Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 33

Đức Giê-hô-va dõi theo dân ngài

Đức Giê-hô-va dõi theo dân ngài

“Mắt Đức Giê-hô-va dõi theo người biết kính sợ ngài”.​—THI 33:18.

BÀI HÁT 4 “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ của tôi”

GIỚI THIỆU a

1. Tại sao Chúa Giê-su cầu xin Đức Giê-hô-va gìn giữ các môn đồ?

 Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su cầu xin Cha trên trời một điều đặc biệt. Ngài xin Đức Giê-hô-va gìn giữ các môn đồ (Giăng 17:15, 20). Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va luôn gìn giữ hay dõi theo dân ngài, tức chăm sóc và bảo vệ họ. Nhưng Chúa Giê-su biết rằng các môn đồ sẽ đối mặt với sự chống đối dữ dội đến từ Sa-tan. Chúa Giê-su cũng biết họ sẽ cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để kháng cự những đòn tấn công hiểm độc của Ác Quỷ.

2. Theo Thi thiên 33:18-20, tại sao chúng ta không cần phải sợ khi đương đầu với khó khăn?

2 Thế gian của Sa-tan gây rất nhiều áp lực trên tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ngày nay. Chúng ta đối mặt với những khó khăn có thể khiến mình nản lòng, thậm chí thử thách lòng trung thành của mình với Đức Giê-hô-va. Nhưng như bài này sẽ cho thấy, chúng ta không cần phải sợ. Đức Giê-hô-va đang dõi theo chúng ta. Ngài thấy những thử thách chúng ta gặp và luôn sẵn sàng giúp chúng ta đương đầu. Hãy xem hai trường hợp trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va “dõi theo người biết kính sợ ngài”.—Đọc Thi thiên 33:18-20.

KHI CẢM THẤY ĐƠN ĐỘC

3. Có lẽ chúng ta cảm thấy đơn độc trong những trường hợp nào?

3 Dù thuộc về đại gia đình gồm những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy đơn độc. Chẳng hạn, những người trẻ có lẽ thấy đơn độc khi giải thích niềm tin trước các bạn trong lớp hoặc khi chuyển đến hội thánh mới. Một số người trong chúng ta có thể cảm thấy buồn hoặc phải tranh đấu với cảm xúc tiêu cực, và nghĩ rằng mình phải đương đầu với những cảm xúc này một mình. Có lẽ chúng ta ngại tâm sự với người khác vì sợ họ không hiểu. Và đôi khi chúng ta còn thắc mắc liệu có ai thật sự quan tâm đến mình không. Dù lý do là gì, cảm giác đơn độc có thể khiến chúng ta thấy bất lực và lo lắng. Đức Giê-hô-va không bao giờ muốn chúng ta cảm thấy như thế. Tại sao có thể nói vậy?

4. Tại sao nhà tiên tri Ê-li-gia nói: “Chỉ còn lại mình con”?

4 Hãy xem xét trường hợp của người đàn ông trung thành là Ê-li-gia. Giê-xa-bên thề lấy mạng sống của Ê-li-gia, vì thế ông đã chạy trốn được hơn 40 ngày (1 Vua 19:1-9). Cuối cùng, khi ở trong hang đá một mình, ông than với Đức Giê-hô-va: “Chỉ còn lại mình con” (1 Vua 19:10). Lúc đó, vẫn còn những nhà tiên tri khác trong xứ. Chẳng hạn, Áp-đia đã cứu 100 nhà tiên tri để không bị Giê-xa-bên giết (1 Vua 18:7, 13). Vậy, tại sao Ê-li-gia cảm thấy đơn độc đến thế? Có phải ông nghĩ rằng các nhà tiên tri mà Áp-đia cứu đều đã chết rồi không? Hay ông cảm thấy đơn độc vì những người khác không trở lại phụng sự Đức Giê-hô-va sau cuộc thách đấu thần Ba-anh tại núi Cạt-mên? Có phải ông cảm thấy không ai biết ông ở trong tình cảnh nguy hiểm như thế nào, hoặc ông thắc mắc liệu có ai quan tâm đến mình không? Lời tường thuật không cho biết hết cảm xúc của Ê-li-gia. Nhưng điều chúng ta biết chắc là Đức Giê-hô-va hiểu tại sao Ê-li-gia cảm thấy đơn độc và ngài biết rất rõ cách để giúp ông.

Khi cảm thấy đơn độc, chúng ta có thể rút ra bài học an ủi nào từ cách Đức Giê-hô-va giúp Ê-li-gia? (Xem đoạn 5, 6)

5. Làm thế nào Đức Giê-hô-va trấn an Ê-li-gia rằng ông không đơn độc?

5 Đức Giê-hô-va đã giúp Ê-li-gia qua nhiều cách. Ngài khuyến khích Ê-li-gia nói ra cảm xúc. Hai lần ngài hỏi Ê-li-gia: “Con làm gì ở đây vậy?” (1 Vua 19:9, 13). Mỗi lần, Đức Giê-hô-va đều lắng nghe khi Ê-li-gia trút đổ lòng mình. Đức Giê-hô-va đáp lại Ê-li-gia bằng cách cho ông thấy bằng chứng về sự hiện diện và quyền năng mạnh mẽ của ngài. Ngài cũng trấn an Ê-li-gia rằng có nhiều người khác vẫn đang thờ phượng ngài (1 Vua 19:11, 12, 18). Hẳn Ê-li-gia cảm thấy nhẹ nhõm sau khi trút đổ lòng với Đức Giê-hô-va và nghe những lời ngài đáp lại. Đức Giê-hô-va ban cho Ê-li-gia một số nhiệm vụ quan trọng. Ngài bảo ông bổ nhiệm Ha-xa-ên làm vua Sy-ri, Giê-hu làm vua Y-sơ-ra-ên và Ê-li-sê làm nhà tiên tri (1 Vua 19:15, 16). Bằng cách giao cho Ê-li-gia những nhiệm vụ này, Đức Giê-hô-va giúp ông chú tâm vào điều tích cực. Ngài cũng ban cho ông người bạn thân thiết là Ê-li-sê. Vậy, làm thế nào anh chị có thể nhận được sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va khi cảm thấy đơn độc?

6. Anh chị có thể cầu nguyện về điều gì khi cảm thấy đơn độc? (Thi thiên 62:8)

6 Đức Giê-hô-va mời anh chị cầu nguyện với ngài. Ngài thấy điều mà anh chị đang phải đương đầu, và đảm bảo rằng ngài sẽ lắng nghe những lời cầu nguyện của anh chị vào bất cứ lúc nào (1 Tê 5:17). Ngài vui thích khi nghe lời cầu nguyện của những người thờ phượng ngài (Châm 15:8). Anh chị có thể cầu nguyện về điều gì khi cảm thấy đơn độc? Hãy trút đổ lòng với Đức Giê-hô-va như Ê-li-gia đã làm. (Đọc Thi thiên 62:8). Hãy cho ngài biết anh chị lo lắng về điều gì và cảm thấy thế nào. Hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị đương đầu với cảm xúc của mình. Chẳng hạn, nếu cảm thấy đơn độc và sợ khi làm chứng ở trường, hãy xin Đức Giê-hô-va ban cho mình sự can đảm cần thiết để nói lên niềm tin. Thậm chí chúng ta có thể xin ngài ban sự khôn ngoan để giải thích niềm tin một cách tế nhị (Lu 21:14, 15). Nếu đang phải tranh đấu với cảm xúc tiêu cực, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị nói chuyện với một tín đồ thành thục. Anh chị có thể xin Đức Giê-hô-va giúp người mà mình sắp tâm sự lắng nghe với lòng cảm thông. Hãy trút đổ lòng với Đức Giê-hô-va, xem ngài đáp lại lời cầu nguyện của mình như thế nào và chấp nhận sự giúp đỡ của người khác. Khi làm thế, anh chị sẽ cảm thấy bớt đơn độc.

Anh chị có tìm cách để làm nhiều hơn trong thánh chức và tham gia cùng với người khác không? (Xem đoạn 7)

7. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Minh?

7 Đức Giê-hô-va ban cho tất cả chúng ta công việc ý nghĩa để làm. Anh chị có thể tin chắc rằng ngài để ý và quý trọng mọi điều anh chị làm để thực hiện các nhiệm vụ trong hội thánh và trong thánh chức (Thi 110:3). Bận rộn trong công việc này giúp anh chị như thế nào khi cảm thấy đơn độc? Hãy xem kinh nghiệm của anh trẻ tên Minh. b Không lâu sau khi anh Minh báp-têm, một trong những người bạn thân nhất của anh dần rời xa chân lý. Anh Minh cho biết: “Thấy bạn mình trôi dạt làm tôi mất tự tin. Tôi thắc mắc liệu mình có thể làm trọn lời hứa nguyện dâng mình và tiếp tục thuộc về gia đình của Đức Giê-hô-va không. Tôi cảm thấy đơn độc và nghĩ rằng không ai sẽ hiểu được cảm xúc của mình”. Điều gì đã giúp anh Minh? Anh cho biết: “Tôi rao giảng nhiều hơn. Nhờ thế, tôi không tập trung vào bản thân và cảm xúc tiêu cực. Tôi cảm thấy vui và bớt đơn độc khi làm việc với các anh chị khác trong thánh chức”. Quả thật, ngay cả khi không thể trực tiếp rao giảng với anh em đồng đạo, chúng ta được vững mạnh khi cùng họ tham gia những hoạt động như làm chứng bằng cách viết thư và gọi điện. Điều gì khác đã giúp anh Minh? Anh cho biết thêm: “Tôi cũng làm nhiều việc hơn trong hội thánh. Tôi nỗ lực hết sức để chuẩn bị và trình bày phần được giao trong buổi nhóm. Những nhiệm vụ này đã giúp tôi cảm thấy được Đức Giê-hô-va và người khác quý trọng”.

KHI CẢM THẤY CHOÁNG NGỢP TRƯỚC THỬ THÁCH CAM GO

8. Thử thách cam go có thể ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

8 Chúng ta biết mình phải đương đầu với thử thách trong những ngày sau cùng này (2 Ti 3:1). Nhưng loại thử thách hoặc thời điểm nó xảy đến có thể khiến chúng ta bất ngờ. Có lẽ chúng ta đột ngột đối mặt với khó khăn về kinh tế, bị chẩn đoán mắc bệnh nặng hoặc mất đi người thân yêu. Trong những lúc như thế, có lẽ chúng ta thấy căng thẳng và choáng ngợp, nhất là khi đối mặt với hết thử thách này đến thử thách khác hoặc thậm chí nhiều thử thách cùng một lúc. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đang dõi theo chúng ta, và với sự trợ giúp của ngài, chúng ta tin chắc mình có thể chịu đựng được bất cứ thử thách nào.

9. Hãy mô tả một số thử thách mà Gióp phải đối mặt.

9 Hãy xem Đức Giê-hô-va đã giúp người trung thành là Gióp như thế nào. Chỉ trong thời gian ngắn, ông trải qua nhiều thử thách đau buồn. Trong một ngày, ông nhận hung tin là mất hết gia súc, các tôi tớ của ông bị giết, tệ hơn nữa là những người con yêu dấu của ông bị thiệt mạng (Gióp 1:13-19). Sau đó không lâu, trong khi đang phải đương đầu với nỗi đau tột độ, ông mắc căn bệnh ghê tởm và khiến ông đau đớn (Gióp 2:7). Hoàn cảnh của Gióp tồi tệ đến mức ông thốt lên: “Con gớm ghê đời mình, không muốn sống nữa”.—Gióp 7:16.

Để trấn an Gióp về sự chăm sóc yêu thương của ngài, Đức Giê-hô-va cho ông biết những cách mà ngài chăm sóc các tạo vật của ngài (Xem đoạn 10)

10. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va cung cấp điều Gióp cần để chịu đựng thử thách? (Xem hình nơi trang bìa).

10 Đức Giê-hô-va đang dõi theo Gióp. Vì yêu thương Gióp nên Đức Giê-hô-va ban cho ông điều ông cần để chịu đựng thử thách và giữ lòng trung thành. Đức Giê-hô-va nói chuyện với Gióp, ngài nhắc ông nhớ về sự khôn ngoan vô tận của ngài và lòng quan tâm yêu thương mà ngài dành cho các tạo vật. Ngài nói đến nhiều loài động vật đáng kinh ngạc (Gióp 38:1, 2; 39:9, 13, 19, 27; 40:15; 41:1, 2). Đức Giê-hô-va cũng dùng người trẻ tuổi trung thành là Ê-li-hu để an ủi và làm Gióp vững mạnh. Ê-li-hu đảm bảo với Gióp rằng Đức Giê-hô-va luôn ban thưởng cho những người thờ phượng ngài vì họ trung thành chịu đựng. Nhưng Đức Giê-hô-va cũng thúc đẩy Ê-li-hu cho Gióp lời khuyên yêu thương. Ê-li-hu đã giúp Gióp chú tâm vào bức tranh tổng thể bằng cách nhắc ông nhớ về vị thế của mình so với Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ (Gióp 37:14). Đức Giê-hô-va cũng ban cho Gióp một nhiệm vụ, đó là cầu nguyện cho ba người bạn đã phạm tội (Gióp 42:8-10). Ngày nay, Đức Giê-hô-va hỗ trợ chúng ta như thế nào khi chúng ta đương đầu với thử thách cam go?

11. Kinh Thánh an ủi chúng ta như thế nào khi đương đầu với thử thách?

11 Đức Giê-hô-va không nói với chúng ta trực tiếp như ngài đã làm với Gióp, nhưng ngài nói với chúng ta qua Lời ngài là Kinh Thánh (Rô 15:4). Ngài an ủi chúng ta bằng cách ban hy vọng về tương lai. Hãy xem xét một số ý tưởng trong Kinh Thánh có thể an ủi khi chúng ta đương đầu với thử thách. Trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng không điều gì, kể cả thử thách cam go, có thể “ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của [ngài]” (Rô 8:38, 39). Ngài cũng đảm bảo là ngài “ở gần hết thảy người kêu cầu ngài” qua lời cầu nguyện (Thi 145:18). Đức Giê-hô-va cho biết nếu nương cậy nơi ngài, chúng ta có thể chịu đựng bất cứ thử thách nào, thậm chí có niềm vui dù chịu khổ (1 Cô 10:13; Gia 1:2, 12). Lời Đức Chúa Trời cũng nhắc chúng ta nhớ rằng những thử thách mình gặp phải chỉ là tạm thời và ngắn ngủi khi so sánh với phần thưởng vĩnh cửu mà ngài sẽ ban cho chúng ta (2 Cô 4:16-18). Đức Giê-hô-va cũng ban hy vọng chắc chắn là ngài sẽ loại bỏ nguồn của mọi thử thách mà chúng ta gặp phải: Sa-tan Ác Quỷ và những kẻ bắt chước đường lối gian ác của hắn (Thi 37:10). Anh chị đã học thuộc một số câu Kinh Thánh an ủi để giúp mình chịu đựng những thử thách trong tương lai chưa?

12. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì để nhận lợi ích tối đa từ Lời ngài?

12 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dành thời gian để học hỏi Lời ngài đều đặn và suy ngẫm những điều mình đọc. Khi áp dụng điều học được, chúng ta sẽ được củng cố đức tin và đến gần hơn với Cha trên trời. Nhờ thế, chúng ta được thêm sức để chịu đựng thử thách. Đức Giê-hô-va cũng ban thần khí thánh cho những ai nương cậy nơi Lời ngài. Và thần khí có thể cho chúng ta “sức lực hơn mức bình thường” để chịu đựng bất cứ thử thách nào.—2 Cô 4:7-10.

13. Thức ăn thiêng liêng mà “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cung cấp giúp chúng ta như thế nào để chịu đựng thử thách?

13 Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cung cấp dư dật các bài viết, video và âm nhạc có thể giúp chúng ta xây đắp đức tin mạnh mẽ và tiếp tục tỉnh thức về thiêng liêng (Mat 24:45). Chúng ta cần tận dụng trọn vẹn sự cung cấp đúng giờ ấy. Mới đây, một chị ở Hoa Kỳ bày tỏ lòng biết ơn về những thức ăn thiêng liêng này. Chị nói: “Trong 40 năm phụng sự Đức Giê-hô-va, lòng trọn thành của tôi bị thử thách hết lần này đến lần khác”. Chị đương đầu với những thử thách lớn, chẳng hạn như ông của chị bị người lái xe say rượu tông chết, cha mẹ của chị qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo, và chị bị ung thư hai lần. Điều gì đã giúp chị chịu đựng? Chị giải thích: “Đức Giê-hô-va luôn chăm sóc tôi. Thức ăn thiêng liêng mà ngài cung cấp qua đầy tớ trung tín và khôn ngoan đã giúp tôi chịu đựng. Nhờ thế, tôi có cùng cảm nghĩ với Gióp, người từng nói: ‘Cho đến chết, tôi cũng không từ bỏ lòng trọn thành!’”.—Gióp 27:5.

Làm thế nào chúng ta có thể trở thành ân phước cho người khác trong hội thánh? (Xem đoạn 14)

14. Đức Giê-hô-va dùng anh em đồng đạo như thế nào để hỗ trợ chúng ta trong những thử thách? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:9)

14 Đức Giê-hô-va huấn luyện dân ngài để họ thể hiện tình yêu thương và an ủi lẫn nhau trong những lúc căng thẳng (2 Cô 1:3, 4; đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:9). Noi gương Ê-li-hu, anh em đồng đạo rất muốn giúp chúng ta giữ trung thành khi chúng ta đương đầu với khó khăn (Công 14:22). Chẳng hạn, hãy xem hội thánh của chị Duyên đã khích lệ và giúp đỡ chị như thế nào để tiếp tục vững mạnh về thiêng liêng sau khi chồng của chị gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Chị cho biết: “Thật sự là rất khó, nhưng chúng tôi cảm nhận cánh tay yêu thương và mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va trong những tháng khó khăn đó. Hội thánh đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Những lần viếng thăm, những cuộc gọi điện, và những cái ôm nồng ấm đã giúp chúng tôi chịu đựng. Vì tôi không lái xe được nên anh em đồng đạo lo sao để tôi đến buổi nhóm họp và đi thánh chức khi có thể”. Quả là ân phước khi được thuộc về gia đình thiêng liêng đầy yêu thương như thế!

BIẾT ƠN VỀ SỰ CHĂM SÓC ĐẦY YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15. Tại sao chúng ta tin chắc mình có thể đương đầu với khó khăn thử thách?

15 Tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với thử thách nào đó. Tuy nhiên, như vừa xem xét, chúng ta sẽ không bao giờ phải đối mặt với thử thách một mình. Như một người cha yêu thương, Đức Giê-hô-va luôn dõi theo chúng ta. Ngài ở bên chúng ta, lắng nghe những lời cầu xin và sẵn sàng hỗ trợ chúng ta (Ê-sai 43:2). Chúng ta tin chắc mình có thể đương đầu với khó khăn thử thách vì ngài rộng rãi cung cấp mọi điều chúng ta cần để chịu đựng. Ngài ban cho chúng ta món quà là lời cầu nguyện, Kinh Thánh, thức ăn thiêng liêng dư dật và đoàn thể anh em yêu thương để giúp đỡ trong những lúc chúng ta cần.

16. Làm thế nào để luôn ở dưới sự chăm sóc yêu thương của Đức Giê-hô-va?

16 Chúng ta thật biết ơn vì có Cha trên trời dõi theo mình! “Tấm lòng chúng ta vui mừng nơi ngài” (Thi 33:21). Chúng ta có thể cho Đức Giê-hô-va thấy mình biết ơn sự chăm sóc yêu thương của ngài bằng cách tận dụng tất cả những gì ngài cung cấp để giúp đỡ chúng ta. Chúng ta cũng cần làm phần của mình để luôn ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực vâng lời Đức Giê-hô-va và làm điều đúng trước mắt ngài, ngài sẽ dõi theo chúng ta mãi mãi!—1 Phi 3:12.

BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi

a Chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để vượt qua những vấn đề mình gặp ngày nay. Bài này nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va dõi theo dân ngài. Ngài để ý đến những thử thách mà mỗi cá nhân chúng ta phải đối mặt, và ngài cung cấp điều mình cần để vượt qua.

b Các tên đã được thay đổi.