Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 32

Hãy để tình yêu thương ngày càng gia tăng

Hãy để tình yêu thương ngày càng gia tăng

“Tôi luôn cầu nguyện cho tình yêu thương của anh em ngày càng gia tăng”.PHI-LÍP 1:9.

BÀI HÁT 106 Trau dồi đức tính yêu thương

GIỚI THIỆU *

1. Những ai đã giúp thành lập hội thánh ở Phi-líp?

Khi sứ đồ Phao-lô, Si-la, Lu-ca và Ti-mô-thê đến một thuộc địa của La Mã là thành Phi-líp, họ gặp nhiều người chú ý đến thông điệp Nước Trời. Bốn tín đồ sốt sắng ấy đã giúp thành lập hội thánh, rồi tất cả các môn đồ bắt đầu nhóm lại với nhau, rất có thể là tại nhà của một phụ nữ hiếu khách tên Ly-đi.—Công 16:40.

2. Không lâu sau khi được thành lập, hội thánh ở Phi-líp phải đương đầu với thử thách nào?

2 Không lâu sau, hội thánh non trẻ ấy phải đương đầu với thử thách. Sa-tan đã dấy lên những kẻ thù của chân lý chống đối công việc rao giảng của các tín đồ một cách dữ dội. Phao-lô và Si-la bị bắt, phạt trượng, bị bỏ tù. Sau khi được thả ra, họ đến thăm và khích lệ các môn đồ mới. Rồi Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê rời khỏi thành, còn Lu-ca có lẽ vẫn ở lại đó. Hội thánh mới thành lập sẽ ra sao? Với sự trợ giúp của thần khí, các môn đồ mới tiếp tục tấn tới trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va (Phi-líp 2:12). Chắc chắn, Phao-lô có mọi lý do để hãnh diện về họ!

3. Như được ghi nơi Phi-líp 1:9-11, Phao-lô đã cầu nguyện về điều gì?

3 Khoảng mười năm sau, Phao-lô viết một lá thư gửi cho hội thánh ở Phi-líp. Khi đọc lá thư ấy, chúng ta có thể dễ nhận thấy tình yêu thương mà Phao-lô dành cho anh em. Ông viết: “Tôi nhớ hết thảy anh em biết dường nào, với lòng trìu mến giống như Chúa Giê-su Ki-tô” (Phi-líp 1:8). Ông viết rằng ông luôn cầu nguyện cho họ. Ông xin Đức Giê-hô-va giúp họ ngày càng gia tăng tình yêu thương, nhận biết những điều quan trọng hơn, không bị tì vết, tránh làm người khác vấp ngã và sinh trái công chính. Hẳn anh chị đồng ý là ngày nay mình cũng có thể nhận được lợi ích từ những lời chân thành của Phao-lô. Vì thế, hãy cùng đọc những gì Phao-lô viết cho các tín đồ ở Phi-líp. (Đọc Phi-líp 1:9-11). Sau đó, chúng ta sẽ xem xét những điểm mà ông nhắc đến và thảo luận cách áp dụng từng điểm.

GIA TĂNG TÌNH YÊU THƯƠNG

4. (a) Theo 1 Giăng 4:9, 10, Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương dành cho chúng ta qua cách nào? (b) Chúng ta nên yêu thương Đức Chúa Trời đến mức nào?

4 Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương bao la của ngài qua việc sai Con một xuống đất để hy sinh mạng sống vì tội lỗi chúng ta. (Đọc 1 Giăng 4:9, 10). Tình yêu thương bất vị kỷ của Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta yêu thương ngài (Rô 5:8). Chúng ta nên yêu thương ngài đến mức nào? Chúa Giê-su trả lời câu hỏi này khi nói với một người Pha-ri-si: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí” (Mat 22:36, 37). Chúng ta không muốn yêu thương Đức Chúa Trời cách nửa vời. Thay vì thế, chúng ta muốn tình yêu thương mà mình dành cho ngài mỗi ngày một sâu đậm. Phao-lô khuyên các tín đồ ở Phi-líp hãy để tình yêu thương của họ “ngày càng gia tăng”. Chúng ta có thể làm gì để củng cố tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời?

5. Làm thế nào để tình yêu thương của chúng ta ngày càng sâu đậm?

5 Để yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta cần biết về ngài. Kinh Thánh nói: “Người nào không yêu thương là không nhận biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Sứ đồ Phao-lô cho biết tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời sẽ sâu đậm hơn khi chúng ta gia tăng sự hiểu biết chính xác về ngài và hiểu lối suy nghĩ của ngài (Phi-líp 1:9). Khi mới học Kinh Thánh, chúng ta bắt đầu yêu thương Đức Giê-hô-va dựa trên sự hiểu biết cơ bản về những đặc tính tuyệt vời của ngài. Rồi khi càng học về Đức Giê-hô-va, chúng ta càng yêu thương ngài. Đó là lý do chúng ta xem việc đều đặn học và suy ngẫm Kinh Thánh là một trong những điều quan trọng nhất trong đời sống!—Phi-líp 2:16.

6. Theo 1 Giăng 4:11, 20, 21, chúng ta nên được thúc đẩy làm gì để gia tăng tình yêu thương?

6 Tình yêu thương bao la của Đức Chúa Trời sẽ thúc đẩy chúng ta yêu thương anh em. (Đọc 1 Giăng 4:11, 20, 21). Có lẽ chúng ta nghĩ việc yêu thương anh em là điều hiển nhiên. Suy cho cùng, chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va và cố gắng bắt chước những phẩm chất của ngài. Chúng ta noi gương Chúa Giê-su, đấng đã yêu thương chúng ta đến mức hy sinh mạng sống vì mình. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta thấy khó để vâng theo mệnh lệnh yêu thương nhau. Hãy xem một trường hợp trong hội thánh Phi-líp.

7. Chúng ta học được gì từ lời khuyên của Phao-lô dành cho Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ?

7 Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ là hai nữ tín đồ sốt sắng phụng sự “chung vai sát cánh” cùng với sứ đồ Phao-lô. Nhưng có lẽ họ đã để sự khác biệt về tính cách làm rạn nứt mối quan hệ của họ. Trong lá thư gửi cho hội thánh nơi hai tín đồ ấy phụng sự, Phao-lô nhắc cụ thể tên của Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ; ông thẳng thắn khuyên họ hãy “có cùng tư tưởng trong Chúa” (Phi-líp 4:2, 3). Phao-lô cũng được thôi thúc để đưa ra chỉ dẫn cho cả hội thánh: “Hãy tiếp tục làm mọi việc mà không cằn nhằn và cãi cọ” (Phi-líp 2:14). Chắc chắn, lời khuyên thẳng thắn này không chỉ giúp hai chị trung thành ấy mà còn giúp cả hội thánh củng cố tình yêu thương với nhau.

Tại sao chúng ta cần giữ cái nhìn tích cực về anh em? (Xem đoạn 8) *

8. Điều gì có thể cản trở chúng ta yêu thương anh em, và làm thế nào để vượt qua điều đó?

8 Như Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ, chúng ta có thể phải đương đầu với một rào cản lớn khiến mình khó yêu thương người khác, đó là khuynh hướng tập trung vào khuyết điểm. Tất cả chúng ta đều mắc lỗi mỗi ngày. Nếu chúng ta cứ chăm chăm vào khuyết điểm của người khác, tình yêu thương của chúng ta dành cho họ sẽ dần nguội lạnh. Chẳng hạn, nếu một anh quên dọn dẹp Phòng Nước Trời, có lẽ chúng ta thấy khó chịu. Rồi nếu bắt đầu liệt kê hết những lỗi khác của anh ấy thì chúng ta sẽ càng thấy khó chịu và khó yêu thương anh ấy như trước. Nếu anh chị ở trong tình huống tương tự, hãy suy ngẫm sự thật này: Đức Giê-hô-va nhìn thấy sự bất toàn của cả chúng ta lẫn của anh em. Nhưng bất kể những khuyết điểm đó, ngài vẫn yêu thương anh em và vẫn yêu thương chúng ta. Vì thế, chúng ta cần bắt chước tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và giữ cái nhìn tích cực về anh em. Khi cố gắng yêu thương anh em, chúng ta sẽ càng hợp nhất với họ.—Phi-líp 2:1, 2.

“NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG HƠN”

9. “Những điều quan trọng hơn” mà Phao-lô nhắc đến trong thư gửi các tín đồ ở Phi-líp bao gồm một số điều nào?

9 Dưới sự soi dẫn của thần khí thánh, Phao-lô đưa ra lời khuyên sau cho các tín đồ ở Phi-líp và tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô, đó là hãy “nhận biết những điều quan trọng hơn” (Phi-líp 1:10). Những điều quan trọng này bao gồm việc danh Đức Giê-hô-va được nên thánh, ý định của ngài được thực hiện cũng như sự bình an và hợp nhất trong hội thánh (Mat 6:9, 10; Giăng 13:35). Khi đặt những điều quan trọng này lên hàng ưu tiên trong đời sống, chúng ta cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va.

10. Chúng ta cần làm gì để được xem là không tì vết?

10 Phao-lô cũng nói là chúng ta phải ‘không tì vết’. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải hoàn hảo. Chúng ta không thể hoàn hảo ở mức độ tuyệt đối giống như Đức Giê-hô-va. Nhưng chúng ta sẽ được ngài xem là không tì vết nếu nỗ lực hết mình để củng cố tình yêu thương và nhận biết những điều quan trọng hơn. Chúng ta có thể thể hiện tình yêu thương qua việc tránh làm người khác vấp ngã.

11. Tại sao chúng ta cần phải tránh làm người khác vấp ngã?

11 Lời khuyên tránh làm người khác vấp ngã thật ra là một lời cảnh báo. Chúng ta có thể làm người khác vấp ngã như thế nào? Đó là qua việc chúng ta lựa chọn giải trí, cách ăn mặc và ngay cả công việc ngoài đời. Có lẽ chúng ta không làm điều gì sai. Nhưng nếu những lựa chọn của mình làm tổn thương lương tâm của người khác và khiến họ vấp ngã, thì đó là vấn đề nghiêm trọng. Chúa Giê-su nói rằng nếu chúng ta làm vấp ngã một trong những con chiên của ngài thì thà chúng ta bị tròng cối đá vào cổ và chìm dưới biển khơi thì tốt hơn!—Mat 18:6.

12. Chúng ta học được gì từ gương của một cặp vợ chồng tiên phong?

12 Hãy xem gương của một cặp vợ chồng tiên phong đã khắc ghi lời cảnh báo của Chúa Giê-su. Họ phụng sự trong hội thánh cùng với một cặp vợ chồng mới báp-têm, lớn lên trong gia đình có quan điểm khắt khe. Cặp vợ chồng mới này nghĩ là tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên đi xem phim ngoài rạp, ngay cả những phim có nội dung lành mạnh. Họ bị sốc khi biết rằng cặp vợ chồng tiên phong đã đi xem phim. Sau đó, cặp vợ chồng tiên phong không đi xem phim nữa cho đến khi lương tâm của cặp vợ chồng mới báp-têm được rèn luyện để có quan điểm thăng bằng hơn (Hê 5:14). Qua hành động bất vị kỷ của mình, cặp vợ chồng tiên phong đã cho thấy họ yêu thương anh em không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động.—Rô 14:19-21; 1 Giăng 3:18.

13. Chúng ta có thể xui cho một người phạm tội như thế nào?

13 Chúng ta có thể làm người khác vấp ngã theo một cách khác, đó là xui cho họ phạm tội. Như thế nào? Hãy hình dung tình huống này. Sau một thời gian dài tranh đấu, một học viên Kinh Thánh đã kiểm soát được thói nghiện rượu. Người ấy nhận ra là mình phải hoàn toàn kiêng rượu. Rồi anh thực hiện những thay đổi và hội đủ điều kiện báp-têm. Sau này, một anh trong hội thánh mời anh đến buổi họp mặt và cố ép anh uống rượu khi nói: “Giờ đây, anh đã là một tín đồ; hẳn anh có thần khí của Đức Giê-hô-va. Mà một khía cạnh của thần khí là sự tự chủ. Nếu có tự chủ thì anh sẽ tự biết khi nào nên dừng, đừng lo”. Thật khó tưởng tượng hậu quả sẽ như thế nào nếu anh ấy nghe theo lời khuyên lệch lạc đó!

14. Các buổi nhóm họp giúp chúng ta áp dụng những lời nơi Phi-líp 1:10 như thế nào?

14 Các buổi nhóm họp có thể giúp chúng ta áp dụng những lời nơi Phi-líp 1:10 theo nhiều cách. Thứ nhất, chương trình thiêng liêng bổ dưỡng nhắc chúng ta nhớ đến những điều Đức Giê-hô-va xem là quan trọng. Thứ hai, chúng ta học cách áp dụng những gì mình học để trở nên không tì vết. Và thứ ba, chúng ta được khuyến khích “biểu lộ tình yêu thương và làm việc lành” (Hê 10:24, 25). Càng được anh em khích lệ, chúng ta sẽ càng yêu thương Đức Chúa Trời và anh em. Khi tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và anh em lấp đầy trong lòng, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để tránh làm anh em vấp ngã.

“TRÀN ĐẦY TRÁI CÔNG CHÍNH”

15. Làm thế nào chúng ta được “tràn đầy trái công chính”?

15 Phao-lô tha thiết cầu nguyện cho các tín đồ ở Phi-líp sẽ được “tràn đầy trái công chính” (Phi-líp 1:11). Chắc chắn “trái công chính” bao gồm tình yêu thương của họ dành cho Đức Giê-hô-va và dân ngài. Ngoài ra, “trái công chính” này cũng nói đến việc họ chia sẻ niềm tin nơi Chúa Giê-su và hy vọng tuyệt vời cho người khác. Nơi Phi-líp 2:15, ông dùng một minh họa khác về việc “chiếu sáng như những ngọn đèn trong thế gian”. Minh họa này thích hợp vì Chúa Giê-su cũng gọi các môn đồ là “ánh sáng của thế gian” (Mat 5:14-16). Ngài cũng lệnh cho những người theo ngài đi ‘đào tạo môn đồ’ và nói rằng họ sẽ ‘làm chứng cho đến tận cùng trái đất’ (Mat 28:18-20; Công 1:8). Chúng ta sinh “trái công chính” khi sốt sắng tham gia công việc quan trọng nhất này.

Khi bị quản thúc tại Rô-ma, Phao-lô viết thư cho hội thánh ở Phi-líp. Trong thời gian đó, Phao-lô cũng tận dụng cơ hội để rao giảng cho lính canh và những người đến thăm ông (Xem đoạn 16)

16. Làm thế nào Phi-líp 1:12-14 cho thấy chúng ta có thể chiếu sáng như những ngọn đèn dù ở trong hoàn cảnh khó khăn? (Xem hình nơi trang bìa).

16 Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có thể chiếu sáng như những ngọn đèn. Trong vài trường hợp, điều có vẻ như ngăn cản chúng ta rao truyền tin mừng lại trở thành cơ hội để rao giảng. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô đang bị giam lỏng tại Rô-ma khi ông viết thư cho các tín đồ ở Phi-líp. Nhưng xiềng xích không ngăn cản ông rao giảng cho lính canh và những người đến thăm. Ngay cả trong hoàn cảnh ấy, Phao-lô vẫn sốt sắng rao giảng; điều này đã giúp anh em được vững tin và can đảm để “giảng lời Đức Chúa Trời mà không sợ hãi”.—Đọc Phi-líp 1:12-14; 4:22.

Hãy luôn tìm cách để tham gia trọn vẹn vào thánh chức (Xem đoạn 17) *

17. Hãy nêu một ví dụ cho thấy anh em chúng ta vẫn sinh trái công chính dù ở trong hoàn cảnh khó khăn.

17 Nhiều anh em chúng ta thể hiện lòng can đảm giống như Phao-lô. Họ sống tại những nước mà công việc rao giảng bị hạn chế hoặc không thể đi từng nhà, vì thế họ tìm cách khác để công bố tin mừng (Mat 10:16-20). Tại một nước, giám thị vòng quanh đề nghị các anh chị công bố làm chứng cặn kẽ trong “khu vực” rao giảng của mình, bao gồm họ hàng, hàng xóm, bạn học, đồng nghiệp hay những người quen. Chưa đầy hai năm, số hội thánh trong vòng quanh ấy gia tăng đáng kể. Có lẽ chúng ta không sống tại một nước mà công việc rao giảng bị hạn chế. Nhưng chúng ta có thể rút ra bài học quý giá từ kinh nghiệm này: Đó là hãy luôn tìm ra những cách để tham gia trọn vẹn vào thánh chức, và tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta sức lực cần thiết để vượt qua bất cứ thử thách nào.—Phi-líp 2:13.

18. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

18 Trong thời điểm trọng yếu này, chúng ta cần quyết tâm áp dụng lời khuyên trong lá thư Phao-lô gửi cho các tín đồ ở Phi-líp. Mong sao chúng ta nhận biết những điều quan trọng hơn, không bị tì vết, tránh làm người khác vấp ngã và sinh trái công chính. Khi làm thế, chúng ta sẽ càng gia tăng tình yêu thương và mang lại sự vinh hiển cho Cha yêu thương là Đức Giê-hô-va.

BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”

^ đ. 5 Hiện nay là lúc chúng ta cần củng cố tình yêu thương dành cho anh em hơn bao giờ hết. Lá thư gửi cho các tín đồ ở Phi-líp giúp chúng ta biết cách để gia tăng tình yêu thương, ngay cả khi điều đó không dễ.

^ đ. 54 HÌNH ẢNH: Trong lúc dọn dẹp Phòng Nước Trời, một anh tên Joe ngừng làm việc để nói chuyện với một anh và con trai anh ấy. Điều này khiến anh Mike, là người đang hút bụi, cảm thấy khó chịu. Anh Mike nghĩ: “Đáng lẽ anh Joe nên làm việc thay vì nói chuyện”. Sau đó, anh Mike thấy anh Joe ân cần giúp đỡ một chị lớn tuổi. Cảnh ấm lòng ấy nhắc anh Mike nên tập trung đến những phẩm chất tốt của anh Joe.

^ đ. 58 HÌNH ẢNH: Tại một nước mà công việc rao giảng bị hạn chế, một anh chia sẻ thông điệp Nước Trời cách khéo léo với người quen. Sau đó, lúc nghỉ trưa tại chỗ làm, anh ấy làm chứng cho đồng nghiệp.