Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 39

Hãy để tính mềm mại trở thành thế mạnh của anh chị

Hãy để tính mềm mại trở thành thế mạnh của anh chị

“Tôi tớ của Chúa không cần phải cãi cọ, nhưng cần phải mềm mại với mọi người”.—2 TI 2:24.

BÀI HÁT 120 Noi theo tính ôn hòa của Đấng Ki-tô

GIỚI THIỆU a

1. Đồng nghiệp hoặc bạn học có thể hỏi chúng ta về điều gì?

 Anh chị cảm thấy thế nào khi một đồng nghiệp hay bạn học nêu câu hỏi về niềm tin của mình? Anh chị có lo lắng không? Đa số chúng ta cảm thấy thế. Tuy nhiên, câu hỏi đó có thể giúp chúng ta hiểu về suy nghĩ hoặc niềm tin của họ, mở ra cơ hội để chia sẻ tin mừng. Nhưng đôi khi, một người đặt câu hỏi để thách thức chúng ta. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều đó. Suy cho cùng, một số người nghe những thông tin sai lệch về niềm tin của chúng ta (Công 28:22). Hơn nữa, chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng”, là thời kỳ mà nhiều người “cố chấp” và thậm chí còn “hung dữ”.—2 Ti 3:​1, 3.

2. Tại sao mềm mại là đức tính đáng quý?

2 Có lẽ anh chị thắc mắc: “Khi bị người khác thách thức niềm tin dựa trên Kinh Thánh thì làm sao mình có thể tử tế và hòa nhã được?”. Điều gì có thể giúp anh chị? Đó là sự mềm mại. Một người mềm mại sẽ không dễ tức giận nhưng có thể kiềm chế khi bị khiêu khích hoặc gặp tình huống căng thẳng (Châm 16:32). Nhưng có thể anh chị cảm thấy nói thì dễ hơn làm. Vậy làm sao để vun trồng tính mềm mại? Làm thế nào để phản ứng một cách mềm mại khi bị người khác thách thức niềm tin? Và nếu là cha mẹ, làm thế nào anh chị có thể giúp con mình bênh vực niềm tin một cách mềm mại? Hãy cùng xem.

LÀM SAO ĐỂ VUN TRỒNG TÍNH MỀM MẠI?

3. Tại sao có thể nói người mềm mại là người mạnh mẽ, chứ không phải yếu đuối? (2 Ti-mô-thê 2:​24, 25)

3 Người mềm mại là người mạnh mẽ, chứ không phải yếu đuối. Cần phải có sức mạnh nội tâm để giữ bình tĩnh khi đứng trước một tình huống căng thẳng. Mềm mại là một khía cạnh của “bông trái của thần khí” (Ga 5:​22, 23). Từ Hy Lạp được dịch là “mềm mại” đôi khi được dùng để miêu tả con ngựa hoang được thuần hóa. Hãy hình dung một con ngựa hoang trở nên hiền lành. Dù hiền lành nhưng nó vẫn mạnh mẽ. Vậy làm sao để vun trồng tính mềm mại mà vẫn mạnh mẽ? Không phải bằng sức riêng. Bí quyết là cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí, xin ngài giúp chúng ta vun trồng đức tính đáng quý này. Kinh nghiệm cho thấy điều này là có thể. Nhiều Nhân Chứng đã thể hiện sự mềm mại khi bị chống đối, nhờ thế tạo ấn tượng tốt với những người quan sát. (Đọc 2 Ti-mô-thê 2:​24, 25). Anh chị có thể làm gì để tính mềm mại trở thành thế mạnh của mình?

4. Chúng ta học được gì về sự mềm mại từ gương của Y-sác?

4 Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời tường thuật nêu bật giá trị của sự mềm mại. Hãy xem gương của Y-sác. Khi ông sinh sống ở vùng Ghê-ran thuộc Phi-li-tia, những người xung quanh đã ghen tị với ông và lấp các giếng nước mà các đầy tớ của cha ông đã đào. Thay vì đấu tranh giành quyền của mình, Y-sác đã đưa gia đình đến một nơi xa hơn và đào những giếng khác (Sáng 26:​12-18). Nhưng người Phi-li-tia cho rằng những giếng nước trong vùng ấy cũng thuộc về họ. Dù vậy, Y-sác vẫn hành động một cách ôn hòa (Sáng 26:​19-25). Điều gì đã giúp ông giữ sự mềm mại ngay cả khi có vẻ như người khác cứ tìm cách khiêu khích mình? Chắc chắn ông đã quan sát gương mẫu của cha mẹ. Hẳn ông đã học được nhiều điều từ sự ôn hòa của Áp-ra-ham, cũng như “tinh thần mềm mại và điềm đạm” của Sa-ra.—1 Phi 3:​4-6; Sáng 21:​22-34.

5. Trường hợp nào cho thấy các bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô có thể dạy con giá trị của sự mềm mại?

5 Các bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô hãy tin chắc rằng mình cũng có thể dạy con giá trị của sự mềm mại. Hãy xem trường hợp của một anh trẻ tên Maxence, 17 tuổi. Anh đã phải đối mặt với những người nóng nảy tại trường học và trong thánh chức. Cha mẹ đã kiên nhẫn giúp anh vun trồng sự mềm mại. Họ cho biết: “Giờ đây Maxence hiểu rằng khi bị khiêu khích thì rất dễ để đáp trả bằng sự giận dữ hoặc bạo lực. Nhưng ai kiềm chế được thì thật sự mạnh mẽ”. Đáng mừng là tính mềm mại đã trở thành thế mạnh của anh Maxence.

6. Làm thế nào lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta cải thiện việc thể hiện sự mềm mại?

6 Chúng ta có thể làm gì khi đứng trước một tình huống căng thẳng, chẳng hạn như khi có ai đó nói xấu về Đức Giê-hô-va hoặc chế nhạo Kinh Thánh? Hãy cầu xin ngài ban thần khí thánh và sự khôn ngoan để phản ứng mềm mại. Nếu sau đó nhận ra mình vẫn chưa phản ứng theo cách tốt nhất, chúng ta có thể cầu nguyện thêm về vấn đề và nghĩ cách để cải thiện vào lần sau. Khi chúng ta làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ ban thần khí thánh để chúng ta có thể kiềm chế cơn giận và thể hiện sự mềm mại.

7. Làm thế nào việc ghi nhớ một số câu Kinh Thánh có thể giúp chúng ta kiểm soát lời nói và hành động? (Châm ngôn 15:​1, 18)

7 Một số câu Kinh Thánh có thể giúp chúng ta kiểm soát lời nói khi đứng trước những tình huống khó. Thần khí của Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta nhớ lại những câu Kinh Thánh ấy (Giăng 14:26). Chẳng hạn, các nguyên tắc trong sách Châm ngôn có thể giúp chúng ta thể hiện sự mềm mại. (Đọc Châm ngôn 15:​1, 18). Sách ấy cũng cho biết lợi ích của việc kiềm chế bản thân trong những tình huống căng thẳng.—Châm 10:19; 17:27; 21:23; 25:15.

LÀM THẾ NÀO SỰ SÁNG SUỐT GIÚP CHÚNG TA MỀM MẠI?

8. Tại sao nên xem xét những điều có thể nằm sau lời thách thức của một người?

8 Sự sáng suốt có thể giúp ích cho chúng ta (Châm 19:11). Một người sáng suốt thì kiềm chế khi bị thách thức về niềm tin của mình. Một số câu hỏi hay lời thách thức giống như tảng băng, phần chìm thì lớn hơn phần nổi. Chẳng hạn, động cơ hay sự quan tâm tiềm ẩn có thể thôi thúc một người đặt câu hỏi. Vì thế, trước khi trả lời, chúng ta nên nhận ra rằng có lẽ mình không biết điều gì đã thúc đẩy người ấy nêu ra vấn đề.—Châm 16:23.

9. Ghi-đê-ôn thể hiện sự sáng suốt và mềm mại như thế nào khi đối mặt với những người nam thuộc chi phái Ép-ra-im?

9 Hãy xem cách Ghi-đê-ôn đáp lại những người nam thuộc chi phái Ép-ra-im. Họ tức giận chất vấn ông tại sao không gọi họ sớm hơn để cùng đi tranh chiến với kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. Có lý do nào nằm đằng sau thái độ tức giận của họ không? Có phải vì tự ái? Dù gì đi nữa, Ghi-đê-ôn đã khôn ngoan tôn trọng cảm xúc của họ và đáp lại một cách mềm mại. Kết quả là gì? “Họ nguôi giận”.—Quan 8:​1-3.

10. Điều gì sẽ giúp chúng ta biết cách trả lời những người chất vấn niềm tin của mình? (1 Phi-e-rơ 3:15)

10 Có lẽ đồng nghiệp hay bạn học chất vấn lập trường của chúng ta về một số vấn đề liên quan đến đạo đức. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để bênh vực niềm tin của mình trong khi vẫn tôn trọng quan điểm của họ. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:15). Thay vì xem đó là sự thách thức, hãy nghĩ xem câu hỏi ấy có thể giúp mình như thế nào để biết mối quan tâm của họ. Cho dù lý do họ nêu ra vấn đề là gì, chúng ta cũng nên đáp lại một cách tử tế và mềm mại. Biết đâu cách trả lời của chúng ta có thể thôi thúc họ xem xét lại quan điểm. Ngay cả khi họ mỉa mai hoặc cư xử thô lỗ, mục tiêu của chúng ta vẫn là đáp lại một cách tử tế.—Rô 12:17.

Khi nghĩ đến lý do tại sao một người mời chúng ta tham dự tiệc sinh nhật, chúng ta sẽ đáp lại tốt hơn (Xem đoạn 11, 12)

11, 12. (a) Khi bị chất vấn về niềm tin, chúng ta có thể xem xét điều gì trước khi trả lời? (Cũng xem hình). (b) Hãy nêu ví dụ cho thấy cách một câu hỏi có thể mở ra cuộc trò chuyện.

11 Giả sử một đồng nghiệp hỏi tại sao chúng ta không ăn mừng sinh nhật. Hãy xem xét những điều sau: Có phải người ấy thắc mắc là chúng ta không được phép vui vẻ không? Hay là người ấy cảm thấy lập trường của chúng ta khiến bầu không khí mất vui? Chúng ta có thể cho biết rằng mình quý việc người ấy quan tâm đến người khác, và mình muốn bầu không khí ở chỗ làm được vui vẻ. Điều đó có thể mở ra một cuộc trò chuyện thoải mái về điều Kinh Thánh nói liên quan đến sinh nhật.

12 Chúng ta có thể dùng cách tương tự khi có người nêu lên những đề tài gây tranh cãi. Một bạn học có thể cho rằng Nhân Chứng Giê-hô-va cần thay đổi quan điểm về đồng tính. Có phải do người đó hiểu sai về Nhân Chứng Giê-hô-va không? Hay người đó có bạn hoặc người thân là người đồng tính? Có phải người ấy cho rằng chúng ta ghét những người có lối sống đó không? Có lẽ chúng ta cần cho người ấy biết rằng mình quan tâm đến mọi người và tôn trọng quyền tự do lựa chọn của mỗi người b (1 Phi 2:17). Rồi chúng ta có thể chia sẻ những tiêu chuẩn đạo đức hữu ích trong Kinh Thánh.

13. Nếu một người chế nhạo việc tin có Đức Chúa Trời, làm thế nào để giúp người ấy?

13 Khi gặp một người có quan điểm mạnh, chúng ta không nên vội cho rằng mình biết người ấy tin gì (Tít 3:2). Chẳng hạn, nói sao nếu một bạn học nói rằng việc tin có Đức Chúa Trời là điều ngốc nghếch? Chúng ta có nên cho rằng người ấy tin và biết nhiều về thuyết tiến hóa không? Thật ra, có thể người ấy chỉ lặp lại những gì đã nghe từ người khác. Thay vì tranh cãi về khoa học, chúng ta có thể chia sẻ điều gì đó để người ấy suy nghĩ sau. Chúng ta có thể hướng người ấy đến thông tin về sự sáng tạo trên jw.org. Có lẽ sau này người ấy sẽ sẵn sàng thảo luận một bài hoặc một video trên đó. Thật vậy, cách phản ứng tôn trọng của chúng ta có thể thúc đẩy người ấy xem xét lại quan điểm.

14. Anh Niall đã tận dụng trang web như thế nào để giúp bạn học hiểu đúng về Nhân Chứng Giê-hô-va?

14 Một anh trẻ tên Niall đã dùng trang web của chúng ta để giúp người khác hiểu đúng về Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh cho biết: “Có một bạn học thường bảo rằng em không tin vào khoa học vì em chỉ tin vào cuốn sách thần thoại mà bỏ qua các sự thật”. Khi người ấy không để anh giải thích niềm tin của mình thì anh đã hướng người ấy đến mục “Khoa học & Kinh Thánh” trên jw.org. Sau này, anh nhận ra rằng rất có thể người ấy đã đọc các tài liệu đó và sẵn sàng hơn để thảo luận về nguồn gốc sự sống. Anh chị cũng có thể đạt được kết quả tương tự.

CẢ GIA ĐÌNH CÙNG CHUẨN BỊ

15. Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể giúp con phản ứng mềm mại khi bị bạn học thách thức niềm tin?

15 Các bậc cha mẹ có thể dạy con phản ứng mềm mại khi bị thách thức niềm tin (Gia 3:13). Một số bậc cha mẹ sắp xếp để có phần thực tập trong buổi thờ phượng của gia đình. Họ xem xét các đề tài mà con có thể gặp tại trường, thảo luận và cho con thấy cách để đáp lại, cũng như dạy con cách nói năng mềm mại và khéo léo.—Xem khung “ Việc thực tập có thể giúp gia đình anh chị”.

16, 17. Việc thực tập có thể giúp người trẻ như thế nào?

16 Việc thực tập có thể giúp người trẻ đưa ra lý lẽ hợp lý và thuyết phục bản thân rằng niềm tin của mình có cơ sở vững chắc. Trên jw.org có loạt bài “Giới trẻ thắc mắc” và các phiếu thực tập dành cho thanh thiếu niên. Những phiếu thực tập này được thiết kế để giúp người trẻ củng cố niềm tin và chuẩn bị câu trả lời bằng lời lẽ riêng. Khi cả gia đình nghiên cứu những tài liệu này, mọi thành viên đều biết làm thế nào để bênh vực niềm tin một cách mềm mại và khéo léo.

17 Một anh trẻ tên Matthew giải thích việc thực tập đã giúp anh như thế nào. Trong buổi thờ phượng của gia đình, anh Matthew và cha mẹ thường nghiên cứu về các đề tài có thể được thảo luận tại trường. Anh cho biết: “Gia đình em nghĩ đến các tình huống mà em có thể gặp, rồi thực tập cách để đối phó dựa trên những tài liệu đã nghiên cứu. Khi hiểu rõ niềm tin của mình dựa trên cơ sở nào thì em cảm thấy tự tin và thấy dễ hơn để đối xử mềm mại với người khác”.

18. Cô-lô-se 4:6 cho thấy giá trị của điều gì?

18 Dĩ nhiên, ngay cả khi chúng ta lý luận hợp lý thì không phải mọi người đều chấp nhận điều mình nói. Nhưng việc chúng ta nói năng mềm mại và tế nhị có thể giúp ích. (Đọc Cô-lô-se 4:6). Việc chia sẻ niềm tin có thể ví như việc ném bóng. Chúng ta có thể ném nhẹ hoặc quăng mạnh. Khi chúng ta ném nhẹ, người khác sẽ dễ bắt hơn và tiếp tục chơi. Tương tự, nếu chúng ta nói năng một cách tế nhị và mềm mại, người khác sẽ sẵn sàng lắng nghe hơn và tiếp tục cuộc trò chuyện. Dĩ nhiên, nếu có người cứ muốn tranh cãi hoặc chế giễu niềm tin của chúng ta thì mình không cần phải tiếp tục cuộc trò chuyện (Châm 26:4). Nhưng đa số người ta không phản ứng như thế. Thật ra, có lẽ nhiều người sẽ lắng nghe.

19. Tại sao chúng ta nên thể hiện sự mềm mại khi bênh vực niềm tin?

19 Rõ ràng, việc vun trồng tính mềm mại mang lại rất nhiều lợi ích. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho anh chị sức mạnh cần thiết để có thể mềm mại khi đứng trước những câu hỏi gây tranh cãi hoặc sự chỉ trích. Hãy nhớ rằng nhờ thái độ mềm mại của anh chị mà quan điểm trái chiều của người khác không trở thành cuộc tranh cãi. Câu trả lời tôn trọng và mềm mại của anh chị thậm chí có thể thúc đẩy một số người thay đổi quan điểm về chúng ta và về các sự thật trong Kinh Thánh. Hãy “luôn sẵn sàng bênh vực” niềm tin, và làm thế “với thái độ ôn hòa và lòng kính trọng sâu xa” (1 Phi 3:15). Vậy, hãy để tính mềm mại trở thành thế mạnh của anh chị!

BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha

a Bài này đưa ra những gợi ý về cách chúng ta có thể bênh vực niềm tin một cách mềm mại khi bị người khác khiêu khích hoặc thách thức.

b Để biết những gợi ý thực tế, xem bài “Kinh Thánh nói gì về đồng tính?” trong Tỉnh Thức! số 4 năm 2016.

c Bạn có thể tìm những gợi ý hữu ích trên jw.org trong loạt bài “Giới trẻ thắc mắc” và “Câu hỏi thường gặp về Nhân Chứng Giê-hô-va”.