Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 25

Hỡi các trưởng lão—Hãy học từ gương của Ghi-đê-ôn

Hỡi các trưởng lão—Hãy học từ gương của Ghi-đê-ôn

“Nếu tôi tiếp tục kể về Ghi-đê-ôn,… thì không đủ thì giờ”.​—HÊ 11:32.

BÀI HÁT 124 Luôn trung thành

GIỚI THIỆU a

1. Theo 1 Phi-e-rơ 5:2, các trưởng lão có đặc ân nào?

 Các trưởng lão được giao nhiệm vụ chăm sóc chiên quý giá của Đức Giê-hô-va. Những anh tận tụy này quý đặc ân được phục vụ anh em và nỗ lực để trở thành “những người chăn thật sự chăn dắt” (Giê 23:4; đọc 1 Phi-e-rơ 5:2). Chúng ta thật biết ơn vì có những anh như thế trong hội thánh!

2. Một số trưởng lão đối mặt với những thử thách nào?

2 Các trưởng lão đối mặt với nhiều thử thách khi thi hành trách nhiệm của họ. Một thử thách là có rất nhiều việc phải làm để chăm sóc cho hội thánh. Anh Tony, một trưởng lão ở Hoa Kỳ, phải tập khiêm tốn hơn khi quyết định nhận bao nhiêu công việc. Anh giải thích: “Khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát, tôi đảm nhận hết việc này đến việc khác để tổ chức các buổi nhóm họp và thánh chức. Nhưng dù tôi làm nhiều thế nào đi nữa, vẫn luôn có thêm việc để làm. Với thời gian, tôi bắt đầu sao lãng việc đọc Kinh Thánh, học hỏi cá nhân và cầu nguyện”. Anh Ilir, một trưởng lão ở Kosovo, đối mặt với một thử thách khác. Khi ở trong vùng xảy ra chiến tranh, anh cảm thấy khó vâng theo chỉ dẫn thần quyền. Anh cho biết: “Lòng can đảm của tôi bị thử thách khi văn phòng chi nhánh giao cho tôi nhiệm vụ giúp các anh em trong khu vực nguy hiểm. Tôi cảm thấy sợ, và chỉ dẫn ấy dường như không thực tế”. Anh Tim, một giáo sĩ ở châu Á, cảm thấy khó chu toàn mọi trách nhiệm hết ngày này qua ngày khác. Anh nói: “Đôi khi tôi thấy kiệt quệ về tinh thần lẫn cảm xúc”. Điều gì có thể giúp những trưởng lão đang đương đầu với các thử thách tương tự?

3. Tất cả chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét gương của quan xét Ghi-đê-ôn?

3 Các trưởng lão có thể học từ gương của quan xét Ghi-đê-ôn (Hê 6:12; 11:32). Ông vừa là người bảo vệ, vừa là người chăn dắt dân Đức Chúa Trời (Quan 2:16; 1 Sử 17:6). Như Ghi-đê-ôn, các trưởng lão được bổ nhiệm để chăm sóc dân Đức Chúa Trời trong một thời kỳ đầy hỗn loạn (Công 20:28; 2 Ti 3:1). Vì thế, các anh có thể học từ tính khiêm tốn, khiêm nhường, sự vâng lời và chịu đựng của Ghi-đê-ôn. Những ai không phải là trưởng lão cũng có thể tập biết ơn và ủng hộ các anh này nhiều hơn khi xem xét gương của Ghi-đê-ôn.—Hê 13:17.

KHI TÍNH KHIÊM TỐN VÀ KHIÊM NHƯỜNG BỊ THỬ THÁCH

4. Ghi-đê-ôn cho thấy ông khiêm tốn và khiêm nhường như thế nào?

4 Ghi-đê-ôn là người khiêm tốn và khiêm nhường. b Qua một thiên sứ, Đức Giê-hô-va cho biết ông được chọn để giải thoát Y-sơ-ra-ên khỏi dân Ma-đi-an hùng mạnh. Khi đó, người đàn ông khiêm nhường này nói: “Gia tộc của con là nhỏ nhất trong chi phái Ma-na-se, còn con là kẻ hèn mọn nhất trong nhà cha mình” (Quan 6:15). Ông cảm thấy mình không hội đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ, nhưng Đức Giê-hô-va biết ông có thể làm được. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Ghi-đê-ôn đã thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.

5. Tính khiêm tốn và khiêm nhường của một trưởng lão có thể bị thử thách như thế nào?

5 Các trưởng lão cố gắng hết sức để thể hiện tính khiêm tốn và khiêm nhường trong mọi việc (Mi 6:8; Công 20:18, 19). Họ không phóng đại khả năng hoặc thành quả của mình, cũng không dằn vặt bản thân vì lỗi lầm hoặc khuyết điểm của mình. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ để một trưởng lão thể hiện tính khiêm tốn và khiêm nhường. Chẳng hạn, có lẽ anh nhận nhiều nhiệm vụ, rồi thấy khó chu toàn tất cả. Hay anh bị chỉ trích về cách thực hiện một nhiệm vụ hoặc được khen về cách thực hiện nhiệm vụ khác. Gương của Ghi-đê-ôn có thể giúp các trưởng lão thế nào khi gặp những tình huống như thế?

Noi gương Ghi-đê-ôn, một trưởng lão khiêm tốn không ngần ngại nhờ người khác giúp đỡ, chẳng hạn giúp chăm lo cho việc làm chứng bằng quầy di động (Xem đoạn 6)

6. Các trưởng lão học được gì về tính khiêm tốn qua gương của Ghi-đê-ôn? (Cũng xem hình).

6 Nhờ người khác giúp đỡ. Một người khiêm tốn thì ý thức về giới hạn của bản thân. Ghi-đê-ôn khiêm tốn khi không ngần ngại nhờ người khác giúp đỡ (Quan 6:27, 35; 7:24). Các trưởng lão khôn ngoan cũng làm như vậy. Anh Tony được đề cập ở trên cho biết: “Do ảnh hưởng bởi cách nuôi dạy, tôi có khuynh hướng ôm đồm nhiều việc hơn những gì mình có thể đảm đương. Vì thế, tôi quyết định thảo luận về sự khiêm tốn trong buổi thờ phượng của gia đình và hỏi vợ xem tôi có đang làm tốt khía cạnh này hay không. Tôi cũng xem lại video Như Chúa Giê-su, hãy huấn luyện, tin tưởng và giao quyền cho người khác trên jw.org”. Rồi anh Tony bắt đầu nhờ người khác hỗ trợ anh trong các nhiệm vụ. Kết quả là gì? Anh Tony nói: “Các công việc trong hội thánh đều được chăm lo, và tôi có thêm thời gian để củng cố mình về thiêng liêng”.

7. Các trưởng lão có thể noi gương Ghi-đê-ôn như thế nào nếu bị chỉ trích? (Gia-cơ 3:13)

7 Thể hiện sự mềm mại nếu bị chỉ trích. Một thử thách khác mà các trưởng lão có thể gặp là bị người khác chỉ trích. Một lần nữa, gương của Ghi-đê-ôn có thể giúp ích. Ông biết mình là người bất toàn nên đã đáp lại mềm mại khi bị người Ép-ra-im chỉ trích (Quan 8:1-3). Ghi-đê-ôn không đáp lại một cách giận dữ. Ông cho thấy ông có tinh thần xem mình là thấp hèn qua việc lắng nghe mối quan tâm của họ và khéo léo làm dịu tình huống căng thẳng ấy. Các trưởng lão khôn ngoan sẽ noi gương Ghi-đê-ôn bằng cách lắng nghe và thể hiện sự mềm mại nếu bị chỉ trích. (Đọc Gia-cơ 3:13). Nhờ làm thế, họ góp phần vào sự bình an trong hội thánh.

8. Các anh được bổ nhiệm nên phản ứng thế nào nếu được khen? Hãy nêu ví dụ.

8 Hướng sự ngợi khen đến Đức Giê-hô-va. Khi Ghi-đê-ôn được tôn vinh về chiến thắng trước người Ma-đi-an, ông hướng sự chú ý đến Đức Giê-hô-va (Quan 8:22, 23). Các anh được bổ nhiệm có thể noi gương Ghi-đê-ôn như thế nào? Họ có thể quy thành quả của mình cho Đức Giê-hô-va (1 Cô 4:6, 7). Chẳng hạn, nếu một trưởng lão được khen về khả năng dạy dỗ, anh có thể hướng sự chú ý đến nguồn của những điều anh dạy là Lời Đức Chúa Trời, hoặc đến sự huấn luyện nhận được từ tổ chức của ngài. Các trưởng lão có thể suy nghĩ xem họ có đang thu hút sự chú ý đến bản thân hay không. Hãy xem kinh nghiệm của một trưởng lão tên Timothy. Khi mới được bổ nhiệm, anh rất thích trình bày các bài giảng công cộng. Anh nói: “Lúc đó, tôi hay nghĩ ra những phần nhập đề và minh họa cầu kỳ. Các anh chị thường khen tôi về những điểm ấy. Nhưng tiếc là điều đó tập trung sự chú ý vào tôi thay vì Kinh Thánh hoặc Đức Giê-hô-va”. Với thời gian, anh Timothy thấy mình cần điều chỉnh cách dạy dỗ để tránh thu hút sự chú ý đến bản thân (Châm 27:21). Kết quả là gì? Anh cho biết: “Nhiều anh chị nói rằng bài giảng của tôi đã giúp họ đối phó với vấn đề, chịu đựng thử thách hoặc đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Những lời khen ấy khiến tôi cảm thấy vui hơn nhiều so với những lời khen mà tôi nhận được nhiều năm trước”.

KHI SỰ VÂNG LỜI HOẶC LÒNG CAN ĐẢM BỊ THỬ THÁCH

Ghi-đê-ôn vâng lời khi giảm số quân lính xuống, chỉ chọn 300 người thể hiện tinh thần cảnh giác (Xem đoạn 9)

9. Sự vâng lời và lòng can đảm của Ghi-đê-ôn bị thử thách như thế nào? (Xem hình nơi trang bìa).

9 Sau khi Ghi-đê-ôn được bổ nhiệm làm quan xét, sự vâng lời và lòng can đảm của ông bị thử thách. Ông nhận được nhiệm vụ đầy nguy hiểm là phá hủy bàn thờ Ba-anh của cha mình (Quan 6:25, 26). Về sau, khi đã tập hợp lực lượng, hai lần Ghi-đê-ôn nhận được chỉ dẫn là giảm bớt số quân lính (Quan 7:2-7). Cuối cùng, ông được bảo tấn công trại quân thù vào lúc nửa đêm.—Quan 7:9-11.

10. Sự vâng lời của một trưởng lão có thể bị thử thách như thế nào?

10 Các trưởng lão nên “sẵn sàng vâng lời” (Gia 3:17). Một trưởng lão vâng lời sẽ sẵn sàng làm theo Kinh Thánh và chỉ dẫn từ tổ chức Đức Chúa Trời. Khi làm thế, anh nêu gương tốt cho người khác. Dù vậy, sự vâng lời của anh có thể bị thử thách. Chẳng hạn, có thể anh thấy khó theo kịp chỉ dẫn thần quyền. Trong một số trường hợp, có lẽ anh thắc mắc không biết chỉ dẫn mình nhận được có thật sự thực tế hay khôn ngoan không. Hoặc anh được giao một nhiệm vụ có thể khiến anh bị bắt. Làm thế nào các trưởng lão có thể noi theo sự vâng lời của Ghi-đê-ôn trong những tình huống như thế?

11. Làm thế nào gương của Ghi-đê-ôn giúp các trưởng lão sẵn sàng vâng lời?

11 Lắng nghe chỉ dẫn và làm theo. Đức Chúa Trời chỉ dẫn cho Ghi-đê-ôn về cách phá hủy bàn thờ của cha ông, về nơi xây bàn thờ mới cho ngài và dâng con vật nào làm lễ vật. Ghi-đê-ôn không nghi ngờ chỉ dẫn ấy, mà làm y như vậy. Ngày nay, các trưởng lão nhận được chỉ dẫn từ tổ chức Đức Giê-hô-va qua các thư, thông báo hoặc tài liệu hướng dẫn liên quan đến lợi ích thiêng liêng và thể chất của chúng ta. Chúng ta yêu mến các trưởng lão vì đã trung thành làm theo các chỉ dẫn thần quyền. Cả hội thánh đều nhận được lợi ích.—Thi 119:112.

12. Nếu một chỉ dẫn thần quyền thay đổi, các trưởng lão có thể áp dụng Hê-bơ-rơ 13:17 như thế nào?

12 Sẵn sàng điều chỉnh. Hãy nhớ rằng Ghi-đê-ôn đã giảm số quân lính xuống hơn 99% theo yêu cầu của Đức Giê-hô-va (Quan 7:8). Có lẽ ông nghĩ: “Sự thay đổi này có thật sự cần thiết không? Làm thế có thành công không?”. Dù sao, Ghi-đê-ôn đã vâng lời. Ngày nay, khi một chỉ dẫn thần quyền thay đổi, các trưởng lão noi gương Ghi-đê-ôn bằng cách sẵn sàng làm theo. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:17). Một ví dụ là vào năm 2014, Hội đồng Lãnh đạo đã thay đổi cách trả chi phí cho các dự án xây cất Phòng Nước Trời và Phòng hội nghị (2 Cô 8:12-14). Trước đây, tổ chức cho các hội thánh mượn một khoản tiền để xây nơi nhóm họp, và các hội thánh trả lại khoản tiền ấy. Giờ đây, tổ chức dùng tiền đóng góp của tất cả hội thánh trên thế giới để xây các cơ sở thần quyền ở nơi có nhu cầu, dù hội thánh địa phương có khả năng đóng góp nhiều hay ít. Khi biết về sự thay đổi này, anh José cho rằng sẽ không thành công. Anh nghĩ: “Sẽ chẳng có Phòng Nước Trời nào được xây đâu. Ở đây, đâu có ai làm theo cách đó”. Điều gì đã giúp anh José ủng hộ chỉ dẫn này? Anh cho biết: “Những lời nơi Châm ngôn 3:5, 6 nhắc tôi nhớ phải tin cậy Đức Giê-hô-va. Và kết quả thật tuyệt vời! Giờ đây chúng tôi xây được nhiều Phòng Nước Trời hơn. Cách sử dụng tiền đóng góp như thế mang lại lợi ích cho mọi người vì tạo ra sự cân bằng”.

Ngay cả ở những nơi mà công việc Nước Trời bị cấm đoán, chúng ta có thể can đảm làm chứng hữu hiệu (Xem đoạn 13)

13. (a) Ghi-đê-ôn tin chắc điều gì? (b) Các trưởng lão có thể noi gương Ghi-đê-ôn như thế nào? (Cũng xem hình).

13 Can đảm làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va. Ghi-đê-ôn vâng lời Đức Giê-hô-va dù cảm thấy sợ và nhiệm vụ của ông đầy nguy hiểm (Quan 9:17). Sau khi được Đức Giê-hô-va trấn an, Ghi-đê-ôn tin chắc ngài sẽ giúp ông bảo vệ dân ngài. Các trưởng lão sống ở những nơi mà công việc của chúng ta bị cấm đoán đang noi gương Ghi-đê-ôn. Họ can đảm dẫn đầu trong các buổi nhóm họp và thánh chức dù có nguy cơ bị bắt, thẩm vấn, mất việc làm hoặc bị hành hung. c Trong hoạn nạn lớn, các trưởng lão sẽ cần can đảm để vâng theo những chỉ dẫn mà họ nhận được dù có thể gặp nguy hiểm. Những chỉ dẫn ấy có thể liên quan đến việc rao truyền thông điệp được ví như những cục mưa đá theo nghĩa bóng và cách để sống sót qua cuộc tấn công của Gót ở xứ Ma-gót.—Ê-xê 38:18; Khải 16:21.

KHI SỰ CHỊU ĐỰNG BỊ THỬ THÁCH

14. Sự chịu đựng của Ghi-đê-ôn bị thử thách như thế nào?

14 Nhiệm vụ làm quan xét của Ghi-đê-ôn đòi hỏi nhiều sức lực. Trong trận chiến giữa đêm khuya, khi người Ma-đi-an tháo chạy, Ghi-đê-ôn đã đuổi theo họ từ thung lũng Gít-rê-ên đến tận sông Giô-đanh, có lẽ là vùng có đầy bụi cây (Quan 7:22). Ghi-đê-ôn có ngừng lại tại sông Giô-đanh không? Không! Dù mệt mỏi nhưng ông cùng 300 người đã băng qua sông và tiếp tục truy đuổi. Cuối cùng, họ đuổi kịp và đánh bại người Ma-đi-an.—Quan 8:4-12.

15. Khi nào sự chịu đựng của một trưởng lão có thể bị thử thách?

15 Đôi khi một trưởng lão có thể cảm thấy kiệt quệ về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc vì chăm lo cho hội thánh và gia đình. Trong những hoàn cảnh như thế, các trưởng lão có thể noi gương Ghi-đê-ôn ra sao?

Các trưởng lão đầy yêu thương làm vững mạnh nhiều anh chị cần sự hỗ trợ (Xem đoạn 16, 17)

16, 17. Nhờ đâu Ghi-đê-ôn đã có thể chịu đựng, và các trưởng lão có thể tin chắc điều gì? (Ê-sai 40:28-31) (Cũng xem hình).

16 Tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ thêm sức. Ghi-đê-ôn tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban sức lực cho ông, và ông đã không thất vọng (Quan 6:14, 34). Lần nọ, Ghi-đê-ôn và người của ông chạy bộ đuổi theo hai vua Ma-đi-an trong khi hai vua ấy có lẽ đang cưỡi lạc đà (Quan 8:12, 21). Nhưng Đức Chúa Trời đã giúp quân Y-sơ-ra-ên đuổi kịp họ và thắng trận. Tương tự, các trưởng lão có thể nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, đấng “không hề mỏi, cũng chẳng hề mệt”. Ngài sẽ thêm sức khi họ cần.—Đọc Ê-sai 40:28-31.

17 Hãy xem kinh nghiệm của anh Matthew, một thành viên của Ủy ban Liên lạc Bệnh viện. Điều gì đã giúp anh chịu đựng? Anh cho biết: “Tôi cảm nhận Phi-líp 4:13 thật đúng. Nhiều lần, khi cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ, tôi đã cầu nguyện tha thiết. Tôi nài xin Đức Giê-hô-va ban sức lực cần thiết về thể chất và tinh thần để hỗ trợ anh em. Vào những lúc đó, tôi cảm nghiệm thần khí của Đức Giê-hô-va thêm sinh lực cho mình, giúp mình chịu đựng”. Như Ghi-đê-ôn, các trưởng lão nỗ lực hết mình để chăm sóc cho bầy dù không phải lúc nào cũng dễ. Dĩ nhiên, họ cần nhận ra những giới hạn về thể chất cũng như cảm xúc và tránh vượt quá những giới hạn đó. Dù vậy, họ có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ nghe lời cầu xin giúp đỡ và thêm sức cho họ để chịu đựng.—Thi 116:1; Phi-líp 2:13.

18. Để ôn lại, các trưởng lão có thể noi gương Ghi-đê-ôn như thế nào?

18 Các trưởng lão có thể rút ra những bài học đúng lúc và thực tế từ gương của Ghi-đê-ôn. Các anh cần thể hiện tính khiêm tốn và khiêm nhường trong việc quyết định nhận bao nhiêu công việc, và trong cách phản ứng nếu bị chỉ trích hoặc được khen. Họ cần vâng lời và thể hiện sự can đảm, đặc biệt khi sự kết thúc của thế gian này càng đến gần. Và họ cần tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ thêm sức dù họ gặp khó khăn nào đi nữa. Chắc chắn, chúng ta biết ơn những người chăn tận tụy và “luôn quý mến những anh như thế”.—Phi-líp 2:29.

BÀI HÁT 120 Noi theo tính ôn hòa của Đấng Ki-tô

a Ghi-đê-ôn được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để chăn dắt và bảo vệ dân ngài trong một giai đoạn đầy khó khăn của lịch sử dân Y-sơ-ra-ên. Ghi-đê-ôn đã trung thành thực thi nhiệm vụ trong khoảng 40 năm, nhưng ông cũng gặp nhiều thử thách. Hãy xem gương của ông có thể giúp các trưởng lão ngày nay như thế nào khi họ đương đầu với thử thách.

b Khiêm tốn và khiêm nhường là những đức tính liên hệ chặt chẽ với nhau. Chúng ta cho thấy mình khiêm tốn bằng cách có quan điểm đúng về bản thân và giới hạn của mình. Chúng ta cho thấy mình khiêm nhường bằng cách thể hiện tinh thần xem mình là thấp hèn (Phi-líp 2:3). Nói chung, một người khiêm tốn cũng có tính khiêm nhường.

c Xem bài “Tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va dù bị cấm đoán” trong Tháp Canh tháng 7 năm 2019, trg 10, 11, đ. 10-13.