Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 38

Hành động khôn ngoan trong giai đoạn bình an

Hành động khôn ngoan trong giai đoạn bình an

“Xứ không có loạn lạc và chiến tranh trong những năm ấy, vì Đức Giê-hô-va cho ông được bình yên”.—2 SỬ 14:6.

BÀI HÁT 60 Thông điệp mang lại sự sống

GIỚI THIỆU *

1. Khi nào việc phụng sự Đức Giê-hô-va có thể là khó khăn nhất?

Theo anh chị, khi nào việc phụng sự Đức Giê-hô-va là khó khăn nhất? Khi đương đầu với thử thách hay khi cuộc sống tương đối bình an? Lúc gặp vấn đề, chúng ta dễ nương cậy Đức Giê-hô-va. Còn khi cuộc sống bình an, chúng ta có bị sao lãng trong việc thờ phượng không? Đức Giê-hô-va cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên rằng điều đó có thể xảy ra.—Phục 6:10-12.

Vua A-sa hành động kiên quyết để xóa bỏ sự thờ phượng sai lầm (Xem đoạn 2) *

2. Vua A-sa đã để lại gương mẫu nào?

2 Vua A-sa nêu gương xuất sắc cho chúng ta. Ông hành động khôn ngoan qua việc hoàn toàn nương cậy Đức Giê-hô-va. Ông phụng sự ngài không chỉ trong lúc khó khăn mà còn trong giai đoạn bình an. Từ nhỏ, “lòng A-sa trọn vẹn với Đức Giê-hô-va” (1 Vua 15:14). Một cách A-sa chứng tỏ lòng trọn vẹn là xóa bỏ sự thờ phượng sai lầm khỏi Giu-đa. Kinh Thánh cho biết: “Ông dẹp bỏ các bàn thờ ngoại bang và những nơi cao, đập nát các trụ thờ và đốn ngã các cột thờ” (2 Sử 14:3, 5). Thậm chí, ông còn cách chức thái hậu của bà nội là Ma-a-ca. Tại sao? Vì bà đẩy mạnh việc thờ tượng thần.—1 Vua 15:11-13.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 A-sa làm nhiều hơn là chỉ xóa bỏ sự thờ phượng sai lầm. Ông đẩy mạnh sự thờ phượng thật, giúp dân Giu-đa trở về với Đức Giê-hô-va. Ngài đã ban thưởng cho A-sa và dân Y-sơ-ra-ên bằng cách cho họ hưởng giai đoạn bình an. * Vào triều đại A-sa, “xứ không có loạn lạc” trong mười năm (2 Sử 14:1, 4, 6). Trong bài này, chúng ta sẽ xem A-sa tận dụng giai đoạn ấy như thế nào. Sau đó, hãy xem gương của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã tận dụng giai đoạn bình an như A-sa. Cuối cùng, chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: Nếu sống tại nước đang được tự do thờ phượng, chúng ta có thể tận dụng giai đoạn bình an như thế nào?

VUA A-SA TẬN DỤNG GIAI ĐOẠN BÌNH AN

4. Theo 2 Sử ký 14:2, 6, 7, A-sa tận dụng giai đoạn bình an ra sao?

4 Đọc 2 Sử ký 14:2, 6, 7. A-sa nói với dân chúng rằng chính Đức Giê-hô-va “cho [họ] được yên ổn tứ bề”. A-sa không nghĩ rằng giai đoạn bình an này là lúc nghỉ ngơi. Thay vì thế, ông bắt đầu xây thành, tường, tháp và cổng. Ông nói với dân Giu-đa: “Xứ vẫn thuộc về chúng ta”. A-sa có ý gì khi nói vậy? Ý của ông là dân chúng có thể tự do đi lại trong xứ Đức Chúa Trời ban cho và xây cất mà không bị kẻ thù cản trở. Ông thúc giục họ tận dụng giai đoạn bình an này.

5. Tại sao A-sa củng cố lực lượng quân đội?

5 A-sa cũng tận dụng giai đoạn bình an để củng cố lực lượng quân đội (2 Sử 14:8). Phải chăng điều đó có nghĩa là ông không tin cậy Đức Giê-hô-va? Không. Thay vì thế, là một vị vua, A-sa biết mình có trách nhiệm chuẩn bị cho dân chúng đối phó với vấn đề có thể xảy đến. Ông biết rằng giai đoạn bình an của xứ Giu-đa hẳn chỉ kéo dài một thời gian, và đúng là như vậy.

CÁC TÍN ĐỒ VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT TẬN DỤNG GIAI ĐOẠN BÌNH AN

6. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã tận dụng giai đoạn bình an như thế nào?

6 Dù các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất thường bị bắt bớ nhưng họ cũng được hưởng những giai đoạn bình an. Họ tận dụng những cơ hội này như thế nào? Các tín đồ nam và nữ trung thành ấy không ngừng rao truyền tin mừng. Lời tường thuật trong sách Công vụ cho biết họ “bước đi trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va”. Họ không ngừng rao truyền tin mừng và kết quả là hội thánh “tiếp tục gia tăng”. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho lòng sốt sắng rao giảng của họ trong những giai đoạn bình an.—Công 9:26-31.

7, 8. Phao-lô và các môn đồ khác đã làm gì khi có cơ hội? Hãy giải thích.

7 Các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất tận dụng cơ hội họ có để loan truyền tin mừng. Chẳng hạn, khi ở Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô nhận thấy ‘một cánh cửa lớn đã mở ra cho ông’ và đã nắm lấy cơ hội để rao giảng cũng như đào tạo môn đồ tại thành đó.—1 Cô 16:8, 9.

8 Một cơ hội khác đến với Phao-lô và các tín đồ là khi vấn đề cắt bì được giải quyết vào năm 49 CN (Công 15:23-29). Sau khi quyết định đó được truyền đến các hội thánh, các môn đồ nỗ lực hết sức để loan báo “tin mừng của lời Đức Giê-hô-va” (Công 15:30-35). Kết quả là gì? Kinh Thánh cho biết: “Các hội thánh tiếp tục vững mạnh về đức tin và số người tin đạo ngày càng gia tăng”.—Công 16:4, 5.

TẬN DỤNG GIAI ĐOẠN BÌNH AN THỜI NAY

9. Có sự thuận lợi nào cho chúng ta tại nhiều nước, và chúng ta có thể tự hỏi điều gì?

9 Tại nhiều nước hiện nay, chúng ta có thể tự do rao giảng. Có phải anh chị đang sống tại nước được tự do thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Nếu vậy, hãy tự hỏi: “Mình đang tận dụng sự tự do này như thế nào?”. Trong những ngày sau cùng đầy hào hứng này, tổ chức của Đức Giê-hô-va đang sốt sắng thực hiện công việc rao giảng và dạy dỗ với quy mô lớn chưa từng thấy (Mác 13:10). Có nhiều cơ hội mở ra cho dân Đức Giê-hô-va.

Nhiều anh chị được ban phước dồi dào khi rao giảng tại nước ngoài hoặc làm chứng cho người nói ngôn ngữ khác (Xem đoạn 10-12) *

10. Nơi 2 Ti-mô-thê 4:2 khuyến khích chúng ta làm gì?

10 Làm thế nào anh chị có thể tận dụng giai đoạn bình an? (Đọc 2 Ti-mô-thê 4:2). Hãy xem xét hoàn cảnh để biết liệu mình hoặc người thân có thể gia tăng thánh chức, ngay cả làm tiên phong hay không. Giờ không phải lúc để làm giàu và tích lũy của cải, là những thứ sẽ không cùng chúng ta vượt qua hoạn nạn lớn.—Châm 11:4; Mat 6:31-33; 1 Giăng 2:15-17.

11. Nhiều anh chị làm gì để mang tin mừng đến với càng nhiều người càng tốt?

11 Nhiều anh chị học ngôn ngữ mới để rao giảng và dạy dỗ. Tổ chức Đức Chúa Trời hỗ trợ họ bằng cách cung cấp ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh với số ngôn ngữ ngày càng tăng. Chẳng hạn, vào năm 2010, ấn phẩm của chúng ta có trong khoảng 500 ngôn ngữ. Hiện nay, số ngôn ngữ đã lên đến hơn 1.000!

12. Người ta nhận được lợi ích ra sao khi nghe thông điệp Nước Trời trong ngôn ngữ mẹ đẻ? Hãy nêu ví dụ.

12 Người ta được tác động như thế nào khi nghe chân lý từ Lời Đức Chúa Trời trong ngôn ngữ mẹ đẻ? Hãy xem kinh nghiệm của một chị có ngôn ngữ mẹ đẻ là Kinyarwanda, ngôn ngữ được dùng tại các nước Rwanda, Congo (Kinshasa) và Uganda. Sau khi tham dự hội nghị vùng trong tiếng mẹ đẻ được tổ chức ở Hoa Kỳ, chị cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi hiểu trọn vẹn chương trình thiêng liêng kể từ khi chuyển đến Hoa Kỳ 17 năm trước”. Rõ ràng, chị đã được tác động mạnh khi nghe chương trình trong tiếng mẹ đẻ. Nếu hoàn cảnh cho phép, anh chị có thể học ngôn ngữ khác để giúp những người trong khu vực không? Điều này có thể đặc biệt giúp ích khi khu vực của hội thánh anh chị có người nói ngôn ngữ khác. Nỗ lực đó rất đáng công.

13. Anh em ở Nga đã tận dụng giai đoạn bình an như thế nào?

13 Không phải tất cả anh em đều được tự do rao giảng. Có những thời điểm, anh em chúng ta không thể tự do rao giảng vì bị chính quyền hạn chế. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh em ở Nga. Sau nhiều thập kỷ bị bắt bớ, họ đã chính thức được công nhận vào tháng 3 năm 1991. Vào lúc đó, có khoảng 16.000 người công bố ở đây. Sau 20 năm, có hơn 160.000 người công bố! Rõ ràng, họ đã khôn ngoan tận dụng cơ hội này để rao giảng. Giai đoạn bình an đó chỉ kéo dài một thời gian. Tuy nhiên, hoàn cảnh thay đổi không khiến họ suy giảm lòng sốt sắng trong việc đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch. Họ tiếp tục tận dụng mọi điều kiện mình có để phụng sự Đức Giê-hô-va.

GIAI ĐOẠN BÌNH AN SẼ CHỈ KÉO DÀI MỘT THỜI GIAN

Sau khi vua A-sa cầu nguyện tha thiết, Đức Giê-hô-va ban chiến thắng cho Giu-đa trước đội quân hùng hậu của kẻ thù (Xem đoạn 14, 15)

14, 15. Đức Giê-hô-va đã thể hiện quyền năng vì A-sa như thế nào?

14 Giai đoạn bình an vào thời A-sa cuối cùng cũng kết thúc. Đội quân hùng hậu gồm một triệu lính từ Ê-thi-ô-bi kéo đến. Tướng Xê-rách tự tin rằng ông và đội quân của mình có thể đánh bại Giu-đa. Dù vậy, vua A-sa tin cậy Đức Giê-hô-va, thay vì số lượng binh lính. A-sa cầu xin: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng con, xin giúp chúng con vì chúng con nương cậy ngài, chúng con nhân danh ngài mà chiến đấu với đám đông này”.—2 Sử 14:11.

15 Dù quân Ê-thi-ô-bi có số quân gần gấp đôi, A-sa nhận biết Đức Giê-hô-va là đấng quyền năng và có thể hành động vì dân ngài. Đức Giê-hô-va không khiến ông thất vọng. Quân Ê-thi-ô-bi đã bị đánh bại một cách nhục nhã.—2 Sử 14:8-13.

16. Làm sao chúng ta biết giai đoạn bình an sẽ chấm dứt?

16 Dù không biết cụ thể điều gì sẽ xảy đến với mình, nhưng chúng ta biết rằng bất kỳ giai đoạn bình an nào mà dân Đức Chúa Trời hiện có cũng chỉ kéo dài một thời gian. Thật vậy, Chúa Giê-su báo trước rằng trong những ngày sau cùng, các môn đồ sẽ “bị mọi dân thù ghét” (Mat 24:9). Sứ đồ Phao-lô cũng nói: “Hết thảy những ai muốn sống cuộc đời tin kính của môn đồ Đấng Ki-tô Giê-su cũng sẽ bị ngược đãi” (2 Ti 3:12). Sa-tan “vô cùng giận dữ”, và chúng ta sẽ tự lừa dối nếu nghĩ rằng mình có thể tránh được cơn giận ấy.—Khải 12:12.

17. Đức tin của chúng ta có thể bị thử thách qua những cách nào?

17 Sắp tới tất cả chúng ta đều sẽ bị thử thách về đức tin. Không lâu nữa sẽ xảy ra “hoạn nạn lớn chưa từng có kể từ khi có loài người cho tới nay” (Mat 24:21). Vào lúc đó, người thân có thể bắt đầu chống đối chúng ta và công việc rao giảng có thể bị cấm đoán (Mat 10:35, 36). Như A-sa, liệu mỗi chúng ta sẽ nương cậy Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ và che chở không?

18. Theo Hê-bơ-rơ 10:38, 39, điều gì sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho giai đoạn không còn bình an?

18 Ngay bây giờ, Đức Giê-hô-va trang bị cho chúng ta về thiêng liêng để đối mặt với những điều phía trước. Ngài dùng “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để cấp phát “thức ăn đúng giờ” hầu giúp chúng ta đứng vững trong sự thờ phượng (Mat 24:45). Nhưng chúng ta phải làm phần của mình và xây dựng đức tin không lay chuyển nơi Đức Giê-hô-va.—Đọc Hê-bơ-rơ 10:38, 39.

19, 20. Sau khi đọc 1 Sử ký 28:9, chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào, và tại sao?

19 Như vua A-sa, chúng ta cần “tìm kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (2 Sử 14:4; 15:1, 2). Chúng ta bắt đầu việc tìm kiếm đó bằng cách tìm hiểu về ngài và chịu phép báp-têm. Chúng ta nắm bắt mọi cơ hội để củng cố tình yêu thương dành cho ngài. Thế nên, hãy tự hỏi: “Mình có đều đặn tham dự các buổi nhóm họp không?”. Nhờ tham dự các buổi nhóm họp do tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp, chúng ta được lại sức về thiêng liêng cũng như được khích lệ khi kết hợp với các anh chị (Mat 11:28). Chúng ta cũng có thể tự hỏi: “Mình có thói quen học hỏi cá nhân không?”. Nếu sống cùng gia đình, anh chị có dành thời gian hằng tuần cho buổi thờ phượng của gia đình không? Hoặc nếu sống riêng, anh chị vẫn dành ra một buổi để học hỏi giống như các gia đình không? Ngoài ra, anh chị có nỗ lực hết sức trong việc rao giảng và đào tạo môn đồ không?

20 Tại sao chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi trên? Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va dò xét tư tưởng và tấm lòng của chúng ta, nên chúng ta cũng cần làm thế với bản thân. (Đọc 1 Sử ký 28:9). Nếu nhận thấy mình cần điều chỉnh mục tiêu, thái độ hoặc suy nghĩ, chúng ta nên xin Đức Giê-hô-va giúp để thực hiện những thay đổi đó. Giờ là lúc cần chuẩn bị cho thử thách phía trước. Đừng để bất cứ điều gì cản trở anh chị tận dụng giai đoạn bình an!

BÀI HÁT 62 Bài ca mới

^ đ. 5 Có phải anh chị đang sống tại nước được tự do thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Nếu vậy, anh chị tận dụng giai đoạn bình an hiện tại như thế nào? Bài này sẽ xem xét cách chúng ta có thể noi gương vua A-sa của Giu-đa và các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Họ đã khôn ngoan tận dụng giai đoạn không có loạn lạc hay bất ổn.

^ đ. 3 GIẢI NGHĨA: Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “bình an” không chỉ nói đến tình trạng không có chiến tranh mà còn nói đến sự mạnh khỏe, an toàn và hạnh phúc.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Vua A-sa cách chức thái hậu của bà nội vì bà đẩy mạnh sự thờ phượng sai lầm. Những người trung thành ủng hộ A-sa đã noi gương ông bằng cách phá hủy các tượng thần.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng sốt sắng đang đơn giản hóa đời sống để có thể phụng sự tại nơi có nhu cầu lớn hơn.