Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Tôi làm bổn phận của mình

Tôi làm bổn phận của mình

Trong hơn ba thập kỷ, anh Donald Ridley là luật sư biện hộ cho Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh có vai trò quan trọng trong việc khẳng định quyền từ chối dùng các chế phẩm máu. Công việc của anh dẫn đến một số chiến thắng trước tòa cấp cao của tiểu bang. Anh được bạn bè gọi là Don. Anh là người siêng năng, khiêm nhường và có tinh thần hy sinh.

Năm 2019, anh Don được chẩn đoán mắc chứng bệnh hiếm gặp về thần kinh, một căn bệnh không có cách chữa trị. Bệnh tình của anh ngày càng trầm trọng và anh qua đời vào ngày 16-8-2019. Đây là câu chuyện của anh.

Tôi sinh năm 1954 ở Saint Paul, bang Minnesota, Hoa Kỳ, trong một gia đình trung lưu theo Công giáo La Mã. Tôi là con thứ hai trong gia đình có năm người con. Tôi học tại trường tiểu học Công giáo và làm cậu bé giúp lễ, nhưng hầu như chẳng biết gì về Kinh Thánh. Dù tôi tin Thiên Chúa tạo dựng mọi vật, nhưng giáo hội khiến tôi hoàn toàn thất vọng.

BIẾT ĐƯỢC CHÂN LÝ

Khi tôi là sinh viên năm đầu trường luật William Mitchell, một cặp vợ chồng Nhân Chứng đến gõ cửa nhà tôi. Vì tôi bận giặt giũ nên họ tử tế hứa sẽ quay lại. Khi họ trở lại, tôi có hai câu để hỏi: “Tại sao người tốt thì chẳng thành công?” và “Làm sao để có hạnh phúc thật?”. Tôi đã nhận sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới có bìa màu xanh lá bắt mắt. Tôi cũng chấp nhận học Kinh Thánh. Điều này giúp tôi được mở mang tầm mắt. Tôi ấn tượng khi biết Nước Đức Chúa Trời là một chính phủ thật sự cần thiết và sẽ cai trị trên đất. Tôi nhận thấy rằng khi con người tự cai trị thì hậu quả thật thê thảm và thế giới đầy dẫy đau khổ, bất công.

Tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va vào đầu năm 1982 và báp-têm trong năm đó tại Hội nghị Vùng “Chân lý của Nước Trời” được tổ chức ở trung tâm hành chính Saint Paul. Tuần sau đó, tôi trở lại trung tâm ấy để thi lấy bằng luật sư. Đầu tháng 10, tôi biết tin mình thi đậu và đủ chuẩn để hành nghề luật.

Tại hội nghị ấy, tôi gặp anh Mike Richardson, một thành viên Bê-tên ở Brooklyn. Anh cho tôi biết Ban Pháp lý đã được thành lập tại trụ sở trung ương. Lúc đó, tôi nhớ đến lời của triều thần người Ê-thi-ô-bi nơi Công vụ 8:36 và tự hỏi: “Có gì cản tôi làm tại Ban Pháp lý không?”. Vì thế, tôi đã nộp đơn phụng sự ở Bê-tên.

Cha mẹ tôi không vui khi tôi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Cha tôi hỏi rằng làm việc cho tổ chức Tháp Canh có giúp ích cho sự nghiệp của tôi không. Tôi giải thích là tôi làm việc tình nguyện và nhận được 75 đô-la một tháng, khoản trợ cấp hàng tháng cho một thành viên Bê-tên thời đó.

Sau khi hoàn tất một số công việc tại tòa, tôi bắt đầu phụng sự ở Bê-tên Brooklyn, New York, vào năm 1984. Tôi làm việc tại Ban Pháp lý. Sự huấn luyện nhận được tại tòa án thật đúng lúc!

SỬA CHỮA NHÀ HÁT STANLEY

Nhà hát Stanley khi được mua lại

Nhà hát Stanley ở thành phố Jersey, bang New Jersey, được mua vào tháng 11 năm 1983. Các anh phải xin giấy phép để sửa chữa hệ thống điện nước của tòa nhà. Khi gặp quan chức địa phương, các anh cho biết họ định dùng nhà hát Stanley làm phòng hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng có một vấn đề xảy ra. Luật của thành phố quy định các nơi thờ phượng phải nằm trong khu dân cư, còn nhà hát Stanley thì nằm trong khu thương mại. Vì thế, chính quyền thành phố từ chối cấp giấy phép. Các anh đệ đơn khiếu nại nhưng bị bác bỏ.

Vào tuần đầu tiên tôi làm việc tại Bê-tên, tổ chức đã đệ đơn kiện về việc bị từ chối cấp phép sửa chữa lên tòa án. Vì vừa hoàn thành hai năm làm thư ký tại tòa án ở Saint Paul, Minnesota, nên tôi rất quen với những vụ như thế. Một trong những luật sư của chúng ta lập luận rằng nhà hát Stanley đã được dùng trong các sự kiện công cộng như chiếu phim và biểu diễn nhạc rock, vậy tại sao lại bất hợp pháp để tổ chức sự kiện tôn giáo. Tòa án đã xem xét vụ việc và đưa ra phán quyết là thành phố Jersey vi phạm quyền tự do tôn giáo. Tòa lệnh cho thành phố phải cấp giấy phép cho chúng ta, và tôi bắt đầu nhận thấy cách Đức Giê-hô-va ban phước cho tổ chức ngài khi dùng pháp lý để đẩy mạnh công việc của ngài. Tôi rất vui vì được góp phần.

Các anh bắt tay vào dự án sửa chữa với quy mô lớn, và lễ mãn khóa thứ 79 của Trường Ga-la-át được tổ chức tại nhà hát Stanley vào ngày 8-9-1985, chưa đầy một năm sau khi việc sửa chữa bắt đầu. Tôi cảm thấy vinh dự khi được làm việc trong nhóm pháp lý để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời, và vô cùng thỏa lòng so với lúc làm nghề này khi chưa vào Bê-tên. Tôi không ngờ Đức Giê-hô-va có nhiều đặc ân hơn nữa để ban cho tôi.

BÊNH VỰC QUYỀN DÙNG PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU KHÔNG DÙNG MÁU

Vào thập niên 1980, không có gì lạ khi bác sĩ và bệnh viện bác bỏ yêu cầu dùng phương pháp trị liệu không dùng máu của một Nhân Chứng trưởng thành. Phụ nữ mang thai gặp vấn đề khó khăn hơn vì các thẩm phán thường cho rằng phụ nữ không có quyền từ chối tiếp máu. Các thẩm phán lý luận rằng nếu người mẹ không chịu tiếp máu thì có thể tử vong và đứa bé sinh ra sẽ bị mồ côi mẹ.

Ngày 29-12-1988, chị Denise Nicoleau bị băng huyết sau khi sinh. Lượng huyết sắc tố của chị giảm xuống dưới 5,0 và bác sĩ yêu cầu chị truyền máu, nhưng chị từ chối. Sáng hôm sau, bệnh viện xin lệnh của tòa án cho phép thực hiện việc truyền máu. Thẩm phán đã lệnh cho bệnh viện thực hiện việc truyền máu mà không tiến hành xét xử và thậm chí không báo cho chị Nicoleau hay chồng chị biết.

Thứ sáu, ngày 30 tháng 12, bệnh viện đã truyền máu cho chị Nicoleau bất chấp sự phản đối của chồng chị cùng người thân trong gia đình đang bên giường bệnh của chị. Tối hôm đó, vài thành viên trong gia đình chị và một số trưởng lão bị cáo buộc đã đứng quanh giường của chị Nicoleau để ngăn cản việc truyền máu và họ đã bị bắt. Sáng thứ bảy ngày 31 tháng 12, cơ quan báo, đài của thành phố New York và Long Island đăng tin về vụ bắt giam.

Với anh Philip Brumley khi chúng tôi còn trẻ

Sáng thứ hai, tôi thảo luận vụ việc với chánh án Milton Mollen. Tôi tường trình chi tiết vụ việc, nhấn mạnh rằng thẩm phán đã ký lệnh truyền máu mà không hề xét xử. Chánh án Mollen mời tôi đến văn phòng của ông vào buổi chiều hôm đó để thảo luận các chi tiết và điều luật áp dụng trong vụ việc này. Giám thị của tôi, anh Philip Brumley, đã đi cùng tôi. Ông Mollen cũng mời luật sư của bệnh viện đến. Chúng tôi tranh luận nảy lửa. Anh Brumley đã ghi vào tờ giấy nhắc tôi “bình tĩnh lại”. Đó là lời khuyên khôn ngoan vì tôi đã giận dữ bác bỏ lập luận của luật sư phía bệnh viện.

Từ trái qua phải: Richard Moake, Gregory Olds, Paul Polidoro, Philip Brumley, tôi và Mario Moreno—Các luật sư của tổ chức vào ngày đưa ra lập luận tại Tòa Tối Cao Hoa Kỳ trong vụ Watchtower v. Village of Stratton.—Xem Tỉnh Thức! ngày 8-1-2003 (Anh ngữ)

Sau khoảng một tiếng, chánh án Mollen nói rằng vụ việc sẽ được xét xử đầu tiên vào sáng hôm sau. Khi chúng tôi rời văn phòng của ông, chánh án nói rằng luật sư của bệnh viện phải gánh một “vụ khó vào sáng mai”. Điều này có nghĩa là luật sư ấy sẽ khó mà biện hộ cho thân chủ của mình. Tôi cảm nhận Đức Giê-hô-va trấn an tôi rằng chúng tôi hẳn sẽ thắng kiện. Tôi vui khi thấy Đức Giê-hô-va dùng chúng tôi để thực thi ý muốn của ngài.

Chúng tôi làm việc đến đêm để chuẩn bị cho lập luận vào sáng hôm sau. Vì tòa án chỉ cách Bê-tên Brooklyn vài khu phố, nên hầu hết anh chị trong Ban Pháp lý đi bộ đến đó. Sau khi bồi thẩm đoàn gồm bốn thẩm phán nghe chúng tôi lập luận, họ hủy bỏ lệnh truyền máu. Tòa cấp cao đưa ra phán quyết có lợi cho chị Nicoleau và tuyên bố rằng tòa án ký một lệnh mà không xem xét quan điểm của bệnh nhân là vi phạm nhân quyền.

Không lâu sau, tòa cao nhất của New York tuyên bố chị Nicoleau được quyền dùng phương pháp trị liệu không dùng máu. Đó là vụ án đầu tiên của tòa cấp cao trong bốn vụ liên quan đến máu mà tôi có đặc ân tham gia. (Xin xem khung “ Những chiến thắng ở tòa cấp cao của tiểu bang”). Tôi cũng tham gia cùng các luật sư khác ở Bê-tên trong những vụ như giành quyền giám hộ trẻ em, ly dị, sử dụng tòa nhà và bất động sản.

HÔN NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Cùng vợ tôi là Dawn

Lần đầu tôi và Dawn gặp nhau, cô ấy là mẹ đơn thân nuôi ba đứa con. Cô ấy tần tảo kiếm sống và làm tiên phong. Dawn có đời sống khó khăn và tôi rất ấn tượng vì cô ấy quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va. Năm 1992, chúng tôi tham dự Hội nghị Địa hạt “Người mang sự sáng” tại thành phố New York và tôi đã xin tìm hiểu cô ấy. Một năm sau, chúng tôi kết hôn. Một người vợ thiêng liêng tính và vui vẻ là món quà mà Đức Giê-hô-va ban cho tôi. Trọn các ngày đời chúng tôi, cô ấy thật sự đã ‘mang lại cho tôi điều tốt’.—Châm 31:12.

Khi chúng tôi kết hôn, bọn trẻ được 11, 13 và 16 tuổi. Vì muốn làm người cha tốt, nên tôi đọc kỹ và cố gắng áp dụng mọi điều mà tôi xem trong ấn phẩm của chúng ta nói về cách làm cha dượng. Năm tháng trôi qua, có những khó khăn nhưng tôi vui vì bọn trẻ xem tôi là bạn đáng tin cậy và người cha yêu thương. Chúng tôi luôn chào đón bạn bè của các con đến nhà chơi, và vui thích khi nhà có nhiều người trẻ tràn đầy năng lượng.

Năm 2013, vợ chồng tôi chuyển đến Wisconsin để chăm sóc cha mẹ lớn tuổi. Điều ngạc nhiên là tôi vẫn được phụng sự tại Bê-tên. Tôi tiếp tục hỗ trợ tổ chức về mặt pháp lý với tư cách tình nguyện viên tạm thời.

SỰ THAY ĐỔI BẤT NGỜ

Vào tháng 9 năm 2018, tôi để ý thấy mình hay phải hắng giọng. Bác sĩ đã khám cho tôi, nhưng ông không rõ nguyên nhân là gì. Sau đó, một bác sĩ khác đề nghị tôi đi khám chuyên khoa thần kinh. Tháng 1 năm 2019, tôi được chẩn đoán sơ bộ bị bệnh rối loạn thần kinh hiếm gặp gọi là liệt trên nhân tiến triển (viết tắt là PSP).

Ba ngày sau, khi đang trượt băng, tôi bị nứt xương cổ tay. Tôi trượt băng cả đời mình, đó là bản năng của tôi. Lúc ấy, tôi cảm nhận mình mất dần khả năng vận động. Chứng rối loạn thần kinh của tôi tiến triển nhanh một cách đáng sợ, ảnh hưởng đến khả năng nói, vận động và nuốt.

Tôi có đặc ân dùng kinh nghiệm về nghề luật để góp phần nhỏ trong việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời. Tôi viết nhiều bài cho tạp chí chuyên ngành cũng như diễn thuyết tại các hội thảo về pháp lý y khoa trên khắp thế giới. Nhờ đó, tôi có đặc ân bênh vực quyền của dân Đức Giê-hô-va trong việc dùng phương pháp trị liệu và phẫu thuật không dùng máu. Dù vậy, tôi muốn mượn Lu-ca 17:10 để nói rằng: ‘Tôi là đầy tớ vô dụng. Tôi chỉ làm bổn phận của mình’.