Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 37

Hãy nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, như Sam-sôn

Hãy nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, như Sam-sôn

“Chúa Tối Thượng Giê-hô-va ơi, xin nhớ đến con,… xin ban sức mạnh cho con”.—QUAN 16:28.

BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi

GIỚI THIỆU a

1, 2. Tại sao chúng ta nên chú ý đến lời tường thuật về Sam-sôn?

 Anh chị nghĩ đến điều gì khi nghe tên Sam-sôn? Có lẽ anh chị nghĩ đến một người đàn ông có sức mạnh phi thường. Điều đó là đúng. Nhưng Sam-sôn đã có một quyết định sai lầm dẫn đến hậu quả đau thương. Dù vậy, nhìn chung Sam-sôn là người trung thành, và Đức Giê-hô-va tập trung vào điều đó. Ngài cho ghi lại gương của ông trong Kinh Thánh vì lợi ích của chúng ta.

2 Đức Giê-hô-va đã dùng Sam-sôn để thực hiện những việc kỳ diệu hầu giúp đỡ dân Y-sơ-ra-ên của ngài. Nhiều thế kỷ sau khi Sam-sôn qua đời, ngài đã soi dẫn sứ đồ Phao-lô liệt kê tên ông trong danh sách những người có đức tin nổi bật (Hê 11:​32-34). Gương của Sam-sôn có thể khích lệ chúng ta. Ông đã nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, ngay cả trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Hãy xem chúng ta có thể được khích lệ ra sao và rút ra bài học thực tế nào từ gương của ông.

SAM-SÔN TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

3. Sam-sôn được giao nhiệm vụ nào?

3 Khi Sam-sôn được sinh ra, người Phi-li-tia đang đô hộ và đàn áp dân Y-sơ-ra-ên (Quan 13:1). Sự cai trị hà khắc ấy khiến dân Y-sơ-ra-ên chịu nhiều khốn khổ. Đức Giê-hô-va đã chọn Sam-sôn để “dẫn đầu trong việc giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Phi-li-tia” (Quan 13:5). Quả là một nhiệm vụ đầy thử thách! Để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này, Sam-sôn cần nương cậy nơi Đức Giê-hô-va.

Sam-sôn tin cậy Đức Giê-hô-va và linh động. Ông dùng những gì có sẵn để thực hiện ý muốn ngài (Xem đoạn 4, 5)

4. Làm thế nào Đức Giê-hô-va đã giúp Sam-sôn thoát khỏi người Phi-li-tia? (Quan xét 15:​14-16)

4 Hãy xem một trường hợp cho thấy Sam-sôn tin cậy Đức Giê-hô-va và ngài đã hỗ trợ ông. Lần nọ, một đội quân Phi-li-tia đến để bắt Sam-sôn ở Lê-chi, có lẽ thuộc Giu-đa. Người Giu-đa rất sợ hãi nên họ quyết định nộp Sam-sôn cho kẻ thù. Chính dân của Sam-sôn đã trói chặt ông bằng hai sợi dây thừng mới và nộp cho người Phi-li-tia (Quan 15:​9-13). Tuy nhiên, “thần khí Đức Giê-hô-va tác động trên” Sam-sôn và ông bứt đứt những sợi dây thừng ấy. Rồi ông “thấy một xương hàm lừa đực còn tươi”, nhặt nó lên và dùng nó giết 1.000 người Phi-li-tia!—Đọc Quan xét 15:​14-16.

5. Việc Sam-sôn dùng xương hàm lừa cho thấy gì về lòng tin cậy của ông nơi Đức Giê-hô-va?

5 Tại sao Sam-sôn dùng một xương hàm lừa? Đó là một vũ khí lạ thường. Hẳn Sam-sôn biết sự thành công của ông tùy thuộc vào Đức Giê-hô-va, chứ không phải vũ khí mà ông dùng. Thật vậy, người đàn ông trung thành này đã dùng những gì có sẵn để thực hiện ý muốn ngài. Rõ ràng, nhờ nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, Sam-sôn đã có được chiến thắng vẻ vang.

6. Khi thi hành các nhiệm vụ thần quyền, chúng ta học được gì từ Sam-sôn?

6 Chúng ta cũng có thể được Đức Giê-hô-va thêm sức để thi hành nhiệm vụ được giao, ngay cả những nhiệm vụ có vẻ quá khó. Ngài có thể làm thế theo cách khiến chúng ta kinh ngạc. Hãy tin rằng Đức Giê-hô-va, đấng đã ban sức mạnh cho Sam-sôn, sẽ giúp anh chị thi hành ý muốn của ngài, miễn là anh chị tin cậy nơi ngài.—Châm 16:3.

7. Ví dụ nào cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va?

7 Nhiều anh chị tham gia vào dự án xây cất thần quyền đã cho thấy họ tin cậy Đức Giê-hô-va. Trước đây, chúng ta thường thiết kế và xây dựng đa số các Phòng Nước Trời cũng như công trình mới khác. Tuy nhiên, vì nhu cầu trong tổ chức ngày càng gia tăng nên cần có sự điều chỉnh. Các anh có trách nhiệm đã tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và thử những phương pháp mới, chẳng hạn như mua các cơ sở và sửa chữa lại. Một anh tên Robert đã tham gia nhiều dự án xây cất trên khắp thế giới trong những năm gần đây. Anh cho biết: “Lúc đầu một số anh chị thấy khó theo phương pháp mới. Phương pháp này rất khác với phương pháp chúng tôi đã dùng trong nhiều năm. Nhưng các anh em sẵn sàng thích nghi, và rõ ràng Đức Giê-hô-va đang ban phước cho sự điều chỉnh này”. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy Đức Giê-hô-va đang hướng dẫn dân ngài để thi hành ý muốn ngài. Đôi khi tất cả chúng ta cần tự hỏi: “Mình có đang tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và sẵn sàng điều chỉnh để phụng sự ngài theo cách tốt nhất không?”.

SAM-SÔN TẬN DỤNG NHỮNG SỰ CUNG CẤP CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

8. Trong một lần rất khát nước, Sam-sôn đã làm gì?

8 Có lẽ anh chị nhớ những điều phi thường khác mà Sam-sôn đã làm. Một mình ông hạ gục một con sư tử và sau đó giết 30 người nam trong thành Ách-ca-lôn của Phi-li-tia (Quan 14:​5, 6, 19). Sam-sôn biết ông không thể nào làm được những việc như thế nếu không có sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Điều đó được thấy rõ trong một lần ông rất khát nước sau khi giết 1.000 người Phi-li-tia. Ông đã làm gì? Thay vì tự tìm cách giải quyết vấn đề, ông kêu cầu Đức Giê-hô-va giúp đỡ.—Quan 15:18.

9. Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu xin của Sam-sôn như thế nào? (Quan xét 15:19)

9 Đức Giê-hô-va đáp lời cầu xin của Sam-sôn bằng cách làm phép lạ để tạo ra một nguồn nước. Khi uống nước từ đó, “sức lực Sam-sôn trở lại và ông hồi phục”. (Đọc Quan xét 15:19). Dường như nguồn nước mới này vẫn còn tồn tại cho đến nhiều năm sau khi nhà tiên tri Sa-mu-ên được soi dẫn để viết sách Quan xét. Những người Y-sơ-ra-ên nhìn thấy nguồn nước này có thể được nhắc nhở rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ các tôi tớ trung thành vào lúc họ cần nếu họ nương cậy nơi ngài.

Sam-sôn được lại sức sau khi uống nước Đức Giê-hô-va cung cấp. Chúng ta cũng tận dụng sự cung cấp mà Đức Giê-hô-va ban để giúp mình mạnh mẽ về thiêng liêng (Xem đoạn 10)

10. Để được Đức Giê-hô-va giúp đỡ, chúng ta cần làm gì? (Cũng xem hình).

10 Chúng ta cũng cần hướng đến Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ dù mình có khả năng gì hoặc đạt được thành quả nào trong việc phụng sự. Chúng ta nên khiêm tốn nhìn nhận rằng mình chỉ có thể thành công khi nương cậy nơi ngài. Giống như Sam-sôn được thêm sức khi ông uống nước mà Đức Giê-hô-va cung cấp, chúng ta cũng sẽ được vững mạnh về thiêng liêng khi tận dụng mọi sự cung cấp của ngài.—Mat 11:28.

11. Làm thế nào chúng ta có thể tận dụng sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va? Hãy nêu ví dụ.

11 Hãy xem trường hợp của anh Aleksey, một anh của chúng ta ở Nga đang bị ngược đãi nặng nề. Điều gì đã giúp anh luôn mạnh mẽ trong những hoàn cảnh rất khó khăn? Vợ chồng anh đã có nề nếp thiêng liêng từ lâu. Anh cho biết: “Tôi cố gắng duy trì nề nếp thiêng liêng qua việc học hỏi cá nhân và đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Mỗi sáng, vợ chồng tôi thảo luận về đoạn Kinh Thánh mỗi ngày và cùng nhau cầu nguyện với Đức Giê-hô-va”. Chúng ta học được gì? Thay vì nương cậy nơi chính mình, chúng ta cần nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Bằng cách nào? Bằng cách xây dựng đức tin qua một nề nếp thiêng liêng bao gồm việc học hỏi cá nhân và những hoạt động thần quyền khác. Rồi Đức Giê-hô-va sẽ ban sự giúp đỡ cần thiết để chúng ta có thể tiếp tục phụng sự ngài. Ngài đã thêm sức cho Sam-sôn, và chắc chắn ngài cũng sẽ làm thế cho chúng ta.

SAM-SÔN KHÔNG BỎ CUỘC

12. Sam-sôn đã đưa ra quyết định sai lầm nào, và mối quan hệ với Đa-li-la khác với những mối quan hệ trước như thế nào?

12 Sam-sôn là người bất toàn như chúng ta. Vì thế, đôi khi ông cũng đưa ra quyết định sai lầm. Một trong những quyết định sai lầm ấy đã dẫn đến hậu quả thảm khốc. Sau khi Sam-sôn làm quan xét được một thời gian, ông “đem lòng yêu một người nữ ở thung lũng Sô-réc tên là Đa-li-la” (Quan 16:4). Trước đó, Sam-sôn đã đính hôn với một phụ nữ Phi-li-tia, nhưng “điều đó đến từ Đức Giê-hô-va” và ngài “đang tìm cơ hội chống lại dân Phi-li-tia”. Về sau, Sam-sôn ở nhà của một kỹ nữ trong thành Ga-xa thuộc Phi-li-tia. Vào dịp đó, Đức Chúa Trời đã ban sức mạnh cho Sam-sôn để ông vác những cánh cổng thành đi, khiến thành mất sự bảo vệ (Quan 14:​1-4; 16:​1-3). Tuy nhiên, trường hợp của Đa-li-la thì khác vì rất có thể cô là một người Y-sơ-ra-ên, chứ không phải người Phi-li-tia, và Sam-sôn đang hành động theo ý riêng.

13. Đa-li-la đã làm gì khiến Sam-sôn rơi vào tình huống nguy hiểm?

13 Đa-li-la đã nhận một số tiền lớn của người Phi-li-tia để phản bội Sam-sôn. Có phải ông cả tin và mù quáng vì yêu Đa-li-la đến nỗi không nhận ra âm mưu của cô không? Dù trường hợp là gì đi nữa, Đa-li-la đã nhiều lần gây áp lực để Sam-sôn tiết lộ nguồn của sức mạnh mình, và cuối cùng, Sam-sôn chiều theo ý cô. Đáng buồn là Sam-sôn đã để mình rơi vào tình huống khiến ông mất sức mạnh cũng như ân huệ của Đức Giê-hô-va trong một thời gian.—Quan 16:​16-20.

14. Sam-sôn phải chịu hậu quả nào vì đã tin cậy Đa-li-la?

14 Sam-sôn phải chịu hậu quả đau thương vì đã tin cậy Đa-li-la thay vì Đức Giê-hô-va. Người Phi-li-tia bắt Sam-sôn và làm mù mắt ông. Ông bị giam ở Ga-xa, thành của những người mà ông đã hạ nhục trước đây, và ông trở thành kẻ xay cối thấp hèn. Rồi ông bị hạ nhục khi người Phi-li-tia nhóm lại để ăn mừng. Chúng dâng vật tế lễ rất lớn cho thần giả của chúng là Đa-gôn, như thể thần ấy đã phó Sam-sôn vào tay chúng. Chúng giải Sam-sôn ra khỏi ngục và đem đến buổi tiệc để làm trò mua vui.—Quan 16:​21-25.

Đức Giê-hô-va ban sức mạnh cho Sam-sôn để thi hành sự phán xét của ngài trên dân Phi-li-tia (Xem đoạn 15)

15. Sam-sôn cho thấy một lần nữa ông lại nương cậy nơi Đức Giê-hô-va như thế nào? (Quan xét 16:​28-30) (Xem hình nơi trang bìa).

15 Sam-sôn đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng nhưng ông không bỏ cuộc. Ông tìm cơ hội để thực hiện nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao, đó là chống lại người Phi-li-tia. (Đọc Quan xét 16:​28-30). Sam-sôn nài xin Đức Giê-hô-va: “Hãy để con trả thù dân Phi-li-tia”. Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu xin của ông và khôi phục sức mạnh phi thường cho ông. Kết quả là vào dịp đó, Sam-sôn đã giết nhiều người Phi-li-tia hơn bao giờ hết.

16. Chúng ta học được gì từ lỗi lầm của Sam-sôn?

16 Dù chịu hậu quả đau thương vì lỗi lầm của mình, Sam-sôn vẫn cố gắng thực hiện ý muốn của Đức Giê-hô-va. Tương tự, ngay cả khi phạm lỗi lầm khiến mình bị khiển trách hoặc mất đặc ân thì chúng ta đừng bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ cho chúng ta (Thi 103:​8-10). Dù phạm lỗi lầm, chúng ta vẫn có thể hữu dụng đối với Đức Giê-hô-va, như Sam-sôn.

Có lẽ Sam-sôn cảm thấy rất tồi tệ về lỗi lầm của mình, nhưng ông đã không bỏ cuộc. Chúng ta cũng nên làm thế (Xem đoạn 17, 18)

17, 18. Điều gì trong kinh nghiệm của anh Michael khích lệ anh chị? (Cũng xem hình).

17 Hãy xem trường hợp của một anh trẻ tên Michael. Anh rất bận rộn trong các hoạt động thần quyền, phụng sự với tư cách là phụ tá hội thánh và tiên phong đều đều. Nhưng đáng buồn là anh đã phạm lỗi lầm, khiến anh mất các đặc ân trong hội thánh. Anh nói: “Cho đến thời điểm đó, tôi hoạt động rất tích cực trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Rồi đột nhiên tôi cảm thấy như bị khựng lại. Tôi chưa từng nghĩ Đức Giê-hô-va sẽ từ bỏ mình, nhưng băn khoăn liệu mối quan hệ của mình với ngài có thể nào trở lại như xưa không, hoặc liệu mình có thể phụng sự ngài tích cực như trước đây không”.

18 Điều đáng khen là anh Michael đã không bỏ cuộc. Anh cho biết thêm: “Tôi tập trung vào việc hàn gắn mối quan hệ với Đức Giê-hô-va bằng cách đều đặn mở lòng mình với ngài qua việc cầu nguyện, cũng như học hỏi và suy ngẫm”. Với thời gian, anh được nhận lại các đặc ân trong hội thánh. Hiện nay anh là trưởng lão và tiên phong đều đều. Anh nói: “Sự hỗ trợ và khích lệ mà tôi nhận được, đặc biệt từ các trưởng lão, đã giúp tôi nhận ra rằng Đức Giê-hô-va vẫn yêu thương mình. Giờ đây tôi lại có thể phụng sự trong hội thánh với lương tâm trong sạch. Qua kinh nghiệm này, tôi học được rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ cho bất cứ ai thật lòng ăn năn”. Chúng ta có thể tin chắc rằng dù đã phạm lỗi lầm, chúng ta vẫn có thể hữu dụng đối với Đức Giê-hô-va và được ngài ban phước, miễn là mình cố gắng hết sức để thay đổi đường lối và tiếp tục nương cậy nơi ngài.—Thi 86:5; Châm 28:13.

19. Gương của Sam-sôn củng cố anh chị như thế nào?

19 Bài này đã xem xét một số sự kiện đáng chú ý trong cuộc đời của Sam-sôn. Ông không hoàn hảo; nhưng ông đã không bỏ cuộc trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, ngay cả sau khi phạm lỗi lầm liên quan đến Đa-li-la. Và Đức Giê-hô-va không từ bỏ ông. Ngài đã dùng ông một lần nữa theo cách phi thường. Đức Giê-hô-va vẫn xem Sam-sôn là người có đức tin nổi bật, liệt kê tên ông trong danh sách những tôi tớ trung thành nơi Hê-bơ-rơ chương 11. Thật ấm lòng khi biết mình đang phụng sự Cha trên trời đầy yêu thương như thế, đấng mong muốn ban sức mạnh cho chúng ta, đặc biệt khi mình yếu đuối! Vậy, như Sam-sôn, hãy nài xin Đức Giê-hô-va: “Xin nhớ đến con,… xin ban sức mạnh cho con”.—Quan 16:28.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con

a Sam-sôn là nhân vật trong Kinh Thánh mà nhiều người quen thuộc, ngay cả những người biết rất ít về Kinh Thánh. Có những vở kịch, bài hát và bộ phim được xây dựng dựa trên câu chuyện của ông. Tuy nhiên, cuộc đời của ông không chỉ là câu chuyện thú vị. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ người đàn ông có đức tin mạnh mẽ này.