Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Quan tâm đến người khác mang lại lợi ích lâu dài

Quan tâm đến người khác mang lại lợi ích lâu dài

Với mẹ và em gái là Pat, năm 1948

“Giáo hội Anh giáo không dạy chân lý. Con phải tiếp tục tìm chân lý”. Đó là những lời mà bà ngoại tôi theo Anh giáo đã nói. Sau khi nghe bà nói thế, mẹ tôi bắt đầu tìm kiếm tôn giáo thật. Tuy nhiên, mẹ tôi không muốn nói chuyện với Nhân Chứng Giê-hô-va và bảo tôi núp đi khi họ đến nhà chúng tôi ở Toronto, Canada. Nhưng khi dì của tôi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng vào năm 1950 thì mẹ cũng học cùng. Họ học tại nhà dì và sau đó báp-têm.

Cha tôi là một chức sắc trong Nhà Thờ Thống Nhất Canada ở địa phương. Vì thế, mỗi tuần cha đều đưa anh em tôi đến lớp giáo lý ngày Chủ Nhật, sau đó chúng tôi đi lễ lúc 11 giờ sáng. Vào buổi chiều, chúng tôi đi với mẹ đến Phòng Nước Trời. Chúng tôi dễ dàng thấy sự khác biệt giữa hai tôn giáo này.

Cùng với gia đình cô chú Bob tại Hội nghị Quốc tế “Ý muốn của Đức Chúa Trời” vào năm 1958

Mẹ tôi chia sẻ niềm tin mới với những người bạn lâu năm là chú Bob và cô Marion Hutcheson. Họ cũng chấp nhận chân lý. Năm 1958, gia đình chú ấy đã đưa tôi cùng với ba con trai của họ đi dự Hội nghị Quốc tế “Ý muốn của Đức Chúa Trời” kéo dài tám ngày tại thành phố New York. Nhìn lại, tôi nhận ra hẳn họ phải nỗ lực rất nhiều để đưa tôi đi cùng, nhưng hội nghị đó là một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi.

LÒNG QUAN TÂM CỦA NGƯỜI KHÁC ẢNH HƯỞNG ĐẾN TƯƠNG LAI TÔI

Trong thời niên thiếu, tôi sống cùng gia đình ở nông trại, nơi mà tôi rất thích chăm sóc các con vật. Tôi từng suy nghĩ nghiêm túc đến việc trở thành bác sĩ thú y. Mẹ tôi đã cho một trưởng lão biết điều này. Anh nhân từ nhắc tôi là chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng” và hỏi rằng việc học đại học vài năm sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của tôi với Đức Giê-hô-va (2 Ti 3:1). Kết quả là tôi quyết định không học đại học.

Tôi vẫn băn khoăn không biết mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp cấp 3. Dù tham gia thánh chức mỗi cuối tuần, nhưng tôi không hứng thú với thánh chức và không nghĩ là mình có thể làm tiên phong. Trong thời gian đó, người cha và người chú không tin đạo khuyến khích tôi làm việc trọn thời gian cho một công ty bảo hiểm lớn ở Toronto. Chú tôi có chức vụ cao trong đó, nên tôi đồng ý vào làm.

Ở Toronto, tôi liên tục phải làm thêm giờ và kết hợp với những người không cùng niềm tin; điều đó khiến tôi lơ là các hoạt động thiêng liêng. Lúc đầu, tôi sống với ông nội không phải là Nhân Chứng, nhưng sau khi ông qua đời, tôi phải tìm nơi khác để ở.

Cô chú Bob, những người dẫn tôi đi hội nghị năm 1958, giống như cha mẹ của tôi. Họ mời tôi về sống chung và giúp tôi tiến bộ về thiêng liêng. Năm 1960, tôi báp-têm cùng với con trai của họ là John. Rồi John bắt đầu làm tiên phong; điều đó thúc đẩy tôi tham gia thánh chức nhiều hơn. Các anh trong hội thánh để ý thấy tôi tiến bộ, và sau này tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ Trường thánh chức. a

TÌM ĐƯỢC NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH TUYỆT VỜI VÀ LÀM TIÊN PHONG

Ngày cưới của chúng tôi, năm 1966

Năm 1966, tôi kết hôn với Randi Berge, một tiên phong sốt sắng có ước muốn phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Anh giám thị lưu động rất quan tâm tới chúng tôi và khuyến khích vợ chồng tôi đến giúp hội thánh ở Orillia, Ontario. Vì thế, chúng tôi thu dọn đồ đạc và lên đường.

Ngay khi chúng tôi đến Orillia, tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều với Randi. Lòng nhiệt tình của cô ấy đã tác động mạnh mẽ đến tôi! Khi hết lòng cho công việc tiên phong, tôi cảm nghiệm được niềm vui của việc dùng Kinh Thánh và thấy người ta hiểu chân lý. Quả là ân phước khi giúp một cặp vợ chồng ở Orillia thay đổi đời sống và trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va!

HỌC NGÔN NGỮ MỚI VÀ ĐIỀU CHỈNH LỐI SUY NGHĨ

Trong một lần đi chơi ở Toronto, tôi gặp anh Arnold MacNamara, là một trong những anh dẫn đầu công việc ở Bê-tên. Anh hỏi xem chúng tôi có muốn làm tiên phong đặc biệt không. Tôi lập tức đáp: “Được chứ! Chúng em đi đâu cũng được trừ Quebec!”. Tôi bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ tiêu cực của những người Canada nói tiếng Anh về tỉnh nói tiếng Pháp là Quebec. Trong thời gian ấy, ở Quebec có sự bất ổn xã hội vì nổi lên phong trào chính trị đòi độc lập khỏi Canada.

Anh Arnold nói: “Hiện nay, Quebec là nơi duy nhất mà chi nhánh gửi các tiên phong đặc biệt đến”. Tôi liền đồng ý đi. Trước đó, tôi đã biết là Randi thích phụng sự ở đấy. Sau này, tôi nhận ra đây là một trong những quyết định khôn ngoan nhất trong đời!

Sau khi tham dự khóa học tiếng Pháp kéo dài năm tuần, vợ chồng tôi và một cặp khác đi đến Rimouski, cách đông bắc của Montreal khoảng 540km. Chúng tôi vẫn còn phải học rất nhiều. Điều đó được thấy rõ khi tôi đọc thông báo tại một buổi nhóm họp. Tôi nói rằng trong hội nghị sắp tới, chúng tôi sẽ có nhiều “đại biểu đà điểu” thay vì “đại biểu từ Áo”.

“Nhà Trắng” ở Rimouski

Ở Rimouski, chúng tôi ở cùng bốn chị tiên phong sốt sắng và gia đình anh chị Huberdeaus cùng hai con gái của họ. Gia đình anh chị ấy đã thuê căn nhà có bảy phòng ngủ, và các tiên phong sống ở đó đều phụ trả tiền nhà. Chúng tôi gọi nhà đó là Nhà Trắng vì nó được sơn màu trắng và có các cột màu trắng. Thường có khoảng 12 đến 14 người sống ở đó. Là tiên phong đặc biệt, vợ chồng chúng tôi đi rao giảng mỗi sáng, chiều và tối, nên chúng tôi biết ơn khi luôn có người đi thánh chức cùng, ngay cả vào những buổi tối mùa đông lạnh giá.

Chúng tôi gần gũi với các tiên phong trung thành ấy giống như gia đình. Thỉnh thoảng chúng tôi ngồi xung quanh lửa trại hoặc tổ chức “ngày bánh pierogi”, là ngày mọi người làm bánh xếp đủ loại nhân. Một anh trong nhóm là nhạc sĩ, nên vào tối thứ Bảy chúng tôi thường hát và nhảy.

Khu vực ở Rimouski có nhiều người chú ý. Trong 5 năm, chúng tôi rất vui khi có một số học viên Kinh Thánh tiến bộ đến bước báp-têm. Hội thánh gia tăng đến khoảng 35 công bố.

Ở Quebec, chúng tôi nhận được sự huấn luyện tuyệt vời cho công việc rao truyền tin mừng. Chúng tôi thấy cách Đức Giê-hô-va giúp mình trong thánh chức và nhu cầu vật chất. Ngoài ra, chúng tôi bắt đầu yêu mến những người nói tiếng Pháp, ngôn ngữ và văn hóa của họ, nhờ đó chúng tôi cũng yêu mến những nền văn hóa khác.—2 Cô 6:13.

Bất ngờ, chi nhánh đề nghị chúng tôi chuyển đến thị trấn Tracadie, bờ phía đông của New Brunswick. Điều này là thử thách vì tôi vừa ký hợp đồng thuê căn hộ và nhận hợp đồng làm giáo viên dạy học bán thời gian. Ngoài ra, một số học viên Kinh Thánh của chúng tôi vừa trở thành công bố và chúng tôi cũng đang xây một Phòng Nước Trời.

Cả cuối tuần đó chúng tôi cầu nguyện về việc chuyển đi, và chúng tôi đến thăm Tracadie, là nơi rất khác với Rimouski. Nhưng chúng tôi quyết định rằng vì Đức Giê-hô-va muốn mình đến đó nên chúng tôi sẽ đi. Chúng tôi thử Đức Giê-hô-va và thấy ngài loại bỏ từng trở ngại một (Mal 3:10). Như mọi lần, tình trạng thiêng liêng vững mạnh, tinh thần hy sinh và khiếu hài hước của Randi giúp cho việc chuyển đi trở nên dễ hơn.

Trưởng lão duy nhất trong hội thánh ở đó là anh Robert Ross. Anh làm tiên phong với vợ là chị Linda. Sau khi sinh con đầu lòng, họ đã quyết định ở lại đó. Dù đang chăm sóc con nhỏ, nhưng họ khích lệ vợ chồng tôi rất nhiều qua việc hiếu khách và sốt sắng trong công việc rao giảng.

ÂN PHƯỚC KHI PHỤNG SỰ Ở NƠI CÓ NHU CẦU

Mùa đông trong vòng quanh đầu tiên của chúng tôi

Sau khi làm tiên phong hai năm ở Tracadie, chúng tôi nhận được một lời mời bất ngờ: Đó là phụng sự trong công tác vòng quanh. Chúng tôi phục vụ trong vòng quanh nói tiếng Anh bảy năm, sau đó được chỉ định sang vòng quanh nói tiếng Pháp ở Quebec. Anh Léonce Crépeault, giám thị địa hạt của chúng tôi ở Quebec, khen các bài giảng của tôi. Nhưng sau đó, anh luôn hỏi: “Anh nghĩ có cách nào để các bài giảng ấy thực tế hơn không?”. b Lòng quan tâm của anh dành cho cá nhân tôi giúp tôi cải thiện cách dạy dỗ sao cho cụ thể và dễ hiểu hơn.

Một trong những nhiệm vụ đáng nhớ nhất của tôi là ở Hội nghị Quốc tế “Đức tin toàn thắng” ở Montreal vào năm 1978. Tôi phục vụ trong Ban Thực phẩm. Chúng tôi dự tính có 80.000 người tham dự, và có một sắp đặt mới về việc cung cấp thức ăn. Mọi thứ đều mới: thiết bị, thực đơn và phương pháp chuẩn bị. Chúng tôi có khoảng 20 xe rờ-mọt có hệ thống ướp lạnh nhưng đôi khi chúng bị hỏng. Trước khi ngày đầu tiên của hội nghị bắt đầu, đến nửa đêm chúng tôi mới vào hội trường vì có một sự kiện thể thao diễn ra ở đó. Chúng tôi phải bật lò nướng trước bình minh để làm bữa sáng! Chúng tôi rất mệt nhưng tôi học được nhiều điều từ sự siêng năng, thành thục và khiếu hài hước của các tình nguyện viên khác. Chúng tôi trở nên thân thiết và có những tình bạn vẫn còn đến ngày nay. Thật vui mừng khi được tham dự hội nghị mang tính lịch sử này ở Quebec, là nơi mà Nhân Chứng từng bị ngược đãi dữ dội trong thập niên 1940 và 1950!

Cùng Randi chuẩn bị cho hội nghị ở Montreal vào năm 1985

Tôi đã học được rất nhiều điều từ các giám thị khác trong những hội nghị lớn ở Montreal. Vào một năm, anh David Splane (hiện thuộc Hội đồng Lãnh đạo) làm giám thị hội nghị. Tại một hội nghị khác sau này, khi tôi được giao trách nhiệm đó thì anh David đã hoàn toàn hợp tác.

Năm 2011, sau khi chúng tôi làm công tác lưu động trong 36 năm, tôi được mời làm giảng viên của Trường dành cho trưởng lão. Trong hai năm, vợ chồng tôi ngủ trên 75 chiếc giường khác nhau, nhưng sự hy sinh đó thật đáng công. Vào cuối mỗi tuần, các trưởng lão rất biết ơn vì thấy Hội đồng Lãnh đạo quan tâm đến tình trạng thiêng liêng của họ.

Sau đó, tôi dạy Trường dành cho người rao truyền Nước Trời. Các học viên thường choáng ngợp vì chương trình học dày đặc: ngồi trong lớp bảy tiếng một ngày, làm bài tập ba tiếng mỗi tối và có bốn hoặc năm phần mỗi tuần. Tôi và giảng viên khác giải thích rằng họ không thể làm được nếu không có sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va. Tôi không bao giờ quên việc các học viên đã ngạc nhiên thế nào khi thấy nhờ nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, họ có thể làm được nhiều hơn những gì mình nghĩ.

LÒNG QUAN TÂM MANG LẠI ÂN PHƯỚC LÂU DÀI

Lòng quan tâm của mẹ tôi dành cho người khác đã giúp các học viên Kinh Thánh của bà tiến bộ, thậm chí giúp cha tôi thay đổi thái độ đối với chân lý. Ba ngày sau khi mẹ qua đời, cha khiến chúng tôi bất ngờ khi đến nghe diễn văn công cộng ở Phòng Nước Trời, và cha tiếp tục tham dự nhóm họp trong 26 năm. Dù cha chưa báp-têm, nhưng các trưởng lão nói với tôi rằng cha luôn là người đầu tiên đến các buổi nhóm mỗi tuần.

Mẹ tôi là gương mẫu xuất sắc cho anh em chúng tôi. Cả ba em gái của tôi cùng chồng đều trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Hai em gái hiện đang phụng sự ở văn phòng chi nhánh, một người ở Bồ Đào Nha và người kia ở Haiti.

Hiện nay vợ chồng tôi đang làm tiên phong đặc biệt ở Hamilton, Ontario. Khi còn làm công tác lưu động, chúng tôi rất thích cùng anh chị khác đi gặp những thăm lại và học hỏi Kinh Thánh của họ. Nhưng giờ đây chúng tôi rất vui khi thấy những học viên của chính mình tiến bộ. Khi gắn bó với các anh chị trong hội thánh mới, chúng tôi được khích lệ khi thấy cách Đức Giê-hô-va trợ giúp họ trong lúc thuận lợi lẫn khó khăn.

Nhìn lại, chúng tôi rất biết ơn lòng quan tâm của nhiều anh chị đã dành cho mình. Chúng tôi cũng cố gắng thể hiện “lòng quan tâm chân thành” với người khác, khuyến khích họ phụng sự Đức Giê-hô-va hết khả năng (2 Cô 7:6, 7). Chẳng hạn, một gia đình có người vợ, con trai và con gái đều phụng sự trọn thời gian. Tôi hỏi người chồng xem anh ấy có bao giờ nghĩ về việc tiên phong chưa. Anh trả lời rằng anh đang chu cấp cho ba tiên phong. Thế nên tôi hỏi: “Anh có thể chu cấp cho họ tốt hơn Đức Giê-hô-va không?”. Tôi khuyến khích anh nếm thử niềm vui mà ba người trong gia đình anh đang có. Sáu tháng sau, anh trở thành tiên phong.

Vợ chồng tôi sẽ tiếp tục “kể với thế hệ sau” về “công việc diệu kỳ” của Đức Giê-hô-va, và chúng tôi mong rằng họ sẽ vui mừng phụng sự ngài giống như chúng tôi.—Thi 71:17, 18.

a Nay được gọi là giám thị của Buổi họp Lối sống và thánh chức.

b Xem kinh nghiệm của anh Léonce Crépeault trong Tháp Canh tháng 2 năm 2020, trg 26-30.