Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 33

Sự sống lại cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương, khôn ngoan và kiên nhẫn

Sự sống lại cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương, khôn ngoan và kiên nhẫn

“Sẽ có sự sống lại”.—CÔNG 24:15.

BÀI HÁT 151 Chúa sẽ gọi

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao Đức Giê-hô-va bắt đầu công việc sáng tạo?

Có một thời gian chỉ mình Đức Giê-hô-va hiện hữu, nhưng ngài không cảm thấy cô đơn. Đức Giê-hô-va không cần có ai ở bên để làm ngài hạnh phúc. Dù vậy, ngài muốn cho các tạo vật hiện hữu và vui hưởng sự sống. Tình yêu thương thúc đẩy ngài bắt đầu công việc sáng tạo.—Thi 36:9; 1 Giăng 4:19.

2. Chúa Giê-su và các thiên sứ cảm thấy thế nào về công việc sáng tạo của Đức Giê-hô-va?

2 Đầu tiên, Đức Giê-hô-va tạo ra một thần linh cùng làm việc với ngài. Rồi qua Con ấy, “mọi tạo vật khác được dựng nên”, trong đó có hàng triệu tạo vật thần linh (Cô 1:16). Chúa Giê-su vui mừng khi được cùng làm việc với Cha (Châm 8:30). Các thiên sứ cũng có lý do để vui mừng. Họ tận mắt thấy Đức Giê-hô-va và Thợ Cả, là Chúa Giê-su, dựng nên trời và đất. Các thiên sứ phản ứng thế nào? Họ “cất tiếng tung hô” khi trái đất được dựng nên, và chắc chắn họ tiếp tục tung hô sau khi Đức Giê-hô-va hoàn tất mỗi công trình sáng tạo, kể cả kiệt tác cuối cùng là con người (Gióp 38:7; Châm 8:31). Mỗi công trình sáng tạo đều cho thấy tình yêu thương và sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va.—Thi 104:24; Rô 1:20.

3. Theo 1 Cô-rinh-tô 15:21, 22, sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su mở ra cơ hội nào?

3 Đức Giê-hô-va muốn cho gia đình nhân loại hưởng sự sống vĩnh cửu trên hành tinh xinh đẹp mà ngài tạo ra. Nhưng khi A-đam và Ê-va phản nghịch Cha đầy yêu thương, tội lỗi và sự chết bắt đầu bao phủ khắp đất (Rô 5:12). Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? Ngay lập tức, ngài đưa ra cách để giải cứu nhân loại (Sáng 3:15). Đức Giê-hô-va quyết định cung cấp giá chuộc để mở ra cơ hội cho con cháu của A-đam và Ê-va thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Nhờ giá chuộc, mỗi người có thể chọn phụng sự ngài và nhận sự sống vĩnh cửu.—Giăng 3:16; Rô 6:23; đọc 1 Cô-rinh-tô 15:21, 22.

4. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

4 Nhiều câu hỏi có thể được nêu lên liên quan đến lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống lại. Chẳng hạn, sự sống lại hẳn sẽ diễn ra như thế nào? Chúng ta sẽ nhận ra người thân yêu khi họ sống lại không? Sự sống lại mang đến niềm vui cho chúng ta qua những cách nào? Sự sống lại cho chúng ta biết gì về tình yêu thương, sự khôn ngoan và kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va? Hãy cùng xem xét mỗi câu hỏi.

SỰ SỐNG LẠI HẲN SẼ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

5. Tại sao hợp lý để tin rằng người ta sẽ được sống lại một cách có trật tự?

5 Hợp lý để tin rằng khi hàng triệu người được Đức Giê-hô-va làm cho sống lại qua Con ngài, họ sẽ không được sống lại cùng lúc. Tại sao? Vì sự bùng nổ dân số trên đất hẳn sẽ gây ra hỗn loạn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bao giờ làm điều gì một cách mất trật tự. Ngài biết rằng để có sự bình an lâu dài thì cần phải có trật tự (1 Cô 14:33). Sự khôn ngoan và kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va được thấy khi ngài cùng Chúa Giê-su chuẩn bị trái đất theo từng bước một trước khi tạo ra con người. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, Chúa Giê-su cũng sẽ thể hiện các đức tính ấy khi cùng những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn chuẩn bị trái đất để chào đón người được sống lại.

Người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn sẽ dạy người sống lại về Nước Trời và các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 6) *

6. Theo Công vụ 24:15, trong số những người được Đức Giê-hô-va làm cho sống lại, phần lớn sẽ là nhóm người nào?

6 Quan trọng hơn, những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn sẽ cần dạy người được sống lại về Nước Trời và những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì trong số những người được sống lại, phần lớn sẽ là ‘người không công chính’. (Đọc Công vụ 24:15). Họ sẽ phải thay đổi nhiều điều để nhận lợi ích từ giá chuộc của Đấng Ki-tô. Hẳn sẽ có rất nhiều việc để làm khi dạy hàng triệu người chưa biết về Đức Giê-hô-va. Liệu mỗi người sẽ được dạy riêng như cách chúng ta điều khiển cuộc học hỏi ngày nay không? Có phải họ sẽ được chỉ định vào các hội thánh và được huấn luyện để dạy những người sống lại sau đó? Chúng ta phải chờ xem. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng đến cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, “trái đất sẽ tràn đầy tri thức về Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:9). Quả là thời kỳ đầy bận rộn và vui mừng!

7. Điều gì giúp dân Đức Chúa Trời có sự đồng cảm khi dạy những người được sống lại?

7 Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Ki-tô, tất cả con cái trên đất của Đức Giê-hô-va vẫn phải thay đổi để làm vui lòng ngài. Vì thế, họ sẽ có sự đồng cảm khi giúp những người sống lại kháng cự khuynh hướng tội lỗi và sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va (1 Phi 3:8). Chắc chắn, những người sống lại sẽ được thu hút đến với dân khiêm nhường của ngài, là những người cũng “nỗ lực để được cứu rỗi”.—Phi-líp 2:12.

CHÚNG TA SẼ NHẬN RA NGƯỜI THÂN YÊU KHI HỌ SỐNG LẠI KHÔNG?

8. Tại sao hợp lý để tin rằng chúng ta sẽ nhận ra người thân yêu khi họ được sống lại?

8 Có nhiều lý do để tin rằng chúng ta sẽ nhận ra người thân yêu khi họ được sống lại. Chẳng hạn, những trường hợp sống lại trong quá khứ cho thấy dường như Đức Giê-hô-va sẽ tái tạo con người với ngoại hình, giọng nói và suy nghĩ giống như không lâu trước khi họ qua đời. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su ví sự chết như giấc ngủ và sự sống lại như việc được đánh thức khi đang ngủ (Mat 9:18, 24; Giăng 11:11-13). Sau khi được đánh thức, họ có ngoại hình và giọng nói giống như trước khi ngủ, và vẫn còn ký ức. Hãy xem trường hợp của La-xa-rơ. Ông đã chết được bốn ngày, nên thi thể bắt đầu mục rữa. Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su làm La-xa-rơ sống lại, các chị gái liền nhận ra ông, và rõ ràng là ông vẫn nhớ họ.—Giăng 11:38-44; 12:1, 2.

9. Tại sao người được sống lại sẽ không có cơ thể và trí óc hoàn hảo ngay lập tức?

9 Đức Giê-hô-va hứa rằng không ai sống dưới sự cai trị của Đấng Ki-tô sẽ nói: “Tôi đau ốm” (Ê-sai 33:24; Rô 6:7). Vì thế, người sống lại sẽ được tái tạo với cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, họ sẽ không hoàn hảo ngay lập tức. Nếu họ được làm cho hoàn hảo ngay thì có lẽ người thân sẽ không nhận ra họ. Dường như tất cả nhân loại sẽ dần dần tiến đến sự hoàn hảo trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Ki-tô. Phải đến cuối một ngàn năm, Chúa Giê-su mới giao Nước lại cho Cha. Rồi Nước Trời sẽ làm xong nhiệm vụ, kể cả việc đưa nhân loại đến tình trạng hoàn hảo.—1 Cô 15:24-28; Khải 20:1-3.

SỰ SỐNG LẠI MANG ĐẾN NIỀM VUI QUA NHỮNG CÁCH NÀO?

10. Sự sống lại sẽ tác động đến anh chị ra sao?

10 Hãy hình dung cảnh tượng anh chị chào đón người thân yêu được sống lại. Anh chị sẽ cười rạng rỡ hay khóc vỡ òa? Anh chị sẽ vui mừng cất cao giọng hát ngợi khen Đức Giê-hô-va không? Một điều chắc chắn là anh chị sẽ cảm thấy yêu thương tha thiết Cha đầy lòng quan tâm và người Con bất vị kỷ của ngài vì món quà tuyệt vời là sự sống lại.

11. Theo lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 5:28, 29, những người sống theo tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời sẽ nhận được điều gì?

11 Hãy nghĩ xem những người được sống lại sẽ vui mừng như thế nào khi lột bỏ nhân cách cũ và sống theo tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời. Họ sẽ được “sống lại để sống”. Còn những ai chống lại ngài sẽ không được sống để phá vỡ sự bình an trong địa đàng.—Đọc Giăng 5:28, 29; Ê-sai 65:20.

12. Dân Đức Giê-hô-va sẽ được ngài ban ân phước như thế nào?

12 Dưới sự cai trị của Nước Trời, dân Đức Chúa Trời sẽ cảm nghiệm được sự chân thật của câu Châm ngôn 10:22: “Ân phước Đức Giê-hô-va làm cho giàu có, ngài cũng chẳng thêm đau khổ lẫn vào”. Với sự trợ giúp của thần khí, dân ngài sẽ trở nên giàu có về thiêng liêng, tức là họ ngày càng giống với Đấng Ki-tô và dần đạt đến tình trạng hoàn hảo (Giăng 13:15-17; Ê-phê 4:23, 24). Mỗi ngày họ sẽ khỏe mạnh hơn và là người tốt hơn. Cuộc sống lúc đó hạnh phúc biết bao! (Gióp 33:25). Nhưng suy ngẫm về sự sống lại có thể giúp anh chị như thế nào ngay bây giờ?

HIỂU VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

13. Theo Thi thiên 139:1-4, Đức Giê-hô-va biết chúng ta rõ đến mức nào, và điều này được chứng thực ra sao qua sự sống lại?

13 Như đã nói ở trên, khi làm cho người chết sống lại, Đức Giê-hô-va sẽ khôi phục ký ức và tính tình trước đây của họ để họ vẫn là chính mình. Hãy thử nghĩ điều đó có nghĩa gì? Đức Giê-hô-va yêu thương anh chị nhiều đến mức chú ý và nhớ mọi suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động của anh chị. Vì thế, nếu anh chị qua đời, ngài sẽ dễ dàng khôi phục ký ức và tính tình của anh chị. Vua Đa-vít hiểu rằng Đức Giê-hô-va biết rõ mỗi chúng ta. (Đọc Thi thiên 139:1-4). Chúng ta nên cảm thấy ra sao khi nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va biết rõ mình?

14. Chúng ta nên cảm thấy ra sao khi nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va biết rõ mình?

14 Khi nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va biết rõ mình, chúng ta không nên cảm thấy lo lắng. Tại sao? Hãy nhớ rằng ngài quan tâm sâu xa đến chúng ta. Ngài quý trọng tính cách riêng của mỗi người. Ngài rất chú ý đến những trải nghiệm trong đời sống tạo nên tính cách ấy. Thật an ủi biết bao! Chúng ta không bao giờ đơn độc. Trong mỗi phút giây, Đức Giê-hô-va đều ở bên chúng ta, tìm cơ hội để giúp đỡ chúng ta.—2 Sử 16:9.

HIỂU VỀ SỰ KHÔN NGOAN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15. Tại sao sự sống lại là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va khôn ngoan?

15 Mối đe dọa về cái chết là vũ khí rất lợi hại. Những người ở dưới sự kiểm soát của Sa-tan dùng vũ khí này để ép người ta phản bội bạn bè hoặc từ bỏ niềm tin. Nhưng nó vô hiệu với chúng ta. Chúng ta biết nếu bị kẻ thù giết, Đức Giê-hô-va sẽ khôi phục sự sống cho mình (Khải 2:10). Chúng ta tin chắc rằng không điều gì có thể ngăn cách mình khỏi ngài (Rô 8:35-39). Việc ban hy vọng về sự sống lại cho thấy Đức Giê-hô-va khôn ngoan biết bao! Qua hy vọng đó, ngài tước bỏ một trong những vũ khí lợi hại nhất của Sa-tan, đồng thời ban cho chúng ta lòng can đảm không gì lay chuyển được.

Các quyết định của chúng ta có cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo nhu cầu vật chất cho mình không? (Xem đoạn 16) *

16. Anh chị cần tự hỏi điều gì, và làm thế nào câu trả lời cho thấy mức độ anh chị tin cậy Đức Giê-hô-va?

16 Nếu bị kẻ thù của Đức Giê-hô-va dọa giết, anh chị có tin rằng ngài sẽ khôi phục sự sống cho mình không? Làm sao để biết chắc lúc đó anh chị sẽ tin như thế? Một cách là tự hỏi: “Mình có tin cậy Đức Giê-hô-va khi quyết định những việc nhỏ không?” (Lu 16:10). Một câu hỏi khác có thể là: “Lối sống của mình có cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo nhu cầu vật chất cho mình nếu tìm kiếm Nước Trời trước hết không?” (Mat 6:31-33). Nếu trả lời “có” cho những câu hỏi đó, anh chị cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va và sẵn sàng đương đầu với bất cứ thử thách nào có thể xảy đến với mình.—Châm 3:5, 6.

HIỂU VỀ SỰ KIÊN NHẪN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

17. (a) Làm thế nào sự sống lại cho thấy Đức Giê-hô-va kiên nhẫn? (b) Chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn về sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

17 Đức Giê-hô-va đã ấn định ngày giờ cụ thể để chấm dứt thế gian này (Mat 24:36). Ngài sẽ không mất kiên nhẫn và ra tay trước thời điểm ấy. Dù mong mỏi làm người chết sống lại, nhưng Đức Giê-hô-va rất kiên nhẫn (Gióp 14:14, 15). Ngài chờ đợi đến đúng thời điểm để làm họ sống lại (Giăng 5:28). Chúng ta có lý do chính đáng để biết ơn về lòng kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va. Hãy thử nghĩ: Vì ngài kiên nhẫn nên nhiều người, kể cả chúng ta, có thời gian để ăn năn (2 Phi 3:9). Đức Giê-hô-va muốn càng nhiều người càng tốt có cơ hội nhận sự sống vĩnh cửu. Vì thế, chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn về sự kiên nhẫn của ngài bằng cách sốt sắng tìm kiếm những người “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu”, cũng như giúp họ yêu mến và phụng sự ngài (Công 13:48). Rồi họ cũng sẽ nhận được lợi ích nhờ lòng kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va giống như chúng ta.

18. Tại sao chúng ta nên kiên nhẫn với người khác?

18 Từ nay cho đến cuối một ngàn năm, Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo, ngài sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Vì thế, chúng ta có lý do để tìm điểm tốt nơi người khác và kiên nhẫn với họ. Hãy xem gương của một chị có chồng mắc chứng rối loạn lo âu và anh ngừng đi nhóm họp. Chị kể: “Thử thách ấy rất khó với tôi. Mọi kế hoạch cho tương lai của vợ chồng tôi bị đảo lộn”. Tuy nhiên, trong suốt thời gian khó khăn ấy, chị đã yêu thương và kiên nhẫn với chồng. Chị nương cậy Đức Giê-hô-va và không bao giờ bỏ cuộc. Noi gương ngài, chị không tập trung vào vấn đề nhưng tập trung vào điểm tốt của chồng. Chị nói: “Chồng tôi có những đức tính tuyệt vời, và anh ấy cố gắng từng chút một để hồi phục”. Việc kiên nhẫn với những người trong gia đình và hội thánh đang cố gắng vượt qua khó khăn quan trọng biết bao!

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

19 Chúa Giê-su và các thiên sứ vui mừng khi trái đất được dựng nên. Hẳn họ còn vui mừng hơn khi thấy khắp đất đều là những người hoàn hảo, yêu thương và phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy tưởng tượng những người đồng cai trị với Đấng Ki-tô sẽ vui mừng thế nào khi thấy nhân loại nhận được lợi ích nhờ công việc của họ (Khải 4:4, 9-11; 5:9, 10). Cũng hãy hình dung đời sống sẽ ra sao khi những giọt lệ sầu đau được thay bằng những giọt lệ vui mừng, và khi bệnh tật, sự đau buồn và cái chết sẽ mãi mãi không còn (Khải 21:4). Từ nay cho đến lúc đó, hãy quyết tâm noi gương Cha đầy yêu thương, khôn ngoan và kiên nhẫn của chúng ta. Nhờ thế, anh chị sẽ giữ được niềm vui dù gặp bất cứ thử thách nào (Gia 1:2-4). Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì đã hứa là “sẽ có sự sống lại”!—Công 24:15.

BÀI HÁT 141 Điều kỳ diệu của sự sống

^ đ. 5 Đức Giê-hô-va là Cha đầy yêu thương, khôn ngoan và kiên nhẫn. Các đức tính ấy được thể hiện qua cách ngài tạo ra muôn vật và qua ý định của ngài về sự sống lại. Bài này sẽ thảo luận một số câu hỏi mà chúng ta có thể nêu lên về sự sống lại, cũng như cho thấy cách mình có thể tỏ lòng biết ơn về tình yêu thương, sự khôn ngoan và kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Một thổ dân châu Mỹ qua đời cách đây hàng trăm năm được sống lại trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Một anh sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn vui mừng dạy người ấy những điều cần thiết để nhận lợi ích từ giá chuộc.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Một anh nói với ông chủ rằng có một số ngày trong tuần anh không thể làm việc ngoài giờ. Anh giải thích rằng vào buổi tối của những ngày đó, anh có các hoạt động thờ phượng. Nhưng vào những ngày khác anh sẵn sàng làm thêm nếu có gì cần gấp.