Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 33

Những người lắng nghe sẽ được cứu

Những người lắng nghe sẽ được cứu

“Hãy luôn để ý chính mình con cùng sự dạy dỗ của con. Hãy kiên trì trong những việc ấy, vì làm như vậy thì con sẽ cứu được chính mình con và những người lắng nghe con”.​—1 TI 4:16.

BÀI HÁT 67 “Hãy rao giảng lời Đức Chúa Trời”

GIỚI THIỆU *

1. Tất cả chúng ta đều muốn điều gì cho người thân của mình?

Một chị tên Phượng * chia sẻ: “Ngay khi biết mình tìm được chân lý, tôi mong ước là cả gia đình mình sẽ được sống trong địa đàng. Tôi rất muốn anh Quang chồng tôi, và con trai cùng tôi phụng sự Đức Giê-hô-va”. Có lẽ anh chị có những người thân chưa thờ phượng Đức Giê-hô-va. Rất có thể anh chị có cùng cảm nghĩ như chị Phượng.

2. Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào trong bài này?

2 Dù không thể ép người thân chấp nhận tin mừng nhưng chúng ta có thể khuyến khích họ mở lòng để lắng nghe thông điệp Kinh Thánh (2 Ti 3:14, 15). Tại sao chúng ta nên làm chứng cho người thân? Tại sao chúng ta cần biểu lộ sự đồng cảm? Chúng ta có thể làm gì để giúp người thân của mình yêu mến Đức Giê-hô-va? Và thành viên trong hội thánh có thể trợ giúp chúng ta như thế nào?

TẠI SAO NÊN LÀM CHỨNG CHO NGƯỜI THÂN?

3. Theo 2 Phi-e-rơ 3:9, tại sao chúng ta nên làm chứng cho người thân?

3 Không lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ chấm dứt thế gian này. Chỉ những ai “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu” mới được sống sót (Công 13:48). Chúng ta dành nhiều thời gian và sức lực để rao giảng cho người lạ trong khu vực, nên điều dễ hiểu là chúng ta cũng muốn rao giảng cho người thân để họ phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với mình. Cha yêu thương trên trời là Đức Giê-hô-va không muốn “bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn”.—Đọc 2 Phi-e-rơ 3:9.

4. Có thể chúng ta mắc sai lầm nào khi làm chứng cho người thân?

4 Hãy lưu ý rằng có cách thích hợp nhưng cũng có cách không thích hợp để chia sẻ thông điệp cứu rỗi. Có lẽ chúng ta tế nhị khi làm chứng cho người lạ, nhưng lại quá thẳng thừng khi làm chứng cho người thân.

5. Chúng ta cần nhớ điều gì trước khi chia sẻ chân lý cho người thân?

5 Nhiều người trong chúng ta có lẽ cảm thấy hối tiếc khi nhớ lại lần đầu làm chứng cho người thân và ước gì mình đã làm tốt hơn. Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Lời nói anh em phải luôn hòa nhã, được nêm thêm muối, hầu anh em biết nên đối đáp mỗi người thế nào” (Cô 4:5, 6). Ghi nhớ và áp dụng lời khuyên này khi làm chứng cho người thân có thể thôi thúc họ lắng nghe thông điệp, thay vì xa lánh chúng ta.

CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP NGƯỜI THÂN?

Sự đồng cảm và hạnh kiểm có thể là cách làm chứng tốt nhất (Xem đoạn 6-8) *

6, 7. Hãy nêu một ví dụ cho thấy chúng ta cần biểu lộ sự đồng cảm với người hôn phối không cùng đức tin.

6 Biểu lộ sự đồng cảm. Chị Phượng được đề cập ở trên cho biết: “Lúc đầu, khi nói chuyện với chồng, tôi chỉ muốn nói về Đức Chúa Trời và Kinh Thánh. Chúng tôi không còn nói về chuyện thường ngày nữa”. Tuy nhiên, chồng của chị Phượng là anh Quang không biết nhiều về Kinh Thánh và không hiểu những gì vợ đang nói. Anh cảm thấy lúc nào chị ấy cũng chỉ nghĩ về đạo của mình. Anh lo là chị đang bị lừa đi theo một giáo phái nguy hiểm.

7 Chị Phượng thừa nhận là mình đã dành phần lớn các buổi tối và cuối tuần để kết hợp với anh em đồng đạo, chẳng hạn như nhóm họp, rao giảng và những cuộc họp mặt. Chị nói: “Có những hôm anh Quang về nhà, anh thấy lẻ loi vì nhà vắng tanh”. Dễ hiểu là anh Quang thấy nhớ vợ con. Anh không biết về những người mà vợ con mình kết hợp, và dường như những người bạn mới đã trở nên quan trọng với vợ anh hơn là chính anh. Anh Quang dọa chị Phượng là sẽ ly dị. Anh chị nghĩ chị Phượng có thể biểu lộ sự đồng cảm hơn qua cách nào?

8. Theo 1 Phi-e-rơ 3:1, 2, rất có thể điều gì gây ấn tượng mạnh nhất với người thân?

8 Để hạnh kiểm nói thay cho anh chị. Thường thì người thân sẽ ấn tượng trước những gì chúng ta làm hơn là những gì chúng ta nói. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:1, 2). Chị Phượng đã nhận ra sự thật đó. Chị nói: “Tôi biết anh Quang yêu vợ con và không muốn ly dị. Nhưng khi anh dọa ly dị thì tôi nhận ra là mình cần áp dụng những điều Đức Giê-hô-va dạy về hôn nhân. Thay vì nói nhiều, tôi cần nêu gương qua hạnh kiểm”. Chị Phượng không còn ép anh Quang nói về đề tài Kinh Thánh nữa, nhưng chị bắt đầu nói về những chuyện thường ngày. Anh Quang thấy vợ mình hòa nhã hơn và con trai ngoan ngoãn hơn (Châm 31:18, 27, 28). Khi nhận thấy thông điệp Kinh Thánh tác động tốt đến gia đình, anh Quang đã mở lòng lắng nghe Lời Đức Chúa Trời.—1 Cô 7:12-14, 16.

9. Tại sao chúng ta cần kiên trì trong việc giúp người thân?

9 Kiên trì trong việc giúp người thân. Đức Giê-hô-va nêu gương cho chúng ta về khía cạnh này. “Hết lần này đến lần khác”, ngài cho người ta cơ hội lắng nghe tin mừng và hưởng sự sống (Giê 44:4). Sứ đồ Phao-lô cũng bảo Ti-mô-thê hãy kiên trì trong việc giúp người khác. Tại sao? Bởi khi làm thế, Ti-mô-thê sẽ cứu được chính mình và những người lắng nghe thông điệp (1 Ti 4:16). Vì yêu thương người thân nên chúng ta muốn họ biết những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời. Sau một thời gian, gia đình chị Phượng được tác động tốt bởi lời nói và việc làm của chị. Hiện nay, chị rất vui khi cùng chồng phụng sự Đức Giê-hô-va. Cả hai anh chị đều làm tiên phong, và anh Quang phụng sự với tư cách là trưởng lão.

10. Tại sao chúng ta cần kiên nhẫn?

10 Kiên nhẫn. Khi chúng ta sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, lối sống và niềm tin của chúng ta thay đổi. Có lẽ người thân thấy khó chấp nhận những thay đổi này. Thường thì điều đầu tiên họ thấy là chúng ta không còn tham gia những ngày lễ tôn giáo hay các vấn đề chính trị. Lúc đầu, có lẽ một số người tỏ ra tức giận với chúng ta (Mat 10:35, 36). Nhưng chúng ta không nên mất hy vọng nơi họ. Nếu buông xuôi thì như thể chúng ta đang phán xét họ không xứng đáng nhận được sự sống vĩnh cửu. Đức Giê-hô-va không ban cho chúng ta quyền phán xét người khác; ngài ban quyền đó cho Chúa Giê-su (Giăng 5:22). Nếu chúng ta kiên nhẫn thì với thời gian, có thể người thân của mình sẽ sẵn sàng lắng nghe tin mừng.—Xin xem khung “ Dùng trang web để dạy dỗ”.

11-13. Anh chị học được gì từ cách chị Alice đối xử với cha mẹ?

11 Tế nhị nhưng kiên định (Châm 15:2). Hãy xem kinh nghiệm của chị Alice. Chị tìm hiểu về Đức Giê-hô-va trong thời gian sống xa gia đình; cha mẹ chị là người vô thần và hoạt động chính trị. Chị nhận ra là cần nói với gia đình về những điều chị học càng sớm càng tốt. Chị Alice nói: “Nếu cứ chần chừ không cho gia đình biết về niềm tin của mình thì sau này gia đình sẽ càng bị sốc”. Chị nhiều lần viết thư cho cha mẹ, hỏi xem cha mẹ nghĩ gì về những đề tài Kinh Thánh mà chị nghĩ họ sẽ quan tâm, chẳng hạn như tình yêu thương (1 Cô 13:1-13). Chị cám ơn cha mẹ vì đã nuôi nấng và chăm sóc chị, và cũng gửi quà tặng cha mẹ. Mỗi lần về thăm gia đình, chị luôn cố gắng giúp mẹ làm việc nhà. Lúc đầu, cha mẹ của chị Alice phản ứng tiêu cực khi nghe chị nói về niềm tin mới.

12 Trong thời gian ở nhà, chị Alice vẫn giữ thói quen đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Chị cho biết: “Điều này giúp mẹ tôi hiểu rằng Kinh Thánh quan trọng thế nào với tôi”. Rồi cha của chị Alice quyết định tự tìm hiểu Kinh Thánh để biết điều gì khiến con gái mình thay đổi suy nghĩ, và ông cũng muốn tìm cách bắt bẻ Kinh Thánh. Chị Alice chia sẻ: “Tôi tặng ba một cuốn Kinh Thánh và viết vài dòng trong đó”. Kết quả là gì? Thay vì tìm cách bắt bẻ, cha của chị Alice được tác động sâu sắc bởi những gì đọc được trong Lời Đức Chúa Trời.

13 Chúng ta cần tế nhị nhưng kiên định, ngay cả khi đương đầu với thử thách (1 Cô 4:12b). Chẳng hạn chị Alice phải đương đầu với sự chống đối từ mẹ. Chị nói: “Khi tôi báp-têm, mẹ bảo tôi là ‘đứa con bất hiếu’”. Chị Alice phản ứng thế nào? Chị cho biết: “Thay vì né tránh vấn đề, tôi tôn trọng giải thích lý do mình quyết định trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va và sẽ không thay đổi. Tôi trấn an mẹ rằng tôi rất yêu mẹ, rồi cả hai mẹ con tôi đều khóc. Tôi nấu cho mẹ một bữa ăn ngon. Kể từ đó, mẹ bắt đầu nhận ra là Kinh Thánh đang giúp tôi trở thành người tốt hơn”.

14. Tại sao chúng ta không bao giờ muốn thỏa hiệp trước áp lực?

14 Có lẽ cần thời gian để người thân hiểu việc phụng sự Đức Giê-hô-va quan trọng với chúng ta đến mức nào. Chẳng hạn, khi chị Alice quyết định làm tiên phong thay vì theo đuổi sự nghiệp mà cha mẹ đã chọn cho chị, mẹ chị lại khóc. Nhưng chị Alice vẫn kiên định. Chị Alice nói: “Nếu mình thỏa hiệp trong vấn đề này thì có thể bị gia đình gây áp lực trong vấn đề khác. Nhưng nếu mình giữ lập trường thì vài người thân có thể sẽ lắng nghe tin mừng”. Điều này đúng trong trường hợp của chị Alice. Hiện nay, cha mẹ của chị đều làm tiên phong, và cha của chị là trưởng lão.

HỘI THÁNH CÓ THỂ HỖ TRỢ BẰNG CÁCH NÀO?

Làm thế nào hội thánh có thể giúp những người không cùng đức tin trong gia đình chúng ta? (Xem đoạn 15, 16) *

15. Theo Ma-thi-ơ 5:14-16 và 1 Phi-e-rơ 2:12, “việc tốt lành” của anh em đồng đạo có thể giúp người thân của chúng ta như thế nào?

15 Đức Giê-hô-va dùng “việc tốt lành” của tôi tớ ngài để kéo người ta đến với ngài. (Đọc Ma-thi-ơ 5:14-16; 1 Phi-e-rơ 2:12). Nếu người hôn phối của anh chị không phải là Nhân Chứng thì đã bao giờ họ gặp thành viên trong hội thánh anh chị chưa? Chị Phượng, người được đề cập ở trên, đã mời anh em đồng đạo đến nhà chơi; nhờ thế chồng chị là anh Quang có thể làm quen với họ. Anh Quang nhớ lại hành động của một anh đã giúp anh giải tỏa sự hiểu lầm về Nhân Chứng. Anh Quang cho biết: “Anh Nhân Chứng ấy đã nghỉ làm một ngày để xem thể thao với tôi”. Điều này giúp anh Quang nhận ra ngoài tôn giáo, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng có những sở thích khác.

16. Tại sao chúng ta nên mời người thân tham dự nhóm họp?

16 Một cách tuyệt vời để giúp người thân là mời họ tham dự nhóm họp (1 Cô 14:24, 25). Buổi nhóm họp đầu tiên mà anh Quang tham dự là Lễ Tưởng Niệm, vì chương trình của buổi lễ tương đối ngắn và diễn ra sau giờ làm của anh. Anh chia sẻ: “Tôi không hiểu nội dung của bài giảng, nhưng điều khiến tôi ấn tượng là những người ở đó. Họ niềm nở chào đón và bắt tay tôi. Tôi thấy họ rất chân thành”. Một cặp vợ chồng trong hội thánh đối xử rất nhân từ với chị Phượng, giúp con trai của chị tại các buổi nhóm họp cũng như trong thánh chức. Vì thế, khi anh Quang quyết định tìm hiểu thêm về niềm tin mới của vợ, anh đã nhờ cặp vợ chồng ấy giúp anh học Kinh Thánh.

17. Chúng ta không nên tự trách mình về điều gì? Tại sao chúng ta không nên nghĩ rằng người thân của mình sẽ không thay đổi?

17 Chúng ta mong là tất cả người thân sẽ cùng mình phụng sự Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, dù chúng ta nỗ lực giúp họ trở thành tôi tớ Đức Chúa Trời, có lẽ họ vẫn không theo chân lý. Nếu vậy, chúng ta không nên tự trách mình. Suy cho cùng, chúng ta không thể ép bất cứ ai chấp nhận tin mừng. Nhưng nếu người thân thấy chúng ta có đời sống thỏa nguyện khi phụng sự Đức Giê-hô-va thì điều đó có thể tác động lớn đến họ. Hãy cầu nguyện cho họ. Nói chuyện với họ một cách tế nhị. Và đừng buông xuôi! (Công 20:20). Hãy tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban phước khi anh chị nỗ lực. Nếu người thân của anh chị lắng nghe, họ sẽ được cứu!

BÀI HÁT 57 Rao giảng cho mọi loại người

^ đ. 5 Ai trong chúng ta cũng muốn người thân của mình biết về Đức Giê-hô-va, nhưng họ sẽ phải tự quyết định có phụng sự ngài hay không. Bài này sẽ xem xét những điều chúng ta có thể làm để thu hút người thân lắng nghe tin mừng.

^ đ. 1 Một số tên đã được thay đổi. Trong bài này, từ “người thân” nói đến những thành viên trong gia đình chưa phụng sự Đức Giê-hô-va.

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Một anh trẻ đang giúp người cha không cùng đức tin sửa xe hơi. Vào lúc thích hợp, anh cho người cha xem một video trên jw.org®.

^ đ. 55 HÌNH ẢNH: Một chị chăm chú lắng nghe khi người chồng không cùng đức tin kể về một ngày làm việc bận rộn. Sau đó, chị dành thời gian giải trí cùng gia đình.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Chị mời các thành viên trong hội thánh đến nhà chơi. Các anh chị tỏ lòng quan tâm chân thành và cố gắng làm quen với chồng chị. Sau đó, người chồng tham dự Lễ Tưởng Niệm cùng với chị.