BÀI HỌC 34
Học từ lời tiên tri trong Kinh Thánh
“Những người sáng suốt sẽ hiểu”.—ĐA 12:10.
BÀI HÁT 98 Kinh Thánh—Bởi Đức Chúa Trời soi dẫn
GIỚI THIỆU a
1. Điều gì có thể giúp chúng ta tập vui thích học hỏi lời tiên tri trong Kinh Thánh?
Một anh trẻ tên Ben nói: “Tôi rất thích học hỏi lời tiên tri trong Kinh Thánh”. Anh chị có cùng suy nghĩ với anh ấy không? Hay anh chị thấy lời tiên tri trong Kinh Thánh quá khó hiểu? Có lẽ anh chị còn cảm thấy việc học hỏi lời tiên tri không mấy thú vị. Tuy nhiên, khi hiểu thêm về lý do Đức Giê-hô-va cho ghi lại lời tiên tri trong Kinh Thánh, có lẽ anh chị sẽ thay đổi quan điểm.
2. Bài này sẽ thảo luận điều gì?
2 Bài này không chỉ thảo luận lý do chúng ta nên học về lời tiên tri trong Kinh Thánh mà còn thảo luận về cách để học những lời tiên tri ấy. Chúng ta cũng sẽ xem xét hai lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên để thấy việc hiểu những lời tiên tri này giúp chúng ta thế nào ngay bây giờ.
TẠI SAO NÊN HỌC HỎI LỜI TIÊN TRI TRONG KINH THÁNH?
3. Chúng ta cần làm gì nếu muốn hiểu lời tiên tri trong Kinh Thánh?
3 Chúng ta cần xin sự giúp đỡ nếu muốn hiểu lời tiên tri trong Kinh Thánh. Để minh họa, hãy hình dung anh chị đi đến một nơi xa lạ nhưng có một người bạn biết rất rõ khu vực ấy đi cùng với anh chị. Người ấy biết chính xác anh chị đang ở đâu và mỗi con đường dẫn đến đâu. Hẳn anh chị rất vui vì người bạn ấy đi cùng với mình! Tương tự, Đức Giê-hô-va biết chúng ta đang ở đâu trong dòng thời gian và điều gì chờ đợi mình ở con đường phía trước. Vì vậy, để hiểu lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta cần khiêm nhường xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ.—Đa 2:28; 2 Phi 1:19, 20.
4. Tại sao Đức Giê-hô-va cho ghi lại lời tiên tri trong Lời ngài? (Giê-rê-mi 29:11) (Cũng xem hình).
4 Giống như bất cứ cha mẹ tốt nào, Đức Giê-hô-va muốn các con của ngài có một tương lai hạnh phúc. (Đọc Giê-rê-mi 29:11). Nhưng khác với cha mẹ loài người, Đức Giê-hô-va có thể báo trước tương lai một cách hoàn toàn chính xác. Ngài cho ghi lại lời tiên tri trong Lời ngài để chúng ta có thể biết về những biến cố quan trọng trước khi chúng xảy ra (Ê-sai 46:10). Lời tiên tri trong Kinh Thánh là món quà đầy yêu thương từ Cha trên trời. Nhưng làm thế nào anh chị có thể tin chắc những điều Kinh Thánh báo trước thật sự sẽ xảy ra?
5. Người trẻ học được gì từ kinh nghiệm của anh Max?
5 Tại trường, xung quanh các em Nhân Chứng thường là những người không tôn trọng Kinh Thánh. Lời nói và hành động của họ có thể khiến một Nhân Chứng trẻ nghi ngờ niềm tin của mình. Hãy xem kinh nghiệm của anh Max. Anh nói: “Khi ở tuổi thanh thiếu niên, tôi bắt đầu nghi ngờ không biết cha mẹ có đang dạy mình tôn giáo thật và Kinh Thánh có được Đức Chúa Trời soi dẫn hay không”. Cha mẹ anh đã làm gì? Anh cho biết: “Họ phản ứng một cách điềm tĩnh, mặc dù tôi biết họ rất lo lắng”. Cha mẹ anh dùng Kinh Thánh để giải đáp những câu hỏi của anh. Anh cũng làm phần của mình. Anh kể lại: “Tôi tự học lời tiên tri trong Kinh Thánh và thảo luận điều mình học với những người trẻ khác trong hội thánh”. Kết quả là gì? Anh nói: “Sau khi làm thế, tôi tin chắc Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn!”.
6. Anh chị cần làm gì nếu có mối nghi ngờ, và tại sao?
6 Như anh Max, nếu bắt đầu nghi ngờ là Kinh Thánh có dạy chân lý hay không, anh chị không cần phải cảm thấy tội lỗi. Nhưng anh chị cần hành động nhanh chóng. Mối nghi ngờ giống như rỉ sét. Nếu lờ đi, nó có thể dần dần hủy hoại một thứ có giá trị. Để loại bỏ bất cứ “rỉ sét” nào có thể hủy hoại đức tin, anh chị cần tự hỏi: “Mình có tin điều Kinh Thánh nói về tương lai không?”. Nếu không chắc, anh chị cần học hỏi những lời tiên tri đã được ứng nghiệm. Anh chị có thể làm thế bằng cách nào?
HỌC HỎI LỜI TIÊN TRI TRONG KINH THÁNH NHƯ THẾ NÀO?
7. Đa-ni-ên nêu gương nào về cách học hỏi lời tiên tri trong Kinh Thánh? (Đa-ni-ên 12:10) (Cũng xem hình).
7 Đa-ni-ên nêu gương tốt về cách học hỏi các lời tiên tri. Ông học các lời tiên tri với động cơ đúng, đó là để hiểu chân lý. Đa-ni-ên cũng khiêm nhường, nhìn nhận rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban sự hiểu biết cho những ai biết ngài và sống theo tiêu chuẩn thanh sạch của ngài (Đa 2:27, 28; đọc Đa-ni-ên 12:10). Ông cho thấy mình khiêm nhường bằng cách nương cậy Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ (Đa 2:18). Đa-ni-ên cũng học hỏi kỹ lưỡng. Ông nghiên cứu những phần Kinh Thánh mà ông có vào thời bấy giờ (Giê 25:11, 12; Đa 9:2). Anh chị có thể noi gương Đa-ni-ên như thế nào?
8. Tại sao một số người không chịu tin là những lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm, nhưng chúng ta nên làm gì?
8 Tra xét động cơ. Khi học lời tiên tri trong Kinh Thánh, động cơ của anh chị có phải là để hiểu chân lý không? Nếu có, Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị (Giăng 4:23, 24; 14:16, 17). Nhưng một số người học lời tiên tri vì lý do khác. Có thể họ làm thế vì muốn tìm bằng chứng cho thấy Kinh Thánh không được Đức Chúa Trời soi dẫn. Họ nghĩ nếu Kinh Thánh không đến từ Đức Chúa Trời thì họ có thể tự quyết định điều gì là đúng và điều gì là sai. Tuy nhiên, chúng ta cần có động cơ đúng. Ngoài ra, chúng ta cần một đức tính quan trọng để hiểu lời tiên tri trong Kinh Thánh.
9. Chúng ta cần đức tính nào để hiểu lời tiên tri trong Kinh Thánh? Hãy giải thích.
9 Khiêm nhường. Đức Giê-hô-va hứa sẽ giúp đỡ người khiêm nhường (Gia 4:6). Vì thế, chúng ta cần cầu xin ngài giúp để hiểu lời tiên tri trong Kinh Thánh. Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng mình cần sự giúp đỡ của phương tiện mà ngài đang dùng để cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ (Lu 12:42). Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của sự trật tự, nên điều hợp lý là ngài chỉ dùng một phương tiện để giúp chúng ta hiểu những sự thật trong Lời ngài.—1 Cô 14:33; Ê-phê 4:4-6.
10. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của chị Esther?
10 Học hỏi kỹ lưỡng. Hãy bắt đầu bằng cách học hỏi một lời tiên tri thu hút anh chị. Đó là điều chị Esther đã làm. Chị thích những lời tiên tri báo trước về việc Đấng Mê-si đến. Chị cho biết: “Lúc 15 tuổi, tôi bắt đầu đào sâu để tìm bằng chứng cho thấy những lời tiên tri này thật sự được viết trước thời Chúa Giê-su”. Những gì chị đọc được về các Cuộn Biển Chết đã thuyết phục chị. Chị nói: “Một số cuộn sách này được viết trước thời Chúa Giê-su. Vì thế, lời tiên tri trong đó phải đến từ Đức Chúa Trời”. Chị thừa nhận: “Có một số điều tôi phải đọc nhiều lần mới hiểu”. Nhưng chị vui vì đã nỗ lực làm thế. Sau khi học hỏi kỹ lưỡng một số lời tiên tri trong Kinh Thánh, chị cho biết: “Tôi thấy rất rõ Kinh Thánh hoàn toàn đúng!”.
11. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi chứng minh cho chính mình Kinh Thánh là chân thật?
11 Khi thấy cách một số lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm, chúng ta sẽ có lòng tin cậy không lay chuyển nơi Đức Giê-hô-va và cách ngài đang hướng dẫn chúng ta. Ngoài ra, lời tiên tri trong Kinh Thánh giúp chúng ta giữ vững hy vọng về tương lai, bất kể những thử thách mình gặp hiện nay. Hãy xem xét vắn tắt hai lời tiên tri của Đa-ni-ên đang được ứng nghiệm ngày nay. Hiểu những lời tiên tri này có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định khôn ngoan.
BÀN CHÂN BẰNG SẮT VÀ ĐẤT SÉT ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN ANH CHỊ?
12. Bàn chân bằng “sắt trộn với đất sét mềm” tượng trưng cho gì? (Đa-ni-ên 2:41-43)
12 Đọc Đa-ni-ên 2:41-43. Trong giấc mơ mà Đa-ni-ên giải nghĩa cho vua Nê-bu-cát-nết-xa, bàn chân của pho tượng mà vua thấy được làm bằng “sắt trộn với đất sét mềm”. Qua việc so sánh lời tiên tri này với những lời tiên tri khác trong sách Đa-ni-ên và Khải huyền, chúng ta có thể kết luận rằng bàn chân ấy tượng trưng cho liên minh Anh Mỹ, là cường quốc thế giới đang nắm quyền hiện nay. Về cường quốc này, Đa-ni-ên nói rằng “vương quốc ấy sẽ nửa mạnh nửa yếu”. Tại sao lại nửa yếu? Vì dân thường, được tượng trưng bởi đất sét mềm, làm suy yếu khả năng hành động mạnh mẽ như sắt của vương quốc này. b
13. Chúng ta học được những sự thật quan trọng nào nhờ hiểu lời tiên tri này?
13 Qua sự miêu tả của Đa-ni-ên về pho tượng trong giấc mơ và đặc biệt là bàn chân của nó, chúng ta học được một số sự thật quan trọng. Thứ nhất, cường quốc thế giới Anh Mỹ đã cho thấy sức mạnh qua một số cách. Chẳng hạn, vào Thế Chiến I và Thế Chiến II, cường quốc này đóng vai trò quan trọng trong việc giành chiến thắng. Tuy nhiên, cường quốc ấy đã bị suy yếu và sẽ tiếp tục suy yếu vì các cuộc xung đột nội bộ giữa các công dân của mình. Thứ hai, liên minh này sẽ là cường quốc thế giới cuối cùng nắm quyền trước khi Nước Trời chấm dứt mọi vương quốc loài người. Dù những nước khác đôi khi chống lại cường quốc thế giới Anh Mỹ, nhưng họ sẽ không thay thế cường quốc này. Chúng ta biết điều đó vì hòn đá tượng trưng cho Nước Trời sẽ nghiền nát bàn chân của pho tượng, là phần tượng trưng cho liên minh Anh Mỹ.—Đa 2:34, 35, 44, 45.
14. Hiểu lời tiên tri về bàn chân bằng sắt và đất sét giúp chúng ta thế nào để đưa ra quyết định khôn ngoan?
14 Anh chị có tin chắc lời tiên tri của Đa-ni-ên về bàn chân bằng sắt và đất sét là đúng không? Nếu có thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách anh chị dùng đời sống của mình. Anh chị sẽ không tìm sự đảm bảo về vật chất trong một thế gian sắp bị hủy diệt (Lu 12:16-21; 1 Giăng 2:15-17). Hiểu lời tiên tri này cũng sẽ giúp anh chị thấy được tầm quan trọng của công việc rao giảng và dạy dỗ (Mat 6:33; 28:18-20). Sau khi học lời tiên tri này, hãy tự hỏi: “Những quyết định của mình có cho thấy mình tin chắc Nước Trời sắp loại bỏ mọi chính phủ loài người không?”.
“VUA PHƯƠNG BẮC” VÀ “VUA PHƯƠNG NAM” ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN ANH CHỊ?
15. “Vua phương bắc” và “vua phương nam” ngày nay là ai? (Đa-ni-ên 11:40)
15 Đọc Đa-ni-ên 11:40. Đa-ni-ên chương 11 nói về hai vua, hay hai thế lực chính trị, tranh giành nhau để chiếm quyền cai trị thế giới. Qua việc so sánh lời tiên tri này với những lời tiên tri khác trong Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận diện “vua phương bắc” là Nga và các đồng minh, và “vua phương nam” là cường quốc thế giới Anh Mỹ. c
16. “Vua phương bắc” đối xử với dân Đức Chúa Trời như thế nào?
16 Dân Đức Chúa Trời sống dưới sự cai trị của “vua phương bắc” đang chịu sự ngược đãi trực tiếp từ vua này. Một số Nhân Chứng bị đánh đập và bỏ tù vì đức tin. Thay vì làm cho anh em chúng ta nhụt chí, hành động của “vua phương bắc” làm đức tin họ vững mạnh hơn. Tại sao? Vì anh em chúng ta biết rằng việc dân Đức Chúa Trời bị ngược đãi làm ứng nghiệm lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên d (Đa 11:41). Biết điều này có thể giúp chúng ta giữ cho hy vọng của mình vững mạnh và luôn trung thành với Đức Giê-hô-va.
17. Dân Đức Chúa Trời đối mặt với những thử thách nào dưới sự cai trị của “vua phương nam”?
17 Trong quá khứ, “vua phương nam” cũng đã trực tiếp ngược đãi dân Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, vào nửa đầu thế kỷ 20, nhiều anh em đã bị tù vì lập trường trung lập, và một số con em Nhân Chứng bị đuổi học cũng vì lý do đó. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, tôi tớ Đức Giê-hô-va sống dưới sự cai trị của vua này gặp những thử thách tinh vi hơn về lòng trung thành với Nước Trời. Chẳng hạn, trong những chiến dịch bầu cử, một tín đồ có thể có khuynh hướng muốn ủng hộ một đảng hoặc ứng viên chính trị nào đó. Có lẽ người ấy không ủng hộ đến mức đi bầu, nhưng trong lòng và trí, người ấy đã đứng về một phe. Việc chúng ta giữ trung lập về chính trị trong cả hành động lẫn suy nghĩ và cảm xúc thật quan trọng biết bao!—Giăng 15:18, 19; 18:36.
18. Chúng ta phản ứng thế nào trước sự xung đột giữa “vua phương bắc” và “vua phương nam”? (Cũng xem hình).
18 Những người không có đức tin nơi lời tiên tri của Kinh Thánh có lẽ vô cùng lo lắng khi thấy ‘vua phương nam móc sừng mình vào sừng vua phương bắc’ (Đa 11:40, chú thích). Cả hai vua đều có đủ vũ khí hạt nhân để hủy diệt mọi sự sống trên đất. Nhưng chúng ta biết Đức Giê-hô-va sẽ không để cho điều đó xảy ra (Ê-sai 45:18). Vì thế, sự thù hằn giữa “vua phương bắc” và “vua phương nam” không khiến chúng ta lo lắng mà làm cho đức tin chúng ta vững mạnh hơn. Sự thù hằn ấy khẳng định sự kết thúc của thế gian này gần kề.
HÃY TIẾP TỤC CHÚ Ý ĐẾN LỜI TIÊN TRI
19. Chúng ta nên nhìn nhận điều gì về lời tiên tri trong Kinh Thánh?
19 Chúng ta không biết một số lời tiên tri trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm thế nào. Ngay cả nhà tiên tri Đa-ni-ên cũng không hiểu ý nghĩa của mọi điều ông viết (Đa 12:8, 9). Nhưng việc chúng ta không hiểu rõ cách một lời tiên tri được ứng nghiệm không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra. Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tiết lộ những điều chúng ta cần biết vào đúng thời điểm, như ngài đã làm trong quá khứ.—A-mốt 3:7.
20. Chúng ta sắp chứng kiến sự ứng nghiệm của những lời tiên tri đầy hào hứng nào, và chúng ta nên tiếp tục làm gì?
20 Lời tuyên bố “hòa bình và an ninh” sẽ được đưa ra (1 Tê 5:3). Sau đó, các thế lực chính trị sẽ tấn công tôn giáo sai lầm và hủy diệt nó (Khải 17:16, 17). Rồi họ sẽ tấn công dân của Đức Chúa Trời (Ê-xê 38:18, 19). Những biến cố này sẽ dẫn đến trận chiến cuối cùng là Ha-ma-ghê-đôn (Khải 16:14, 16). Chúng ta có thể tin chắc không lâu nữa, những biến cố ấy sẽ xảy ra. Từ nay cho đến lúc đó, mong sao chúng ta tiếp tục thể hiện lòng biết ơn đối với Cha trên trời bằng cách chú tâm đến lời tiên tri trong Kinh Thánh và giúp người khác cũng làm thế.
BÀI HÁT 95 Ánh sáng càng sáng thêm
a Dù tình trạng thế giới tồi tệ đến mức nào, chúng ta có thể tin chắc rằng tương lai tươi sáng đang chờ đón mình. Chúng ta có lòng tin chắc đó qua việc học hỏi lời tiên tri trong Kinh Thánh. Bài này sẽ thảo luận những lý do chúng ta nên học hỏi lời tiên tri trong Kinh Thánh. Cũng hãy xem xét vắn tắt hai lời tiên tri do Đa-ni-ên ghi lại và xem chúng ta nhận được lợi ích nào khi hiểu những lời tiên tri này.