Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 33

Học từ gương của Đa-ni-ên

Học từ gương của Đa-ni-ên

“Anh là người rất đáng quý”.—ĐA 9:23.

BÀI HÁT 73 Xin giúp chúng con dạn dĩ

GIỚI THIỆU a

1. Tại sao người Ba-by-lôn ấn tượng về nhà tiên tri Đa-ni-ên?

 Khi còn trẻ, nhà tiên tri Đa-ni-ên đã bị bắt rời khỏi quê hương và bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Nhưng các viên chức của Ba-by-lôn rất ấn tượng khi “nhìn bề ngoài” của Đa-ni-ên (1 Sa 16:7). Họ thấy ông “không bị khuyết tật, có diện mạo đẹp đẽ” và thuộc dòng dõi quý tộc. Vì thế, họ đã huấn luyện ông để phục vụ trong cung vua.—Đa 1:3, 4, 6.

2. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về Đa-ni-ên? (Ê-xê-chi-ên 14:14)

2 Đức Giê-hô-va yêu mến Đa-ni-ên không phải vì vẻ bề ngoài hay địa vị xã hội, nhưng vì con người bề trong của ông. Thật vậy, có thể Đa-ni-ên chỉ trên dưới 20 tuổi khi Đức Giê-hô-va đề cập đến ông là gương mẫu cùng với Nô-ê và Gióp, những người đã tạo danh tiếng tốt trước mắt Đức Chúa Trời qua nhiều thập kỷ (Sáng 5:32; 6:9, 10; Gióp 42:16, 17; đọc Ê-xê-chi-ên 14:14). Và ngài tiếp tục yêu mến Đa-ni-ên trong suốt cuộc đời trung thành của ông.—Đa 10:11, 19.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem hai đức tính khiến Đa-ni-ên trở nên đáng quý trước mắt Đức Giê-hô-va. Trước tiên, hãy xem từng đức tính và cách ông thể hiện đức tính ấy. Sau đó, chúng ta sẽ xem điều đã giúp Đa-ni-ên vun trồng những đức tính ấy. Cuối cùng, chúng ta sẽ thảo luận cách mình có thể noi gương ông. Dù bài này được viết dành cho người trẻ, nhưng tất cả chúng ta đều có thể học từ gương của Đa-ni-ên.

NOI GƯƠNG CAN ĐẢM CỦA ĐA-NI-ÊN

4. Đa-ni-ên đã thể hiện tính can đảm như thế nào? Hãy nêu ví dụ.

4 Người can đảm có thể vẫn sợ hãi, nhưng họ không để nỗi sợ ngăn cản mình làm điều đúng. Đa-ni-ên là một chàng trai rất can đảm. Hãy xem hai trường hợp ông đã thể hiện đức tính này. Trường hợp thứ nhất xảy ra vào khoảng hai năm sau khi người Ba-by-lôn hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Vua Nê-bu-cát-nết-xa của Ba-by-lôn đã có một giấc mơ kinh hãi về một pho tượng khổng lồ. Vua dọa giết tất cả các nhà thông thái, bao gồm cả Đa-ni-ên, nếu họ không thể cho biết vua đã mơ gì và không thể giải nghĩa giấc mơ đó (Đa 2:3-5). Đa-ni-ên đã hành động nhanh chóng, nếu không thì nhiều người sẽ bị thiệt mạng. Ông “vào xin vua cho thêm thời gian để giải nghĩa giấc mơ” (Đa 2:16). Điều đó đòi hỏi sự can đảm và đức tin. Tại sao? Vì Kinh Thánh không hề nói trước đó Đa-ni-ên từng giải nghĩa giấc mơ. Ông xin các bạn của mình, những người có tên Ba-by-lôn là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô, “cầu nguyện để xin Đức Chúa Trời của các tầng trời tỏ lòng thương xót, tiết lộ điều kín nhiệm này” (Đa 2:18). Đức Giê-hô-va đã đáp lại những lời cầu nguyện ấy. Với sự trợ giúp của ngài, Đa-ni-ên đã giải nghĩa được giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-xa. Nhờ thế, ông và các bạn đã được tha mạng.

5. Lòng can đảm của Đa-ni-ên bị thử thách trong trường hợp nào khác?

5 Vào một thời điểm sau khi giải nghĩa giấc mơ về pho tượng khổng lồ, lòng can đảm của Đa-ni-ên lại bị thử thách. Vua Nê-bu-cát-nết-xa có một giấc mơ kinh hãi khác liên quan đến một cây to lớn lạ thường. Đa-ni-ên can đảm giải nghĩa giấc mơ ấy cho vua, bao gồm việc tuyên bố rằng vua sẽ bị mất trí và sẽ bị truất ngôi trong một thời gian (Đa 4:25). Rất dễ để vua xem thông điệp ấy là phản loạn và xử tử Đa-ni-ên. Dù vậy, ông vẫn can đảm truyền thông điệp ấy cho vua.

6. Có thể điều gì đã giúp Đa-ni-ên can đảm?

6 Có thể điều gì đã giúp Đa-ni-ên can đảm trong suốt cuộc đời? Khi còn trẻ, chắc hẳn Đa-ni-ên đã học từ gương của cha mẹ. Hẳn họ đã vâng theo chỉ dẫn mà Đức Giê-hô-va ban cho các bậc cha mẹ Y-sơ-ra-ên và dạy Luật pháp Đức Chúa Trời cho ông (Phục 6:6-9). Đa-ni-ên không chỉ biết những điều cơ bản trong Luật pháp, chẳng hạn như Mười Điều Răn, mà còn biết chi tiết về những thứ dân Y-sơ-ra-ên có thể ăn và không được phép ăn b (Lê 11:4-8; Đa 1:8, 11-13). Đa-ni-ên cũng học về lịch sử của dân Đức Chúa Trời và biết hậu quả mà họ đã phải chịu khi không sống theo tiêu chuẩn của ngài (Đa 9:10, 11). Những trải nghiệm trong cuộc đời đã giúp Đa-ni-ên tin chắc rằng Đức Giê-hô-va và các thiên sứ đầy quyền năng của ngài luôn hỗ trợ ông.—Đa 2:19-24; 10:12, 18, 19.

Đa-ni-ên vun trồng lòng can đảm nhờ học hỏi, cầu nguyện và tin cậy Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 7)

7. Điều gì khác đã giúp Đa-ni-ên can đảm? (Cũng xem hình).

7 Đa-ni-ên đã nghiên cứu sách của các nhà tiên tri, trong đó có những lời tiên tri của Giê-rê-mi. Nhờ thế, sau này ông nhận ra rằng thời kỳ lưu đày của dân Do Thái ở Ba-by-lôn sắp kết thúc (Đa 9:2). Chắc chắn, việc thấy lời tiên tri của Kinh Thánh được ứng nghiệm đã củng cố lòng tin cậy của ông nơi Đức Giê-hô-va. Khi hết lòng tin cậy nơi ngài, một người sẽ có khả năng thể hiện lòng can đảm nổi bật. (So sánh Rô-ma 8:31, 32, 37-39). Quan trọng hơn hết, Đa-ni-ên thường xuyên cầu nguyện với Cha trên trời (Đa 6:10). Ông xưng tội với Đức Giê-hô-va, giãi bày cảm xúc với ngài và cầu xin ngài giúp đỡ (Đa 9:4, 5, 19). Như tất cả chúng ta, Đa-ni-ên không có sẵn sự can đảm từ khi sinh ra. Thay vì thế, ông đã vun trồng đức tính này qua việc học hỏi, cầu nguyện và tin cậy Đức Giê-hô-va.

8. Làm thế nào để vun trồng lòng can đảm?

8 Để vun trồng lòng can đảm, chúng ta cần làm gì? Cha mẹ có thể khuyến khích con can đảm, nhưng họ không thể truyền đức tính này cho con như vật gia truyền. Vun trồng lòng can đảm giống như học một kỹ năng mới. Để giỏi trong kỹ năng này, một người có thể quan sát kỹ hành động của người dạy, rồi làm theo. Tương tự thế, để vun trồng lòng can đảm thì chúng ta có thể quan sát kỹ cách người khác thể hiện đức tính này rồi noi theo. Vậy chúng ta học được gì từ Đa-ni-ên? Giống như ông, chúng ta cần hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời, cũng như vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va bằng cách thường xuyên trò chuyện cởi mở với ngài. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tin cậy ngài, tin chắc là ngài luôn giúp đỡ mình. Nhờ thế, khi đức tin bị thử thách, chúng ta sẽ can đảm.

9. Sự can đảm mang lại lợi ích nào?

9 Chúng ta nhận được nhiều lợi ích khi can đảm. Hãy xem kinh nghiệm của anh Ben ở Đức. Anh đã học ở một trường mà mọi người đều tin vào thuyết tiến hóa và họ xem những lời tường thuật trong Kinh Thánh về sự sáng tạo là hoang đường. Một ngày nọ, anh Ben được cho cơ hội để đứng trước cả lớp và giải thích tại sao anh tin sự sống là do sáng tạo. Anh can đảm trình bày niềm tin của mình. Kết quả là gì? Anh cho biết: “Thầy giáo rất chăm chú lắng nghe và còn in cho mỗi học sinh trong lớp một bản tài liệu mà tôi dùng để ủng hộ luận điểm của mình”. Các bạn trong lớp của anh Ben đã phản ứng thế nào? Anh chia sẻ: “Nhiều bạn có quan điểm rất cởi mở và đã khen tôi”. Như kinh nghiệm của anh Ben cho thấy, những người can đảm thường được người khác tôn trọng và có thể thu hút người có lòng thành đến với Đức Giê-hô-va. Chắc chắn chúng ta có lý do chính đáng để vun trồng lòng can đảm.

NOI GƯƠNG TRUNG THÀNH CỦA ĐA-NI-ÊN

10. Lòng trung thành là gì?

10 Trong Kinh Thánh, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “trung thành”, hay “tình yêu thương thành tín”, truyền đạt ý tưởng về sự gắn bó nồng ấm và yêu thương thường được dùng để miêu tả về tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho tôi tớ ngài. Từ này cũng được dùng để miêu tả tình yêu thương trong vòng các tôi tớ của Đức Chúa Trời (2 Sa 9:6, 7). Lòng trung thành của chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn theo thời gian. Hãy xem điều này được chứng thực như thế nào trong trường hợp của Đa-ni-ên.

Đức Giê-hô-va ban thưởng cho lòng trung thành của Đa-ni-ên bằng cách sai thiên sứ đến và bịt miệng sư tử (Xem đoạn 11)

11. Khi về già, Đa-ni-ên đã đương đầu với thử thách nào về lòng trung thành? (Xem hình nơi trang bìa).

11 Lòng trung thành của Đa-ni-ên với Đức Giê-hô-va bị thử thách trong suốt cuộc đời. Nhưng một trong những thử thách cam go nhất mà ông đương đầu là khi ngoài 90 tuổi. Vào thời điểm này, Ba-by-lôn bị Mê-đi Ba Tư chinh phục và vua Đa-ri-út cai trị. Các quan trong triều đình ghét Đa-ni-ên và không tôn trọng Đức Chúa Trời mà ông thờ phượng. Vì thế, họ lập mưu để cố giết ông. Họ xin vua ban chiếu chỉ để xem Đa-ni-ên sẽ trung thành với Đức Chúa Trời hay là với vua. Nếu ngưng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va trong 30 ngày thì Đa-ni-ên sẽ chứng tỏ lòng trung thành với vua và giống như bao người khác. Nhưng ông đã không thỏa hiệp. Kết cục là ông bị quăng vào hầm sư tử. Nhưng Đức Giê-hô-va đã ban thưởng cho lòng trung thành của ông bằng cách giải cứu ông khỏi miệng sư tử (Đa 6:12-15, 20-22). Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng lòng trung thành không lay chuyển với Đức Giê-hô-va giống như Đa-ni-ên?

12. Bằng cách nào Đa-ni-ên đã vun trồng lòng trung thành không lay chuyển với Đức Giê-hô-va?

12 Như đã đề cập ở trên, lòng trung thành được thúc đẩy bởi tình yêu thương sâu đậm. Đa-ni-ên có lòng trung thành không lay chuyển với Đức Giê-hô-va vì ông yêu thương Cha trên trời sâu đậm. Chắc chắn Đa-ni-ên đã vun trồng tình yêu thương ấy bằng cách suy ngẫm về các đức tính của Đức Giê-hô-va và cách ngài thể hiện những đức tính ấy (Đa 9:4). Ông cũng suy ngẫm với lòng biết ơn về mọi điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho ông và dân ngài.—Đa 2:20-23; 9:15, 16.

Như Đa-ni-ên, anh chị có thể vun trồng lòng trung thành không lay chuyển với Đức Giê-hô-va bằng cách yêu thương ngài sâu đậm (Xem đoạn 13)

13. (a) Những người trẻ trong vòng chúng ta đương đầu với thử thách nào về lòng trung thành? Hãy nêu ví dụ. (Cũng xem hình). (b) Như trong video, anh chị sẽ đáp lại thế nào khi người khác hỏi Nhân Chứng Giê-hô-va có ủng hộ những người chọn lối sống đồng tính hay không?

13 Như Đa-ni-ên, những người trẻ trong vòng chúng ta thường phải tiếp xúc với người không tôn trọng Đức Giê-hô-va và các tiêu chuẩn của ngài. Có thể họ ghét bất cứ ai nói là mình yêu mến Đức Chúa Trời. Một số thậm chí còn cố bắt nạt những người trẻ nhằm phá đổ lòng trung thành của họ với Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hãy xem điều đã xảy ra với một anh trẻ ở Úc tên là Graeme. Khi học trung học, anh đã phải đối mặt với một tình huống khó. Cô giáo hỏi xem cả lớp sẽ phản ứng thế nào nếu một bạn cho biết mình là người đồng tính. Cô giáo bảo tất cả những bạn ủng hộ lối sống đó thì đứng sang một bên, còn những ai không ủng hộ thì đứng sang một bên. Anh Graeme cho biết: “Ngoại trừ tôi và một bạn Nhân Chứng khác, cả lớp đều ủng hộ lối sống đó”. Điều xảy ra tiếp theo đã thật sự thử thách lòng trung thành của anh với Đức Giê-hô-va. Anh cho biết: “Trong suốt giờ học đó, tất cả các bạn, thậm chí cả cô giáo đã chế nhạo và sỉ nhục chúng tôi. Tôi đã cố gắng hết sức để bênh vực niềm tin với thái độ bình tĩnh và phải lẽ nhưng họ không chịu lắng nghe”. Thử thách ấy đã tác động thế nào đến anh? Anh cho biết: “Dù không thích bị sỉ nhục nhưng tôi cảm thấy rất vui là mình đã có thể bênh vực niềm tin mà không thỏa hiệp”. c

14. Một cách để vun trồng lòng trung thành không lay chuyển với Đức Giê-hô-va là gì?

14 Như Đa-ni-ên, chúng ta có thể vun trồng lòng trung thành không lay chuyển với Đức Giê-hô-va nếu vun đắp tình yêu thương sâu đậm dành cho ngài. Chúng ta có thể làm thế bằng cách học về các đức tính của Đức Giê-hô-va, chẳng hạn nghiên cứu về những điều ngài đã tạo ra (Rô 1:20). Nếu muốn củng cố tình yêu thương và lòng kính trọng dành cho ngài, anh chị có thể đọc những bài ngắn trong loạt bài “Một sự thiết kế?” hoặc xem các video. Anh chị cũng có thể xem thông tin trong các sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo?Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng. Hãy xem một chị trẻ ở Đan Mạch tên là Esther nhận xét thế nào về những ấn phẩm ấy. Chị cho biết: “Cách lý luận trong đó rất tuyệt vời. Các sách mỏng ấy không bảo bạn phải tin gì nhưng chỉ đơn giản trình bày những sự thật đã được chứng minh và để cho bạn tự quyết định”. Anh Ben, được nói đến ở trên, cho biết: “Những thông tin ấy giúp củng cố đức tin rất nhiều, chứng minh cho tôi thấy Đức Chúa Trời đã tạo ra sự sống”. Sau khi nghiên cứu tài liệu này, hẳn anh chị cũng đồng ý với những lời sau của Kinh Thánh: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng con, ngài xứng đáng nhận sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng, vì ngài đã tạo nên muôn vật”.—Khải 4:11. d

15. Một cách khác để vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va là gì?

15 Một cách khác để vun trồng tình yêu thương sâu đậm với Đức Giê-hô-va là xem xét kỹ đời sống của Con ngài là Chúa Giê-su. Một chị trẻ ở Đức tên là Samira đã làm thế. Chị cho biết: “Tôi hiểu rõ hơn về Đức Giê-hô-va qua Chúa Giê-su”. Khi còn nhỏ, chị Samira thấy khó hiểu làm sao Đức Giê-hô-va có thể làm bạn với mình và yêu thương mình. Nhưng chị có thể hiểu điều đó nơi Chúa Giê-su. Chị nói thêm: “Tôi thích Chúa Giê-su, vì ngài rất thân thiện và yêu thương con trẻ”. Càng học về Chúa Giê-su thì chị càng vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Tại sao? Chị cho biết: “Tôi dần hiểu rằng Chúa Giê-su noi gương Cha ngài một cách hoàn hảo. Hai đấng ấy rất giống nhau. Tôi nhận ra rằng một trong những lý do Đức Giê-hô-va phái Chúa Giê-su xuống trái đất là để giúp nhân loại hiểu rõ hơn về ngài” (Giăng 14:9). Nếu muốn củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, anh chị hãy dành thời gian để học mọi điều có thể về Chúa Giê-su. Khi làm thế, tình yêu thương và lòng trung thành của anh chị dành cho Đức Giê-hô-va sẽ ngày càng lớn mạnh.

16. Sự trung thành mang lại lợi ích nào? (Thi thiên 18:25; Mi-chê 6:8)

16 Người trung thành thường vun trồng được những tình bạn mật thiết và bền vững (Ru 1:14-17). Ngoài ra, nếu trung thành với Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ có được sự bình an tâm trí. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va hứa sẽ đối xử thành tín với những người thành tín. (Đọc Thi thiên 18:25; Mi-chê 6:8). Hãy thử nghĩ điều này: Dù chúng ta rất nhỏ bé nhưng Đấng Tạo Hóa toàn năng hứa là sẽ yêu thương chúng ta! Khi ngài làm thế thì không thử thách nào, kẻ chống đối nào hay thậm chí cái chết có thể ngăn cách chúng ta khỏi ngài (Đa 12:13; Lu 20:37, 38; Rô 8:38, 39). Vậy việc noi gương Đa-ni-ên và giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va quan trọng biết bao!

TIẾP TỤC HỌC TỪ ĐA-NI-ÊN

17, 18. Chúng ta có thể học được điều gì khác từ Đa-ni-ên?

17 Bài này xem xét chỉ hai đức tính của Đa-ni-ên, nhưng chúng ta có thể học nhiều hơn từ ông. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va ban cho Đa-ni-ên một loạt khải tượng và giấc mơ, cũng như khả năng để giải nghĩa những thông điệp mang tính tiên tri. Nhiều lời tiên tri trong đó đã được ứng nghiệm. Còn những lời tiên tri khác thì cho biết các chi tiết về những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai ảnh hưởng đến mỗi người trên đất.

18 Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét hai lời tiên tri do Đa-ni-ên ghi lại. Việc hiểu những lời tiên tri ấy có thể giúp tất cả chúng ta, dù lớn tuổi hay trẻ tuổi, đưa ra quyết định khôn ngoan ngay bây giờ. Những lời tiên tri ấy cũng có thể củng cố lòng can đảm và sự trung thành của chúng ta để sẵn sàng đương đầu với các thử thách phía trước.

BÀI HÁT 119 Chúng ta phải có đức tin

a Ngày nay, những người trẻ phụng sự Đức Giê-hô-va phải đương đầu với nhiều thử thách về lòng can đảm và sự trung thành. Có thể bạn học chế nhạo các em vì tin nơi sự sáng tạo. Hoặc có thể họ cố khiến các em cảm thấy việc phụng sự Đức Chúa Trời và sống theo tiêu chuẩn của ngài là điều dại dột. Nhưng như bài này sẽ cho thấy, những ai noi gương nhà tiên tri Đa-ni-ên và phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng can đảm và sự trung thành thì thật sự khôn ngoan.

b Có lẽ Đa-ni-ên nghĩ đến ba lý do để từ chối ăn thức ăn của Ba-by-lôn: (1) Có thể đó là thịt của những con vật mà Luật pháp cấm (Phục 14:7, 8). (2) Có lẽ thịt đó không được đổ huyết ra (Lê 17:10-12). (3) Việc ăn thức ăn đó có thể bị xem là dự phần vào việc thờ thần giả.—So sánh Lê-vi 7:15 và 1 Cô-rinh-tô 10:18, 21, 22.

d Để củng cố tình yêu thương với Đức Giê-hô-va, anh chị cũng có thể học sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va. Sách này sẽ giúp anh chị hiểu rõ hơn về các đức tính của ngài.