Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Khi nào Chúa Giê-su trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, và khi nào giao ước mới có hiệu lực?

Có bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm khi ngài chịu phép báp-têm vào năm 29 CN. Bằng chứng đó là gì? Khi báp-têm, Chúa Giê-su trình diện để hy sinh mạng sống trên bàn thờ tượng trưng, tức là “ý muốn” của Đức Chúa Trời (Ga 1:4; Hê 10:5-10). Vì bàn thờ tượng trưng ấy hiện hữu kể từ khi Chúa Giê-su báp-têm nên đền thờ thiêng liêng vĩ đại, tượng trưng cho sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng thanh sạch dựa trên giá chuộc, hẳn cũng phải hiện hữu từ thời điểm đó. Bàn thờ là một trong những đặc điểm chính của đền thờ thiêng liêng ấy.—Mat 3:16, 17; Hê 5:4-6.

Khi đền thờ thiêng liêng vĩ đại được thiết lập thì cần có một thầy tế lễ thượng phẩm để thi hành nhiệm vụ tại đó. Để đáp ứng nhu cầu ấy, Chúa Giê-su được xức dầu “bằng thần khí thánh và ban quyền năng” (Công 10:37, 38; Mác 1:9-11). Tuy nhiên, làm sao chúng ta biết Chúa Giê-su được xức dầu làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trước khi ngài chết và được sống lại? Chúng ta thấy bằng chứng thuyết phục khi xem xét trường hợp của A-rôn và những người kế vị ông, là những người hầu việc với tư cách thầy tế lễ thượng phẩm dưới Luật pháp Môi-se.

Theo Luật pháp, chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới được vào Gian Chí Thánh của lều thánh, và sau này là Gian Chí Thánh của đền thờ. Gian này được ngăn cách với Gian Thánh bằng một bức màn. Thầy tế lễ thượng phẩm chỉ bước qua phía sau bức màn đó vào Ngày Chuộc Tội (Hê 9:1-3, 6, 7). A-rôn và những người kế vị ông được xức dầu làm thầy tế lễ thượng phẩm trước khi đi “qua bức màn [theo nghĩa đen]” của lều thánh. Tương tự, hẳn Chúa Giê-su phải được xức dầu làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của đền thờ thiêng liêng vĩ đại trước khi ngài chết và rồi đi “qua bức màn, tức là thân thể ngài” để lên trời (Hê 10:20). Vì lý do này, sứ đồ Phao-lô nói rằng Chúa Giê-su đến “với tư cách thầy tế lễ thượng phẩm” và rồi “đi qua cái lều lớn và hoàn hảo hơn, không phải do tay con người làm nên” và “vào tận trong trời”.—Hê 9:11, 24.

Khi nào giao ước mới có hiệu lực? Khi lên trời và dâng giá trị sự sống của một người hoàn hảo vì chúng ta, Chúa Giê-su thực hiện hai trong ba bước của quá trình làm cho giao ước mới có hiệu lực, hay được hợp pháp hóa. Quá trình này gồm những bước nào?

Đầu tiên, Chúa Giê-su trình diện Đức Giê-hô-va; kế tiếp, ngài dâng giá trị huyết hy sinh của mình lên Đức Giê-hô-va; và cuối cùng, Đức Giê-hô-va chấp nhận giá trị huyết báu của Chúa Giê-su. Khi các bước này được hoàn thành, thì giao ước mới bắt đầu có hiệu lực.

Kinh Thánh không cho biết chính xác khi nào Đức Giê-hô-va chấp nhận giá trị huyết hy sinh của Chúa Giê-su. Vì thế, chúng ta không thể xác định thời điểm cụ thể giao ước mới bắt đầu có hiệu lực. Nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giê-su lên trời trước Lễ Ngũ Tuần mười ngày (Công 1:3). Vào thời điểm nào đó trong thời gian ngắn ấy, ngài dâng giá trị huyết hy sinh của mình lên Đức Giê-hô-va, và Đức Giê-hô-va đã chấp nhận (Hê 9:12). Những sự việc diễn ra vào Lễ Ngũ Tuần là bằng chứng có thể nhìn thấy được chứng tỏ giao ước mới đã có hiệu lực (Công 2:1-4, 32, 33). Vào Lễ Ngũ Tuần, giao ước mới rõ ràng đã có hiệu lực rồi.

Tóm lại, giao ước mới có hiệu lực sau khi Đức Giê-hô-va chấp nhận giá trị huyết báu của Chúa Giê-su và đưa những tín đồ được xức dầu vào giao ước ấy. Lúc đó, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, là Chúa Giê-su, phục vụ với tư cách là Đấng Trung Gian của giao ước mới.—Hê 7:25; 8:1-3, 6; 9:13-15.