BÀI HỌC 31
BÀI HÁT 12 Đức Giê-hô-va, ngài thật vĩ đại
Đức Giê-hô-va làm gì để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết?
“Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của ngài”.—GIĂNG 3:16.
TRỌNG TÂM
Cách Đức Giê-hô-va chủ động giúp chúng ta chống lại tội lỗi, và cách ngài mở đường cho chúng ta hưởng sự sống vĩnh cửu, thoát khỏi tội lỗi.
1, 2. (a) Tội lỗi là gì, và nhờ đâu chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi? (Cũng xem “Giải nghĩa”). (b) Bài này và những bài sau trong số Tháp Canh này sẽ xem xét điều gì? (Cũng xem “Ghi chú dành cho độc giả” trong số này).
Anh chị có muốn biết Đức Giê-hô-va yêu thương mình đến mức nào không? Một cách để biết câu trả lời là tìm hiểu xem ngài đã làm gì để giải thoát anh chị khỏi tội lỗi và sự chết. Tội lỗi a là kẻ thù mạnh mẽ mà anh chị không thể tự mình đánh bại. Tất cả chúng ta đều phạm tội mỗi ngày, và vì tội lỗi mà chúng ta chết (Rô 5:12). Dù vậy, có một tin mừng. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể đánh bại tội lỗi. Ngài đảm bảo là sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết!
2 Đức Giê-hô-va đã giúp nhân loại chống lại tội lỗi trong khoảng 6.000 năm qua. Tại sao? Vì ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương con người ngay từ ban đầu, nên đã làm rất nhiều điều để giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi. Đức Chúa Trời biết tội lỗi dẫn đến cái chết, và ngài không muốn chúng ta phải chết. Ngài muốn chúng ta sống mãi mãi (Rô 6:23). Đó là điều mà ngài muốn anh chị được hưởng. Bài này sẽ xem xét ba câu hỏi: (1) Đức Giê-hô-va ban hy vọng nào cho con người tội lỗi? (2) Những người tội lỗi vào thời Kinh Thánh đã làm gì để được ngài chấp nhận? (3) Chúa Giê-su đã làm gì để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN HY VỌNG NÀO CHO CON NGƯỜI TỘI LỖI?
3. Cặp vợ chồng đầu tiên đã trở thành người tội lỗi như thế nào?
3 Khi tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Đức Giê-hô-va muốn họ được hạnh phúc. Ngài ban cho họ ngôi nhà xinh đẹp, món quà hôn nhân và công việc thích thú. Họ sẽ sinh sản làm cho đầy cả đất và khiến trái đất trở thành địa đàng giống như vườn Ê-đen. Ngài chỉ ban cho họ một mệnh lệnh đơn giản. Đức Giê-hô-va cảnh báo rằng nếu vi phạm mệnh lệnh ấy bằng cách cố tình phản nghịch ngài, thì tội lỗi đó sẽ dẫn đến cái chết. Chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra. Một tạo vật thần linh vô hình, không yêu thương Đức Chúa Trời và cũng không yêu thương cặp vợ chồng ấy, đã cám dỗ họ bất tuân với ngài. A-đam và Ê-va nghe theo lời hắn. Thay vì tin cậy Cha yêu thương, họ đã phạm tội. Như chúng ta biết, những gì Đức Giê-hô-va phán đã xảy ra. Kể từ ngày đó, họ phải đối mặt với hậu quả: Họ bắt đầu già yếu, và cuối cùng phải chết.—Sáng 1:28, 29; 2:8, 9, 16-18; 3:1-6, 17-19, 24; 5:5.
4. Tại sao Đức Giê-hô-va ghét tội lỗi và giúp chúng ta chống lại nó? (Rô-ma 8:20, 21)
4 Đức Giê-hô-va đã cho ghi lại lời tường thuật đáng buồn ấy vì lợi ích của chúng ta. Lời tường thuật ấy giúp chúng ta hiểu tại sao ngài rất ghét tội lỗi. Tội lỗi ngăn cách chúng ta khỏi Cha trên trời, và dẫn đến sự chết (Ê-sai 59:2). Đó là lý do mà Sa-tan, thần linh phản nghịch đứng sau mọi vấn đề này, yêu thích và đẩy mạnh tội lỗi. Có lẽ hắn nghĩ rằng mình đã chiến thắng vẻ vang ở vườn Ê-đen. Nhưng hắn không biết Đức Giê-hô-va là đấng yêu thương đến mức nào. Ngài đã không thay đổi ý định dành cho con cháu của A-đam và Ê-va. Vì yêu thương gia đình nhân loại, ngài ngay lập tức ban hy vọng cho mọi người. (Đọc Rô-ma 8:20, 21). Đức Giê-hô-va biết một số con cháu này sẽ chọn yêu thương ngài và tìm kiếm sự giúp đỡ của ngài để chống lại tội lỗi. Là Cha và Đấng Tạo Hóa của họ, ngài mở đường để họ được giải thoát khỏi tội lỗi và đến gần ngài. Đức Giê-hô-va làm gì để thực hiện điều đó?
5. Khi nào Đức Giê-hô-va đã đưa ra tia hy vọng đầu tiên cho con người tội lỗi? Hãy giải thích. (Sáng thế 3:15)
5 Đọc Sáng thế 3:15. Tia hy vọng đầu tiên xuất hiện khi Đức Giê-hô-va tuyên bố bản án cho Sa-tan. Ngài báo trước rằng một “dòng dõi” sẽ là cơ sở cho hy vọng ấy. Cuối cùng, dòng dõi này sẽ giày đạp Sa-tan, đảo ngược mọi vấn đề mà hắn gây ra ở vườn Ê-đen (1 Giăng 3:8). Nhưng trước đó, dòng dõi sẽ chịu khổ. Sa-tan sẽ cắn gót chân dòng dõi, khiến đấng ấy chết. Điều đó làm cho Đức Giê-hô-va vô cùng đau lòng, nhưng ngài sẵn sàng chịu đựng vì vô số người sẽ được cứu khỏi tội lỗi và sự chết.
NGƯỜI TỘI LỖI VÀO THỜI KINH THÁNH LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHẤP NHẬN?
6. Những người có đức tin, chẳng hạn như A-bên và Nô-ê, đã làm gì để đến gần Đức Giê-hô-va?
6 Trong những thế kỷ sau đó, Đức Giê-hô-va dần dần cho thấy rõ hơn cách con người tội lỗi có thể đến gần ngài. A-bên, con trai thứ hai của A-đam và Ê-va, là người đầu tiên đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va sau cuộc phản nghịch ở vườn Ê-đen. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va, muốn làm hài lòng và đến gần ngài nên A-bên đã dâng lễ vật. A-bên là người chăn cừu nên ông lấy một số con cừu đầu lòng dâng cho ngài. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? Ngài “hài lòng về A-bên và lễ vật của ông” (Sáng 4:4). Đức Giê-hô-va cũng hài lòng về lễ vật tương tự của những người yêu mến và tin cậy ngài, chẳng hạn như Nô-ê (Sáng 8:20, 21). Qua việc chấp nhận những lễ vật như thế, Đức Giê-hô-va cho thấy con người tội lỗi có thể được ngài chấp nhận và đến gần ngài. b
7. Chúng ta học được gì từ việc Áp-ra-ham sẵn sàng dâng chính con mình?
7 Đức Giê-hô-va đã bảo Áp-ra-ham, người có đức tin nổi bật, làm một điều vô cùng khó khăn. Đó là dâng chính con mình là Y-sác làm vật tế lễ. Hẳn điều này khiến ông đau lòng tột độ. Dù vậy, ông vẫn vâng theo mệnh lệnh của ngài. Nhưng Đức Chúa Trời đã ngăn cản ông vào phút chót. Tuy nhiên, trường hợp đó dạy chúng ta một sự thật quan trọng: Đức Giê-hô-va sẵn sàng hy sinh chính Con yêu dấu của ngài làm vật tế lễ. Ngài quả rất yêu thương con người.—Sáng 22:1-18.
8. Những vật tế lễ trong Luật pháp giúp chúng ta hiểu điều gì? (Lê-vi 4:27-29; 17:11)
8 Nhiều thế kỷ sau, Luật pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên đòi hỏi họ phải dâng những con vật làm vật tế lễ để chuộc tội cho mình. (Đọc Lê-vi 4:27-29; 17:11). Những vật tế lễ đó giúp chúng ta hiểu sẽ có một vật tế lễ tốt hơn nhiều, là vật tế lễ sẽ hoàn toàn giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Những nhà tiên tri của Đức Chúa Trời được soi dẫn để giải thích rằng dòng dõi được hứa trước sẽ phải đau khổ và chịu chết. Đấng ấy sẽ giống như con cừu được dâng làm vật tế lễ (Ê-sai 53:1-12). Hóa ra dòng dõi đó là Con đặc biệt của Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ sắp đặt cho chính Con yêu dấu của ngài làm vật tế lễ để giải thoát nhân loại, trong đó có anh chị, khỏi tội lỗi và sự chết. Điều đó thật đáng kinh ngạc!
CHÚA GIÊ-SU ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ GIẢI THOÁT CON NGƯỜI?
9. Giăng Báp-tít đã nói gì về Chúa Giê-su? (Hê-bơ-rơ 9:22; 10:1-4, 12)
9 Vào thế kỷ thứ nhất, Giăng Báp-tít thấy Chúa Giê-su người Na-xa-rét và nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là đấng cất tội lỗi của thế gian!” (Giăng 1:29). Những lời được soi dẫn này nhận diện Chúa Giê-su là dòng dõi được báo trước từ lâu. Ngài sẽ dâng mạng sống mình làm vật tế lễ. Giờ đây, nhân loại có một hy vọng vững chắc, đó là hoàn toàn chiến thắng tội lỗi.—Đọc Hê-bơ-rơ 9:22; 10:1-4, 12.
10. Chúa Giê-su cho thấy ngài ‘đến để kêu gọi’ người tội lỗi như thế nào?
10 Chúa Giê-su đặc biệt tập trung vào những người cảm thấy dằn vặt vì tội lỗi và mời họ trở thành môn đồ ngài. Ngài biết rằng tội lỗi là gốc rễ của mọi đau khổ của nhân loại. Thế nên, ngài cố gắng giúp đỡ những người có tiếng là người tội lỗi. Ngài dùng một minh họa để giải thích về điều này: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần”. Ngài nói thêm: “Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà là người tội lỗi” (Mat 9:12, 13). Chúa Giê-su đã sống đúng với những lời ấy. Khi một phụ nữ rửa chân cho Chúa Giê-su bằng nước mắt, ngài đã nói nhẹ nhàng với cô và tha thứ tội lỗi của cô (Lu 7:37-50). Ngài dạy những sự thật quan trọng cho một phụ nữ người Sa-ma-ri tại giếng nước, dù biết rằng bà có lối sống vô luân (Giăng 4:7, 17-19, 25, 26). Đức Chúa Trời thậm chí còn cho Chúa Giê-su quyền năng để đảo ngược hậu quả cuối cùng của tội lỗi là sự chết. Như thế nào? Chúa Giê-su đã làm một số người sống lại, trong đó có người nam và người nữ, trẻ em và người lớn.—Mat 11:5.
11. Tại sao những người tội lỗi được thu hút đến gần Chúa Giê-su?
11 Không ngạc nhiên gì khi ngay cả những người có lối sống tội lỗi cũng được thu hút đến gần Chúa Giê-su. Ngài thể hiện lòng trắc ẩn và cảm thông với họ. Họ cảm thấy thoải mái đến gần ngài (Lu 15:1, 2). Chúa Giê-su đã khen và đối xử nhân từ với những người như thế vì họ thể hiện đức tin nơi ngài (Lu 19:1-10). Chúa Giê-su là gương sống phản ánh hoàn hảo lòng thương xót của Cha ngài (Giăng 14:9). Qua lời nói và hành động, Chúa Giê-su cho thấy Cha ngài là đấng đầy lòng trắc ẩn, thương xót, yêu thương con người và muốn giúp mỗi người chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi. Chúa Giê-su đã giúp những người tội lỗi để họ có ước muốn thay đổi lối sống và đi theo ngài.—Lu 5:27, 28.
12. Chúa Giê-su cho biết điều gì về cái chết của ngài?
12 Chúa Giê-su biết điều gì đang chờ đợi ngài ở phía trước. Vài lần, ngài nói với các môn đồ rằng ngài sẽ bị phản bội và xử tử trên cây cột (Mat 17:22; 20:18, 19). Ngài biết rằng sự hy sinh của mình sẽ cất đi tội lỗi của thế gian, như những gì Giăng tuyên bố và các nhà tiên tri báo trước. Chúa Giê-su cũng nói rằng sau khi hy sinh mạng sống, ngài ‘sẽ kéo mọi loại người đến với mình’ (Giăng 12:32). Những người tội lỗi có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va qua việc chấp nhận Chúa Giê-su là Chúa của mình và đi theo bước chân ngài. Nếu làm thế, họ sẽ “được giải thoát khỏi tội lỗi” (Rô 6:14, 18, 22; Giăng 8:32). Vì vậy, Chúa Giê-su đã sẵn sàng và can đảm chịu cái chết khủng khiếp.—Giăng 10:17, 18.
13. Chúa Giê-su đã chết như thế nào, và cái chết của ngài dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va? (Cũng xem hình).
13 Chúa Giê-su đã bị phản bội, bị bắt, chửi rủa, vu khống, kết án và thậm chí bị tra tấn. Ngài bị quân lính dẫn đến nơi xử tử và đóng đinh trên cây cột. Trong khi Chúa Giê-su trung thành chịu đựng tất cả những nỗi đau ấy, có một đấng còn cảm thấy đau đớn hơn. Đó là Đức Giê-hô-va. Ngài đã kìm lại quyền năng vô biên của mình và không can thiệp. Đức Giê-hô-va rất yêu thương Con ngài. Nếu thế, tại sao ngài lại để cho Con ấy chịu khổ và chết? Đó là vì ngài yêu thương chúng ta. Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của ngài, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà có được sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 3:16.
14. Sự hy sinh của Chúa Giê-su dạy anh chị điều gì?
14 Sự hy sinh của Chúa Giê-su là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương con cháu của A-đam và Ê-va đến mức nào. Sự hy sinh này chứng tỏ Đức Giê-hô-va yêu thương anh chị vô cùng. Ngài đã ban Con một yêu dấu của mình, chịu đựng nỗi đau cùng cực nhất để giải thoát anh chị khỏi tội lỗi và sự chết (1 Giăng 4:9, 10). Thật vậy, Đức Giê-hô-va muốn giúp mỗi người chúng ta chiến đấu với tội lỗi và chiến thắng!
15. Chúng ta cần làm gì để nhận lợi ích từ món quà của Đức Chúa Trời là giá chuộc?
15 Món quà của Đức Chúa Trời, tức sự hy sinh làm giá chuộc của Con một ngài, mở đường cho chúng ta được tha thứ tội lỗi. Nhưng để được Đức Chúa Trời tha thứ, chúng ta phải làm một điều. Đó là gì? Giăng Báp-tít và sau này chính Chúa Giê-su cho biết câu trả lời: “Hãy ăn năn, vì Nước Trời đã đến gần” (Mat 3:1, 2; 4:17). Vì thế, sự ăn năn là điều thiết yếu nếu chúng ta thật sự muốn chống lại tội lỗi và đến gần Cha yêu thương. Nhưng sự ăn năn có nghĩa gì, và làm thế nào sự ăn năn giúp chúng ta chống lại tình trạng tội lỗi của mình? Bài tiếp theo sẽ cho biết câu trả lời.
BÀI HÁT 18 Biết ơn về giá chuộc
a GIẢI NGHĨA: Trong Kinh Thánh, từ “tội lỗi” có thể nói đến việc làm điều Đức Giê-hô-va xem là sai trái hoặc không làm điều ngài đòi hỏi. Nhưng từ “tội lỗi” cũng có thể nói đến tình trạng bất toàn mà chúng ta di truyền từ A-đam. Tội lỗi di truyền là lý do khiến tất cả chúng ta phải chết.