Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 31

Anh chị có sẵn sàng chờ đợi Đức Giê-hô-va không?

Anh chị có sẵn sàng chờ đợi Đức Giê-hô-va không?

“Tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi”.MI 7:7.

BÀI HÁT 128 Bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng

GIỚI THIỆU *

1, 2. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Anh chị cảm thấy thế nào khi bưu kiện mà mình rất cần không được giao vào lúc mình mong muốn? Anh chị có thất vọng không? Châm ngôn 13:12 nói lên một thực tế: “Ước vọng bị trì hoãn khiến cho lòng đau đớn”. Nhưng nói sao nếu anh chị biết bưu kiện không đến vào lúc mình mong muốn vì những lý do chính đáng? Trong trường hợp đó, hẳn anh chị sẽ kiên nhẫn và sẵn sàng chờ đợi.

2 Trong bài này, chúng ta sẽ xem một số nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp mình vun trồng và giữ thái độ “kiên nhẫn chờ đợi” (Mi 7:7). Sau đó, chúng ta sẽ xem hai lĩnh vực mà mình cần kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va hành động. Cuối cùng, hãy xem ân phước dành cho những người sẵn sàng chờ đợi ngài.

NHỮNG NGUYÊN TẮC KINH THÁNH DẠY CHÚNG TA KIÊN NHẪN

3. Châm ngôn 13:11 nêu bật nguyên tắc nào?

3 Một ví dụ cho thấy chúng ta cần kiên nhẫn được ghi nơi Châm ngôn 13:11. Câu này nói: “Của mau chóng có được sẽ cạn đi, của góp nhặt từng chút sẽ thêm lên”. Anh chị có nhận ra nguyên tắc trong câu này không? Đó là làm mọi việc một cách kiên nhẫn và từng bước là điều khôn ngoan.

4. Nguyên tắc nơi Châm ngôn 4:18 dạy chúng ta điều gì?

4 Châm ngôn 4:18 cho biết: “Lối người công chính như ánh ban mai, càng lúc càng sáng thêm cho đến giữa trưa”. Những lời này áp dụng thích hợp cho việc Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định cho dân ngài một cách dần dần. Tuy nhiên, câu này cũng có thể áp dụng theo nghĩa rộng hơn cho cách một tín đồ tiến bộ về thiêng liêng. Việc tiến bộ về thiêng liêng đòi hỏi thời gian, không thể vội vàng. Nếu siêng năng học hỏi và áp dụng lời khuyên từ Lời Đức Chúa Trời và tổ chức ngài, chúng ta sẽ dần dần vun trồng được nhân cách giống như Đấng Ki-tô. Chúng ta cũng sẽ gia tăng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Hãy xem Chúa Giê-su minh họa điểm này như thế nào.

Như một cây phát triển từng chút, một người nghe và chấp nhận thông điệp Nước Trời cũng phát triển về thiêng liêng từng chút (Xem đoạn 5)

5. Chúa Giê-su dùng minh họa nào để cho thấy cần thời gian để một người phát triển về thiêng liêng?

5 Chúa Giê-su ví thông điệp Nước Trời như một hạt giống nhỏ xíu dần dần phát triển nơi người có lòng thành. Ngài nói: “Hạt giống nảy mầm và lớn lên như thế nào thì ông [người gieo] không biết. Đất tự sinh hoa lợi dần dần, ban đầu là cây, sau đó trổ bông rồi cuối cùng kết hạt” (Mác 4:27, 28). Chúa Giê-su muốn nói đến điều gì? Ngài đang giải thích rằng như một cây phát triển từng chút, một người chấp nhận thông điệp Nước Trời cũng phát triển về thiêng liêng từng chút. Chẳng hạn khi học viên Kinh Thánh đến gần Đức Giê-hô-va hơn, chúng ta bắt đầu thấy người ấy thực hiện nhiều thay đổi tích cực (Ê-phê 4:22-24). Nhưng chúng ta cần nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va làm cho hạt giống nhỏ xíu ấy lớn lên.—1 Cô 3:7.

6, 7. Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va tạo ra trái đất?

6 Trong mọi việc, Đức Giê-hô-va kiên nhẫn dành đủ thời gian cần thiết để hoàn tất công việc của ngài. Ngài làm thế vì danh vinh hiển của ngài và vì lợi ích của các tạo vật. Chẳng hạn, hãy xem cách Đức Giê-hô-va từng bước chuẩn bị trái đất cho con người.

7 Khi miêu tả cách Đức Giê-hô-va tạo ra trái đất, Kinh Thánh nói ngài “định kích thước cho nó”, ‘cắm các đế nó’ và “đặt hòn đá góc của nó” (Gióp 38:5, 6). Ngài thậm chí còn dành thời gian để xem xét công việc của ngài (Sáng 1:10, 12). Hãy hình dung các thiên sứ cảm thấy thế nào khi thấy công việc sáng tạo của Đức Giê-hô-va dần dần hình thành. Hẳn họ rất phấn khởi! Thật vậy, có thời điểm các thiên sứ đã “cất tiếng tung hô” (Gióp 38:7). Chúng ta học được gì? Đúng là Đức Giê-hô-va đã dành nhiều ngàn năm để hoàn tất công việc sáng tạo, nhưng khi nhìn mọi điều mà ngài đã cẩn thận tạo ra, ngài nói rằng mọi thứ “rất tốt lành”.—Sáng 1:31.

8. Giờ đây, chúng ta sẽ xem xét điều gì?

8 Như đã xem trong những ví dụ trên, chúng ta có thể tìm thấy nhiều nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời nêu bật việc cần kiên nhẫn. Giờ đây, hãy xem hai lĩnh vực cụ thể mà mình cần sẵn sàng chờ đợi Đức Giê-hô-va.

KHI NÀO CHÚNG TA CẦN CHỜ ĐỢI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

9. Một lĩnh vực mà chúng ta cần chờ đợi Đức Giê-hô-va là gì?

9Chúng ta cần chờ đợi Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình. Khi cầu xin sức mạnh để đương đầu với thử thách hoặc sự trợ giúp để vượt qua khuyết điểm nào đó, có lẽ chúng ta cảm thấy đã một thời gian trôi qua mà Đức Giê-hô-va vẫn chưa đáp lời. Tại sao ngài không đáp mọi lời cầu nguyện của chúng ta ngay lập tức?

10. Tại sao chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện?

10 Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta (Thi 65:2). Ngài xem những lời cầu nguyện chân thành là bằng chứng cho thấy chúng ta có đức tin (Hê 11:6). Đức Giê-hô-va cũng muốn thấy chúng ta quyết tâm đến mức nào để sống phù hợp với lời cầu nguyện và làm theo ý muốn ngài (1 Giăng 3:22). Vì thế, khi cố gắng vượt qua một thói xấu hay một khuyết điểm, chúng ta cần kiên nhẫn và hành động phù hợp với lời cầu nguyện. Chúa Giê-su cho thấy một số lời cầu nguyện của chúng ta có thể sẽ không được đáp lại ngay. Ngài khuyến giục: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho; vì ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mat 7:7, 8). Khi làm theo lời khuyên này và “kiên trì cầu nguyện”, chúng ta có thể tin chắc rằng Cha trên trời lắng nghe và sẽ đáp lời cầu nguyện của mình.—Cô 4:2.

Trong khi chờ đợi Đức Giê-hô-va, chúng ta tiếp tục cầu nguyện với đức tin (Xem đoạn 11) *

11. Hê-bơ-rơ 4:16 giúp chúng ta thế nào khi lời cầu nguyện của mình có vẻ chậm được đáp lại?

11 Dù một lời cầu nguyện có vẻ chậm được đáp lại, nhưng Đức Giê-hô-va hứa ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta “vào đúng lúc”. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:16). Thế nên, chúng ta không bao giờ muốn trách Đức Giê-hô-va nếu ngài không đáp lời cầu nguyện nhanh chóng như mình mong muốn. Chẳng hạn, nhiều anh chị đã cầu nguyện trong nhiều năm để được thấy Nước Trời kết liễu thế gian này. Thậm chí Chúa Giê-su còn bảo chúng ta cầu nguyện về điều ấy (Mat 6:10). Thật dại dột nếu một người để đức tin nơi Đức Chúa Trời bị suy yếu vì sự kết thúc không đến vào thời điểm mà con người mong muốn! (Ha-ba 2:3; Mat 24:44). Điều khôn ngoan là chúng ta tiếp tục chờ đợi Đức Giê-hô-va và cầu nguyện với đức tin. Sự kết thúc sẽ đến vào đúng thời điểm, vì Đức Giê-hô-va đã định trước “ngày và giờ đó”. Và ngày đó sẽ chứng tỏ là thời điểm tốt nhất cho tất cả mọi người.—Mat 24:36; 2 Phi 3:15.

Chúng ta học được gì từ Giô-sép về sự kiên nhẫn? (Xem đoạn 12-14)

12. Có lẽ chúng ta thấy khó kiên nhẫn trong trường hợp nào?

12Chúng ta cần kiên nhẫn trong khi chờ đợi công lý được thực thi. Người ta trong thế gian này thường đối xử tệ với những ai khác giới tính, chủng tộc, dân tộc, văn hóa hoặc quốc gia. Một số người thì bị đối xử tệ vì bị khuyết tật hoặc thiểu năng trí tuệ. Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải chịu sự bất công vì niềm tin dựa trên Kinh Thánh. Khi bị đối xử như thế, chúng ta cần nhớ những lời sau của Chúa Giê-su: “Ai bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu” (Mat 24:13). Nhưng nói sao nếu anh chị biết một người trong hội thánh phạm tội trọng? Sau khi các trưởng lão được biết vấn đề, anh chị sẽ để vấn đề trong tay họ và kiên nhẫn chờ đợi họ xử lý theo cách Đức Giê-hô-va không? Các trưởng lão cần làm một số điều nào?

13. Xử lý vấn đề theo cách Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì?

13 Khi các trưởng lão được biết một người trong hội thánh phạm tội trọng, họ cầu xin “sự khôn ngoan từ trên” để có quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề (Gia 3:17). Mục tiêu của họ là giúp người phạm tội “từ bỏ đường lối sai lầm và quay trở lại” (Gia 5:19, 20). Họ cũng muốn làm mọi điều có thể để bảo vệ hội thánh và an ủi những ai bị tổn thương (2 Cô 1:3, 4). Khi xử lý trường hợp phạm tội trọng, trước tiên các trưởng lão phải thu thập đầy đủ thông tin, và có lẽ điều này đòi hỏi thời gian. Rồi họ cầu nguyện và cẩn thận đưa ra lời khuyên trong Kinh Thánh cũng như sự sửa phạt “đúng mức” (Giê 30:11). Dù không trì hoãn nhưng các trưởng lão không hấp tấp đưa ra quyết định. Khi vấn đề được xử lý một cách đúng đắn thì sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hội thánh. Tuy nhiên, ngay cả khi vấn đề được xử lý đúng cách, có lẽ người vô tội vẫn cảm thấy tổn thương. Nếu ở trong trường hợp ấy, anh chị có thể làm gì để giảm bớt nỗi đau đó?

14. Gương nào trong Kinh Thánh có thể an ủi anh chị nếu bị một anh em đồng đạo gây tổn thương?

14 Anh chị có bao giờ là nạn nhân của sự bất công, thậm chí do một anh em đồng đạo gây ra không? Anh chị có thể tìm thấy những gương nổi bật trong Kinh Thánh giúp mình biết cách chờ đợi Đức Giê-hô-va chỉnh sửa vấn đề. Chẳng hạn, dù Giô-sép phải chịu sự bất công do chính các anh mình gây ra, nhưng ông không để tội của họ khiến ông cay đắng. Thay vì thế, ông tập trung vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va, và ngài ban thưởng dồi dào cho ông vì đã kiên nhẫn chịu đựng (Sáng 39:21). Với thời gian, Giô-sép đã có thể bỏ qua sự tổn thương mà ông chịu và thấy cách Đức Giê-hô-va ban phước cho mình (Sáng 45:5). Như Giô-sép, chúng ta được an ủi khi đến gần Đức Giê-hô-va và để công lý trong tay ngài.—Thi 7:17; 73:28.

15. Điều gì đã giúp một chị chịu đựng sự bất công?

15 Dĩ nhiên, không phải mọi sự bất công đều nghiêm trọng như trường hợp của Giô-sép, nhưng có lẽ chúng ta vẫn cảm thấy đau lòng khi bị đối xử tệ theo cách nào đó. Khi có vấn đề với một người, kể cả người không thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ nhận được lợi ích nếu áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh (Phi-líp 2:3, 4). Hãy xem một kinh nghiệm. Một chị bị tổn thương sâu sắc khi biết một đồng nghiệp nói với người khác những lời tiêu cực và không đúng về chị. Thay vì phản ứng hấp tấp, chị ấy dành thời gian để suy ngẫm về gương của Chúa Giê-su. Khi ngài bị nhục mạ, ngài không nhục mạ lại (1 Phi 2:21, 23). Ghi nhớ điều đó, chị quyết định không làm to chuyện. Sau này, chị biết được rằng người đồng nghiệp ấy đã phải đương đầu với vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và gặp nhiều căng thẳng. Chị kết luận rằng rất có thể người đồng nghiệp không có chủ đích nói xấu chị. Chị rất mừng vì kiên nhẫn chịu đựng khi bị đối xử bất công, và chị đã có được sự bình an.

16. Điều gì có thể mang lại sự an ủi khi anh chị chịu đựng sự bất công? (1 Phi-e-rơ 3:12)

16 Nếu anh chị đang chịu đựng sự bất công hoặc điều khác khiến mình tổn thương, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va ở gần “người có tấm lòng tan vỡ” (Thi 34:18). Ngài yêu thương anh chị vì anh chị kiên nhẫn và trút gánh nặng cho ngài (Thi 55:22). Ngài là Đấng Phán Xét của toàn thể trái đất. Không điều gì khuất khỏi tầm mắt ngài. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:12). Khi đương đầu với khó khăn mà mình không thể giải quyết, anh chị có sẵn sàng chờ đợi Đức Giê-hô-va không?

ÂN PHƯỚC VÔ TẬN DÀNH CHO NHỮNG AI CHỜ ĐỢI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

17. Theo Ê-sai 30:18, Đức Giê-hô-va đảm bảo với chúng ta điều gì?

17 Không lâu nữa, Cha trên trời sẽ ban phước dồi dào cho chúng ta qua Nước của ngài. Ê-sai 30:18 nói: “Đức Giê-hô-va vẫn kiên nhẫn chờ đợi để ban ơn cho anh em, ngài sẽ trỗi dậy để tỏ lòng thương xót. Vì Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời công minh. Hạnh phúc thay hết thảy ai tiếp tục trông đợi ngài!”. Những ai tiếp tục trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ nhận được nhiều ân phước ngay bây giờ và trong thế giới mới sắp đến.

18. Những ân phước nào đang đón đợi chúng ta?

18 Khi dân Đức Chúa Trời bước vào thế giới mới, họ sẽ không bao giờ phải đương đầu với những lo lắng và khó khăn giống như ngày nay. Sự bất công và nỗi đau đớn sẽ không còn nữa (Khải 21:4). Chúng ta sẽ không phải phấp phỏng chờ đợi những gì mình cần vì lúc đó sẽ có dư dật mọi thứ (Thi 72:16; Ê-sai 54:13). Đó quả là ân phước tuyệt vời!

19. Đức Giê-hô-va đang từng bước chuẩn bị chúng ta cho điều gì?

19 Mỗi khi Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vượt qua một thói xấu và vun trồng một phẩm chất tin kính, ngài đang chuẩn bị chúng ta để sống dưới sự cai trị của ngài. Đừng nản lòng và đừng bỏ cuộc. Điều tốt đẹp nhất đang ở phía trước! Nhìn đến tương lai tươi sáng, mong sao chúng ta tiếp tục kiên nhẫn và sẵn sàng chờ đợi Đức Giê-hô-va hoàn tất công việc của ngài!

BÀI HÁT 118 ‘Xin cho chúng con thêm đức tin’

^ đ. 5 Có bao giờ anh chị nghe một tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va nói: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng đến tuổi này mà thế gian gian ác vẫn chưa chấm dứt”? Tất cả chúng ta đều nóng lòng được thấy Đức Giê-hô-va kết liễu thế gian, đặc biệt trong thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, chúng ta cần tập kiên nhẫn. Bài này sẽ xem các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp chúng ta kiên nhẫn chờ đợi. Cũng hãy xem hai lĩnh vực mà mình cần kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va. Cuối cùng hãy xem các ân phước dành cho những người sẵn sàng chờ đợi.

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Từ thuở thơ ấu, một chị thường xuyên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Lúc còn nhỏ, chị được cha mẹ dạy cách cầu nguyện. Ở tuổi thanh thiếu niên, chị bắt đầu làm tiên phong và thường cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho thánh chức của mình. Nhiều năm sau, khi chồng bị bệnh nặng, chị nài xin Đức Giê-hô-va ban thêm sức để chịu đựng thử thách. Hiện nay là góa phụ, chị vẫn kiên trì cầu nguyện, tin chắc rằng Cha trên trời sẽ đáp lời, như ngài đã làm trong suốt cuộc đời chị.