Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 33

BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ

Làm thế nào hội thánh phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va về người phạm tội?

Làm thế nào hội thánh phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va về người phạm tội?

“Nếu có ai phạm tội thì chúng ta có đấng giúp đỡ”.​—1 GIĂNG 2:1.

TRỌNG TÂM

Điều chúng ta học được từ cách xử lý một trường hợp phạm tội trọng trong hội thánh ở Cô-rinh-tô vào thế kỷ thứ nhất.

1. Đức Giê-hô-va muốn điều gì cho mọi người?

 Đức Giê-hô-va tạo ra con người với sự tự do ý chí. Anh chị thường xuyên dùng món quà đó khi đưa ra quyết định. Quyết định quan trọng nhất mà bất cứ người nào có thể đưa ra là dâng mình cho Đức Giê-hô-va và trở thành một phần của gia đình gồm những người thờ phượng ngài. Đức Giê-hô-va muốn mọi người làm thế. Tại sao? Vì ngài yêu thương và muốn điều tốt nhất cho con người. Ngài muốn chúng ta có tình bạn mật thiết với ngài và sống mãi mãi.—Phục 30:​19, 20; Ga 6:​7, 8.

2. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về người phạm tội không ăn năn? (1 Giăng 2:1)

2 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không buộc bất cứ ai phụng sự ngài. Ngài để cho mỗi người quyết định mình sẽ làm gì. Nói sao nếu một tín đồ đã báp-têm vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời và phạm tội trọng? Nếu không ăn năn, người ấy phải bị loại bỏ khỏi hội thánh (1 Cô 5:13). Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, Đức Giê-hô-va cũng tha thiết mong muốn người ấy trở về với ngài. Thật ra, một lý do quan trọng mà ngài cung cấp giá chuộc là để có thể tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn. (Đọc 1 Giăng 2:1). Đức Chúa Trời đầy yêu thương của chúng ta nồng nhiệt kêu gọi người phạm tội ăn năn trở lại.—Xa 1:3; Rô 2:4; Gia 4:8.

3. Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta có cùng quan điểm với ngài về hành vi sai trái và người có hành vi sai trái. Bài này sẽ xem cách chúng ta có thể làm thế. Khi đọc bài, hãy để ý đến (1) cách xử lý một trường hợp phạm tội trọng trong hội thánh ở Cô-rinh-tô vào thế kỷ thứ nhất, (2) chỉ dẫn mà sứ đồ Phao-lô đưa ra khi một người phạm tội ăn năn và (3) quan điểm của Đức Giê-hô-va về tín đồ phạm tội trọng được tiết lộ trong lời tường thuật này.

TỘI TRỌNG ĐƯỢC XỬ LÝ THẾ NÀO VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT?

4. Trường hợp nào đã xảy ra trong hội thánh ở Cô-rinh-tô vào thế kỷ thứ nhất? (1 Cô-rinh-tô 5:​1, 2)

4 Đọc 1 Cô-rinh-tô 5:​1, 2. Trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba, Phao-lô nghe một tin đáng lo ngại về hội thánh mới được thành lập ở Cô-rinh-tô. Một anh trong hội thánh đó có quan hệ vô luân với mẹ kế. Hành vi đó gây sốc, và ‘ngay cả dân ngoại cũng không như thế’! Hội thánh ấy không chỉ dung túng hành vi của anh ta mà có thể còn hãnh diện về điều đó. Khi dung túng tội ấy, có lẽ một số người nghĩ rằng họ cho thấy Đức Chúa Trời rất thương xót và cảm thông với con người bất toàn. Nhưng Đức Giê-hô-va không dung túng hành vi sai trái trong vòng dân ngài. Qua hạnh kiểm trâng tráo đó, hẳn người đàn ông ấy đã bôi nhọ danh tiếng của hội thánh. Người đó cũng có thể đã ảnh hưởng xấu đến các tín đồ kết hợp với mình. Vậy, Phao-lô đưa ra chỉ dẫn nào cho hội thánh?

5. Phao-lô bảo hội thánh làm gì, và ý của ông là gì? (1 Cô-rinh-tô 5:13) (Cũng xem hình).

5 Đọc 1 Cô-rinh-tô 5:13. Dưới sự soi dẫn, Phao-lô viết một lá thư đưa ra chỉ dẫn là người phạm tội không ăn năn đó phải bị loại bỏ khỏi hội thánh. Các tín đồ trung thành cần đối xử thế nào với người ấy? Phao-lô bảo họ “ngưng kết hợp” với anh ta. Điều đó có nghĩa gì? Ông cho biết rằng chỉ dẫn này thậm chí bao gồm việc “không ăn chung với người như thế” (1 Cô 5:11). Ăn chung với một người có thể dẫn đến việc dành nhiều thời gian với người ấy. Rõ ràng, ý của Phao-lô là hội thánh không nên vui chơi giải trí với người phạm tội ấy. Điều này bảo vệ hội thánh khỏi những ảnh hưởng tai hại của anh ta (1 Cô 5:​5-7). Ngoài ra, việc hội thánh không kết hợp với người phạm tội ấy có thể giúp anh ta nhận ra mình đã trôi giạt khỏi đường lối của Đức Giê-hô-va đến mức nào. Anh ta cũng có thể cảm thấy xấu hổ và được thúc đẩy để ăn năn.

Dưới sự soi dẫn, Phao-lô viết một lá thư đưa ra chỉ dẫn là người phạm tội không ăn năn phải bị loại bỏ khỏi hội thánh (Xem đoạn 5)


6. Thư của Phao-lô tác động thế nào đến hội thánh và người phạm tội trọng?

6 Sau khi gửi thư cho tín đồ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô băn khoăn không biết hội thánh phản ứng thế nào với thư đó. Cuối cùng, Tít cũng đem đến tin khiến ông rất vui. Hội thánh đã phản ứng tích cực trước thư của Phao-lô (2 Cô 7:​6, 7). Họ đã làm theo chỉ dẫn của ông. Ngoài ra, không lâu sau khi Phao-lô gửi thư đó, người phạm tội đã ăn năn về hành vi của mình! Người đó đã thay đổi hạnh kiểm và thái độ, cũng như bắt đầu làm theo tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va (2 Cô 7:​8-11). Giờ đây, Phao-lô đưa ra chỉ dẫn nào cho hội thánh?

HỘI THÁNH CẦN ĐỐI XỬ THẾ NÀO VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI BIẾT ĂN NĂN?

7. Việc loại bỏ người phạm tội khỏi hội thánh đã dẫn đến kết quả tốt đẹp nào? (2 Cô-rinh-tô 2:​5-8)

7 Đọc 2 Cô-rinh-tô 2:​5-8. Phao-lô nói: “Người ấy đã bị đa số trong anh em quở trách là đủ rồi”. Nói cách khác, sự sửa trị đã đạt được mục đích của nó. Mục đích nào? Đó là giúp người ấy ăn năn.—Hê 12:11.

8. Tiếp theo, Phao-lô bảo hội thánh làm gì?

8 Vì thế, Phao-lô bảo hội thánh đó là họ “nên nhân từ tha thứ và an ủi” người phạm tội đã ăn năn và “khẳng định tình yêu thương của mình dành cho người ấy”. Hãy lưu ý Phao-lô muốn hội thánh làm nhiều hơn là chỉ cho phép anh ta trở lại với hội thánh. Ông muốn họ trấn an anh ta qua lời nói, thái độ và hành động rằng họ thật lòng tha thứ và yêu thương anh. Nhờ vậy, hội thánh cho thấy rõ là họ vui mừng vì anh đã trở lại.

9. Tại sao có thể một số người đã ngần ngại tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn?

9 Một số người trong hội thánh đó có cảm thấy ngần ngại chào đón người phạm tội biết ăn năn trở lại hội thánh không? Lời tường thuật không cho chúng ta biết, nhưng có thể điều đó đã xảy ra. Suy cho cùng, hành động của anh đã gây ra vấn đề cho hội thánh và có lẽ cũng khiến một số cá nhân tổn thương. Một số tín đồ có lẽ đã cảm thấy thật bất công vì người đó được nồng nhiệt chào đón, trong khi họ phải nỗ lực để giữ thanh sạch về đạo đức. (So sánh Lu-ca 15:​28-30). Dù vậy, tại sao việc hội thánh thể hiện tình yêu thương chân thật với người anh em đã ăn năn ấy là điều quan trọng?

10, 11. Điều gì có thể xảy ra nếu các trưởng lão không tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn ấy?

10 Hãy hình dung điều có thể xảy ra nếu các trưởng lão không cho người thật sự ăn năn ấy trở lại hội thánh, hoặc hội thánh không thể hiện tình yêu thương với người đó. Anh có thể bị chìm ngập trong “nỗi đau buồn quá lớn”. Anh có thể dễ cảm thấy tình trạng của mình là vô vọng, thậm chí không còn cố gắng hàn gắn mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

11 Tệ hơn nữa, nếu không tha thứ cho người đã ăn năn ấy, các anh chị khác trong hội thánh có thể khiến mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va bị tổn hại. Tại sao? Vì khi không tha thứ, họ phản ánh thái độ hà khắc và không thương xót của Sa-tan, chứ không phải tinh thần tha thứ của Đức Giê-hô-va với những người phạm tội biết ăn năn. Họ như thể trở thành công cụ mà Ác Quỷ dùng để hủy hoại tình trạng thiêng liêng của người ấy.—2 Cô 2:​10, 11; Ê-phê 4:27.

12. Làm thế nào hội thánh có thể noi theo Đức Giê-hô-va?

12 Vậy làm thế nào hội thánh ở Cô-rinh-tô có thể noi theo Đức Giê-hô-va, chứ không phải Sa-tan? Đó là bằng cách đối xử với người phạm tội biết ăn năn theo cách của Đức Giê-hô-va. Hãy lưu ý điều mà một số người viết Kinh Thánh nói về ngài. Đa-vít cho biết ngài “thật tốt, sẵn lòng thứ tha” (Thi 86:5). Mi-chê viết: “Có vị thần nào giống như ngài chăng, tha thứ lỗi lầm, bỏ qua sai phạm?” (Mi 7:18). Và Ê-sai nói: “Kẻ ác hãy bỏ đường lối mình, kẻ dữ hãy bỏ tư tưởng mình; kẻ ấy hãy trở về với Đức Giê-hô-va, đấng sẽ thương xót mình, về với Đức Chúa Trời chúng ta vì ngài rộng lòng thứ tha”.—Ê-sai 55:7.

13. Tại sao việc nhận lại người phạm tội biết ăn năn là thích hợp? (Xem khung “ Khi nào người đàn ông ở Cô-rinh-tô được nhận lại?”).

13 Để noi theo Đức Giê-hô-va, hội thánh ở Cô-rinh-tô cần chào đón người đã ăn năn trở về và trấn an rằng họ yêu thương người ấy. Qua việc làm theo chỉ dẫn của Phao-lô là chào đón người ấy, hội thánh cho thấy họ “vâng lời trong mọi sự” (2 Cô 2:9). Dù người ấy bị loại bỏ khỏi hội thánh chỉ vài tháng trước, nhưng sự sửa trị đã giúp anh ăn năn. Vì thế, không có lý do gì để trì hoãn việc nhận lại người ấy vào hội thánh.

PHẢN ÁNH CÔNG LÝ VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

14, 15. Chúng ta học được gì từ cách xử lý trường hợp ở Cô-rinh-tô vào thời xưa? (2 Phi-e-rơ 3:9) (Cũng xem hình).

14 Lời tường thuật về cách xử lý trường hợp ở Cô-rinh-tô vào thời xưa được ghi lại “để chỉ dạy chúng ta” (Rô 15:4). Qua lời tường thuật ấy, chúng ta học được rằng Đức Giê-hô-va không dung túng tội trọng trong vòng dân ngài. Ngài không chấp nhận quan điểm là người phạm tội mà không ăn năn thì vẫn nên được thương xót và có thể tiếp tục kết hợp với những người thờ phượng trung thành. Đức Giê-hô-va là đấng giàu lòng thương xót nhưng không dễ dãi. Ngài cũng không hạ thấp tiêu chuẩn của mình (Giu 4). Thật vậy, nếu Đức Giê-hô-va cho phép người phạm tội không ăn năn ở lại hội thánh, điều đó không phải là thương xót vì có thể gây hại cho hội thánh.—Châm 13:20; 1 Cô 15:33.

15 Dù vậy, chúng ta học được rằng Đức Giê-hô-va không muốn bất cứ ai bị hủy diệt. Ngài muốn cứu người ta khi có thể. Ngài thể hiện lòng thương xót với những người thay đổi suy nghĩ và hành động cũng như muốn hàn gắn mối quan hệ với ngài (Ê-xê 33:11; đọc 2 Phi-e-rơ 3:9). Vì thế, khi người đàn ông ở Cô-rinh-tô ăn năn và từ bỏ hành vi sai trái, Đức Giê-hô-va dùng Phao-lô để giúp hội thánh hiểu rằng người đó nên được tha thứ và chào đón trở lại.

Phản ánh tình yêu thương và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va, hội thánh nồng nhiệt chào đón những anh chị được nhận lại (Xem đoạn 14, 15)


16. Anh chị cảm thấy thế nào về cách xử lý trường hợp ở Cô-rinh-tô?

16 Trường hợp ở Cô-rinh-tô giúp chúng ta thấy tình yêu thương, sự công chính và công lý của Đức Giê-hô-va (Thi 33:5). Chẳng phải anh chị càng được thúc đẩy để ngợi khen ngài sao? Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi và cần được ngài tha thứ. Mỗi người chúng ta có lý do để biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã cung cấp giá chuộc để chúng ta được tha tội. Thật an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va rất yêu thương dân ngài và muốn điều tốt nhất cho chúng ta!

17. Những bài sau sẽ xem xét điều gì?

17 Nhưng nói sao về việc xử lý những trường hợp phạm tội trọng ngày nay? Làm thế nào các trưởng lão có thể phản ánh ý muốn của Đức Giê-hô-va là giúp người phạm tội ăn năn? Hội thánh nên phản ứng thế nào khi các trưởng lão quyết định loại bỏ một người khỏi hội thánh hoặc nhận lại một người? Các câu hỏi này sẽ được giải đáp trong những bài sau.

BÀI HÁT 109 Hãy tha thiết yêu thương từ đáy lòng