Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy làm theo “luật nhân từ”

Hãy làm theo “luật nhân từ”

“Điều tác động nhiều nhất đến tôi là cách đối xử nhân từ của các anh em”. Đó là nhận xét của chị Liên * về điều đầu tiên thu hút chị đến với chân lý. Chị An cũng nhận xét tương tự: “Cách đối xử nhân từ của các Nhân Chứng gây ấn tượng với tôi hơn là giáo lý”. Hiện nay cả hai chị thích đọc và suy ngẫm Kinh Thánh, nhưng sự nhân từ đã tác động lớn đến họ.

Làm thế nào để thể hiện sự nhân từ mà có thể động đến lòng những người xung quanh? Hãy xem hai cách, đó là qua lời nói và hành động. Rồi hãy xem chúng ta nên thể hiện sự nhân từ với ai.

THỂ HIỆN “LUẬT NHÂN TỪ” QUA LỜI NÓI

Người vợ tài đức được miêu tả nơi Châm ngôn chương 31 có “luật nhân từ ở trên lưỡi nàng” (Châm 31:26). Nàng để cho “luật” này chi phối điều mình nói và cách mình nói. Những người cha cũng nên thể hiện “luật” này qua lời nói. Đa số các bậc cha mẹ đều biết rằng cách nói gay gắt có thể ảnh hưởng không tốt đến con. Nếu các bậc cha mẹ nói một cách cộc cằn, lạnh lùng thì rất có thể con của họ sẽ phản ứng tiêu cực. Vì thế, để lời nói của mình dễ nghe và hiệu quả hơn, các bậc cha mẹ nên cố gắng nói một cách nhân từ.

Dù là cha mẹ hay không, làm thế nào anh chị có thể để sự nhân từ chi phối lời nói của mình? Một bí quyết được tìm thấy nơi phần đầu của Châm ngôn 31:26: “Nàng mở miệng một cách khôn ngoan”. Điều này bao hàm việc chọn từ ngữ và giọng điệu một cách khôn ngoan. Thường thì hữu ích khi tự hỏi: “Những gì mình sắp nói có khơi dậy cơn giận dữ nơi người nghe, hay sẽ giúp xoa dịu tình huống căng thẳng?” (Châm 15:1). Thật vậy, điều khôn ngoan là suy nghĩ trước khi nói.

Một câu châm ngôn khác nói: “Lời nói thiếu suy nghĩ như bao nhát gươm đâm” (Châm 12:18). Khi xem xét lời nói và cách nói của mình có thể ảnh hưởng thế nào đến người khác, chúng ta sẽ dễ kiểm soát những gì mình nói hơn. Thật vậy, việc áp dụng “luật nhân từ” sẽ giúp chúng ta tránh dùng những lời nhẫn tâm và cách nói gay gắt (Ê-phê 4:31, 32). Chúng ta cũng sẽ loại bỏ những suy nghĩ và lời nói tiêu cực và thay bằng những lời tử tế và cách nói nồng ấm, tích cực. Đức Giê-hô-va nêu gương về khía cạnh này khi ngài trấn an người tôi tớ đang sợ hãi là Ê-li-gia. Thiên sứ đại diện cho Đức Giê-hô-va đã nói chuyện với ông bằng “giọng nói êm dịu, nhỏ nhẹ” (1 Vua 19:12). Tuy nhiên, để là người nhân từ thì bao hàm nhiều hơn là chỉ nói lời nhân từ. Chúng ta cũng phải có hành động nhân từ. Như thế nào?

HÀNH ĐỘNG NHÂN TỪ TÁC ĐỘNG ĐẾN NGƯỜI KHÁC

Chúng ta có thể bắt chước Đức Giê-hô-va không chỉ qua lời nói nhân từ nhưng cũng qua hành động nhân từ (Ê-phê 4:32; 5:1, 2). Chị Liên được đề cập ở trên kể về sự nhân từ mà các Nhân Chứng thể hiện đối với chị: “Khi gia đình chúng tôi bất ngờ bị buộc dọn nhà đi, có hai cặp vợ chồng trong hội thánh đã nghỉ phép để giúp chúng tôi dọn nhà. Lúc đó, tôi thậm chí còn chưa học Kinh Thánh!”. Những hành động nhân từ ấy đã thúc đẩy chị Liên tìm hiểu thêm về chân lý.

Chị An được đề cập ở đầu bài cũng biết ơn về sự nhân từ mà các Nhân Chứng thể hiện đối với chị. Chị nói: “Vì thế giới đầy sự lừa đảo nên tôi hay hoài nghi. Tôi thấy rất khó để tin người khác”. Chị nói tiếp: “Lúc gặp Nhân Chứng, tôi nghi ngờ động cơ của họ. Tôi thắc mắc: ‘Tại sao họ lại quan tâm đến mình?’. Nhưng nhờ sự nhân từ của người dạy Kinh Thánh mà tôi tin cậy chị ấy”. Kết quả là gì? Chị cho biết: “Sau đó, tôi bắt đầu tập trung vào điều mình đang học”.

Thật vậy, chị Liên và chị An rất cảm động trước những hành động yêu thương và nhân từ của các anh chị trong hội thánh. Điều đó đã thôi thúc hai chị học về chân lý. Sự nhân từ mà hội thánh thể hiện đã giúp họ mở lòng.

THỂ HIỆN SỰ NHÂN TỪ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Một số người thấy dễ mỉm cười và dùng lời tử tế vì đó là một phần trong văn hóa của họ. Phép lịch sự như thế đến từ phong tục hoặc khuynh hướng tự nhiên là điều đáng khen. Nhưng nếu sự nhân từ của chúng ta chỉ đến từ những điều đó thôi thì chưa phải là sự nhân từ của Đức Chúa Trời.—So sánh Công vụ 28:2.

Sự nhân từ của Đức Chúa Trời là một khía cạnh của bông trái thần khí thánh (Ga 5:22, 23). Do đó, để vun trồng sự nhân từ ấy, chúng ta cần sự giúp đỡ của thần khí. Khi làm thế, chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Và là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta quan tâm đến người khác. Thế nên, chúng ta được thúc đẩy để thể hiện sự nhân từ bởi tình yêu thương mà mình dành cho Đức Giê-hô-va và người đồng loại. Khi đó, sự nhân từ của chúng ta sẽ trở thành một phẩm chất mạnh mẽ đến từ lòng và là phẩm chất mà Đức Chúa Trời hài lòng.

CHÚNG TA THỂ HIỆN SỰ NHÂN TỪ VỚI AI?

Điều tự nhiên là chúng ta thể hiện sự nhân từ và lòng biết ơn với những người nhân từ với mình hoặc những người mình quen biết (2 Sa 2:6; Cô 3:15). Nhưng nói sao nếu chúng ta cảm thấy một người không xứng đáng được chúng ta thể hiện sự nhân từ?

Hãy xem xét điều này: Đức Giê-hô-va nêu gương tuyệt hảo nhất trong việc thể hiện lòng nhân từ bao la, và Lời ngài dạy chúng ta một bài học quan trọng về việc thể hiện phẩm chất này. Cụm từ “lòng nhân từ bao la” nói đến lòng nhân từ được thể hiện với những người không xứng đáng, và cụm từ này được dùng nhiều lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Đức Chúa Trời thể hiện sự nhân từ với chúng ta bằng cách nào?

Từ xưa đến nay, Đức Giê-hô-va đã thể hiện sự nhân từ với hàng tỉ người bằng cách ban cho họ những điều cần thiết để sống (Mat 5:45). Ngay cả trước khi chúng ta biết Đức Giê-hô-va, ngài đã thể hiện sự nhân từ với chúng ta (Ê-phê 2:4, 5, 8). Chẳng hạn, ngài ban cho nhân loại điều tốt nhất của ngài là người Con một. Sứ đồ Phao-lô viết rằng Đức Giê-hô-va đã cung cấp giá chuộc “theo sự giàu có của lòng nhân từ bao la của ngài” (Ê-phê 1:7). Ngoài ra, dù chúng ta phạm tội và làm Đức Giê-hô-va thất vọng, nhưng ngài tiếp tục hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta. Sự chỉ dẫn và những lời của ngài giống như “cơn mưa nhẹ nhàng” (Phục 32:2). Chắc chắn chúng ta không thể báo đáp hết tất cả những sự nhân từ mà Đức Giê-hô-va thể hiện với chúng ta. Sự thật là tương lai của chúng ta tùy thuộc vào sự nhân từ của ngài.—So sánh 1 Phi-e-rơ 1:13.

Chắc chắn sự nhân từ của Đức Giê-hô-va khiến chúng ta yêu mến ngài và thôi thúc mình hành động. Vì thế, thay vì chỉ thể hiện sự nhân từ với một số người, chúng ta nên cố gắng noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách luôn thể hiện sự nhân từ với người khác mỗi ngày (1 Tê 5:15). Khi luôn thể hiện sự nhân từ, chúng ta giống như ngọn lửa ấm áp trong một ngày lạnh giá. Chúng ta sẽ là nguồn an ủi cho các thành viên trong gia đình, anh em đồng đạo, đồng nghiệp, bạn học và hàng xóm.

Hãy nghĩ đến những người trong gia đình hoặc trong hội thánh sẽ nhận lợi ích từ lời nói và hành động nhân từ của anh chị. Có lẽ có người trong hội thánh đặc biệt cần được giúp đỡ để chăm sóc nhà cửa, vườn tược hoặc làm những việc thường ngày như đi chợ. Ngoài ra, khi gặp một người trong thánh chức cần sự giúp đỡ, anh chị có thể trợ giúp một cách thực tế không?

Noi gương Đức Giê-hô-va, mong sao “luật nhân từ” luôn chi phối lời nói và hành động của chúng ta.

^ Các tên đã được thay đổi.