Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 35

Hãy tiếp tục “giúp nhau vững mạnh”

Hãy tiếp tục “giúp nhau vững mạnh”

“Hãy tiếp tục khích lệ nhau và giúp nhau vững mạnh”.—1 TÊ 5:11.

BÀI HÁT 90 Hãy khuyến khích nhau

GIỚI THIỆU a

1. Theo 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11, tất cả chúng ta tham gia công việc xây dựng nào theo nghĩa bóng?

 Hội thánh anh chị đã bao giờ xây hoặc sửa chữa một Phòng Nước Trời chưa? Nếu có, hẳn anh chị nhớ buổi nhóm đầu tiên tại cơ sở mới. Anh chị rất biết ơn Đức Giê-hô-va. Có lẽ anh chị cảm động đến mức không hát thành lời bài hát mở đầu. Những Phòng Nước Trời khang trang mang lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va. Nhưng chúng ta mang lại sự ngợi khen lớn hơn cho ngài khi tham gia công việc xây dựng khác. Công việc đó gồm điều có giá trị hơn những tòa nhà theo nghĩa đen. Đó là xây dựng hay làm vững mạnh những người đến các nơi thờ phượng này. Sứ đồ Phao-lô nghĩ đến việc xây dựng theo nghĩa bóng khi viết những lời nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11, là câu Kinh Thánh chủ đề của bài.—Đọc.

2. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

2 Sứ đồ Phao-lô là gương xuất sắc trong việc xây dựng anh em đồng đạo. Ông cảm thông với họ. Trong bài này, chúng ta sẽ xem làm thế nào ông giúp anh em đồng đạo (1) chịu đựng thử thách, (2) hòa thuận với người khác và (3) củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Hãy cùng xem chúng ta có thể noi gương ông ra sao để giúp anh em ngày nay vững mạnh.—1 Cô 11:1.

PHAO-LÔ GIÚP ANH EM ĐỒNG ĐẠO CHỊU ĐỰNG THỬ THÁCH

3. Phao-lô có quan điểm thăng bằng nào?

3 Phao-lô yêu thương anh em đồng đạo rất nhiều. Ông từng trải qua nhiều gian khổ, vì thế ông có thể biểu lộ lòng trắc ẩn và cảm thông với anh em khi họ đương đầu với thử thách. Có lần, Phao-lô không còn tiền và phải làm việc để chu cấp cho bản thân cũng như những người đi cùng (Công 20:34). Trước đây, ông làm nghề may lều, nên khi đến Cô-rinh-tô, lúc đầu ông làm việc với A-qui-la và Bê-rít-sin, cũng làm nghề may lều. Vào “mỗi ngày Sa-bát”, ông rao giảng cho người Do Thái và người Hy Lạp. Rồi khi Si-la và Ti-mô-thê đến, “Phao-lô bắt đầu dồn mọi nỗ lực vào việc giảng lời Đức Chúa Trời” (Công 18:2-5). Phao-lô không bao giờ quên mục tiêu chính trong đời sống là phụng sự Đức Giê-hô-va. Vì là người siêng năng nên ông có thể khích lệ anh em đồng đạo. Ông nhắc họ không nên để áp lực của đời sống và việc chăm lo cho gia đình khiến họ lơ là “những điều quan trọng hơn”, tức mọi khía cạnh trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 1:10.

4. Phao-lô và Ti-mô-thê đã giúp anh em đồng đạo như thế nào để đương đầu với sự ngược đãi?

4 Không lâu sau khi hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca được thành lập, các môn đồ mới cải đạo đã đối mặt với sự chống đối dữ dội. Khi một đám đông hung hăng không thể tìm ra Phao-lô và Si-la, họ đã lôi “một số anh em đến nhà cầm quyền trong thành” và la lên: “Cả bọn chúng đều chống lại sắc lệnh của Sê-sa” (Công 17:6, 7). Hẳn các tín đồ mới cải đạo sợ hãi khi thấy những người trong thành chống lại họ. Họ có thể bị chậm lại trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, nhưng Phao-lô không muốn điều đó xảy ra. Dù sắp rời khỏi thành, Phao-lô và Si-la đã sắp xếp để hội thánh ở đó được chăm sóc tốt. Trong thư gửi tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô nói: ‘Chúng tôi phái Ti-mô-thê, người anh em của chúng ta đến để làm vững mạnh và an ủi anh em nhằm mang lại lợi ích cho đức tin của anh em, hầu không ai bị nao núng trước những hoạn nạn ấy’ (1 Tê 3:2, 3). Rất có thể Ti-mô-thê chứng kiến tận mắt sự ngược đãi xảy ra ở quê nhà Lít-trơ. Ông đã thấy cách Phao-lô làm vững mạnh anh em ở đó. Khi thấy kết quả nhờ sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, Ti-mô-thê có thể trấn an các môn đồ mới rằng mọi chuyện cũng sẽ ổn đối với họ.—Công 14:8, 19-22; Hê 12:2.

5. Anh Bryant đã nhận được lợi ích nào từ sự giúp đỡ của một trưởng lão?

5 Phao-lô làm vững mạnh anh em đồng đạo qua cách nào khác? Khi trở lại Lít-trơ, Y-cô-ni và An-ti-ốt, Phao-lô và Ba-na-ba “bổ nhiệm các trưởng lão trong mỗi hội thánh” (Công 14:21-23). Hẳn các anh được bổ nhiệm này đã chứng tỏ là một nguồn an ủi cho hội thánh, và các trưởng lão ngày nay cũng thế. Hãy để ý đến lời chia sẻ của một anh tên Bryant. Anh nói: “Khi tôi bước sang tuổi 15, cha tôi bỏ nhà đi, còn mẹ thì bị khai trừ. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi và nản lòng”. Điều gì đã giúp anh Bryant chịu đựng thời điểm khó khăn đó? Anh cho biết: “Một trưởng lão tên Tony đã nói chuyện với tôi tại các buổi nhóm và vào những lúc khác. Anh kể cho tôi nghe về những anh chị từng đương đầu với thử thách nhưng vẫn có đời sống vui mừng. Anh chia sẻ với tôi Thi thiên 27:10 và thường nói về Ê-xê-chia, người đã trung thành phụng sự ngay cả khi cha của ông không phải là gương tốt”. Sự trợ giúp thực tế này đã tác động thế nào đến anh Bryant? Anh cho biết: “Nhờ sự khích lệ của anh Tony mà cuối cùng tôi bắt đầu một sự nghiệp thỏa nguyện là thánh chức trọn thời gian”. Hỡi các trưởng lão, hãy để ý và chủ động giúp những anh chị có lẽ cần sự khích lệ qua “một lời lành”, giống như anh Bryant.—Châm 12:25.

6. Phao-lô đã dùng các kinh nghiệm như thế nào để khích lệ anh em đồng đạo?

6 Phao-lô nhắc anh em đồng đạo nhớ rằng nhờ sức mạnh của Đức Giê-hô-va, “một đám mây nhân chứng rất lớn” đã chịu đựng được khó khăn thử thách (Hê 12:1). Phao-lô hiểu là kinh nghiệm của những người từng đương đầu thành công với mọi loại thử thách có thể giúp anh em có lòng can đảm và tiếp tục chú tâm vào “thành của Đức Chúa Trời hằng sống” (Hê 12:22). Ngày nay cũng vậy. Chẳng phải chúng ta đều được vững mạnh khi đọc về cách Đức Giê-hô-va giúp Ghi-đê-ôn, Ba-rác, Đa-vít, Sa-mu-ên và nhiều người khác sao? (Hê 11:32-35). Nói sao về những gương đức tin trong thời hiện đại? Nhiều anh em đã gửi thư đến trụ sở trung ương và cho biết họ được củng cố đức tin sau khi đọc kinh nghiệm của một tôi tớ trung thành thời hiện đại.

PHAO-LÔ CHO ANH EM ĐỒNG ĐẠO THẤY CÁCH ĐỂ HÒA THUẬN VỚI NGƯỜI KHÁC

7. Anh chị học được gì từ lời khuyên của Phao-lô nơi Rô-ma 14:19-21?

7 Chúng ta xây dựng anh em đồng đạo khi chủ động đẩy mạnh sự hòa thuận trong hội thánh. Đừng để sự khác biệt về quan điểm chia rẽ chúng ta. Nếu một quan điểm không vi phạm nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta không muốn khăng khăng giữ ý kiến của mình. Hãy xem một ví dụ. Hội thánh ở Rô-ma có cả tín đồ người Do Thái lẫn tín đồ dân ngoại. Khi Luật pháp Môi-se hết hiệu lực, lệnh cấm ăn một số loại thức ăn bị bãi bỏ (Mác 7:19). Kể từ đó, một số tín đồ người Do Thái cảm thấy thoải mái ăn mọi loại thức ăn. Tuy nhiên, những tín đồ Do Thái khác không cảm thấy như thế. Vấn đề này khiến hội thánh bị chia rẽ. Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ hòa thuận khi khuyên: “Tốt nhất đừng ăn thịt, uống rượu hoặc làm bất cứ điều gì khiến anh em mình vấp ngã”. (Đọc Rô-ma 14:19-21). Vì thế, Phao-lô giúp anh em đồng đạo thấy những cuộc tranh cãi ấy có thể gây hại thế nào cho mỗi cá nhân và cả hội thánh. Ông cũng sẵn sàng điều chỉnh quan điểm để tránh làm người khác vấp ngã (1 Cô 9:19-22). Chúng ta cũng có thể xây dựng anh em đồng đạo và giữ sự hòa thuận nếu tránh tranh cãi về các vấn đề liên quan đến lựa chọn cá nhân.

8. Khi nảy sinh một vấn đề quan trọng đe dọa sự hòa thuận trong hội thánh, Phao-lô xử lý thế nào?

8 Phao-lô nêu gương tốt trong việc gìn giữ sự hòa thuận với những người bất đồng với ông về các vấn đề quan trọng. Chẳng hạn, một số tín đồ trong hội thánh thế kỷ thứ nhất một mực cho rằng các tín đồ dân ngoại cải đạo cần được cắt bì, có lẽ để tránh bị người Do Thái chỉ trích (Ga 6:12). Phao-lô hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó, nhưng thay vì ép người khác làm theo quan điểm của mình, ông khiêm nhường trình vấn đề lên các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem (Công 15:1, 2). Nhờ xử lý vấn đề theo cách này, ông đã giúp những tín đồ đó giữ được niềm vui và sự hòa thuận trong hội thánh.—Công 15:30, 31.

9. Chúng ta có thể noi gương Phao-lô như thế nào?

9 Nếu có một bất đồng nghiêm trọng nảy sinh, chúng ta đẩy mạnh sự hòa thuận bằng cách tìm kiếm sự hướng dẫn đến từ các anh được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để chăm sóc hội thánh. Thường thì những chỉ dẫn dựa trên Kinh Thánh có trong ấn phẩm hoặc trong tài liệu mà tổ chức cung cấp. Nếu cố gắng làm theo những chỉ dẫn này thay vì đẩy mạnh quan điểm cá nhân, chúng ta sẽ góp phần vào sự hòa thuận trong hội thánh.

10. Phao-lô làm điều gì khác để đẩy mạnh sự hòa thuận trong hội thánh?

10 Phao-lô đẩy mạnh sự hòa thuận bằng cách nêu bật ưu điểm thay vì khuyết điểm của anh em đồng đạo. Chẳng hạn, trong phần cuối của lá thư gửi cho tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô đề cập đến tên của nhiều người, và trong đa số trường hợp, ông thêm nhận xét tích cực hoặc một đặc điểm cụ thể về họ. Chúng ta có thể noi gương Phao-lô bằng cách nhắc đến những phẩm chất tốt của anh em đồng đạo. Điều này giúp anh em đến gần nhau hơn, nhờ thế thắt chặt tình yêu thương trong hội thánh.

11. Làm thế nào để hòa thuận lại với người khác khi mâu thuẫn nảy sinh?

11 Đôi khi, ngay cả những tín đồ thành thục cũng có thể bất đồng với nhau. Điều này đã xảy ra với Phao-lô và bạn thân là Ba-na-ba. Họ bất đồng về việc có nên dẫn theo Mác đi cùng trong hành trình truyền giáo tiếp theo hay không. Họ “cãi nhau dữ dội”, đến nỗi tách nhau ra (Công 15:37-39). Nhưng Phao-lô, Ba-na-ba và Mác đã hàn gắn mối quan hệ giữa họ. Điều này cho thấy họ xem trọng sự hòa thuận và hợp nhất trong hội thánh. Sau này, Phao-lô nói tốt về Ba-na-ba và Mác (1 Cô 9:6; Cô 4:10). Chúng ta cũng cần giải quyết bất cứ sự mâu thuẫn nào mình có với người khác trong hội thánh và tiếp tục chú tâm vào những phẩm chất tốt của họ. Khi làm thế, chúng ta đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất.—Ê-phê 4:3.

PHAO-LÔ CỦNG CỐ ĐỨC TIN CỦA ANH EM ĐỒNG ĐẠO

12. Anh em chúng ta phải đối mặt với một số thử thách nào?

12 Chúng ta xây dựng anh em đồng đạo khi củng cố đức tin của họ nơi Đức Giê-hô-va. Một số anh chị bị người thân không cùng đức tin, đồng nghiệp hoặc bạn học chế giễu. Số khác đang phải đương đầu với vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hoặc tranh đấu để vượt qua cảm giác tổn thương. Những anh chị khác thì đã báp-têm nhiều năm và chờ đợi sự kết thúc của thế gian này lâu rồi. Những tình huống đó có thể thử thách đức tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất cũng đối mặt với những thử thách tương tự. Phao-lô đã làm gì để làm vững mạnh anh em đồng đạo?

Giống như sứ đồ Phao-lô, chúng ta có thể xây dựng người khác qua cách nào? (Xem đoạn 13) b

13. Bằng cách nào Phao-lô giúp những anh em bị chế giễu về niềm tin?

13 Phao-lô dùng Kinh Thánh để xây dựng đức tin của anh em đồng đạo. Chẳng hạn, các tín đồ người Do Thái có lẽ cảm thấy bối rối trước sự chỉ trích của người thân không cùng niềm tin cho rằng Do Thái giáo cao trọng hơn đạo Đấng Ki-tô. Hẳn lá thư của Phao-lô gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ đã làm họ vững mạnh (Hê 1:5, 6; 2:2, 3; 9:24, 25). Họ có thể dùng lý luận vững chắc của ông để làm im tiếng những kẻ chống đối. Ngày nay, chúng ta có thể giúp anh em đồng đạo đang bị chỉ trích biết cách dùng ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh để giải thích niềm tin của mình. Nếu các bạn trẻ bị chế nhạo vì tin nơi sự sáng tạo, chúng ta có thể giúp họ tìm thông tin trong các sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo?Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng. Những thông tin ấy có thể giúp họ giải thích tại sao họ tin rằng sự sống là do sáng tạo.

Giống như sứ đồ Phao-lô, chúng ta có thể xây dựng người khác qua cách nào? (Xem đoạn 14) c

14. Dù bận rộn rao giảng và dạy dỗ, Phao-lô đã làm gì?

14 Phao-lô khuyến khích anh em đồng đạo thể hiện tình yêu thương qua “việc lành” (Hê 10:24). Ông giúp đỡ anh em đồng đạo không chỉ qua lời nói mà còn qua việc làm. Chẳng hạn, khi các tín đồ ở Giu-đê đối mặt với nạn đói, Phao-lô đã mang đồ cứu trợ cho họ (Công 11:27-30). Ngay cả khi bận rộn rao giảng và dạy dỗ, Phao-lô luôn tìm cách để giúp những anh em thiếu thốn về vật chất (Ga 2:10). Khi làm thế, ông giúp anh em đồng đạo tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc họ. Ngày nay, khi tình nguyện dành thời gian, sức lực và kỹ năng để tham gia công tác cứu trợ, chúng ta cũng củng cố đức tin của anh em. Ngoài ra, chúng ta có thể đều đặn đóng góp cho công việc toàn cầu. Qua cách này hay cách khác, chúng ta giúp anh em đồng đạo tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ bỏ rơi họ.

Giống như sứ đồ Phao-lô, chúng ta có thể xây dựng người khác qua cách nào? (Xem đoạn 15, 16) d

15, 16. Chúng ta nên giúp đỡ những anh chị bị suy yếu đức tin bằng cách nào?

15 Phao-lô kiên nhẫn khích lệ những người bị suy yếu đức tin. Ông thể hiện lòng đồng cảm và nói với họ một cách nồng ấm, tích cực (Hê 6:9; 10:39). Chẳng hạn, trong lá thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, ông thường dùng từ “chúng ta”; điều này cho thấy chính ông cũng cần áp dụng lời khuyên của mình (Hê 2:1, 3). Giống như Phao-lô, chúng ta kiên nhẫn khích lệ những người bị suy yếu đức tin. Chúng ta xây dựng họ bằng cách thể hiện lòng quan tâm chân thành đối với họ. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình luôn yêu thương họ. Cách nói nhẹ nhàng và nồng ấm cũng có tác dụng khích lệ người khác giống như những gì chúng ta nói.

16 Phao-lô đảm bảo với anh em đồng đạo rằng Đức Giê-hô-va biết những việc tốt của họ (Hê 10:32-34). Chúng ta có thể làm điều tương tự khi giúp đỡ một anh em bị suy yếu đức tin. Chúng ta có thể khuyến khích người ấy kể lại cách họ vào chân lý hoặc nhớ lại những lần mà họ cảm nghiệm được sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể dùng cơ hội này để đảm bảo với người ấy rằng Đức Giê-hô-va không quên những việc họ đã làm vì yêu thương ngài và ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi họ (Hê 6:10; 13:5, 6). Những cuộc trò chuyện ấy có thể khơi dậy nơi người anh em yêu dấu đó ước muốn tiếp tục phụng sự ngài.

“HÃY TIẾP TỤC KHÍCH LỆ NHAU”

17. Chúng ta có thể tiếp tục phát triển những kỹ năng nào?

17 Giống như một người xây dựng có thể nâng cao tay nghề qua thời gian, chúng ta cũng có thể trở nên hữu hiệu hơn trong việc xây dựng người khác. Chúng ta có thể giúp người khác có được sức mạnh để chịu đựng thử thách bằng cách chia sẻ gương của những người đã chịu đựng trong quá khứ. Chúng ta có thể đẩy mạnh sự hòa thuận bằng cách nhắc đến những điểm tốt mình thấy nơi người khác, gìn giữ sự hòa thuận khi có vấn đề gây chia rẽ và làm hòa khi có bất đồng nảy sinh. Chúng ta cũng có thể xây dựng đức tin của anh em qua việc chia sẻ với họ những sự thật quan trọng trong Kinh Thánh, giúp đỡ thực tế và hỗ trợ bất cứ ai bị suy yếu về thiêng liêng.

18. Chúng ta quyết tâm làm gì?

18 Những anh chị làm việc trong các dự án xây dựng thần quyền cảm thấy hạnh phúc và vui mừng. Chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm hạnh phúc và vui mừng khi tham gia công việc xây dựng theo nghĩa bóng trong hội thánh. Khác với những tòa nhà cuối cùng sẽ bị hư hỏng, kết quả của công việc mà chúng ta thực hiện có thể còn mãi! Mong sao chúng ta quyết tâm “tiếp tục khích lệ nhau và giúp nhau vững mạnh”.—1 Tê 5:11.

BÀI HÁT 100 Hãy bày tỏ lòng hiếu khách

a Đời sống trong thế gian này rất khó khăn. Anh em chúng ta gặp nhiều áp lực. Chúng ta có thể giúp họ khi tìm cách khích lệ họ. Về khía cạnh này, điều hữu ích là xem xét gương của sứ đồ Phao-lô.

b HÌNH ẢNH: Một người cha cho con gái thấy cách dùng những gợi ý trong ấn phẩm để đối phó với áp lực liên quan đến Lễ Giáng Sinh.

c HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng đến khu vực khác trong nước để tham gia công tác cứu trợ.

d HÌNH ẢNH: Một trưởng lão thăm một anh bị suy yếu đức tin. Anh trưởng lão cho anh kia xem một số bức hình của Trường dành cho tiên phong mà họ cùng tham dự nhiều năm trước. Những bức hình gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp mà họ có. Anh kia bắt đầu mong muốn có lại niềm vui khi phụng sự Đức Giê-hô-va. Với thời gian, anh ấy trở lại với hội thánh.