Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 30

Hãy tiếp tục củng cố tình yêu thương của anh chị

Hãy tiếp tục củng cố tình yêu thương của anh chị

“Chúng ta hãy… vì tình yêu thương mà phát triển về mọi phương diện”.—Ê-PHÊ 4:15.

BÀI HÁT 2 Giê-hô-va là danh Cha

GIỚI THIỆU a

1. Anh chị học được những sự thật nào khi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh?

 Anh chị có nhớ khi mình bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh không? Có lẽ anh chị ngạc nhiên khi khám phá là Đức Chúa Trời có tên. Có thể anh chị cảm thấy nhẹ nhõm khi hiểu rằng ngài không hành hạ người ta trong lửa địa ngục. Rất có thể anh chị cũng háo hức khi biết về triển vọng sẽ được gặp lại người thân yêu đã qua đời và cùng sống với họ trong địa đàng.

2. Ngoài việc học các sự thật trong Kinh Thánh, anh chị đã tiến bộ về những khía cạnh nào? (Ê-phê-sô 5:1, 2)

2 Càng học hỏi Lời Đức Chúa Trời, tình yêu thương của anh chị dành cho ngài càng lớn mạnh. Tình yêu thương ấy thúc đẩy anh chị áp dụng những gì mình học. Anh chị đã đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Anh chị đã thay đổi thái độ và hạnh kiểm tốt hơn vì muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời. Khi làm thế, anh chị đã bắt chước Cha trên trời, như một đứa trẻ bắt chước cha mẹ đầy yêu thương.—Đọc Ê-phê-sô 5:1, 2.

3. Chúng ta có thể tự hỏi những câu hỏi nào?

3 Chúng ta có thể tự hỏi: “Tình yêu thương mà mình dành cho Đức Giê-hô-va hiện nay có sâu đậm hơn lúc mới trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô không? Từ khi báp-têm, lối suy nghĩ và hành động của mình có giống với Đức Giê-hô-va nhiều hơn không, đặc biệt là trong việc thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo?”. Nếu tình yêu thương mà anh chị từng có lúc ban đầu bị nguội lạnh phần nào, đừng nản lòng. Điều tương tự đã xảy ra cho các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Dù vậy, Chúa Giê-su không từ bỏ họ, và ngài cũng không từ bỏ chúng ta (Khải 2:4, 7). Ngài biết chúng ta có thể nhen nhóm lại tình yêu thương mà mình có khi mới học chân lý.

4. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

4 Bài này sẽ thảo luận làm thế nào để tiếp tục củng cố tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và người khác. Rồi hãy xem một số ân phước mà mình và người khác nhận được khi chúng ta củng cố tình yêu thương ấy.

CỦNG CỐ TÌNH YÊU THƯƠNG DÀNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

5, 6. Sứ đồ Phao-lô đối mặt với những thử thách nào trong thánh chức, nhưng điều gì thúc đẩy ông tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va?

5 Sứ đồ Phao-lô có đời sống thỏa nguyện khi phụng sự Đức Giê-hô-va, nhưng ông cũng đương đầu với nhiều thử thách. Phao-lô thường đi những chuyến hành trình dài, và việc di chuyển không dễ vào thời đó. Trong những chuyến đi ấy, đôi khi Phao-lô “gặp nguy hiểm trên sông nước” và “nguy hiểm bởi kẻ cướp”. Có những lần, ông cũng bị kẻ chống đối đánh đập (2 Cô 11:23-27). Và không phải lúc nào anh em đồng đạo cũng biết ơn về việc ông nỗ lực giúp đỡ họ.—2 Cô 10:10; Phi-líp 4:15.

6 Điều gì giúp Phao-lô tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va? Phao-lô học được nhiều điều về các phẩm chất của ngài từ Kinh Thánh và từ trải nghiệm của bản thân. Ông tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương mình (Rô 8:38, 39; Ê-phê 2:4, 5). Và ông cũng yêu thương ngài rất nhiều. Phao-lô cho thấy mình yêu thương ngài “bằng cách phục vụ và tiếp tục phục vụ những người thánh”.—Hê 6:10.

7. Một cách để củng cố tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va là gì?

7 Chúng ta có thể củng cố tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời bằng cách siêng năng học Lời ngài. Khi đọc Kinh Thánh, hãy cố gắng nhận ra mỗi đoạn tiết lộ điều gì về Đức Giê-hô-va. Hãy tự hỏi: “Lời tường thuật này cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương mình như thế nào? Điều gì trong lời tường thuật này giúp mình yêu thương ngài?”.

8. Việc cầu nguyện có thể củng cố tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời như thế nào?

8 Một cách khác để củng cố tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va là mở lòng với ngài mỗi ngày qua lời cầu nguyện (Thi 25:4, 5). Rồi Đức Giê-hô-va sẽ đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta (1 Giăng 3:21, 22). Chị Khanh ở châu Á nói: “Ban đầu tình yêu thương của tôi dành cho Đức Giê-hô-va dựa trên sự hiểu biết, nhưng tình yêu thương ấy càng sâu đậm hơn khi tôi thấy cách ngài đáp lại lời cầu nguyện của mình. Điều này thúc đẩy tôi muốn làm những điều khiến ngài vui lòng”. b

CỦNG CỐ TÌNH YÊU THƯƠNG DÀNH CHO NGƯỜI KHÁC

9. Ti-mô-thê cho thấy mình tiến bộ trong việc thể hiện tình yêu thương như thế nào?

9 Vài năm sau khi cải đạo, Phao-lô gặp chàng trai trẻ tên Ti-mô-thê. Ti-mô-thê yêu thương Đức Giê-hô-va và cũng yêu thương người khác. Phao-lô nói với các tín đồ ở thành Phi-líp: “Tôi không có ai có tính tình giống như [Ti-mô-thê], người sẽ thật lòng chăm lo cho anh em” (Phi-líp 2:20). Ở đây, Phao-lô không nói về khả năng của Ti-mô-thê trong việc tổ chức hoặc nói trước công chúng. Nhưng rõ ràng ông ấn tượng trước tình yêu thương mà Ti-mô-thê dành cho anh em đồng đạo. Hẳn những hội thánh mà Ti-mô-thê phục vụ mong chờ Ti-mô-thê đến thăm.—1 Cô 4:17.

10. Vợ chồng chị Anna đã thể hiện tình yêu thương dành cho anh em như thế nào?

10 Chúng ta cũng tìm cách để giúp đỡ anh em đồng đạo (Hê 13:16). Hãy xem kinh nghiệm của chị Anna được đề cập ở bài trước. Sau một trận bão lớn, vợ chồng chị đến thăm một gia đình Nhân Chứng và thấy mái nhà của họ bị cơn bão phá hủy. Vì thế, toàn bộ quần áo của họ đều bị bẩn. Chị Anna nói: “Chúng tôi đem quần áo của họ về, giặt, ủi, gấp lại rồi gửi cho họ. Đối với chúng tôi, hành động đó tuy nhỏ nhưng đã tạo một tình bạn thân thiết đến ngày hôm nay”. Tình yêu thương của vợ chồng chị Anna dành cho anh em đã thúc đẩy họ giúp đỡ anh em một cách thực tế.—1 Giăng 3:17, 18.

11. (a) Nỗ lực của chúng ta trong việc thể hiện tình yêu thương tác động đến người khác ra sao? (b) Theo Châm ngôn 19:17, Đức Giê-hô-va sẽ làm gì khi chúng ta thể hiện tình yêu thương với người khác?

11 Khi chúng ta đối xử yêu thương và tử tế với người khác, họ có thể thấy chúng ta nỗ lực noi theo lối suy nghĩ và hành động của Đức Giê-hô-va. Và có thể họ quý trọng sự tử tế của chúng ta hơn mình nghĩ. Chị Khanh, được đề cập ở trên, không quên những người đã giúp đỡ mình. Chị nói: “Tôi rất biết ơn những chị đã rủ tôi đi rao giảng. Họ đón tôi, mời tôi ăn nhẹ hoặc ăn trưa, và đưa tôi về nhà an toàn. Giờ tôi nhận ra những điều đó đòi hỏi nỗ lực rất nhiều, và họ rất vui khi làm thế”. Dĩ nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được lời cám ơn khi làm điều tốt cho người khác. Chị Khanh nói về những người giúp đỡ mình: “Ước gì tôi có thể đáp lại những hành động tử tế của họ, nhưng tôi không biết hiện nay họ sống ở đâu. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết, và tôi cầu xin ngài báo đáp họ thay cho tôi”. Chị Khanh nói đúng. Đức Giê-hô-va để ý đến hành động tử tế dù là nhỏ nhất mà chúng ta làm cho người khác. Ngài xem đó là sự hy sinh quý giá và là món nợ mà ngài sẽ trả.—Đọc Châm ngôn 19:17.

Khi tiến bộ về thiêng liêng, một người tìm cách để giúp đỡ người khác (Xem đoạn 12)

12. Các anh có thể thể hiện tình yêu thương với hội thánh bằng cách nào? (Cũng xem các hình).

12 Nếu là một anh, làm thế nào anh có thể thể hiện tình yêu thương và giúp đỡ người khác? Một anh trẻ tên Jordan đã hỏi một trưởng lão về cách giúp đỡ hội thánh nhiều hơn. Trưởng lão ấy khen anh về sự tiến bộ của anh và đưa ra một số đề nghị để anh làm nhiều hơn cho hội thánh. Chẳng hạn, anh ấy gợi ý anh Jordan đến Phòng Nước Trời sớm hơn để chào hỏi người khác, bình luận tại các buổi nhóm họp, đều đặn đi thánh chức với các anh chị trong nhóm rao giảng và tìm những cách thực tế để giúp đỡ người khác. Khi áp dụng lời đề nghị này, anh Jordan không chỉ học được kỹ năng mới mà còn yêu thương anh em nhiều hơn. Anh học được rằng khi một anh trở thành phụ tá hội thánh, không phải lúc đó anh ấy mới bắt đầu giúp người khác; thay vì thế, anh ấy tiếp tục giúp đỡ họ.—1 Ti 3:8-10, 13.

13. Làm thế nào tình yêu thương thúc đẩy anh Christian nhận lại đặc ân làm trưởng lão?

13 Nói sao nếu anh từng là phụ tá hội thánh hoặc trưởng lão? Đức Giê-hô-va nhớ công việc anh làm trong quá khứ và tình yêu thương đã thúc đẩy anh làm thế (1 Cô 15:58). Ngài cũng nhìn thấy tình yêu thương anh đang tiếp tục thể hiện. Một anh tên Christian cảm thấy thất vọng khi bị mất đặc ân làm trưởng lão. Tuy nhiên, anh nói: “Tôi quyết định làm mọi điều có thể để phụng sự Đức Giê-hô-va vì tình yêu thương dù có đặc ân làm trưởng lão hay không”. Với thời gian, anh được bổ nhiệm làm trưởng lão trở lại. Anh thừa nhận: “Tôi cảm thấy hơi lo lắng để nhận lại đặc ân. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu Đức Giê-hô-va thương xót cho phép tôi làm trưởng lão trở lại, tôi sẽ làm vì yêu thương ngài và anh em đồng đạo”.

14. Anh chị học được gì từ lời chia sẻ của một chị ở Georgia?

14 Tôi tớ của Đức Giê-hô-va cũng thể hiện tình yêu thương với người lân cận (Mat 22:37-39). Chẳng hạn, chị Elena ở nước Georgia cho biết: “Lúc đầu, điều duy nhất thúc đẩy tôi rao giảng là tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va. Nhưng khi tình yêu thương của tôi dành cho Cha trên trời lớn mạnh thì tôi càng yêu thương người khác hơn. Tôi cố gắng hình dung những vấn đề họ đang phải đương đầu và đề tài có thể động đến lòng họ. Càng nghĩ về họ theo cách này, tôi càng muốn giúp đỡ họ”.—Rô 10:13-15.

THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI NGƯỜI KHÁC MANG LẠI ÂN PHƯỚC

Một hành động yêu thương có thể mang lại ân phước cho nhiều người (Xem đoạn 15, 16)

15, 16. Như trong hình diễn lại, việc thể hiện tình yêu thương với người khác mang lại ân phước nào?

15 Khi chúng ta thể hiện tình yêu thương với anh em, không chỉ có họ nhận được lợi ích. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng anh Paolo đã giúp nhiều chị lớn tuổi học cách dùng thiết bị điện tử để làm chứng. Một chị lúc đầu thấy khó sử dụng thiết bị điện tử nhưng cuối cùng đã thành công. Chị đã dùng thiết bị ấy để mời họ hàng dự Lễ Tưởng Niệm. Kết quả là 60 người đã tham dự qua cuộc họp video trực tuyến. Cả chị ấy lẫn họ hàng của chị đều nhận được lợi ích từ nỗ lực của vợ chồng anh Paolo. Sau này, chị ấy viết cho anh: “Cám ơn anh chị vì đã giúp những người lớn tuổi như chúng tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va và nỗ lực không ngừng của anh chị”.

16 Những kinh nghiệm như thế dạy anh Paolo một bài học quý giá. Anh được nhắc nhở rằng tình yêu thương quan trọng hơn sự hiểu biết hoặc tài năng. Anh nhớ lại: “Tôi từng là giám thị vòng quanh. Tuy nhiên, giờ đây tôi nhận ra rằng dù anh em có thể quên bài giảng của mình, nhưng vẫn nhớ những điều thực tế mà tôi đã giúp họ”.

17. Ai khác sẽ nhận được lợi ích khi chúng ta thể hiện tình yêu thương?

17 Khi thể hiện tình yêu thương với người khác, chính chúng ta nhận được lợi ích qua những cách không ngờ. Anh Jonathan sống ở New Zealand thấy rõ điều này. Vào một chiều thứ Bảy oi bức, anh thấy một anh tiên phong đang rao giảng trên đường. Anh Jonathan quyết định cùng rao giảng với anh tiên phong ấy vào mỗi chiều thứ Bảy. Lúc đó, anh chưa biết chính mình sẽ nhận được lợi ích thế nào nhờ hành động tử tế ấy. Anh Jonathan thừa nhận: “Vào thời điểm đó trong đời, tôi chưa yêu thích thánh chức. Nhưng khi thấy cách dạy dỗ của anh tiên phong và thánh chức của anh có nhiều kết quả, trong lòng tôi bắt đầu yêu mến công việc này. Tôi cũng có được một người bạn tuyệt vời, là người giúp tôi tiến bộ về thiêng liêng, vui thích thánh chức và đến gần hơn với Đức Giê-hô-va”.

18. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì?

18 Đức Giê-hô-va muốn tất cả chúng ta củng cố tình yêu thương dành cho ngài và người khác. Như đã thảo luận, chúng ta có thể củng cố tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va bằng cách đọc và suy ngẫm Lời ngài, cũng như đều đặn trò chuyện với ngài qua lời cầu nguyện. Chúng ta có thể củng cố tình yêu thương dành cho anh em qua việc giúp đỡ họ bằng những cách thực tế. Khi tình yêu thương của mình lớn mạnh, chúng ta sẽ càng gắn bó với Đức Giê-hô-va và gia đình thiêng liêng. Và chúng ta sẽ vui hưởng những tình bạn ấy cho đến mãi mãi!

BÀI HÁT 109 Hãy tha thiết yêu thương từ đáy lòng

a Dù mới vào chân lý hoặc đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm, tất cả chúng ta có thể tiếp tục tiến bộ. Bài này sẽ thảo luận một cách quan trọng để làm thế: Đó là củng cố tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và người khác. Khi học bài này, hãy xem anh chị đã tiến bộ thế nào và làm sao để tiến bộ hơn nữa.

b Một số tên đã được thay đổi.