc mới vào chân lý. Tất cả anh em đồng đạo đều quan trọng với Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta cũng nên xem họ là quan trọng. Chúng ta muốn “yêu thương cả đoàn thể anh em”, chứ không chỉ một số người (1 Phi 2:17). Chúng ta nên sẵn lòng làm mọi điều có thể để bảo vệ và giúp đỡ họ. Nếu biết mình đã gây tổn thương hoặc làm mất lòng ai đó, chúng ta không nên chỉ đơn giản lờ đi, cho rằng người ấy quá nhạy cảm và đáng lẽ phải bỏ qua mới đúng. Điều gì có lẽ khiến một số người dễ bị tổn thương? Vì hoàn cảnh xuất thân, một số anh chị cảm thấy thấp kém hơn người khác. Số khác thì mới vào chân lý nên chưa biết cách đương đầu với sự bất toàn của người khác. Dù trường hợp nào đi nữa, chúng ta nên cố gắng hết sức để có lại sự hòa thuận. Ngoài ra, một người dễ bị tổn thương cần nhận ra đây là tính không tốt mà mình cần cải thiện. Người ấy cần làm thế để chính mình và người khác có sự bình an.

XEM NGƯỜI KHÁC CAO HƠN MÌNH

8. Quan điểm phổ biến nào đã ảnh hưởng đến các môn đồ của Chúa Giê-su?

8 Tại sao Chúa Giê-su nói đến “những người hèn mọn đó”? Vì các môn đồ đã hỏi ngài: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” (Mat 18:1). Nhiều người Do Thái thời bấy giờ xem địa vị và chức tước là điều rất quan trọng. Một học giả cho biết: “Người ta sống chết vì danh dự, tiếng tăm, sự tôn trọng và sự chấp nhận của người đời”.

9. Môn đồ của Chúa Giê-su đã phải làm gì?

9 Chúa Giê-su biết các môn đồ ngài phải nỗ lực rất nhiều để loại bỏ khỏi lòng tinh thần cạnh tranh đã ăn sâu trong văn hóa Do Thái. Ngài bảo họ: “Ai lớn nhất trong anh em phải trở nên như người nhỏ nhất, và ai dẫn đầu thì phải như người phục vụ” (Lu 22:26). Chúng ta cư xử như “người nhỏ nhất” khi “xem người khác cao hơn mình” (Phi-líp 2:3). Khi càng vun trồng thái độ đó, chúng ta sẽ càng giảm nguy cơ gây vấp ngã cho người khác.

10. Chúng ta nên áp dụng lời khuyên nào của Phao-lô?

10 Tất cả anh em đồng đạo đều hơn chúng ta về khía cạnh nào đó. Không khó để thấy điều này khi chúng ta tập trung vào những phẩm chất tốt của họ. Chúng ta nên áp dụng lời khuyên của sứ đồ Phao-lô dành cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô: “Ai khiến anh em khác biệt với người khác? Thật vậy, những gì anh em có chẳng phải là do anh em đã nhận được sao? Nếu quả đã nhận được, sao anh em lại khoe mình như thể không nhận được?” (1 Cô 4:7). Chúng ta không bao giờ muốn thu hút sự chú ý đến bản thân hoặc nghĩ rằng mình cao hơn người khác. Nếu một anh nói bài giảng hay hoặc một chị có khiếu bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh, anh chị ấy nên luôn quy điều đó cho Đức Giê-hô-va.

THA THỨ “TỪ ĐÁY LÒNG”

11. Minh họa về vị vua và người đầy tớ dạy chúng ta điều gì?

11 Không lâu sau khi Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ đừng làm người khác vấp ngã, ngài đưa ra minh họa về một vị vua và người đầy tớ. Vị vua đã xóa món nợ lớn mà người đầy tớ không bao giờ có thể trả được. Sau đó, người đầy tớ ấy không chịu xóa món nợ nhỏ hơn nhiều cho người bạn cùng làm đầy tớ. Cuối cùng, vua đã tống giam người đầy tớ không có lòng thương xót ấy. Bài học là gì? Chúa Giê-su nói: “Nếu mỗi người trong anh em không tha thứ cho anh em mình từ đáy lòng, Cha tôi ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em giống như vậy”.—Mat 18:21-35.

12. Nếu không chịu tha thứ, chúng ta gây hại cho người khác như thế nào?

12 Hành động của người đầy tớ không chỉ gây hại cho chính mình mà còn cho người khác. Thứ nhất, người ấy nhẫn tâm gây hại cho người bạn cùng làm đầy tớ khi “bỏ bạn mình vào tù cho đến khi trả hết nợ”. Thứ hai, người ấy gây hại cho những đầy tớ khác đã chứng kiến điều người ấy làm. Kinh Thánh cho biết: “Các đầy tớ khác thấy vậy thì rất buồn”. Tương tự, hành động của chúng ta ảnh hưởng đến người khác. Nếu một người phạm lỗi với chúng ta và chúng ta không chịu tha thứ cho người ấy, điều gì có thể xảy ra? Thứ nhất, chúng ta làm tổn thương người ấy khi không tha thứ, không quan tâm và không thể hiện tình yêu thương với họ. Thứ hai, chúng ta khiến người khác trong hội thánh khó chịu khi họ nhận thấy chúng ta không hòa thuận với người ấy.

Anh chị sẽ nuôi lòng oán giận hay tha thứ từ đáy lòng? (Xem đoạn 13, 14) *

13. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của một chị tiên phong?

13 Khi tha thứ cho anh em, chính mình và người khác sẽ nhận được lợi ích. Đó là kinh nghiệm của một chị tiên phong tạm gọi là Ngọc. Chị bị một chị khác trong hội thánh làm tổn thương. Chị Ngọc nhớ lại: “Đôi khi, những lời thiếu yêu thương của chị ấy như dao đâm vào lòng tôi. Tôi thậm chí còn không muốn đi thánh chức chung với chị ấy. Tôi bắt đầu mất đi lòng sốt sắng và niềm vui”. Chị Ngọc cảm thấy mình có lý do chính đáng để buồn giận. Nhưng chị đã không tủi thân hoặc để sự oán giận chi phối mình. Chị khiêm nhường áp dụng lời khuyên Kinh Thánh mà chị tìm được trong bài “Hết lòng tha thứ” nơi Tháp Canh ngày 15-10-1999. Chị đã tha thứ cho chị kia. Chị Ngọc nói: “Giờ đây, tôi nhận ra là tất cả chúng ta đều đang cố gắng để mặc lấy nhân cách mới và Đức Giê-hô-va rộng lòng tha thứ cho chúng ta mỗi ngày. Tôi cảm thấy như thể gánh nặng ngàn cân trên vai mình đã được trút bỏ. Tôi đã có lại niềm vui”.

14. Theo Ma-thi-ơ 18:21, 22, dường như sứ đồ Phi-e-rơ thấy khó để làm gì, và chúng ta học được gì từ lời đáp của Chúa Giê-su?

14 Chúng ta biết là mình nên tha thứ và đó là điều đúng cần làm. Nhưng chúng ta có thể thấy khó để làm thế. Có lẽ sứ đồ Phi-e-rơ cũng có lúc cảm thấy như thế. (Đọc Ma-thi-ơ 18:21, 22). Điều gì sẽ giúp ích? Thứ nhất, hãy suy ngẫm Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho chúng ta nhiều đến mức nào (Mat 18:32, 33). Chúng ta không xứng đáng để được ngài tha thứ, nhưng ngài vẫn rộng lòng làm thế (Thi 103:8-10). Ngoài ra, “chúng ta cũng có bổn phận yêu thương nhau”. Vì thế, tha thứ không phải là điều tùy thích. Chúng ta có trách nhiệm phải tha thứ cho anh em (1 Giăng 4:11). Thứ hai, hãy suy ngẫm về những lợi ích của việc tha thứ. Chúng ta có thể giúp người đã phạm lỗi với mình, đẩy mạnh sự hợp nhất trong hội thánh, bảo vệ tình bạn với Đức Giê-hô-va và trút bỏ được gánh nặng trên vai (2 Cô 2:7; Cô 3:14). Cuối cùng, hãy cầu nguyện với đấng đòi hỏi chúng ta phải tha thứ. Đừng để Sa-tan phá vỡ sự hòa thuận mà chúng ta có với anh em đồng đạo (Ê-phê 4:26, 27). Để tránh rơi vào bẫy của Sa-tan, chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va.

ĐỪNG ĐỂ MÌNH BỊ VẤP NGÃ

15. Theo Cô-lô-se 3:13, chúng ta nên làm gì nếu một anh chị khiến mình tổn thương?

15 Nhưng nói sao nếu một anh em đồng đạo làm anh chị tổn thương? Anh chị nên làm gì? Hãy cố gắng hết sức để giữ hòa thuận. Hãy tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, xin ngài ban phước cho người làm anh chị tổn thương và giúp anh chị thấy những phẩm chất tốt của người ấy, chính là những phẩm chất khiến Đức Giê-hô-va yêu thương họ (Lu 6:28). Nếu không thể bỏ qua lỗi lầm của người ấy, hãy nghĩ xem đâu là cách tốt nhất để nói chuyện với họ. Điều luôn hữu ích là tin rằng anh em không bao giờ cố ý làm tổn thương mình (Mat 5:23, 24; 1 Cô 13:7). Hãy cho rằng người ấy có ý tốt. Nhưng nếu người ấy không muốn làm hòa thì sao? Hãy “tiếp tục chịu đựng” người ấy và kiên nhẫn với họ. (Đọc Cô-lô-se 3:13). Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ nuôi lòng oán giận vì điều đó có thể gây hại cho tình bạn của anh chị với Đức Giê-hô-va. Đừng bao giờ để bất cứ điều gì khiến anh chị vấp ngã. Khi làm thế, anh chị cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va hơn bất cứ điều gì khác.—Thi 119:165.

16. Mỗi chúng ta có trách nhiệm nào?

16 Chúng ta quý trọng đặc ân được phụng sự Đức Giê-hô-va hợp nhất với tư cách là “một bầy” dưới “một người chăn”! (Giăng 10:16). Sách Được tổ chức để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va, trang 165, cho biết: “Vì được hưởng sự hợp nhất như thế, anh chị có trách nhiệm gìn giữ [sự hợp nhất ấy]”. Do đó, chúng ta cần “tập nhìn anh em theo quan điểm của Đức Giê-hô-va”. Đối với ngài, tất cả chúng ta là “những người hèn mọn” đáng quý. Anh chị có quan điểm như thế về anh em đồng đạo không? Đức Giê-hô-va để ý và quý trọng mọi điều anh chị làm để giúp đỡ và chăm sóc họ.—Mat 10:42.

17. Chúng ta quyết tâm làm gì?

17 Chúng ta yêu thương anh em đồng đạo. Vì thế, chúng ta “quyết tâm không đặt cớ gây vấp ngã hoặc chướng ngại trước một anh em nào” (Rô 14:13). Chúng ta xem anh em cao hơn mình và muốn tha thứ cho họ từ đáy lòng. Mong sao chúng ta không để mình bị vấp ngã bởi người khác. Thay vì thế, hãy chọn “theo đuổi những điều đem lại sự hòa thuận và những điều giúp nhau vững mạnh”.—Rô 14:19.

BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ

^ đ. 5 Vì bất toàn, chúng ta có thể nói hoặc làm những điều khiến anh em đồng đạo tổn thương. Khi đó, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta có mong muốn hàn gắn mối quan hệ với người ấy không? Chúng ta có nhanh chóng xin lỗi không? Hay chúng ta cho rằng nếu người ấy bị tổn thương, đó là vấn đề của họ, không phải của mình? Hoặc nói sao nếu chúng ta dễ bị mất lòng bởi lời nói và hành động của người khác? Chúng ta có bào chữa cho phản ứng của mình bằng cách cho rằng: “Con người tôi là vậy, đó là tính cách của tôi”? Hay chúng ta xem phản ứng đó là một khuyết điểm mình cần cải thiện?

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Một chị giận một chị khác trong hội thánh. Sau khi hai chị giải quyết vấn đề riêng với nhau, họ quên đi vấn đề và vui vẻ cùng nhau phụng sự.