Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 36

Ha-ma-ghê-đôn—Cuộc chiến được trông đợi!

Ha-ma-ghê-đôn—Cuộc chiến được trông đợi!

“Những lời ấy quy tụ các vua lại một chỗ... gọi là Ha-ma-ghê-đôn”.KHẢI 16:16.

BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Tại sao Ha-ma-ghê-đôn là tin mừng cho nhân loại? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

Nhiều người cho rằng thế giới sẽ bị hủy diệt bởi chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa môi trường. Nhưng Kinh Thánh không dạy như thế. Kinh Thánh dạy rằng sắp có một cuộc chiến mang lại tương lai tốt đẹp cho nhân loại (Khải 1:3). Cuộc chiến này gọi là Ha-ma-ghê-đôn, và đây không phải là cuộc chiến hủy diệt nhân loại nhưng là cuộc chiến giải cứu. Tại sao có thể nói thế?

2 Kinh Thánh cho thấy cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ giải cứu nhân loại bằng cách chấm dứt sự cai trị của con người, loại bỏ kẻ ác và gìn giữ người công chính, đồng thời bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi sự hủy hoại (Khải 11:18). Để hiểu rõ những điểm này hơn, hãy cùng xem xét bốn câu hỏi: Ha-ma-ghê-đôn là gì? Những biến cố nào dẫn đến cuộc chiến ấy? Chúng ta cần làm gì để được ở trong số những người sẽ được cứu tại Ha-ma-ghê-đôn? Và làm thế nào để giữ lòng trung thành khi Ha-ma-ghê-đôn ngày càng đến gần?

HA-MA-GHÊ-ĐÔN LÀ GÌ?

3. (a) Từ “Ha-ma-ghê-đôn” có nghĩa gì? (b) Theo Khải huyền 16:14, 16, tại sao chúng ta có thể nói rằng Ha-ma-ghê-đôn không phải là một nơi theo nghĩa đen?

3 Đọc Khải huyền 16:14, 16. Từ “Ha-ma-ghê-đôn” xuất hiện trong Kinh Thánh duy nhất một lần và đến từ một từ Hê-bơ-rơ nghĩa là “núi Mê-ghi-đô” (Khải 16:16, chú thích). Mê-ghi-đô là một thành thuộc nước Y-sơ-ra-ên xưa (Giô-suê 17:11). Nhưng từ “Ha-ma-ghê-đôn” trong Kinh Thánh không nói đến bất cứ nơi nào trên đất theo nghĩa đen. Nói một cách chính xác, từ này nói đến tình huống mà “các vua trên khắp đất” quy tụ lại để chống lại Đức Giê-hô-va (Khải 16:14). Tuy nhiên, trong bài này, từ “Ha-ma-ghê-đôn” cũng được dùng để nói đến trận chiến xảy ra ngay sau khi các vua trên đất quy tụ lại. Tại sao chúng ta biết Ha-ma-ghê-đôn nói đến một nơi theo nghĩa bóng? Thứ nhất, không có núi Mê-ghi-đô theo nghĩa đen. Thứ hai, khu vực quanh thành Mê-ghi-đô quá nhỏ để tập hợp “các vua trên khắp đất”, quân đội và vũ khí của họ. Thứ ba, như sẽ xem trong bài này, cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ bắt đầu khi “các vua” trên thế giới tấn công dân Đức Chúa Trời ở rải rác trên khắp đất.

4. Tại sao Đức Giê-hô-va liên kết cuộc chiến cuối cùng với Mê-ghi-đô?

4 Tại sao Đức Giê-hô-va liên kết cuộc chiến cuối cùng với Mê-ghi-đô? Thành Mê-ghi-đô và Thung lũng Gít-rê-ên gần đó là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến. Có những lần, Đức Giê-hô-va trực tiếp can thiệp để giúp dân ngài trong các cuộc chiến ấy. Chẳng hạn, tại “các dòng nước tại Mê-ghi-đô”, Đức Chúa Trời đã giúp quan xét Ba-rác của Y-sơ-ra-ên đánh bại quân Ca-na-an được dẫn đầu bởi tướng quân đội Si-sê-ra. Ba-rác và nữ tiên tri Đê-bô-ra đã cảm tạ Đức Giê-hô-va vì ban cho họ chiến thắng kỳ diệu này. Họ hát: “Các ngôi sao chiến đấu từ trời... chống lại Si-sê-ra. Dòng nước xiết của Ki-sôn cuốn trôi chúng”.—Quan 5:19-21.

5. Có điểm khác biệt quan trọng nào giữa cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn và cuộc chiến mà Ba-rác tham gia?

5 Ba-rác và Đê-bô-ra kết thúc bài hát bằng những lời sau: “Ôi Đức Giê-hô-va, nguyện mọi kẻ thù ngài tan biến thể ấy, còn những người yêu thương ngài thì như mặt trời mọc giữa vinh quang” (Quan 5:31). Tại Ha-ma-ghê-đôn, kẻ thù của Đức Chúa Trời sẽ bị tan biến, còn những người yêu mến ngài sẽ được giải cứu. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng giữa hai cuộc chiến. Đó là tại Ha-ma-ghê-đôn, dân Đức Chúa Trời sẽ không chiến đấu. Thậm chí họ sẽ không có vũ khí! ‘Thế mạnh của họ là sự bình tĩnh và lòng tin cậy’ nơi Đức Giê-hô-va và đạo quân trên trời.—Ê-sai 30:15; Khải 19:11-15.

6. Có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ đánh bại kẻ thù tại Ha-ma-ghê-đôn bằng cách nào?

6 Đức Chúa Trời sẽ đánh bại kẻ thù tại Ha-ma-ghê-đôn bằng cách nào? Có lẽ ngài sẽ dùng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như động đất, mưa đá và tia chớp (Gióp 38:22, 23; Ê-xê 38:19-22). Có thể ngài sẽ khiến kẻ thù tấn công lẫn nhau (2 Sử 20:17, 22, 23). Cũng có thể ngài sẽ dùng các thiên sứ để tiêu diệt kẻ ác (Ê-sai 37:36). Dù Đức Chúa Trời dùng cách nào đi nữa, ngài cũng sẽ toàn thắng. Mọi kẻ thù của ngài sẽ bị hủy diệt. Và hết thảy người công chính sẽ được giải cứu.—Châm 3:25, 26.

NHỮNG BIẾN CỐ NÀO SẼ DẪN ĐẾN HA-MA-GHÊ-ĐÔN?

7, 8. (a) Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra lời tuyên bố khác thường nào như được nói trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6? (b) Tại sao lời tuyên bố này là lời nói dối nguy hiểm?

7 Lời tuyên bố “hòa bình và an ninh” sẽ xảy ra trước khi “ngày của Đức Giê-hô-va” bắt đầu. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6). “Ngày của Đức Giê-hô-va” nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2 nói đến “hoạn nạn lớn” (Khải 7:14). Điều gì sẽ giúp chúng ta biết hoạn nạn ấy sắp bắt đầu? Kinh Thánh cho biết rằng trước đó sẽ có một lời tuyên bố khác thường, và đó chính là dấu hiệu cho thấy hoạn nạn lớn sắp xảy ra.

8 Lời tuyên bố đó là “hòa bình và an ninh”. Tại sao các nhà lãnh đạo thế giới nói điều này? Giới lãnh đạo tôn giáo có cùng tham gia tuyên bố lời đó không? Có thể là có. Tuy nhiên, lời tuyên bố này sẽ chỉ là một lời nói dối khác đến từ các quỷ. Lời nói dối này đặc biệt nguy hiểm vì nó sẽ khiến người ta tưởng là mình được an ổn, trong khi sự thật là hoạn nạn lớn chưa từng có trong lịch sử sắp xảy ra. Thật vậy, “ngay lúc ấy sự hủy diệt thình lình sẽ ập đến trên họ, như cơn đau chuyển dạ đến với người nữ mang thai”. Còn về những tôi tớ trung thành thì sao? Có lẽ họ sẽ ngạc nhiên khi ngày Đức Giê-hô-va bất ngờ đến, nhưng họ sẽ không mất cảnh giác.

9. Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế gian Sa-tan cùng một lúc không? Hãy giải thích.

9 Đức Giê-hô-va sẽ không xóa sạch toàn bộ thế gian của Sa-tan cùng một lúc, như ngài từng làm vào thời Nô-ê. Thay vì thế, ngài sẽ hủy diệt thế gian trong hai giai đoạn chính. Trước hết, ngài sẽ hủy diệt Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm. Sau đó tại Ha-ma-ghê-đôn, ngài sẽ hủy diệt phần còn lại của thế gian Sa-tan, trong đó có hệ thống chính trị, quân đội và thương mại. Hãy cùng xem xét kỹ hơn về hai biến cố quan trọng này.

10. Theo Khải huyền 17:1, 6 và 18:24, tại sao Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt Ba-by-lôn Lớn?

10 “Sự phán xét dành cho đại kỹ nữ”. (Đọc Khải huyền 17:1, 6; 18:24). Ba-by-lôn Lớn gây nhiều sỉ nhục cho danh Đức Chúa Trời. Ả dạy những lời dối trá về ngài và phạm tội tà dâm theo nghĩa bóng khi liên minh với các nhà cai trị trên đất. Ả còn dùng quyền lực và sức ảnh hưởng để bóc lột giáo dân. Ngoài ra, ả còn làm đổ máu của vô số người, trong đó có những tôi tớ Đức Chúa Trời (Khải 19:2). Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt Ba-by-lôn Lớn bằng cách nào?

11. “Con thú dữ sắc đỏ” tượng trưng cho gì, và Đức Chúa Trời sẽ dùng con thú này để chống lại Ba-by-lôn Lớn như thế nào?

11 Đức Giê-hô-va sẽ dùng “mười cái sừng” của “một con thú dữ sắc đỏ” để hủy diệt “đại kỹ nữ”. Con thú dữ tượng trưng cho Liên Hiệp Quốc. Mười cái sừng tượng trưng cho những thế lực chính trị đang ủng hộ tổ chức đó. Vào thời điểm ấn định của Đức Chúa Trời, những thế lực chính trị này sẽ quay sang tấn công Ba-by-lôn Lớn. Họ sẽ “làm cho ả xơ xác và trần truồng” bằng cách tước đoạt tài sản và vạch trần sự gian ác của ả (Khải 17:3, 16). Sự hủy diệt ấy sẽ diễn ra mau lẹ, tưởng chừng như chỉ trong một ngày. Vì thế, những ai ủng hộ ả sẽ bị sốc. Suy cho cùng, từ lâu ả kỹ nữ này đã khoác lác: “Ta là nữ vương ngồi trên ngai, ta chẳng phải là góa phụ, ta sẽ không bao giờ phải than khóc”.—Khải 18:7, 8.

12. Đức Giê-hô-va sẽ không cho phép các nước làm gì, và tại sao?

12 Đức Chúa Trời sẽ không cho phép các nước hủy diệt dân ngài. Họ là những người tự hào mang danh ngài và vâng theo mệnh lệnh ra khỏi Ba-by-lôn Lớn (Công 15:16, 17; Khải 18:4). Họ cũng nỗ lực giúp người khác ra khỏi tôn giáo sai lầm. Vì thế, tôi tớ Đức Giê-hô-va sẽ không ‘lãnh một phần tai vạ của ả’. Tuy vậy, đức tin của họ sẽ bị thử thách.

Dù ở bất cứ nơi đâu trên đất, dân Đức Chúa Trời cũng sẽ tin cậy ngài khi cuộc tấn công xảy ra (Xem đoạn 13) *

13. (a) Gót là ai? (b) Theo Ê-xê-chi-ên 38:2, 8, 9, khi nào Gót sẽ đến một chỗ theo nghĩa bóng gọi là Ha-ma-ghê-đôn?

13 Cuộc tấn công của Gót. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:2, 8, 9). Sau khi tất cả tổ chức tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, chỉ còn lại dân của Đức Chúa Trời như một cây trơ trọi đứng vững sau cơn giông bão. Dĩ nhiên, Sa-tan sẽ vô cùng tức giận. Hắn sẽ trút cơn giận bằng cách dùng những lời tuyên truyền của các quỷ, tức “lời thần khải ô uế”, để khiến cho một liên minh các nước quay sang tấn công tôi tớ Đức Chúa Trời (Khải 16:13, 14). Liên minh đó được gọi là “Gót ở xứ Ma-gót”. Khi các nước dốc toàn lực tấn công dân Đức Giê-hô-va, thì như thể họ đã đến một chỗ theo nghĩa bóng gọi là Ha-ma-ghê-đôn.—Khải 16:16.

14. Gót sẽ nhận ra điều gì?

14 Gót sẽ nhờ cậy “cánh tay xác thịt” của mình, tức sức mạnh về quân sự (2 Sử 32:8). Còn chúng ta sẽ tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, là điều mà các nước xem là ngu dại. Suy cho cùng, các thần của đế quốc quyền lực là Ba-by-lôn Lớn đã không thể cứu ả khỏi “con thú dữ” và “mười cái sừng” của nó! (Khải 17:16). Vì thế, Gót cho rằng sẽ dễ dàng đánh bại chúng ta. “Như đám mây bao phủ xứ”, hắn sẽ tấn công dân Đức Giê-hô-va (Ê-xê 38:16). Nhưng Gót sẽ sớm nhận ra là mình đã rơi vào bẫy. Giống như Pha-ra-ôn tại Biển Đỏ, Gót sẽ biết rằng hắn đang chiến đấu với Đức Giê-hô-va.—Xuất 14:1-4; Ê-xê 38:3, 4, 18, 21-23.

15. Đấng Ki-tô sẽ làm gì tại Ha-ma-ghê-đôn?

15 Đấng Ki-tô và đạo quân trên trời sẽ bảo vệ dân Đức Chúa Trời và hủy diệt Gót cùng các lực lượng quân đội (Khải 19:11, 14, 15). Nhưng nói sao về Sa-tan, kẻ thù chính của Đức Giê-hô-va và là kẻ tuyên truyền những lời dối trá dẫn các nước đến Ha-ma-ghê-đôn? Chúa Giê-su sẽ quăng hắn cùng các quỷ xuống vực sâu và nhốt lại trong một ngàn năm.—Khải 20:1-3.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC CỨU TẠI HA-MA-GHÊ-ĐÔN?

16. (a) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình “nhận biết Đức Chúa Trời”? (b) Những người nhận biết Đức Giê-hô-va sẽ nhận được phần thưởng nào tại Ha-ma-ghê-đôn?

16 Dù đã theo chân lý bao lâu đi nữa, nhưng để được cứu tại Ha-ma-ghê-đôn, chúng ta phải cho thấy mình “nhận biết Đức Chúa Trời” và “vâng theo tin mừng về Chúa Giê-su” (2 Tê 1:7-9). Chúng ta “nhận biết Đức Chúa Trời” khi biết những điều ngài thích, điều ngài không thích và tiêu chuẩn của ngài. Chúng ta cũng cho thấy mình biết ngài khi yêu thương và vâng lời ngài, cũng như dâng cho ngài lòng sùng kính chuyên độc (1 Giăng 2:3-5; 5:3). Khi làm thế, chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời biết đến, tức được ngài chấp nhận (1 Cô 8:3). Kết quả là chúng ta sẽ được cứu tại Ha-ma-ghê-đôn.

17. “Vâng theo tin mừng về Chúa Giê-su” bao hàm điều gì?

17 “Tin mừng về Chúa Giê-su” là tất cả những sự thật Chúa Giê-su dạy và được ghi lại trong Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta vâng theo tin mừng khi áp dụng vào đời sống. Sự vâng lời này bao hàm việc đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, sống phù hợp với tiêu chuẩn công chính và rao truyền về Nước Trời (Mat 6:33; 24:14). Chúng ta cũng phải ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô khi họ chăm lo các trọng trách được giao.—Mat 25:31-40.

18. Anh em của Đấng Ki-tô sẽ báo đáp lòng nhân từ mà “chiên khác” thể hiện với họ bằng cách nào?

18 Không lâu nữa, những tín đồ được xức dầu sẽ báo đáp lòng nhân từ mà “chiên khác” thể hiện với họ (Giăng 10:16). Như thế nào? Trước khi cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn bắt đầu, số người còn sót lại thuộc 144.000 người sẽ được sống lại để lên trời với tư cách là thần linh bất tử. Hết thảy họ sẽ trở thành một phần của đạo quân trên trời và sẽ loại bỏ Gót, đồng thời bảo vệ “một đám đông lớn” những người được ví như chiên (Khải 2:26, 27; 7:9, 10). Thật vậy, đám đông lớn có đặc ân tuyệt vời là ủng hộ những tín đồ được xức dầu trong khi những tín đồ này còn ở trên đất!

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ LÒNG TRUNG THÀNH?

19, 20. Làm thế nào chúng ta có thể giữ lòng trung thành khi càng đến gần Ha-ma-ghê-đôn?

19 Trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này, nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời phải chịu đựng thử thách. Dù vậy, chúng ta có thể chịu đựng với niềm vui (Gia 1:2-4). Một bí quyết là luôn tha thiết cầu nguyện (Lu 21:36). Chúng ta cũng cần hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời hằng ngày, trong đó có những lời tiên tri tuyệt vời về thời chúng ta (Thi 77:12). Khi làm những điều này và tham gia trọn vẹn vào thánh chức, chúng ta sẽ giữ cho đức tin và hy vọng của mình được mạnh mẽ!

20 Hãy thử nghĩ anh chị sẽ hào hứng biết bao khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt và Ha-ma-ghê-đôn chấm dứt! Quan trọng hơn, hãy hình dung anh chị sẽ hạnh phúc thế nào khi danh Đức Chúa Trời và quyền tối thượng của ngài hoàn toàn được biện minh! (Ê-xê 38:23). Quả thật, Ha-ma-ghê-đôn là niềm trông đợi với những người nhận biết Đức Chúa Trời, vâng lời Con ngài và chịu đựng cho đến cuối cùng.—Mat 24:13.

BÀI HÁT 143 Hãy luôn bận rộn, thức canh, và trông đợi

^ đ. 5 Từ lâu, dân Đức Giê-hô-va đã rất mong đợi Ha-ma-ghê-đôn. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét Ha-ma-ghê-đôn là gì, những biến cố nào dẫn đến Ha-ma-ghê-đôn, và làm thế nào để giữ lòng trung thành khi càng đến gần thời điểm kết thúc.

^ đ. 71 HÌNH ẢNH: Những diễn biến kịch tính sẽ xảy ra xung quanh chúng ta. Chúng ta sẽ (1) tham gia thánh chức trong khi vẫn còn cơ hội, (2) duy trì việc học Kinh Thánh, và (3) tiếp tục tin cậy nơi sự bảo vệ của Đức Chúa Trời.

^ đ. 85 HÌNH ẢNH: Cảnh sát chuẩn bị tấn công nhà của một gia đình tín đồ; gia đình này tin chắc Chúa Giê-su và các thiên sứ biết rõ những điều đang xảy ra.