Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 31

“Hãy kiên định, không lay chuyển”

“Hãy kiên định, không lay chuyển”

“Hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy kiên định, không lay chuyển”.—1 CÔ 15:58.

BÀI HÁT 122 Hãy kiên định, không lay chuyển!

GIỚI THIỆU a

1, 2. Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô giống như tòa nhà chọc trời theo nghĩa nào? (1 Cô-rinh-tô 15:58)

 Vào cuối những năm 1970, có một tòa nhà chọc trời 60 tầng được xây ở Tokyo, Nhật Bản. Người ta băn khoăn không biết tòa nhà này có thể đứng vững trước những trận động đất thường xảy ra ở thành phố đó hay không. Vậy bí quyết để tòa nhà ấy đứng vững là gì? Các kỹ sư đã thiết kế tòa nhà vừa kiên cố vừa uyển chuyển để có thể chống chịu động đất. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng giống như tòa nhà chọc trời đó. Theo nghĩa nào?

2 Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần phải vừa kiên định vừa uyển chuyển. Người ấy cần vững vàng, không lay chuyển trong việc ủng hộ luật pháp và tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:58). Người ấy “sẵn sàng vâng lời” và không thỏa hiệp. Mặt khác, người ấy cũng cần “phải lẽ”, hay uyển chuyển, khi có thể hoặc khi cần thiết (Gia 3:17). Khi có quan điểm thăng bằng như thế, một tín đồ sẽ không quá cứng nhắc hoặc quá dễ dãi. Trong bài này, chúng ta sẽ xem làm thế nào mình có thể kiên định. Cũng hãy xem năm cách mà Sa-tan dùng để cố làm suy yếu lòng quyết tâm của chúng ta và cách mình có thể kháng cự.

CHÚNG TA CÓ THỂ KIÊN ĐỊNH QUA NHỮNG CÁCH NÀO?

3. Đấng Lập Luật Tối Cao ban những điều luật nào nơi Công vụ 15:28, 29?

3 Là Đấng Lập Luật Tối Cao, Đức Giê-hô-va luôn ban cho dân ngài những điều luật rõ ràng (Ê-sai 33:22). Chẳng hạn, hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất nói đến ba khía cạnh mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần kiên định: (1) bác bỏ việc thờ thần tượng, chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va, (2) tôn trọng sự thánh khiết của máu và (3) vâng giữ tiêu chuẩn đạo đức cao trong Kinh Thánh. (Đọc Công vụ 15:28, 29). Làm thế nào tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có thể giữ vững lập trường trong ba khía cạnh này?

4. Chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc qua cách nào? (Khải huyền 4:11)

4 Chúng ta bác bỏ việc thờ thần tượng, chỉ thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên mệnh lệnh là dâng cho ngài lòng sùng kính chuyên độc (Phục 5:6-10). Khi Chúa Giê-su bị Ác Quỷ cám dỗ, ngài nói rõ là chúng ta phải thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va (Mat 4:8-10). Vì thế, chúng ta không thờ hình tượng. Chúng ta cũng không thần tượng hóa con người, đối xử với họ như những vị thần, dù là nhà lãnh đạo tôn giáo, nhà cai trị hay ngôi sao trong làng thể thao và giải trí. Chúng ta đứng về phía Đức Giê-hô-va và chỉ thờ phượng đấng “đã tạo nên muôn vật”.—Đọc Khải huyền 4:11.

5. Tại sao chúng ta ủng hộ điều luật của Đức Giê-hô-va về sự thánh khiết của sự sống và máu?

5 Chúng ta ủng hộ điều luật của Đức Giê-hô-va về sự thánh khiết của sự sống và máu. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va nói rằng máu tượng trưng cho sự sống, là món quà quý giá đến từ ngài (Lê 17:14). Khi Đức Giê-hô-va bắt đầu cho phép loài người ăn thịt thú vật, ngài chỉ dẫn là họ không được ăn huyết (Sáng 9:4). Ngài lặp lại mệnh lệnh này khi ban cho dân Y-sơ-ra-ên Luật pháp Môi-se (Lê 17:10). Ngài cũng chỉ dẫn hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất đưa ra chỉ thị là mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô “phải kiêng huyết” (Công 15:28, 29). Chúng ta kiên quyết vâng theo mệnh lệnh này khi đưa ra những quyết định liên quan đến việc điều trị y khoa. b

6. Chúng ta cần nỗ lực làm gì để sống theo tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va?

6 Chúng ta tuyệt đối vâng theo tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va (Hê 13:4). Bằng hình ảnh sống động, sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta hãy “làm chết” các bộ phận của thân thể, tức hành động dứt khoát để loại bỏ những ham muốn sai trái. Chúng ta tránh nhìn hoặc làm bất cứ điều gì có thể dẫn đến việc phạm tội gian dâm (Cô 3:5; Gióp 31:1). Khi đối mặt với cám dỗ, chúng ta lập tức kháng cự bất cứ suy nghĩ hay hành động nào có thể hủy hoại tình bạn với Đức Chúa Trời.

7. Chúng ta nên quyết tâm làm gì, và tại sao?

7 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta vâng lời từ đáy lòng (Rô 6:17). Chỉ dẫn của ngài luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho chúng ta, và chúng ta không thể thay đổi luật của ngài (Ê-sai 48:17, 18; 1 Cô 6:9, 10). Chúng ta cố gắng làm hài lòng Đức Giê-hô-va và có cùng tinh thần với người viết Thi thiên: “Con quyết vâng theo các điều lệ ngài mọi lúc, cho đến cuối cùng” (Thi 119:112). Tuy nhiên, Sa-tan sẽ cố làm suy yếu lòng quyết tâm của chúng ta. Hắn dùng những thủ đoạn nào?

SA-TAN CỐ LÀM SUY YẾU LÒNG QUYẾT TÂM CỦA CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

8. Sa-tan dùng sự ngược đãi như thế nào để cố làm suy yếu lòng quyết tâm của chúng ta?

8 Sự ngược đãi. Ác Quỷ dùng những đòn tấn công về thể chất và tinh thần để cố làm suy yếu lòng quyết tâm của chúng ta. Mục đích của hắn là “cắn nuốt” chúng ta, tức hủy hoại mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va (1 Phi 5:8). Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất bị đe dọa, đánh đập và bị giết vì họ quyết tâm đứng vững (Công 5:27, 28, 40; 7:54-60). Sa-tan tiếp tục dùng sự ngược đãi với các tín đồ ngày nay. Điều này được thấy rõ qua việc anh em chúng ta ở Nga và các nước khác bị đối xử tàn bạo, và việc nhiều anh chị bị chống đối qua những cách khác.

9. Hãy nêu ví dụ cho thấy việc cần cảnh giác trước áp lực tinh vi.

9 Áp lực tinh vi. Ngoài những đòn tấn công trực diện, Sa-tan cũng dùng các mưu kế tinh vi (Ê-phê 6:11). Hãy xem trường hợp của một anh tên Bob. Anh phải nhập viện để thực hiện một ca đại phẫu. Anh cho bác sĩ biết mình sẽ không tiếp máu trong bất cứ tình huống nào. Bác sĩ phẫu thuật đồng ý sẽ tôn trọng quyết định của anh. Tuy nhiên, vào đêm trước khi ca phẫu thuật diễn ra, bác sĩ gây mê đã đến gặp anh Bob sau khi người nhà anh về hết. Ông nói với anh rằng rất có thể các bác sĩ sẽ không tiếp máu nhưng vẫn sẽ có sẵn máu để đề phòng khi cần. Có lẽ bác sĩ đó nghĩ rằng anh Bob sẽ đổi ý khi không có gia đình ở bên. Nhưng anh Bob vẫn kiên định và cho biết anh sẽ không tiếp máu trong bất cứ trường hợp nào.

10. Tại sao lý luận của con người là một cạm bẫy? (1 Cô-rinh-tô 3:19, 20)

10 Lý luận của con người. Nếu nhìn vấn đề theo quan điểm của con người, có thể chúng ta sẽ lờ đi Đức Giê-hô-va và tiêu chuẩn của ngài. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:19, 20). “Sự khôn ngoan của thế gian này” thường có sức hấp dẫn đối với ham muốn xác thịt. Một số tín đồ ở Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ bị tiêm nhiễm quan điểm phổ biến trong những thành này về sự gian dâm và thờ hình tượng. Chúa Giê-su đã đưa ra lời khuyên mạnh mẽ cho cả hai hội thánh đó vì họ dung túng sự gian dâm (Khải 2:14, 20). Ngày nay, chúng ta đối mặt với áp lực để chấp nhận những quan điểm sai trái. Thành viên trong gia đình và người quen có thể khiến chúng ta nghĩ rằng mình quá khắt khe, và khuyến khích chúng ta thỏa hiệp. Chẳng hạn, có lẽ họ nói rằng không có gì sai khi làm theo ước muốn của mình và tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh đã lỗi thời.

11. Trong khi kiên định, chúng ta cần tránh điều gì?

11 Đôi khi, chúng ta có thể lý luận rằng chỉ dẫn mà Đức Giê-hô-va ban không rõ ràng. Thậm chí, chúng ta còn bị cám dỗ để “vượt quá lời đã viết” (1 Cô 4:6). Các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê-su đã mắc tội này. Qua việc thêm vào Luật pháp những luật lệ của con người, họ đã chất gánh nặng trên dân chúng (Mat 23:4). Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta những chỉ dẫn rõ ràng qua Lời ngài và tổ chức của ngài. Chúng ta không có lý do để thêm điều gì đó vào chỉ dẫn mà ngài đưa ra (Châm 3:5-7). Vì thế, chúng ta không muốn vượt quá lời đã viết trong Kinh Thánh hoặc đặt ra luật cho anh em đồng đạo về những vấn đề cá nhân.

12. Sa-tan dùng “những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch” như thế nào?

12 Sự gian trá. Sa-tan dùng “những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch” cũng như “những điều sơ đẳng của thế gian” để lừa gạt và chia rẽ người ta (Cô 2:8). Vào thế kỷ thứ nhất, những điều này gồm các triết lý dựa trên lập luận của con người, những sự dạy dỗ của người Do Thái không dựa trên Kinh Thánh và sự dạy dỗ là tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải giữ Luật pháp Môi-se. Những tư tưởng ấy lừa gạt người ta, vì khiến họ không chú tâm vào Nguồn của sự khôn ngoan thật là Đức Giê-hô-va. Ngày nay, Sa-tan dùng phương tiện truyền thông và mạng xã hội để lan truyền thuyết âm mưu và tin tức sai lệch do các nhà lãnh đạo chính trị cổ xúy. Chúng ta thấy điều này trong đại dịch COVID-19. c Những Nhân Chứng Giê-hô-va nghe theo chỉ dẫn đến từ tổ chức đã tránh được sự lo lắng thái quá mà người nghe theo thông tin sai lệch gặp phải.—Mat 24:45.

13. Tại sao chúng ta cần cẩn thận để không bị phân tâm?

13 Sự phân tâm. Chúng ta phải luôn chú tâm vào “những điều quan trọng hơn” (Phi-líp 1:9, 10). Khi bị phân tâm, chúng ta sẽ lãng phí thời gian và sức lực. Những hoạt động thường nhật, như ăn uống, giải trí và công việc ngoài đời, có thể gây phân tâm nếu chúng ta để những điều đó trở thành trọng tâm trong đời sống (Lu 21:34, 35). Ngoài ra, mỗi ngày chúng ta tiếp cận với nhiều tin tức về những cuộc biểu tình và các cuộc tranh cãi chính trị. Chúng ta cần đảm bảo là mình không bị phân tâm bởi những cuộc tranh cãi này. Nếu không, lòng và trí của chúng ta có thể bắt đầu ủng hộ một phía. Sa-tan dùng tất cả thủ đoạn trên nhằm làm suy yếu lòng quyết tâm của chúng ta trong việc làm điều đúng. Hãy xem làm thế nào để kháng cự những mưu kế của hắn và giữ lòng kiên định.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TIẾP TỤC GIỮ LÒNG KIÊN ĐỊNH?

Để giữ lòng kiên định, hãy suy ngẫm về sự dâng mình và báp-têm, học hỏi và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, vun trồng một tấm lòng kiên định và tin cậy Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 14-18)

14. Một điều giúp chúng ta quyết tâm đứng về phía Đức Giê-hô-va là gì?

14 Suy ngẫm về sự dâng mình và báp-têm của anh chị. Anh chị đã làm những bước này vì muốn đứng về phía Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ lại điều gì giúp anh chị tin chắc mình đã tìm được chân lý. Anh chị có sự hiểu biết chính xác về Đức Giê-hô-va và bắt đầu tôn kính cũng như yêu mến Cha trên trời. Anh chị vun trồng đức tin và được thúc đẩy để ăn năn. Anh chị được thôi thúc để từ bỏ những việc làm sai trái và sống phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Anh chị cảm thấy nhẹ nhõm khi biết được ngài tha thứ cho mình (Thi 32:1, 2). Anh chị tham dự các buổi nhóm họp và bắt đầu chia sẻ với người khác những điều tuyệt vời mà mình đã học. Là tín đồ đã dâng mình và báp-têm, giờ đây anh chị đang bước đi trên con đường dẫn đến sự sống và quyết tâm không đi chệch khỏi con đường này.—Mat 7:13, 14.

15. Tại sao việc học hỏi và suy ngẫm mang lại lợi ích?

15 Học hỏi và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời. Như một cây có thể đứng vững nếu đâm rễ sâu, chúng ta cũng có thể kiên định nếu có đức tin vững chắc nơi Lời Đức Chúa Trời. Khi cây càng lớn lên thì rễ càng đâm sâu và lan rộng. Khi học hỏi và suy ngẫm, chúng ta củng cố đức tin và càng tin chắc đường lối của Đức Chúa Trời là tốt nhất (Cô 2:6, 7). Hãy suy ngẫm xem sự chỉ dẫn, lời khuyên và sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va đã giúp các tôi tớ ngài trong quá khứ như thế nào. Chẳng hạn, Ê-xê-chi-ên để ý kỹ khi một thiên sứ tỉ mỉ đo đền thờ trong khải tượng. Khải tượng này đã giúp Ê-xê-chi-ên vững mạnh và cho chúng ta các bài học thực tế về cách mình có thể ủng hộ các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch d (Ê-xê 40:1-4; 43:10-12). Chúng ta cũng nhận được lợi ích khi dành thời gian học hỏi và suy ngẫm những điều sâu sắc trong Lời Đức Chúa Trời.

16. Tấm lòng kiên định đã bảo vệ anh Bob như thế nào? (Thi thiên 112:7)

16 Vun trồng một tấm lòng kiên định. Vua Đa-vít cho thấy tình yêu thương không lay chuyển của ông dành cho Đức Giê-hô-va khi hát: “Lòng con kiên định, Đức Chúa Trời ôi” (Thi 57:7). Chúng ta cũng có thể có một tấm lòng kiên định, hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi thiên 112:7). Hãy xem điều này đã giúp anh Bob được đề cập ở trên như thế nào. Khi được bảo là sẽ có sẵn máu để đề phòng, anh liền đáp lại rằng nếu họ làm thế, anh sẽ rời bệnh viện ngay lập tức. Sau này, anh cho biết: “Tôi không hề do dự và không lo về điều có thể xảy ra”.

Nếu vun trồng đức tin vững chắc, chúng ta có thể giữ lòng kiên định dù đối mặt với thử thách nào (Xem đoạn 17)

17. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của anh Bob? (Cũng xem hình).

17 Anh Bob đã giữ lòng kiên định vì anh đã quyết định làm thế từ rất lâu trước khi nhập viện. Thứ nhất, anh có ước muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Thứ hai, anh học hỏi kỹ lưỡng Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh nói về sự thánh khiết của sự sống và máu. Thứ ba, anh tin chắc rằng làm theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Chúng ta cũng có thể có một tấm lòng kiên định dù đối mặt với thử thách nào đi nữa.

Ba-rác và những người đi cùng can đảm đuổi theo quân của Si-sê-ra (Xem đoạn 18)

18. Gương của Ba-rác dạy chúng ta điều gì về việc tin cậy Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi trang bìa).

18 Tin cậy Đức Giê-hô-va. Hãy xem Ba-rác đã thành công thế nào vì tin cậy chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Dù trên khắp xứ, không có khiên hay giáo, nhưng Đức Giê-hô-va vẫn bảo ông ra trận chống lại đội quân được trang bị đầy đủ vũ khí của tướng đạo binh Ca-na-an là Si-sê-ra (Quan 5:8). Nữ tiên tri Đê-bô-ra đã bảo Ba-rác đi xuống đồng bằng để đối đầu với Si-sê-ra và 900 chiến xa của hắn. Dù nơi bằng phẳng sẽ thuận lợi hơn cho các chiến xa của kẻ thù, nhưng Ba-rác vẫn vâng lời. Khi quân Y-sơ-ra-ên tràn xuống núi Tha-bô, Đức Giê-hô-va đã giáng trận mưa lớn. Các chiến xa của Si-sê-ra bị sa lầy và ngài ban cho Ba-rác chiến thắng (Quan 4:1-7, 10, 13-16). Tương tự, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta chiến thắng nếu chúng ta tin cậy ngài và chỉ dẫn mà ngài ban qua những người đại diện.—Phục 31:6.

HÃY QUYẾT TÂM GIỮ LÒNG KIÊN ĐỊNH

19. Tại sao anh chị muốn giữ lòng kiên định?

19 Chừng nào còn sống trong thế gian này, chừng nấy chúng ta vẫn phải tiếp tục tranh đấu để giữ lòng kiên định (1 Ti 6:11, 12; 2 Phi 3:17). Mong sao chúng ta quyết tâm không để mình bị chao đảo trước sự ngược đãi, áp lực tinh vi, lý luận của con người, sự gian trá và sự phân tâm (Ê-phê 4:14). Thay vì thế, hãy đứng vững, luôn dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc và làm theo các mệnh lệnh của ngài. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải lẽ. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo thế nào về tính phải lẽ.

BÀI HÁT 129 Chúng ta sẽ tiếp tục chịu đựng

a Từ thời A-đam và Ê-va, Sa-tan đã cổ xúy ý tưởng là con người nên tự quyết định điều gì là đúng, điều gì là sai. Hắn muốn chúng ta có thái độ như thế đối với luật pháp của Đức Giê-hô-va và bất cứ chỉ dẫn thần quyền nào mình nhận được. Bài này sẽ giúp chúng ta cảnh giác trước tinh thần độc lập của thế gian Sa-tan và củng cố lòng quyết tâm để luôn đứng về phía Đức Giê-hô-va.

b Để biết thêm về cách một tín đồ có thể ủng hộ quan điểm của Đức Chúa Trời về máu, xem bài 39 của sách Vui sống mãi mãi!.