BÀI HỌC 24
Đức Giê-hô-va—Đấng Tha Thứ vĩ đại nhất
“Đức Giê-hô-va ôi, vì ngài thật tốt, sẵn lòng thứ tha; ngài giàu lòng yêu thương thành tín với mọi người kêu cầu ngài”.—THI 86:5.
BÀI HÁT 42 Lời cầu nguyện của tôi tớ Đức Chúa Trời
GIỚI THIỆU *
1. Vua Sa-lô-môn nêu lên sự thật nào nơi Truyền đạo 7:20?
Vua Sa-lô-môn nhận xét: “Chẳng có người công chính nào trên đất luôn làm điều tốt và không bao giờ phạm tội” (Truyền 7:20). Điều này thật đúng! Tất cả chúng ta đều phạm tội (1 Giăng 1:8). Vì thế, chúng ta cần sự tha thứ từ Đức Chúa Trời và người khác.
2. Chúng ta cảm thấy thế nào khi được một người bạn thân tha thứ?
2 Hẳn anh chị còn nhớ lần mà mình làm cho một người bạn thân đau lòng. Lúc ấy, anh chị muốn sửa chữa lỗi lầm và hàn gắn mối quan hệ. Vì thế, anh chị chân thành xin lỗi người ấy. Anh chị cảm thấy thế nào khi người bạn rộng lòng tha thứ cho mình? Anh chị có cảm thấy nhẹ nhõm không? Có, và còn cảm thấy vui nữa!
3. Chúng ta sẽ tập trung vào điều gì trong bài này?
3 Chúng ta muốn Đức Giê-hô-va là Bạn thân nhất của mình, nhưng có lúc chúng ta sẽ nói hoặc làm những điều khiến ngài đau lòng. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ? Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va vượt trội so với sự tha thứ của chúng ta như thế nào? Và ai có thể nhận được sự tha thứ của ngài?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẴN LÒNG THA THỨ
4. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ?
4 Kinh Thánh đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ. Khi tiết lộ về ngài cho Môi-se tại núi Si-nai, Đức Giê-hô-va phán qua một thiên sứ: “Giê-hô-va, Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thương xót và trắc ẩn, chậm nóng giận, giàu tình yêu thương thành tín và sự chân thật, thể hiện tình yêu thương thành tín đến ngàn đời, tha thứ lỗi lầm, sự phạm pháp và tội lỗi” (Xuất 34:6, 7). Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời nhân từ và thương xót, đấng luôn sẵn lòng tha thứ cho những người phạm tội biết ăn năn.—Nê 9:17; Thi 86:15.
5. Theo Thi thiên 103:13, 14, việc hiểu biết chi tiết về con người thôi thúc Đức Giê-hô-va làm gì?
5 Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va biết mọi điều về chúng ta. Hãy thử nghĩ: Ngài biết mọi chi tiết về từng người sống trên đất (Thi 139:15-17). Vì thế, ngài có thể thấy tất cả sự bất toàn mà chúng ta bị di truyền từ cha mẹ. Hơn nữa, ngài biết rõ những điều xảy ra trong đời sống đã uốn nắn nhân cách của chúng ta. Việc hiểu biết chi tiết như thế về con người thôi thúc Đức Giê-hô-va làm gì? Điều đó thôi thúc ngài thể hiện lòng thương xót với chúng ta.—Thi 78:39; đọc Thi thiên 103:13, 14.
6. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va chứng tỏ ngài sẵn lòng tha thứ?
6 Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài sẵn lòng tha thứ. Ngài hiểu rằng vì hành động của người đầu tiên là A-đam nên tất cả chúng ta đều bị kìm kẹp trong tội lỗi và cái chết (Rô 5:12). Chúng ta không thể nào tự giải thoát mình hay bất cứ ai khác khỏi sự kìm kẹp đó (Thi 49:7-9). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời yêu thương đã thể hiện lòng trắc ẩn và sắp đặt để chúng ta được giải thoát. Ngài đã làm gì? Giăng 3:16 cho biết Đức Giê-hô-va phái Con một đến để chết cho chúng ta (Mat 20:28; Rô 5:19). Chúa Giê-su đã chịu chết thay cho chúng ta. Nhờ thế, những ai thể hiện đức tin nơi ngài được giải thoát (Hê 2:9). Hẳn Đức Giê-hô-va đau lòng biết bao khi thấy người Con yêu dấu của ngài phải chịu cái chết đau đớn và nhục nhã! Chắc chắn Đức Giê-hô-va sẽ không để cho Con ngài chịu chết nếu ngài không muốn tha thứ cho chúng ta.
7. Một số trường hợp nào trong Kinh Thánh được Đức Giê-hô-va rộng lòng tha thứ?
7 Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp được Đức Giê-hô-va rộng lòng tha thứ (Ê-phê 4:32). Anh chị nghĩ đến trường hợp nào? Có lẽ anh chị nghĩ đến vua Ma-na-se. Vua độc ác đó đã phạm tội với Đức Giê-hô-va qua những cách khủng khiếp. Ông dẫn đầu trong việc thờ thần giả. Ông giết chính các con mình, dâng chúng làm vật tế lễ cho các thần ngoại giáo. Thậm chí, ông còn đặt một tượng chạm của thần giả trong đền thờ của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh nói về ông như sau: “Ông làm điều ác thái quá trong mắt Đức Giê-hô-va mà xúc phạm ngài” (2 Sử 33:2-7). Nhưng khi Ma-na-se cho thấy ông thành thật ăn năn, Đức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ. Ngài thậm chí còn khôi phục lại vương quyền cho ông (2 Sử 33:12, 13). Có lẽ anh chị cũng nghĩ đến vua Đa-vít, người phạm tội trọng với Đức Giê-hô-va, trong đó có tội ngoại tình và giết người. Tuy nhiên, khi Đa-vít thừa nhận lỗi lầm và thật lòng ăn năn, Đức Giê-hô-va cũng tha thứ cho ông (2 Sa 12:9, 10, 13, 14). Thật vậy, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ. Và như chúng ta sẽ thấy, khả năng tha thứ của ngài vượt trội hơn con người.
KHẢ NĂNG THA THỨ VƯỢT TRỘI CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
8. Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va là Đấng Phán Xét tốt nhất?
8 Đức Giê-hô-va là “Đấng Phán Xét của toàn thể trái đất” (Sáng 18:25). Một quan án tốt cần phải biết rõ luật pháp. Chắc chắn điều này đúng với Đức Giê-hô-va vì ngài không chỉ là Đấng Phán Xét, mà cũng là Đấng Lập Luật (Ê-sai 33:22). Đức Giê-hô-va biết rõ điều đúng, điều sai hơn bất cứ ai. Một quan án tốt còn cần điều gì khác? Ông cần xem xét mọi chi tiết liên quan đến vụ việc trước khi đưa ra phán quyết. Thế nên, Đức Giê-hô-va là Đấng Phán Xét tốt nhất vì ngài luôn biết mọi chi tiết.
9. Khi quyết định có tha thứ cho một người hay không, Đức Giê-hô-va biết những thông tin nào?
9 Khác với quan án loài người, Đức Giê-hô-va luôn hiểu rõ mọi chi tiết của bất cứ vụ việc nào (Sáng 18:20, 21; Thi 90:8). Con người có cái nhìn hạn hẹp vì chỉ dựa trên những gì họ thấy hoặc nghe, còn Đức Giê-hô-va thì không. Ngài hiểu rõ hành động của một người bị ảnh hưởng như thế nào bởi yếu tố di truyền, hoàn cảnh lớn lên, môi trường sống cũng như cảm xúc và sức khỏe tâm thần của người ấy. Đức Giê-hô-va cũng đọc được lòng của con người. Ngài biết rõ động cơ, ý định và ước muốn của một người. Không gì có thể giấu kín khỏi Đức Giê-hô-va (Hê 4:13). Vì thế, Đức Giê-hô-va luôn tha thứ dựa trên sự hiểu biết trọn vẹn của ngài về từng trường hợp.
10. Tại sao có thể nói các phán quyết của Đức Giê-hô-va luôn công bằng? (Phục truyền luật lệ 32:4)
10 Các phán quyết của Đức Giê-hô-va luôn công bằng. Ngài không hề thiên vị. Sự tha thứ của ngài không bao giờ dựa trên ngoại diện, sự giàu có, sự nổi trội hoặc khả năng của một người (1 Sa 16:7; Gia 2:1-4). Không ai có thể gây áp lực hay hối lộ Đức Giê-hô-va (2 Sử 19:7). Những quyết định của ngài không bao giờ bị ảnh hưởng bởi sự bực bội hay tình cảm (Xuất 34:7). Chắc chắn Đức Giê-hô-va là Đấng Phán Xét tốt nhất vì ngài là đấng thông sáng và hiểu biết tường tận.—Đọc Phục truyền luật lệ 32:4.
11. Tại sao sự tha thứ của Đức Giê-hô-va là đặc biệt?
11 Những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hiểu rằng sự tha thứ của Đức Giê-hô-va là đặc biệt. Trong một số trường hợp, họ sử dụng từ Hê-bơ-rơ mà một tài liệu tham khảo nói rằng từ đó “chỉ được dùng để nói đến sự tha thứ của Đức Chúa Trời đối với người có tội, chứ không bao giờ được dùng để nói đến sự tha thứ giới hạn và thấp kém hơn của con người với con người”. Chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền để hoàn toàn tha thứ cho những người phạm tội biết ăn năn. Việc Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta mang lại lợi ích nào?
12, 13. (a) Một người nhận được lợi ích nào khi được Đức Giê-hô-va tha thứ? (b) Những lợi ích từ sự tha thứ của Đức Giê-hô-va kéo dài bao lâu?
12 Khi chấp nhận sự thật là Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận được “kỳ thanh thản”, bao gồm sự bình an tâm trí và một lương tâm trong sạch. Sự tha thứ như thế không thể đến từ con người mà chỉ đến từ “chính Đức Giê-hô-va” (Công 3:19). Khi tha tội cho chúng ta, Đức Giê-hô-va hoàn toàn khôi phục mối quan hệ với chúng ta như thể chúng ta chưa từng phạm tội đó.
13 Một khi tha thứ, Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ kết tội hoặc phạt chúng ta về tội ấy nữa (Ê-sai 43:25; Giê 31:34). Đức Giê-hô-va đem tội lỗi của chúng ta ra xa như “phương mặt trời mọc cách xa phương mặt trời lặn” * (Thi 103:12). Khi suy ngẫm về sự tha thứ lớn lao của Đức Giê-hô-va, chúng ta tràn đầy lòng biết ơn và thán phục (Thi 130:4). Nhưng ai có thể nhận được sự tha thứ này từ Đức Giê-hô-va?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA THA THỨ CHO AI?
14. Như vừa xem xét, Đức Giê-hô-va tha thứ dựa trên điều gì?
14 Như chúng ta vừa xem xét, Đức Giê-hô-va quyết định tha thứ không dựa trên việc một người phạm tội nặng hay nhẹ. Chúng ta cũng học được rằng với tư cách là Đấng Tạo Hóa, Đấng Lập Luật và Đấng Phán Xét, Đức Giê-hô-va dùng sự hiểu biết của ngài để quyết định có tha thứ cho một người hay không. Đức Giê-hô-va xem xét những yếu tố nào?
15. Theo Lu-ca 12:47, 48, một yếu tố mà Đức Giê-hô-va xem xét là gì?
15 Một yếu tố mà Đức Giê-hô-va xem xét là người phạm tội có biết điều mình đang làm là sai hay không. Chúa Giê-su cho thấy rõ điều này như được ghi nơi Lu-ca 12:47, 48. (Đọc). Khi một người âm mưu làm điều gian ác và biết rõ điều mình đang làm là xúc phạm Đức Giê-hô-va thì người ấy phạm tội trọng. Một người như thế có thể không được Đức Giê-hô-va tha thứ (Mác 3:29; Giăng 9:41). Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng có những lúc mình làm những điều mình biết là sai. Có hy vọng nào cho chúng ta trong trường hợp đó không? Có! Điều này liên hệ đến một yếu tố khác mà Đức Giê-hô-va xem xét.
16. Ăn năn là gì, và tại sao chúng ta cần ăn năn nếu muốn được Đức Giê-hô-va tha thứ?
16 Yếu tố khác mà Đức Giê-hô-va xem xét là người phạm tội có thật lòng ăn năn hay không. Ăn năn là gì? Ăn năn có nghĩa là “thay đổi suy nghĩ, thái độ hay ý định”. Điều này bao hàm việc một người cảm thấy hối hận và đau buồn về điều xấu mình đã làm hoặc về việc không làm điều đúng mà lẽ ra mình nên làm. Một người ăn năn không chỉ buồn về tội mình đã phạm mà còn buồn về tình trạng thiêng liêng suy yếu của mình dẫn đến việc phạm tội. Hãy nhớ vua Ma-na-se và vua Đa-vít đã phạm những tội trọng, nhưng Đức Giê-hô-va đã tha thứ vì họ thật lòng ăn năn (1 Vua 14:8). Thật vậy, chỉ khi Đức Giê-hô-va thấy bằng chứng của sự ăn năn thì ngài mới tha thứ. Nhưng chỉ cảm thấy hối tiếc về tội mình đã phạm thì chưa đủ. Chúng ta cần hành động. * Điều này liên hệ đến một yếu tố khác mà Đức Giê-hô-va xem xét.
17. Cải hóa là gì, và tại sao chúng ta cần cải hóa nếu muốn tránh tái phạm những tội trước kia? (Ê-sai 55:7)
17 Cải hóa là một yếu tố quan trọng khác mà Đức Giê-hô-va xem xét. Cải hóa là “quay ngược lại”. Nói cách khác, một người cần thay đổi đường lối bằng cách từ bỏ điều xấu và sống theo đường lối của Đức Giê-hô-va. (Đọc Ê-sai 55:7). Người ấy cần biến đổi tâm trí để có lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va (Rô 12:2; Ê-phê 4:23). Người ấy cần quyết tâm từ bỏ lối suy nghĩ và hành động sai trái trước kia (Cô 3:7-10). Dĩ nhiên, cơ sở để Đức Giê-hô-va tha thứ và tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi là đức tin nơi sự hy sinh của Đấng Ki-tô. Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ cho chúng ta dựa trên sự hy sinh đó khi thấy chúng ta hết lòng nỗ lực để thay đổi đường lối của mình.—1 Giăng 1:7.
HÃY TIN CHẮC NƠI SỰ THA THỨ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
18. Chúng ta vừa xem xét điều gì về sự tha thứ của Đức Giê-hô-va?
18 Hãy ôn lại vắn tắt một số điểm chính mà chúng ta vừa thảo luận. Đức Giê-hô-va thật sự là Đấng Tha Thứ vĩ đại nhất trong vũ trụ. Tại sao có thể nói như thế? Thứ nhất, ngài luôn sẵn lòng tha thứ. Thứ hai, ngài hiểu tường tận về chúng ta. Ngài hiểu rõ mọi điều về cấu tạo cũng như bản chất của chúng ta, và ngài ở vị thế tốt nhất để biết chúng ta có thật lòng ăn năn hay không. Và thứ ba, khi tha thứ, Đức Giê-hô-va xóa hết dấu vết của tội chúng ta đã phạm. Nhờ thế, chúng ta có lương tâm trong sạch và được ngài chấp nhận.
19. Dù là người bất toàn và sẽ tiếp tục phạm tội, tại sao chúng ta có thể vui mừng?
19 Dĩ nhiên, bao lâu còn bất toàn thì bấy lâu chúng ta sẽ tiếp tục phạm tội. Dù vậy, chúng ta có thể được an ủi qua những lời sau trong sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures), Tập 2, trang 771: “Là đấng thương xót, Đức Giê-hô-va nghĩ đến sự yếu đuối của các tôi tớ ngài, vì thế họ không cần day dứt mãi về những lỗi lầm do bản chất bất toàn gây ra (Th 103:8-14; 130:3). Nếu nỗ lực bước đi trong đường lối của Đức Chúa Trời, họ có thể vui mừng (Phl 4:4-6; 1Gi 3:19-22)”. Quả là ý tưởng đầy khích lệ!
20. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
20 Thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ khi chúng ta thật sự ăn năn về những tội mà mình đã phạm! Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước sự tha thứ của Đức Giê-hô-va? Sự tha thứ của chúng ta và sự tha thứ của Đức Giê-hô-va có điểm tương đồng nào, nhưng có những điểm khác biệt nào? Tại sao việc nhận biết sự khác biệt đó là điều quan trọng? Bài tới sẽ giải đáp những câu hỏi ấy.
BÀI HÁT 45 Sự suy ngẫm của lòng con
^ Qua Lời ngài, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng ngài sẵn lòng tha thứ cho những người phạm tội biết ăn năn. Nhưng đôi khi chúng ta có thể cảm thấy mình không xứng đáng được ngài tha thứ. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận tại sao mình có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời luôn sẵn lòng tha thứ khi chúng ta thật sự hối tiếc về những tội mà mình đã phạm.
^ Xem sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, chg 26, đ. 9.
^ GIẢI NGHĨA: “Ăn năn” nói đến việc thay đổi lối suy nghĩ và hối hận từ đáy lòng về lối sống trước đây, về những việc làm sai trái hoặc về điều nên làm nhưng lại không làm. Thành thật ăn năn mang lại kết quả, đó là thay đổi đường lối.