Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 35

Đức Giê-hô-va quý trọng các tôi tớ khiêm nhường

Đức Giê-hô-va quý trọng các tôi tớ khiêm nhường

“Đức Giê-hô-va... nhìn thấy người khiêm nhường”.THI 138:6.

BÀI HÁT 48 Hằng ngày bước đi với Đức Giê-hô-va

GIỚI THIỆU *

1. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về người khiêm nhường? Hãy giải thích.

Đức Giê-hô-va yêu mến người khiêm nhường. Chỉ những ai thật sự khiêm nhường mới có thể hưởng mối quan hệ nồng ấm và gắn bó với ngài. Ngược lại, “kẻ cao ngạo thì ngài biết từ xa” (Thi 138:6). Tất cả chúng ta muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va và cảm nghiệm được tình yêu thương của ngài, vì thế chúng ta có lý do chính đáng để vun trồng tính khiêm nhường.

2. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

2 Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận ba câu hỏi: (1) Khiêm nhường là gì? (2) Tại sao chúng ta nên vun trồng đức tính này? (3) Những tình huống nào có thể thử thách lòng khiêm nhường? Như chúng ta sẽ thấy, khi vun trồng tính khiêm nhường, chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng và mình cũng nhận được lợi ích.—Châm 27:11; Ê-sai 48:17.

KHIÊM NHƯỜNG LÀ GÌ?

3. Khiêm nhường là gì?

3 Khiêm nhường là xem mình thấp hèn, không kiêu ngạo hay kiêu căng. Kinh Thánh cho thấy một người khiêm nhường thì nhận biết mình nhỏ bé và hèn mọn trước mặt Đức Giê-hô-va, và có quan điểm đúng về người khác. Người khiêm nhường hiểu rằng mọi người đều trội hơn mình trong khía cạnh nào đó.—Phi-líp 2:3, 4.

4, 5. Tại sao có thể nói sự khiêm nhường thật không phụ thuộc vào vẻ bề ngoài của một người?

4 Một số người bề ngoài có vẻ khiêm nhường. Có lẽ họ là người hơi trầm tính. Hoặc họ thể hiện phép lịch sự và tôn trọng vì đó là văn hóa và họ được cha mẹ dạy như thế. Nhưng thật ra sâu tận trong lòng, có thể họ rất kiêu ngạo. Sớm hay muộn, bản chất thật trong lòng của họ sẽ lộ ra.—Lu 6:45.

5 Ngược lại, người có vẻ bề ngoài tự tin và thẳng tính không hẳn là người kiêu ngạo (Giăng 1:46, 47). Tuy nhiên, những người có tính cách mạnh dạn và cởi mở cần thận trọng để không dựa vào khả năng của bản thân. Dù có tính cách nào đi nữa, tất cả chúng ta đều cần vun trồng tính khiêm nhường từ đáy lòng.

Sứ đồ Phao-lô có cái nhìn khiêm nhường về bản thân (Xem đoạn 6) *

6. Chúng ta học được gì từ gương của Phao-lô qua 1 Cô-rinh-tô 15:10?

6 Hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Ông được Đức Giê-hô-va dùng để thành lập các hội thánh trong hết thành này đến thành khác. Có lẽ ông đã hoàn thành nhiều việc trong thánh chức hơn bất cứ sứ đồ nào khác của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, Phao-lô không xem mình cao hơn anh em. Ông khiêm nhường thừa nhận: “Tôi hèn mọn nhất trong các sứ đồ và không đáng được gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ hội thánh của Đức Chúa Trời” (1 Cô 15:9). Phao-lô đúng khi nói rằng ông có được vị thế tốt trước mắt Đức Giê-hô-va, không phải là nhờ những đức tính hoặc công việc mà ông làm, nhưng nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:10). Trong lá thư gửi các tín đồ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô nêu gương cho chúng ta về lòng khiêm nhường; ông không khoe về mình dù một số người trong hội thánh tìm cách chứng tỏ họ cao trọng hơn ông.—2 Cô 10:10.

Anh Karl Klein, một anh khiêm nhường từng là thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo (Xem đoạn 7)

7. Hãy nêu kinh nghiệm của một anh trong thời hiện đại cho thấy anh rất khiêm nhường.

7 Nhiều anh chị được khích lệ qua kinh nghiệm của anh Karl Klein, người từng là thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo. Trong kinh nghiệm của mình, anh Klein khiêm nhường thừa nhận là mình phải tranh đấu với một số khuyết điểm và thử thách trong đời sống. Chẳng hạn, vào những năm 1920, anh thấy công việc làm chứng từng nhà khó đến mức sau lần rao giảng đầu tiên, anh đã ngưng đi từng nhà trong khoảng hai năm. Rồi khi phụng sự tại Bê-tên, anh đã nuôi lòng oán giận khi được một anh cho lời khuyên. Ngoài ra, anh cũng bị suy nhược thần kinh nhưng sau đó anh đã bình phục. Tuy nhiên, anh cũng nhận được nhiều đặc ân lớn. Dù được nhiều người biết đến, nhưng anh ấy thật khiêm nhường khi thừa nhận khuyết điểm của mình! Anh Klein cùng câu chuyện chân thành và cảm động của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều anh chị. *

TẠI SAO NÊN VUN TRỒNG TÍNH KHIÊM NHƯỜNG?

8. Làm thế nào 1 Phi-e-rơ 5:6 cho thấy Đức Giê-hô-va vui lòng khi một người khiêm nhường?

8 Lý do quan trọng nhất để vun trồng tính khiêm nhường là vì chúng ta muốn làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Sứ đồ Phi-e-rơ đã cho thấy rõ điều này. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:6). Sách “Hãy đến làm môn đồ tôi” bình luận về những lời của Phi-e-rơ như sau: “Sự kiêu ngạo giống như chất độc. Hậu quả của nó có thể vô cùng tai hại. Đó là một tính xấu có thể khiến người tài năng nhất trở nên vô dụng trước mắt Đức Chúa Trời. Trái lại, sự khiêm nhường có thể khiến người thấp kém nhất trở nên hữu dụng trước mắt ngài... [Đức Chúa Trời] sẽ rất vui lòng ban thưởng cho bạn vì sự khiêm nhường của bạn”. * Thật vậy, có điều gì tuyệt vời hơn là làm Đức Giê-hô-va vui lòng?—Châm 23:15.

9. Sự khiêm nhường thu hút người khác đến gần chúng ta như thế nào?

9 Ngoài việc làm Đức Giê-hô-va vui lòng, chúng ta cũng nhận được nhiều lợi ích khi vun trồng tính khiêm nhường. Sự khiêm nhường thu hút người khác đến gần mình. Để hiểu điều này, hãy đặt mình vào vị trí của người khác (Mat 7:12). Thường thì chúng ta không thích kết hợp với những người luôn khăng khăng làm theo ý mình và bác bỏ đề nghị của người khác. Ngược lại, chúng ta cảm thấy thoải mái khi kết hợp với những anh chị thể hiện “sự đồng cảm, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn dịu dàng và tính khiêm nhường” (1 Phi 3:8). Nếu chúng ta thích đến gần người khiêm nhường, hẳn họ cũng muốn đến gần chúng ta, nếu chúng ta khiêm nhường.

10. Làm thế nào sự khiêm nhường giúp chúng ta chịu đựng những vấn đề trong đời sống dễ dàng hơn?

10 Sự khiêm nhường cũng giúp chúng ta chịu đựng những vấn đề trong đời sống dễ dàng hơn. Thực tế là chúng ta có thể gặp những điều có vẻ bất công. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn nói: “Ta từng thấy đầy tớ cưỡi ngựa, còn quan đi bộ như đầy tớ” (Truyền 10:7). Người có năng lực không phải lúc nào cũng được công nhận. Còn người ít năng lực đôi khi lại được coi trọng hơn. Dù vậy, Sa-lô-môn nhận ra rằng điều khôn ngoan là chúng ta nên chấp nhận thực tế thay vì cứ nghĩ mãi về những tình huống tiêu cực (Truyền 6:9). Nếu khiêm nhường, chúng ta sẽ thấy dễ chấp nhận cuộc sống hơn, dù mọi chuyện không theo ý mình.

NHỮNG TÌNH HUỐNG NÀO THỬ THÁCH LÒNG KHIÊM NHƯỜNG?

Những tình huống tương tự có thể thử thách lòng khiêm nhường của chúng ta như thế nào? (Xem đoạn 11, 12) *

11. Chúng ta nên phản ứng thế nào khi nhận lời khuyên?

11 Mỗi ngày chúng ta có vô số cơ hội để thể hiện lòng khiêm nhường. Hãy xem vài tình huống. Khi nhận lời khuyên. Hãy nhớ là khi ai đó dành thời gian cho chúng ta lời khuyên, thì rất có thể mình đã mắc lỗi nghiêm trọng hơn mình nghĩ. Những lúc như thế, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là từ chối lời khuyên. Có lẽ chúng ta chỉ trích người ấy hoặc cách người ấy cho lời khuyên. Nhưng nếu khiêm nhường, chúng ta sẽ cố gắng giữ quan điểm thăng bằng.

12. Theo Châm ngôn 27:5, 6, tại sao chúng ta nên biết ơn người cho mình lời khuyên? Hãy nêu ví dụ.

12 Một người khiêm nhường sẽ biết ơn khi nhận lời khuyên. Hãy xem một ví dụ: Giả sử anh chị đang ở một buổi nhóm họp. Sau khi nói chuyện với vài người, một người kéo anh chị ra và tế nhị nhắc rằng có gì đó dính trên răng anh chị. Có lẽ anh chị cảm thấy ngượng. Nhưng chẳng phải anh chị biết ơn người đã nhắc mình sao? Hẳn anh chị ước là có ai đó nhắc mình sớm hơn! Tương tự thế, chúng ta nên khiêm nhường và biết ơn một anh em đồng đạo đã can đảm cho mình lời khuyên khi cần. Chúng ta xem người ấy là bạn, chứ không phải kẻ thù.—Đọc Châm ngôn 27:5, 6; Ga 4:16.

Tại sao cần khiêm nhường khi người khác nhận đặc ân? (Xem đoạn 13, 14) *

13. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình khiêm nhường khi người khác nhận đặc ân?

13 Khi người khác nhận đặc ân. Một anh trưởng lão tên Jason thừa nhận: “Khi thấy người khác nhận đặc ân, đôi khi tôi thắc mắc tại sao không phải là mình”. Đã bao giờ anh chị cảm thấy như thế chưa? Không có gì sai khi vươn tới một đặc ân phụng sự (1 Ti 3:1). Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn thận về cách mình suy nghĩ. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể để sự kiêu ngạo bén rễ trong lòng. Chẳng hạn, một anh tín đồ có thể bắt đầu suy nghĩ mình là người hội đủ tiêu chuẩn nhất để gánh vác trách nhiệm nào đó. Hoặc vợ của một anh có lẽ nghĩ: “Chồng mình xứng đáng hơn anh này hoặc anh kia!”. Nếu thật sự khiêm nhường, chúng ta sẽ tránh tinh thần kiêu ngạo ấy.

14. Chúng ta có thể học được gì từ cách Môi-se phản ứng khi người khác nhận đặc ân?

14 Hãy xem chúng ta học được gì từ cách Môi-se phản ứng khi người khác nhận đặc ân. Môi-se rất quý trọng nhiệm vụ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên. Môi-se phản ứng thế nào khi Đức Giê-hô-va giao cho người khác đặc ân cùng làm việc với mình? Ông không ghen tị (Dân 11:24-29). Ông khiêm nhường và san sẻ việc xét xử dân chúng với người khác (Xuất 18:13-24). Điều này cũng mang lại lợi ích cho dân Y-sơ-ra-ên vì có nhiều người giúp xét xử các vụ việc hơn. Rõ ràng, Môi-se đã đặt quyền lợi của người khác lên trên đặc ân của mình. Quả là một gương nổi bật cho chúng ta noi theo! Hãy nhớ rằng để được hữu dụng trong tay Đức Giê-hô-va thì lòng khiêm nhường của chúng ta phải trội hơn khả năng. Dù Đức Giê-hô-va ở trên cao, ngài “nhìn thấy người khiêm nhường”.—Thi 138:6.

15. Nhiều anh chị phải đối mặt với những hoàn cảnh mới nào?

15 Khi hoàn cảnh thay đổi. Trong những năm gần đây, nhiều anh chị phụng sự lâu năm nhận được nhiệm sở mới. Chẳng hạn, năm 2014, giám thị địa hạt và vợ của họ được mời phụng sự trong một hình thức trọn thời gian khác. Cũng bắt đầu từ năm đó, giám thị vòng quanh khi đến tuổi 70 sẽ ngưng phụng sự trong công tác này. Và các anh 80 tuổi hoặc lớn hơn sẽ không còn làm giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão nữa. Vài năm trước, nhiều anh chị trong Bê-tên cũng được bổ nhiệm ra cánh đồng. Một số anh chị khác phải ngưng phụng sự trong công tác đặc biệt vì vấn đề sức khỏe, trách nhiệm gia đình hoặc hoàn cảnh cá nhân.

16. Nhiều anh chị đã thể hiện lòng khiêm nhường như thế nào khi thích nghi với hoàn cảnh mới?

16 Đối với những anh chị ấy thì sự điều chỉnh này không phải là dễ dàng. Họ yêu thích nhiệm sở cũ, và có những anh chị đã gắn bó với nhiệm sở nhiều năm. Một số phải trải qua giai đoạn “đau buồn” khi thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhưng với thời gian, họ đã có thể thích nghi. Tại sao? Vì họ yêu thương Đức Giê-hô-va trên hết. Họ biết rằng họ dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chứ không phải cho công việc, chức vụ hoặc nhiệm sở nào đó (Cô 3:23). Họ vui mừng và khiêm nhường phụng sự Đức Giê-hô-va trong bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Họ “trút hết mọi lo lắng cho ngài” vì biết chắc ngài quan tâm đến họ.—1 Phi 5:6, 7.

17. Tại sao chúng ta biết ơn vì Đức Giê-hô-va đã dùng Lời ngài để giúp mình vun trồng tính khiêm nhường?

17 Hẳn chúng ta rất biết ơn Đức Giê-hô-va vì đã dùng Lời ngài để giúp mình vun trồng tính khiêm nhường. Khi vun trồng đức tính đáng quý này, không chỉ chúng ta mà người khác cũng nhận được lợi ích. Chúng ta sẽ dễ đương đầu với những thử thách trong đời sống. Trên hết, chúng ta sẽ đến gần hơn với Cha yêu thương trên trời. Thật vui mừng khi biết rằng dù Đức Giê-hô-va là “Đấng Chí Cao Chí Tôn”, nhưng ngài yêu thương và quý trọng những tôi tớ khiêm nhường!—Ê-sai 57:15.

BÀI HÁT 45 Sự suy ngẫm của lòng con

^ đ. 5 Một trong những đức tính quan trọng nhất mà chúng ta cần vun trồng là sự khiêm nhường. Khiêm nhường là gì? Tại sao chúng ta nên vun trồng đức tính này? Hoàn cảnh thay đổi có thể thử thách lòng khiêm nhường của chúng ta như thế nào? Bài này sẽ thảo luận những câu hỏi quan trọng ấy.

^ đ. 7 Kinh nghiệm của anh Klein được đăng trong Tháp Canh ngày 1-10-1984 (Anh ngữ).

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Tại nhà một anh em, sứ đồ Phao-lô khiêm nhường kết hợp với người khác, trong đó có các em nhỏ.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Một anh nhận lời khuyên dựa trên Kinh Thánh từ một anh trẻ hơn.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Anh lớn tuổi ấy không ghen tị với anh trẻ có đặc ân trong hội thánh.