Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su có thật sự chết cho tôi?

Chúa Giê-su có thật sự chết cho tôi?

Kinh Thánh ghi lại rất nhiều lời chân thành của những người “có cảm xúc như chúng ta” (Gia 5:17). Chẳng hạn, chúng ta có thể cảm thông với lời thừa nhận thẳng thắn của Phao-lô nơi Rô-ma 7:21-24: “Khi tôi muốn làm điều đúng thì điều xấu ở cùng tôi... Khốn khổ cho tôi!”. Những cảm xúc chân thật như thế khích lệ và trấn an chúng ta khi phải tranh đấu với sự bất toàn của chính mình.

Phao-lô cũng bày tỏ những cảm xúc chân thành khác. Nơi Ga-la-ti 2:20, ông cho thấy lòng tin chắc khi nói rằng Chúa Giê-su “yêu thương [ông] và phó chính mình vì [ông]”. Anh chị có cảm xúc như thế không? Có lẽ đôi khi chúng ta không cảm thấy như thế.

Nếu cảm thấy tự ti vì những lỗi lầm trong quá khứ, có lẽ chúng ta thấy khó tin là Đức Giê-hô-va yêu thương và tha thứ cho mình, thậm chí càng khó để tin rằng giá chuộc là món quà dành cho cá nhân mình. Chúa Giê-su có muốn chúng ta xem giá chuộc là dành riêng cho mình không? Nếu không có cảm xúc đó, điều gì giúp chúng ta có quan điểm như ngài? Hãy cùng xem xét hai câu hỏi này.

QUAN ĐIỂM CỦA CHÚA GIÊ-SU VỀ GIÁ CHUỘC

Chúa Giê-su muốn chúng ta xem giá chuộc của ngài là món quà dành riêng cho mình. Tại sao chúng ta có thể tin chắc điều đó? Hãy hình dung cảnh được ghi nơi Lu-ca 23:39-43. Một người đàn ông bị treo trên cây khổ hình gần bên Chúa Giê-su. Ông ta thừa nhận mình đã làm điều sai trái trong quá khứ. Hẳn ông đã phạm tội rất nghiêm trọng nên mới phải chịu án phạt nhẫn tâm như vậy. Trong nỗi khốn khổ, ông nài xin Chúa Giê-su: “Xin nhớ đến tôi khi ngài vào trong Nước ngài”.

Chúa Giê-su phản ứng ra sao? Hãy tưởng tượng ngài đau đớn đến mức nào khi quay đầu sang để nhìn phạm nhân ấy. Dù đau đớn tột độ nhưng ngài nở nụ cười nồng ấm và đảm bảo với ông: “Quả thật, hôm nay tôi nói với anh, anh sẽ ở với tôi trong địa đàng”. Chúa Giê-su có thể chỉ cần đơn giản nhắc người đàn ông ấy là ‘Con Người đã đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mat 20:28). Nhưng Chúa Giê-su đã nhân từ nhấn mạnh rằng giá chuộc áp dụng cho cá nhân người đàn ông đó. Chúa Giê-su nói với giọng ân cần và dùng đại từ nhân xưng “anh” và “tôi”. Ngài cũng nói với người đàn ông đó rằng anh ta sẽ sống trong địa đàng.

Hẳn Chúa Giê-su muốn người đàn ông này hiểu rằng sự hy sinh của ngài là món quà dành cho cá nhân ông. Nếu Chúa Giê-su cảm thấy như thế về một phạm nhân thậm chí còn chưa có cơ hội phụng sự Đức Chúa Trời, chắc chắn ngài cũng cảm thấy như thế về một tín đồ đã báp-têm và đang phụng sự Cha ngài. Vậy điều gì có thể giúp chúng ta có cái nhìn thăng bằng về bản thân, dù đã phạm tội trong quá khứ?

ĐIỀU GÌ ĐÃ GIÚP PHAO-LÔ?

Thánh chức mà Phao-lô nhận được đã giúp ông có quan điểm đúng về sự hy sinh của Chúa Giê-su. Tại sao có thể nói thế? Ông giải thích: “Ta biết ơn Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đấng truyền sức mạnh cho ta, vì ngài đã xem ta là trung tín qua việc giao thánh chức cho ta, dù trước kia ta là kẻ phạm thượng, bắt bớ và xấc xược” (1 Ti 1:12-14). Việc được giao chức vụ thánh đảm bảo với ông rằng Chúa Giê-su thương xót, yêu thương và tin cậy ông. Tương tự, Chúa Giê-su cũng giao cho mỗi chúng ta nhiệm vụ rao giảng (Mat 28:19, 20). Thánh chức có thể giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Giê-su chết cho cá nhân mình không?

Anh Albert, một người mới đây trở về với Đức Giê-hô-va sau khi bị khai trừ gần 34 năm, cho biết: “Tội lỗi của tôi luôn ở trước mặt. Nhưng khi tham gia thánh chức, tôi có cảm giác giống như sứ đồ Phao-lô, đó là mình được Chúa Giê-su ban cho đặc ân rao giảng. Điều này giúp tôi lên tinh thần và có cái nhìn tích cực về bản thân, đời sống và tương lai”.—Thi 51:3.

Khi giúp mọi loại người biết về chân lý, hãy cho họ thấy rõ Chúa Giê-su thương xót và yêu thương họ

Anh Allan, một người hung hãn và phạm nhiều tội ác trước khi học chân lý, thừa nhận: “Tôi vẫn canh cánh trong lòng về những hậu quả mà tôi gây ra cho người khác. Đôi khi điều đó khiến tôi nản lòng. Nhưng tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va vì ngài đã cho phép một người tội lỗi như tôi mang tin mừng đến cho người khác. Khi thấy người ta hưởng ứng tin mừng, điều này nhắc tôi nhớ rằng Đức Giê-hô-va là đấng tốt lành và yêu thương dường bao. Tôi cảm thấy ngài dùng tôi để giúp đỡ người khác, những người giống như tôi trong quá khứ”.

Khi tham gia thánh chức, chúng ta đang dồn nỗ lực để làm điều tốt, đồng thời cũng giúp chúng ta có lối suy nghĩ tích cực. Đặc ân này cho thấy Chúa Giê-su thương xót, yêu thương và tin cậy chúng ta.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LỚN HƠN LÒNG CHÚNG TA

Cho đến khi thế gian gian ác của Sa-tan bị hủy diệt, có lẽ lòng chúng ta vẫn tiếp tục lên án mình vì những tội lỗi trong quá khứ. Điều gì sẽ giúp chúng ta đối phó với cảm xúc ấy?

Chị Jean, người thường bị cắn rứt lương tâm vì từng sống hai mặt khi còn trẻ, cho biết: “Thật an ủi khi biết rằng ‘Đức Chúa Trời lớn hơn lòng chúng ta’” (1 Giăng 3:19, 20). Chúng ta cũng có thể được an ủi khi biết là Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su hiểu rõ tình trạng tội lỗi của chúng ta. Hãy nhớ rằng hai đấng ấy yêu thương cung cấp giá chuộc, không phải cho người hoàn hảo, nhưng cho người phạm tội và biết ăn năn.—1 Ti 1:15.

Chúng ta có lòng tin chắc nơi sự thật quý giá này khi cầu nguyện và suy ngẫm về cách Chúa Giê-su đối xử với con người bất toàn, đồng thời làm hết khả năng để chu toàn thánh chức mà ngài giao. Khi làm thế, anh chị có thể nói giống Phao-lô: Chúa Giê-su “yêu thương tôi và phó chính mình vì tôi”.