Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 32

Bước đi khiêm nhường và khiêm tốn cùng Đức Chúa Trời

Bước đi khiêm nhường và khiêm tốn cùng Đức Chúa Trời

“Bước đi khiêm tốn cùng Đức Chúa Trời mình!”—MI 6:8.

BÀI HÁT 31 Hãy bước đi với Đức Chúa Trời!

GIỚI THIỆU *

1. Đa-vít nói gì về sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va?

Chúng ta có thể gọi Đức Giê-hô-va là đấng khiêm nhường không? Chắc chắn có. Đa-vít từng nói: “Ngài ban cho con tấm khiên giải cứu; nhờ ngài khiêm nhường, con nên cao trọng” (2 Sa 22:36; Thi 18:35). Có lẽ Đa-vít đang hồi tưởng lại ngày mà nhà tiên tri Sa-mu-ên đến nhà cha mình để xức dầu cho vị vua tương lai của Y-sơ-ra-ên. Đa-vít là em út trong tám anh em, nhưng chính ông là người mà Đức Giê-hô-va chọn để thay thế vua Sau-lơ.—1 Sa 16:1, 10-13.

2. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Chắc chắn, Đa-vít đồng ý với lời mà một người viết Thi thiên nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài hạ mình xuống nhìn xem trời đất, nâng người thấp hèn lên,... đặt người ngồi chung với bậc quyền quý” (Thi 113:6-8). Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét gương khiêm nhường của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng xem mình học được gì từ vua Sau-lơ, nhà tiên tri Đa-ni-ên và Chúa Giê-su về tính khiêm tốn.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ GƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

3. Đức Giê-hô-va đối xử với chúng ta như thế nào, và điều này cho biết gì về ngài?

3 Sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va được thấy qua cách ngài đối xử với những người bất toàn thờ phượng ngài. Ngài không chỉ chấp nhận sự thờ phượng của chúng ta mà còn xem chúng ta là bạn (Thi 25:14). Để chúng ta được làm bạn ngài, Đức Giê-hô-va chủ động ban Con một để hy sinh vì tội lỗi của chúng ta. Ngài quả là đấng giàu lòng thương xót và trắc ẩn!

4. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta điều gì, và tại sao?

4 Hãy xem một bằng chứng khác cho thấy Đức Giê-hô-va khiêm nhường. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va đã có thể tạo chúng ta mà không ban cho quyền tự chọn lối sống. Nhưng ngài không làm thế. Đức Giê-hô-va tạo chúng ta theo hình ảnh của ngài và ban cho chúng ta tự do ý chí. Ngài muốn những người hèn mọn như chúng ta phụng sự ngài vì tình yêu thương và nhận thấy việc vâng lời mang lại lợi ích (Phục 10:12; Ê-sai 48:17, 18). Chẳng phải chúng ta nên biết ơn về sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va sao?

Chúa Giê-su ở trên trời. Một số người đồng cai trị đứng bên cạnh ngài. Họ cùng nhìn vô số thiên sứ. Một số thiên sứ đang tiến về phía trái đất để thi hành sứ mạng. Tất cả họ đều được Đức Giê-hô-va ủy quyền (Xem đoạn 5)

5. Đức Giê-hô-va dạy chúng ta khiêm nhường qua cách nào? (Xem hình nơi trang bìa).

5 Đức Giê-hô-va dạy chúng ta khiêm nhường qua cách ngài đối xử với chúng ta. Dù là đấng khôn ngoan nhất trong vũ trụ, nhưng ngài sẵn sàng chấp nhận lời đề nghị của người khác. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va cho phép Con một phụ giúp ngài tạo ra muôn vật (Châm 8:27-30; Cô 1:15, 16). Dù là Đấng Toàn Năng, Đức Giê-hô-va ủy quyền cho người khác. Chẳng hạn, ngài bổ nhiệm Chúa Giê-su làm Vua Nước Trời và giao một số quyền hành cho 144.000 người đồng cai trị với Chúa Giê-su (Lu 12:32). Đức Giê-hô-va huấn luyện Chúa Giê-su để làm Vua kiêm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (Hê 5:8, 9). Ngài cũng huấn luyện những người đồng cai trị với Chúa Giê-su, nhưng không kiểm soát mọi việc họ làm. Thay vì thế, ngài tin tưởng là họ sẽ làm theo ý ngài.—Khải 5:10.

Khi huấn luyện và giao việc cho người khác, chúng ta đang noi gương Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 6, 7) *

6, 7. Chúng ta học được gì từ Cha trên trời về việc ủy quyền cho người khác?

6 Nếu Cha trên trời ủy quyền cho người khác dù ngài không cần ai trợ giúp, chẳng phải chúng ta càng cần làm thế sao? Chẳng hạn, nếu là người chủ gia đình hoặc là trưởng lão, các anh hãy noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách giao việc cho người khác và đừng kiểm soát công việc họ làm. Khi các anh làm thế, không những công việc được hoàn tất mà người khác cũng được huấn luyện và tự tin hơn (Ê-sai 41:10). Những người có quyền hành còn học được gì khác từ Đức Giê-hô-va?

7 Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến ý kiến của các con thần linh (1 Vua 22:19-22). Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể noi gương ngài? Khi thích hợp, hãy hỏi ý kiến của con về cách thực hiện một việc nào đó. Nếu được thì làm theo ý kiến ấy.

8. Đức Giê-hô-va đối xử kiên nhẫn với Áp-ra-ham và Sa-ra như thế nào?

8 Tính khiêm nhường của Đức Giê-hô-va cũng được thể hiện qua sự kiên nhẫn của ngài. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va kiên nhẫn khi những người phụng sự ngài nêu câu hỏi một cách tôn trọng về các quyết định của ngài. Ngài lắng nghe khi Áp-ra-ham bày tỏ sự lo lắng về quyết định của ngài là hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sáng 18:22-33). Cũng hãy nhớ đến cách Đức Giê-hô-va đối xử với vợ ông là Sa-ra. Ngài không cảm thấy bị xúc phạm hoặc tức giận khi bà cười trước lời ngài hứa là sẽ làm cho bà có thai lúc tuổi già (Sáng 18:10-14). Thay vì thế, ngài đối xử với bà một cách tôn trọng.

9. Cha mẹ và trưởng lão có thể học được gì từ gương của Đức Giê-hô-va?

9 Cha mẹ và trưởng lão có thể học được gì từ gương của Đức Giê-hô-va? Anh chị hãy xem xét cách mình phản ứng khi những người dưới quyền không đồng ý với quyết định của mình. Phản ứng đầu tiên của anh chị là sửa họ lại hay cố gắng hiểu quan điểm của họ? Chắc chắn, gia đình và hội thánh nhận được lợi ích khi những người có quyền hành noi gương Đức Giê-hô-va. Đến đây, chúng ta đã thảo luận cách mình có thể học từ gương khiêm nhường của Đức Giê-hô-va. Bây giờ, hãy xem chúng ta học được gì về tính khiêm tốn từ một số nhân vật trong Kinh Thánh.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ MỘT SỐ NHÂN VẬT TRONG KINH THÁNH?

10. Đức Giê-hô-va cho ghi lại các gương khác nhau để giúp chúng ta như thế nào?

10 Là “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại”, Đức Giê-hô-va cho ghi lại những gương khác nhau để chỉ dạy chúng ta (Ê-sai 30:20, 21). Chúng ta học được nhiều điều khi suy ngẫm lời tường thuật về những nhân vật thể hiện các đức tính tin kính, trong đó có khiêm tốn. Chúng ta cũng rút ra bài học khi xem điều xảy ra với các nhân vật không thể hiện những đức tính tốt như thế.—Thi 37:37; 1 Cô 10:11.

11. Chúng ta rút ra bài học nào từ gương xấu của Sau-lơ?

11 Hãy nghĩ đến điều xảy ra với vua Sau-lơ. Lúc đầu Sau-lơ là một chàng trai khiêm tốn. Ông biết giới hạn của mình và do dự nhận thêm trách nhiệm (1 Sa 9:21; 10:20-22). Nhưng với thời gian, Sau-lơ trở nên tự phụ. Không lâu sau khi lên ngôi, ông bộc lộ tính xấu ấy. Vào một dịp, ông mất kiên nhẫn trong khi chờ đợi nhà tiên tri Sa-mu-ên. Thay vì tin cậy là Đức Giê-hô-va sẽ hành động vì dân ngài, Sau-lơ dâng vật tế lễ thiêu dù ông không có quyền làm thế. Hậu quả là ông mất ân huệ của Đức Giê-hô-va, và cuối cùng mất đi vương quyền (1 Sa 13:8-14). Thật khôn ngoan nếu chúng ta rút ra bài học từ gương cảnh báo này và tránh hành động tự phụ! 

12. Đa-ni-ên thể hiện tính khiêm tốn như thế nào? 

12 Khác với Sau-lơ, nhà tiên tri Đa-ni-ên nêu gương tốt. Suốt cuộc đời, Đa-ni-ên là tôi tớ khiêm nhường và khiêm tốn của Đức Giê-hô-va, trong mọi việc, ông đều xin ngài hướng dẫn. Chẳng hạn, khi được Đức Giê-hô-va dùng để giải nghĩa giấc mơ cho Nê-bu-cát-nết-xa, Đa-ni-ên không nhận công trạng về mình, nhưng khiêm tốn quy mọi công trạng và sự vinh hiển cho ngài (Đa 2:26-28). Chúng ta học được gì? Nếu anh em thích các bài giảng của mình hoặc mình đạt được thành quả trong thánh chức, chúng ta nên quy mọi sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va. Chúng ta nên khiêm tốn thừa nhận rằng mình không thể đạt được những thành quả ấy nếu không có sự trợ giúp của ngài (Phi-líp 4:13). Khi có thái độ đó, chúng ta cũng đang noi gương Chúa Giê-su. Tại sao?

13. Theo Giăng 5:19, 30, chúng ta học được gì từ gương khiêm tốn của Chúa Giê-su?

13 Dù là người Con hoàn hảo, Chúa Giê-su vẫn luôn nương cậy Cha. (Đọc Giăng 5:19, 30). Ngài không bao giờ giành quyền của Cha trên trời. Phi-líp 2:6 cho biết rằng ngài “không hề nghĩ đến việc chiếm lấy địa vị ngang hàng với Đức Chúa Trời”. Là người Con biết vâng phục, Chúa Giê-su ý thức được giới hạn của mình và tôn trọng uy quyền của Cha.

Chúa Giê-su biết rõ quyền hạn của ngài (Xem đoạn 14)

14. Khi có người xin một điều ngoài quyền hạn của Chúa Giê-su, ngài phản ứng ra sao?

14 Hãy xem cách phản ứng của Chúa Giê-su khi môn đồ Gia-cơ và Giăng đến cùng mẹ họ để xin một đặc ân mà ngài không có quyền ban cho. Không do dự, Chúa Giê-su nói rằng chỉ có Cha trên trời mới có thể quyết định ai ngồi bên phải hay bên trái ngài trong Nước Trời (Mat 20:20-23). Điều này cho thấy Chúa Giê-su hiểu giới hạn của mình. Ngài rất khiêm tốn, không bao giờ vượt quá quyền hạn mà Đức Giê-hô-va ban cho (Giăng 12:49). Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

Làm thế nào chúng ta có thể noi gương khiêm tốn của Chúa Giê-su? (Xem đoạn 15, 16) *

15, 16. Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên nơi 1 Cô-rinh-tô 4:6 như thế nào?

15 Chúng ta noi gương khiêm tốn của Chúa Giê-su bằng cách áp dụng lời khuyên nơi 1 Cô-rinh-tô 4:6: “Đừng vượt quá lời đã viết”. Khi người khác xin lời khuyên, chúng ta không bao giờ muốn áp đặt quan điểm của mình hoặc hấp tấp nêu ý kiến. Thay vì thế, chúng ta nên hướng họ đến lời khuyên trong Kinh Thánh và ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Điều đó cho thấy chúng ta hiểu giới hạn của mình. Với lòng khiêm tốn, chúng ta hướng người khác đến “các sắc lệnh công chính” của Đấng Toàn Năng.—Khải 15:3, 4.

16 Ngoài việc tôn vinh Đức Giê-hô-va, chúng ta có những lý do khác để khiêm tốn. Giờ đây, hãy xem làm thế nào việc thể hiện tính khiêm nhường và khiêm tốn giúp chúng ta có niềm vui và sự hòa thuận với người khác.

NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG VÀ KHIÊM TỐN NHẬN ĐƯỢC LỢI ÍCH NÀO?

17. Tại sao người khiêm nhường và khiêm tốn thì có niềm vui?

17 Khi thể hiện tính khiêm nhường và khiêm tốn, chúng ta sẽ có niềm vui. Tại sao? Khi hiểu giới hạn của mình, chúng ta sẽ biết ơn và vui mừng trước sự giúp đỡ của người khác. Chẳng hạn, hãy nhớ lại dịp Chúa Giê-su chữa lành cho mười người phong cùi. Chỉ có một người trở lại cám ơn ngài vì đã chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo cho mình, là điều mà ông không thể tự làm. Người đàn ông khiêm nhường và khiêm tốn ấy rất biết ơn về sự giúp đỡ mình nhận được, và tôn vinh Đức Chúa Trời về điều này.—Lu 17:11-19.

18. Làm thế nào tính khiêm nhường và khiêm tốn giúp chúng ta hòa thuận với người khác? (Rô-ma 12:10)

18 Người khiêm nhường và khiêm tốn thường dễ hòa thuận với người khác và có bạn thân. Tại sao? Người ấy thừa nhận rằng người khác có các phẩm chất tốt và sẵn sàng tin cậy họ. Người khiêm nhường và khiêm tốn thì vui khi thấy người khác làm tốt các việc được giao, và nhanh chóng khen cũng như tỏ lòng tôn trọng họ.—Đọc Rô-ma 12:10.

19. Chúng ta nên tránh kiêu ngạo vì một số lý do nào?

19 Trái lại, người kiêu ngạo thì thích được khen thay vì khen người khác. Họ thường so sánh mình với người khác và đẩy mạnh tinh thần ganh đua. Thay vì huấn luyện và giao quyền cho người khác, họ có quan điểm là: “Mình phải tự tay làm thì việc mới thành”. Người kiêu ngạo thường ghen tị và có tham vọng (Ga 5:26). Người như thế thường khó có tình bạn bền vững. Nếu nhận ra mình có khuynh hướng kiêu ngạo, chúng ta nên tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình “biến đổi tâm trí” để kiêu ngạo không trở thành tính cách của mình.—Rô 12:2.

20. Tại sao chúng ta nên là người khiêm nhường và khiêm tốn?

20 Thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va nêu gương cho chúng ta! Ngài thể hiện sự khiêm nhường qua cách đối xử với các tôi tớ, và chúng ta muốn noi gương ngài. Ngoài ra, chúng ta muốn noi gương khiêm tốn của các nhân vật trong Kinh Thánh, là những người có đặc ân bước đi cùng Đức Chúa Trời. Mong sao chúng ta luôn dành cho Đức Giê-hô-va sự tôn kính và vinh hiển mà ngài xứng đáng nhận (Khải 4:11). Khi làm thế, chúng ta cũng có thể bước đi cùng Cha trên trời, đấng yêu thương những người khiêm nhường và khiêm tốn.

BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền

^ đ. 5 Người khiêm nhường thì có lòng thương xót và trắc ẩn. Vì thế, Đức Giê-hô-va là đấng khiêm nhường. Bài này sẽ cho thấy chúng ta có thể học về sự khiêm nhường từ gương của ngài. Chúng ta cũng sẽ xem mình học được gì từ vua Sau-lơ, nhà tiên tri Đa-ni-ên và Chúa Giê-su về tính khiêm tốn.

^ đ. 58 HÌNH ẢNH: Một trưởng lão dành thời gian huấn luyện một anh trẻ để phụ trách các khu vực của hội thánh. Sau đó, anh trưởng lão không kiểm soát công việc nhưng để anh trẻ tự thực hiện.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Một chị hỏi một trưởng lão xem có nên nhận lời mời tham dự đám cưới ở nhà thờ không. Anh trưởng lão không đưa ra ý kiến riêng nhưng cùng chị xem một số nguyên tắc Kinh Thánh.