Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 35

Hãy tiếp tục kiên nhẫn

Hãy tiếp tục kiên nhẫn

‘Hãy mặc lấy sự kiên nhẫn’.—CÔ 3:12.

BÀI HÁT 114 “Hãy kiên nhẫn”

GIỚI THIỆU a

1. Tại sao anh chị quý những người kiên nhẫn?

 Tất cả chúng ta đều quý những người kiên nhẫn. Chúng ta khâm phục những người chờ đợi điều gì đó mà không bực bội. Chúng ta biết ơn vì người khác kiên nhẫn với mình khi mình mắc lỗi. Và chúng ta biết ơn người dạy Kinh Thánh đã kiên nhẫn khi chúng ta thấy khó hiểu, khó chấp nhận hoặc khó áp dụng một sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Trên hết, chúng ta vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài kiên nhẫn với chúng ta!—Rô 2:4.

2. Chúng ta có thể thấy khó kiên nhẫn trong những tình huống nào?

2 Dù rất quý sự kiên nhẫn của người khác, nhưng có lẽ chính chúng ta lại thấy không luôn dễ để kiên nhẫn. Chẳng hạn, có thể chúng ta thấy khó giữ bình tĩnh khi kẹt xe, nhất là nếu mình đang trễ. Có thể chúng ta tức giận khi người khác làm mình bực bội. Và đôi khi, chúng ta thấy khó tiếp tục chờ đợi thế giới mới mà Đức Giê-hô-va hứa. Anh chị có muốn kiên nhẫn hơn không? Trong bài này, chúng ta sẽ xem kiên nhẫn có nghĩa gì và tại sao đức tính này rất quan trọng. Cũng hãy xem điều gì có thể giúp chúng ta kiên nhẫn hơn.

KIÊN NHẪN CÓ NGHĨA GÌ?

3. Người kiên nhẫn phản ứng thế nào khi bị khiêu khích?

3 Hãy xem bốn cách chúng ta có thể thể hiện sự kiên nhẫn. Thứ nhất, người kiên nhẫn thì chậm nóng giận. Người ấy cố gắng giữ bình tĩnh và không trả đũa khi bị khiêu khích hoặc căng thẳng. Cụm từ “chậm nóng giận” xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thánh khi Đức Giê-hô-va được miêu tả là “Đức Chúa Trời thương xót và trắc ẩn, chậm nóng giận, giàu tình yêu thương thành tín và sự chân thật”.—Xuất 34:6.

4. Người kiên nhẫn phản ứng thế nào khi phải chờ đợi?

4 Thứ hai, người kiên nhẫn thì chờ đợi một cách bình tĩnh. Nếu phải chờ đợi một điều lâu hơn mình nghĩ, người kiên nhẫn cố gắng tránh tỏ ra khó chịu hoặc bực bội (Mat 18:26, 27). Có nhiều tình huống đòi hỏi chúng ta cần chờ đợi một cách bình tĩnh. Chẳng hạn, chúng ta cần kiên nhẫn lắng nghe khi một người đang nói và không cắt ngang (Gióp 36:2). Có lẽ chúng ta cũng cần kiên nhẫn khi giúp học viên hiểu một sự dạy dỗ trong Kinh Thánh hoặc từ bỏ thói quen xấu.

5. Một cách khác để thể hiện sự kiên nhẫn là gì?

5 Thứ ba, người kiên nhẫn thì không hấp tấp. Đành rằng, một số tình huống đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh chóng. Tuy nhiên, khi người kiên nhẫn có một việc quan trọng cần làm, thì người ấy không vội vàng bắt tay vào làm và cũng không làm nhanh cho xong. Thay vì thế, người ấy dành ra một khoảng thời gian hợp lý để dự trù những điều cần làm, rồi dành đủ thời gian để thực hiện tốt điều đó.

6. Người kiên nhẫn phản ứng thế nào khi đối mặt với thử thách hoặc nghịch cảnh?

6 Thứ tư, người kiên nhẫn thì cố gắng chịu đựng thử thách mà không phàn nàn. Theo nghĩa này, sự kiên nhẫn có liên hệ chặt chẽ với sự chịu đựng. Dĩ nhiên, không có gì sai nếu chúng ta mở lòng với người bạn thân và bày tỏ cảm xúc của mình về một thử thách. Nhưng người kiên nhẫn sẽ cố gắng hết sức để tiếp tục chịu đựng mà vẫn giữ thái độ tích cực (Cô 1:11). Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta cần thể hiện tất cả những khía cạnh này của sự kiên nhẫn. Tại sao? Hãy xem một số lý do.

TẠI SAO TÍNH KIÊN NHẪN RẤT QUAN TRỌNG?

Người nông dân kiên nhẫn chờ đợi, tin rằng với thời gian ông sẽ thu hoạch hoa màu. Tương tự, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi, tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện mọi lời hứa vào đúng thời điểm của ngài (Xem đoạn 7)

7. Theo Gia-cơ 5:7, 8, tại sao tính kiên nhẫn rất quan trọng? (Cũng xem hình).

7 Kiên nhẫn là điều thiết yếu để chúng ta nhận được sự sống vĩnh cửu. Giống như các tôi tớ trung thành trong quá khứ, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời thực hiện các lời hứa của ngài (Hê 6:11, 12). Kinh Thánh ví hoàn cảnh của chúng ta với hoàn cảnh của người nông dân. (Đọc Gia-cơ 5:7, 8). Người nông dân siêng năng làm việc để trồng và tưới hoa màu, nhưng không biết chính xác khi nào chúng lớn lên. Vì thế, người nông dân kiên nhẫn chờ đợi, tin rằng mình sẽ thu hoạch được hoa màu. Tương tự, chúng ta luôn bận rộn trong các hoạt động thiêng liêng, dù “không biết ngày nào Chúa mình đến” (Mat 24:42). Chúng ta kiên nhẫn chờ đợi, tin chắc rằng vào đúng thời điểm của ngài, Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện mọi điều ngài hứa. Nếu thiếu kiên nhẫn, có thể chúng ta sẽ không muốn chờ đợi nữa và bắt đầu trôi giạt khỏi chân lý. Chúng ta cũng có thể bắt đầu theo đuổi những điều mang lại thú vui tức thì. Nhưng nếu kiên nhẫn, chúng ta có thể chịu đựng cho đến cuối cùng và được cứu.—Mi 7:7; Mat 24:13.

8. Làm thế nào tính kiên nhẫn giúp chúng ta có những mối quan hệ tốt? (Cô-lô-se 3:12, 13)

8 Tính kiên nhẫn giúp chúng ta có những mối quan hệ tốt. Đức tính này giúp chúng ta chăm chú lắng nghe khi người khác nói (Gia 1:19). Tính kiên nhẫn cũng đẩy mạnh sự hòa thuận, giúp chúng ta tránh phản ứng hấp tấp và tránh nói điều thiếu tử tế khi bị căng thẳng. Nếu kiên nhẫn, chúng ta sẽ chậm nóng giận khi người khác làm mình tổn thương. Thay vì trả đũa, chúng ta sẽ “tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau”.—Đọc Cô-lô-se 3:12, 13.

9. Tính kiên nhẫn giúp chúng ta thế nào khi cần đưa ra quyết định? (Châm ngôn 21:5)

9 Tính kiên nhẫn cũng có thể giúp chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Thay vì hấp tấp hoặc bốc đồng, chúng ta sẽ dành thời gian để tra cứu và cân nhắc những lựa chọn mình có. (Đọc Châm ngôn 21:5). Chẳng hạn, nếu đang tìm việc, có lẽ chúng ta muốn nhận công việc đầu tiên mà mình được mời làm, ngay cả khi nó ảnh hưởng đến việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn, chúng ta sẽ dành thời gian để xem xét những yếu tố như địa điểm, giờ giấc và công việc ấy ảnh hưởng thế nào đến gia đình cũng như nề nếp thiêng liêng của mình. Nhờ kiên nhẫn, chúng ta có thể tránh đưa ra quyết định thiếu khôn ngoan.

LÀM SAO ĐỂ CÓ THÊM SỰ KIÊN NHẪN?

10. Làm thế nào một tín đồ có thể vun trồng và duy trì tính kiên nhẫn?

10 Cầu xin để có thêm sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn là một khía cạnh của bông trái thần khí (Ga 5:22, 23). Vì thế, chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh và xin ngài giúp mình vun trồng bông trái thần khí. Nếu đối mặt với một tình huống thử thách sự kiên nhẫn, chúng ta “tiếp tục xin” Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh để giúp mình kiên nhẫn (Lu 11:9, 13, chú thích). Chúng ta cũng có thể cầu xin ngài giúp mình nhìn sự việc theo quan điểm của ngài. Sau khi cầu nguyện, chúng ta cần nỗ lực hết sức để kiên nhẫn mỗi ngày. Càng cầu xin và cố gắng thể hiện tính kiên nhẫn, đức tính này sẽ càng đâm rễ trong lòng và trở thành một phần của nhân cách chúng ta.

11, 12. Đức Giê-hô-va thể hiện sự kiên nhẫn như thế nào?

11 Suy ngẫm những gương trong Kinh Thánh. Kinh Thánh ghi lại nhiều gương kiên nhẫn. Bằng cách suy ngẫm những lời tường thuật này, chúng ta có thể học được cách để thể hiện sự kiên nhẫn. Trước khi xem một số gương đó, hãy xem xét gương tuyệt hảo nhất về sự kiên nhẫn, đó là Đức Giê-hô-va.

12 Trong vườn Ê-đen, Sa-tan vu khống danh Đức Giê-hô-va bằng cách nêu nghi vấn về việc ngài có thật sự là Đấng Cai Trị công bằng và yêu thương hay không. Thay vì hủy diệt kẻ vu khống ngay lập tức, Đức Giê-hô-va đã thể hiện sự kiên nhẫn và tự chủ. Ngài biết rằng cần thời gian để chứng minh sự cai trị của ngài là tốt nhất. Và trong khi chờ đợi, ngài đã chịu đựng việc danh ngài bị sỉ nhục. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va cũng kiên nhẫn chờ đợi để nhiều người hơn có cơ hội nhận được sự sống vĩnh cửu (2 Phi 3:9, 15). Kết quả là hàng triệu người biết rõ về ngài. Nếu tập trung vào những lợi ích đến từ sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va, hẳn chúng ta sẽ thấy dễ hơn để chờ đợi thời điểm mà ngài sẽ chấm dứt thế gian này.

Sự kiên nhẫn giúp chúng ta chậm nóng giận khi bị khiêu khích (Xem đoạn 13)

13. Chúa Giê-su noi theo tính kiên nhẫn của Cha một cách hoàn hảo như thế nào? (Cũng xem hình).

13 Chúa Giê-su noi theo tính kiên nhẫn của Cha một cách hoàn hảo, và ngài thể hiện đức tính này khi ở trên đất. Hẳn không phải lúc nào cũng dễ để ngài thể hiện sự kiên nhẫn, nhất là đối với các thầy kinh luật và người Pha-ri-si đạo đức giả (Giăng 8:25-27). Nhưng giống như Cha, Chúa Giê-su chậm nóng giận. Ngài không trả đũa khi bị nhục mạ hoặc bị khiêu khích (1 Phi 2:23). Chúa Giê-su kiên nhẫn chịu đựng thử thách mà không phàn nàn. Không lạ gì khi Kinh Thánh khuyên chúng ta “xem xét kỹ gương đấng đã chịu đựng nhiều lời chống nghịch của kẻ tội lỗi”! (Hê 12:2, 3). Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể kiên nhẫn chịu đựng bất cứ thử thách nào.

Nếu noi theo sự kiên nhẫn của Áp-ra-ham, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho mình ngay bây giờ và thậm chí nhiều hơn nữa trong thế giới mới mà ngài hứa (Xem đoạn 14)

14. Chúng ta học được gì từ sự kiên nhẫn của Áp-ra-ham? (Hê-bơ-rơ 6:15) (Cũng xem hình).

14 Nói sao nếu mong đợi của chúng ta về sự kết thúc của thế gian này vẫn chưa thành hiện thực? Có lẽ chúng ta nghĩ sự kết thúc phải đến từ lâu rồi. Có thể chúng ta sợ là mình sẽ không sống được đến lúc thấy ngày ấy. Điều gì giúp chúng ta tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi? Hãy xem gương của Áp-ra-ham. Khi Áp-ra-ham 75 tuổi và chưa có con, Đức Giê-hô-va hứa với ông: “Ta sẽ khiến con nên một dân lớn” (Sáng 12:1-4). Áp-ra-ham có thấy lời hứa đó được ứng nghiệm không? Chỉ một phần nhỏ. Sau khi băng qua sông Ơ-phơ-rát và đợi 25 năm, Áp-ra-ham đã thấy người con trai Y-sác được sinh ra bằng phép lạ, và sau 60 năm nữa, cháu nội của ông là Ê-sau và Gia-cốp chào đời. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:15). Nhưng Áp-ra-ham đã không thấy con cháu của ông trở nên một dân lớn và thừa hưởng Đất Hứa. Tuy nhiên, người đàn ông trung thành đó đã có tình bạn mật thiết với Đấng Tạo Hóa (Gia 2:23). Khi được sống lại, hẳn ông sẽ vô cùng vui mừng khi biết đức tin và sự kiên nhẫn của mình đã mang lại ân phước cho mọi dân (Sáng 22:18). Bài học là gì? Có lẽ chúng ta không thấy tất cả lời hứa của Đức Giê-hô-va ứng nghiệm trong hiện tại. Nhưng nếu kiên nhẫn như Áp-ra-ham, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho mình ngay bây giờ, và thậm chí nhiều hơn nữa trong thế giới mới mà ngài hứa.—Mác 10:29, 30.

15. Chúng ta có thể xem xét điều gì khi học hỏi cá nhân?

15 Kinh Thánh ghi lại nhiều gương kiên nhẫn khác (Gia 5:10). Chúng ta có thể xem xét những gương đó trong các buổi học hỏi cá nhân. b Chẳng hạn, dù Đa-vít được xức dầu làm vua tương lai của Y-sơ-ra-ên khi còn rất trẻ, nhưng ông phải đợi nhiều năm trước khi nhận vương quyền. Si-mê-ôn và An-na trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va trong khi chờ đợi Đấng Mê-si được hứa trước (Lu 2:25, 36-38). Khi xem xét những lời tường thuật như thế, hãy tìm lời giải đáp cho các câu hỏi sau: “Điều gì đã giúp nhân vật này kiên nhẫn? Người ấy nhận được lợi ích nào nhờ kiên nhẫn? Mình có thể noi gương người ấy ra sao?”. Ngoài ra, anh chị có thể nhận được lợi ích khi học về những người không thể hiện sự kiên nhẫn (1 Sa 13:8-14). Anh chị có thể tự hỏi: “Điều gì đã khiến người đó thiếu kiên nhẫn? Hậu quả là gì?”.

16. Sự kiên nhẫn mang lại những lợi ích nào?

16 Nghĩ đến những lợi ích của sự kiên nhẫn. Khi kiên nhẫn, chúng ta hạnh phúc và điềm tĩnh hơn. Vì thế, sự kiên nhẫn có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Khi kiên nhẫn với người khác, chúng ta có mối quan hệ tốt hơn với họ. Hội thánh cũng sẽ hợp nhất hơn. Và nếu bị ai đó khiêu khích, việc chúng ta chậm nóng giận có thể giúp tránh đổ thêm dầu vào lửa (Thi 37:8, chú thích; Châm 14:29). Nhưng trên hết, khi kiên nhẫn, chúng ta noi gương Cha trên trời và càng đến gần ngài hơn.

17. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

17 Kiên nhẫn quả là đức tính tuyệt vời và mang lại nhiều lợi ích! Dù không phải lúc nào cũng dễ để kiên nhẫn, nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tiếp tục vun trồng đức tính này. Trong khi kiên nhẫn chờ đợi thế giới mới, chúng ta có thể tin chắc rằng “mắt Đức Giê-hô-va dõi theo người biết kính sợ ngài, người trông mong tình yêu thương thành tín của ngài” (Thi 33:18). Mong sao tất cả chúng ta quyết tâm tiếp tục mặc lấy sự kiên nhẫn.

BÀI HÁT 41 Xin nghe lời cầu nguyện của con

a Trong thế gian của Sa-tan, đa số người ta thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyến giục chúng ta hãy mặc lấy sự kiên nhẫn. Bài này sẽ cho thấy tại sao đức tính này rất quan trọng và làm thế nào chúng ta có thể kiên nhẫn hơn.

b Để tìm những lời tường thuật trong Kinh Thánh về sự kiên nhẫn, anh chị có thể gõ “kiên nhẫn” trong khung tìm kiếm của THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh.