Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 32

Hãy noi theo tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va

Hãy noi theo tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va

“Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em”.​—PHI-LÍP 4:5.

BÀI HÁT 89 Nghe và giữ Lời Chúa sẽ được ban phước

GIỚI THIỆU a

Anh chị muốn là cây nào? (Xem đoạn 1)

1. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần giống như một cây theo nghĩa nào? (Cũng xem hình).

 “Gió không thể làm gãy một cây có thể uốn cong”. Câu châm ngôn này cho thấy một phẩm chất quan trọng giúp một số cây phát triển, đó là sự uyển chuyển. Để phát triển về thiêng liêng, tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng cần uyển chuyển, tức sẵn sàng điều chỉnh. Bằng cách nào? Chúng ta cần phải lẽ bằng cách thích nghi khi hoàn cảnh cá nhân thay đổi cũng như tôn trọng quan điểm và quyết định của người khác.

2. Những đức tính nào sẽ giúp chúng ta thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi, và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta muốn là người phải lẽ. Chúng ta cũng muốn là người khiêm nhường và có lòng trắc ẩn. Trong bài này, hãy xem làm thế nào những đức tính ấy đã giúp một số tín đồ thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi. Chúng ta cũng xem những đức tính ấy có thể giúp mình ra sao. Nhưng trước hết, hãy học từ Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, là những gương mẫu hoàn hảo về tính phải lẽ.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ CHÚA GIÊ-SU RẤT PHẢI LẼ

3. Có bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va rất phải lẽ?

3 Đức Giê-hô-va được gọi là “Vầng Đá” vì ngài kiên định, không lay chuyển (Phục 32:4). Tuy nhiên, ngài cũng phải lẽ. Khi tình hình thế giới thay đổi, Đức Chúa Trời chúng ta tiếp tục điều chỉnh để hoàn thành ý định của ngài. Đức Giê-hô-va đã tạo ra con người theo hình ảnh của ngài với khả năng thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi. Ngài ban các nguyên tắc Kinh Thánh để giúp chúng ta đưa ra quyết định khôn ngoan, dù đương đầu với bất cứ khó khăn nào. Chính gương mẫu của ngài và các nguyên tắc Kinh Thánh mà ngài ban là bằng chứng cho thấy dù là “Vầng Đá” nhưng Đức Giê-hô-va cũng phải lẽ.

4. Hãy nêu ví dụ cho thấy tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va. (Lê-vi 5:7, 11)

4 Đường lối của Đức Giê-hô-va là hoàn hảo và phải lẽ. Ngài không cứng nhắc khi đối xử với con người. Chẳng hạn, hãy xem Đức Giê-hô-va phải lẽ thế nào với dân Y-sơ-ra-ên. Ngài không đòi hỏi mọi người, dù giàu hay nghèo, đều phải dâng vật tế lễ như nhau. Trong vài trường hợp, ngài cho phép mỗi người dâng vật tế lễ tùy theo hoàn cảnh của mình.—Đọc Lê-vi 5:7, 11.

5. Hãy nêu ví dụ cho thấy sự khiêm nhường và lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va.

5 Sự khiêm nhường và lòng trắc ẩn thôi thúc Đức Giê-hô-va phải lẽ. Chẳng hạn, sự khiêm nhường của ngài được thấy rõ khi ngài sắp hủy diệt người ác trong thành Sô-đôm. Qua các thiên sứ, Đức Giê-hô-va bảo người công chính Lót chạy trốn lên vùng núi. Lót sợ đi đến đó. Vì thế, ông nài xin ngài cho ông và gia đình được phép trú ẩn tại Xoa, là một thành nhỏ cũng sẽ bị hủy diệt. Đức Giê-hô-va đã có thể bắt Lót làm đúng theo chỉ dẫn của ngài. Nhưng thay vì làm thế, ngài đã chiều theo lời thỉnh cầu của ông, dù điều đó có nghĩa là ngài phải tha cho thành Xoa (Sáng 19:18-22). Nhiều thế kỷ sau, Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng trắc ẩn với dân thành Ni-ni-ve. Ngài phái nhà tiên tri Giô-na đến thông báo về sự hủy diệt sắp tới trên thành này và những cư dân gian ác. Nhưng khi dân Ni-ni-ve ăn năn, ngài xót thương cho họ và tha cho thành này.—Giô-na 3:1, 10; 4:10, 11.

6. Những ví dụ nào cho thấy Chúa Giê-su noi theo tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va?

6 Chúa Giê-su đã noi theo tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su được phái xuống trái đất để rao giảng cho “những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên”. Nhưng ngài thể hiện tính phải lẽ khi thi hành sứ mạng đó. Vào dịp nọ, một phụ nữ dân ngoại đã nài xin Chúa Giê-su chữa lành cho con gái bà, là người “bị quỷ ám, khổ sở vô cùng”. Với lòng trắc ẩn, ngài đã làm theo điều bà cầu xin và chữa lành cho con gái bà (Mat 15:21-28). Hãy xem một trường hợp khác. Trong thời gian đầu làm thánh chức, Chúa Giê-su nói: “Ai chối bỏ tôi,… tôi cũng sẽ chối bỏ người ấy” (Mat 10:33). Tuy nhiên, ngài có chối bỏ Phi-e-rơ, người đã chối ngài ba lần không? Không. Chúa Giê-su nghĩ đến sự ăn năn và đức tin của ông. Sau khi được sống lại, ngài hiện ra với Phi-e-rơ và rất có thể ngài đảm bảo với ông rằng ngài đã tha thứ và vẫn yêu thương ông.—Lu 24:33, 34.

7. Theo Phi-líp 4:5, chúng ta muốn có tiếng là người như thế nào?

7 Chúng ta đã thấy Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su rất phải lẽ. Còn chúng ta thì sao? Đức Giê-hô-va cũng muốn chúng ta phải lẽ. (Đọc Phi-líp 4:5). Một bản Kinh Thánh dịch câu này là: “Hãy có tiếng là người phải lẽ”. Vậy hãy tự hỏi: “Người khác thấy mình là người phải lẽ, nhường nhịn và cởi mở, hay là người cứng nhắc, hà khắc và bảo thủ? Mình có khăng khăng muốn người khác làm theo cách mà mình nghĩ là đúng, hay là lắng nghe và chiều theo ý họ khi có thể?”. Càng phải lẽ, chúng ta càng cho thấy mình noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Hãy xem hai khía cạnh mà chúng ta cần phải lẽ: khi hoàn cảnh cá nhân thay đổi và khi quan điểm cũng như những quyết định của người khác không giống với mình.

PHẢI LẼ KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI

8. Điều gì có thể giúp chúng ta phải lẽ khi hoàn cảnh thay đổi? (Cũng xem chú thích).

8 Phải lẽ bao gồm việc thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi. Những thay đổi như thế có thể gây ra khó khăn không lường trước. Chúng ta có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Hoặc những thay đổi bất ngờ về kinh tế hay chính trị ở nơi mình sống có thể hoàn toàn đảo lộn cuộc sống của chúng ta (Truyền 9:11; 1 Cô 7:31). Ngay cả những thay đổi về nhiệm sở thần quyền cũng có thể thử thách chúng ta. Dù gặp khó khăn nào, chúng ta vẫn có thể thích nghi với hoàn cảnh mới nếu làm theo bốn bước: (1) chấp nhận thực tế, (2) hướng đến tương lai, (3) tập trung vào điều tích cực và (4) làm điều tốt cho người khác. b Hãy xem một số kinh nghiệm có thật cho thấy lợi ích khi làm theo những bước đó.   

9. Làm thế nào một cặp giáo sĩ đương đầu với những thử thách bất ngờ?

9 Chấp nhận thực tế. Anh Emanuele và chị Francesca được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở nước ngoài. Khi họ vừa bắt đầu học ngôn ngữ và ổn định trong hội thánh mới thì đại dịch COVID-19 bùng phát, và họ không thể tiếp xúc với người khác. Rồi mẹ của chị Francesca đột ngột qua đời. Chị rất muốn về với gia đình nhưng do đại dịch nên chị đã không thể làm thế. Làm thế nào chị đương đầu với những khó khăn ấy? Thứ nhất, anh Emanuele và chị Francesca cùng cầu xin sự khôn ngoan để đương đầu với vấn đề từng ngày một. Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu nguyện của họ qua những sự cung cấp về thiêng liêng đúng lúc. Chẳng hạn, họ được khích lệ khi xem màn phỏng vấn của một anh. Anh nói: “Càng nhanh thích nghi với hoàn cảnh mới thì chúng ta sẽ sớm có lại niềm vui cùng với cơ hội được phục vụ Đức Giê-hô-va và giúp đỡ người khác”. c Thứ hai, họ được thúc đẩy để cải thiện việc làm chứng qua điện thoại và họ còn bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Thứ ba, họ đã đón nhận sự trợ giúp và khích lệ đầy yêu thương của anh em địa phương. Trong suốt một năm, một chị đã chu đáo gửi cho họ một ý tưởng Kinh Thánh mỗi ngày. Nếu chấp nhận hoàn cảnh mới, chúng ta cũng sẽ tìm được sự thỏa nguyện trong những việc mình có thể làm.

10. Làm thế nào một chị đã thích nghi với thay đổi lớn trong đời sống?

10 Hướng đến tương lai và tập trung vào điều tích cực. Chị Christina, một chị người Ru-ma-ni sống ở Nhật Bản, đã rất thất vọng khi hội thánh tiếng Anh của chị bị giải thể. Tuy nhiên, chị không nghĩ mãi về điều đã xảy ra. Thay vì thế, chị quyết định làm hết khả năng trong hội thánh tiếng Nhật địa phương bằng cách tích cực tham gia thánh chức. Chị đã nhờ một đồng nghiệp cũ giúp mình cải thiện tiếng Nhật. Cô ấy đồng ý dùng Kinh Thánh và sách mỏng Vui sống mãi mãi! để dạy chị tiếng Nhật. Không những chị cải thiện được kỹ năng giao tiếp trong ngôn ngữ này, mà người phụ nữ ấy cũng bắt đầu chú ý đến chân lý. Khi chúng ta hướng đến tương lai và có thái độ tích cực thì những thay đổi không lường trước có thể mang lại ân phước bất ngờ.

11. Một cặp vợ chồng đã làm gì để đương đầu với khó khăn về kinh tế?

11 Làm điều tốt cho người khác. Tại một nước mà công việc của chúng ta bị cấm đoán, một cặp vợ chồng đã mất nguồn thu nhập ổn định khi nền kinh tế của nước này bị sụp đổ. Họ đã thích nghi ra sao? Trước tiên, họ thực hiện một số bước để đơn giản hóa đời sống. Sau đó, thay vì tập trung vào vấn đề của mình, họ quyết định tập trung vào việc giúp đỡ người khác bằng cách bận rộn trong công việc rao giảng (Công 20:35). Người chồng chia sẻ: “Việc bận rộn trong thánh chức giúp chúng tôi ít nghĩ đến điều tiêu cực hơn và tập trung nhiều hơn vào việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời”. Khi hoàn cảnh thay đổi, chúng ta cần nhớ rằng việc tiếp tục giúp đỡ người khác, nhất là qua công việc thánh chức, quan trọng đến mức nào.

12. Làm thế nào gương của sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta linh động trong thánh chức?

12 Trong thánh chức, chúng ta cần linh động. Chúng ta gặp những người có niềm tin, quan điểm và gốc gác khác nhau. Sứ đồ Phao-lô là người linh động và chúng ta có thể học từ gương của ông. Chúa Giê-su đã bổ nhiệm Phao-lô làm “sứ đồ được phái đến với dân ngoại” (Rô 11:13). Với vai trò đó, Phao-lô đã rao giảng cho người Do Thái, người Hy Lạp, người trí thức, dân thường, những bậc quyền quý và các vua. Để động đến lòng của từng nhóm người, ông đã trở nên “mọi cách cho mọi loại người” (1 Cô 9:19-23). Ông chú ý đến văn hóa, gốc gác và niềm tin của người nghe, rồi điều chỉnh cách tiếp cận sao cho phù hợp. Chúng ta cũng có thể hữu hiệu hơn nếu linh động và điều chỉnh cách tiếp cận để phù hợp với nhu cầu của người nghe.

TÔN TRỌNG QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC

Nếu là người phải lẽ, chúng ta sẽ tôn trọng quan điểm của người khác (Xem đoạn 13)

13. Nếu tôn trọng quan điểm của người khác, chúng ta tránh được vấn đề nào được nói nơi 1 Cô-rinh-tô 8:9?

13 Việc phải lẽ cũng giúp chúng ta tôn trọng quan điểm của người khác. Chẳng hạn, một số chị thích trang điểm, còn một số chị khác thì không. Một số tín đồ thì thích uống rượu bia một cách chừng mực, còn một số khác thì quyết định hoàn toàn không uống. Mọi tín đồ đều muốn có sức khỏe tốt, nhưng chọn cách chăm sóc sức khỏe khác nhau. Nếu chúng ta luôn nghĩ quan điểm của mình là đúng và cố thuyết phục các anh chị khác trong hội thánh làm theo, thì mình có thể khiến người khác vấp ngã và gây chia rẽ. Chắc chắn chúng ta không muốn làm thế! (Đọc 1 Cô-rinh-tô 8:9; 10:23, 24). Hãy xem hai ví dụ cho thấy việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp chúng ta thăng bằng và gìn giữ sự bình an.

Nếu là người phải lẽ, chúng ta sẽ tôn trọng quan điểm của người khác (Xem đoạn 14)

14. Chúng ta nên để những nguyên tắc Kinh Thánh nào giúp mình chọn cách ăn mặc và kiểu tóc?

14 Ngoại diện. Thay vì đưa ra quy định khắt khe về cách ăn mặc, Đức Giê-hô-va cho chúng ta nguyên tắc để làm theo. Chúng ta cần ăn mặc theo cách phù hợp với người phụng sự Đức Chúa Trời, cho thấy tính phải lẽ, sự khiêm tốn và “óc suy xét” (1 Ti 2:9, 10; 1 Phi 3:3). Vì thế, chúng ta không thu hút sự chú ý vào bản thân qua cách ăn mặc của mình. Nguyên tắc Kinh Thánh cũng có thể giúp các trưởng lão tránh lập ra luật về quần áo và kiểu tóc. Chẳng hạn, các trưởng lão trong một hội thánh muốn giúp một số anh trẻ có kiểu tóc theo mốt ngắn nhưng bù xù. Họ có thể giúp những anh này như thế nào mà không lập ra luật? Giám thị vòng quanh đã đề nghị với các trưởng lão nói với những anh ấy rằng: “Khi đứng trên bục, nếu cử tọa tập trung đến cách ăn mặc và kiểu tóc của chúng ta nhiều hơn là điều mình nói thì ngoại diện của chúng ta có vấn đề”. Cách giải thích này đã giải quyết được vấn đề mà không cần lập ra luật. d

Nếu là người phải lẽ, chúng ta sẽ tôn trọng quan điểm của người khác (Xem đoạn 15)

15. Những điều luật và nguyên tắc Kinh Thánh nào hướng dẫn chúng ta trong việc lựa chọn cách chăm sóc sức khỏe? (Rô-ma 14:5)

15 Chăm sóc sức khỏe. Mỗi tín đồ cần tự quyết định cách chăm sóc sức khỏe cho mình (Ga 6:5). Khi chọn phương pháp điều trị, các tín đồ cần vâng theo những điều luật trong Kinh Thánh về việc kiêng huyết và tránh ma thuật (Công 15:20; Ga 5:19, 20). Nếu không liên quan đến những điều đó, mỗi tín đồ có thể tự đưa ra quyết định cho mình. Một số anh chị chỉ tìm kiếm sự trợ giúp của y bác sĩ, trong khi một số anh chị thì chọn những phương pháp khác. Dù rất thích phương pháp điều trị nào đó thì chúng ta cần tôn trọng quyền quyết định của người khác về việc chăm sóc sức khỏe. Về điều này, chúng ta nên nhớ những điểm sau: (1) Chỉ có Nước Trời mới có thể chữa lành bệnh hoàn toàn và vĩnh viễn (Ê-sai 33:24). (2) Mỗi tín đồ phải “tin chắc” điều gì là tốt nhất cho mình. (Đọc Rô-ma 14:5). (3) Chúng ta không nên xét đoán người khác hoặc đặt cớ gây vấp ngã trước mặt họ (Rô 14:13). (4) Các tín đồ cần thể hiện tình yêu thương và không đặt quyền quyết định cá nhân lên trên sự hợp nhất của hội thánh (Rô 14:15, 19, 20). Nếu ghi nhớ những điều này, chúng ta sẽ giữ được mối quan hệ thân thiết với các anh chị và góp phần đẩy mạnh sự bình an của hội thánh.

Nếu là người phải lẽ, chúng ta sẽ tôn trọng quan điểm của người khác (Xem đoạn 16)

16. Làm thế nào một trưởng lão cho thấy tính phải lẽ khi làm việc chung với những trưởng lão khác? (Cũng xem các hình).

16 Các trưởng lão cần nêu gương trong việc phải lẽ (1 Ti 3:2, 3). Chẳng hạn, một trưởng lão không nên mong đợi rằng ý kiến của mình sẽ luôn được chấp nhận chỉ vì mình lớn tuổi hơn các trưởng lão khác. Anh hiểu rằng thần khí của Đức Giê-hô-va có thể thúc đẩy bất cứ thành viên nào của hội đồng trưởng lão nêu lên ý kiến để góp phần đưa ra một quyết định khôn ngoan. Nếu một quyết định không trái với nguyên tắc Kinh Thánh, các trưởng lão phải lẽ sẽ sẵn lòng ủng hộ quyết định của phần đông các trưởng lão ngay cả khi mình có một ý kiến khác.

LỢI ÍCH CỦA TÍNH PHẢI LẼ

17. Khi thể hiện tính phải lẽ, chúng ta nhận được những ân phước nào?

17 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhận được nhiều ân phước khi thể hiện tính phải lẽ. Chúng ta sẽ có mối quan hệ tốt hơn với anh em đồng đạo và hội thánh có được sự bình an. Chúng ta vui khi thấy sự đa dạng tuyệt vời về nhân cách và văn hóa trong vòng những người hợp nhất thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trên hết, chúng ta có được sự thỏa nguyện khi biết rằng mình đang noi gương Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời phải lẽ.

BÀI HÁT 90 Hãy khuyến khích nhau

a Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su rất phải lẽ, và hai đấng ấy muốn chúng ta vun trồng đức tính này. Nếu phải lẽ, chúng ta sẽ dễ thích nghi hơn khi hoàn cảnh thay đổi, chẳng hạn khi gặp vấn đề về sức khỏe hay tài chính. Tính phải lẽ cũng giúp chúng ta góp phần đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất trong hội thánh.

b Xem bài “Làm sao thích nghi với hoàn cảnh thay đổi?” trong Tỉnh Thức! Số 4 năm 2016.

c Xem video Phỏng vấn anh Dmitriy Mikhaylov trong bài “Đức Giê-hô-va đổi sự ngược đãi thành cơ hội làm chứng” trong Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức tháng 3 và 4 năm 2021.

d Để biết thêm thông tin về ngoại diện, xem bài 52 trong sách Vui sống mãi mãi!.