Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 35

Tôn trọng vị thế của các anh chị trong hội thánh

Tôn trọng vị thế của các anh chị trong hội thánh

“Mắt không thể nói với tay: ‘Tôi không cần anh’, hoặc đầu cũng không thể nói với chân: ‘Tôi không cần các anh’”.—1 CÔ 12:21.

BÀI HÁT 124 Luôn trung thành

GIỚI THIỆU *

1. Đức Giê-hô-va ban cho mỗi tôi tớ trung thành điều gì?

Đức Giê-hô-va yêu thương ban cho mỗi tôi tớ trung thành một vị thế trong hội thánh. Dù có vị thế khác nhau nhưng tất cả chúng ta đều quý giá và cần đến nhau. Sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta hiểu bài học quan trọng này. Như thế nào?

2. Theo Ê-phê-sô 4:16, tại sao chúng ta cần quý trọng nhau và hợp tác với nhau?

2 Như được ghi nơi câu Kinh Thánh chủ đề của bài này, Phao-lô nhấn mạnh rằng không ai trong chúng ta có thể nói với tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va: “Tôi không cần anh” (1 Cô 12:21). Để hội thánh có sự bình an, chúng ta phải quý trọng nhau và hợp tác với nhau. (Đọc Ê-phê-sô 4:16). Khi hợp nhất làm việc với nhau, hội thánh sẽ được vững mạnh trong tình yêu thương.

3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

3 Làm thế nào để cho thấy chúng ta tôn trọng các anh chị khác trong hội thánh? Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét cách các trưởng lão có thể tôn trọng lẫn nhau. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận cách để cho thấy mình quý trọng các anh chị độc thân. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem cách mình tỏ lòng quý trọng những anh chị không nói thành thạo ngôn ngữ của chúng ta.

TÔN TRỌNG CÁC TRƯỞNG LÃO KHÁC

4. Các trưởng lão nên làm theo lời khuyên nào của Phao-lô nơi Rô-ma 12:10?

4 Tất cả các trưởng lão đều được thần khí thánh của Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Tuy nhiên, mỗi người có khả năng khác nhau (1 Cô 12:17, 18). Một số anh mới được bổ nhiệm và ít kinh nghiệm. Số khác bị giới hạn bởi tuổi già và sức khỏe kém. Dù vậy, bất cứ trưởng lão nào cũng không nên xem thường trưởng lão khác, như thể nói: “Tôi không cần anh”. Thay vì thế, mỗi trưởng lão nên làm theo lời khuyên của Phao-lô nơi Rô-ma 12:10.—Đọc.

Các trưởng lão tôn trọng lẫn nhau bằng cách cẩn thận lắng nghe nhau (Xem đoạn 5, 6)

5. Làm thế nào các trưởng lão tỏ lòng tôn trọng nhau, và tại sao điều này rất quan trọng?

5 Các trưởng lão cho thấy họ tôn trọng nhau bằng cách cẩn thận lắng nghe nhau. Điều này đặc biệt quan trọng khi họ họp lại để thảo luận các vấn đề hệ trọng. Tại sao? Hãy lưu ý điều mà Tháp Canh ngày 1-7-1989 nói: “Các trưởng lão sẽ nhìn nhận rằng đấng Christ có thể dùng thánh linh điều khiển tâm trí của một trưởng lão trong hội đồng trưởng lão để nêu ra nguyên tắc Kinh-thánh cần yếu để đối phó với bất cứ tình thế nào hoặc làm bất cứ quyết định quan trọng nào (Công-vụ các Sứ-đồ 15:6-15). Không một trưởng lão nào có độc quyền nhận được thánh linh ban cho hội đồng trưởng lão”.

6. Làm thế nào các trưởng lão có thể làm việc với nhau trong sự hợp nhất, và khi đó hội thánh sẽ được lợi ích ra sao?

6 Một trưởng lão tôn trọng trưởng lão khác sẽ không cố giành nói trước và nói hết trong buổi họp trưởng lão. Anh không cho rằng ý kiến của mình luôn đúng. Thay vì thế, anh nêu ý kiến với thái độ khiêm nhường. Anh cẩn thận lắng nghe ý kiến của các anh khác. Quan trọng hơn, anh sẵn sàng chia sẻ các nguyên tắc Kinh Thánh và làm theo sự chỉ dẫn của “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45-47). Khi các trưởng lão thảo luận vấn đề trong bầu không khí yêu thương và tôn trọng, thần khí thánh sẽ ngự trị và hướng dẫn họ đưa ra những quyết định giúp hội thánh được củng cố.—Gia 3:17, 18.

TÔN TRỌNG CÁC ANH CHỊ ĐỘC THÂN

7. Chúa Giê-su có quan điểm nào về đời sống độc thân?

7 Ngày nay, dù trong hội thánh có các gia đình và cặp vợ chồng, nhưng cũng có nhiều anh chị độc thân. Chúng ta nên có quan điểm nào về các anh chị độc thân? Hãy xem quan điểm của Chúa Giê-su về đời sống độc thân. Trong thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã không kết hôn. Ngài sống độc thân, dồn thời gian và tâm trí để thi hành sứ mạng. Chúa Giê-su không bao giờ dạy là phải kết hôn hay phải sống độc thân. Tuy nhiên, ngài nói rằng một số tín đồ sẽ chọn sống độc thân (Mat 19:11, 12). Chúa Giê-su tôn trọng những người độc thân. Ngài không xem họ là thấp kém hay thiếu sót về mặt nào đó.

8. Theo 1 Cô-rinh-tô 7:7-9, Phao-lô khuyến khích các tín đồ xem xét điều gì?

8 Như Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô cũng thi hành thánh chức với tư cách là người độc thân. Ông không bao giờ dạy rằng việc kết hôn là sai. Ông công nhận đây là quyết định cá nhân. Dù vậy, Phao-lô khuyến khích các tín đồ xem xét liệu họ có thể sống độc thân để phụng sự Đức Giê-hô-va không. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:7-9). Điều đó cho thấy Phao-lô không xem thường các tín đồ độc thân. Thật vậy, ông chọn chàng trai trẻ Ti-mô-thê, là người độc thân, để đảm nhận các trọng trách * (Phi-líp 2:19-22). Rõ ràng, sẽ là sai nếu dựa vào việc một anh đã kết hôn hay chưa để xác định anh ấy có hội đủ điều kiện hay không.—1 Cô 7:32-35, 38.

9. Chúng ta có thể nói gì về việc kết hôn và sống độc thân?

9 Cả Chúa Giê-su và Phao-lô đều không dạy rằng phải kết hôn hoặc phải sống độc thân. Vậy chúng ta có thể nói gì về việc kết hôn và sống độc thân? Tháp Canh ngày 1-10-2012 nói một điều rất khích lệ: “Quả thật, cả hai [kết hôn và độc thân] đều có thể được xem là món quà của Đức Chúa Trời... Đức Giê-hô-va không xem [độc thân] là một điều hổ thẹn hay đau khổ”. Dựa trên quan điểm đó, chúng ta cần tôn trọng vị thế của các anh chị độc thân trong hội thánh.

Vì muốn tôn trọng cảm xúc của các anh chị độc thân, chúng ta nên tránh điều gì? (Xem đoạn 10)

10. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng các anh chị độc thân?

10 Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng cảm xúc và hoàn cảnh của các anh chị độc thân? Hãy nhớ rằng một số tín đồ đặt mục tiêu sống độc thân. Số khác thì muốn kết hôn nhưng chưa tìm được người phù hợp. Còn một số có lẽ đã mất bạn đời. Dù trong trường hợp nào, các anh chị khác có nên hỏi người độc thân là tại sao họ chưa kết hôn, hoặc đề nghị tìm bạn đời giúp họ không? Dĩ nhiên, một số anh chị độc thân có thể xin được giúp đỡ như thế, nhưng nếu họ không xin thì những lời đề nghị ấy có thể khiến họ cảm thấy thế nào? (1 Tê 4:11; 1 Ti 5:13). Hãy cùng xem một số lời nhận xét của những anh chị độc thân trung thành.

11, 12. Điều gì có thể khiến các anh chị độc thân cảm thấy nản lòng?

11 Một anh giám thị vòng quanh độc thân, là người rất hữu hiệu trong nhiệm vụ, cảm thấy đời sống độc thân mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, anh nói rằng mình cảm thấy nản lòng khi các anh chị có ý tốt cứ hỏi: “Sao anh chưa kết hôn?”. Một anh độc thân phụng sự ở văn phòng chi nhánh nói: “Một số anh chị cảm thấy tội nghiệp cho những người độc thân. Điều này làm cho việc sống độc thân có vẻ là gánh nặng thay vì món quà”.

12 Một chị độc thân phụng sự ở Bê-tên nói: “Một số anh chị cho rằng mọi người độc thân đều tìm kiếm bạn đời hoặc mọi người độc thân đều tận dụng các buổi họp mặt để tìm bạn đời. Khi đi công tác ở một vùng khác trong nước, tôi đến vào tối mà có buổi nhóm họp. Chị cho tôi ở nhờ đã nói là có hai anh trong hội thánh trạc tuổi tôi. Chị cam đoan là chị không có ý mai mối. Nhưng ngay khi vào Phòng Nước Trời, chị kéo tôi đến gặp hai anh ấy. Khỏi phải nói, tình huống đó khiến cả ba chúng tôi đều cảm thấy lúng túng”.

13. Những gương nào đã khích lệ một chị độc thân?

13 Một chị độc thân khác phụng sự ở Bê-tên nói: “Tôi biết một số anh chị độc thân lớn tuổi rất thăng bằng, có tinh thần hy sinh và có mục tiêu rõ ràng. Họ thỏa nguyện trong việc phụng sự và đóng góp nhiều cho hội thánh. Họ có quan điểm thăng bằng về đời sống độc thân, không cảm thấy mình tốt hơn người khác khi sống độc thân hoặc kém cỏi khi không có bạn đời”. Hẳn chúng ta thích ở trong một hội thánh mà mọi người đều tôn trọng và quý mến nhau. Chúng ta sẽ không cảm thấy người khác tội nghiệp cho mình, đố kỵ mình, không màng đến mình hoặc tâng bốc mình. Chúng ta sẽ thấy mình là một phần của hội thánh.

14. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng các anh chị độc thân?

14 Các anh chị độc thân sẽ biết ơn nếu chúng ta yêu quý họ vì phẩm chất của họ, chứ không phải vì họ độc thân. Thay vì cảm thấy tội nghiệp cho họ, chúng ta nên quý trọng lòng trung thành của họ. Nhờ thế, họ sẽ không bao giờ cảm thấy như thể chúng ta nói với họ: “Tôi không cần anh” (1 Cô 12:21). Trái lại, họ sẽ cảm thấy chúng ta quý trọng họ và vị thế của họ trong hội thánh.

TÔN TRỌNG CÁC ANH CHỊ KHÔNG THÀNH THẠO NGÔN NGỮ CỦA CHÚNG TA

15. Một số anh chị thực hiện những thay đổi nào để mở rộng thánh chức?

15 Trong những năm gần đây, nhiều người công bố đặt mục tiêu học ngôn ngữ khác để mở rộng thánh chức. Điều này đòi hỏi họ phải thực hiện nhiều thay đổi. Họ phải rời hội thánh trong tiếng mẹ đẻ để phụng sự ở hội thánh nói ngôn ngữ khác tại nơi có nhu cầu lớn hơn (Công 16:9). Đây là quyết định của cá nhân họ nhằm đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời. Dù có thể phải mất nhiều năm để nói thành thạo ngôn ngữ mới nhưng họ giúp ích rất nhiều cho hội thánh. Các phẩm chất và kinh nghiệm của họ giúp củng cố hội thánh. Chúng ta quý trọng những anh chị có tinh thần hy sinh như thế!

16. Các trưởng lão dựa vào đâu để xác định một anh hội đủ điều kiện làm trưởng lão hay phụ tá hội thánh?

16 Hội đồng trưởng lão sẽ không ngại đề cử một anh làm trưởng lão hay phụ tá hội thánh chỉ vì anh chưa nói thành thạo ngôn ngữ của hội thánh. Các trưởng lão xác định một anh có hội đủ điều kiện làm trưởng lão hoặc phụ tá hội thánh hay không là dựa vào tiêu chuẩn trong Kinh Thánh, chứ không dựa vào việc anh nói ngôn ngữ của hội thánh thành thạo đến mức nào.—1 Ti 3:1-10, 12, 13; Tít 1:5-9.

17. Một số gia đình đứng trước những câu hỏi nào khi chuyển đến một nước khác?

17 Một số gia đình đạo Đấng Ki-tô chuyển đến nước khác để tị nạn hoặc tìm việc. Trong những hoàn cảnh như thế, con cái họ có thể phải đi học ở một trường nói ngôn ngữ chính của nước đó. Có thể chính bậc cha mẹ đó cũng cần học ngôn ngữ ấy để tìm việc. Nếu nơi họ sống có hội thánh hay nhóm trong tiếng mẹ đẻ của họ thì sao? Họ nên chọn hội thánh nào cho gia đình? Hội thánh nói ngôn ngữ chính của nước đó hay hội thánh trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ?

18. Phù hợp với Ga-la-ti 6:5, làm thế nào để cho thấy chúng ta tôn trọng quyết định của chủ gia đình?

18 Người chủ gia đình phải quyết định chọn hội thánh nào cho gia đình. Vì đây là quyết định cá nhân nên anh phải xem xét điều gì là tốt nhất cho gia đình mình. (Đọc Ga-la-ti 6:5). Chúng ta cần tôn trọng quyết định của anh. Dù anh quyết định thế nào, chúng ta hãy chào đón và xem gia đình họ là một phần quan trọng của hội thánh.—Rô 15:7.

19. Người chủ gia đình cần cầu nguyện và xem xét điều gì?

19 Một số gia đình có lẽ chọn phụng sự trong hội thánh nói ngôn ngữ của cha mẹ, nhưng con cái có thể không thành thạo ngôn ngữ ấy. Nếu hội thánh này nằm trong khu vực nói ngôn ngữ chính của nước đó thì có thể con cái sẽ khó hiểu chương trình nhóm họp và không tiến bộ về thiêng liêng. Tại sao? Vì có lẽ con trẻ đi học ở trường dùng ngôn ngữ chính của nước đó chứ không phải ngôn ngữ của cha mẹ. Trong trường hợp này, người chủ gia đình nên cầu nguyện và xem xét kỹ họ cần làm gì để giúp con đến gần hơn với Đức Giê-hô-va và dân ngài. Họ cần giúp con thành thạo ngôn ngữ của mình hoặc nghĩ đến việc chuyển tới một hội thánh dùng ngôn ngữ mà con hiểu rõ. Dù chủ gia đình quyết định thế nào, hội thánh mà anh chọn cho gia đình nên giúp anh và gia đình cảm thấy được tôn trọng và quý mến.

Chúng ta có thể cho thấy mình tôn trọng những anh chị đang học ngôn ngữ mới như thế nào? (Xem đoạn 20)

20. Chúng ta có thể cho thấy mình tôn trọng những anh chị đang học ngôn ngữ mới như thế nào?

20 Vì các lý do mà chúng ta đã thảo luận, trong nhiều hội thánh, có những anh chị đang học ngôn ngữ mới. Việc này không hề dễ dàng đối với họ. Có thể họ khó diễn đạt ý tưởng. Tuy nhiên, nếu có cái nhìn bao quát hơn, không tập trung vào khả năng ngôn ngữ của họ, chúng ta sẽ thấy tình yêu thương mà họ dành cho Đức Giê-hô-va và ước muốn của họ là được phụng sự ngài. Nếu thấy những phẩm chất ấy của họ, chúng ta sẽ tôn trọng và quý mến họ sâu xa. Chúng ta sẽ không nói với họ: “Tôi không cần anh”, chỉ vì họ chưa thành thạo ngôn ngữ của mình.

CHÚNG TA QUÝ GIÁ VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

21, 22. Chúng ta có đặc ân tuyệt vời nào?

21 Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta đặc ân tuyệt vời là có một vị thế trong hội thánh của ngài. Dù là nam hay nữ, độc thân hay đã kết hôn, già hay trẻ, thành thạo hay không thành thạo ngôn ngữ mới, chúng ta đều quý giá với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo.—Rô 12:4, 5; Cô 3:10, 11.

22 Mong sao chúng ta tiếp tục áp dụng nhiều bài học rút ra từ minh họa của Phao-lô về thân thể con người. Khi làm thế, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều lý do hơn để quý trọng vị thế của mình và các anh chị trong hội thánh của Đức Giê-hô-va.

BÀI HÁT 90 Hãy khuyến khích nhau

^ đ. 5 Dân Đức Giê-hô-va có gốc gác và vai trò khác nhau trong hội thánh. Bài này sẽ cho thấy tại sao việc chúng ta tôn trọng vị thế của mỗi thành viên trong gia đình Đức Giê-hô-va là điều quan trọng.

^ đ. 8 Chúng ta không biết chắc là Ti-mô-thê có sống độc thân suốt đời hay không.