Độc giả thắc mắc
Việc ghi dấu được nói đến nơi 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:14 là do các trưởng lão hay những cá nhân trong hội thánh thực hiện?
Sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Nếu ai không vâng theo những lời chúng tôi viết trong thư này thì hãy ghi dấu [người ấy]” (2 Tê 3:14). Trước đây, chúng ta nói rằng chỉ dẫn này là dành cho các trưởng lão. Nếu có một người tiếp tục lờ đi nguyên tắc Kinh Thánh dù đã được khuyên nhiều lần, các trưởng lão có thể làm một bài giảng cảnh báo. Sau đó, những người công bố sẽ không kết hợp với người bị ghi dấu trong việc vui chơi giải trí.
Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh. Giờ đây, chúng ta hiểu lời khuyên của Phao-lô về việc ghi dấu nói đến hành động mà những cá nhân trong hội thánh cần làm trong một số trường hợp. Vì thế, các trưởng lão không cần nói bài giảng cảnh báo. Tại sao có sự thay đổi này? Hãy xem văn cảnh của lời khuyên của Phao-lô.
Phao-lô thấy một số người trong hội thánh ấy “sống vô kỷ luật”. Họ không vâng theo lời khuyên được soi dẫn. Trong chuyến viếng thăm trước, ông đưa ra chỉ dẫn: “Nếu ai không chịu làm việc thì cũng đừng nên ăn”. Nhưng một số người vẫn không chịu làm việc để chu cấp cho bản thân dù có khả năng làm thế. Ngoài ra, họ còn xen vào chuyện của người khác. Các tín đồ cần đối xử thế nào với những người vô kỷ luật như thế?—2 Tê 3:6, 10-12.
Phao-lô nói: “Hãy ghi dấu [người ấy]”. Từ Hy Lạp nói đến việc đặc biệt lưu ý đến người như thế. Phao-lô đưa ra chỉ dẫn này cho cả hội thánh, chứ không phải chỉ các trưởng lão (2 Tê 1:1; 3:6). Vì thế, khi lưu ý thấy một tín đồ không vâng theo lời khuyên trong Kinh Thánh, những cá nhân trong hội thánh sẽ chọn “ngưng kết hợp” với người vô kỷ luật ấy.
Có phải điều đó nghĩa là người ấy bị đối xử như người bị loại bỏ khỏi hội thánh không? Không, vì Phao-lô nói thêm: “Hãy tiếp tục khuyên nhủ người như một anh em”. Thế nên, những cá nhân trong hội thánh vẫn kết hợp với người bị ghi dấu tại các buổi nhóm họp và trong thánh chức, nhưng sẽ chọn không kết hợp với người đó trong việc vui chơi giải trí. Tại sao? Phao-lô nói: “Để người ấy xấu hổ”. Vì bị ghi dấu, người vô kỷ luật đó có thể cảm thấy xấu hổ về hạnh kiểm của mình và thay đổi đường lối.—2 Tê 3:14, 15.
Làm thế nào một tín đồ biết khi nào cần ghi dấu một người? Trước tiên, chúng ta muốn đảm bảo rằng hạnh kiểm của người đó thật sự là “vô kỷ luật”, như Phao-lô miêu tả. Ông không nói về những người có quan điểm khác với chúng ta trong những vấn đề về lương tâm hoặc có sở thích khác với chúng ta. Ông cũng không nói về những người làm chúng ta tổn thương. Thay vì thế, Phao-lô muốn nói đến những người cố tình chọn không vâng theo lời khuyên rõ ràng trong Lời Đức Chúa Trời.
Ngày nay, nếu thấy một anh em thể hiện tinh thần bất tuân như thế, a chúng ta sẽ chọn không kết hợp với người đó trong việc vui chơi giải trí. Vì đó là quyết định cá nhân nên chúng ta không thảo luận điều này với những người không phải là người trong gia đình ở cùng nhà với mình. Chúng ta vẫn kết hợp với anh em đó tại các buổi nhóm họp và trong thánh chức. Khi người ấy thay đổi, chúng ta có thể kết hợp bình thường với người ấy như trước đây.
a Chẳng hạn, có lẽ một tín đồ không chịu làm việc để chu cấp cho bản thân dù có khả năng, một mực muốn hẹn hò với người không tin đạo, cổ vũ những điều gây chia rẽ hoặc lan truyền chuyện ngồi lê đôi mách gây hại (1 Cô 7:39; 2 Cô 6:14; 2 Tê 3:11, 12; 1 Ti 5:13). Những người khăng khăng làm những điều như thế là “vô kỷ luật”.