Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 29

Anh chị đã sẵn sàng cho hoạn nạn lớn chưa?

Anh chị đã sẵn sàng cho hoạn nạn lớn chưa?

‘Anh em hãy sẵn sàng’.MAT 24:44.

BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi

GIỚI THIỆU a

1. Tại sao việc chuẩn bị trước cho thảm họa là điều khôn ngoan?

 Sự chuẩn bị có thể cứu mạng. Chẳng hạn, khi một thảm họa ập đến, những người đã chuẩn bị trước có nhiều khả năng hơn để sống sót và giúp đỡ người khác. Một tổ chức nhân đạo ở châu Âu nói: “Chuẩn bị tốt có thể bảo toàn mạng sống”.

2. Tại sao chúng ta nên chuẩn bị cho hoạn nạn lớn? (Ma-thi-ơ 24:44)

2 “Hoạn nạn lớn” sẽ xảy đến bất thình lình (Mat 24:21). Tuy nhiên, khác với nhiều thảm họa thông thường, không phải ai cũng bị bất ngờ khi hoạn nạn lớn xảy ra. Cách đây khoảng 2.000 năm, Chúa Giê-su bảo các môn đồ hãy chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ấy. (Đọc Ma-thi-ơ 24:44). Nếu chuẩn bị trước, chúng ta sẽ dễ chịu đựng thời điểm khó khăn đó hơn và giúp người khác cũng làm thế.—Lu 21:36.

3. Sự chịu đựng, lòng trắc ẩn và tình yêu thương giúp chúng ta thế nào để sẵn sàng cho hoạn nạn lớn?

3 Hãy xem ba phẩm chất có thể giúp chúng ta sẵn sàng cho hoạn nạn lớn. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào nếu được yêu cầu rao báo thông điệp phán xét mạnh mẽ và bị những người không tin đạo chống đối? (Khải 16:21). Chúng ta sẽ cần sự chịu đựng để vâng lời Đức Giê-hô-va, tin rằng ngài sẽ bảo vệ mình. Chúng ta sẽ làm gì nếu anh em đồng đạo bị mất một phần hoặc tất cả tài sản? (Ha-ba 3:17, 18). Chúng ta sẽ cần lòng trắc ẩn để cung cấp những thứ họ cần. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao nếu vì cuộc tấn công của liên minh các nước mà chúng ta phải ở một nơi chật chội với nhiều anh em trong một thời gian? (Ê-xê 38:10-12). Tình yêu thương mạnh mẽ dành cho họ sẽ giúp chúng ta vượt qua thời điểm khó khăn đó.

4. Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy chúng ta cần tiếp tục vun trồng sự chịu đựng, lòng trắc ẩn và tình yêu thương?

4 Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta tiếp tục vun trồng sự chịu đựng, lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Lu-ca 21:19 nói: “Nhờ bền chí chịu đựng, anh em sẽ bảo toàn được mạng sống của mình”. Cô-lô-se 3:12 khuyên: “Hãy mặc lấy lòng trắc ẩn”. Và 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:9, 10 cho biết: “Chính anh em được Đức Chúa Trời dạy là phải yêu thương nhau… Nhưng hỡi anh em, chúng tôi khuyến giục anh em hãy tiếp tục làm nhiều hơn thế nữa”. Tất cả những câu này được viết cho các tín đồ đã thể hiện sự chịu đựng, lòng trắc ẩn và tình yêu thương rồi. Tuy nhiên, họ phải tiếp tục vun trồng những phẩm chất này, và chúng ta cũng thế. Để giúp mình làm điều đó, hãy xem những tín đồ thời ban đầu đã thể hiện mỗi phẩm chất này như thế nào. Rồi hãy xem chúng ta có thể bắt chước họ ra sao, nhờ thế cho thấy mình sẵn sàng cho hoạn nạn lớn.

CỦNG CỐ SỰ CHỊU ĐỰNG

5. Các tín đồ thời ban đầu đã chịu đựng thử thách bằng cách nào?

5 Các tín đồ thời ban đầu cần có tính chịu đựng (Hê 10:36). Ngoài việc đối phó với những vấn đề như bao người thường gặp, họ phải đương đầu với những thử thách khác nữa. Nhiều người trong số họ bị ngược đãi, không chỉ bởi những nhà lãnh đạo Do Thái giáo và chính quyền La Mã mà còn bởi chính gia đình của họ (Mat 10:21). Ngoài ra, trong hội thánh, đôi khi họ phải kháng cự ảnh hưởng của những kẻ bội đạo và sự dạy dỗ gây chia rẽ đến từ những kẻ ấy (Công 20:29, 30). Tuy nhiên, những tín đồ này đã trung thành chịu đựng (Khải 2:3). Bằng cách nào? Họ suy ngẫm về những gương chịu đựng trong Kinh Thánh, chẳng hạn gương của Gióp (Gia 5:10, 11). Họ cầu xin để có sức mạnh (Công 4:29-31). Và họ tập trung vào kết quả tốt của sự chịu đựng.—Công 5:41.

6. Anh chị học được gì từ gương của chị Merita khi chị gặp sự chống đối?

6 Chúng ta cũng có thể chịu đựng nếu đều đặn học hỏi và suy ngẫm những gương chịu đựng trong Lời Đức Chúa Trời và trong các ấn phẩm. Nhờ làm điều đó, chị Merita ở Albania đã đương đầu thành công với sự chống đối và hành hung từ gia đình. Chị cho biết: “Tôi vô cùng cảm động khi nghiên cứu lời tường thuật về Gióp. Ông đã chịu khổ rất nhiều mà không biết ai đang gây ra thử thách cho mình. Dù vậy, ông nói: ‘Cho đến chết, tôi cũng không từ bỏ lòng trọn thành!’ (Gióp 27:5). Tôi suy ngẫm và thấy thử thách của mình không là gì so với của Gióp. Khác với ông, tôi biết ai là kẻ đứng đằng sau những thử thách này”.

7. Ngay cả nếu hiện nay không phải đối mặt với thử thách cam go, chúng ta nên tập làm gì?

7 Chúng ta cũng có thể củng cố sự chịu đựng bằng cách cầu nguyện với Đức Giê-hô-va thường xuyên và tha thiết, nói cho ngài biết những mối lo lắng của mình (Phi-líp 4:6; 1 Tê 5:17). Có lẽ hiện nay anh chị không phải đối mặt với thử thách cam go nào. Dù vậy, anh chị có tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va mỗi khi cảm thấy bức xúc, bối rối hoặc choáng ngợp không? Nếu thường xuyên xin ngài giúp mình đối phó với khó khăn hằng ngày ngay bây giờ, anh chị sẽ không ngần ngại làm thế khi đối mặt với khó khăn lớn hơn trong tương lai. Khi đó, anh chị sẽ tin chắc rằng ngài biết chính xác khi nào là thời điểm tốt nhất để giúp anh chị và giúp bằng cách nào.—Thi 27:1, 3.

SỰ CHỊU ĐỰNG

Mỗi thử thách mà chúng ta chịu đựng có thể giúp mình được củng cố để đứng vững trước thử thách kế tiếp (Xem đoạn 8)

8. Làm thế nào gương của chị Mira cho thấy việc chịu đựng thử thách ngay bây giờ có thể giúp chúng ta chịu đựng trong tương lai? (Gia-cơ 1:2-4) (Cũng xem hình).

8 Nếu chúng ta chịu đựng thử thách ngay bây giờ thì sẽ dễ hơn để chịu đựng hoạn nạn lớn trong tương lai (Rô 5:3). Tại sao có thể nói thế? Nhiều anh chị thấy rằng mỗi thử thách về đức tin mà họ chịu đựng đã giúp họ đứng vững trước thử thách kế tiếp. Sự chịu đựng đã tinh luyện họ và củng cố đức tin của họ, giúp họ tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẵn sàng và muốn giúp đỡ họ. Rồi đức tin giúp họ chịu đựng thử thách kế tiếp. (Đọc Gia-cơ 1:2-4). Chị Mira, một tiên phong ở Albania, thấy rằng sự chịu đựng trong quá khứ đã giúp chị tiếp tục chịu đựng. Chị thừa nhận đôi khi chị cảm thấy mình là người duy nhất gặp phải quá nhiều vấn đề. Nhưng rồi chị nhớ lại Đức Giê-hô-va đã làm biết bao điều trong 20 năm qua để hỗ trợ chị. Chị tự nhủ: “Hãy tiếp tục trung thành. Đừng để những năm tháng đó và những thử thách mình đã vượt qua nhờ sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va trở nên vô ích”. Anh chị cũng có thể suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va đã giúp anh chị chịu đựng. Hãy tin chắc rằng ngài để ý mỗi lần anh chị chịu đựng một thử thách và sẽ ban thưởng cho anh chị (Mat 5:10-12). Rồi khi hoạn nạn lớn bắt đầu, anh chị đã biết cách chịu đựng và sẽ quyết tâm để tiếp tục làm thế.

THỂ HIỆN LÒNG TRẮC ẨN

9. Hội thánh ở An-ti-ốt thuộc xứ Sy-ri thể hiện lòng trắc ẩn như thế nào?

9 Hãy xem điều gì xảy ra khi các tín đồ ở Giu-đê đối mặt với một nạn đói lớn. Sau khi hội thánh ở An-ti-ốt thuộc xứ Sy-ri nghe về nạn đói, hẳn họ cảm thấy động lòng trắc ẩn đối với anh em ở Giu-đê. Rồi họ thể hiện lòng trắc ẩn đó qua hành động. Họ “quyết định gửi quà cứu trợ cho anh em ở xứ Giu-đê, mỗi người tùy theo khả năng của mình” (Công 11:27-30). Dù những anh em bị ảnh hưởng bởi nạn đói sống khá xa, nhưng những tín đồ ở An-ti-ốt vẫn quyết tâm giúp đỡ họ.—1 Giăng 3:17, 18.

LÒNG TRẮC ẨN

Những thảm họa thiên nhiên cho chúng ta cơ hội để thể hiện lòng trắc ẩn (Xem đoạn 10)

10. Chúng ta có thể tỏ lòng trắc ẩn qua những cách nào khi anh em đồng đạo bị ảnh hưởng bởi một thảm họa? (Cũng xem hình).

10 Ngày nay chúng ta cũng có thể tỏ lòng trắc ẩn khi được biết anh em đồng đạo bị ảnh hưởng bởi một thảm họa. Chúng ta sẵn sàng hưởng ứng, có lẽ bằng cách hỏi các trưởng lão về việc tham gia công tác cứu trợ, đóng góp cho công việc toàn cầu hoặc cầu nguyện cho những anh em bị ảnh hưởng bởi thảm họa b (Châm 17:17). Chẳng hạn, vào năm 2020, có hơn 950 Ủy ban Cứu trợ Thảm họa được thành lập trên khắp thế giới để chăm lo nhu cầu của những anh chị bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Những anh chị tham gia công việc cứu trợ xứng đáng được chúng ta khen một cách chân thành. Lòng trắc ẩn đối với anh em đã thôi thúc họ phân phát hàng cứu trợ, cung cấp sự chăm sóc về thiêng liêng và trong một số trường hợp là sửa chữa hoặc xây lại nhà cửa cũng như những nơi thờ phượng của chúng ta.—So sánh 2 Cô-rinh-tô 8:1-4.

11. Những hành động trắc ẩn của chúng ta tôn vinh Cha trên trời như thế nào?

11 Khi chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn sau một thảm họa, người khác cũng để ý đến những sự hy sinh của mình. Chẳng hạn, vào năm 2019, cơn bão Dorian hủy phá một Phòng Nước Trời ở Bahamas. Trong khi xây lại Phòng Nước Trời đó, anh em chúng ta đã hỏi một nhà thầu về giá cả của một số công đoạn. Ông ấy nói: “Tôi muốn đóng góp… thiết bị, nhân công và vật liệu… Tôi muốn làm điều này cho tổ chức của quý vị. Tôi rất ấn tượng khi thấy tình cảm [của quý vị] dành cho các bạn mình”. Đa số người ta trong thế gian không biết Đức Giê-hô-va. Nhưng nhiều người trong số họ thấy những điều mà Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm để giúp người khác. Thật vui mừng khi biết rằng những hành động trắc ẩn của chúng ta có thể thu hút người khác đến với đấng “giàu lòng thương xót”!—Ê-phê 2:4.

12. Làm thế nào việc vun trồng lòng trắc ẩn ngay bây giờ giúp chúng ta chuẩn bị cho hoạn nạn lớn? (Khải huyền 13:16, 17)

12 Tại sao chúng ta cần thể hiện lòng trắc ẩn trong hoạn nạn lớn? Kinh Thánh cho biết những ai không ủng hộ hệ thống chính trị sẽ đối mặt với thử thách, cả bây giờ lẫn trong hoạn nạn lớn. (Đọc Khải huyền 13:16, 17). Lúc đó, anh em chúng ta có lẽ cần được giúp để có những thứ cần thiết. Khi Vua Giê-su đến thi hành sự phán xét, mong sao ngài thấy chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn và mời chúng ta thừa hưởng Nước Trời.—Mat 25:34-40.

CỦNG CỐ TÌNH YÊU THƯƠNG

13. Như được thấy nơi Rô-ma 15:7, những tín đồ thời ban đầu củng cố tình yêu thương dành cho nhau như thế nào?

13 Tình yêu thương là dấu hiệu nhận diện các tín đồ thời ban đầu. Nhưng có dễ để họ thể hiện tình yêu thương không? Hãy nghĩ đến sự đa dạng trong hội thánh ở Rô-ma. Trong vòng họ không chỉ có người Do Thái, là những người được nuôi dạy từ nhỏ để vâng theo Luật pháp Môi-se, mà còn có những người thuộc dân ngoại, là những người có gốc gác hoàn toàn khác. Rất có thể một số tín đồ là nô lệ trong khi số khác là người tự do, thậm chí một số người có lẽ là chủ nô lệ. Làm thế nào những tín đồ này vượt qua sự khác biệt như thế và củng cố tình yêu thương? Sứ đồ Phao-lô khuyến giục họ: “Hãy tiếp đón nhau”. (Đọc Rô-ma 15:7). Ý của ông là gì? Từ được dịch là “tiếp đón” có nghĩa tiếp nhận cách tử tế hoặc với lòng hiếu khách, chẳng hạn tiếp họ vào nhà hoặc vào nhóm bạn của mình. Ví dụ, Phao-lô cho Phi-lê-môn biết cách để tiếp đón người nô lệ bỏ trốn là Ô-nê-sim khi nói: “Hãy tử tế tiếp nhận người” (Phi-lê 17). Bê-rít-sin và A-qui-la đã tiếp đón A-bô-lô, người có sự hiểu biết về đạo Đấng Ki-tô ít hơn họ, bằng cách “dẫn [ông] đi với mình” (Công 18:26). Thay vì để sự khác biệt chia rẽ họ, những tín đồ này đã vượt qua điều đó và tiếp đón nhau.

TÌNH YÊU THƯƠNG

Chúng ta cần tình yêu thương của tất cả anh em đồng đạo (Xem đoạn 15)

14. Vợ chồng chị Anna đã thể hiện tình yêu thương như thế nào?

14 Chúng ta cũng có thể thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo qua việc làm bạn với họ. Thường thì họ sẽ đáp lại bằng cách thể hiện tình yêu thương với chúng ta (2 Cô 6:11-13). Hãy xem kinh nghiệm của vợ chồng chị Anna. Không lâu sau khi họ chuyển đến nhiệm sở mới ở Tây Phi để tiếp tục làm giáo sĩ, đại dịch COVID-19 bùng phát. Vì đại dịch, họ không thể gặp hội thánh trực tiếp. Vậy làm thế nào cặp vợ chồng này có thể thể hiện tình yêu thương? Họ đã dùng ứng dụng video trực tuyến để liên lạc với anh em ở đó và nói rằng rất muốn biết anh em rõ hơn. Các gia đình trong hội thánh rất cảm động và đáp lại bằng cách thường xuyên gọi điện cũng như nhắn tin cho họ. Tại sao cặp vợ chồng này chủ động làm quen với anh em? Chị Anna giải thích: “Những hành động yêu thương mà tôi và gia đình nhận được cả lúc thuận lợi lẫn lúc khó khăn đã khắc sâu vào tâm trí tôi và thúc đẩy tôi thể hiện tình yêu thương”.

15. Anh chị học được gì từ gương của chị Vanessa về việc yêu thương tất cả anh em đồng đạo? (Cũng xem hình).

15 Nhiều người trong chúng ta thuộc về những hội thánh gồm các anh chị có gốc gác và tính cách đa dạng. Chúng ta có thể củng cố tình yêu thương dành cho tất cả anh em bằng cách tập trung vào những phẩm chất tốt mà họ có. Một chị tên Vanessa phụng sự ở New Zealand từng thấy khó hòa hợp với một số người trong hội thánh của mình. Nhưng thay vì xa lánh những người có tính cách làm chị khó chịu, chị quyết định dành nhiều thời gian hơn với họ. Làm thế đã giúp chị thấy điều mà Đức Giê-hô-va yêu quý nơi họ. Chị cho biết: “Từ khi chồng tôi làm giám thị vòng quanh, chúng tôi gặp nhiều anh chị hơn nữa có tính cách khác nhau, và tôi thấy dễ hòa hợp với họ hơn. Giờ đây tôi rất thích sự đa dạng ấy. Hiển nhiên Đức Giê-hô-va cũng thích sự đa dạng vì ngài đã kéo chúng ta đến một nhóm đa dạng”. Khi tập nhìn người khác theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, chúng ta cho thấy mình yêu thương họ.—2 Cô 8:24.

Trong hoạn nạn lớn, chúng ta sẽ tìm được sự che chở mà Đức Giê-hô-va hứa khi giữ sự hợp nhất với anh em đồng đạo (Xem đoạn 16)

16. Tại sao tình yêu thương sẽ là điều thiết yếu trong hoạn nạn lớn? (Cũng xem hình).

16 Tình yêu thương sẽ là điều thiết yếu trong hoạn nạn lớn. Khi hoạn nạn lớn bắt đầu, chúng ta sẽ tìm sự che chở ở đâu? Hãy xem Đức Giê-hô-va bảo dân ngài làm gì khi Ba-by-lôn xưa bị tấn công. Ngài phán: “Hỡi dân ta, hãy đi vào phòng trong, đóng cửa lại sau lưng. Hãy ẩn mình một lát cho đến khi cơn thịnh nộ đã qua” (Ê-sai 26:20). Dường như những lời này cũng áp dụng cho chúng ta trong hoạn nạn lớn. “Phòng trong” có lẽ nói đến những hội thánh của chúng ta. Trong giai đoạn đó, chúng ta sẽ tìm được sự che chở mà Đức Giê-hô-va hứa khi giữ sự hợp nhất với anh em đồng đạo. Vì thế, ngay bây giờ chúng ta cần nỗ lực để không chỉ chịu đựng anh em mà còn yêu thương họ. Có thể sự sống sót của chúng ta phụ thuộc vào điều đó!

CHUẨN BỊ NGAY BÂY GIỜ

17. Nếu chuẩn bị ngay bây giờ, chúng ta sẽ có thể làm gì trong hoạn nạn lớn?

17 “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va” sẽ là ngày khốn khổ cho nhân loại (Xô 1:14, 15). Dân của Đức Giê-hô-va cũng sẽ gặp khó khăn. Nhưng nếu chuẩn bị ngay bây giờ, chúng ta sẽ có thể giữ bình tĩnh và giúp đỡ người khác. Chúng ta sẽ chịu đựng bất cứ khó khăn nào mình gặp phải. Khi anh em đồng đạo chịu khổ, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để giúp họ bằng cách thể hiện lòng trắc ẩn và cung cấp những thứ họ cần. Chúng ta cũng sẽ gắn bó với anh em đồng đạo trong tương lai nếu tập yêu thương họ ngay bây giờ. Rồi Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho chúng ta sự sống vĩnh cửu trong một thế giới mà mọi thảm họa và khó khăn sẽ chìm vào quên lãng.—Ê-sai 65:17.

BÀI HÁT 144 Hãy đặt phần thưởng trước mặt luôn!

a Không lâu nữa, hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu. Sự chịu đựng, lòng trắc ẩn và tình yêu thương sẽ giúp chúng ta sẵn sàng cho những biến cố chưa từng có xảy đến vào lúc đó. Hãy xem làm thế nào các tín đồ thời ban đầu vun trồng những phẩm chất này, chúng ta có thể làm thế ngày nay như thế nào và những phẩm chất đó sẽ giúp chúng ta ra sao để chuẩn bị cho hoạn nạn lớn.

b Những ai muốn tham gia một dự án cứu trợ thì trước hết nên điền Đơn xin làm tình nguyện viên Thiết kế/Xây dựng địa phương (DC-50) hoặc Đơn xin tham gia chương trình tình nguyện (A-19), rồi đợi được mời tham gia dự án.