Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 36

Quý trọng sức mạnh của người trẻ

Quý trọng sức mạnh của người trẻ

“Sự vinh hiển của người trẻ, đó là sức mạnh”.—CHÂM 20:29.

BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha

GIỚI THIỆU *

1. Các anh chị lớn có thể đặt mục tiêu thực tế nào?

Khi ngày càng lớn tuổi, chúng ta có thể lo rằng mình không còn hữu dụng với Đức Giê-hô-va như trước nữa. Có lẽ đúng là chúng ta không còn nhiều sức lực như trước, nhưng chúng ta có thể dùng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để giúp các anh chị trẻ phát huy tiềm năng và nhận thêm trách nhiệm. Một trưởng lão lâu năm chia sẻ: “Khi bắt đầu thấy mình bị ảnh hưởng bởi tuổi già, tôi rất biết ơn vì có những anh trẻ hội đủ điều kiện để đảm nhận công việc”.

2. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

2 Bài trước đã thảo luận những lợi ích các anh chị trẻ nhận được khi làm bạn với anh chị lớn tuổi. Trong bài này, chúng ta sẽ xem làm thế nào các phẩm chất như khiêm nhường, khiêm tốn, biết ơn và rộng rãi có thể giúp anh chị lớn tuổi cùng làm việc với các anh chị trẻ, nhờ thế mang lại ân phước cho cả hội thánh.

HÃY KHIÊM NHƯỜNG

3. Theo Phi-líp 2:3, 4, khiêm nhường là gì, và phẩm chất này giúp một tín đồ như thế nào?

3 Nếu muốn giúp anh chị trẻ, các anh chị lớn tuổi cần khiêm nhường. Một người khiêm nhường thì xem người khác cao hơn mình. (Đọc Phi-líp 2:3, 4). Những anh chị lớn tuổi có phẩm chất này hiểu rằng thường có nhiều cách khác nhau để thực hiện một nhiệm vụ mà vẫn hữu hiệu và phù hợp với Kinh Thánh. Vì thế, họ không mong đợi người khác làm việc theo cách họ từng làm trước đây (Truyền 7:10). Dù có nhiều kinh nghiệm quý giá để chia sẻ với thế hệ trẻ, nhưng họ nhận ra rằng “cảnh trạng thế gian này đang thay đổi” và có lẽ họ cần thích nghi với cách thức mới.—1 Cô 7:31.

Các anh chị lớn tuổi tỏ lòng rộng rãi qua việc chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống của mình với người khác (Xem đoạn 4, 5) *

4. Các giám thị vòng quanh thể hiện thái độ giống với người Lê-vi như thế nào?

4 Các anh chị lớn tuổi khiêm nhường nhận ra rằng họ không thể làm được nhiều như họ từng làm. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của các giám thị vòng quanh. Khi đến 70 tuổi, họ được mời nhận công việc mới. Đó có thể là thử thách. Họ rất quý đặc ân được phục vụ anh em. Họ yêu thích công việc vòng quanh, và ước muốn được tiếp tục công việc ấy vẫn bùng cháy trong lòng họ. Nhưng họ hiểu rằng cần những anh trẻ hơn để chăm lo công việc. Thái độ của họ giống với người Lê-vi thuộc dân Y-sơ-ra-ên xưa, là những người phải ngưng phục vụ tại lều thánh khi đến 50 tuổi. Niềm vui của những người Lê-vi ấy không phụ thuộc vào một đặc ân nào đó. Họ tập trung vào đặc ân mình có và làm mọi điều có thể để hỗ trợ những người trẻ hơn (Dân 8:25, 26). Ngày nay, các anh từng làm giám thị vòng quanh dù không còn phục vụ nhiều hội thánh, nhưng họ chứng tỏ là ân phước lớn cho hội thánh mà họ được chỉ định kết hợp.

5. Anh chị học được gì từ gương của anh Dan và chị Katie?

5 Hãy xem gương của anh Dan, người từng làm giám thị vòng quanh trong 23 năm. Khi anh Dan đến tuổi 70, anh và vợ là chị Katie được chỉ định làm tiên phong đặc biệt. Họ thích nghi ra sao trong nhiệm sở mới? Anh Dan cho biết hiện nay anh bận rộn hơn bao giờ hết! Anh chăm lo cho các trách nhiệm trong hội thánh, giúp các anh hội đủ điều kiện làm phụ tá hội thánh và huấn luyện người khác tham gia làm chứng tại trung tâm thành phố và trong các nhà tù. Hỡi các anh chị lớn tuổi, dù phụng sự trọn thời gian hay không, anh chị có thể làm nhiều điều để giúp người khác. Bằng cách nào? Đó là thích nghi với hoàn cảnh mới, đặt các mục tiêu mới và tập trung vào điều anh chị có thể làm thay vì điều không thể làm.

HÃY KHIÊM TỐN

6. Tại sao việc thể hiện sự khiêm tốn là điều khôn ngoan? Hãy minh họa.

6 Người khiêm tốn sẽ nhận biết giới hạn của mình (Châm 11:2). Vì khiêm tốn, người ấy không mong đợi nơi bản thân nhiều hơn những gì mình có thể làm. Nhờ thế, người ấy sẽ tiếp tục phụng sự hiệu quả và giữ được niềm vui. Chúng ta có thể ví người khiêm tốn với người đang lái xe lên dốc. Người lái xe cần về số nhỏ để lên dốc. Đúng là tốc độ có thể chậm hơn, nhưng người ấy vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Tương tự, người khiêm tốn thì biết khi nào là lúc cần “về số nhỏ” để có thể tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va một cách hiệu quả.—Phi-líp 4:5.

7. Bát-xi-lai thể hiện sự khiêm tốn như thế nào?

7 Hãy xem gương của Bát-xi-lai. Ông đã 80 tuổi khi vua Đa-vít mời ông về làm việc trong hoàng cung. Là người khiêm tốn, Bát-xi-lai đã từ chối lời mời của vua. Bát-xi-lai nhận biết mình có giới hạn vì tuổi tác nên ông đề cử người trẻ hơn là Kim-ham thay thế cho mình (2 Sa 19:35-37). Như Bát-xi-lai, các anh lớn tuổi vui lòng để các anh trẻ hơn chăm lo cho công việc.

Vua Đa-vít ủng hộ quyết định của Đức Chúa Trời là con trai ông sẽ xây đền thờ (Xem đoạn 8)

8. Liên quan đến dự án xây đền thờ, vua Đa-vít thể hiện sự khiêm tốn như thế nào?

8 Vua Đa-vít cũng nêu gương xuất sắc về sự khiêm tốn. Từ đáy lòng, ông muốn xây nhà cho Đức Giê-hô-va. Nhưng khi Đức Giê-hô-va cho ông biết rằng người trẻ Sa-lô-môn sẽ nhận đặc ân này, Đa-vít ủng hộ quyết định của ngài và hết lòng hỗ trợ dự án (1 Sử 17:4; 22:5). Đa-vít không nghĩ rằng ông là lựa chọn tốt hơn vì Sa-lô-môn “còn trẻ và thiếu kinh nghiệm” (1 Sử 29:1). Đa-vít biết là sự thành công của dự án tùy thuộc vào việc Đức Giê-hô-va ban phước, chứ không phải tuổi tác hay kinh nghiệm của những người dẫn đầu. Noi gương Đa-vít, các anh chị lớn tuổi ngày nay vẫn phụng sự tích cực ngay cả khi vai trò của họ thay đổi. Họ biết Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những anh chị trẻ đang đảm nhận công việc mà họ từng làm.

9. Một thành viên Ủy ban Chi nhánh thể hiện sự khiêm tốn như thế nào?

9 Một gương thời nay về sự khiêm tốn là anh Shigeo. Vào năm 1976, lúc 30 tuổi, anh được bổ nhiệm phụng sự trong một Ủy ban Chi nhánh. Vào năm 2004, anh trở thành điều phối viên Ủy ban Chi nhánh. Một thời gian sau, anh nhận thấy mình không còn nhiều sức lực và không thể làm việc nhanh nhẹn như trước. Anh đã cầu nguyện về điều này và nghĩ đến lợi ích của việc để một anh trẻ hơn đảm nhận trách nhiệm ấy. Dù không còn là điều phối viên, anh Shigeo vẫn tiếp tục phụng sự tích cực trong Ủy ban Chi nhánh. Như được thấy qua gương của Bát-xi-lai, vua Đa-vít và anh Shigeo, một người khiêm nhường và khiêm tốn sẽ tập trung vào điểm mạnh của các anh chị trẻ, chứ không phải việc họ thiếu kinh nghiệm. Người ấy sẽ xem họ là cộng sự, chứ không phải đối thủ.—Châm 20:29.

HÃY BIẾT ƠN

10. Những anh chị lớn tuổi xem các anh chị trẻ trong hội thánh như thế nào?

10 Những anh chị lớn tuổi xem các anh chị trẻ là món quà từ Đức Giê-hô-va và họ rất quý món quà ấy. Khi sức lực ngày càng suy giảm, các anh chị lớn tuổi rất biết ơn là các anh chị có sức trẻ sẵn lòng và có thể đáp ứng nhu cầu và phục vụ hội thánh.

11. Làm thế nào Ru-tơ 4:13-16 cho thấy các anh chị lớn tuổi nhận được lợi ích khi nhận sự trợ giúp từ các anh chị trẻ?

11 Kinh Thánh ghi lại một gương xuất sắc về người lớn tuổi nhận sự giúp đỡ từ người trẻ với lòng biết ơn, đó là Na-ô-mi. Sau khi con trai của Na-ô-mi qua đời, bà thúc giục con dâu là Ru-tơ trở về với dân của cô. Tuy nhiên, khi Ru-tơ nhất quyết đi cùng Na-ô-mi về Bết-lê-hem, bà đã nhận sự giúp đỡ thành tín của Ru-tơ (Ru 1:7, 8, 18). Điều đó quả đã mang lại ân phước cho cả hai phụ nữ ấy! (Đọc Ru-tơ 4:13-16). Sự khiêm nhường sẽ thúc đẩy các anh chị lớn tuổi noi theo gương của Na-ô-mi.

12. Làm thế nào sứ đồ Phao-lô cho thấy ông có lòng biết ơn?

12 Sứ đồ Phao-lô rất biết ơn về sự trợ giúp ông nhận được. Chẳng hạn, ông tỏ lòng biết ơn các tín đồ ở Phi-líp về những món quà mà họ gửi cho ông (Phi-líp 4:16). Ông bày tỏ lòng quý trọng đối với sự giúp đỡ của Ti-mô-thê (Phi-líp 2:19-22). Và Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời về những người tới khích lệ ông khi ông bị áp giải đến Rô-ma (Công 28:15). Phao-lô là người đầy nhiệt huyết; ông đi hàng ngàn dặm để rao giảng và làm vững mạnh các hội thánh. Dù vậy, Phao-lô khiêm nhường và nhận sự trợ giúp từ anh em đồng đạo.

13. Làm thế nào các anh chị lớn tuổi cho thấy họ biết ơn về các anh chị trẻ?

13 Hỡi các anh chị lớn tuổi, anh chị có thể tỏ lòng biết ơn về các anh chị trẻ trong hội thánh qua nhiều cách. Nếu họ muốn đưa đón anh chị, giúp đi chợ hoặc làm những điều cần thiết khác, hãy nhận sự hỗ trợ của họ với lòng biết ơn. Hãy xem sự trợ giúp ấy là cách Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với anh chị. Rất có thể anh chị sẽ trở thành bạn thân của những anh chị trẻ ấy. Hãy luôn quan tâm đến sự tiến bộ về thiêng liêng của họ và cho họ biết anh chị rất vui khi thấy những người trẻ cố gắng vươn tới để phục vụ hội thánh nhiều hơn. Và hãy sẵn lòng dành thời gian và chia sẻ với họ những kinh nghiệm về đời sống. Khi làm thế, anh chị sẽ cho thấy mình biết ơn Đức Giê-hô-va về những người trẻ mà ngài đã kéo đến với hội thánh.—Cô 3:15; Giăng 6:44; 1 Tê 5:18.

HÃY RỘNG RÃI

14. Vua Đa-vít đã thể hiện lòng rộng rãi như thế nào?

14 Qua gương của vua Đa-vít, chúng ta thấy một phẩm chất quan trọng khác mà các anh chị lớn tuổi cần thể hiện, đó là tính rộng rãi. Ông đóng góp rất nhiều vàng bạc từ tài sản cá nhân để hỗ trợ việc xây cất đền thờ (1 Sử 22:11-16; 29:3, 4). Ông làm thế ngay cả khi thành quả của dự án chủ yếu sẽ được quy cho con trai ông là Sa-lô-môn. Vậy khi không còn đủ sức để tham gia các dự án xây cất thần quyền, chúng ta vẫn có thể ủng hộ các dự án này bằng cách đóng góp tiền của theo khả năng của mình. Và chúng ta có thể giúp các anh chị trẻ học từ kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được qua nhiều năm tháng.

15. Sứ đồ Phao-lô chia sẻ món quà quý giá nào với Ti-mô-thê?

15 Về tính rộng rãi, hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Phao-lô mời Ti-mô-thê cùng ông tham gia những chuyến hành trình giáo sĩ, và ông đã tỏ lòng rộng rãi qua việc chia sẻ cách thức rao giảng và dạy dỗ với chàng trai trẻ này (Công 16:1-3). Sự huấn luyện của Phao-lô giúp Ti-mô-thê rao truyền tin mừng một cách hữu hiệu (1 Cô 4:17). Rồi Ti-mô-thê dùng cách thức mà ông học từ Phao-lô để huấn luyện người khác.

16. Tại sao anh Shigeo huấn luyện người khác?

16 Các anh lớn tuổi ngày nay không lo sợ là họ sẽ không còn hữu dụng nếu huấn luyện những anh trẻ làm công việc mà họ từng làm trong hội thánh. Chẳng hạn, trong nhiều năm, anh Shigeo được đề cập ở trên đã huấn luyện các anh trẻ hơn trong Ủy ban Chi nhánh. Anh làm thế vì quyền lợi của công việc Nước Trời tại nước mà anh phụng sự. Nhờ thế, khi anh không thể làm điều phối viên nữa, thì đã có sẵn một người được huấn luyện kỹ để thay thế. Anh Shigeo tiếp tục chia sẻ với các anh trẻ hơn những gì mình học được trong hơn 45 năm phụng sự trong Ủy ban Chi nhánh. Những anh như thế quả là ân phước cho dân Đức Chúa Trời!

17. Phù hợp với Lu-ca 6:38, các anh chị lớn tuổi có thể cho người khác điều gì?

17 Các anh chị lớn tuổi là bằng chứng sống cho thấy việc phụng sự Đức Giê-hô-va với đức tin và lòng trọn thành là lối sống tốt nhất. Gương mẫu của anh chị minh chứng rằng việc nỗ lực học và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống là đáng công. Qua kinh nghiệm bản thân, anh chị biết công việc thần quyền được thực hiện thế nào trong quá khứ, nhưng anh chị cũng thấy cần thích nghi với hoàn cảnh thay đổi. Các anh chị lớn tuổi mới báp-têm gần đây cũng giúp ích rất nhiều; anh chị có thể chia sẻ niềm vui khi được biết Đức Giê-hô-va ở tuổi xế chiều. Các anh chị trẻ sẽ rất thích nghe về kinh nghiệm và những điều anh chị học được. Nếu anh chị ‘cho đi’ bằng cách chia sẻ kinh nghiệm mình tích lũy được trong đời sống, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước dồi dào cho anh chị.—Đọc Lu-ca 6:38.

18. Các anh chị lớn tuổi và trẻ tuổi có thể giúp đỡ lẫn nhau như thế nào?

18 Khi các anh chị lớn tuổi yêu dấu ngày càng thân thiết hơn với các anh chị trẻ, cả hai sẽ có thể hỗ trợ lẫn nhau (Rô 1:12). Mỗi nhóm đều có điều gì đó quý giá mà nhóm kia không có. Các anh chị lớn tuổi có sự khôn ngoan và kinh nghiệm mà họ tích lũy được qua nhiều năm tháng. Các anh chị trẻ thì có năng lượng và sức mạnh. Khi các anh chị lớn tuổi và trẻ tuổi làm việc với nhau như những người bạn, họ mang lại sự ngợi khen cho Cha yêu thương trên trời và là ân phước cho cả hội thánh.

BÀI HÁT 90 Hãy khuyến khích nhau

^ đ. 5 Chúng ta vui mừng vì hội thánh có nhiều anh chị trẻ đang nỗ lực hết sức để ủng hộ tổ chức Đức Giê-hô-va. Các anh chị lớn tuổi, dù có văn hóa hoặc gốc gác nào, cũng có thể giúp các anh chị trẻ dùng sức mạnh của mình để phụng sự Đức Giê-hô-va.

^ đ. 55 HÌNH ẢNH: Khi một anh giám thị vòng quanh đến 70 tuổi, anh và vợ nhận công việc mới. Kinh nghiệm mà họ tích lũy qua nhiều năm giúp họ huấn luyện người khác trong hội thánh mà họ được chỉ định.