Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 38

Hãy cho thấy anh chị đáng tin cậy

Hãy cho thấy anh chị đáng tin cậy

“Người đáng tin cậy giữ kín chuyện được nói riêng”.​—CHÂM 11:13.

BÀI HÁT 101 Cùng hợp nhất phụng sự

GIỚI THIỆU *

1. Thế nào là người đáng tin cậy?

 Người đáng tin cậy sẽ cố gắng giữ lời và nói sự thật (Thi 15:4). Ngoài ra, người khác biết rằng họ có thể tin tưởng người ấy. Chúng ta muốn anh em đồng đạo cảm thấy như thế về mình. Điều gì có thể giúp chúng ta có được lòng tin cậy của họ?

2. Làm thế nào để trở thành người đáng tin cậy?

2 Chúng ta không thể ép buộc người khác tin cậy mình. Lòng tin cậy cần được vun đắp. Người ta nói lòng tin cậy giống như tiền. Kiếm thì khó mà mất thì dễ. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là xứng đáng để chúng ta tin cậy. Chúng ta có thể luôn tin cậy ngài vì “mọi việc ngài làm đều đáng tin cậy” (Thi 33:4). Và ngài muốn chúng ta bắt chước ngài (Ê-phê 5:1). Hãy xem gương của một số tôi tớ Đức Giê-hô-va đã bắt chước Cha trên trời và cho thấy họ đáng tin cậy. Chúng ta cũng sẽ xem năm phẩm chất giúp mình trở thành người đáng tin cậy.

HỌC TỪ NHỮNG TÔI TỚ ĐÁNG TIN CẬY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

3, 4. Làm thế nào nhà tiên tri Đa-ni-ên cho thấy ông đáng tin cậy, và chúng ta nên tự hỏi những câu nào?

3 Nhà tiên tri Đa-ni-ên nêu gương xuất sắc trong việc đáng tin cậy. Dù bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn nhưng không lâu sau ông được biết đến là người đáng tin cậy. Ông càng được tin cậy hơn khi giải nghĩa những giấc mơ của vua Nê-bu-cát-nết-xa với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va. Vào dịp nọ, Đa-ni-ên phải nói với vua rằng Đức Giê-hô-va không hài lòng về vua, và đó không phải là thông điệp mà một vị vua muốn nghe. Đa-ni-ên phải rất can đảm vì Nê-bu-cát-nết-xa có tính khí hung bạo! (Đa 2:12; 4:20-22, 25). Nhiều năm sau, Đa-ni-ên một lần nữa chứng tỏ là đáng tin cậy khi giải nghĩa chính xác thông điệp bí ẩn xuất hiện trên tường trong cung điện ở Ba-by-lôn (Đa 5:5, 25-29). Sau này, Đa-ri-út người Mê-đi và các quan triều thần cũng nhận thấy Đa-ni-ên “có trí tuệ phi thường”. Họ công nhận rằng Đa-ni-ên “là người đáng tin cậy, không thể tìm thấy nơi ông sự bất cẩn hay điều bại hoại nào” (Đa 6:3, 4). Thật vậy, ngay cả những nhà cai trị ngoại giáo cũng thấy tôi tớ này của Đức Giê-hô-va đáng tin cậy!

4 Suy ngẫm về gương của Đa-ni-ên, chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có danh tiếng nào với người ngoài hội thánh? Mình có được biết đến là người đáng tin cậy và chu toàn các trách nhiệm được giao?”. Tại sao chúng ta cần tự hỏi những câu này? Vì khi là người đáng tin cậy, chúng ta mang lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va.

Nê-hê-mi đã chọn những người nam đáng tin cậy để thực thi các trách nhiệm quan trọng (Xem đoạn 5)

5. Điều gì giúp Ha-na-nia được xem là người đáng tin cậy?

5 Vào năm 455 TCN, sau khi quan tổng đốc Nê-hê-mi xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem, ông tìm những người nam đáng tin cậy để coi sóc thành. Trong những người mà Nê-hê-mi chọn có thủ lĩnh Thành Trì là Ha-na-nia. Kinh Thánh cho biết Ha-na-nia “là người rất đáng tin cậy và kính sợ Đức Chúa Trời hơn nhiều người khác” (Nê 7:2). Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và việc sợ làm ngài buồn lòng đã thôi thúc Ha-na-nia nỗ lực thực thi bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Những phẩm chất này cũng sẽ giúp chúng ta trở thành người đáng tin cậy trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.

6. Làm thế nào Ti-chi-cơ cho thấy ông là người bạn đáng tin cậy của sứ đồ Phao-lô?

6 Hãy để ý đến gương của Ti-chi-cơ, bạn đồng hành đáng tin cậy của sứ đồ Phao-lô. Khi Phao-lô bị quản thúc tại gia, ông nhờ cậy Ti-chi-cơ. Ông miêu tả Ti-chi-cơ là “người phục vụ trung tín” (Ê-phê 6:21, 22). Phao-lô tin cậy Ti-chi-cơ đến mức không những nhờ ông chuyển thư cho anh em ở Ê-phê-sô và Cô-lô-se mà còn nhờ ông khích lệ cũng như an ủi họ. Gương của Ti-chi-cơ nhắc chúng ta về những anh trung thành và đáng tin cậy đang chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho chúng ta ngày nay.—Cô 4:7-9.

7. Anh chị học được gì về gương đáng tin cậy của các trưởng lão và phụ tá trong hội thánh?

7 Ngày nay chúng ta rất quý trọng các trưởng lão và phụ tá hội thánh đáng tin cậy. Giống như Đa-ni-ên, Ha-na-nia và Ti-chi-cơ, họ xem trọng và chu toàn các trách nhiệm của mình. Chẳng hạn, khi tham dự buổi họp giữa tuần, chúng ta biết chắc tất cả các phần trong chương trình đã được giao. Các trưởng lão rất biết ơn khi các anh chị có phần chuẩn bị bài trước và trình bày tại buổi nhóm họp. Hãy thử nghĩ: Chúng ta không ngần ngại mời học viên Kinh Thánh đến dự buổi họp cuối tuần vì sợ ai đó quên sắp xếp để có người nói diễn văn công cộng. Chúng ta cũng tin chắc rằng mình luôn có ấn phẩm cho thánh chức. Chúng ta được các anh trung thành này chăm sóc chu đáo, và chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va về họ! Mỗi chúng ta có thể cho thấy mình đáng tin cậy qua những cách nào?

ĐÁNG TIN CẬY TRONG VIỆC GIỮ KÍN THÔNG TIN

8. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình thăng bằng khi tỏ lòng quan tâm đến người khác? (Châm ngôn 11:13)

8 Chúng ta yêu mến anh em đồng đạo và quan tâm đến lợi ích của họ. Tuy nhiên, chúng ta cần thăng bằng và tôn trọng sự riêng tư của anh em. Một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất “ngồi lê đôi mách và xen vào chuyện người khác, nói những chuyện họ chẳng nên nói” (1 Ti 5:13). Chắc chắn chúng ta không muốn giống như họ. Nhưng nói sao nếu một người chia sẻ thông tin cá nhân với chúng ta và muốn mình giữ kín? Chẳng hạn, một chị cho chúng ta biết về vấn đề sức khỏe hoặc vấn đề khác mà chị đang phải đối mặt, và bảo mình không nói với ai. Chúng ta nên tôn trọng mong muốn của chị. * (Đọc Châm ngôn 11:13). Hãy xem một số tình huống khác đòi hỏi chúng ta cần giữ kín thông tin.

9. Làm thế nào các thành viên trong gia đình cho thấy họ đáng tin cậy?

9 Trong gia đình. Mỗi thành viên có trách nhiệm giữ kín vấn đề riêng tư của gia đình mình. Chẳng hạn, một chị tín đồ có lẽ có thói quen mà chồng chị thấy buồn cười. Anh có kể cho người khác để khiến chị cảm thấy xấu hổ không? Dĩ nhiên là không! Anh yêu vợ và không bao giờ muốn làm bất cứ điều gì khiến vợ bị tổn thương (Ê-phê 5:33). Những người con ở tuổi thanh thiếu niên muốn được tôn trọng ở mức độ nào đó. Các bậc cha mẹ cần nhận ra điều này. Họ không muốn làm cho con xấu hổ bằng cách kể với người khác về lỗi lầm của con (Cô 3:21). Con nhỏ cũng cần học cách để giữ kín chuyện riêng tư, không nói với người khác thông tin có thể khiến các thành viên trong gia đình bị xấu hổ (Phục 5:16). Khi mỗi thành viên làm phần của mình là giữ kín chuyện của gia đình thì tình cảm gia đình sẽ ngày càng thắt chặt.

10. Thế nào là người bạn chân thật? (Châm ngôn 17:17)

10 Trong tình bạn. Ai trong chúng ta cũng có lúc cảm thấy cần tâm sự với một người bạn thân. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng dễ. Có thể chúng ta không quen chia sẻ những ý tưởng thầm kín cho bất cứ ai, và chúng ta sẽ rất buồn cũng như thất vọng nếu sau đó biết rằng người bạn ấy đã kể chuyện của mình cho người khác. Trái lại, chúng ta rất quý trọng những người bạn biết giữ kín chuyện riêng tư! Người đó quả là “bạn chân thật”.—Đọc Châm ngôn 17:17.

Các trưởng lão không tiết lộ vấn đề cần được giữ kín với thành viên trong gia đình (Xem đoạn 11) *

11. (a) Làm thế nào các trưởng lão và vợ họ cho thấy họ đáng tin cậy? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ một trưởng lão giữ kín chuyện của hội thánh với gia đình? (Xem hình).

11 Trong hội thánh. Các trưởng lão biết giữ kín chuyện riêng tư là “một nơi núp gió, một nơi ẩn náu” cho anh em (Ê-sai 32:2). Chúng ta biết mình có thể thoải mái trò chuyện với những anh này, tin chắc rằng họ không tiết lộ chuyện của mình. Chúng ta không gây áp lực để họ nói cho mình những điều họ nên giữ kín. Ngoài ra, chúng ta quý trọng vợ của các trưởng lão vì họ không cố hỏi dò thông tin từ chồng. Thật ra, việc vợ của một trưởng lão không biết thông tin riêng tư của anh em đồng đạo là một ân phước. Một chị nói: “Tôi rất biết ơn vì chồng giữ kín thông tin liên quan đến những anh chị mà anh thăm chiên hoặc những người đang cần sự trợ giúp về thiêng liêng, ngay cả là tên của họ. Tôi biết ơn vì không bị đè nặng bởi những vấn đề mà mình không thể giải quyết. Tôi có thể thoải mái trò chuyện với mọi người trong hội thánh. Và tôi tin chắc rằng khi tâm sự với chồng về những vấn đề hoặc cảm xúc cá nhân thì anh cũng sẽ giữ kín”. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều muốn được biết đến là người đáng tin cậy. Những phẩm chất nào sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó? Hãy xem năm phẩm chất sau.

VUN TRỒNG NHỮNG PHẨM CHẤT GIÚP ANH CHỊ ĐÁNG TIN CẬY

12. Hãy giải thích tại sao tình yêu thương là nền tảng cho lòng tin cậy.

12 Tình yêu thương là nền tảng cho lòng tin cậy. Chúa Giê-su cho biết hai điều răn lớn nhất là yêu thương Đức Giê-hô-va và yêu thương người lân cận (Mat 22:37-39). Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta noi gương ngài, đấng hoàn toàn đáng tin cậy. Chẳng hạn, tình yêu thương dành cho anh em đồng đạo thôi thúc chúng ta giữ kín chuyện riêng của họ. Chúng ta không bao giờ muốn tiết lộ điều có thể gây hại cho họ, khiến họ xấu hổ hoặc đau lòng.—Giăng 15:12.

13. Sự khiêm nhường giúp chúng ta trở thành người đáng tin cậy như thế nào?

13 Sự khiêm nhường sẽ giúp chúng ta trở thành người đáng tin cậy. Một tín đồ khiêm nhường sẽ không cố gây ấn tượng với người khác bằng cách trở thành người đầu tiên tiết lộ thông tin (Phi-líp 2:3). Người ấy không cố khiến người khác nghĩ rằng mình biết một thông tin mà không nên tiết lộ. Sự khiêm nhường cũng sẽ giúp chúng ta không lan truyền những suy đoán về các vấn đề không được thảo luận trong Kinh Thánh hoặc trong ấn phẩm của tổ chức.

14. Sự thông sáng giúp chúng ta trở thành người đáng tin cậy như thế nào?

14 Sự thông sáng sẽ giúp một tín đồ biết khi nào nên im lặng và khi nào nên nói ra (Truyền 3:7). “Lời nói là bạc, nhưng im lặng là vàng” là câu phổ biến trong một số nền văn hóa. Nói cách khác, có những lúc im lặng thì sẽ tốt hơn. Đó là lý do Châm ngôn 11:12 khuyên: “Người thông sáng thật thì giữ im lặng”. Hãy xem một ví dụ. Một trưởng lão có nhiều kinh nghiệm thường được nhờ để giúp các hội thánh khác xử lý những vấn đề khó. Một anh trưởng lão nói về anh ấy như sau: “Anh ấy luôn thận trọng để không chia sẻ những thông tin cần được giữ kín của hội thánh khác”. Sự thông sáng của anh trưởng lão đó đã giúp anh có được lòng tôn trọng của các trưởng lão trong hội thánh mình. Họ tin chắc anh sẽ không tiết lộ cho người khác những vấn đề cần được giữ kín của hội thánh.

15. Hãy nêu ví dụ cho thấy sự trung thực có thể giúp chúng ta có được lòng tin cậy của người khác.

15 Sự trung thực là yếu tố khác cho lòng tin cậy. Chúng ta tin cậy một người trung thực vì biết người ấy sẽ luôn nói sự thật (Ê-phê 4:25; Hê 13:18). Giả sử anh chị muốn cải thiện kỹ năng dạy dỗ. Vì thế, anh chị nhờ một người nghe bài giảng của mình và cho những gợi ý hữu ích để giúp mình cải thiện. Anh chị sẽ nhờ ai để góp ý thành thật cho mình? Đó là người sẽ nói điều anh chị muốn nghe hay người sẽ nhân từ nói sự thật? Câu trả lời rất rõ ràng. Kinh Thánh nói: “Khiển trách công khai tốt hơn yêu thương thầm lặng. Thương tích bạn hữu gây ra là trung tín” (Châm 27:5, 6). Dù lúc đầu không dễ để nghe, nhưng những lời nhận xét trung thực của một người bạn sẽ mang lại cho chúng ta lợi ích lâu dài.

16. Châm ngôn 10:19 nhấn mạnh thế nào về việc cần tự chủ?

16 Sự tự chủ là điều cần thiết để có được lòng tin cậy của người khác. Phẩm chất này giúp chúng ta kìm giữ miệng lưỡi khi bị cám dỗ tiết lộ điều mà mình phải giữ kín. (Đọc Châm ngôn 10:19). Có thể không dễ để tự chủ khi chúng ta dùng mạng xã hội. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể vô tình tiết lộ thông tin cần được giữ kín cho rất nhiều người. Một khi phát tán thông tin dưới dạng điện tử, chúng ta không thể kiểm soát cách thông tin đó được sử dụng hoặc mức độ thiệt hại mà thông tin ấy gây ra. Sự tự chủ cũng giúp chúng ta giữ im lặng khi kẻ chống đối cố dùng thủ đoạn để khiến mình tiết lộ điều có thể gây hại cho anh em đồng đạo. Điều này có thể xảy ra nếu chúng ta bị cảnh sát thẩm vấn ở một nước mà công việc rao giảng bị cấm đoán hoặc hạn chế. Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc là ‘kìm hãm miệng mình’ trong những tình huống này và các tình huống khác (Thi 39:1). Chúng ta cần cho thấy mình đáng tin cậy với mọi người, dù đó là gia đình, bạn bè, anh em đồng đạo hay bất cứ ai khác. Và để trở thành người đáng tin cậy, chúng ta cần tự chủ.

17. Làm thế nào để góp phần vào bầu không khí đáng tin cậy trong hội thánh?

17 Chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va biết bao vì ngài đã kéo chúng ta đến với một đoàn thể anh em gồm những người đầy lòng yêu thương và đáng tin cậy! Tất cả chúng ta có trách nhiệm xây dựng lòng tin cậy của anh em đồng đạo nơi chúng ta. Khi cố gắng thể hiện tình yêu thương, sự khiêm nhường, thông sáng, trung thực và tự chủ, chúng ta góp phần vào bầu không khí đáng tin cậy trong hội thánh. Việc xây dựng lòng tin cậy là một quá trình liên tục. Mong sao chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va và luôn cho thấy mình đáng tin cậy.

BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền

^ Nếu muốn người khác tin cậy mình, trước hết chúng ta phải cho thấy mình đáng tin cậy. Trong bài này, chúng ta sẽ xem tại sao việc tin cậy lẫn nhau là điều rất quan trọng và những phẩm chất nào sẽ giúp chúng ta trở thành người đáng tin cậy.

^ Nếu biết ai đó trong hội thánh phạm tội trọng, chúng ta nên khuyên người ấy tìm kiếm sự giúp đỡ của trưởng lão. Nếu người ấy không làm thế, lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và hội thánh nên thôi thúc chúng ta báo cáo sự việc với các anh chăn bầy.

^ HÌNH ẢNH: Một trưởng lão không tiết lộ với gia đình vấn đề cần được giữ kín mà anh tham gia xử lý.