Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 36

Dân Đức Giê-hô-va yêu mến sự công chính

Dân Đức Giê-hô-va yêu mến sự công chính

“Hạnh phúc cho những người đói khát sự công chính”.—MAT 5:6.

BÀI HÁT 9 Đức Giê-hô-va là Vua chúng ta!

GIỚI THIỆU a

1. Giô-sép đối mặt với thử thách nào, và chàng phản ứng ra sao?

 Con trai của Gia-cốp là Giô-sép đối mặt với một thử thách đầy khó khăn. Vợ của Phô-ti-pha, chủ của chàng, đưa ra lời cám dỗ: “Hãy lại nằm với ta”. Giô-sép khước từ lời mời mọc ấy. Một số người thời nay có lẽ thắc mắc: “Sao Giô-sép lại kháng cự cám dỗ đó?”. Lúc ấy, Phô-ti-pha đi vắng. Hơn nữa, Giô-sép là nô lệ trong nhà. Nếu từ chối bà chủ thì bà có thể khiến đời chàng khốn đốn. Dù vậy, Giô-sép vẫn khước từ lời mời mọc ấy hết ngày này qua ngày khác. Tại sao? Chàng nói: “Sao tôi có thể làm điều vô cùng xấu xa đó mà phạm tội với Đức Chúa Trời?”.—Sáng 39:7-12.

2. Làm sao Giô-sép biết ngoại tình là một tội trước mắt Đức Chúa Trời?

2 Làm sao Giô-sép biết Đức Chúa Trời xem việc ngoại tình là “điều vô cùng xấu xa”? Luật pháp Môi-se có mệnh lệnh rõ ràng là “ngươi không được phạm tội ngoại tình”, nhưng chỉ hai trăm năm sau đó Luật pháp mới được viết ra (Xuất 20:14). Tuy nhiên, Giô-sép biết Đức Giê-hô-va đủ để hiểu ngài cảm thấy thế nào về hành vi vô luân. Chẳng hạn, Giô-sép chắc chắn biết ngài thiết lập hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Và Giô-sép đã nghe kể về cách Đức Giê-hô-va hai lần can thiệp để bảo vệ bà cố của mình là Sa-ra, nhờ thế bà giữ chung thủy với chồng. Tương tự, Đức Chúa Trời cũng can thiệp để bảo vệ vợ của Y-sác là Rê-bê-ca (Sáng 2:24; 12:14-20; 20:2-7; 26:6-11). Khi suy ngẫm về những trường hợp đó, Giô-sép nhận ra điều gì là đúng và điều gì là sai trước mắt Đức Chúa Trời. Vì yêu thương Đức Chúa Trời, Giô-sép cũng yêu mến các tiêu chuẩn công chính của ngài và quyết tâm làm theo.

3. Bài này sẽ thảo luận điều gì?

3 Anh chị có yêu mến sự công chính không? Hẳn là có. Nhưng tất cả chúng ta đều bất toàn, và nếu không cẩn thận, quan điểm của thế gian về sự công chính có thể dễ ảnh hưởng đến chúng ta (Ê-sai 5:20; Rô 12:2). Vì thế, hãy xem xét sự công chính là gì, và chúng ta nhận được lợi ích nào khi yêu mến sự công chính. Rồi hãy thảo luận ba điều mình có thể làm để gia tăng lòng yêu mến đối với tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.

SỰ CÔNG CHÍNH LÀ GÌ?

4. Sự công chính không có nghĩa là gì?

4 Trong thế gian, nhiều người kiêu ngạo, hay xét đoán hoặc tự cho mình là công chính. Nhưng Đức Chúa Trời không hề thích những tính ấy. Khi còn trên đất, Chúa Giê-su đã lên án mạnh mẽ các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ngài vì họ tự đặt ra tiêu chuẩn về điều công chính (Truyền 7:16; Lu 16:15). Người công chính thật không bao giờ nghĩ rằng mình hơn người khác.

5. Theo Kinh Thánh, công chính là gì? Hãy nêu ví dụ.

5 Sự công chính là một phẩm chất tuyệt vời. Nói đơn giản, công chính có nghĩa là làm điều đúng trước mắt Đức Giê-hô-va. Trong Kinh Thánh, những từ được dịch là “công chính” mang ý nghĩa là sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, là tiêu chuẩn cao nhất. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va ban luật rằng những người buôn bán phải dùng ‘một trái cân trung thực’ (Phục 25:15). Trong nguyên ngữ, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “trung thực” cũng có thể được dịch là “công chính”. Vì thế, một tín đồ muốn trở nên công chính trước mắt Đức Chúa Trời phải trung thực trong mọi công việc làm ăn. Người công chính cũng yêu công lý và ghét thấy cảnh người khác bị đối xử bất công. Và “để làm [Đức Giê-hô-va] vui lòng trọn vẹn”, người thật sự công chính sẽ xem ngài nghĩ gì về những quyết định của mình.—Cô 1:10.

6. Tại sao chúng ta có thể tin chắc nơi tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và điều sai? (Ê-sai 55:8, 9)

6 Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự công chính. Do đó, ngài được gọi là “chốn ngự của sự công chính” (Giê 50:7). Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va là đấng duy nhất có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều đúng và điều sai. Đức Giê-hô-va là đấng hoàn hảo nên quan điểm của ngài về điều đúng và điều sai vượt xa quan điểm của chúng ta, vì chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi sự bất toàn và tội lỗi (Châm 14:12; đọc Ê-sai 55:8, 9). Tuy nhiên, nhờ được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời, chúng ta có thể sống theo tiêu chuẩn công chính của ngài (Sáng 1:27). Và chúng ta rất muốn làm thế. Tình yêu thương dành cho Cha trên trời thôi thúc chúng ta noi theo ngài hết khả năng của mình.—Ê-phê 5:1.

7. Tại sao chúng ta cần tiêu chuẩn đáng tin cậy? Hãy minh họa.

7 Chúng ta nhận được lợi ích khi theo sát tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và điều sai. Tại sao? Hãy hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu mỗi ngân hàng đều có tiêu chuẩn riêng trong việc quy định trị giá của tiền tệ, hoặc mỗi công ty xây dựng làm theo tiêu chuẩn riêng về việc đo đạc. Mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Và nếu nhân viên y tế không theo sát tiêu chuẩn về việc chăm sóc người bệnh thì có thể khiến một số bệnh nhân tử vong. Rõ ràng, tiêu chuẩn đáng tin cậy là một sự bảo vệ. Tương tự, tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều đúng và điều sai bảo vệ chúng ta.

8. Ân phước nào đang đón đợi những người sống theo tiêu chuẩn công chính?

8 Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai cố gắng sống theo tiêu chuẩn của ngài. Ngài hứa: “Người công chính sẽ hưởng trái đất và được sống trên đó mãi mãi” (Thi 37:29). Hãy hình dung nhân loại sẽ hợp nhất, hòa thuận và hạnh phúc thế nào khi mọi người làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va! Ngài muốn anh chị hưởng đời sống như thế. Chắc chắn mỗi người trong chúng ta đều có lý do chính đáng để yêu mến sự công chính! Nhưng làm sao chúng ta có thể gia tăng lòng yêu mến đối với phẩm chất này? Hãy xem ba điều chúng ta có thể làm.

GIA TĂNG LÒNG YÊU MẾN ĐỐI VỚI TIÊU CHUẨN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

9. Điều gì sẽ giúp chúng ta yêu mến sự công chính?

9 Thứ nhất, hãy yêu thương đấng lập ra tiêu chuẩn. Để yêu mến sự công chính, chúng ta cần phát triển tình yêu thương với đấng lập ra tiêu chuẩn về điều đúng và điều sai. Càng yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta càng muốn sống theo tiêu chuẩn công chính của ngài. Hãy nhớ trường hợp của A-đam và Ê-va. Nếu yêu thương Đức Giê-hô-va, họ sẽ không bao giờ vi phạm luật pháp công chính của ngài.—Sáng 3:1-6, 16-19.

10. Áp-ra-ham đã làm gì để hiểu rõ hơn về Đức Giê-hô-va?

10 Hẳn chúng ta không muốn phạm sai lầm như A-đam và Ê-va. Chúng ta có thể tránh điều đó nếu tiếp tục học về Đức Giê-hô-va, quý trọng các phẩm chất và cố gắng hiểu quan điểm của ngài. Khi làm vậy, tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ gia tăng. Hãy xem trường hợp của Áp-ra-ham. Ông thật sự yêu thương Đức Giê-hô-va. Ngay cả khi thấy khó hiểu các quyết định của ngài, Áp-ra-ham đã không chống lại ngài. Thay vì thế, ông cố gắng hiểu ngài rõ hơn. Chẳng hạn, khi biết Đức Giê-hô-va quyết định hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ, lúc đầu Áp-ra-ham e ngại rằng “Đấng Phán Xét của toàn thể trái đất” sẽ diệt người công chính chung với kẻ gian ác. Nhưng Áp-ra-ham biết ngài không bao giờ làm thế, nên ông đã lễ phép nêu lên một số câu hỏi với Đức Giê-hô-va. Ngài đã kiên nhẫn trả lời ông. Cuối cùng, Áp-ra-ham nhận ra rằng Đức Giê-hô-va dò xét lòng của mỗi người, và ngài không bao giờ phạt người vô tội chung với người có tội.—Sáng 18:20-32.

11. Làm thế nào Áp-ra-ham cho thấy ông yêu thương và tin cậy Đức Giê-hô-va?

11 Áp-ra-ham được tác động sâu sắc qua cuộc nói chuyện với Đức Giê-hô-va về hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Chắc hẳn ông càng yêu thương và kính trọng Cha trên trời. Nhiều năm sau, lòng tin cậy của Áp-ra-ham nơi Đức Giê-hô-va bị thử thách nghiêm trọng. Ngài bảo ông dâng người con yêu dấu là Y-sác. Nhưng giờ đây Áp-ra-ham đã hiểu rõ hơn về Đức Chúa Trời, nên lần này ông không nêu câu hỏi với ngài mà chỉ làm theo những điều ngài bảo ông làm. Dù vậy, hãy hình dung ông đau lòng thế nào trong lúc chuẩn bị cho công việc đó! Hẳn Áp-ra-ham đã suy ngẫm những điều ông học được về Đức Giê-hô-va. Ông biết rằng ngài không bao giờ làm điều không công chính hoặc thiếu yêu thương. Sứ đồ Phao-lô cho biết Áp-ra-ham lý luận rằng Đức Giê-hô-va có khả năng làm cho con yêu dấu của mình sống lại (Hê 11:17-19). Suy cho cùng, ngài đã hứa Y-sác sẽ trở thành cha của một dân tộc nhưng vào lúc đó, Y-sác chưa có con. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va nên Áp-ra-ham tin rằng Cha trên trời luôn làm điều công chính. Dù rất khó nhưng ông vâng lời với đức tin.—Sáng 22:1-12.

12. Chúng ta có thể noi theo gương Áp-ra-ham như thế nào? (Thi thiên 73:28)

12 Chúng ta có thể noi theo gương Áp-ra-ham như thế nào? Chúng ta cần tiếp tục học về Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta sẽ đến gần và yêu thương ngài nhiều hơn nữa. (Đọc Thi thiên 73:28). Lương tâm của chúng ta sẽ được rèn luyện để phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời (Hê 5:14). Nhờ thế, chúng ta sẽ kháng cự được khi bị cám dỗ làm điều sai trái. Chúng ta sẽ ghét ngay cả ý tưởng làm bất cứ điều gì khiến Cha trên trời đau lòng và gây tổn hại cho mối quan hệ với ngài. Chúng ta có thể cho thấy mình yêu mến sự công chính qua cách nào khác?

13. Chúng ta có thể theo đuổi sự công chính bằng cách nào? (Châm ngôn 15:9)

13 Thứ hai, hãy nỗ lực mỗi ngày để gia tăng lòng yêu mến đối với sự công chính. Việc gia tăng lòng yêu mến đối với tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va cũng giống như việc rèn luyện cơ bắp: Chúng ta cần nỗ lực và làm thế một cách đều đặn. Không quá khó để gia tăng lòng yêu mến ấy mỗi ngày. Đức Giê-hô-va là đấng phải lẽ và không bao giờ đòi hỏi những điều vượt quá khả năng của chúng ta (Thi 103:14). Ngài bảo đảm với chúng ta rằng ngài “yêu thương người theo đuổi sự công chính”. (Đọc Châm ngôn 15:9). Giống như việc chúng ta phải nỗ lực để đạt được một mục tiêu trong việc phụng sự, việc theo đuổi sự công chính cũng cần nhiều cố gắng. Và Đức Giê-hô-va sẽ kiên nhẫn giúp đỡ để chúng ta tiếp tục tiến bộ qua thời gian.—Thi 84:5, 7.

14. “Giáp che ngực là sự công chính” tượng trưng cho điều gì, và tại sao chúng ta cần nó?

14 Đức Giê-hô-va yêu thương nhắc nhở chúng ta rằng việc làm điều công chính không phải là gánh nặng (1 Giăng 5:3). Trái lại, đó là một sự bảo vệ và là điều chúng ta cần mỗi ngày. Hãy nhớ đến bộ khí giới thiêng liêng mà sứ đồ Phao-lô miêu tả (Ê-phê 6:14-18). Phần nào của bộ khí giới bảo vệ trái tim của người lính? Đó là “giáp che ngực là sự công chính”, tượng trưng cho tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va. Giống như giáp che ngực bảo vệ trái tim, tiêu chuẩn công chính của ngài có thể bảo vệ lòng, tức con người bề trong của anh chị. Vậy, bằng mọi cách, hãy bảo đảm rằng bộ khí giới của anh chị có giáp che ngực là sự công chính!—Châm 4:23.

15. Làm thế nào để mặc giáp che ngực là sự công chính?

15 Làm thế nào để mặc giáp che ngực là sự công chính? Anh chị có thể làm thế bằng cách nhớ đến tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời trong những lựa chọn hằng ngày. Khi quyết định sẽ nói điều gì, nghe loại nhạc nào, xem chương trình giải trí hoặc đọc sách nào, trước tiên hãy tự hỏi: “Mình đang tiếp thu điều gì vào lòng? Tài liệu này có được Đức Giê-hô-va chấp nhận không? Hay nó cổ xúy sự vô luân, hung bạo, tham lam và ích kỷ, là những điều mà Đức Giê-hô-va xem là không công chính?” (Phi-líp 4:8). Nếu đưa ra quyết định phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va, anh chị đang để tiêu chuẩn công chính của ngài bảo vệ lòng.

Sự công chính của anh chị có thể “như sóng biển” (Xem đoạn 16, 17)

16, 17. Làm thế nào Ê-sai 48:18 bảo đảm rằng chúng ta có thể sống theo tiêu chuẩn công chính cho đến mãi mãi?

16 Anh chị có bao giờ lo là mình có thể tiếp tục sống theo tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va ngày này sang ngày khác, năm này sang năm nọ không? Hãy xem hình ảnh mà Đức Giê-hô-va dùng nơi Ê-sai 48:18. (Đọc). Ngài hứa là sự công chính của chúng ta có thể “như sóng biển”. Hãy hình dung anh chị đang đứng trước một bờ biển rộng lớn, ngắm nhìn những đợt sóng không ngừng vỗ vào bờ. Trong khung cảnh thanh bình ấy, anh chị có lo là một ngày nào đó những đợt sóng ấy sẽ ngừng vỗ không? Hẳn là không! Anh chị biết rằng các đợt sóng đã vỗ vào bờ hàng ngàn năm rồi, và chắc chắn sẽ tiếp tục như thế.

17 Sự công chính của anh chị có thể giống như sóng biển! Như thế nào? Khi phải quyết định một điều gì đó, trước tiên hãy xem Đức Giê-hô-va muốn anh chị làm gì, và rồi làm theo. Cho dù quyết định đó khó đến mức nào đi nữa, Cha yêu thương sẽ luôn ở bên để giúp anh chị bền bỉ và tiếp tục sống theo tiêu chuẩn công chính của ngài mỗi ngày.—Ê-sai 40:29-31.

18. Tại sao chúng ta phải tránh xét đoán người khác dựa trên tiêu chuẩn của bản thân?

18 Thứ ba, hãy để quyền phán xét trong tay Đức Giê-hô-va. Dù cố gắng để sống theo tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va, nhưng chúng ta cũng phải tránh xét đoán người khác và tự xem mình là công chính. Thay vì xem thường người khác như thể chúng ta có quyền xét đoán họ dựa trên tiêu chuẩn của bản thân, chúng ta cần nhớ Đức Giê-hô-va là “Đấng Phán Xét của toàn thể trái đất” (Sáng 18:25). Đức Giê-hô-va không giao quyền phán xét đó cho chúng ta. Thật thế, Chúa Giê-su ban mệnh lệnh: “Đừng xét đoán người khác nữa, để anh em không bị xét đoán”.—Mat 7:1. b

19. Làm thế nào Giô-sép cho thấy ông tin cậy sự phán xét của Đức Giê-hô-va?

19 Hãy trở lại với trường hợp của người công chính Giô-sép. Ông tránh xét đoán người khác, ngay cả những người đã đối xử tệ với ông. Chính các anh của Giô-sép đã hành hung ông, bán ông làm nô lệ và thuyết phục cha họ tin rằng ông đã chết. Nhiều năm sau, Giô-sép được đoàn tụ với gia đình. Lúc ấy, là người cai trị đầy quyền lực, Giô-sép đã có thể phán xét các anh một cách hà khắc và tìm cách trả thù. Các anh Giô-sép sợ chuyện đó sẽ xảy ra, dù họ thật lòng ăn năn về những việc đã làm. Nhưng Giô-sép trấn an họ: “Các anh đừng sợ, em là người thay mặt Đức Chúa Trời sao?” (Sáng 37:18-20, 27, 28, 31-35; 50:15-21). Giô-sép khiêm nhường để quyền phán xét trong tay Đức Giê-hô-va.

20, 21. Làm thế nào để tránh xem mình hơn người khác?

20 Như Giô-sép, chúng ta để quyền phán xét trong tay Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, chúng ta không cho rằng mình biết động cơ của các anh em khi họ làm điều gì đó. Chúng ta không thể đọc được lòng, chỉ có “Đức Giê-hô-va dò xét động cơ” (Châm 16:2). Ngài yêu thương mọi loại người, bất kể họ thuộc gốc gác hay văn hóa nào. Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta cũng “mở rộng lòng mình” (2 Cô 6:13). Chúng ta yêu thương mọi người trong gia đình thiêng liêng, chứ không xét đoán họ.

21 Ngoài ra, chúng ta cũng không xét đoán người ngoài hội thánh (1 Ti 2:3, 4). Chúng ta không muốn xét đoán một người bà con không cùng đức tin bằng cách nói rằng: “Người đó sẽ không bao giờ vào chân lý”. Làm thế là tự phụ và xem mình hơn người khác. Đức Giê-hô-va vẫn cho “mọi người ở khắp nơi” cơ hội để ăn năn (Công 17:30). Hãy luôn nhớ rằng người xem mình hơn người khác là không công chính.

22. Tại sao anh chị quyết tâm yêu mến sự công chính?

22 Mong sao lòng yêu mến tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vui mừng và nêu gương cho người khác, nhờ thế họ đến gần chúng ta và Đức Giê-hô-va hơn. Mong sao chúng ta luôn “đói khát sự công chính” (Mat 5:6). Hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời để ý đến nỗ lực của anh chị và ngài luôn vui lòng khi anh chị cố gắng làm điều đúng. Thế gian này ngày càng chìm ngập trong sự không công chính. Nhưng đừng nản lòng! Hãy luôn nhớ rằng “Đức Giê-hô-va yêu thương người nào công chính”.—Thi 146:8.

BÀI HÁT 139 Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới

a Trong thế giới gian ác này, không dễ để tìm được người công chính. Tuy nhiên, hàng triệu người ngày nay đang đi theo đường lối công chính. Hẳn anh chị có trong số đó. Anh chị theo đuổi đường lối ấy vì yêu thương Đức Giê-hô-va, và Đức Giê-hô-va yêu mến sự công chính. Làm sao để ngày càng yêu mến phẩm chất tuyệt vời ấy? Bài này sẽ xem xét sự công chính là gì, và chúng ta nhận được lợi ích nào khi yêu mến sự công chính. Chúng ta cũng sẽ thảo luận những điều mình có thể làm để gia tăng lòng yêu mến đối với phẩm chất này.

b Đôi khi các trưởng lão phải xét xử những vấn đề liên quan đến tội trọng và sự ăn năn (1 Cô 5:11; 6:5; Gia 5:14, 15). Tuy nhiên, họ khiêm nhường nhớ rằng họ không thể đọc được lòng và họ đang xét xử cho Đức Giê-hô-va. (So sánh 2 Sử ký 19:6). Vì thế, họ đưa ra quyết định dựa trên tiêu chuẩn phải lẽ, thương xót và công bằng của Đức Chúa Trời.