BÀI HỌC 27
Tại sao nên kính sợ Đức Giê-hô-va?
“Tình bạn thiết với Đức Giê-hô-va dành cho ai kính sợ ngài”.—THI 25:14.
BÀI HÁT 8 Đức Giê-hô-va là nơi trú náu của chúng ta
GIỚI THIỆU a
1, 2. Theo Thi thiên 25:14, chúng ta phải làm gì nếu muốn có tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va?
Anh chị nghĩ những phẩm chất nào là thiết yếu để gìn giữ tình bạn mật thiết với người khác? Rất có thể anh chị trả lời là bạn thân cần yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau. Có lẽ anh chị không nghĩ sự kính sợ là một phẩm chất quan trọng để có tình bạn tốt. Tuy nhiên, như câu Kinh Thánh chủ đề của bài này cho thấy, những ai muốn có tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va phải “kính sợ ngài”.—Đọc Thi thiên 25:14.
2 Dù phụng sự Đức Giê-hô-va bao lâu đi nữa, tất cả chúng ta cần tiếp tục vun trồng lòng kính sợ ngài. Nhưng kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì? Làm thế nào để học kính sợ ngài? Và chúng ta học được gì về việc kính sợ Đức Chúa Trời từ quản gia Áp-đia, thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa và vua Giê-hô-ách?
KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ NGHĨA GÌ?
3. Hãy giải thích làm thế nào nỗi sợ có thể bảo vệ chúng ta.
3 Kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa là sợ làm điều khiến ngài buồn lòng. Việc sợ nghe có vẻ không tích cực, nhưng có thể mang lại lợi ích vì thúc đẩy chúng ta hành động khôn ngoan. Chẳng hạn, sợ bị rớt xuống giúp chúng ta tránh đi quá gần mép vực. Sợ bị thương có thể khiến chúng ta chạy khỏi một tình huống nguy hiểm. Sợ làm tổn hại tình bạn với người mình yêu thương giúp chúng ta tránh nói hoặc làm điều thiếu tử tế.
4. Sa-tan muốn chúng ta cảm thấy thế nào về Đức Giê-hô-va?
4 Sa-tan muốn người ta khiếp sợ Đức Giê-hô-va. Hắn cổ vũ ý tưởng Ê-li-pha nói, đó là Đức Giê-hô-va là một đấng giận dữ và đầy hận thù mà chúng ta không thể nào làm hài lòng (Gióp 4:18, 19). Sa-tan muốn chúng ta khiếp sợ Đức Giê-hô-va đến nỗi ngưng phụng sự ngài. Để tránh bẫy đó, chúng ta cần vun trồng lòng kính sợ đối với Đức Chúa Trời.
5. Kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì?
5 Một người kính sợ Đức Chúa Trời thì yêu thương ngài và không muốn làm bất cứ điều gì gây hại cho mối quan hệ với ngài. Chúa Giê-su có lòng kính sợ như thế (Hê 5:7). Chúa Giê-su không khiếp sợ Đức Giê-hô-va (Ê-sai 11:2, 3). Thay vì thế, Chúa Giê-su yêu thương ngài sâu đậm và muốn vâng lời ngài (Giăng 14:21, 31). Như Chúa Giê-su, chúng ta cũng tôn kính và thán phục Đức Giê-hô-va sâu xa vì ngài là đấng yêu thương, khôn ngoan, công bằng và quyền năng. Chúng ta cũng biết rằng vì Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta rất nhiều nên cách chúng ta phản ứng trước sự hướng dẫn của ngài ảnh hưởng đến ngài, có thể khiến ngài đau buồn hoặc làm cho lòng ngài vui mừng.—Thi 78:41; Châm 27:11.
HỌC KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI
6. Một cách để học kính sợ Đức Chúa Trời là gì? (Thi thiên 34:11)
6 Khi sinh ra, chúng ta không sẵn có sự kính sợ Đức Giê-hô-va; thế nên chúng ta cần vun trồng phẩm chất này. (Đọc Thi thiên 34:11). Một cách để làm thế là xem xét sự sáng tạo. Càng thấy sự khôn ngoan, quyền năng và tình yêu thương sâu đậm của Đức Chúa Trời được thể hiện qua “những vật ngài tạo ra”, chúng ta càng tôn kính và yêu thương ngài (Rô 1:20). Một chị tên Adrienne nói: “Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được thể hiện trong công trình sáng tạo khiến tôi kinh ngạc và giúp tôi nhận ra rằng ngài biết điều gì là tốt nhất cho mình”. Nhờ suy ngẫm về điều này, chị kết luận: “Tôi không muốn làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, đấng ban sự sống cho tôi”. Trong tuần này, anh chị có thể dành thời gian để suy nghĩ về một khía cạnh trong sự sáng tạo không? Làm thế sẽ giúp anh chị gia tăng lòng tôn kính và tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va.—Thi 111:2, 3.
7. Cầu nguyện giúp chúng ta vun trồng lòng kính sợ Đức Giê-hô-va như thế nào?
7 Một cách khác để vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời là thường xuyên cầu nguyện. Chúng ta càng cầu nguyện thường xuyên, Đức Giê-hô-va càng có thật với mình. Mỗi lần cầu xin ngài ban sức để chịu đựng một thử thách, chúng ta nhớ về quyền năng vĩ đại của ngài. Khi cảm tạ ngài về món quà là Con ngài, chúng ta nhắc mình nhớ đến tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho mình. Và khi nài xin Đức Giê-hô-va giúp mình đối phó với một vấn đề, chúng ta khắc ghi vào lòng rằng ngài là đấng rất khôn ngoan. Những lời cầu nguyện như thế giúp chúng ta tôn kính ngài nhiều hơn và củng cố quyết tâm để tránh làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho tình bạn với ngài.
8. Chúng ta có thể làm gì để tiếp tục vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời?
8 Chúng ta có thể tiếp tục vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời bằng cách học hỏi Kinh Thánh với mục tiêu rút ra bài học từ gương tốt lẫn gương xấu trong đó. Hãy xem xét gương của hai tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, đó là quản gia của vua A-háp là Áp-đia và thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa. Rồi hãy xem chúng ta học được gì từ vua Giê-hô-ách của Giu-đa, người đã có khởi đầu tốt nhưng về sau từ bỏ Đức Giê-hô-va.
NHƯ ÁP-ĐIA, HÃY KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CAN ĐẢM
9. Lòng kính sợ Đức Giê-hô-va tác động thế nào đến Áp-đia? (1 Các vua 18:3, 12)
9 Kinh Thánh giới thiệu về Áp-đia b bằng những lời sau: “Áp-đia rất kính sợ Đức Giê-hô-va”. (Đọc 1 Các vua 18:3, 12). Lòng kính sợ ngài tác động thế nào đến Áp-đia? Phẩm chất này đã giúp ông trung thực và đáng tin cậy; vì thế, ông được giao cai quản cả hoàng gia. (So sánh Nê-hê-mi 7:2). Lòng kính sợ của Áp-đia cũng giúp ông có sự can đảm phi thường, là phẩm chất mà ông rất cần. Ông sống dưới triều đại của vua gian ác là A-háp, kẻ mà Đức Giê-hô-va xem là “còn gian ác hơn hết thảy những [vua] đi trước” (1 Vua 16:30). Ngoài ra, Giê-xa-bên vợ của A-háp là kẻ thờ thần Ba-anh và ghét Đức Giê-hô-va đến mức cố loại bỏ sự thờ phượng thật khỏi vương quốc phía bắc. Thậm chí bà còn giết nhiều nhà tiên tri của Đức Chúa Trời (1 Vua 18:4). Chắc chắn, Áp-đia đã thờ phượng Đức Giê-hô-va trong một thời kỳ khó khăn.
10. Điều gì cho thấy Áp-đia có lòng can đảm phi thường?
10 Điều gì cho thấy Áp-đia có lòng can đảm phi thường? Khi Giê-xa-bên bắt đầu săn lùng để giết các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, Áp-đia đã giấu 100 nhà tiên tri “trong hang động theo từng nhóm 50 người, rồi cứ cung cấp bánh và nước” (1 Vua 18:13, 14). Nếu bị phát hiện, chắc chắn người đàn ông can đảm này sẽ bị xử tử. Dĩ nhiên, ông cũng là con người, và ông không muốn chết. Nhưng Áp-đia yêu thương Đức Giê-hô-va và những người phụng sự ngài hơn chính mạng sống mình.
11. Các tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va giống Áp-đia như thế nào? (Cũng xem hình).
11 Ngày nay, nhiều tôi tớ Đức Giê-hô-va sống trong những nước mà công việc của chúng ta bị cấm đoán. Họ tôn trọng các nhà cầm quyền đúng mức, nhưng giống như Áp-đia, các anh chị yêu quý này dâng cho Đức Giê-hô-va điều thuộc về ngài, đó là lòng sùng kính chuyên độc (Mat 22:21). Họ cho thấy mình kính sợ Đức Chúa Trời bằng cách vâng lời ngài hơn là vâng lời loài người (Công 5:29). Họ làm thế qua việc tiếp tục rao truyền tin mừng và nhóm lại một cách kín đáo (Mat 10:16, 28). Họ cố gắng lo sao cho anh em đồng đạo có thức ăn thiêng liêng cần thiết. Hãy xem trường hợp của anh Henri. Anh sống ở một nước châu Phi, nơi mà công việc của chúng ta bị cấm đoán trong một thời gian. Trong thời gian đó, anh Henri tình nguyện phân phát thức ăn thiêng liêng cho anh em đồng đạo. Anh viết: “Tôi là người có tính nhút nhát. Vì thế, tôi tin chắc rằng nhờ có lòng tôn kính sâu xa dành cho Đức Giê-hô-va mà tôi đã có sự can đảm cần thiết”. Anh chị nghĩ mình có thể can đảm như anh Henri không? Anh chị có thể can đảm như thế nếu vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời.
NHƯ GIÊ-HÔ-GIA-ĐA, HÃY KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TRUNG THÀNH
12. Giê-hô-gia-đa và vợ ông thể hiện lòng trung thành với Đức Giê-hô-va như thế nào?
12 Thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa là người kính sợ Đức Giê-hô-va. Lòng kính sợ ấy thúc đẩy ông trung thành và đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Điều này được thấy rõ khi con gái của Giê-xa-bên là A-tha-li chiếm ngôi vua ở Giu-đa. Dân chúng có lý do để sợ hãi A-tha-li. Bà rất tàn nhẫn và tham quyền đến nỗi tìm cách sát hại toàn bộ dòng tộc vua, chính là các cháu nội của bà! (2 Sử 22:10, 11). Một trong những người cháu đó là Giê-hô-ách đã sống sót nhờ được Giê-hô-sa-bát, vợ của Giê-hô-gia-đa, giải cứu. Vợ chồng bà đã giấu đứa trẻ và chăm sóc nó. Qua cách này, Giê-hô-gia-đa và Giê-hô-sa-bát giúp bảo tồn dòng vua thuộc nhà Đa-vít. Giê-hô-gia-đa đã trung thành với Đức Giê-hô-va và không run sợ trước A-tha-li.—Châm 29:25.
13. Khi Giê-hô-ách được bảy tuổi, một lần nữa Giê-hô-gia-đa đã thể hiện lòng trung thành như thế nào?
13 Khi Giê-hô-ách được bảy tuổi, một lần nữa Giê-hô-gia-đa đã chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Ông lên một kế hoạch. Nếu thành công, Giê-hô-ách sẽ trở thành vua, người kế vị chính đáng thuộc dòng Đa-vít. Nhưng nếu thất bại, Giê-hô-gia-đa hẳn sẽ mất mạng sống. Nhờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va, kế hoạch đã thành công. Với sự trợ giúp của những người dẫn đầu và người Lê-vi, Giê-hô-gia-đa đã lập Giê-hô-ách làm vua và ra lệnh xử tử A-tha-li (2 Sử 23:1-5, 11, 12, 15; 24:1). Sau đó, Giê-hô-gia-đa “lập một giao ước giữa Đức Giê-hô-va với vua và dân chúng rằng họ sẽ tiếp tục làm dân của Đức Giê-hô-va” (2 Vua 11:17). Giê-hô-gia-đa “cũng bố trí những người gác cổng tại các cổng của nhà Đức Giê-hô-va, để không cho người bị ô uế về bất cứ phương diện nào được vào”.—2 Sử 23:19.
14. Giê-hô-gia-đa được tôn cao như thế nào vì đã tôn vinh Đức Giê-hô-va?
14 Trước thời đó, Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ tôn cao những ai tôn cao ta”. Thật vậy, ngài đã ban thưởng cho Giê-hô-gia-đa (1 Sa 2:30). Chẳng hạn, ngài cho ghi lại những việc làm tốt lành của thầy tế lễ thượng phẩm này để chỉ dạy chúng ta (Rô 15:4). Và khi Giê-hô-gia-đa qua đời, ông nhận được vinh dự đặc biệt là được chôn “trong Thành Đa-vít cùng các vua, vì ông đã làm điều tốt trong Y-sơ-ra-ên liên quan đến Đức Chúa Trời và nhà ngài”.—2 Sử 24:15, 16.
15. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật về Giê-hô-gia-đa? (Cũng xem hình).
15 Lời tường thuật về Giê-hô-gia-đa có thể giúp tất cả chúng ta vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Các trưởng lão có thể noi gương Giê-hô-gia-đa bằng cách luôn cảnh giác để bảo vệ bầy của Đức Chúa Trời (Công 20:28). Qua gương của Giê-hô-gia-đa, các anh chị lớn tuổi có thể học được rằng khi họ kính sợ Đức Giê-hô-va và giữ trung thành, ngài có thể dùng họ để thực hiện ý định của ngài. Ngài không xem họ là những người vô dụng. Người trẻ có thể chú ý đến cách Đức Giê-hô-va đối xử với Giê-hô-gia-đa và noi gương ngài qua việc đối xử với các anh chị lớn tuổi một cách tôn trọng, đặc biệt là những người phụng sự trung thành lâu năm (Châm 16:31). Ngoài ra, tất cả chúng ta cũng có thể rút ra bài học từ những người dẫn đầu và người Lê-vi đã ủng hộ Giê-hô-gia-đa. Đó là hãy trung thành ủng hộ “những người đang dẫn đầu” bằng cách vâng lời họ.—Hê 13:17.
ĐỪNG GIỐNG NHƯ VUA GIÊ-HÔ-ÁCH
16. Điều gì cho thấy vua Giê-hô-ách yếu đuối?
16 Vua Giê-hô-ách được ảnh hưởng tốt bởi Giê-hô-gia-đa (2 Vua 12:2). Nhờ thế, vị vua trẻ tuổi này muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Nhưng sau khi Giê-hô-gia-đa qua đời, Giê-hô-ách nghe theo các quan bội đạo. Hậu quả là gì? Ông và dân chúng “bắt đầu hầu việc các cột thờ và thần tượng” (2 Sử 24:4, 17, 18). Đức Giê-hô-va rất đau lòng và ngài “tiếp tục phái các nhà tiên tri đến giữa họ để đưa họ trở lại,… nhưng họ không chịu nghe”. Họ thậm chí không chịu nghe con trai của Giê-hô-gia-đa là Xa-cha-ri, c người không chỉ là nhà tiên tri và thầy tế lễ của Đức Giê-hô-va, mà còn là anh em họ của Giê-hô-ách. Thực tế, vua Giê-hô-ách còn ra lệnh xử tử Xa-cha-ri; điều này cho thấy ông không hề biết ơn gia đình đã giúp mình rất nhiều.—2 Sử 22:11; 24:19-22.
17. Giê-hô-ách có kết cuộc nào?
17 Giê-hô-ách đã không tiếp tục vun trồng lòng kính sợ Đức Giê-hô-va, nên kết cuộc thật thảm khốc. Đức Giê-hô-va đã phán: “Kẻ nào khinh thường ta thì sẽ bị khinh miệt” (1 Sa 2:30). Về sau, một đội quân nhỏ của Sy-ri đã đánh bại “đạo quân rất lớn” của Giê-hô-ách và khiến ông “bị thương nặng”. Sau khi quân Sy-ri rút lui, Giê-hô-ách bị chính các tôi tớ mình ám sát vì đã xử tử Xa-cha-ri. Vua gian ác này thậm chí không được xem là xứng đáng được chôn “ở khu lăng tẩm dành cho các vua”.—2 Sử 24:23-25.
18. Theo Giê-rê-mi 17:7, 8, làm thế nào để tránh giống như Giê-hô-ách?
18 Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ trường hợp của Giê-hô-ách? Ông giống như một cây có rễ nông, cần dựa vào một cây cột. Khi cây cột, tức Giê-hô-gia-đa, không còn nữa và những cơn gió của sự bội đạo thổi đến, Giê-hô-ách đã gục ngã. Điều này dạy chúng ta một bài học quan trọng là lòng kính sợ Đức Chúa Trời không nên chỉ dựa vào ảnh hưởng tốt của anh em đồng đạo, bao gồm thành viên trong gia đình. Để tiếp tục vững mạnh về thiêng liêng, chính chúng ta phải củng cố tình yêu thương và lòng kính sợ dành cho Đức Chúa Trời qua việc đều đặn học hỏi, suy ngẫm và cầu nguyện.—Đọc Giê-rê-mi 17:7, 8; Cô 2:6, 7.
19. Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi chúng ta?
19 Thật ra, Đức Giê-hô-va không đòi hỏi nhiều nơi chúng ta. Những gì ngài đòi hỏi được tóm gọn nơi Truyền đạo 12:13. Câu này nói: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn ngài, vì đó là toàn thể bổn phận của loài người”. Khi kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta có thể đối mặt với thử thách trong tương lai và đứng vững như Áp-đia và Giê-hô-gia-đa. Và không điều gì có thể làm tổn hại tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va.
BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con
a Kinh Thánh khuyến khích chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời. Bài này sẽ giúp chúng ta hiểu kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì, và làm thế nào để vun trồng phẩm chất đó. Cũng hãy xem việc kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta thế nào để can đảm và trung thành trong việc phụng sự Cha trên trời.
b Áp-đia được nói đến ở đây không phải là nhà tiên tri Áp-đia, người sống vài thế kỷ sau đó và viết sách Kinh Thánh mang tên ông.
c Ma-thi-ơ 23:35 nói rằng Xa-cha-ri là con trai của Ba-ra-chi. Người ta cho là Giê-hô-gia-đa có lẽ có hai tên, như trong trường hợp của những người khác trong Kinh Thánh (so sánh Mat 9:9 với Mác 2:14), hoặc Ba-ra-chi là ông nội hoặc một cha ông khác của Xa-cha-ri.
d HÌNH ẢNH: Trong cảnh diễn lại này, một anh phân phát thức ăn thiêng liêng trong thời gian bị cấm đoán.
e HÌNH ẢNH: Một chị trẻ học từ một chị lớn tuổi cách làm chứng qua điện thoại; một anh lớn tuổi nêu gương can đảm trong việc làm chứng nơi công cộng; một anh giàu kinh nghiệm đang huấn luyện người khác bảo trì Phòng Nước Trời.