Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 30

BÀI HÁT 36 Hãy bảo vệ lòng mình

Những bài học quan trọng từ các vua của Y-⁠sơ-ra-ên

Những bài học quan trọng từ các vua của Y-⁠sơ-ra-ên

“Sự khác biệt giữa người công chính và kẻ gian ác, giữa người hầu việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu việc ngài sẽ một lần nữa được thấy rõ”.MAL 3:18.

TRỌNG TÂM

Học về cách Đức Giê-hô-va đánh giá các vua của Y-sơ-ra-ên để biết ngài đòi hỏi gì nơi những người thờ phượng ngài ngày nay.

1, 2. Kinh Thánh cho biết gì về một số vua của Y-sơ-ra-ên?

 Kinh Thánh nhắc đến hơn 40 vị vua của Y-sơ-ra-ên. a Sách này nói rất trung thực về những điều mà một số vua ấy làm. Chẳng hạn, ngay cả các vua tốt cũng làm những điều xấu. Hãy xem trường hợp của vị vua tốt là Đa-vít. Đức Giê-hô-va phán: “Tôi tớ ta là Đa-vít… hết lòng bước theo ta, người chỉ làm những gì mắt ta xem là đúng” (1 Vua 14:8). Nhưng vua ấy đã phạm tội ngoại tình với một phụ nữ có chồng và âm mưu để chồng bà bị giết trong chiến trận.—2 Sa 11:4, 14, 15.

2 Mặt khác, nhiều vua bất trung đã làm một số điều tốt. Hãy xem trường hợp của Rê-hô-bô-am. Trong mắt Đức Giê-hô-va, ông “làm điều ác” (2 Sử 12:14). Nhưng Rê-hô-bô-am đã vâng theo lệnh của ngài là để mười chi phái tách khỏi vương quốc của mình. Ông cũng mang lại lợi ích cho đất nước bằng cách củng cố các thành.—1 Vua 12:21-24; 2 Sử 11:5-12.

3. Câu hỏi quan trọng nào được đặt ra, và bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Nếu các vua của Y-sơ-ra-ên làm điều tốt lẫn điều xấu thì Đức Giê-hô-va dựa trên cơ sở nào để xác định một vua có trung thành hay không? Lời giải đáp cho câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta hiểu điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta. Hãy thảo luận ba yếu tố mà ngài xem xét khi đánh giá các vua của Y-sơ-ra-ên: tình trạng lòng, sự ăn nănviệc họ có gắn bó với sự thờ phượng thật hay không.

HÃY CÓ LÒNG TRỌN VẸN VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

4. Một điểm khác biệt giữa các vua trung thành và các vua bất trung là gì?

4 Các vua làm vui lòng Đức Giê-hô-va thì thờ phượng ngài với lòng trọn vẹn. b Vua tốt là Giê-hô-sa-phát “hết lòng tìm kiếm Đức Giê-hô-va” (2 Sử 22:9). Kinh Thánh nói về Giô-si-a: “Không có vua nào được như Giô-si-a, vì ông hết lòng… quay về với Đức Giê-hô-va” (2 Vua 23:25). Nói sao về Sa-lô-môn, là vua đã làm điều ác khi về già? Kinh Thánh nói: “Lòng vua không trọn vẹn” (1 Vua 11:4). Và về một vua bất trung khác là A-bi-giam, lời tường thuật cho biết: “Lòng ông chẳng trọn vẹn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.—1 Vua 15:3.

5. Phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn có nghĩa gì?

5 Vậy phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn có nghĩa gì? Một người có lòng trọn vẹn không thờ phượng ngài một cách chiếu lệ. Thay vì thế, người đó phụng sự vì tình yêu thương và lòng sùng kính. Hơn nữa, người ấy tiếp tục yêu thương và sùng kính ngài suốt cuộc đời mình.

6. Chúng ta có thể giữ tấm lòng trọn vẹn bằng cách nào? (Châm ngôn 4:23; Ma-thi-ơ 5:29, 30)

6 Chúng ta có thể noi theo các vua trung thành và giữ lòng trọn vẹn bằng cách nào? Bằng cách tránh những ảnh hưởng xấu. Chẳng hạn, giải trí không lành mạnh có thể khiến lòng chúng ta bị phân chia. Bạn bè xấu và lối suy nghĩ thiên về vật chất cũng vậy. Nếu nhận thấy điều gì đó đang làm suy yếu tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va, hãy nhanh chóng hành động để loại bỏ.—Đọc Châm ngôn 4:23; Ma-thi-ơ 5:29, 30.

7. Tại sao tránh những ảnh hưởng xấu là điều quan trọng?

7 Chúng ta phải tránh để lòng mình bị phân chia. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể lừa gạt mình bằng cách nghĩ rằng khi tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thiêng liêng thì những điều xấu sẽ không ảnh hưởng đến mình. Để minh họa, hãy hình dung anh chị ở ngoài trời vào một ngày nắng gắt và oi bức. Khi về nhà, anh chị bật máy lạnh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu anh chị để cửa mở? Không khí nóng sẽ tràn vào nhà. Điểm chính là gì? Chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ hấp thu thức ăn thiêng liêng giúp mình gắn bó với Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng cần “đóng cửa” với những ảnh hưởng xấu để “không khí” nóng, tức thái độ không tin kính của thế gian, không tràn vào lòng chúng ta và khiến lòng bị phân chia.—Ê-phê 2:2.

HÃY ĂN NĂN TỘI LỖI

8, 9. Vua Đa-vít và vua Ê-xê-chia phản ứng thế nào trước sự khiển trách? (Xem hình ).

8 Như đã đề cập, vua Đa-vít phạm tội trọng. Nhưng khi nhà tiên tri Na-than đến nói với ông về tội ấy, Đa-vít đã khiêm nhường ăn năn (2 Sa 12:13). Qua những lời của Đa-vít nơi Thi thiên 51, chúng ta có thể thấy sự ăn năn chân thành của ông. Đa-vít không giả vờ hối lỗi để lừa Na-than hoặc để tránh hình phạt.—Thi 51:3, 4, 17, lời ghi chú đầu bài.

9 Vua Ê-xê-chia cũng phạm tội với Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh nói: “Lòng ông trở nên cao ngạo, khiến Đức Chúa Trời phẫn nộ với ông cùng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem” (2 Sử 32:25). Tại sao Ê-xê-chia trở nên cao ngạo? Có lẽ ông cảm thấy mình cao trọng vì có nhiều của cải, chiến thắng quân A-si-ri hoặc được chữa bệnh bằng phép lạ. Có thể vì cao ngạo mà ông khoe sự giàu sang với người Ba-by-lôn. Thế nên, ông bị nhà tiên tri Ê-sai khiển trách (2 Vua 20:12-18). Nhưng giống như Đa-vít, Ê-xê-chia đã khiêm nhường ăn năn (2 Sử 32:26). Cuối cùng, Đức Giê-hô-va xem ông là vua trung thành, “tiếp tục làm điều đúng”.—2 Vua 18:3.

Vua Đa-vít và vua Ê-⁠xê-chia khiêm nhường ăn năn sau khi các nhà tiên tri đến nói với họ về tội của họ (Xem đoạn 8, 9)


10. Vua A-ma-xia phản ứng thế nào khi bị sửa sai?

10 Trái lại, vua A-ma-xia của Giu-đa làm điều đúng, “nhưng không làm với tấm lòng trọn vẹn” (2 Sử 25:2). Chuyện gì đã xảy ra? Sau khi Đức Giê-hô-va giúp ông đánh bại dân Ê-đôm, A-ma-xia đã quỳ lạy các thần của dân ấy. c Rồi khi nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va đến khuyên ông về điều đó, ông đã ngoan cố không chịu nghe.—2 Sử 25:14-16.

11. Theo 2 Cô-rinh-tô 7:9, 11, chúng ta cần làm gì để được tha thứ? (Cũng xem các hình).

11 Chúng ta học được gì từ những trường hợp trên? Chúng ta cần ăn năn tội lỗi và làm mọi điều có thể để tránh tái phạm. Nói sao nếu chúng ta nhận được lời khuyên từ các trưởng lão, ngay cả trong những vấn đề dường như ít quan trọng? Chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không yêu thương mình hoặc các trưởng lão có thành kiến với mình. Ngay cả các vua tốt của Y-sơ-ra-ên cũng cần lời khuyên và sự khiển trách (Hê 12:6). Khi bị sửa sai, chúng ta cần (1) phản ứng một cách khiêm nhường, (2) thực hiện những thay đổi cần thiết và (3) tiếp tục hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va. Nếu chúng ta ăn năn tội lỗi, ngài sẽ tha thứ cho chúng ta.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 7:9, 11.

Khi bị sửa dạy, chúng ta cần (1) phản ứng một cách khiêm nhường, (2) thực hiện những thay đổi cần thiết và (3) tiếp tục hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 11) f


HÃY GẮN BÓ VỚI SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT

12. Những vua trung thành có đặc điểm nổi bật nào?

12 Những vua mà Đức Giê-hô-va xem là trung thành đã gắn bó với sự thờ phượng thật. Họ cũng khuyến khích dân chúng làm thế. Dĩ nhiên, họ cũng phạm lỗi lầm, như chúng ta đã xem xét. Nhưng họ dành lòng sùng kính chuyên độc cho Đức Giê-hô-va, và thậm chí còn cố gắng hết sức tẩy sạch xứ khỏi việc thờ thần tượng. d

13. Tại sao Đức Giê-hô-va phán xét vua A-háp là bất trung?

13 Nói sao về những vua mà Đức Giê-hô-va phán xét là bất trung? Không phải mọi điều họ làm đều xấu. Ngay cả vua gian ác là A-háp đã phần nào thể hiện sự khiêm nhường và hối tiếc vì dính líu đến việc giết Na-bốt (1 Vua 21:27-29). Ông cũng xây các thành và đem lại những chiến thắng cho dân Y-sơ-ra-ên (1 Vua 20:21, 29; 22:39). Nhưng A-háp đã làm điều rất gian ác. Dưới ảnh hưởng của vợ, ông đẩy mạnh sự thờ phượng sai lầm. A-háp không bao giờ ăn năn về điều này.—1 Vua 21:25, 26.

14. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va xem vua Rê-hô-bô-am là bất trung? (b) Các vua bất trung có đặc điểm nào?

14 Hãy xem trường hợp của một vua bất trung khác là Rê-hô-bô-am. Như đã nói ở trên, ông thực hiện khá nhiều điều tốt trong triều đại mình. Nhưng khi vương quyền được lập vững chắc, ông lìa bỏ Luật pháp của Đức Giê-hô-va để đi theo sự thờ phượng sai lầm (2 Sử 12:1). Về sau, lúc thì ông thờ phượng Đức Giê-hô-va, lúc thì thờ thần giả (1 Vua 14:21-24). Rê-hô-bô-am và A-háp không phải là những vua duy nhất đi chệch khỏi sự thờ phượng thật. Thực tế là hầu hết các vua bất trung đều ủng hộ sự thờ phượng sai lầm theo cách nào đó. Rõ ràng, trong mắt Đức Giê-hô-va, việc có gắn bó với sự thờ phượng thật hay không là yếu tố quan trọng để xác định một vua là tốt hay xấu.

15. Tại sao việc gắn bó với sự thờ phượng thật rất quan trọng với Đức Giê-hô-va?

15 Tại sao việc thờ phượng là vấn đề rất quan trọng với Đức Giê-hô-va? Một lý do là vì các vua có trách nhiệm hướng dẫn dân ngài đi trong sự thờ phượng thật. Ngoài ra, sự thờ phượng sai lầm chắc chắn sẽ dẫn đến những tội trọng khác và hành động bất công (Ô-sê 4:1, 2). Hơn nữa, các vua ấy và thần dân của họ đã được dâng hiến cho Đức Giê-hô-va. Vì thế, Kinh Thánh ví việc họ thờ thần giả với tội ngoại tình (Giê 3:8, 9). Một người phạm tội ngoại tình theo nghĩa đen thì khiến người hôn phối tan vỡ cõi lòng. Tương tự, khi một tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va tham gia vào sự thờ phượng sai lầm, người đó khiến ngài vô cùng đau lòng. ePhục 4:23, 24.

16. Theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, có sự khác biệt nào giữa người công chính và kẻ gian ác?

16 Chúng ta rút ra những bài học nào? Dĩ nhiên, chúng ta phải quyết tâm tránh sự thờ phượng sai lầm. Nhưng chúng ta cũng phải gắn bó với sự thờ phượng thật và tiếp tục bận rộn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhà tiên tri Ma-la-chi cho biết rõ điều khiến người tốt khác biệt với kẻ xấu theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Ông viết: “Sự khác biệt giữa người công chính và kẻ gian ác, giữa người hầu việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu việc ngài sẽ một lần nữa được thấy rõ” (Mal 3:18). Vì thế, đừng để bất cứ điều gì, ngay cả khuyết điểm và lỗi lầm của mình, khiến chúng ta nản lòng đến mức ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Chỉ riêng việc ngưng phụng sự ngài đã là một tội trọng.

17. Tại sao chúng ta phải cẩn thận trong việc chọn người hôn phối?

17 Nếu anh chị còn độc thân và đang nghĩ đến việc kết hôn, những lời của Ma-la-chi có thể giúp anh chị trong việc chọn người hôn phối phù hợp. Hãy thử nghĩ: Một người có lẽ có một số phẩm chất tốt, nhưng nếu không phụng sự Đức Giê-hô-va, người đó có được xem là công chính trong mắt ngài không? (2 Cô 6:14). Nếu anh chị kết hôn với người đó, người đó sẽ giúp anh chị gắn bó với Đức Giê-hô-va không? Hãy xem trường hợp của vua Sa-lô-môn. Những người vợ ngoại giáo của ông có lẽ có một số phẩm chất tốt, nhưng họ không thờ phượng Đức Giê-hô-va và dần dần đã khiến lòng Sa-lô-môn theo các thần khác.—1 Vua 11:1, 4.

18. Các bậc cha mẹ nên dạy con điều gì?

18 Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị có thể dùng lời tường thuật trong Kinh Thánh về các vua để vun trồng nơi con ước muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va. Hãy giúp con hiểu rằng ngài xem một vua là tốt hay xấu phần lớn tùy thuộc vào việc vua ấy có đẩy mạnh sự thờ phượng thật hay không. Qua lời nói và gương mẫu, hãy dạy con rằng những điều thiêng liêng, chẳng hạn như học hỏi Kinh Thánh, tham dự buổi nhóm họp và tham gia thánh chức, phải được ưu tiên hơn mọi hoạt động khác (Mat 6:33). Nếu không, con của anh chị có thể nghĩ rằng làm Nhân Chứng Giê-hô-va cũng chỉ là theo “đạo của gia đình”. Hậu quả là chúng có thể đặt sự thờ phượng thật xuống hàng thứ yếu hoặc thậm chí từ bỏ chân lý.

19. Người ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va có cơ hội nào? (Cũng xem khung “ Anh chị có thể trở về với Đức Giê-hô-va!”)

19 Nếu một người ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va, có phải không còn hy vọng gì cho người ấy không? Không, vì người ấy có thể ăn năn và trở lại với sự thờ phượng thật. Để làm thế, có lẽ người ấy cần gạt bỏ cái tôi và nhận sự giúp đỡ của các trưởng lão (Gia 5:14). Những nỗ lực để lại được Đức Giê-hô-va chấp nhận là rất đáng công!

20. Nếu chúng ta noi theo các vua trung thành, Đức Giê-hô-va sẽ xem chúng ta như thế nào?

20 Vậy chúng ta học được những bài học nào từ các vua của Y-sơ-ra-ên? Nếu giữ tấm lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể giống như những vua trung thành. Hãy học từ lỗi lầm của mình, ăn năn và thực hiện những thay đổi cần thiết. Và mong sao chúng ta ghi nhớ tầm quan trọng của việc gắn bó với sự thờ phượng thật, tức là thờ phượng Đức Chúa Trời có thật và duy nhất. Nếu anh chị luôn trung thành với Đức Giê-hô-va, ngài sẽ xem anh chị là người làm điều đúng trong mắt ngài.

BÀI HÁT 45 Sự suy ngẫm của lòng con

a Trong bài này, cụm từ “các vua của Y-sơ-ra-ên” nói đến tất cả các vua cai trị dân của Đức Giê-hô-va, dù họ cai trị vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái, vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái hoặc cai trị cả 12 chi phái.

b GIẢI NGHĨA: Kinh Thánh thường dùng từ “lòng” để miêu tả toàn bộ con người bề trong, bao gồm ước muốn, suy nghĩ, tính cách, thái độ, khả năng, động cơ và mục tiêu của một người.

c Dường như các vua ngoại giáo thường thờ các thần của nước bị chinh phục.

d Vua A-sa đã phạm những lỗi nghiêm trọng (2 Sử 16:7, 10). Nhưng lời tường thuật của Kinh Thánh nói rằng ông làm điều đúng trong mắt Đức Giê-hô-va. Dù lúc đầu ông bác bỏ sự sửa dạy, nhưng có thể ông đã ăn năn sau đó. Nhìn chung, những phẩm chất tốt của ông nhiều hơn các lỗi lầm mà ông phạm. Đáng chú ý là A-sa chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va và cố gắng loại bỏ việc thờ thần giả khỏi vương quốc.—1 Vua 15:11-13; 2 Sử 14:2-5.

e Điều đáng lưu ý là hai điều răn đầu tiên của Luật pháp Môi-se cấm thờ bất cứ ai hoặc điều gì ngoài Đức Giê-hô-va.—Xuất 20:1-6.

f HÌNH ẢNH: Một trưởng lão trẻ nói ra nỗi lo lắng về thói quen uống rượu của một anh. Anh kia khiêm nhường chấp nhận lời khuyên, thực hiện những thay đổi cần thiết và tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.