Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 26

BÀI HÁT 8 Đức Giê-hô-va là nơi trú náu của chúng ta

Hãy để Đức Giê-hô-va là Vầng Đá của anh chị

Hãy để Đức Giê-hô-va là Vầng Đá của anh chị

“Không vầng đá nào như Đức Chúa Trời chúng ta”.1 SA 2:2.

TRỌNG TÂM

Xem xét lý do Đức Giê-hô-va được gọi là vầng đá và cách để noi theo những phẩm chất giống như đá của ngài.

1. Theo Thi thiên 18:46, Đa-vít ví Đức Giê-hô-va với gì?

 Chúng ta sống trong một thế giới mà những thử thách bất ngờ có thể làm xáo trộn hoặc thậm chí thay đổi hoàn toàn đời sống của mình. Thật biết ơn khi chúng ta có thể hướng đến Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ! Trong bài trước, chúng ta được nhắc nhở rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hằng sống và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Khi nhận được sự giúp đỡ của ngài, chúng ta càng thấy rõ “Đức Giê-hô-va hằng sống!”. (Đọc Thi thiên 18:46). Tuy nhiên, ngay sau khi nói câu đó, Đa-vít gọi Đức Chúa Trời là “Vầng Đá con”. Tại sao ông lại ví Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời hằng sống, với một vật vô tri vô giác là vầng đá?

2. Bài này sẽ xem xét điều gì?

2 Bài này sẽ xem xét tại sao Đức Giê-hô-va được gọi là vầng đá, và phép ẩn dụ ấy dạy chúng ta điều gì về ngài. Chúng ta cũng sẽ biết làm thế nào để xem ngài là Vầng Đá của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta sẽ thảo luận những cách để noi theo các phẩm chất giống như đá của Đức Giê-hô-va.

TẠI SAO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐƯỢC GỌI LÀ VẦNG ĐÁ?

3. Kinh Thánh dùng hình ảnh “vầng đá” để giúp chúng ta hiểu điều gì? (Xem hình).

3 Kinh Thánh dùng hình ảnh “vầng đá” để giúp chúng ta hiểu những phẩm chất của Đức Giê-hô-va. Hình ảnh này thường xuất hiện trong những đoạn ca ngợi ngài là Đức Chúa Trời không ai sánh bằng. Lần đầu tiên Đức Giê-hô-va được gọi là “Vầng Đá” là nơi Phục truyền luật lệ 32:4. Trong lời cầu nguyện, Ha-na nói rằng “không vầng đá nào như Đức Chúa Trời chúng ta” (1 Sa 2:2). Ha-ba-cúc gọi Đức Giê-hô-va là “Vầng Đá của con” (Ha-ba 1:12). Người viết bài Thi thiên 73 gọi ngài là “vầng đá cho tinh thần con” (Thi 73:26). Và ngay cả Đức Giê-hô-va cũng gọi ngài là vầng đá (Ê-sai 44:8). Hãy thảo luận ba phẩm chất giống như đá của Đức Giê-hô-va và xem cách chúng ta có thể để ngài là “Vầng Đá của chúng ta”.Phục 32:31.

Dân của Đức Giê-hô-va xem ngài là Vầng Đá vững chắc (Xem đoạn 3)


4. Đức Giê-hô-va là nơi trú náu theo nghĩa nào? (Thi thiên 94:22)

4 Đức Giê-hô-va là nơi trú náu. Giống như vầng đá lớn có thể là nơi ẩn nấp để một người tránh giông bão, Đức Giê-hô-va gìn giữ chúng ta khi chúng ta đối mặt với gian nan thử thách. (Đọc Thi thiên 94:22). Ngài bảo vệ chúng ta về mặt thiêng liêng để chúng ta không phải chịu những tổn hại lâu dài. Và thậm chí ngài còn hứa: Trong tương lai, ngài sẽ hoàn toàn xóa bỏ tất cả những điều khiến chúng ta lo lắng và đau khổ.—Ê-xê 34:25, 26.

5. Làm thế nào Đức Giê-hô-va có thể trở thành Nơi Trú Náu của chúng ta?

5 Một cách chúng ta để cho Đức Giê-hô-va làm Nơi Trú Náu của mình là cầu nguyện với ngài. Khi chúng ta cầu nguyện, Đức Giê-hô-va sẽ ban “sự bình an của Đức Chúa Trời”, là điều bảo vệ lòng và trí của chúng ta (Phi-líp 4:6, 7). Hãy xem kinh nghiệm của anh Artem bị cầm tù vì đức tin. Anh nhiều lần bị thẩm vấn gắt gao, bị gây áp lực và nhục mạ. Anh cho biết: “Tôi căng thẳng mỗi khi nhân viên điều tra thẩm vấn tôi… Tôi luôn cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, xin ngài ban cho tôi bình an nội tâm và sự khôn ngoan… Những mánh khóe của nhân viên điều tra không có tác dụng với tôi… Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, tôi như thể đang đứng sau một bức tường đá”.

6. Tại sao chúng ta có thể luôn nương cậy Đức Giê-hô-va? (Ê-sai 26:3, 4)

6 Đức Giê-hô-va đáng tin cậy. Giống như vầng đá không thể lay chuyển, Đức Giê-hô-va luôn ở bên cạnh để giúp đỡ chúng ta. Chúng ta có thể tin cậy ngài vì ngài là “Vầng Đá vĩnh cửu”. (Đọc Ê-sai 26:3, 4). Ngài hằng sống nên sẽ luôn giữ lời hứa, nghe lời cầu nguyện và hỗ trợ khi chúng ta cần. Chúng ta cũng có thể nương cậy Đức Giê-hô-va vì ngài thành tín với những ai phụng sự ngài (2 Sa 22:26). Ngài sẽ không bao giờ quên những gì chúng ta làm, và sẽ luôn ban thưởng cho chúng ta.—Hê 6:10; 11:6.

7. Chúng ta sẽ cảm nghiệm điều gì khi nương cậy Đức Giê-hô-va? (Cũng xem hình).

7 Chúng ta để Đức Giê-hô-va là vầng đá của mình khi hoàn toàn nương cậy ngài. Chúng ta tin rằng nhờ vâng lời ngài, ngay cả khi không dễ, mình sẽ nhận được lợi ích (Ê-sai 48:17, 18). Khi cảm nghiệm sự hỗ trợ của ngài, chúng ta càng tin cậy ngài. Lúc đó, chúng ta sẽ sẵn sàng hơn để đương đầu với những thử thách mà chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể giúp chúng ta chịu đựng. Thường thì trong những tình huống không thể nhờ ai khác giúp đỡ, chúng ta nhận ra rằng Đức Giê-hô-va thật đáng tin cậy biết bao! Anh Vladimir cho biết: “Khoảng thời gian bị tạm giam là lúc mối quan hệ của tôi với Đức Chúa Trời gắn bó nhất. Vì chỉ có một mình và không thể kiểm soát được hoàn cảnh nên tôi đã học tin cậy Đức Giê-hô-va nhiều hơn”.

Chúng ta để Đức Giê-hô-va là Vầng Đá của mình khi hoàn toàn nương cậy ngài (Xem đoạn 7)


8. (a) Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va kiên định? (b) Chúng ta nhận được lợi ích nào khi có Đức Chúa Trời là Vầng Đá của mình? (Thi thiên 62:6, 7)

8 Đức Giê-hô-va kiên định. Giống như một vầng đá lớn, Đức Giê-hô-va vững vàng và kiên định. Các phẩm chất và ý định của ngài không bao giờ thay đổi (Mal 3:6). Khi sự phản nghịch xảy ra ở vườn Ê-đen, ý định của Đức Giê-hô-va vẫn không lay chuyển. Như sứ đồ Phao-lô viết, “ngài không thể phủ nhận bản thân” (2 Ti 2:13). Điều này có nghĩa là cho dù có chuyện gì xảy ra hoặc người khác làm gì đi nữa, Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ thay đổi phẩm chất, ý định và tiêu chuẩn của ngài. Vì tin cậy nơi Đức Chúa Trời kiên định, chúng ta có thể hướng đến ngài để nhận sự giải cứu và được giúp đỡ để đương đầu với những lúc khó khăn.—Đọc Thi thiên 62:6, 7.

9. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của chị Tatyana?

9 Chúng ta để Đức Giê-hô-va là Vầng Đá của mình bằng cách tập trung vào những phẩm chất của ngài và ghi nhớ ý định ngài. Làm thế có thể giúp chúng ta giữ bình tĩnh khi gặp thử thách (Thi 16:8). Đó là trường hợp của chị Tatyana bị quản thúc tại gia vì đức tin. Chị cho biết: “Tôi thật sự bị cô lập… Lúc đầu, điều này là một thử thách. Tôi thường cảm thấy nản lòng”. Tuy nhiên, chị suy ngẫm về việc thử thách của mình liên quan thế nào đến Đức Giê-hô-va và ý định của ngài. Nhờ thế, chị đã giữ bình tĩnh và có sức mạnh để chịu đựng. Chị nói: “Việc hiểu được tại sao điều này xảy ra đã giúp tôi nhớ rằng mình ở trong hoàn cảnh này là vì yêu thương Đức Giê-hô-va và muốn làm vui lòng ngài. Điều đó giúp tôi ngừng tập trung vào bản thân”.

10. Chúng ta có thể làm gì để Đức Giê-hô-va là Vầng Đá của chúng ta ngay bây giờ?

10 Trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ đương đầu với những thử thách đòi hỏi phải nương cậy Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết. Giờ là lúc để củng cố lòng tin chắc là ngài sẽ cung cấp bất cứ điều gì chúng ta cần để trung thành chịu đựng. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Hãy đọc các lời tường thuật trong Kinh Thánh và kinh nghiệm của Nhân Chứng thời hiện đại. Hãy nhận ra cách Đức Giê-hô-va thể hiện những phẩm chất giống như đá để trợ giúp các tôi tớ ngài. Hãy suy ngẫm về những trường hợp ấy. Làm vậy có thể giúp anh chị để cho Đức Giê-hô-va là vầng đá của mình.

NOI THEO CÁC PHẨM CHẤT GIỐNG NHƯ ĐÁ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

11. Tại sao chúng ta muốn noi theo những phẩm chất giống như đá của Đức Giê-hô-va? (Cũng xem khung “ Một mục tiêu dành cho các anh trẻ”).

11 Chúng ta đã biết cách Đức Giê-hô-va chứng tỏ ngài giống như vầng đá. Giờ đây, hãy xem làm thế nào để noi theo những phẩm chất giống như đá của ngài. Càng noi gương ngài, chúng ta càng được trang bị tốt hơn để củng cố hội thánh. Chẳng hạn, Chúa Giê-su đặt tên cho Si-môn là Sê-pha (dịch sang tiếng Hy Lạp là “Phi-e-rơ”), nghĩa là “hòn đá” (Giăng 1:42). Điều này cho thấy ông sẽ an ủi và giúp hội thánh vững mạnh. Ngoài ra, Kinh Thánh miêu tả các trưởng lão là “bóng vách đá lớn”. Hình ảnh này cho thấy họ bảo vệ các anh em trong hội thánh (Ê-sai 32:2). Dĩ nhiên, hội thánh nhận được lợi ích khi tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, noi theo những phẩm chất giống như đá của Đức Giê-hô-va.—Ê-phê 5:1.

12. Hãy cho biết những cách mà chúng ta có thể trở thành nơi trú náu cho người khác.

12 Hãy là nơi trú náu. Đôi khi, chúng ta có thể cung cấp nơi trú náu theo nghĩa đen cho anh em khi có thảm họa thiên nhiên, bất ổn xã hội hoặc chiến tranh. Vì tình hình thế giới trong “những ngày sau cùng” càng lúc càng tồi tệ, hẳn chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để giúp đỡ lẫn nhau (2 Ti 3:1). Chúng ta cũng có thể cung cấp nơi trú náu về tinh thần và thiêng liêng cho anh em. Một cách để làm vậy là giúp họ cảm thấy được chào đón ở Phòng Nước Trời, nhờ thế góp phần vào bầu không khí nồng ấm trong hội thánh. Chúng ta đang sống trong một thế giới hà khắc, lạnh lùng và đầy căng thẳng. Vì thế, khi anh em tham dự các buổi nhóm họp, chúng ta muốn làm mọi điều có thể để giúp họ cảm thấy được yêu thương, tươi tỉnh và an toàn.

13. Làm thế nào trưởng lão có thể trở thành nơi trú náu cho người khác? (Cũng xem hình).

13 Trưởng lão có thể trở thành nơi trú náu cho những anh chị đang đương đầu với các cơn bão theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng. Khi có thảm họa và tình huống khẩn cấp về y khoa, trưởng lão chủ động sắp xếp để các anh chị trong hội thánh nhận được sự giúp đỡ thực tế. Họ cũng hỗ trợ anh em về mặt thiêng liêng. Anh em sẽ dễ đến gặp một trưởng lão để xin sự giúp đỡ nếu anh ấy được biết đến là người mềm mại, đồng cảm và sẵn sàng lắng nghe. Những phẩm chất đó khiến người khác cảm thấy được quan tâm, nhờ thế sẽ dễ hơn cho họ để áp dụng bất cứ sự hướng dẫn nào dựa trên Kinh Thánh đến từ anh.—1 Tê 2:7, 8, 11.

Khi các anh chị trong hội thánh đương đầu với những cơn bão theo nghĩa đen và nghĩa bóng, trưởng lão là nơi trú náu của họ (Xem đoạn 13) a


14. Làm thế nào để cho thấy chúng ta đáng tin cậy?

14 Hãy đáng tin cậy. Chúng ta muốn người khác tin tưởng mình, đặc biệt trong những lúc khó khăn (Châm 17:17). Làm thế nào để được biết đến là người đáng tin cậy? Chúng ta có thể nỗ lực để luôn thể hiện những phẩm chất tin kính, chẳng hạn bằng cách giữ lời hứa và cố gắng hết sức để đúng giờ (Mat 5:37). Chúng ta cũng có thể sẵn sàng giúp đỡ một cách thực tế khi người khác cần. Ngoài ra, chúng ta lo sao để hoàn thành trách nhiệm được giao theo đúng chỉ dẫn nhận được.

15. Hội thánh nhận được lợi ích nào khi các trưởng lão đáng tin cậy?

15 Các trưởng lão đáng tin cậy mang lại lợi ích cho hội thánh. Như thế nào? Các anh chị trong hội thánh cảm thấy an tâm hơn khi họ dễ liên lạc với trưởng lão, chẳng hạn như giám thị nhóm rao giảng. Các anh chị ấy cũng cảm thấy được quan tâm khi biết rằng trưởng lão sẵn sàng giúp đỡ họ. Và khi trưởng lão đưa ra lời khuyên dựa trên Kinh Thánh và ấn phẩm của đầy tớ trung tín thay vì dựa trên ý riêng, anh em đồng đạo sẽ tin cậy họ. Anh em càng có lý do để tin cậy một trưởng lão khi anh không tiết lộ những vấn đề riêng tư của người khác và giữ lời.

16. Khi kiên định, chúng ta mang lại lợi ích nào cho chính mình và người khác?

16 Hãy kiên định. Nếu kiên định làm điều đúng và đưa ra những quyết định dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta sẽ làm gương tốt cho người khác. Khi càng có đức tin và sự hiểu biết chính xác, chúng ta sẽ càng kiên định trong chân lý. Chúng ta không lưỡng lự, lung lay hoặc dễ chao đảo trước những sự dạy dỗ sai lầm và lối suy nghĩ của thế gian (Ê-phê 4:14; Gia 1:6-8). Đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và các lời hứa của ngài giúp chúng ta bình tĩnh khi nhận tin dữ (Thi 112:7, 8). Chúng ta cũng có thể giúp đỡ những người đang đối mặt với thử thách.—1 Tê 3:2, 3.

17. Trưởng lão giúp người khác kiên định bằng cách nào?

17 Trưởng lão phải là người biết điều độ trong mọi sự, biết suy xét, sống nề nếp và phải lẽ. Họ giúp người khác kiên định và củng cố hội thánh bằng cách “theo sát lời trung tín” (Tít 1:9; 1 Ti 3:1-3). Qua gương mẫu và việc chăn chiên, trưởng lão giúp các công bố đều đặn tham dự buổi nhóm họp, rao giảng và học hỏi cá nhân. Khi anh em gặp vấn đề khiến họ lo lắng, trưởng lão có thể giúp ích rất nhiều bằng cách khuyến khích họ tập trung vào Đức Giê-hô-va và những lời hứa của ngài.

18. Tại sao chúng ta muốn chúc tụng Đức Giê-hô-va và ngày càng đến gần ngài? (Cũng xem khung “ Một cách để đến gần hơn với Đức Giê-hô-va”).

18 Sau khi xem xét các phẩm chất tuyệt vời của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể nói như vua Đa-vít: “Đáng chúc tụng Đức Giê-hô-va, là Vầng Đá tôi” (Thi 144:1). Đức Giê-hô-va luôn là Đức Chúa Trời mà chúng ta có thể nương cậy. Suốt cuộc đời, ngay cả khi cao tuổi, chúng ta có lý do để rao truyền rằng: “Ngài là Vầng Đá tôi”, và tin chắc ngài sẽ luôn giúp chúng ta gắn bó với ngài.—Thi 92:14, 15.

BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi

a HÌNH ẢNH : Tại Phòng Nước Trời, một chị không ngần ngại đến gặp hai trưởng lão để xin sự giúp đỡ.