BÀI HỌC 38
Hỡi các bạn trẻ, cuộc đời bạn sẽ ra sao?
“Sự thông sáng sẽ bảo vệ con”.—CHÂM 2:11.
BÀI HÁT 135 Đức Giê-hô-va mến gọi: ‘Hỡi con, hãy khôn ngoan!’
GIỚI THIỆU a
1. Giê-hô-ách, U-xi-a và Giô-si-a đã ở trong hoàn cảnh khó khăn nào?
Bạn hãy hình dung mình trở thành vua của dân Đức Chúa Trời khi còn nhỏ hoặc là thanh thiếu niên. Bạn sẽ dùng thế lực và quyền hành như thế nào? Kinh Thánh tường thuật về một số người trở thành vua của Giu-đa từ khi còn rất trẻ. Chẳng hạn, Giê-hô-ách mới chỉ 7 tuổi, U-xi-a 16 tuổi và Giô-si-a 8 tuổi. Hãy nghĩ về áp lực mà họ phải chịu. Mặc dù có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng cả ba người trẻ ấy nhận được sự giúp đỡ cần thiết để vượt qua thử thách và sống cuộc đời hữu ích.
2. Tại sao chúng ta nên chú ý đến gương của Giê-hô-ách, U-xi-a và Giô-si-a?
2 Dù không phải là vua hay nữ hoàng, nhưng chúng ta có thể rút ra những bài học quý báu từ ba nhân vật Kinh Thánh ấy. Họ có những quyết định khôn ngoan nhưng cũng có những quyết định thiếu khôn ngoan. Khi xem xét gương của họ, chúng ta sẽ thấy tại sao mình cần chọn bạn tốt, giữ sự khiêm nhường và tiếp tục tìm kiếm Đức Giê-hô-va.
CHỌN BẠN TỐT
3. Nhờ sự dạy dỗ của thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa, Giê-hô-ách đã có quyết định khôn ngoan nào?
3 Hãy có quyết định khôn ngoan như Giê-hô-ách. Khi còn trẻ, vua Giê-hô-ách đã có quyết định khôn ngoan. Cha ông đã qua đời, và ông làm theo sự hướng dẫn của thầy tế lễ thượng phẩm trung thành là Giê-hô-gia-đa. Thầy tế lễ này đã dạy dỗ Giê-hô-ách như con ruột của mình. Nhờ thế, Giê-hô-ách đã có quyết định khôn ngoan là dẫn đầu sự thờ phượng thanh sạch và phụng sự Đức Giê-hô-va. Giê-hô-ách còn sắp đặt để tu bổ đền thờ của ngài.—2 Sử 24:1, 2, 4, 13, 14.
4. Khi quý trọng những điều răn của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ nhận lợi ích nào? (Châm ngôn 2:1, 10-12)
4 Nếu được cha mẹ dạy dỗ để yêu thương Đức Giê-hô-va và sống theo các tiêu chuẩn của ngài, thì bạn nhận được một món quà quý giá. (Đọc Châm ngôn 2:1, 10-12). Cha mẹ có thể huấn luyện con cái theo nhiều cách. Hãy xem cha của chị Katya đã giúp chị như thế nào để có quyết định khôn ngoan. Hằng ngày khi đưa chị đến trường, cha chị đã thảo luận câu Kinh Thánh mỗi ngày với chị. Chị cho biết: “Những cuộc thảo luận đó đã giúp tôi đối phó với các tình huống khó khăn mà mình gặp phải trong ngày”. Nói sao nếu sự hướng dẫn dựa trên Kinh Thánh của cha mẹ có vẻ gò bó? Điều gì có thể giúp bạn chấp nhận sự hướng dẫn ấy? Một chị tên Anastasia nhớ lại cha mẹ đã dành thời gian để giải thích tại sao họ đặt ra một số luật lệ. Chị cho biết: “Điều đó đã giúp tôi chấp nhận những luật lệ ấy, xem chúng không chỉ là hạn chế nhưng là sự bảo vệ yêu thương”.
5. Hành động của bạn ảnh hưởng đến cha mẹ và Đức Giê-hô-va như thế nào? (Châm ngôn 22:6; 23:15, 24, 25)
5 Khi áp dụng lời khuyên dựa trên Kinh Thánh mà mình nhận được, bạn sẽ làm cha mẹ vui lòng. Quan trọng hơn, bạn sẽ làm Đức Chúa Trời vui lòng và vun đắp tình bạn lâu bền với ngài. (Đọc Châm ngôn 22:6; 23:15, 24, 25). Chẳng phải đó là lý do chính đáng để noi theo gương của Giê-hô-ách khi ông còn trẻ sao?
6. Sau khi Giê-hô-gia-đa qua đời, Giê-hô-ách đã nghe theo lời khuyên của ai, và hậu quả là gì? (2 Sử ký 24:17, 18)
6 Rút ra bài học từ quyết định thiếu khôn ngoan của Giê-hô-ách. Sau khi Giê-hô-gia-đa qua đời, Giê-hô-ách chọn kết hợp với bạn bè xấu. (Đọc 2 Sử ký 24:17, 18). Ông quyết định nghe theo những vị quan Giu-đa không yêu mến Đức Giê-hô-va. Hẳn bạn đồng ý rằng đáng lẽ Giê-hô-ách phải tránh những người gây vấn đề ấy (Châm 1:10). Nhưng ông lại nghe theo họ. Khi anh họ của Giê-hô-ách là Xa-cha-ri cố sửa sai ông, Giê-hô-ách đã xử tử Xa-cha-ri (2 Sử 24:20, 21; Mat 23:35). Thật kinh khủng và dại dột! Lúc đầu Giê-hô-ách là vị vua trung thành, nhưng đáng buồn là ông trở thành kẻ bội đạo và kẻ giết người. Cuối cùng, ông bị chính các tôi tớ mình giết (2 Sử 24:22-25). Hẳn cuộc đời của ông đã hoàn toàn khác nếu ông tiếp tục nghe theo Đức Giê-hô-va và những người yêu mến ngài! Bạn rút ra bài học nào từ gương của ông?
7. Bạn nên chọn những ai làm bạn? (Cũng xem hình).
7 Một bài học có thể rút ra từ quyết định thiếu khôn ngoan của Giê-hô-ách là chúng ta cần chọn những người bạn có ảnh hưởng tốt đến mình, là những người yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn làm ngài vui lòng. Chúng ta không chỉ kết bạn với người đồng trang lứa. Hãy nhớ rằng Giê-hô-ách nhỏ tuổi hơn bạn của ông là Giê-hô-gia-đa rất nhiều. Liên quan đến việc chọn bạn, hãy tự hỏi: “Họ có giúp mình củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va không? Họ có khuyến khích mình sống theo tiêu chuẩn của ngài không? Họ có nói về ngài và những sự thật quý giá trong Kinh Thánh không? Họ có tôn trọng các tiêu chuẩn của ngài không? Họ chỉ nói với mình những điều êm tai, hay họ can đảm sửa sai khi mình lạc lối?” (Châm 27:5, 6, 17). Thành thật mà nói, nếu bạn của mình không yêu mến Đức Giê-hô-va thì mình không cần họ. Nhưng nếu họ yêu mến Đức Giê-hô-va, hãy giữ chặt tình bạn với họ. Họ sẽ luôn là nguồn trợ giúp cho bạn.—Châm 13:20.
8. Nếu dùng mạng xã hội, chúng ta cần xem xét điều gì?
8 Mạng xã hội có thể là phương tiện hữu ích để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, nhiều người dùng phương tiện này để gây ấn tượng với người khác. Họ đăng hình và video về những gì họ mua hoặc làm. Nếu dùng mạng xã hội, hãy tự hỏi: “Có phải động cơ của mình là để gây ấn tượng với người khác không? Mục tiêu của mình là để xây dựng người khác, hay để người khác tán dương mình? Mình có để những người dùng mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, lời nói và hành động của mình không?”. Anh Nathan Knorr, từng là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo, đã khuyên như sau: “Đừng cố làm vừa lòng người ta. [Bạn] sẽ chẳng làm hài lòng được ai đâu. Hãy làm hài lòng Đức Giê-hô-va, thì [bạn] sẽ làm vui lòng tất cả những người yêu mến Đức Giê-hô-va”.
CẦN GIỮ SỰ KHIÊM NHƯỜNG
9. Đức Giê-hô-va đã giúp U-xi-a thực hiện những gì? (2 Sử ký 26:1-5)
9 Hãy có quyết định khôn ngoan như U-xi-a. Khi còn trẻ, vua U-xi-a đã khiêm nhường. Ông học để “kính sợ Đức Chúa Trời”. Ông đã hưởng thọ 68 tuổi và được Đức Giê-hô-va ban phước trong phần lớn cuộc đời. (Đọc 2 Sử ký 26:1-5). U-xi-a đánh bại nhiều kẻ thù của nước mình và củng cố hệ thống phòng thủ của Giê-ru-sa-lem (2 Sử 26:6-15). Chắc chắn, U-xi-a vui về mọi điều mà Đức Giê-hô-va đã giúp ông thực hiện.—Truyền 3:12, 13.
10. Điều gì đã xảy ra với U-xi-a?
10 Rút ra bài học từ quyết định thiếu khôn ngoan của U-xi-a. Vua U-xi-a đã quen ra lệnh cho người khác. Có phải điều đó khiến ông nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn? Một ngày nọ, U-xi-a quyết định vào đền thờ của Đức Giê-hô-va và hành động tự phụ khi cố đốt hương trên bàn thờ, là điều mà các vị vua không được phép làm (2 Sử 26:16-18). Thầy tế lễ thượng phẩm A-xa-ria đã cố sửa sai ông nhưng U-xi-a rất tức giận. Đáng buồn là danh tiếng mà ông gây dựng bấy lâu đã bị hủy hoại và ông bị trừng phạt bằng bệnh phong cùi (2 Sử 26:19-21). Hẳn cuộc đời của ông đã hoàn toàn khác nếu ông giữ sự khiêm nhường!
11. Điều gì cho thấy chúng ta có khiêm nhường hay không? (Cũng xem hình).
11 Khi trở nên hùng mạnh, U-xi-a quên rằng sự hùng mạnh và thịnh vượng mà ông có là đến từ Đức Giê-hô-va. Bài học là gì? Chúng ta nên nhắc nhở mình rằng những ân phước và đặc ân mình có là đến từ Đức Giê-hô-va. Thay vì khoe về những thành quả của mình, chúng ta nên quy mọi công trạng cho ngài b (1 Cô 4:7). Chúng ta phải khiêm nhường nhìn nhận rằng mình bất toàn và cần sự sửa dạy. Một anh ngoài 60 tuổi viết: “Tôi tập để không quá nhạy cảm. Khi dại dột phạm lỗi và nhận được sự sửa dạy, tôi cố gắng đứng dậy và tiến về phía trước”. Sự thật là khi kính sợ Đức Giê-hô-va và tiếp tục giữ cái nhìn khiêm nhường về bản thân, thì chúng ta sẽ có đời sống hạnh phúc.—Châm 22:4.
TIẾP TỤC TÌM KIẾM ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
12. Khi còn trẻ, Giô-si-a đã tìm kiếm Đức Giê-hô-va như thế nào? (2 Sử ký 34:1-3)
12 Hãy có quyết định khôn ngoan như Giô-si-a. Giô-si-a mới là thanh thiếu niên khi bắt đầu tìm kiếm Đức Giê-hô-va. Ông muốn học về Đức Giê-hô-va và làm theo ý muốn ngài. Tuy nhiên, vị vua trẻ này có đời sống không hề dễ dàng. Ông cần chọn đứng về phía sự thờ phượng thanh sạch khi sự thờ phượng sai lầm lan tràn. Và ông đã can đảm làm thế! Chưa đầy 20 tuổi, ông bắt đầu loại bỏ sự thờ phượng sai lầm khỏi xứ.—Đọc 2 Sử ký 34:1-3.
13. Việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống của bạn?
13 Ngay cả khi rất trẻ, bạn có thể quyết định noi gương Giô-si-a bằng cách tìm kiếm Đức Giê-hô-va và học về các đức tính tuyệt vời của ngài. Điều đó sẽ thúc đẩy bạn dâng mình cho ngài. Sự dâng mình ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống của bạn? Anh Luke đã báp-têm năm 14 tuổi. Khi dâng mình, anh nói: “Từ nay trở đi, em sẽ đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống và cố gắng làm ngài vui lòng” (Mác 12:30). Thật tốt biết bao nếu bạn cũng muốn làm thế!
14. Hãy nêu ví dụ về cách mà một số người trẻ noi gương vua Giô-si-a.
14 Các tôi tớ trẻ của Đức Giê-hô-va có thể gặp những khó khăn nào? Johan, người đã báp-têm năm 12 tuổi, kể về việc mình bị bạn bè gây áp lực để dùng vape, tức thuốc lá điện tử. Để có sức kháng cự áp lực đó, Johan nhắc nhở chính mình rằng vape có thể gây hại cho sức khỏe lẫn tình bạn của mình với Đức Giê-hô-va. Rachel, người báp-têm năm 14 tuổi, giải thích điều đã giúp mình đương đầu với những khó khăn ở trường. Bạn ấy cho biết: “Em cố gắng tìm điều gì đó giúp mình nghĩ đến điều thiêng liêng. Chẳng hạn, một bài học lịch sử có thể nhắc em nhớ đến một lời tường thuật hoặc một lời tiên tri trong Kinh Thánh. Hay một cuộc trò chuyện có thể nhắc em nhớ đến một câu Kinh Thánh hữu ích mà mình có thể chia sẻ với người khác”. Có thể những thử thách mà bạn gặp phải không giống với điều mà vua Giô-si-a đã đương đầu, nhưng bạn có thể khôn ngoan và trung thành giống như ông. Việc đương đầu với thử thách khi còn trẻ sẽ trang bị cho bạn để đối mặt với những thử thách trong tương lai.
15. Điều gì đã giúp Giô-si-a phụng sự Đức Giê-hô-va trung thành? (2 Sử ký 34:14, 18-21)
15 Khi trưởng thành, vua Giô-si-a bắt đầu tu bổ đền thờ. Trong khi công việc ấy diễn ra, người ta tìm thấy “sách Luật pháp của Đức Giê-hô-va được ban qua Môi-se”. Khi nghe đọc sách ấy, vua Giô-si-a đã được thúc đẩy để điều chỉnh phù hợp với những gì ghi trong đó. (Đọc 2 Sử ký 34:14, 18-21). Bạn có muốn đọc Kinh Thánh đều đặn không? Nếu đang cố gắng làm thế, thì chương trình đọc của bạn đến đâu rồi? Bạn có cách để ghi nhớ những câu Kinh Thánh hữu ích cho chính mình không? Anh Luke, được đề cập ở trên, ghi ra cuốn sổ những điểm mà mình thích. Bạn có thể làm điều tương tự để ghi nhớ những câu Kinh Thánh hoặc điểm mà mình thích không? Càng tìm hiểu và yêu mến Kinh Thánh, bạn sẽ càng muốn phụng sự Đức Giê-hô-va. Và như vua Giô-si-a, Lời Đức Chúa Trời sẽ thúc đẩy bạn làm điều đúng.
16. Tại sao Giô-si-a phạm lỗi lầm nghiêm trọng, và bài học là gì?
16 Rút ra bài học từ quyết định thiếu khôn ngoan của Giô-si-a. Khi Giô-si-a khoảng 39 tuổi, ông phạm một lỗi lầm nghiêm trọng và phải trả giá bằng mạng sống của mình. Ông tin cậy chính mình thay vì xin sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va (2 Sử 35:20-25). Trường hợp của ông dạy chúng ta một bài học. Cho dù bao nhiêu tuổi hoặc đã tìm hiểu Kinh Thánh bao lâu, chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm Đức Giê-hô-va. Điều đó bao gồm việc đều đặn cầu xin sự hướng dẫn của ngài, học hỏi Lời ngài và lắng nghe lời khuyên của các tín đồ thành thục. Khi làm thế, chúng ta sẽ giảm thiểu nguy cơ phạm những lỗi lầm nghiêm trọng và gia tăng khả năng có đời sống hạnh phúc.—Gia 1:25.
HỠI CÁC BẠN TRẺ, BẠN CÓ THỂ CÓ ĐỜI SỐNG HẠNH PHÚC
17. Chúng ta có thể rút ra những bài học quan trọng nào từ ba vị vua của Giu-đa?
17 Có nhiều cơ hội tuyệt vời mở ra cho các bạn trẻ. Lời tường thuật về Giê-hô-ách, U-xi-a và Giô-si-a cho thấy rằng những người trẻ có thể có quyết định khôn ngoan và có đời sống làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Đành rằng những vị vua ấy cũng phạm lỗi lầm nhưng chúng ta có thể noi theo các điểm tốt của họ và tránh những lỗi lầm mà họ đã phạm. Khi làm thế, chúng ta có thể có đời sống hạnh phúc.
18. Những gương nào trong Kinh Thánh cho thấy bạn có thể có đời sống hạnh phúc? (Cũng xem hình).
18 Kinh Thánh cũng tường thuật về những người trẻ khác đã đến gần Đức Giê-hô-va, nhận được ân huệ của ngài và có đời sống hạnh phúc. Một trường hợp trong số đó là Đa-vít. Khi còn trẻ, ông đã chọn đứng về phía Đức Chúa Trời và sau này trở thành vị vua trung thành. Đành rằng đôi khi ông cũng phạm sai lầm, nhưng Đức Giê-hô-va xem ông là người trung thành (1 Vua 3:6; 9:4, 5; 14:8). Bạn sẽ được khích lệ khi học về cuộc đời của ông và được thúc đẩy để trung thành phụng sự ngài. Bạn cũng có thể nghiên cứu về gương của Mác hay Ti-mô-thê. Bạn sẽ thấy họ phụng sự Đức Giê-hô-va từ khi còn trẻ, có được danh tiếng tốt trước mắt ngài và có đời sống hạnh phúc.
19. Bạn có thể có đời sống như thế nào?
19 Cách bạn dùng đời sống của mình ngay bây giờ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của bạn trong tương lai. Nếu tin cậy Đức Giê-hô-va thay vì sự hiểu biết của riêng mình, ngài sẽ dẫn đưa bước của bạn (Châm 20:24). Bạn có thể có một đời sống hạnh phúc và đầy ân phước. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va quý trọng mọi điều bạn làm cho ngài. Thật vậy, việc phụng sự Cha trên trời đầy yêu thương là cách tốt nhất để dùng đời sống mình!
BÀI HÁT 144 Hãy đặt phần thưởng trước mặt luôn!
a Hỡi các bạn trẻ, Đức Giê-hô-va biết bạn phải đương đầu với những thử thách có thể khiến mình khó làm điều đúng và khó duy trì tình bạn với ngài. Làm thế nào bạn có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan làm vui lòng Cha trên trời? Chúng ta sẽ xem xét gương của ba người trẻ đã trở thành vua của Giu-đa. Hãy xem bạn có thể học được điều gì từ những quyết định của họ.
b Xem khung “Hãy coi chừng việc giả vờ khiêm tốn để khoe khoang” trong bài “Nổi tiếng trên mạng xã hội quan trọng đến mức nào?” trên jw.org.