Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 31

“Chúng ta không bỏ cuộc”!

“Chúng ta không bỏ cuộc”!

“Vậy nên, chúng ta không bỏ cuộc”.—2 CÔ 4:16.

BÀI HÁT 128 Bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng

GIỚI THIỆU *

1. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần làm gì để hoàn thành cuộc đua giành sự sống?

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô đang ở trong cuộc đua giành sự sống. Dù mới xuất phát hay đã ở trong đường đua nhiều năm, chúng ta cần tiếp tục chạy cho đến khi về đích. Lời khuyên mà sứ đồ Phao-lô đưa ra cho các tín đồ ở Phi-líp có thể thúc đẩy chúng ta hoàn thành cuộc đua. Một số tín đồ ở Phi-líp đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm khi nhận được thư của Phao-lô. Họ đang chạy rất tốt, nhưng Phao-lô nhắc là họ cần bền bỉ chạy. Ông muốn họ tiếp tục noi theo gương của ông trong việc “nỗ lực đạt đến mục tiêu”.—Phi-líp 3:14.

2. Tại sao lời khuyên của Phao-lô dành cho các tín đồ ở Phi-líp rất đúng lúc?

2 Lời khuyên của Phao-lô dành cho các tín đồ ở Phi-líp rất đúng lúc. Hội thánh Phi-líp phải đương đầu với sự thù địch ngay từ khi mới được thành lập. Mọi chuyện bắt đầu khi Phao-lô và Si-la nhận lời mời của Đức Giê-hô-va là “qua Ma-xê-đô-ni-a” và đến Phi-líp vào khoảng năm 50 CN (Công 16:9). Ở đó, họ gặp một phụ nữ tên Ly-đi, bà được “Đức Giê-hô-va mở rộng lòng” để chú tâm đến tin mừng (Công 16:14). Không lâu sau, bà và người nhà chịu phép báp-têm. Tuy nhiên, Ác Quỷ không chịu để yên. Những người nam trong thành kéo Phao-lô và Si-la đến các quan tư pháp và vu oan cho họ về tội gây rối loạn. Họ bị đánh đập, bỏ tù và bị yêu cầu rời khỏi thành (Công 16:16-40). Phao-lô và Si-la có bỏ cuộc không? Không! Còn anh em trong hội thánh mới thành lập thì sao? Đáng mừng là họ đã bền chí chịu đựng! Hẳn họ được khích lệ nhiều nhờ gương của Phao-lô và Si-la.

3. Phao-lô nhận biết điều gì, và chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Phao-lô quyết tâm không bỏ cuộc (2 Cô 4:16). Tuy nhiên, ông biết là để chạy đến đích cuộc đua, ông phải chú tâm vào mục tiêu. Chúng ta học được gì từ gương của Phao-lô? Những gương trung thành nào trong thời hiện đại cho thấy chúng ta có thể vượt qua chướng ngại vật để bền bỉ chạy? Và làm thế nào hy vọng trong tương lai có thể giúp chúng ta quyết tâm không bỏ cuộc?

GƯƠNG CỦA PHAO-LÔ MANG LẠI LỢI ÍCH CHO CHÚNG TA

4. Điều gì cho thấy Phao-lô tiếp tục bận rộn trong việc phụng sự bất kể hoàn cảnh của mình?

4 Khi xem xét hoàn cảnh của Phao-lô lúc ông viết thư cho các tín đồ ở Phi-líp, chúng ta sẽ thấy ông nỗ lực rất nhiều. Ông bị giam lỏng tại Rô-ma và không thể tự do đi rao giảng. Tuy nhiên, ông vẫn bận rộn làm chứng cho những người đến thăm và viết thư cho các hội thánh ở xa. Tương tự, ngày nay nhiều tín đồ không thể ra khỏi nhà đã tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ tin mừng cho những ai đến thăm. Họ cũng viết thư làm chứng cho những người khó có thể gặp trực tiếp.

5. Theo những lời của Phao-lô nơi Phi-líp 3:12-14, điều gì giúp ông chú tâm vào mục tiêu?

5 Phao-lô không để mình bị phân tâm bởi những thành quả ông đã đạt được hoặc những lỗi lầm trong quá khứ. Ông nói rằng việc “quên đi những điều đằng sau” là thiết yếu để “vươn tới những điều phía trước”, tức chạy đến đích cuộc đua. (Đọc Phi-líp 3:12-14). Một số điều nào có thể khiến Phao-lô phân tâm? Thứ nhất, ông đạt được những thành quả rất ấn tượng khi còn theo Do Thái giáo. Tuy nhiên, ông xem những điều đó như “rác rưởi” (Phi-líp 3:3-8). Thứ hai, dù cảm thấy tội lỗi vì từng ngược đãi tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhưng ông không để điều đó khiến mình chùn bước. Và thứ ba, ông không cho rằng những gì mình dâng cho Đức Giê-hô-va là đã đủ. Phao-lô đã thực hiện được nhiều điều trong thánh chức bất kể bị tù, đánh đập, ném đá, đắm tàu, thiếu ăn và thiếu mặc (2 Cô 11:23-27). Dù đã làm được nhiều việc và chịu đựng nhiều thử thách, Phao-lô biết rằng ông phải tiếp tục tấn tới. Chúng ta cũng muốn có tinh thần như thế.

6. “Những điều đằng sau” mà có lẽ chúng ta cần quên đi là gì?

6 Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Phao-lô trong việc “quên đi những điều đằng sau”? Một số người trong chúng ta có lẽ phải vượt qua mặc cảm vì lỗi lầm trong quá khứ. Nếu vậy, hãy nghiên cứu đề tài về sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Khi cầu nguyện, học hỏi và suy ngẫm đề tài khích lệ ấy, có thể chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Có lẽ chúng ta sẽ ngừng hành hạ bản thân vì những tội lỗi mà Đức Giê-hô-va đã tha thứ. Hãy xem một bài học khác từ Phao-lô. Một số người có lẽ đã bỏ công việc đầy hứa hẹn để theo đuổi quyền lợi Nước Trời. Nếu thế, chúng ta có thể quên đi những điều đằng sau bằng cách không nhìn lại những cơ hội làm giàu mà mình đã bỏ lỡ không? (Dân 11:4-6; Truyền 7:10). “Những điều đằng sau” có thể cũng bao gồm cả những thành quả mình đã đạt được hoặc thử thách mình từng vượt qua. Dĩ nhiên, nhìn lại những cách mà Đức Giê-hô-va đã ban phước và giúp đỡ mình qua năm tháng có thể kéo chúng ta đến gần Cha hơn. Nhưng chúng ta không bao giờ muốn trở nên tự mãn, cho rằng những gì mình dâng cho Đức Giê-hô-va là đã đủ.—1 Cô 15:58.

Trong cuộc đua giành sự sống, chúng ta cần chú tâm vào mục tiêu và tránh mọi điều gây phân tâm (Xem đoạn 7)

7. Theo 1 Cô-rinh-tô 9:24-27, một người cần làm gì để chiến thắng trong cuộc đua giành sự sống? Hãy minh họa.

7 Phao-lô hiểu rõ lời Chúa Giê-su khi ngài nói: “Hãy gắng hết sức” (Lu 13:23, 24). Ông biết là như Đấng Ki-tô, ông phải nỗ lực trong suốt cuộc đời. Vì thế, ông ví đời sống của một tín đồ với cuộc đua. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 9:24-27). Vận động viên chạy đua sẽ tập trung đến vạch về đích và tránh bất cứ điều gì gây phân tâm, chẳng hạn như những cửa hàng trên đường hoặc nhiều điều khác. Anh chị có thể hình dung cảnh một vận động viên ngừng chạy để xem những món hàng được trưng bày không? Chắc chắn người ấy sẽ không làm thế nếu muốn chiến thắng cuộc đua! Trong cuộc đua giành sự sống, chúng ta cũng cần tránh những điều gây phân tâm. Nếu chú tâm vào mục tiêu và nỗ lực hết mình như Phao-lô đã làm, chúng ta sẽ giành giải thưởng!

VƯỢT QUA NHỮNG CHƯỚNG NGẠI VẬT

8. Chúng ta sẽ xem xét ba chướng ngại vật nào?

8 Hãy cùng xem xét ba chướng ngại vật có thể khiến chúng ta chậm lại. Đó là ước vọng bị trì hoãn, sức khỏe suy yếu và thử thách kéo dài. Chúng ta có thể nhận lợi ích khi học cách những anh chị khác đương đầu với các tình huống ấy.—Phi-líp 3:17.

9. Ước vọng bị trì hoãn có thể ảnh hưởng đến chúng ta ra sao?

9 Ước vọng bị trì hoãn. Việc chúng ta mong muốn những lời hứa của Đức Giê-hô-va thành hiện thực là điều tự nhiên. Thực tế là Đức Giê-hô-va muốn tôi tớ ngài trông đợi các lời hứa ấy. Khi nhà tiên tri Ha-ba-cúc bày tỏ mong ước Đức Giê-hô-va sẽ chấm dứt tình trạng gian ác ở Giu-đa, ngài bảo ông “hãy luôn trông đợi” (Ha-ba 2:3). Tuy nhiên, khi những ước vọng có vẻ bị trì hoãn thì có thể khiến chúng ta giảm đi lòng sốt sắng, thậm chí nản lòng (Châm 13:12). Điều này đã xảy ra vào đầu thế kỷ 20. Lúc ấy, nhiều tín đồ được xức dầu mong đợi nhận được phần thưởng lên trời vào năm 1914. Khi mọi chuyện không như mong đợi, những tín đồ trung thành đương đầu với tình huống đó như thế nào?

Anh Royal và chị Pearl Spatz không nhận được phần thưởng vào năm 1914 như mong đợi, nhưng họ tiếp tục trung thành trong nhiều thập kỷ (Xem đoạn 10)

10. Một cặp vợ chồng đã đương đầu với ước vọng bị trì hoãn như thế nào?

10 Hãy xem gương của hai anh chị trung thành đã đối mặt với chướng ngại như thế. Anh Royal Spatz báp-têm năm 1908, lúc 20 tuổi. Anh tin chắc là mình sẽ sớm nhận được phần thưởng lên trời. Khi cầu hôn chị Pearl vào năm 1911, anh nói: “Em biết chuyện gì sẽ xảy ra vào năm 1914 phải không? Nếu chúng ta kết hôn thì nhanh nhanh em nhé!”. Khi mong ước lên trời không thành hiện thực vào năm 1914, cặp vợ chồng ấy có bỏ cuộc trong cuộc đua giành sự sống không? Không, vì mối quan tâm chính của họ là trung thành làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, chứ không phải phần thưởng lên trời. Họ quyết tâm bền bỉ chạy. Quả thật, anh Royal và chị Pearl tiếp tục trung thành phụng sự trong nhiều thập kỷ cho đến khi kết thúc đời sống trên đất. Chắc chắn, chúng ta mong muốn được chứng kiến ngày Đức Giê-hô-va biện minh cho danh và quyền tối thượng của ngài cũng như thực hiện mọi lời ngài hứa. Hãy tin chắc những điều này sẽ xảy ra vào đúng thời điểm của Đức Giê-hô-va. Từ nay cho đến lúc ấy, mong sao chúng ta tiếp tục bận rộn phụng sự Đức Chúa Trời và không bao giờ để cho những ước vọng bị trì hoãn khiến mình nản lòng hay chậm lại.

Ngay cả khi già yếu, anh Arthur Secord vẫn tấn tới (Xem đoạn 11)

11, 12. Tại sao chúng ta có thể tiếp tục tiến lên phía trước ngay cả khi sức khỏe suy yếu? Hãy nêu ví dụ.

11 Sức khỏe suy yếu. Khác với vận động viên điền kinh, chúng ta không cần có sức khỏe tốt để lớn mạnh về thiêng liêng. Thực tế là nhiều anh chị có sức khỏe yếu vẫn giữ được lòng nhiệt huyết và tiếp tục tấn tới (2 Cô 4:16). Chẳng hạn, anh Arthur Secord đã 88 tuổi và phụng sự tại Bê-tên được 55 năm; sức khỏe của anh rất yếu. Một chị y tá đến bên giường chăm sóc anh, chị nhìn anh trìu mến và nói: “Bác Secord, bác đã làm rất nhiều cho Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, anh Secord không tập trung vào những điều đã qua. Anh mỉm cười và đáp: “Đúng là thế, nhưng điều quan trọng không phải là những gì chúng ta đã làm mà là những gì mình tiếp tục làm bây giờ”.

12 Có lẽ anh chị đã phụng sự Đức Giê-hô-va trong nhiều năm và giờ đây, vấn đề sức khỏe khiến anh chị không làm được nhiều như trước. Nếu thế, đừng nản lòng. Hãy tin chắc Đức Giê-hô-va quý trọng những gì anh chị đã làm cho ngài (Hê 6:10). Còn hiện tại, hãy nhớ là tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va không phụ thuộc vào việc mình làm được bao nhiêu cho ngài. Thay vì thế, chúng ta cho thấy mình yêu mến Đức Giê-hô-va sâu xa khi giữ tinh thần tích cực và phụng sự hết mình (Cô 3:23). Đức Giê-hô-va hiểu giới hạn và không đòi hỏi quá sức chúng ta.—Mác 12:43, 44.

Anh Anatoly và chị Lidiya trung thành bất kể nhiều thử thách (Xem đoạn 13)

13. Làm thế nào kinh nghiệm của anh Anatoly và chị Lidiya khuyến khích chúng ta tiến lên phía trước bất kể thử thách?

13 Thử thách kéo dài. Một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã chịu đựng khó khăn và sự bắt bớ trong hàng thập kỷ. Chẳng hạn, anh Anatoly Melnik mới 12 tuổi khi cha anh bị bắt bỏ tù, rồi bị lưu đày đến Siberia, cách gia đình anh ở Moldova hơn 7.000km. Một năm sau, anh Anatoly, mẹ và ông bà ngoại của anh cũng bị lưu đày đến Siberia. Với thời gian, họ có thể tham dự nhóm họp tại một ngôi làng khác, nhưng phải đi bộ 30km dưới trời tuyết, chịu cái lạnh thấu xương. Về sau, anh Anatoly bị bắt đi tù ba năm; anh phải xa vợ là chị Lidiya và con gái một tuổi. Bất kể nhiều năm đương đầu với thử thách, anh Anatoly và gia đình tiếp tục trung thành tiến lên phía trước. Giờ đây, anh Anatoly 82 tuổi và đang phụng sự trong Ủy ban Chi nhánh thuộc Trung Á. Như anh Anatoly và chị Lidiya, mong sao chúng ta hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, tiếp tục bền chí chịu đựng như chúng ta từng làm.—Ga 6:9.

ĐƯỢC THÔI THÚC NHỜ HY VỌNG TRONG TƯƠNG LAI

14. Phao-lô ý thức ông cần làm gì để đạt được mục tiêu?

14 Phao-lô tin chắc ông sẽ hoàn thành cuộc đua và đạt được mục tiêu. Với tư cách là tín đồ được xức dầu, ông trông mong nhận “giải thưởng được Đức Chúa Trời gọi lên trời”. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, ông ý thức là mình cần nỗ lực (Phi-líp 3:14). Phao-lô chia sẻ với các tín đồ ở Phi-líp một hình ảnh so sánh thú vị để giúp họ tiếp tục chú tâm vào mục tiêu.

15. Phao-lô dùng đề tài về quyền công dân như thế nào để khuyến khích các tín đồ ở Phi-líp tiếp tục nỗ lực?

15 Phao-lô nhắc các tín đồ ở Phi-líp về quyền công dân của họ ở trên trời (Phi-líp 3:20). Tại sao họ cần nhớ đến quyền công dân ấy? Vào thời đó, quyền công dân La Mã rất có giá trị. * Tuy nhiên, các tín đồ được xức dầu có một quyền công dân tốt hơn nhiều và mang lại lợi ích vượt trội. Quyền công dân La Mã không thể so sánh bằng! Vì thế, Phao-lô khuyến khích các tín đồ ở Phi-líp “hãy cư xử như công dân theo cách xứng đáng với tin mừng về Đấng Ki-tô” (Phi-líp 1:27, chú thích). Các tín đồ được xức dầu ngày nay nêu gương tốt trong việc nỗ lực đạt đến mục tiêu là sự sống vĩnh cửu trên trời.

16. Dù có hy vọng sống đời đời trên trời hay trên đất, chúng ta cần tiếp tục làm gì như được ghi nơi Phi-líp 4:6, 7?

16 Dù có hy vọng sống đời đời trên trời hay trên đất, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực đạt đến mục tiêu. Bất kể hoàn cảnh là gì, chúng ta không nên nhìn lại những điều đằng sau hoặc để bất cứ điều gì cản trở mình tiến bộ (Phi-líp 3:16). Có lẽ những ước vọng của chúng ta bị trì hoãn hoặc sức khỏe ngày càng suy yếu. Có thể chúng ta phải chịu đựng thử thách và sự bắt bớ trong nhiều năm. Dù ở trong tình huống nào, cũng “đừng lo lắng bất cứ điều gì”. Thay vì thế, hãy trình lời thỉnh cầu và nài xin cho Đức Chúa Trời, rồi ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an vượt quá sức tưởng tượng.—Đọc Phi-líp 4:6, 7.

17. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài kế tiếp?

17 Như một vận động viên nỗ lực để chạy hết chặng cuối của cuộc đua, mong sao chúng ta hoàn toàn chú tâm vào mục tiêu chạy đến đích trong cuộc đua giành sự sống. Chúng ta muốn nỗ lực hết mình và hướng đến những điều tuyệt vời phía trước. Chúng ta cần làm gì để có thể bền chí chịu đựng? Bài kế tiếp sẽ giúp chúng ta đặt thứ tự ưu tiên và “nhận biết những điều quan trọng hơn”.—Phi-líp 1:9, 10.

BÀI HÁT 79 Xin Cha giúp chiên vững vàng

^ đ. 5 Dù đã phụng sự Đức Giê-hô-va bao lâu, chúng ta muốn tiếp tục tấn tới về thiêng liêng. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em đồng đạo đừng bao giờ bỏ cuộc! Khi đọc lá thư ông viết cho các tín đồ ở Phi-líp, chúng ta được thúc đẩy để tiếp tục bền bỉ trong cuộc đua giành sự sống. Bài này sẽ giúp chúng ta biết cách áp dụng những lời mà Phao-lô được soi dẫn để ghi lại.

^ đ. 15 Thành Phi-líp là thuộc địa của La Mã, nên những người ở đó có một số đặc quyền của công dân La Mã. Vì thế, các tín đồ ở Phi-líp có thể hiểu hình ảnh mà Phao-lô dùng.