Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 38

“Hãy đến với tôi,... tôi sẽ cho anh em được lại sức”

“Hãy đến với tôi,... tôi sẽ cho anh em được lại sức”

“Hãy đến với tôi, hỡi những ai nhọc nhằn và nặng gánh, tôi sẽ cho anh em được lại sức”.MAT 11:28.

BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”

GIỚI THIỆU *

1. Chúa Giê-su đưa ra lời hứa nào nơi Ma-thi-ơ 11:28-30?

Chúa Giê-su đưa ra một lời hứa tuyệt vời với đoàn dân đang lắng nghe ngài. Ngài nói: “Hãy đến với tôi,... tôi sẽ cho anh em được lại sức”. (Đọc Ma-thi-ơ 11:28-30). Đây không phải là lời hứa suông. Chẳng hạn, hãy suy nghĩ về điều Chúa Giê-su đã làm cho một phụ nữ chịu khổ sở vì mắc căn bệnh khủng khiếp.

2. Chúa Giê-su đã làm gì cho người phụ nữ bị bệnh?

2 Người phụ nữ bị bệnh rong huyết rất cần được giúp đỡ. Bà đến nhiều thầy thuốc vì hy vọng sẽ được chữa khỏi bệnh. Sau 12 năm chịu khổ sở nhưng căn bệnh của bà vẫn không thuyên giảm. Theo Luật pháp, bà bị xem là ô uế (Lê 15:25). Rồi khi nghe Chúa Giê-su có khả năng chữa lành, bà đã tìm đến ngài. Khi thấy Chúa Giê-su, bà sờ vào tua áo ngoài của ngài; ngay lập tức bà được lành bệnh! Nhưng Chúa Giê-su không chỉ chữa lành cho bà về thể chất, mà còn về tinh thần. Chẳng hạn, khi nói chuyện với bà, ngài gọi bà là “con gái”, một từ rất nồng ấm và tôn trọng. Người phụ nữ ấy hẳn được thêm sức và vững mạnh biết bao!—Lu 8:43-48.

3. Chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào?

3 Hãy lưu ý là người phụ nữ ấy đã đến với Chúa Giê-su. Bà chủ động làm thế. Ngày nay cũng vậy, chúng ta cần chủ động và nỗ lực để “đến với” Chúa Giê-su. Vào thời chúng ta, Chúa Giê-su không làm phép lạ để chữa bệnh về thể chất cho những ai “đến với” ngài. Nhưng ngài vẫn đưa ra lời mời: “Hãy đến với tôi,... tôi sẽ cho anh em được lại sức”. Trong bài này, chúng ta sẽ giải đáp năm câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể “đến với” Chúa Giê-su? Ý của Chúa Giê-su là gì khi ngài nói: “Hãy mang ách của tôi”? Chúng ta có thể học được gì từ Chúa Giê-su? Tại sao công việc ngài giao sẽ giúp mình được lại sức? Và làm thế nào để tiếp tục được lại sức khi mang ách của Chúa Giê-su?

“HÃY ĐẾN VỚI TÔI”

4, 5. Chúng ta có thể “đến với” Chúa Giê-su qua một số cách nào?

4 Một cách để “đến với” Chúa Giê-su là nỗ lực học về những gì ngài nói và làm (Lu 1:1-4). Không ai có thể làm điều này thay cho chúng ta; chính chúng ta phải tìm hiểu về ngài. Chúng ta cũng “đến với” Chúa Giê-su bằng cách báp-têm và trở thành môn đồ của ngài.

5 Cách khác để “đến với” Chúa Giê-su là đến gặp các trưởng lão khi cần sự giúp đỡ. Chúa Giê-su dùng trưởng lão, tức “món quà là những con người”, để chăm sóc chiên của ngài (Ê-phê 4:7, 8, 11; Giăng 21:16; 1 Phi 5:1-3). Chúng ta cần chủ động xin họ giúp đỡ. Chúng ta không nên cho rằng các trưởng lão biết mình đang nghĩ gì và cần điều gì. Hãy xem kinh nghiệm của một anh tên là Julian. Anh cho biết: “Tôi phải rời Bê-tên vì lý do sức khỏe. Một anh em đồng đạo khuyến khích tôi nên xin trưởng lão để được thăm chiên. Lúc đầu, tôi nghĩ là mình không cần. Nhưng sau đó tôi đã làm theo đề nghị ấy; tôi nhận thấy cuộc thăm chiên đó là một trong những món quà tốt nhất mà tôi từng nhận”. Thật vậy, các trưởng lão trung thành có thể giúp chúng ta biết “tư tưởng của Đấng Ki-tô”, tức hiểu và bắt chước tinh thần cũng như lối suy nghĩ của ngài (1 Cô 2:16; 1 Phi 2:21). Đây là một trong những món quà tốt nhất mà họ có thể tặng chúng ta.

“HÃY MANG ÁCH CỦA TÔI”

6. Ý của Chúa Giê-su là gì khi ngài nói: “Hãy mang ách của tôi”?

6 Khi Chúa Giê-su nói: “Hãy mang ách của tôi”, có lẽ ý của ngài là “Hãy chấp nhận uy quyền của tôi”. Cũng có thể ý của Chúa Giê-su là “Hãy cùng mang ách với tôi, và chúng ta sẽ cùng làm việc cho Đức Giê-hô-va”. Cả hai điều này cho thấy mang ách Chúa Giê-su có nghĩa là chúng ta phải làm việc cho Chủ của mình.

7. Theo Ma-thi-ơ 28:18-20, chúng ta được giao cho công việc nào, và chúng ta có thể tin chắc điều gì?

7 Chúng ta cho thấy mình chấp nhận lời mời của Chúa Giê-su khi dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Lời mời đó dành cho tất cả mọi người; Chúa Giê-su không bao giờ xua đuổi những ai chân thành muốn phụng sự Đức Chúa Trời (Giăng 6:37, 38). Tất cả môn đồ của Chúa Giê-su được ban cho đặc ân cùng tham gia công việc mà Đức Giê-hô-va đã giao cho Con ngài. Chúng ta có thể tin chắc là Chúa Giê-su luôn ở cùng và giúp mình thi hành công việc đó.—Đọc Ma-thi-ơ 28:18-20.

‘HÃY HỌC THEO TÔI’

Giúp người khác được lại sức, như Chúa Giê-su (Xem đoạn 8-11) *

8, 9. Tại sao người khiêm nhường được thu hút đến với Chúa Giê-su, và chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?

8 Những người khiêm nhường được thu hút đến với Chúa Giê-su (Mat 19:13, 14; Lu 7:37, 38). Tại sao? Hãy xem sự tương phản giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-si. Những nhà lãnh đạo tôn giáo này lạnh lùng và kiêu ngạo (Mat 12:9-14). Còn Chúa Giê-su là người nồng ấm và khiêm nhường. Người Pha-ri-si thì tham vọng và tự hào vì có địa vị xã hội. Trái lại, Chúa Giê-su không khuyến khích sự tham vọng; ngài dạy các môn đồ xem mình là đầy tớ thấp hèn (Mat 23:2, 6-11). Người Pha-ri-si thống trị người ta bằng sự hăm dọa và khiến họ sợ sệt (Giăng 9:13, 22). Còn Chúa Giê-su làm người khác tươi tỉnh bằng những hành động yêu thương và lời nói nhân từ.

9 Chúng ta học được gì từ Chúa Giê-su? Hãy tự hỏi: “Mình có được biết đến là người ôn hòa và khiêm nhường không? Mình có sẵn sàng làm công việc hèn mọn để phục vụ người khác không? Mình có đối xử nhân từ với người khác không?”.

10. Chúa Giê-su tạo một bầu không khí làm việc như thế nào?

10 Chúa Giê-su tạo một bầu không khí bình an, thoải mái cho những người cùng làm việc với ngài, và ngài vui lòng huấn luyện họ (Lu 10:1, 19-21). Ngài khuyến khích các môn đồ đặt câu hỏi và muốn nghe quan điểm của họ (Mat 16:13-16). Giống như cây trồng trong nhà kính được bảo vệ khỏi thời tiết xấu, các môn đồ của Chúa Giê-su cũng được bảo vệ về thiêng liêng và phát triển mạnh mẽ. Họ hấp thu những bài học Chúa Giê-su dạy và sinh hoa kết quả qua những việc tốt lành.

Dễ đến gần và thân thiện

Rao giảng tích cực và sốt sắng

Khiêm nhường và siêng năng *

11. Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?

11 Anh chị có một số quyền hạn trên người khác không? Nếu có, hãy tự hỏi: “Mình tạo bầu không khí nào ở nhà hay tại nơi làm việc? Mình có phải là người đẩy mạnh sự hòa thuận không? Mình có khuyến khích người khác đặt câu hỏi không? Mình có sẵn sàng lắng nghe quan điểm của họ không?”. Chúng ta không bao giờ muốn giống như người Pha-ri-si, là những người phẫn nộ với những ai nghi ngờ sự dạy dỗ của họ và bắt bớ những ai có quan điểm trái với họ.—Mác 3:1-6; Giăng 9:29-34.

“ANH EM SẼ ĐƯỢC LẠI SỨC”

12-14. Tại sao việc thi hành sứ mạng Chúa Giê-su giao có thể giúp chúng ta được lại sức?

12 Tại sao việc thi hành sứ mạng Chúa Giê-su giao có thể giúp chúng ta được lại sức? Hãy cùng xem một số lý do dưới đây.

13 Chúng ta có những giám thị tốt nhất. Đức Giê-hô-va, Giám Thị Tối Cao, không phải là người chủ hà khắc hoặc quên công việc của tôi tớ ngài. Ngài quý trọng những gì chúng ta làm vì danh ngài (Hê 6:10). Và ngài ban sức cần thiết để giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm (2 Cô 4:7; Ga 6:5, chú thích). Chúa Giê-su, Vua của chúng ta, nêu gương trong việc đối xử với người khác (Giăng 13:15). Các trưởng lão thì cố gắng bắt chước Chúa Giê-su, “đấng chăn chiên vĩ đại” (Hê 13:20; 1 Phi 5:2). Họ cố gắng đối xử tử tế và khích lệ, đồng thời can đảm bảo vệ và hướng dẫn chúng ta.

14 Chúng ta có những bạn đồng hành tốt nhất. Không ai có những người bạn yêu thương và một công việc đầy ý nghĩa như chúng ta. Hãy thử nghĩ: Chúng ta có đặc ân làm việc với những người có tiêu chuẩn đạo đức cao nhất nhưng họ không tự xem mình là công chính. Họ có tài năng nhưng khiêm tốn và xem người khác cao hơn mình. Họ không chỉ xem chúng ta là người cùng làm việc mà còn là những người bạn. Tình yêu thương mà họ dành cho chúng ta sâu đậm đến mức sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chúng ta!

15. Tại sao chúng ta quý trọng công việc được giao?

15 Chúng ta có công việc tốt nhất. Chúng ta dạy người khác sự thật về Đức Giê-hô-va và vạch trần những lời dối trá của Ác Quỷ (Giăng 8:44). Sa-tan chất lên vai người ta những gánh nặng mà họ không thể mang. Chẳng hạn, hắn muốn người ta tin rằng Đức Giê-hô-va không tha thứ cho tội lỗi của chúng ta và chúng ta không đáng được yêu thương. Những lời nói dối này thật nhẫn tâm và khiến người ta tuyệt vọng! Khi “đến với” Đấng Ki-tô, tội lỗi của chúng ta sẽ được tha. Và sự thật là Đức Giê-hô-va yêu thương mỗi chúng ta rất nhiều (Rô 8:32, 38, 39). Quả là vui mừng khi giúp người khác học cách nương cậy Đức Giê-hô-va và thấy đời sống họ được cải thiện!

TIẾP TỤC MANG ÁCH CỦA CHÚA GIÊ-SU ĐỂ ĐƯỢC LẠI SỨC

16. Gánh mà Chúa Giê-su muốn chúng ta mang khác thế nào với những gánh khác mà chúng ta phải mang?

16 Gánh mà Chúa Giê-su muốn chúng ta mang khác với những gánh khác mà chúng ta phải mang. Chẳng hạn, vào cuối ngày làm việc, nhiều người không chỉ cảm thấy kiệt sức mà còn không thỏa lòng. Trái lại, sau một ngày phụng sự Đức Giê-hô-va và Đấng Ki-tô, chúng ta cảm thấy thỏa nguyện sâu xa. Có lẽ chúng ta cảm thấy mệt lả vào cuối ngày và gắng hết sức tham dự nhóm họp vào tối hôm đó. Nhưng thường khi trở về nhà, chúng ta cảm thấy tươi tỉnh và được thêm sức. Điều này cũng đúng khi chúng ta nỗ lực rao giảng và học hỏi cá nhân. Phần thưởng mà chúng ta nhận được vượt xa công sức mình bỏ ra!

17. Tại sao chúng ta cần thực tế và thận trọng?

17 Chúng ta cần phải thực tế. Mỗi người chỉ có một lượng sức lực nhất định. Thế nên chúng ta cần thận trọng và suy nghĩ kỹ về những gánh mà mình sẽ mang. Chẳng hạn, một người có thể đang phí sức để tích lũy của cải vật chất. Hãy lưu ý điều Chúa Giê-su nói với một người trai trẻ giàu có đã hỏi ngài: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống vĩnh cửu?”. Thật ra, người đàn ông này đang vâng theo Luật pháp. Hẳn anh ta là người tốt vì lời tường thuật trong Phúc âm Mác cho biết Chúa Giê-su “cảm thấy yêu thương người”. Chúa Giê-su đưa ra một lời mời khi nói với người trai trẻ: “Hãy đi bán những gì mình có... và hãy đến làm môn đồ tôi”. Nghe vậy, anh ta rất buồn và cảm thấy bị giằng co, nhưng dường như anh ta không thể bỏ của cải (Mác 10:17-22). Đáng buồn là anh ta từ chối mang ách của Chúa Giê-su và tiếp tục “làm tôi Tiền Của” (Mat 6:24). Nếu ở trong trường hợp đó, anh chị sẽ làm gì?

18. Thỉnh thoảng chúng ta cần làm gì, và tại sao?

18 Điều tốt là thỉnh thoảng chúng ta cần xem lại thứ tự ưu tiên trong đời sống. Tại sao? Để chắc chắn rằng chúng ta đang dùng sức lực một cách khôn ngoan. Hãy xem kinh nghiệm của một tín đồ trẻ tên Mark. Anh nói: “Trong nhiều năm, tôi tưởng mình đang sống một đời sống đơn giản. Dù làm tiên phong nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ đến tiền và làm sao để có đời sống thoải mái hơn. Tôi thắc mắc tại sao đời sống mình lại trở thành một gánh nặng. Rồi tôi nhận ra là mình đang quá chú tâm vào lợi ích của bản thân và chỉ dâng cho Đức Giê-hô-va thời gian và sức lực còn dư”. Anh Mark đã điều chỉnh lối suy nghĩ và đời sống để có thể phụng sự nhiều hơn. Anh cho biết: “Thỉnh thoảng tôi cũng lo về tài chính, nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, tôi đã đối phó thành công với những trở ngại”.

19. Tại sao việc có quan điểm đúng rất quan trọng?

19 Để tiếp tục được lại sức khi mang ách của Chúa Giê-su, chúng ta cần làm ba điều. Thứ nhất, giữ quan điểm đúng. Chúng ta đang làm việc cho Đức Giê-hô-va, vì thế công việc ấy phải được thực hiện theo cách của ngài. Chúng ta là người làm công, và Đức Giê-hô-va là Chủ (Lu 17:10). Nếu cố làm công việc của ngài theo cách của mình, chúng ta đang chống lại cái ách mà mình đang mang. Ngay cả một con bò khỏe mạnh cũng có thể bị thương và kiệt sức nếu cứ cố đi theo đường riêng và chống lại cái ách mà chủ đang điều khiển. Trái lại, nếu làm theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể làm những việc phi thường và vượt qua mọi trở ngại. Hãy nhớ rằng không ai có thể cản trở ý định của ngài được thực hiện!—Rô 8:31; 1 Giăng 4:4.

20. Chúng ta nên có động cơ nào khi mang ách của Chúa Giê-su?

20 Thứ hai, phụng sự với động cơ đúng. Mục tiêu của chúng ta là mang lại sự vinh hiển cho Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va. Vào thời Chúa Giê-su, những người đi theo ngài vì động cơ tham lam và ích kỷ đã trở nên bất mãn và bỏ ách của ngài không lâu sau đó (Giăng 6:25-27, 51, 60, 66; Phi-líp 3:18, 19). Trái lại, những người đi theo Chúa Giê-su vì chân thành yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận thì vui mừng mang ách đó trong suốt cuộc đời trên đất và có triển vọng cùng phụng sự với Đấng Ki-tô ở trên trời. Giống như họ, chúng ta sẽ giữ được niềm vui nếu mang ách của Chúa Giê-su với động cơ đúng.

21. Theo Ma-thi-ơ 6:31-33, chúng ta có thể mong đợi Đức Giê-hô-va sẽ làm gì?

21 Thứ ba, có mong đợi thực tế. Khi mang ách Chúa Giê-su, chúng ta chọn một lối sống hy sinh. Ngài báo trước chúng ta sẽ bị bắt bớ. Dù vậy, chúng ta có thể mong đợi Đức Giê-hô-va sẽ ban cho mình sức mạnh để chịu đựng mọi thử thách. Càng chịu đựng, chúng ta sẽ càng mạnh mẽ (Gia 1:2-4). Chúng ta cũng có thể mong đợi Đức Giê-hô-va sẽ chu cấp những gì mình cần, Chúa Giê-su sẽ dẫn dắt chúng ta, và anh em đồng đạo sẽ khích lệ chúng ta. (Đọc Ma-thi-ơ 6:31-33; Giăng 10:14; 1 Tê 5:11). Chẳng phải chúng ta có mọi điều mình cần để chịu đựng thử thách sao?

22. Chúng ta biết ơn về điều gì?

22 Người phụ nữ mà Chúa Giê-su chữa lành đã được lại sức vào chính ngày bà khỏi bệnh. Nhưng bà chỉ có thể tiếp tục được lại sức nếu trở thành môn đồ trung thành của Đấng Ki-tô. Anh chị nghĩ lựa chọn của bà là gì? Nếu bà chọn mang ách của Chúa Giê-su, hãy hình dung phần thưởng tuyệt vời bà nhận được là cùng phụng sự với ngài ở trên trời! Bất cứ điều gì bà hy sinh để đi theo Đấng Ki-tô đều không thể sánh với ân phước đó. Dù có hy vọng lên trời hay sống trên đất, chúng ta thật biết ơn khi nhận lời mời của Chúa Giê-su: “Hãy đến với tôi”!

BÀI HÁT 13 Đấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta

^ đ. 5 Chúa Giê-su mời chúng ta đến với ngài. Chấp nhận lời mời của ngài bao hàm những gì? Bài này sẽ giải đáp câu hỏi đó và nhắc chúng ta nhớ tại sao mình được lại sức khi cùng làm việc với Đấng Ki-tô.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su làm cho người ta được lại sức qua nhiều cách.

^ đ. 66 HÌNH ẢNH: Tương tự như Chúa Giê-su, một anh cũng giúp người khác được lại sức qua nhiều cách.