BÀI HỌC 37
Anh chị có thể tin cậy anh em đồng đạo
“Tình yêu thương… tin mọi điều, hy vọng mọi điều”.—1 CÔ 13:4, 7.
BÀI HÁT 124 Luôn trung thành
GIỚI THIỆU *
1. Tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên khi nhiều người trong thế gian không biết tin cậy ai?
Trong thế gian của Sa-tan, nhiều người không biết tin cậy ai. Họ thường thất vọng trước hạnh kiểm của giới thương mại, chính trị và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nhiều người cũng cảm thấy họ không thể tin cậy bạn bè, hàng xóm và ngay cả các thành viên trong gia đình. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này. Kinh Thánh đã báo trước: ‘Trong những ngày sau cùng, người ta chỉ biết bất trung, vu khống, phản bội’. Nói cách khác, người ta phản ánh đặc tính của chúa thế gian này, là kẻ không đáng tin cậy.—2 Ti 3:1-4; 2 Cô 4:4.
2. (a) Chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy ai và điều gì? (b) Một số người có lẽ băn khoăn điều gì?
2 Tuy nhiên, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta biết mình có thể hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va (Giê 17:7, 8). Chúng ta tin chắc ngài yêu thương mình và sẽ ‘chẳng bao giờ bỏ’ bạn của ngài (Thi 9:10). Chúng ta cũng có thể tin cậy Chúa Giê-su vì ngài hy sinh mạng sống cho chúng ta (1 Phi 3:18). Và qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta thấy Kinh Thánh cung cấp sự hướng dẫn đáng tin cậy (2 Ti 3:16, 17). Chúng ta tin chắc mình có thể tin cậy Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và Kinh Thánh. Nhưng có lẽ một số người băn khoăn liệu họ có thể luôn tin cậy các anh chị trong hội thánh không. Nếu có, tại sao chúng ta có thể tin cậy họ?
CHÚNG TA CẦN ANH EM ĐỒNG ĐẠO
3. Chúng ta có đặc ân tuyệt vời nào? (Mác 10:29, 30)
3 Đức Giê-hô-va cho chúng ta thuộc về gia đình toàn cầu gồm những người thờ phượng ngài. Đây là một đặc ân tuyệt vời mang lại nhiều lợi ích! (Đọc Mác 10:29, 30). Trên khắp thế giới, chúng ta có những anh em đồng đạo cũng yêu mến Đức Giê-hô-va và cố gắng hết sức để sống theo tiêu chuẩn của ngài. Dù có lẽ khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và cách ăn mặc, nhưng chúng ta cảm thấy gần gũi với họ ngay cả trong lần đầu tiên gặp mặt. Chúng ta đặc biệt vui thích khi cùng họ ngợi khen và thờ phượng Cha yêu thương trên trời.—Thi 133:1.
4. Tại sao chúng ta cần anh em đồng đạo?
4 Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần giữ sự hợp nhất với anh em đồng đạo. Đôi khi họ giúp chúng ta mang những gánh nặng (Rô 15:1; Ga 6:2). Họ cũng khuyến khích chúng ta tích cực trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va và tiếp tục vững mạnh về thiêng liêng (1 Tê 5:11; Hê 10:23-25). Hãy thử nghĩ chúng ta sẽ cảm thấy ra sao nếu không có sự bảo vệ của hội thánh hầu giúp mình đứng vững trước kẻ thù chung là Sa-tan Ác Quỷ và thế gian gian ác của hắn. Không lâu nữa, Sa-tan và những kẻ mà hắn kiểm soát sẽ tấn công tôi tớ của Đức Chúa Trời. Hãy hình dung lúc đó chúng ta sẽ biết ơn thế nào khi có anh em đồng đạo ở bên!
5. Tại sao một số người cảm thấy khó tin cậy anh em đồng đạo?
5 Tuy nhiên, một số người cảm thấy khó tin cậy anh em đồng đạo, có lẽ vì bị một anh em phụ lòng tin hay thất hứa. Hoặc có thể ai đó trong hội thánh nói hay làm một điều khiến họ tổn thương nặng nề. Những trải nghiệm như thế có thể làm họ khó tin cậy người khác. Vậy, điều gì có thể giúp chúng ta xây dựng lòng tin cậy nơi anh em đồng đạo?
TÌNH YÊU THƯƠNG GIÚP CHÚNG TA XÂY DỰNG LÒNG TIN CẬY
6. Làm thế nào tình yêu thương có thể giúp chúng ta xây dựng lòng tin cậy? (1 Cô-rinh-tô 13:4-8)
6 Tình yêu thương là nền tảng cho lòng tin cậy. Nơi 1 Cô-rinh-tô chương 13 nói đến nhiều khía cạnh của tình yêu thương giúp chúng ta xây dựng lòng tin cậy nơi người khác hoặc lấy lại lòng tin cậy đó. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4-8). Chẳng hạn, câu 4 nói: “Tình yêu thương kiên nhẫn và nhân từ”. Đức Giê-hô-va kiên nhẫn với chúng ta, ngay cả khi chúng ta phạm tội với ngài. Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn với anh em nếu họ nói hay làm một điều khiến mình bực bội hoặc tổn thương. Câu 5 nói thêm: “[Tình yêu thương] không dễ nổi giận, không ghi nhớ điều gây tổn thương”. Chúng ta không muốn “ghi nhớ điều gây tổn thương”, tức cứ nhớ mãi lỗi lầm mà anh em phạm với mình. Truyền đạo 7:9 khuyên chúng ta “chớ vội buồn giận”. Thật tốt hơn biết bao nếu áp dụng những lời nơi Ê-phê-sô 4:26: “Chớ để mặt trời lặn mà vẫn còn giận”!
7. Những nguyên tắc nơi Ma-thi-ơ 7:1-5 giúp chúng ta như thế nào để xây dựng lòng tin cậy?
7 Điều khác giúp chúng ta xây dựng lòng tin cậy là nhìn anh em đồng đạo theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Ngài yêu thương họ và không “ghi sổ” lỗi lầm của họ. Chúng ta cũng nên làm vậy (Thi 130:3). Thay vì tập trung vào lỗi lầm của anh em, chúng ta nên cố gắng tìm những tính tốt và thấy được tiềm năng của họ. (Đọc Ma-thi-ơ 7:1-5). Chúng ta tin rằng họ muốn làm điều tốt và không cố ý khiến mình tổn thương, vì tình yêu thương “tin mọi điều” (1 Cô 13:7). Câu này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tin cậy người khác một cách mù quáng. Thay vì thế, ngài muốn chúng ta tin cậy họ vì chính họ cũng cho thấy mình đáng tin cậy. *
8. Làm thế nào để xây dựng lòng tin cậy nơi anh em đồng đạo?
8 Lòng tin cậy cần được vun đắp, và điều này đòi hỏi thời gian. Làm thế nào anh chị có thể xây dựng lòng tin cậy nơi anh em đồng đạo? Hãy hiểu rõ hơn về họ. Chúng ta có thể làm thế bằng cách trò chuyện với họ tại các buổi nhóm họp, và sắp xếp để đi rao giảng chung. Chúng ta cũng kiên nhẫn với họ, cho họ cơ hội để chứng tỏ họ đáng tin cậy. Với một người mới quen, lúc đầu có lẽ anh chị không muốn chia sẻ với người ấy về vấn đề riêng tư. Rồi khi thân thiết hơn, có lẽ anh chị cảm thấy thoải mái để mở lòng (Lu 16:10). Nhưng anh chị có thể làm gì nếu bị một anh em phụ lòng tin? Đừng vội cắt đứt tình bạn với người ấy. Thay vì thế, hãy đợi một thời gian để vấn đề được giải quyết. Và đừng để hành động của chỉ vài người khiến mình mất lòng tin cậy nơi những anh em khác. Về điều này, chúng ta sẽ xem gương của một số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Dù bị một số người làm cho thất vọng nhưng họ vẫn tin cậy người khác.
HỌC TỪ NHỮNG NGƯỜI TIẾP TỤC TIN CẬY NGƯỜI KHÁC
9. (a) Bất kể lỗi lầm của một số người đại diện cho Đức Giê-hô-va, bằng cách nào Ha-na cho thấy cô tiếp tục tin cậy nơi sắp đặt của ngài? (b) Gương của Ha-na dạy anh chị điều gì về việc tin cậy nơi sắp đặt của Đức Giê-hô-va? (Xem hình).
9 Đã bao giờ anh chị thất vọng trước hành động của một anh có trách nhiệm chưa? Nếu có, anh chị có thể nhận được lợi ích khi xem xét gương của Ha-na. Người có thẩm quyền nhất về mặt thiêng liêng lúc đó ở Y-sơ-ra-ên là thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li. Nhưng những người trong gia đình ông không nêu gương tốt. Các con trai ông, lúc đó là thầy tế lễ, thường làm những điều vô luân và đáng xấu hổ. Tuy nhiên, Hê-li chỉ khiển trách họ qua loa. Đức Giê-hô-va không lập tức cách chức Hê-li. Dù vậy, Ha-na vẫn ủng hộ sắp đặt của Đức Giê-hô-va, chứ không nghĩ rằng bao lâu Hê-li còn làm thầy tế lễ thượng phẩm thì bà sẽ không đến thờ phượng tại lều thánh. Khi Hê-li thấy Ha-na cầu nguyện trong đau khổ, ông tưởng cô bị say. Thay vì tìm hiểu sự việc, ông lại chỉ trích người phụ nữ đau buồn ấy (1 Sa 1:12-16). Dù vậy, Ha-na hứa nguyện rằng nếu có con trai, cô sẽ đưa con đến phụng sự tại lều thánh, nơi mà Hê-li sẽ chăm sóc cho cậu bé (1 Sa 1:11). Còn các con của Hê-li có cần được sửa trị không? Có, và Đức Giê-hô-va đã hành động vào đúng thời điểm (1 Sa 4:17). Đồng thời, ngài cũng ban thưởng cho Ha-na một con trai là Sa-mu-ên.—1 Sa 1:17-20.
10. Dù từng bị phản bội, vua Đa-vít cho thấy ông tiếp tục tin cậy người khác như thế nào?
10 Anh chị có bao giờ bị một người bạn thân phản bội chưa? Nếu có, hãy xem gương của vua Đa-vít. Ông có một người bạn là A-hi-tô-phe. Nhưng khi con trai Đa-vít là Áp-sa-lôm cố chiếm ngôi cha, A-hi-tô-phe đã hùa theo Áp-sa-lôm để mưu phản. Đa-vít hẳn đau lòng biết bao khi không còn sự ủng hộ của cả con trai lẫn người mà ông xem là bạn! Nhưng Đa-vít không để sự phản bội này khiến ông mất lòng tin nơi người khác. Ông tiếp tục tin cậy người bạn trung thành khác là Hu-sai, người đã không tham gia vào cuộc mưu phản. Lòng tin của Đa-vít không đặt sai chỗ. Hu-sai đã chứng tỏ là một người bạn tốt, thậm chí liều mạng sống để giúp Đa-vít.—2 Sa 17:1-16.
11. Một tôi tớ của Na-banh thể hiện lòng tin cậy qua cách nào?
11 Cũng hãy xem gương của một tôi tớ của Na-banh. Đa-vít và những người của ông đã bảo vệ các tôi tớ của một người Y-sơ-ra-ên giàu có là Na-banh. Một thời gian sau, Đa-vít xin Na-banh cung cấp thực phẩm cho những người của mình, bất cứ thứ gì cũng được. Khi Na-banh từ chối lời thỉnh cầu khiêm tốn này, Đa-vít tức giận đến mức định giết tất cả những người nam trong nhà Na-banh. Một tôi tớ đã báo chuyện này cho vợ của Na-banh là A-bi-ga-in. Ông là tôi tớ trong nhà và biết rằng A-bi-ga-in có thể cứu mạng mình. Thay vì bỏ trốn, ông tin cậy là cô có thể cứu vãn tình thế. Ông có lòng tin chắc như vậy vì A-bi-ga-in được biết đến là một phụ nữ khôn ngoan. Điều xảy ra tiếp theo cho thấy ông có những lý do chính đáng để tin cậy A-bi-ga-in. A-bi-ga-in đã hành động can đảm khi thuyết phục Đa-vít từ bỏ kế hoạch của mình (1 Sa 25:2-35). Cô tin cậy là Đa-vít sẽ hành động đúng.
12. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài tin cậy các môn đồ bất kể lỗi lầm của họ?
12 Chúa Giê-su tin cậy các môn đồ bất kể lỗi lầm của họ (Giăng 15:15, 16). Khi Gia-cơ và Giăng xin Chúa Giê-su cho họ một vị trí đặc biệt trong Nước Trời, ngài không nghi ngờ động cơ họ phụng sự Đức Giê-hô-va hoặc tước bỏ vị thế sứ đồ của họ (Mác 10:35-40). Sau đó, tất cả các môn đồ của Chúa Giê-su đều bỏ ngài vào đêm ngài bị bắt (Mat 26:56). Tuy nhiên, Chúa Giê-su không bao giờ mất lòng tin nơi họ. Ngài hiểu rõ sự bất toàn của họ; dù vậy, ngài “tiếp tục yêu thương họ cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1). Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su thậm chí còn giao cho 11 sứ đồ trung thành trọng trách là dẫn đầu công việc đào tạo môn đồ và chăm sóc chiên quý báu của ngài (Mat 28:19, 20; Giăng 21:15-17). Lòng tin của Chúa Giê-su không đặt sai chỗ. Tất cả những người bất toàn này đều trung thành phụng sự cho đến khi kết thúc đời sống trên đất. Rõ ràng, Ha-na, Đa-vít, tôi tớ của Na-banh, A-bi-ga-in và Chúa Giê-su nêu gương tốt trong việc tin cậy những người bất toàn.
XÂY DỰNG LẠI LÒNG TIN CẬY
13. Điều gì có thể khiến chúng ta khó tin cậy người khác?
13 Anh chị đã từng tin cậy một anh và chia sẻ với anh ấy chuyện cần được giữ kín nhưng sau đó biết anh ấy không giữ kín chuyện của mình chưa? Điều này có thể khiến anh chị rất buồn và thất vọng. Lần nọ, một chị kể cho một trưởng lão về vấn đề cá nhân của mình. Hôm sau, vợ của anh trưởng lão ấy đã gọi điện để khích lệ chị, rõ ràng anh trưởng lão đã kể chuyện của chị cho vợ nghe. Điều dễ hiểu là chị sẽ thấy khó tin cậy anh trưởng lão đó. Nhưng chị đã làm điều đúng và xin sự giúp đỡ bằng cách đến gặp một trưởng lão khác, và anh đã giúp chị xây dựng lại lòng tin cậy nơi các trưởng lão.
14. Điều gì giúp một anh xây dựng lại lòng tin cậy?
14 Trong thời gian dài, một anh khó chịu với hai trưởng lão mà anh cảm thấy không thể tin cậy. Tuy nhiên, anh bắt đầu suy nghĩ về câu nói của một anh mà mình rất kính trọng. Đó là câu đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: “Sa-tan mới là kẻ thù của chúng ta, chứ không phải anh em”. Anh đã cầu nguyện cũng như suy nghĩ kỹ về câu này, và cuối cùng anh làm hòa với hai trưởng lão ấy.
15. Tại sao việc xây dựng lại lòng tin cậy có lẽ cần thời gian? Hãy cho ví dụ.
15 Đã bao giờ anh chị bị mất đặc ân chưa? Đó có thể là một trải nghiệm đau buồn. Chị Grete và mẹ là những Nhân Chứng trung thành vào thời Đức Quốc Xã trong những năm 1930 khi công việc của chúng ta bị cấm đoán. Chị Grete có đặc ân đánh máy các bản Tháp Canh cho anh em. Nhưng khi các anh biết rằng cha của chị chống đối chân lý, họ đã không giao cho chị đặc ân đó nữa vì sợ là cha của chị sẽ cung cấp thông tin về hội thánh cho những kẻ chống đối. Thử thách của chị Grete chưa dừng lại ở đó. Trong suốt Thế Chiến II, các anh đã không cho chị và mẹ chị tạp chí cũng như không nói chuyện với họ khi gặp trên đường. Điều đó thật sự khiến mẹ con chị rất đau lòng! Họ bị tổn thương nặng nề, và chị Grete nói rằng cần thời gian dài để chị có thể tha thứ và xây dựng lại lòng tin cậy nơi những anh ấy. Nhưng với thời gian, chị nhận ra Đức Giê-hô-va hẳn đã tha thứ cho họ, và chị cũng nên làm thế. *
“Sa-tan mới là kẻ thù của chúng ta, chứ không phải anh em”
16. Tại sao chúng ta phải cố gắng để xây dựng lại lòng tin cậy?
16 Nếu anh chị từng đương đầu với trải nghiệm đau lòng tương tự, hãy cố gắng để xây dựng lại lòng tin cậy. Có lẽ anh chị cần thời gian, nhưng nỗ lực đó sẽ đáng công. Giả sử nếu từng bị ngộ độc thực phẩm, có lẽ chúng ta sẽ thận trọng hơn trong việc ăn uống. Tuy nhiên, không phải vì một bữa ăn như thế mà chúng ta sẽ không ăn nữa. Tương tự, chúng ta không nên để một trải nghiệm không tốt khiến mình bị suy yếu lòng tin cậy nơi tất cả anh em đồng đạo, là những người sinh ra trong sự bất toàn. Khi xây dựng lại lòng tin cậy, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn và dễ chú tâm vào điều mình có thể làm để góp phần vào bầu không khí đáng tin cậy trong hội thánh.
17. Tại sao lòng tin cậy rất quan trọng, và bài tới sẽ thảo luận điều gì?
17 Lòng tin cậy là điều hiếm thấy trong thế gian của Sa-tan, nhưng lòng tin cậy dựa trên tình yêu thương thì dư tràn trong vòng anh em chúng ta trên khắp thế giới. Lòng tin cậy như thế góp phần vào niềm vui và sự hợp nhất của chúng ta ngay bây giờ, và sẽ là sự bảo vệ khi chúng ta đương đầu với những thử thách trong tương lai. Nhưng nói sao nếu anh chị thất vọng vì bị phụ lòng tin? Hãy cố gắng nhìn vấn đề theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, áp dụng nguyên tắc trong Lời ngài, vun trồng tình yêu thương sâu đậm với anh em và học từ những gương trong Kinh Thánh. Khi làm thế, chúng ta có thể vượt qua cảm xúc tổn thương và xây dựng lại lòng tin cậy nơi người khác, nhờ đó chúng ta sẽ có nhiều người bạn “gắn bó hơn anh em ruột” (Châm 18:24). Tuy nhiên, lòng tin cậy cần được xây dựng từ hai phía. Bài tới sẽ xem làm thế nào chúng ta cho thấy mình xứng đáng để anh em tin cậy.
BÀI HÁT 99 Hằng hà sa số anh em
^ Chúng ta cần tin cậy anh em đồng đạo. Điều này không phải lúc nào cũng dễ vì đôi khi họ làm mình thất vọng. Trong bài này, chúng ta sẽ xem làm thế nào việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh và suy ngẫm về những gương trong quá khứ giúp mình xây dựng lòng tin cậy nơi anh em hoặc lấy lại lòng tin cậy nếu họ làm mình thất vọng.
^ Kinh Thánh cảnh báo rằng một số người trong hội thánh có lẽ không đáng để chúng ta tin cậy (Giu 4). Dù hiếm khi xảy ra, nhưng vẫn có những anh em giả cố làm người khác lầm lạc bằng cách giảng dạy “những điều sai lệch” (Công 20:30). Chúng ta không nên tin cậy hoặc nghe những người như thế.
^ Để biết thêm về kinh nghiệm của chị Grete, xem Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 1974, trg 129-131 (Anh ngữ).